Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Franz Liszt - Xa Mãi Đường Tu...

Franz Liszt - Xa Mãi Đường Tu... PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Sáu, 02 Tháng 4 Năm 2010 17:40
nghệ thuật dương cầm của Liszt được xưng tụng là đệ nhất, còn cao hơn tài nghệ của Chopin.

 Nhạc Sĩ Dương Cầm Hung Gia Lợi Franz Liszt (October 22, 1811 – July 31, 1886).

Có người nào mà sau khi chết, có hai quốc gia đều cùng đòi “chủ quyền” trên di hài di cốt của mình để chôn cất như một thần tượng không? Nếu có thì hẳn là cũng không nhiều! Ðó là trường hợp của Franz Liszt, sinh năm 1811 trên một khu vực của Hung Gia Lợi nay thuộc nước Áo, tạ thế năm 1886 tại nước Ðức rồi được chôn ở đó. Mãi tới sau này, Hung Gia Lợi vẫn xin được mai táng một phần hài cốt của ông, mà chưa thấy nước Ðức trả lời.

Ðấy là chuyện đã ly kỳ về một thiên tài âm nhạc sau khi ông mất. Khi còn sống, cuộc đời của Liszt còn ly kỳ gấp bội.

Ông luôn luôn tự khẳng định rằng mình là người Hung Gia Lợi, và khẳng định bằng tiếng Pháp vì không nói tiếng Hung cho rành rọt! Âu Châu vào thời ấy có lẽ chưa có ranh giới lãnh thổ và ý niệm quốc gia như chúng ta nghĩ thời nay. Cũng tựa như truyện cổ bên Tầu vào các đời Xuân Thu Chiến Quốc, nếu có người sinh ở nước Tề, thành danh ở nước Vệ và dù tự xưng là thần dân của nhà Chu thì thật ra lại làm Tướng quốc của nước Yên, hay nước Sở. Ðọc truyện Ðông Chu Liệt Quốc của Tầu thì mình rối mù, nhưng mà không thấy thú như tìm hiểu cuộc đời của Liszt.

Khi còn bé, người viết phải thi tốt nghiệp trường nhạc ở nhà với một bài nhạc của Liszt viết tặng người tình là nàng Bá Tước Maria d'Agoult. Bài “Jeux d'Eau à la Villa d'Este,” mà mình có thể dịch cho thoát thành “Múa nước trong lâu đài Villa d'Este.” Tác phẩm là một diễn tả tuyệt vời bằng âm sắc dương cầm về một dàn nước nhảy múa lung linh trong một ngôi vườn nhiều tầng tại Ý. Nhưng nó cũng là một thách đố kỳ diệu cho người đánh dương cầm vì những đòi hỏi kỹ thuật mà chỉ một diệu thủ như Liszt mới viết nổi. Một chút ghi chú ở đây là phải rung phím tơ (trill) bằng cả hai tay mà theo nhịp tiết khác biệt và có những đoạn phải diễn tả dồn dập những âm thanh chuỗi arpèges, với những hợp âm (chord) chứ không chỉ là đơn âm (melody) trên những giai điệu trái ngược, v.v...

Thời sau, trong thế kỷ 20, có lẽ Claudio Arrau là dương cầm thủ có khả năng trình bày trung thực nhất. Nếu muốn nghe thì mình nên tìm ra đĩa nhạc này của ông.

Từ Liszt, các nhạc sĩ thượng thặng như Maurice Ravel hay Claude Debussy cũng dùng đàn dương cầm để ngợi ca điệu múa của nước mà có lẽ khó kết hợp nổi giá trị văn chương, ấn tượng và nhạc thuật như Liszt. Vì vậy, Quỳnh Giao vẫn bồi hồi nhớ mãi tới “Jeux d'Eaux” của Liszt và đã viết về Chopin trong mấy số trước thì không hễ quên được nhạc sĩ thực sự thiên tài này.

Hỏi người quê quán ở đâu thì Liszt nói rằng mình là người Hung. Thật ra, ông là công dân toàn cầu khi khái niệm toàn cầu vào thời ông vẫn chỉ là Âu Châu. Tổ phụ của ông là gốc Áo, tổ mẫu gốc Ðức, Liszt sống nhiều nhất là tại Pháp, hay Ý, hay Ðức và diễn tả tâm hồn Hung Gia Lợi bằng nhạc Gypsy của dân du mục Trung Âu! Nhưng dù nói tiếng Hung không rành, ông vẫn cố làm rạng danh cái tâm và cái trí của người Hung. Họ đòi đem hài cốt của ông chôn cất trên đất Hung Gia Lợi thì cũng có phần hợp lý.

