Chỉ Còn Là Kỷ Niệm PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thế Hoàng   
Chúa Nhật, 07 Tháng 6 Năm 2009 12:24

 Hôm nay là sinh nhật thứ 65 của ông Vũ Bình. Như thường lệ, mỗi ngày ông thức giấc sớm, làm vệ sinh cá nhân, bắt đầu tập thể dục buổi sáng. Ông thường đi bộ nhiều vòng khoảng hơn một giờ trong khu gia cư, ra đường lớn rồi trở về nhà. Nghỉ ngơi một chập, ông tiếp tục tập Dịch Cân Kinh hơn nửa giờ. Đồng thời tập thêm những động tác nhẹ cho giản gân cốt, máu trong người lưu thông điều hòa. Ông vào phòng tắm ngâm mình trong bồn nước ấm khoảng nửa giờ, vừa nghe nhạc, hoặc suy nghĩ những tình tiết cho những bài viết đang dỡ dang hằng ngày.

 Ra khỏi bồn tắm, ông thay quần áo sạch là đã 9 giờ, thì giờ thường lệ đến với ông mỗi đầu ngày để tiếp tục những công việc khác. Trong lúc cạo râu, chải tóc, nhìn vào gương, ông Bình tự mãn cho vóc dáng vẫn còn đậm đà nét trẻ trung, đạo mạo của mình. Nhìn ông, ai cũng ngỡ ông chỉ vào khoảng năm mươi. Tóc đen, da dẻ hồng hào, khuôn mặt đầy đặn, vóc người cân đối, đi đứng vẫn còn khoan thai vững vàng như thời trai trẻ. Những lần như thế, ông càng thích ngắm nhìn ông trước gương lâu hơn với ý chí cố gắng giữ cơ thể mãi như thế trong tuổi già, được sống vui vẻ bên con cháu. Ông  còn có thể làm những công việc nặng như cắt cỏ, khuân vác...Tuy tuổi đã sáu lăm, nhưng ông chưa vướng phải những chứng bệnh nan y của tuổi già mà đa số những người cùng lứa tuổi đều mắc phải. Khi đã ở tuổi hưu trí, ông muốn tiếp tục công việc tại công ty thêm nhiều năm nữa cho đến khi nào mỏi gối chồn chân hãy thôi, chứ ăn ở không thì buồn chết. Nhưng các con ông không bằng lòng. Chúng nó nằn nặc buộc ông phải nghỉ ngơi sau khi hoàn tất hồ sơ hưu trí. Chúng thường bảo suốt cuộc đời ông đã quá nhiều gian khổ trong trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ từ Việt Nam qua Mỹ để có được ngày hôm nay trong cuộc sống an cư lạc nghiệp trên xứ người thì không lý gì phải cực nhọc sớm tối thêm nữa khi tuổi đã xế chiều. Ông nghe cũng có lý trước sự yêu thương của các con, nên ông phải làm vừa lòng chúng.

 Sau những sinh hoạt thường lệ buổi sáng cho sức khỏe, ông điểm tâm bằng ly cà phê sữa nóng và thức ăn nhẹ thường được thay đổi. Cà phê ông tự pha dợt hơn, mỗi ngày chỉ sử dụng một ly. Ông không uống trà, thích nước lọc trong chai. Từ ngày qua Mỹ, ông quyết bỏ thuốc lá nên cũng tiết kiệm được một số tiền không nhỏ để chi dùng vào việc khác ích lợi hơn.

