Làm sao đỡ nợ tiền student loan? |
Tác Giả: Vann Phan | |||
Thứ Hai, 24 Tháng 5 Năm 2010 21:15 | |||
Trong thập niên rồi, trên toàn quốc Hoa Kỳ, mức nợ trung bình của một sinh viên qua các món tiền vay để đi học đã cao hơn gấp đôi trước kia, lên tới $19,000, đó là theo nhóm Project on Student Debt cho biết. Tình trạng này phần lớn là do mức học phí gia tăng nhanh chóng cũng như số tiền cho sinh viên vay ngày một sẵn sàng hơn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp có những món nợ vượt quá mức lương hằng năm vào lúc họ khởi sự đi làm, nhưng họ lại không có cách nào tránh được tình trạng này cả. Số tiền sinh viên vay để đi học đã tăng từ $2.7 triệu hồi niên khóa 2001-2002 lên tới $6.8 triệu trong niên khóa 2005-2006, tức là tăng tới 151%. Con số này vượt xa mức gia tăng sĩ số 26% của các trường cũng trong thời gian đó. Ngày vui ra trường cũng là ngày bắt đầu phải lo trả lại nợ học! (Hình: Getty Images) Ông Rosenberger nói rằng mức học phí gia tăng vượt xa mức lạm phát. Ngay cả tại trường đại học thì chi phí đã lên cao rồi, vì thế sinh viên lại càng mượn thêm tiền. Ðó là điều thật đáng sợ. Từ trước tới nay, chưa hề có lúc nào mà sinh viên lại vay tiền học được dễ dàng như bây giờ. Hầu như sinh viên nào cũng có thể vay tiền của liên bang, bất kể nhu cầu cần dùng vào việc gì, và mức giới hạn của số tiền được cho vay ngày càng được nới lỏng. Những món tiền cho vay đi học của tư nhân cũng sẵn đó để cho sinh viên lấy mà dùng. Sandy Baum, một nhà phân tích chính sách kỳ cựu của nhóm bảo vệ nền giáo dục The College Board nhận định rằng chiều hướng hiện nay là sinh viên đã vay tiền học nhiều quá, và họ đang bị nợ ngập đầu. Vẫn theo lời của nhà phân tích Baum thì trong khi hầu hết sinh viên đều có đủ khả năng trả hết số tiền họ vay, ngày càng có thêm nhiều sinh viên vẫn phải ôm lấy các món nợ lúc đi học mà cho dù có lấy xong bằng đại học các sinh viên đó cũng không đủ khả năng trả dứt. Sau đây là một số bí quyết giúp cho sinh viên vẫn có thể vay tiền đi học nhưng tránh được tình trạng nợ đại học ngập đầu khiến họ đâm ra vất vả khi ra trường và đi làm việc. Phải thực tế Bước đầu tiên tốt đẹp là sinh viên phải đo lường trước được mức thu nhập của mình so với số tiền học mà mình định vay, đó là lời khuyên của Jacqueline King, một cố vấn của Hội Ðồng Giáo Dục Hoa Kỳ. Bà King, giám đốc trung tâm phân tích chính sách của hội đồng này, nói rằng “một sinh viên ngành kịch nghệ không nên vay tiền quá mức bình thường, nhưng một sinh viên ngành điện toán hoặc kinh doanh thì có thể có nhiều điều kiện hơn để trả dứt nợ đi học.” Chịu khó tra cứu và tham khảo Các chuyên gia đều đồng ý rằng sinh viên bắt buộc phải dành thì giờ tra cứu và tham khảo hẳn hoi trước khi vay tiền học. Theo ý kiến của bà King thì trước khi vay tiền, sinh viên phải tra cứu nhiều nguồn trợ cấp tiền học và học bổng sẵn có và xin vay loại tiền nào mà mình hội đủ điều kiện. Ðôi khi một trường đại học mắc tiền hơn mà trên thực tế lại rẻ tiền hơn cho sinh viên theo học, bởi vì trường đó kế hoạch tài trợ học hành tốt hơn. Ði làm Giám đốc King nói rằng làm việc bán thời gian có thể là một cách thế tốt để giảm thiểu số tiền mà sinh viên cần vay để đi học. Dầu vậy, vẫn có một số trường hợp theo đó đi làm bán thời gian có thể có hại. Bà King giải thích: “Nếu sinh viên làm việc nhiều quá mà ra trường trễ, chuyện này sẽ làm cho họ tốn thêm tiền. Sinh viên cần phải bước chân ra thị trường việc làm càng sớm càng tốt.” Trên thực tế, có nhiều sinh viên đã phải bỏ học mà không tốt nghiệp được chỉ vì làm việc nhiều giờ quá, khiến cho việc trả lại tiền vay càng thêm khó khăn. Coi lại chi phí học hành Chi phí học hành thay đổi đáng kể trong số các trường đại học, và sinh viên phải đi dò giá các nơi, đó là ý kiến của cố vấn học đường Kristen A. Simons thuộc trường Conrad Weiser High School. Bà nói: “Sự chọn lựa này dẫu sao cũng phải thích nghi với ngôi trường lý tưởng của