Nhưng đấy không là mâu thuẫn duy nhất của Franz Liszt.

Còn bé thì Liszt được thân phụ ủy thác sứ mạng là thực hiện những gì ông cụ không toại nguyện, là trở thành một nhạc sĩ đại tài. Ðây là thảm kịch của nhiều người khi phải là “cánh tay nối dài” của cha mẹ. Nhiều nhạc sĩ nổi danh cùng thời ấy (Salieri và czerny) còn tin rằng cậu bé Franz Liszt này là hậu thân, một kiếp khác, của Mozart! Có lẽ, Beethoven cũng nghĩ như vậy về Liszt. Mà nếu kiểm lại thì các nhạc sĩ ấy không lầm, hoặc không nói quá lời. Liszt đánh đàn và viết nhạc từ khi còn rất trẻ và sống thọ hơn Mozart lẫn Chopin nên để lại cho hậu thế một di sản vĩ đại với những ảnh hưởng còn vang vọng trong âm nhạc và văn chương cho tới đời nay.

Nhưng, chuyện không chỉ có vậy. Franz Liszt là một nhạc sĩ đa tình và sùng đạo nhất.

Nói theo ngôn ngữ thông tục của chúng ta đời nay, ông là người “mê gái” từ khi tóc còn để chỏm. Ðến khi tóc đã bạc phơ mà vẫn còn được các bà các cô say mê đắm đuối và đuổi bắt tận tình! Ông lãnh cái nghiệp “tình” và dồn bao hạnh phúc hay ê chề vào nhạc...

Nhưng, tay trái gần con tim thì rung động như vậy chứ tay phải của Liszt lại có cuốn Thánh Kinh. Ông muốn đi tu từ nhỏ và sau này thì quả là đã xuống tóc khoác áo thụng làm một linh mục. Dầu vậy, đôi khi nhà tu này vẫn phải chạy trốn tình yêu, mới là chuyện éo le. Chỉ vi Liszt quá giỏi, đẹp trai và có tâm hồn phơi phới nên làm các mệnh phụ phu nhân hay nữ sinh phải thẫn thờ, mê mệt!

Nếu thấy ra cái nghiệp rất đa đoan của Liszt, có lẽ chúng ta cũng hiểu khía cạnh đa diện của di sản âm nhạc mà ông để lại cho hậu thế. Ông phổ nhạc vào thơ, ông mở đường cho trường phái nhạc ấn tượng, ông cải biên dân nhạc, biến chiếc dương cầm thành một nhạc cụ của thượng đế và viết cả thánh nhạc cho nhà thờ, nhiều lắm, kể ra không hết! Trong ngần ấy bộ môn thì Liszt đều là người xuất chúng, tiên phong và gây ảnh hưởng cho các nhạc sĩ thượng thặng của đời sau.

Liszt không chỉ viết nhạc, ông là người chơi nhạc và dạy dương cầm. Vào cuối thế kỷ 19, nghệ thuật dương cầm của Liszt được xưng tụng là đệ nhất, còn cao hơn tài nghệ của Chopin. Ðời nay, các nhà nghiên cứu nhạc dương cầm vẫn tiếc là thời xưa chưa có máy ghi âm để lưu giữ tiếng dương cầm của Liszt. Vì vậy, chưa ai dám khẳng định rằng Liszt là đệ nhất diệu thủ dương cầm của cổ kim. Không dám khẳng định chứ nhiều người có lẽ vẫn tin như vậy. Bây giờ, chúng ta đành nghe người khác trình tấu lại nhạc của ông mà thôi.

Nhưng mình cũng nên thông cảm nếu còn phân vân do dự khi cho rằng một bậc sư như Claudio Arrau vẫn chưa thể đánh dương cầm bằng Liszt ngày xưa. Chỉ vì ngoài tài nghệ trong tim trong óc, Liszt còn có bàn tay trời cho để tận dụng mọi rung động của đàn dương cầm. Ông có bàn tay vĩ đại xòe ra như rẻ quạt, chụp xuống như đôi cánh đại bàng. Ðặt lên đàn là bàn tay phủ trên 12 phím! Vì vậy mà bàn tay thiên tài chạy chơi trên các cung bậc như các thiên thần nhảy múa.

Nếu lãng mạn một chút, chúng ta có thể tin rằng Liszt là... giáng tiên. Là người của trời bị đọa xuống cõi trần nên mới đa đoan như vậy. Ông đã có lúc “xa mãi đường tu chẳng chịu dừng,” nói như thơ Vũ Hoàng Chương. Rồi đến cuối đời ông mới quỳ trước Thánh giá, sau khi đã gieo bao sóng gió chốn nhân gian...