 Hôm nào có những công việc cần của cộng đồng tại địa phương là ông sẳn sàng dấn thân, năng nổ hoàn thành công việc. Vì ông ý thức rằng đó là trách nhiệm của con người đã bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản độc tài gian ác. Đồng thời cũng để thể hiện rõ nét thái độ chính trị của người dân mất nước trong cộng đồng tỵ nạn đang sống lưu lạc xứ người. Ông chưa bao giờ phàn nàn, than vãn trước những công việc khó khăn do tập thể giao phó kể cả những sinh hoạt văn học nghệ thuật tại địa phương. Đến định cư tại Hoa Kỳ hơn 20 năm, ông chưa hề trở về Việt Nam, và ông chỉ mong ngày quê hương không còn bóng dáng đảng cướp cộng việt là ông trở về một lần duy nhất và được chết trên quê Mẹ. Ông thường giải thích và khuyên can những người quen thân đừng bao giờ gởi đô la về Việt Nam bất cứ dưới hình thức nào, vì như thế người Việt tỵ nạn ở hải ngoại vô tình tiếp tay nuôi đảng cướp việt cộng tồn tại. Ông khẳng định rằng điều kiện kiên quyết cần phải làm của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại hôm nay là hết lòng giúp đở, ủng hộ vật chất, tiền bạc cho tập thể anh em thương phế binh VNCH và cô nhi quả phụ hiện đang sống khốn đốn cùng cực dưới ách thống trị độc tài của đảng cướp việt cộng tại quê nhà. Riêng cá nhân ông không tán thành những lạc quyên, đóng góp tiền bạc, vật chất cho các hội từ thiện, hội tình thương...gì đó...đang mọc lên đầy dẫy khắp nơi trên thế giới. Những thành phần già yếu, bệnh tật, đui, què, cùi, hủi, tật nguyền...gì đó trong nước thì hãy để cho đảng cướp việt cộng lo, hà cớ gì phải chui đầu vào lo giùm cho chúng, để chúng rảnh tay hà hiếp, vơ vét, tham nhũng, bóc lột, bán đất, bán biển, bán đảo cho ngoại bang và còn đang tiếp tay hổ trợ hết mình cho lũ Hán Tàu phương Bắc sắp áp đặt đất nước Việt Nam dưới ách đô hộ lần thứ ba của chúng.
Còn hôm nào không bận gì là suốt ngày ông ngồi trước computer để đọc và viết. Đọc và viết là nỗi đam mê đậm đà gắn liền với ông qua từng năm tháng không phút nào ngơi. Hằng đêm sau giờ cơm tối là ông miệt mài trước computer cho đến 1 giờ sáng mới lên giường và say nồng giấc ngủ cho đến 6 giờ sáng hôm sau.

 Ông luôn ví chiếc máy computer là người vợ rất thân yêu của mình từng ngày, từng đêm đang thường trực bên ông. Chính chiếc máy computer đã đem đến cho ông mỗi ngày bao nhiêu những điều mới lạ đến từ khắp bốn phương trời trên quả địa cầu, và những cảm giác thích thú đậm đà, ý vị khi những bài viết của ông được đăng tải trên nhiều website cũng như các tờ báo giấy. Chiếc máy computer đã giúp ông tăng thêm mạch sống dồi dào, tươi mát, thoải mái, xua tan nỗi buồn đơn độc một mình trong ngôi nhà, cũng như bao phiền muộn, những nỗi lo lắng vô cớ do tác động ngoại cảnh trong đời thường đưa đến. Do đó, ông cảm thấy luôn trẻ trung yêu đời, yêu tha nhân, yêu tập thể đồng hương, yêu gia đình, yêu cả chính mình, cả những công việc ông đam mê hằng ngày.

 Ông thường tìết kiệm dành dụm được tiền để in sách. Cũng đã có đến năm tác phẩm đã được in. In ra để gởi tặng bạn bè, những người quen thân,   sơ gần xa hoặc để tặng cho các đoàn thể, hội đoàn khi họ muốn gây qủy  thực hiện một công tác ý nghĩa nào đó. Ông không có tham vọng in sách để làm thương mại kiếm tiền vì nghĩ rằng ước vọng đó khó có thể đạt thành đối với cá nhân ông cũng như đối với thị trường sách báo hiện nay tại hải ngoại. Ông quan niệm rằng sách của ông chỉ là những tập giấy chuyên chở những gì ông suy nghĩ, những ấp ủ trong đời sống mà ông đã trải qua được ghi lên giấy gởi đến người đọc. Hay, dở, chê, khen, thích hoặc không thích, giữ lại hoặc vứt đi là do người đọc quyết định. Ông chẳng bao giờ cảm thấy buồn, vui hoặc lo lắng cho sự quyết số phận của quyển sách mà ông tặng mọi người.

