Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Tìm đâu ra Nguyễn Khuyến?

Tìm đâu ra Nguyễn Khuyến? PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Chúa Nhật, 01 Tháng 2 Năm 2009 10:14

Nguyễn Khuyến, khi làm quan

Nguyễn Khuyến, khi dạy học. Ai thơ hơn ai?

 Cụ Tam Nguyên Yên Ðổ của chúng ta mất ngày mùng 5 tháng 2 năm 1909. Cách đây đúng trăm năm!

 Hồi còn bé, lũ nhóc cắp sách vào trường đều có “phải” học về Nguyễn Khuyến. Ðứa nào trong đám tụi tôi cũng vanh vách trả bài hay là bình giải ba bài vịnh mùa Thu của tác giả. “Thu Ðiếu”, “Thu Ẩm” và “Thu Vịnh”. Ở một thành phố trong Nam chỉ có hai mùa, may lắm thì nhìn ruộng đồng bát ngát qua... kính xe, mà đòi thưởng thức phong cảnh làng quê miền Bắc vào Mùa Thu thì trăm sự... nhờ thầy.

 Ðược thầy giỏi hoặc tò mò vặn hỏi thì may ra mình biết được thế nào là “đồng chiêm”, hay chuôm ao nhỏ xíu của miền Bắc. Rồi mơ hồ nghĩ tới “ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” chứ chưa thể hình dung ra “làn ao lấp lánh bóng trăng loe...” Nhưng dù chưa hiểu hết mọi đứa học trò trung bình đều biết rằng đấy là mấy bài thơ thật đẹp về đồng quê. Không chỉ đẹp mà còn gần nhất với làng quê của chúng ta. Ba bài này, năm xưa, người viết cũng có nhắc lại trong một dịp Thu...

 Cũng nhờ ba bài Thu vịnh ấy mà về sau mới biết “Rừng phong thu đã nhuốm mùi quan san” là... thơ giả chỉ vì là thơ Tầu. Nhiều người cố giải thêm cho đẹp rằng cây phong tựa cây bàng của ta, nhưng thật ra xứ ta không có cây phong được tô vẽ ngâm vịnh trong thi ca Trung Hoa. Mà cũng khó thấy cảnh sắc đỏ ối của nguyên một cánh rừng, như chỉ thấy sau ngày ly hương.

 Phải đợi tới ngòi bút Võ Phiến tại Minnesota thì mới phân biệt được lá phong. Lúc ấy mới thấy Nguyễn Khuyến là thần tình, rồi nhớ nhà chi lạ!

 Ðã thế, khi phải đi học, có lẽ lũ học sinh trung học thời ấy thích thơ hơn người, trong tinh thần là lười học tiểu sử tác giả. Ðọc cho qua để cho quên và trí nhớ thì dồn vào câu thơ có vần có điệu dễ đọc dễ nhớ.

 Cũng vì vậy mà sớm quên là Nguyễn Khuyến sinh tại quê mẹ ở một ngôi làng trong tỉnh Nam Ðịnh vào năm 1835. Ông là người hiếu học, 17 tuổi đã đi thi tú tài cùng với cha. Chi tiết ấy thì dễ nhớ vì quá lạ. Hai cha con đi thi cùng khóa thì làm chi chẳng lạ? Nhờ đấy mà trong số học trò sẽ có người tò mò tìm hiểu về chế độ khoa cử Việt Nam thời xưa.

 Ðọc “Giai thoại Làng nho” của cụ Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc rồi từ đó chạy qua chuyện xưa của Ngô Tất Tố hay Chu Thiên về cảnh lều chõng thì mình thấy rõ hơn. Sau này, nếu tò mò và có chí thì còn các bài viết của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Lúc ấy càng thấy thương Nguyễn Khuyến.

 Khi đi học, lũ trẻ cứ leo lẻo trả bài rằng Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba khóa thi hương, thi hội và thi đình nên được gọi là “Tam nguyên”. Yên Ðổ là sinh quán của ông tại tỉnh Hà Nam. Nên Nguyễn Khuyến mới được tôn là “Tam nguyên Yên Ðổ”. Bậc tài hoa làm quê quán Yên Ðổ được thơm lây. Ðứa nào chịu khó hơn thì biết thêm rằng trong suốt triều Nguyễn, chỉ có hai vị khoa bảng cỡ ấy. Người kia là Tam nguyên Vị Xuyên, cụ Trần Bích San của tỉnh Nam Ðịnh. Cũng là nhờ cụ Phùng Tất Ðắc ghi lại cho chúng ta.

 Nhưng Nguyễn Khuyến không thành đạt dễ dàng như Trần Bích San.

