Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Định Mệnh Từ Một Cái Tên…

Định Mệnh Từ Một Cái Tên… PDF Print E-mail
Tác Giả: ht, nguyễn   
Thứ Hai, 24 Tháng 10 Năm 2011 07:57

Tên của Nàng là một định mệnh!
Thứ định mệnh của mùa Thu. Cái mùa của màu hoang vàng, của chiều tà mang theo một chút gì đó của khắc khoải, của ngậm ngùi!
Lệ Thu!

 * Bước khởi nghiệp

Năm 1959, khi còn là một nữ sinh trung học của trường Les Lauriers với cái tên Bùi Thị Oanh. Trong những lời cổ vũ của bạn bè, Nàng lần đầu tiên bước lên sân khấu với ca khúc Dang Dở trước sự hưởng ứng của khán phòng lúc đó. Và hơn ai hết là người chủ phòng trà đã sáng suốt nhận ra những hứa hẹn từ một tiếng hát, và đã mời Nàng làm ca sĩ biểu diễn tại đây.

Kể từ đó cái tên Lệ Thu được hình thành, không dự đoán, không sắp đặt, và đơn giản chỉ vì muốn giấu gia đình mà thôi. Sau đó một thời gian Nàng quyết định rời ghế nhà trường chính thức là một ca sĩ chuyên nghiệp dưới ánh đèn sân khấu trên các vũ trường, cũng như trên hệ thống truyền hình, truyền thanh Sài Gòn thời bấy giờ.

Thu Uyên, là phiên bản mối tình giữa Nàng, Ca sĩ Lệ Thu và Ký giả Hồng Dương. Cuộc hôn nhân đổ vỡ trước biến cố 1975, đổ vỡ nào lại không đau! Và nỗi đau chôn vùi trong tiếng hát làm nên một Lệ Thu nức nở hơn nữa khi hát tình ca.
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, biến cố lịch sử mất nước đã làm dang dở bao cuộc đời. Đời người ca sĩ cũng chẳng được tha! Thương mẹ, Lệ Thu bâng khuâng nơi phi trường trong phút giây máy bay cất cánh. Nàng đã quyết định quay về bên mẹ, đón nhận một cuộc sống mới, một phần số định mệnh mới… Đó là những bái hát mới, mang tên những nhạc sĩ mới… về một Hà Nội mới.

Tháng 11 năm 1979 Lệ Thu đến đảo Pulau Bidong cùng con gái út. Và đến giữa năm 1980 định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1982 cả bốn mẹ con cùng đoàn tụ tại miền Nam Cali.

Hát Trên Đường Tử Sinh là băng nhạc đầu tiên Lệ Thu thực hiện tại Hải Ngoại. Và tiếp tục cộng tác với các trung tâm, cộng đồng đúng với cái tên yêu kiều Thu, Hát Cho Người.

* Dấu gạch nối
Dấu gạch nối, như thể là một hệ lụy không thể nào tách rời được giữa tên của ca khúc và tên của ca sĩ. Nói đến Ngậm Ngùi, Hương Xưa, Thuyền Viễn Xứ, Dạ Khúc (Serenade), Hoài Cảm, Chiếc Lá Cuối Cùng… và, Thu, Hát Cho Người là phải nhắc đến tiếng hát Lệ Thu.
Mặc dù theo lời của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tác giả của ca khúc tâm sự: Thiếu nữ trong ca khúc mang tên Thu Chuẩn, một nữ sinh trung học tại Thăng Bình tỉnh Quảng Nam trong khoảng thời gian 1963-1965.
Trong Thu, Hát Cho Người là một tình cờ đưa đến hiển nhiên là phải như thế! Như thể là ca khúc viết ra để dành riêng cho Lệ Thu, bởi không có một tiếng hát nào khi thành danh mà không hát ca khúc này. Nhưng có lẽ không dấu ấn nào sâu đậm trong giới thưởng ngoạn bằng tiếng hát vẫn là Lệ Thu.

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
….

Thu hát cho người,
Thu hát cho người, người yêu... ơi !
(Thu Hát Cho Người – Vũ Đức Sao Biển)

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết Nước Mắt Mùa Thu, dành riêng tặng Lệ Thu. Bài hát như một dấu ấn, như một vòng tròn không lối thoát giữa tên và định mệnh của người sở hữu, giữa mùa Thu và nước mắt!

Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên

Phạm Duy đã vẽ bước tranh đậm màu tang thương, Lệ Thu có công tô điểm thêm, chấm phá thêm bằng giải khăn tang màu đen qua âm điệu bình thản của nỗi đau làm cho mồ chôn người cũng chính là mồ chôn ái tình!?

Nước mắt mùa Thu khóc than triền miên.
Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài
Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi
Người xây ngục tối tình yêu lừa dối
Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh
Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình.
Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc
Mỏng manh vụt đến rồi tan tàn, như trăng thanh
Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh
Rồi, người xa người (tôi xa tôi).
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình.
(Nước Mắt Mùa Thu -  Phạm Duy)

Khóc!
Khóc, triền miên!
Khóc, than một mình!
Khóc, cho cuộc tình!
Khóc, cho hạnh phúc
Khóc, than phận mình!

Bài hát là một chuỗi liên tiếp những nỗi buồn. Nỗi buồn này chồng chất lên nỗi buồn khác… Và cuối cùng thành một tảng băng lớn, đóng khung đời người bằng một khối gỗ hình chữ nhật. Chấm hết!
Lệ Thu không kén chọn nhạc sĩ. Hát say sưa, hát như thể là là chính mình trải bày trong những ca khúc của Phạm Đình Chương, của Dương Thiệu Tước, của Cung Tiến, của Y Vân, của Trịnh Công Sơn, của Từ Công Phụng…
Nha Trang, nổi sóng cuồn cuộn trong trí nhớ của mỗi người ngay khi Lệ Thu cất tiếng hát “Khi tình tôi chít khăn tang. Ai gào ai giữa đêm trăng. Cho từng lớp sóng kêu than. Nha trang ngày về ngồi đây tôi lắng nghe…”.
Có cần phải về đâu? Có cần phải thấy đâu? Hạnh phúc hay nỗi đau đôi khi không cần phải nhìn, phải thấy mà nó vẫn canh cánh trong tim. Khẽ nhắm mắt để màu xanh của biển cũng làm xanh một nổi nhớ, xanh tình một yêu. Và hình như có cái vị mằn mặn đầu môi ta khi mà Lệ Thu nhả nhẹ tiếng than hờ hững trong xa vắng!

Khi tình tôi chít khăn tang
Ai gào ai giữa đêm trăng
Cho từng lớp sóng kêu than
Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi! Ôi đời!
Trời biển ơi! Không cố nuôi tình tôi
Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu đầy
Dã tràng ơi! Sao lấp cho vơi sầu này?
(Nha Trang Ngày Về - Phạm Duy)

*

Tóc ngắn từ thuở nào đến thuở nay. Không có sự hợm hĩnh trên sân khấu và đời thường. Chọn trang phục diễn là những chiếc áo dài Việt Nam. Chung thủy trong tình yêu là nguyên tắc sống của Lệ Thu. Cười bằng mắt nhiều hơn bằng môi.
Và,
tiếng hát Lệ Thu là những dòng nước mắt khô, lúc không người! Những dòng nước mắt trong hoang vắng! - (ht)

Mùa Thu 2011