 Bạn bè của ông thì nhiều vì ông đã cư ngụ tại thành phố này cũng gần hai mươi năm kể từ ngày đến Mỹ theo diện HO đợt đầu tiên. Thường thì ông và bạn bè chỉ gặp nhau trong những buổi họp mặt, hội hè, lễ lạc, hoặc trong những lần phối hợp làm công việc chung cho cộng đồng và đôi lúc trong những tình cờ ở quán cà phê, tiệm ăn, hoặc nơi công cộng. Nói chuyện, trao đổi về tình hình nơi này nơi kia, về quê hương Việt Nam, những sinh hoạt cộng đồng, về văn học nghệ thuật,về gia đình con cái, đời sống…là ông Bình say sưa, thích thú trao đổi cùng những người bạn đối diện. Nếu câu chuyện xoay quanh ăn chơi nhậu nhẹt say sưa bí tỉ, rũ nhau hoặc quảng cáo những sòng bài, mánh mung cờ gian bạc lận, đỉ điểm, hút sách, chuyện đàn bà con gái, chuyện mèo chuột lăng nhăng…nhất là chuyện các ông già tuổi hạc trong cộng đồng người Việt tỵ nạn hôm nay thường thích về Việt Nam cưới gái tơ mang qua Mỹ hú hí, hoặc vung tiền ra hưởng thụ của lạ… kiểu như trâu già thích gặm cỏ non là ông Bình tìm cách lãng xa, âm thầm rút lui. Nói đúng ra, ông Bình cũng chỉ là một phàm nhân tục tử chứ đâu phải thần thánh gì. Nhưng ông sống luôn tự chế bản thân, rất kỵ những gì mà ông không thích. Không thích, nên ông tránh xa. Mình không thích thì mình muốn người khác đừng thực hiện. Ngày xưa, còn trong quân đội lê gót giày trên bốn vùng chiến thuật đánh giặc tơi bời một sống một chết với giặc cộng, ông Bình cũng là một tay chọc trời khuấy nước về tứ đổ tường. Nhưng khi ở tù việt cộng, vợ quay lưng bỏ đi lấy người khác, và khi được thả về từ nhà tù việt cộng từ ngày còn trong nước, đến khi qua Mỹ trong cuộc sống trầm luân gian khổ triền miên nuôi thân, nuôi con đã tôi luyện ông một xác định lựa chọn đúng mức trong cung cách sống đúng nghĩa cho mình, cho mọi người và nhất là cho con cháu. Cũng có vài kẻ ác ý chê bai, nói xấu ông Bình thích lập dị, kiêu ngạo, làm cao, thích mang bộ mặt đạo đức giả để lòe đời. Mặc ! ai nói gì thì nói, ông gác ngoài tai.

 Từ bao năm nay ba đứa con ông đã ổn định cuộc sống, đã lập gia đình, ra riêng ở gần ông trong thành phố này, ông chỉ còn sống một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang, nhưng ông đã cảm thấy thích nghi theo ý thích của mình. Ông không còn phải lo lắng tiền bạc vật chất. Chỉ cần số tiền hưu trí nhỏ nhoi hằng tháng và sự trợ giúp thêm của các con luân phiên nhau là đủ cho cuộc sống của ông. Ông không phải lo chuyện bếp núc. Hằng ngày có người mang đến nhà cho ông hai bữa ăn đặt nấu hằng tháng từ một tiệm ăn gần nhà. Quần áo có máy giặt máy sấy. Cây cỏ xung quanh nhà có người chăm sóc định kỳ. Đau bệnh, có chuyện bất trắc, cứ nhấc điện thoại lên, các con có mặt đầy đủ. Đời sống của ông gói trọn trong một thế giới riêng theo nỗi đam mê cá nhân lấp đầy 24 giờ mỗi ngày. Sau bao thăng trầm mệt mỏi của số phận, vào cuối đời, ông Bình chỉ ước mong như thế.