sinh viên, nhưng sinh viên cũng phải cứu xét tới mức học phí và số lượng tiền tài trợ học đường có sẵn, và rồi chọn trường đại học nào tốt nhất cho mình cả về hai mặt giáo dục và tài chánh.” Không chê các trường đại học cộng đồng Nhiều sinh viên theo học một hoặc hai năm tại một trường đại học cộng đồng ở địa phương trước khi chuyển các tín chỉ đại học sang một trường đại học hệ 4 năm. Jan C. Johnson, một vị cố vấn chuyên hướng dẫn học sinh tại Gov. Miffin High School, nói rằng việc này chẳng những giúp tiết kiệm tiền học mà lại tiết kiệm thêm các chi phí khác nhờ sinh viên sống tại nhà trong khi theo học trường cộng đồng đó. Ông nói: “Ngày càng có nhiều phụ huynh, sinh viên và nhà giáo dục nhận thức được rằng các trường đại học cộng đồng cung ứng một nền giáo dục hoàn hảo và là nơi có nhiều tín chỉ chuyển được lên các trường đại học 4 năm.” Nhưng Ben Rosenberger, một giám đốc tài trợ học vấn, ghi nhận rằng các sinh viên theo học tại Reading Area Community College ở Reading, Pennsylvania, vẫn còn cần phải vay thêm tiền học. Ðừng sợ hãi Sinh viên chớ có quá sợ về tiền nợ mà bỏ học đại học, đó là lời của Mary Ellen Duffy, giám đốc tài trợ học vấn tại đại học Albright College cũng ở Reading, Pennsylvania, là nơi 85% sinh viên vay tiền để trả học phí và các chi phí khác. Bà nói rằng đối với hầu hết sinh viên thì đây là một cuộc đầu tư tốt đẹp vào tương lai. Nhưng điều then chốt để tránh các món nợ không kiểm soát nổi là sinh viên phải tham khảo kỹ lưỡng về các món tiền nào tốt nhất để cho sinh viên vay, bởi vì phân lời và chi phí có thể cách biệt lớn lao. Phải khôn ngoan Theo ý kiến của phó giám đốc tài trợ học vấn Joan L. Holleran thuộc đại học Kutztown University ở Kutztown, Pennsylvania, thì các biện pháp dựa theo tri thức thông thường như mua những sách vở đã dùng rồi để học và sống tiện tặn cũng quan trọng, đồng thời tránh mắc nợ thẻ tín dụng nhiều quá, mà đây là một vấn đề ngày một trầm trọng trong giới sinh viên. Bà nói: “Một số sinh viên cứ muốn mua chương trình điện thoại di động tốt nhất, các máy móc điện tử tối tân nhất và đi ăn tiệm thường xuyên, rồi tất cả đều tính vào thẻ tín dụng của họ. Khi tốt nghiệp, họ không đủ sức trả nổi những món nợ này.” Bà cũng cảnh cáo chớ nên vay tiền để trả những món xa xỉ như đi chơi trong kỳ nghỉ Mùa Xuân. Nhà phân tích chính sách Baum nhắc lại một câu nói cũ nhưng vẫn còn giá trị: “Nếu bạn sống như một luật sư khi còn là sinh viên thì bạn sẽ phải sống như một sinh viên khi trở thành luật sư.” Phải biết tính toán Bà Baum nói rằng, như được tiên liệu, những sinh viên có nguy cơ gặp rắc rối nhiều nhất với nợ tiền học là sinh viên xuất thân từ những gia đình nghèo, bởi vì họ không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của gia đình để trả học phí hoặc các chi phí khác, và thế là tất cả gánh nặng của nợ nần đều trút xuống đầu những sinh viên này. Vẫn theo lời của bà Baum thì thông thường các sinh viên tốt nghiệp phải kiếm được nhiều tiền mới có thể tập trung khả năng trả lại các món tiền đã vay khi đi học. Nhưng theo tiêu chuẩn thì thật khó mà trả số tiền nợ nhiều hơn 8% số lương của mình. Bà nói: “Thật khó mà tưởng tượng được rằng mình phải trả lại từ 30,000 tới 40,000 Mỹ kim khi mình chỉ kiếm được có 20,000 Mỹ kim một năm.” Phó giám đốc tài trợ học vấn Holleran nói rằng trong khi nhiều bậc cha mẹ muốn giúp con em tiền ăn học đại học, ngày càng có ít số người dành dụm đủ tiền đề giúp con cái như thế. Ðó là lý do tại sao số tiền sinh viên vay để đi học gia tăng đối với những sinh viên mà nếu không có tài trợ học vấn thì sẽ không thể nào đi học đại học được. Nhà phân tích chính sách Baum đưa ra nhận xét: “Chừng nào mà sinh viên biết vay tiền một cách khôn ngoan và nhận được lời cố vấn giá trị thì họ sẽ không sao cả. Sinh viên phải lấy làm chắc rằng họ đừng bao giờ vay nhiều tiền hơn là mình cần hoặc nhiều hơn khả năng trả lại của mình.” (Nguồn: reading.eagle.com)
|