Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Ngày Xửa Ngày Xưa... Auld Lang Syne

Ngày Xửa Ngày Xưa... Auld Lang Syne PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạp ghi Quỳnh Giao   
Thứ Hai, 04 Tháng 1 Năm 2010 15:47

 Những người rời khỏi nước từ năm 1975 chắc là còn nhớ “Bài Ca Tạm Biệt”.

 Tài tử Vivien Leigh. (Hình: Seraphicpress.com)

Ða số có lẽ đã nghe lần đầu từ phim “La Valse dans l'Ombre” trước khi được biết phim đó là phim Mỹ, có tên là “Waterloo Bridge”, với hai tài tử thuộc vào những diễn viên đẹp nhất xưa nay, là Vivien Leigh và Robert Taylor. Ðiệu buồn ray rứt của nhạc khúc làm chuyện tình thời chiến cứ ràn rụa nước mắt. Nhưng ca khúc nguyên thủy của cuốn phim đã có một định mệnh khác, có hậu hơn nhiều.

Ðấy là bài ca thuộc loại phổ biến nhất địa cầu. Trong đêm Giáng Sinh, ai ai cũng có thể nghe bài O Holy Night thánh thiện. Một tuần sau, khi giã biệt năm cũ đang phai dần và chào mừng năm mới vừa ló dạng, người ta hát bài “Auld Lang Syne...”

Cái tên rất lạ đã được Việt hóa thành “Bài Ca Tạm Biệt”. Và người yêu nghệ thuật vào thời ấy ở nhà đều nhớ đến các sân khấu cải lương ở Việt Nam thường dùng bài này khi chấm dứt chương trình. Nghe đến bài đó thì mọi người đứng dậy ra về.

Không biết từ bao giờ, và do những ai đã “sáng tác tập thể,” trẻ con thì hay hát theo lời ca như một lời “đồng dao” của thành phố, với chất lai căng, ngộ nghĩnh. Và vì là lời ca của con trẻ, nó có đầy những phi lý dễ thương:

Ò e con ma đánh đu,

Tarzan nhảy dù

Zorro bắn súng...

Chết cha, con ma nào đây

Làm tao hết hồn...

Thằn lằn cụt đuôi...

Ngày xưa, nhiều người trong chúng ta không biết rằng có ngày sẽ sống ở California là nơi tung hoành của một nhân vật hư cấu là chàng Zorro bịt mặt. Theo truyện viết bằng tranh thì Zorro là một hiệp sĩ đất Cali khi xứ này còn nằm dưới sự cai trị của Tây Ban Nha. Và Zorro là chàng trai quý tộc Tây Ban Nha cứ ưa cứu khổn phò nguy trên đất California còn hoang dã. Chúng mình còn không biết thì con trẻ nhại lời lại cũng không cho Zorro múa gươm, đánh kiếm, mà cho bắn súng!

Còn Tarzan là nhân vật cũng hư cấu bước ra từ truyện đường rừng bằng tranh.

Là đứa trẻ gốc Anh bị lạc trong rừng già Phi Châu, Tarzan được bầy đười ươi nuôi sống và có tài đu dây như khỉ. Vào đến miệng con trẻ nước ta, Tarzan lại biết nhảy dù mới lạ! Nói đến Tarzan, thế hệ mẹ cha của người viết thì đều nhớ đến loạt phim Tarzan do một tài tử gốc là lực sĩ bơi lội thủ diễn. Ðó là Johnny Weissmuller, vô địch Thế Vận về bơi của Mỹ, về sau thủ vai Tarzan với tiếng hú mê hồn... Người viết cột mục này nhớ nhất là nàng Jane, qua tài diễn xuất của Maureen O'Sullivan.