 Trong ngôi nhà thanh vắng thường xuyên của ông Bình, hằng năm chỉ có được vài ngày vui rộn rã tiếng cười, tiếng nói vào các ngày tết truyền thống, những ngày giỗ, kỷ niệm sinh nhật…là trai, gái, dâu, rễ, cháu nội, cháu ngoại mới quy tụ về, mua sắm, sắp xếp, bày biện, nấu nướng, cúng kính, ăn uống chung vui thỏa thê trong tình thương yêu đoàn kết gia tộc. Những lúc ấy, ông Bình cảm thấy thật vô cùng hạnh phúc cho riêng cá nhân ông bên cạnh con cháu.

 Ngày hôm qua, các con đã gọi điện thoại nhắc nhở ông về ngày sinh nhật của ông và chúng sẽ tập họp tại nhà vào sáng nay sau khi ghé các  chợ mua sắm các thứ. Chúng hứa sinh nhật này sẽ tổ chức lớn, có đi du ngoạn bên ngoài, có quà tặng của các con chúc mừng cha luôn khỏe mạnh sống lâu trăm tuổi bên cạnh con cháu.

 Sau khi điểm tâm, ăn sáng, ông Bình ăn mặc tươm tất, coi lại nhà cửa ngăn nắp, trong lòng háo hức niềm vui chờ con cháu. Đến 12 giờ trưa vợ chồng Vũ An, con trai của ông và đứa cháu Nội duy nhất Vũ Tâm đến sớm hơn. Vũ An đã tốt nghiệp bác sĩ chuyên tim, vợ nó là chuyên viên tài chánh ngân hàng. Ông rất hài lòng và hãnh diện đứa con trai độc nhất của ông. Cha con, ông cháu vui mừng mỗi lần gặp mặt khi chúng nó đến hoặc khi ông ghé qua  nhà chúng nó, tuy rằng hằng ngày vẫn có điện thoại thăm hỏi giữa cha con. Ông Bình xà đến ôm cứng thằng cháu Nội vào lòng nựng nịu, xiết chặt trong vòng tay khiến thằng bé 2 tuổi muốn ngộp thở khóc ré lên. Ông vuốt ve, dỗ dành dịu ngọt cháu. Ông nhìn thằng bé lòng tràn trề tình yêu thương và cảm nhận thực tế dòng máu truyền tử lưu tôn của gia đình đang có thực sự trong vòng tay  ông.

 Chừng nửa giờ sau, hai gia đình của hai cô con gái đến cùng lúc. Hai cô con gái Thục Nhi và Thục Hân được sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước, phải nhìn thật kỷ, bằng không có thể sẽ lầm lẫn giữa hai người. Hơn nữa, Thục Nhi và Thục Hân giống mẹ như đúc khuôn, giống cả sắc nét, khuôn mặt và tính tình. Những lần ông Bình đối diện với hai cô con gái yêu của mình là ông như nhìn thấy rõ ràng vóc dáng bà vợ của ông trước đây.

  Năm 1990, gia đình ông đi định cư tại Hoa Kỳ, thì Thục Nhi và Thục Hân vừa tròn  18 tuổi, đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, khi vừa đến Mỹ bằng mọi cách, dù gian lao thiếu thốn, chân ướt chân ráo trên xứ người, khốn đốn trăm bề nhưng ông Bình quyết tâm cho các con vào đại học. Giờ thì Thục Nhi là cô giáo đang dạy học tại đại học UCF, và Thục Hân đang là luật sư của Tổ Hợp luật sư ESQA của tiểu bang. Hai con rễ là kỷ sư điện tử. Điều vui mừng hơn nữa là mỗi cô con gái cưng của ông đều cho ông hai đứa cháu ngoại cùng lứa tuổi. Nhìn con cháu, ông bồi hồi nhớ lại nỗi lo toan mệt mỏi khi phải lo hai đám cưới cho hai cô con gái trong cùng một năm trong lúc cuộc sống của ông lúc ấy chẳng dư dã gì. Xui gia đều ở các tiểu bang xa. Nhưng thương cha, các con ông dứt khoát không rời xa ông. Đứa nào cũng quyết định tạo dựng cơ ngơi gia thất tại thành phố này để ông không phải cô đơn trong tuổi già. 

