Các đặc điểm của nền giáo dục Hoa Kỳ |
Tác Giả: Vann Phan | |||
Thứ Sáu, 09 Tháng 10 Năm 2009 05:18 | |||
Ðối với nhiều người thuộc các nền văn hóa khác, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ có vẻ hết sức rộng lớn và đa dạng đến độ khó tìm thấy các điểm chung. Tuy nhiên, trong cái mớ phức tạp và “trăm hoa đua nở” đó, nền giáo dục Hoa Kỳ lại phản ảnh một cách xuất sắc lịch sử, văn hóa và các giá trị xã hội của một đất nước luôn luôn đổi mới và liên tục tiến bộ. Nhìn chung, nét đặc thù của nền giáo dục Hoa Kỳ được thể hiện qua các tính cách như tầm cỡ lớn lao, tổ chức hoàn bị, địa phương hóa rõ rệt, cạnh tranh mạnh mẽ, phẩm chất cao, và ngày càng đa văn hóa. 1. Tầm cỡ lớn lao Các trường học tại Hoa Kỳ -công cũng như tư, tiểu học và trung học, đại học công tiểu bang và đại học tư- chỗ nào cũng có, và Hoa Kỳ tiếp tục điều hành một trong các hệ thống giáo dục vĩ đại nhất thế giới. Theo các con số của Viện Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia Hoa Kỳ, trong niên khóa 2007-2008, có hơn 75 triệu trẻ em và người lớn ghi danh theo học tại các trường tiểu học, trung học và đại học tại Hoa Kỳ. Thêm vào đó, còn có khoảng 6.8 triệu giáo viên và giáo sư làm việc tại các trường từ mẫu giáo tới đại học. Theo Sở Thống Kê Hoa Kỳ, số học sinh và sinh viên theo học tại các trường công lập ở Hoa Kỳ gia tăng mạnh mẽ nhất là trong giai đoạn từ 1956 tới 1964, tức là sau Thế Chiến 2 và Chiến Tranh Triều Tiên. Trong những năm đầu thế kỷ thứ 21 này, sĩ số ghi danh tại các học đường Mỹ lại lên cao nhờ mức độ gia tăng mạnh mẽ của người dân Mỹ gốc Hispanic và các sắc dân nhập cư khác. Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ngày nay bao gồm khoảng 96,000 trường tiểu học và trung học, cộng với hơn 4,200 trường đại học, tính từ các trường đại học cỡ nhỏ hệ 2 năm cho đến các trường đại học tiểu bang cỡ lớn với các chương trình bậc cử nhân, cao học và tiến sĩ có sĩ số từ 30,000 sinh viên trở lên. Trong số các trường đại học, loại trường đại học công tiểu bang (state universities) thường có kích thước lớn lao hơn, bởi vì trên thực tế thì các trường này chiếm hơn phân nửa sĩ số sinh viên đại học trên toàn quốc. Các trường đại học tại Hoa Kỳ cạnh tranh nhau rất mạnh mẽ, một phần cũng là nhờ ở tính tự trị trong ngân sách của mỗi trường. Sự kiện này cũng giải thích tại sao nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ có phẩm chất giáo dục rất cao so với các học viện khác trên thế giới. Chi phí hằng năm dành cho hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ, tính trung bình, lên tới mức $878 tỉ. 2. Trường công và trường tư Có những trường công và tư trên toàn cõi liên bang Hoa Kỳ. Trong số phỏng định 55.8 triệu học sinh tiểu học và trung học trong niên khóa 2007-2008, có khoảng 6 triệu học sinh ghi danh theo học tại các trường tư, chiếm 11% sĩ số. Trong khi hầu hết các trường bậc tiểu học và trung học tại Hoa Kỳ là trường công, phân nửa các trường đại học tại đây là những trường tư, bao gồm những trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale và Georgetown. Các trường đại học công được tài trợ phần nào qua ngã thành phố và tiểu bang hoặc có khi là liên bang. Sinh viên cư trú tại thành phố hoặc tiểu bang nhà trả học phí thấp hơn bởi vì một phần số tiền thuế mà gia đình họ đóng đã được dùng để trợ giúp vào phần học phí của họ. Những sinh viên không thuộc quy chế thường trú