 Ông đi thi lần đầu, cùng thân phụ, khi mới 17 tuổi, vào năm 1852, mà rớt. Năm sau lại lấy vợ - giờ này thì lớp hậu sinh đã hiểu là để gia đình có thêm người làm. Bà vợ ông mới thật là phụ nữ lý tưởng thời ấy. Hiền hậu đảm đang cầy cuốc cho chồng tiếp tục học. Người ta kể rằng có lần Nguyễn Khuyến đi thi, nhà không tiền, bà chạy vạy vay mượn khắp làng mà không đủ nên phải bán cái yếm được thêm 5 quan tiền cho chồng dự thí! Khi ông vinh quy bái tổ, bà vợ chân quê của ông còn đi cầy thuê ở một cánh đồng xa... Ðọc lại bài thơ “Khóc Vợ” của ông thì mình mới thấy thương bà.

 Nhưng khổ thay cho lũ trẻ thời ấy vì đó là bài thơ bằng chữ Hán, nên không có trong học trình!

 Ðã có lúc vì gia cảnh túng bấn, Nguyễn Khuyến phải gác một bên giấc mơ khoa hoạn để mở lớp dạy học. Cũng nhiều lần, ông đi dự hội bình văn mà giấu cái giậm ở gần trường. Luận xong văn học thì nhà thơ còn đánh giậm bắt cá đem về. Khi viết bài này vào lúc giáp Tết, người viết đang nhìn hình ảnh của hai quan Tiến Sĩ Barack và Michelle Obama trên đường lên ngôi nên càng thấy thương Nguyễn Khuyến. Con cháu chúng ta đời nay, kể cả phụ huynh của chúng, có hiểu được những cảnh ngộ ấy chăng?

 Mãi đến 1864 Nguyễn Khuyến mới đi thi hương và đỗ giải nguyên.

 Cùng khóa có Dương Khuê và Bùi Văn Quế là hai người bạn thân mà mình có thấy trong thơ văn. Rồi năm sau lại vào một khóa thi hội mà không đỗ, khiến ông đổi tên từ Nguyễn Thắng ra tên Nguyễn Khuyến như chúng ta biết thời nay. Ðến năm 1871, ông thi hội lần thứ nhì và đỗ đầu ở cấp cử nhân. Ðược vào thi đình, ông lại đỗ đầu nên mới thành Tam nguyên.

 Ðếm lại vậy thì nhà thơ tài hoa đã lận đận với thi cử từ 1852 đến 1871, một chuỗi đằng đẵng.

 Khi ông “thành tài”, đỗ Tiến sĩ và ra làm quan, thì đất nước đã đi vào giai đoạn nguy ngập. Ông lên quan chừng nào thì cơn quốc biến nguy nàn chừng đó. Khi chủ quyền đất nước bị mất, Nguyễn Khuyến đã chọn lựa. Ông viện cớ đau mắt để từ quan, dù đã được bổ nhiệm làm quyền Tổng Ðốc Sơn Tây. Năm đó, Nguyễn Khuyến mới ngũ tuần, năm chục.

 Ông đi thi năm 17, thành danh năm 37 tuổi, làm quan 12 năm thì dụi mắt trở về, rũ áo ra đi... À, bây giờ thì mình hiểu thêm câu thơ trong bài “Thu Ẩm”, như một tiếng ứa lệ:

 Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt tớ không viền cũng đỏ hoe.

 Sau gần hai chục năm đèn sách thi cử, ông làm quan được vỏn vẹn 12 năm. “Sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!” Ông than như vậy rồi từ đấy, về làm thầy giáo làng, thơ văn tỏa sáng 25 năm, cho đến khi ông tạ thế, cách nay đúng trăm năm.

 Ở Nguyễn Khuyến, khí tiết của ông là tấm gương khiến nhiều đời sau còn kính trọng sĩ phu. Ở Nguyễn Khuyến, tài hoa của ông là những gì mà đời sau, là đời nay, có thể quên. Chúng ta rất dễ nhớ các bài hát nói, hay các câu đối nôm với phép chơi chữ tuyệt vời của ông. Dí dỏm mà đôn hậu hơn Tú Xương nhiều lắm. Nhưng, nếu đọc thêm các bài thơ, cũng nhiều lắm, về cách sống cho ra người, của Nguyễn Khuyến, có lẽ xã hội thời nay của chúng ta đã khác.

 Ngày Xuân hay vào Tết, còn ai nhớ tới hay nhắc lại các bài thơ Xuân của ông không? Vì vậy mới có tựa đề đầy vẻ ngậm ngùi: “Tìm đâu ra Nguyễn khuyến"