 Gặp nhau là cha con, ông cháu rộn rịp cười nói, hỏi han tíu tít không phút nào ngơi. Ông thỏa mãn an vị trong hạnh phúc tràn đầy của gia đình.

Ông Bình ngồi chễm chệ trên sofa giữa phòng khách mãi mê vui đùa với các cháu. Cháu nội, cháu ngoại tíu tít vây quanh ông. Đứa bá cổ, đứa bá vai, đứa ngồi vào lòng ông...cười đùa, tranh giành để được ông tựng tịu, vuốt ve bằng những câu nói rất ngây thơ, ngọng nghịu dễ thương. Ông chỉ dạy từng đứa gọi nhau theo ngôi thứ, tạo cho chúng ý thức sơ khởi tôn ti dòng họ. Ông tập tành từng đứa cháu nói thật đúng giọng tiếng Việt. Ông dặn dò các cháu phải nói tiếng Việt tại nhà, cấm không được nói tiếng Anh.

Trong lúc ấy thì con trai, con rễ sắp xếp bàn ghế, treo đèn, kết hoa đầy màu sắc trong phòng khách chuẩn bị buổi tiệc sinh nhật gia đình. Con gái, con dâu bận bịu chăm sóc thức ăn, chiên xào, nấu nướng thêm nhiều món khác ở phòng bên cạnh.

 Ông Bình không làm gì cả và cũng chẳng ý kiến, góp ý gì cho bữa tiệc sinh nhật hôm nay của ông. Mọi việc ông để tự các con tự tính liệu quyết định. Ông chỉ vui đùa với cháu. Thỉnh thoảng ông bế thằng cháu Nội đi loanh quanh các phòng, ngừng lại một chập nhìn các con đang lăng xăng công việc, hoặc trả lời một vài câu hỏi của chúng. Lòng ông trào dâng niềm tự hào hãnh diện có được cơ ngơi gia đình nhỏ bé này đã phải do từ kết quả một đời miệt mài gian khổ đầy đắng cay lẫn tủi nhục từ lúc vào tù việt cộng tháng 5/1975 cho đến ngày hôm nay. Ông chấp nhận bằng lòng cái hạnh phúc nhỏ bé cuối đời của mình. Ông không còn phải đua đòi, mong ước, tìm kiếm gì hơn. Hạnh phúc không tự nhiên mà có, phải phấn đấu bằng công sức với những gì mình đang có trong khả năng.

 Đến quá trưa, mọi việc sắp xếp đã hoàn tất. Bàn tiệc sinh nhật đặt giữa phòng khách xếp đầy hoa quả, bánh trái, rượu thịt. Khung cảnh phòng khách bừng sáng rực rỡ đèn hoa ấm cúng.

 Ông Bình được cô con gái lớn, Thục Nhi mời ngồi vào ghế ở đầu bàn ngay cạnh bình hoa hồng đỏ thắm và chiếc bánh sinh nhật lớn đầy màu sắc. Trai, gái, dâu rễ, cháu nội, cháu ngoại đứng bên cạnh, trước mặt ông Bình. Thục Nhi kính cẩn thưa :

