Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Bùi Giáng, tiếng ca chung cục

Bùi Giáng, tiếng ca chung cục PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Sáu, 21 Tháng 10 Năm 2011 23:33

“Có những tác giả khép một chu kỳ và tiến tới vì một Tiếng Ca Chung Cục, vì một đối chiếu cuối cùng.” Bùi Giáng (1926 - 7 tháng 10, 1998) Thư Gửi René Char.

       Kỳ nữ Kim Cương (nàng thơ của Bùi Giáng) tại đám tang thi sĩ,
       cử hành vào lúc 7 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 10, 1998
       tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức. (Hình: Khởi Hành cung cấp)


I. Hình ảnh nào anh nhớ nhất về nhà thơ Bùi Giáng? Câu hỏi ấy của nhà văn trẻ Hoàng Mai Ðạt đặt ra cho tôi, qua điện thoại từ Ðài Phát Thanh Little Saigon Radio, vào sáng ngày Thứ Tư, 7 tháng 10, 1998, khi tin Bùi Giáng qua đời bắt đầu loan truyền. Tin ấy chuyển đến máy fax của tôi vào lúc sáng sớm. Mấy ngày trước tôi có gọi điện thoại nói chuyện với ông Bùi Văn Nam Sơn, chú của thi sĩ ở Sài Gòn. Cũng số điện thoại này, tôi nói chuyện thêm với cháu Thông, nên đã biết ai tín. Với câu hỏi của Ðạt, hình ảnh ấy hiện lên. Hình ảnh ấy in thật đậm trong lòng tôi, mặc dù tôi không nhìn thấy một lần. “Ổng dẫn một đàn chó đi ngang bùng binh chợ Bến Thành, con nào cũng được chằng lại bằng dây xích, kéo những cái lon rỗng, kêu rổn rảng. Lúc này trên nóc chợ đã cắm cờ đỏ sao vàng. Bộ đội canh gác bùng binh xô lại, dộng ông bằng báng súng. Tại vì ông mặc áo rằn ri của lính Việt Nam Cộng Hòa, chân đi giày saut...”

Ở ngoài nước, tôi nghe tin Bùi Giáng điên. Thời gian nghe tin này cũng là thời gian tới tấp bay đến những tin khác, như nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi đã được san bằng, không biết có ai kịp dời đi chăng xương cốt của Ðinh Hùng. Như anh Nguyễn Mạnh Côn đã chết ở Xuyên Mộc. Như anh Vũ Hoàng Chương đã không còn, như cháu Thúy Anh của tôi đã chìm châu Ðông Hải. Như ký giả Trần Ðại đã lỡ mọi bến bờ. Như nhà thơ (Trung tá) Mạc Ly Châu đã dùng súng tự sát ngay hồi tháng 5, 1975. Không điên cũng uổng, khi có tin nhà báo Tô Yến Châu thuốc chết bầy heo của anh, vì muốn ngả thịt một con, cán bộ bảo phải làm đơn xin phép. Như từ Khánh Hội qua nhà bạn ở Chí Hòa ngủ một đêm, phải làm đơn đủ ba con dấu...

Nhưng tin Bùi Giáng điên cũng không điên bằng những tin làm Bùi Giáng tỉnh. Một chú em có làm thơ ở Los Angeles nói trong quán cà phê: “Xì, Bùi Giáng là Việt Cộng. Chính tôi nhìn thấy cái giấy ổng khoe chứng nhận ổng là trung tá Quân Ðội Nhân Dân”... Tôi hiểu vì sao thi sĩ tôi yêu, Francois Villon, bị gọi là côn đồ ở Ba Lê. Tôi hiểu vì sao họa sĩ Gaughin, chủ soái hội họa dã thú, lột da gót chân một tên nói láo. Hình ảnh nào tôi nhớ nhất về nhà thơ Bùi Giáng?
 
II. Giải tỏ cái điên

Ông điên cuồng bữa hôm nay
Bởi từ Vô Cực ông cày bừa điên.
Con từ thục nữ thuyền quyên
Buồn vui bất chợt diện tiền giai nhân.

Cõi xa xôi?
Cõi gụi gần
Thành thân thiên hạ
thanh tân láng giềng.
Tuyệt vời quốc sắc thuyền quyên
Mòn con mắt đợi rã riêng cánh hồng.

Bờ mây trắng cuối chơn không
Chân trời diệu hữu phiêu bồng bê tha.
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ
Màu Hoa Cuối Cùng.
(Bùi Giáng, 1994, Chớp Biển, tr.145)