tại Hoa Kỳ phải trả tiền học cao hơn. Các trường đại học tư (colleges và universities) được tài trợ phần chính là do lệ phí sinh viên phải đóng và tiền quyên tặng của các tổ chức tư nhân. Nhiều trường tư có liên hệ hoặc có gốc gác từ các tôn giáo như Công Giáo La Mã, Tin Lành, Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Sinh viên tại các đại học tư này không cần phải có đạo mới theo học được, nhưng họ phải lấy một số các lớp hoặc môn thần học liên hệ tới các tôn giáo nói trên mới đủ điều kiện tốt nghiệp. 3. Chi phí theo học đại học Chi phí theo học đại học tại Hoa Kỳ có thể thay đổi thật lớn lao, từ rất ít tiền cho tới khoảng $50,000 cho một niên khóa. Chi phí này bao gồm học phí, ăn ở và các chi tiêu về sách vở cũng như học cụ. Tính đổ đồng, chi phí theo học tại nhiều trường đại học có phẩm chất cao ở Hoa Kỳ là từ $20,000 cho tới $30,000 một năm. 4. Giá trị của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ Theo các con số thống kê năm 2008 của Sở Thống Kê Hoa Kỳ, số tiền lương trung bình mà một người Mỹ chỉ học tới lớp 9 (khoảng 16 tuổi) kiếm được là $25,900 một năm. Những người có bằng cử nhân (Bachelor's degree) kiếm được $45,000 một năm, và những người có bằng cao học (Master's degree) kiếm được $72,800 một năm. Những người có bằng tiến sĩ (cỡ Ph.D.) kiếm được trung bình $81,000 một năm. 5. Tính đa văn hóa trong giáo dục Hoa Kỳ Trong suốt 300 năm lịch sử dựng nước và phát triển đất nước Hoa Kỳ, các học đường là một trong những chốn nơi đầu tiên vừa hấp thụ vừa du nhập các nền văn hóa đa dạng của di dân từ khắp nơi trên thế giới tới định cư trên đất nước này. Các trường học tại Hoa Kỳ, cũng giống như xã hội bên ngoài, ngày càng đa dạng về chủng tộc và văn hóa. Hồi đầu thế kỷ thứ 20, con cái của các gia đình di dân -mà hầu hết là từ Nam và Ðông Âu-tràn ngập các trường công ở miền Ðông Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ. Ngày nay, các di dân mới tiếp tục làm thay đổi số lượng cũng như thành phần học sinh và sinh viên tại Hoa Kỳ, và số lượng học sinh và sinh viên nhập cư lớn nhất phải nói là đến từ các quốc gia Mỹ Châu La-tinh và Á Châu. Học sinh Mỹ gốc Phi Châu chiếm 17% sĩ số tại các trường tiểu học và trung học. Tuy vậy, học sinh gốc Hispanic đang chiếm sĩ số lớn nhất tại các trường công. Cũng là điều bình thường hiện nay khi thấy nhiều học sinh và sinh viên tại các trường học, đặc biệt là dọc theo duyên hải miền Ðông và miền Tây, lúc về tới nhà đã nói hằng chục thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, như tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt, bởi vì cha mẹ và ông bà họ là những di dân đến từ nước ngoài. Cũng chính vì thế mà, cho mãi tới bây giờ, các chương trình dạy tiếng Anh làm sinh ngữ thứ nhì vẫn giữ nguyên tầm mức quan trọng như hồi thế kỷ trước. Và mặc dù mang tính địa phương hóa và đa văn hóa như vậy, các trường công lập tại Hoa Kỳ vẫn mang một mẫu số chung và có mối liên hệ rất cao trên khía cạnh tổ chức và điều hành. Một sinh viên chuyển trường từ California sang Pennsylvania hoặc Georgia sẽ gặp những khác biệt đương nhiên phải có, nhưng, nhìn chung, nội dung các môn học thì ở đâu cũng thế. Ðiều cần ghi nhận là chính phủ liên bang Hoa Kỳ không hề bắt buộc các trường trên toàn quốc phải tuân theo một học trình chung hoặc bắt các trường phải dạy dỗ theo một tiêu chuẩn nào đó như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
|