Với lũ con nít thời ấy, nàng đẹp lắm. Những người yêu điện ảnh thì nhớ thêm rằng bà là mẹ của diễn viên Mia Farrow. Riêng một số người tỵ nạn của mình thì kể lại rằng bà là một đại ân nhân của dân tỵ nạn khi làm việc trong một cơ quan thiện nguyện. Bà O'Sullivan đã ân cần cứu giúp dân mình định cư tại Mỹ sau biến cố 1975 mà nhiều người không biết rằng đó là nàng Jane năm xưa! Bà tạ thế năm 1998, ở tuổi 87... Những ai còn nhớ đến bà thì trong năm tới, khi kỷ niệm 35 năm thành hình cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, mình cũng nên có vài dòng về người phụ nữ khả ái này...

Cứ như thế mà kỷ niệm cũ lại òa về với một bài ca sẽ được ngân vang vào đêm 31.

Với nhiều người thì đây là một khúc nhạc buồn. Sự thật lại không như thế và trẻ em của ta bằng trực giác đã bắt được cái thần của bài hát. Nó được soạn theo âm giai ngũ cung là điều lạ, mà thật ra rất gần gũi với cái tai của chúng ta. Với trẻ nít ở nhà vào thời xưa thì đấy là một khúc hát vui! Ngồi lâu trong rạp, chân tay không múa máy thì cũng buồn! Khi hát hay nghe bài này thì chúng được ò e ra về, trong tiếng vỗ tay hoan hô của khán giả.

Ðôi khi vãn hát, cha mẹ hứng chí lại cho ra Ngã Sáu ăn chè cháo là đời vui như ong bay. Lại một cây xanh dờn nữa! Vì vậy mà cho Tarzan nhảy dù, Zorro bắn súng tưng bừng.

Nghĩ lại thì tuổi xanh của mình thời xưa có những nỗi vui bình dị, chẳng cần I-Pod hay “ghêm ghiếc” gì. Và nếu không có chiến tranh, đêm về nằm ngủ yên lành để mơ thấy tiên như trong nhạc Lê Thương. Bỗng đâu nhớ bài hát tạm biệt ở xứ mình vô tả.

Ở nhà, mỗi khi xong tiệc tùng, muốn đem các em đi ngủ là ôm cái gối ôm đứng hát “ò e, con ma đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zorro bắn súng!” Người lớn đều xoa đầu khen ngoan và xin kiếu ra về... Bé mà đã biết nhắc khéo, trong tiếng hát có cả tiếng cười!

Sang đến bên Mỹ thì bài hát “tạm biệt” mang tâm cảnh mới. Khi vãn tuồng thì người ta bật dậy ra về, dù còn người ngồi trong rạp cố xem hết phần giới thiệu trên màn ảnh. Chỉ vì người ta sợ ra trễ kẹt xe. Trong rạp còn ngổn ngang pop corn, ghế ngồi còn vài ba trự gác chân lên chỗ tựa đầu của người khác một cách ngang tàng... Người mình mà ở miền Ðông, lần đầu nghe bài ca tạm biệt trong mùa Ðông giá lạnh, bên ngoài tuyết đổ đầy trời, thì có thể bật khóc vì nhớ nhà quá sức. Bài hát tự nó không buồn, mà vì tâm trạng mình buồn. Rõ là cùng một giai điệu mà mình nghe khác hẳn vì “bài ca tạm biệt” lại có âm hưởng “bài ca ly biệt.” Nhất là nhớ cái lời ngô nghê mình vẫn thường hát với các em.

Thật ra, đây là một bài thơ Tô Cách Lan được phổ nhạc theo một giai điệu rất cổ. Tên bài thơ, Auld Lang Syne, có thể dịch là “Ngày Xửa Ngày Xưa,” và ca khúc đã chinh phục thế giới, xuất hiện trong gần hai chục cuốn phim. Hầu như xứ nào cũng có phong tục riêng và lời riêng để hát trong nhiều dịp. Xin để vào một dịp khác để nói về ca khúc này...

Riêng người viết thì vẫn chỉ nhớ đến “con ma đánh đu, Tarzan nhảy dù...” Nó đầm ấm làm sao, trong một thời đã thành “ngày xửa ngày xưa...”