Cũng vẫn lại câu hỏi vào sáng ngày 7 tháng 10, hỏi tôi qua điện thoại của Ðài Phát Thanh. Anh có nghĩ là nhà thơ Bùi Giáng điên không? Tôi nói với người biên tập viên trẻ: Bùi Giáng không điên. Không hiểu tại sao tôi cứ nhớ tài tử Hoàng Vĩnh Lộc trong phim “Khi Người Ðiên Biết Yêu,” hơn là những vai trò đau khổ khác của anh. Có thể trí nhớ lầm lẫn, song mưa đổ ào ạt, đất trời giận dữ, người điên gào thét hay gầm gừ, chân tay bị xiềng xích và thân thể giam hãm trong một chiếc lồng, hay ít ra là sau những hàng chấn song sắt. Thế thì không được, không ai giam hãm được trái tim ta. Thế thì không được, Tình Yêu là tài sản của Thanh Xuân, kẻ đó phải bỏ xuống vạc dầu.
Bùi Giáng điên? Bùi Giáng có điên không? Người ta có đưa ông vào bệnh viện tâm thần, có tin như thế. Ðưa vào bệnh viện tâm thần không phải để chữa trị cái điên, vì bệnh chứng nào là bệnh chứng điên để hòng chữa trị, trừ phi bệnh chứng ấy gây ra từ một khiếm khuyết thể xác. Những ứng xử, hay từ khước ứng xử ở đời, nhìn chung như một triệu chứng bất thường, không thể chữa trị trong một bệnh viện. Bệnh viện có thể làm tê liệt đi những triệu chứng ấy, qua những trị liệu vật lý, chưa thấy từ bệnh viện điên hớn hở ra về một kẻ bình thường.

                     Nhà thơ Bùi Giáng. (Hình: Khởi Hành cung cấp)

Tôi thích bài thơ trên của Bùi Giáng. “Giải Tỏ Cái Ðiên.” Anh làm bài thơ này năm 1994. Anh giải tỏ cái điên bằng cách nói: “Bữa nay ông điên đây. Bữa nay ông điên bởi vì từ xưa ông điên. Ông điên bữa nay như giai nhân vui bữa nọ. Giai nhân vui bữa nọ vì bữa nay giai nhân buồn. Vui buồn của giai nhân cũng như khóe mắt của thuyền quyên không phải là cái nhìn của thục nữ. Nếu cái nhìn của thục nữ là khóe mắt của thuyền quyên, thì không điên cũng uổng. Mà thục nữ vui bất chợt, thuyền quyên buồn vô chừng. Hay thục nữ vui vô chừng, mà thuyền quyên buồn bất chợt, cứ diện tiền mà nhìn, thì cứ nhìn thôi cũng điên.”
 
Ông điên cuồng bữa hôm nay
Bởi từ vô cực ông cày bừa điên
Con từ thục nữ thuyền quyên
Buồn vui bất chợt diện tiền giai nhân.
 
Sao lại Ông với Con? Sao lại giải tỏ? Giải tỏ với ai, sao lại giải tỏ với người quốc sắc? Cứ người quốc sắc thì phải thuyền quyên, mà đã thuyền quyên thì hỡi ôi, làm sao thục nữ? Mà sao lại giải tỏ với thuyền quyên nay (thục nữ xưa) về cái điên? Hiểu được Ông thì Con phải điên lắm đấy con mới hiểu được.
Nhìn nhau trước mắt đã điên, thì mất nhau từ vô cực làm sao tỉnh. Ông cày bừa gì, ruộng đồng Trung Phước, mây trắng Lương Sơn? Cày bừa điên từ bờ Bắc tới bờ Nam, hay từ bờ hôm nay, tới bờ vô cực?
 
1. Người điên cái bóng cũng điên,
Người khùng cái mộng oan khiên cũng khùng
(Bùi Giáng, Xinh Tươi Ở Buồn Bã, Chớp Biển, tr.144)
 
2. Lúc xưa từng đã một lần
Nhìn con ngủ gục chín tầng say sưa
Ông điên từ bấy đến giờ...
(Bùi Giáng, Kể Từ Lúc, Chớp Biển, tr.20)
 
3. Tôi điên là bởi tôi điên
Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau
Tôi điên từ trước đến sau
(Bùi Giáng, Thơ Bùi Giáng, 1990, tr.204)
 
Ðoạn 3 Bùi Giáng làm trong năm 1990, in trong cuốn thơ do nhóm Việt Thường ở Montréal, Gia Nã Ðại xuất bản. Ðoạn thơ này như thế được làm vào 15 năm sau ngày miền Nam thay đổi một màu cờ. Cũng trong năm này, một lần nữa ông nói về cái điên của mình:
 
Ngu đần mà tưởng thông minh
Ồ vầng trăng ạ, bực mình làm sao
Ðập đầu tự tử thế nào
Cảo thơm lần giở mai sau một tờ
Ðiên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần...
(Tặng Bạn Ðiên, tr.173)

Thơ ấy tặng bạn điên, của một người đã tỉnh. Có ai ngờ đây là thơ Bùi Giáng:
 
Chào mừng xí nghiệp cao su
Huy hoàng hiền đức hức dù dương toa
(tr. 56)
 
Bài thơ xây dựng mộng người
Kỷ nguyên khắc phục vẹn mười cảo thơm
Xin chào lãnh tụ chon von
Nghìn thu lịch sử vuông tròn chữ O
Chữ O chứa chất ngàn kho
Hình cong chữ S còn to hơn nhiều.
(tr. 157)
 
Giảng nghĩa: Việt Nam bây giờ là một con số không. Bài thơ trên người cộng sản có thể nói: Ông thi sĩ này điên rồi. Ông ta chê cả lãnh tụ cao siêu và đất nước là những con số O. Ai điên được như thế ở Sài Gòn mà không bị nhốt vào nhà thương điên?
 
Người điên ta có gặp người
Người không điên, cũng là người gặp ta. (Bùi Giáng)