 - Kính thưa Ba, hôm nay chúng con tổ chức mừng kỷ niệm sinh nhật thứ 65 của Ba. Tất cả chị em, con cháu chúng con sum họp trong ngôi nhà này và trước mặt Ba, con xin đại diện các em con và các cháu nội ngoại kính dâng lên Ba lời chúc mừng sinh nhật trường thọ khang an, tràn đầy yêu thương của chúng con. Chúng con kính chúc Ba luôn luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ yêu đời, sống lâu trăm tuổi bên cạnh con cháu. Nhân dịp này chúng con một lần nữa ghi nhận công ơn sinh thành dưỡng dục của Ba vừa thiên chức người cha, vừa thiên chức người mẹ mà Ba đã chỉ một mình phấn đấu nuôi dưỡng dạy dỗ chúng con nên người để có được ngày hôm nay. Người xưa đã nói, “công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và súc tích hơn như ông bà thường nói, “nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phũ kín công cha”. Trên thế gian này có gì mênh mông bao la sánh bằng mây trời, nước biển, nhưng tình mẹ, công cha còn vô lượng vô biên hơn mây trên trời, nước biển đại dương. Suốt cuộc đời Ba đã quên bản thân mình, quên tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc cá nhân, Ba dành hết công sức cho con cháu. Chúng con thật diễm phúc được ơn Trên ban cho chúng con một người cha thật tuyệt vời diễm ái không gì so sánh được, nhưng cũng vô phúc chúng con phải mồ côi mẹ. “Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”, nhưng gia đình mình, Ba đã hy sinh bản thân mình để các con có cuộc sống đầy đủ vật chất và tinh thần như bao gia đình có đầy đủ cha mẹ, để chúng con đã không phải sống trong cảnh lót lá mà nằm ngoài đường lạnh lẽo cô đơn. Ba là thần tượng muôn vàn kính yêu của chúng con. Một lần nữa, con đại diện các em con, các cháu kính chúc Ba trường thọ vĩnh cửu, sức khỏe tràn đầy bên cạnh con cháu của Ba. Xin Ba nhận ở chúng con lòng chân thành biết ơn sâu sắc.

 Thục Nhi vừa dứt lời, các con đồng thanh :

 - Kính chúc Ba trường thọ khang an, sức khỏe dồi dào để được sống mãi bên cạnh con cháu.

 Qua lời chúc mừng của Thục Nhi và con cháu, ông Bình xúc động như muốn rơi lệ. Ông ngước nhìn con cháu, nhìn khoảng không gian trước mặt qua ánh mắt đẩm lệ đang mờ dần. Vì quá xúc động ông ngồi lặng yên chưa thể nói được gì. Hồi lâu, ông cố gắng chỉ nói :

 - Ba….cám ơn các con.

 Đến lượt Vũ An, con trai ông tiếp lời :

 - Kính thưa Ba, những lời chúc mừng sinh nhật Ba thì chị Thục Nhi của con đã nói đầy đủ rồi. Hôm nay kỷ niệm mừng sinh nhật của Ba, ba gia đình chị em con kính tặng Ba một món quà, đó là một chiếc xe mới để Ba có phương tiện đi lại được bảo đảm hơn. Ba đã lớn tuổi, Ba lái chiếc xe cũ hiện nay chúng con không an tâm chút nào. Chúng con xin Ba vui lòng nhận món quà của ba chị em con mừng sinh nhật Ba nhen Ba.

 Dứt lời, Vũ An trao cho ông Bình một phong bì lớn trong đựng giấy tờ  xe, chìa khóa xe và nói tiếp :

 - Chiếc xe mới mừng sinh nhật Ba đang đậu trước nhà. Còn chiếc xe cũ của Ba, con xin Ba để ngày mai con đem ra dealer. Chúng con mời Ba ra coi xe và hy vọng Ba vừa ý.

 Một lần nữa, ông Bình lại xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của các con. Ông cứ ngỡ rằng như mọi năm ông sẽ có được những món quà tặng nho nhỏ của các con, nào ngờ năm nay lại là một chiếc xe hơi đắt tiền. Công việc mua bán xe cộ các con đã hoàn tất thật kín đáo, ông nào hay biết và ông cũng chẳng để ý đến chiếc xe mới BMW cáu cạnh, màu xanh nhạt đang đậu trước nhà khi các con đến. Nhưng ông Bình vẫn nói :

 - Các con bày vẻ tốn kém trong thời buổi nền kinh tế đang suy thoái toàn cầu. Chiếc xe Ba đang sử dụng còn tốt lắm. Ba đâu có đi đâu xa.

 Lũ trẻ không chú ý đến câu nói thoái thác của cha, chúng giục ông Bình ra sân coi và nhận xe. Ông Bình không cưỡng được đành chấp nhận. Ông rất vui và vừa ý chiếc xe mới mà các con tặng ông. Từ lâu ông thường ao ước có được chiếc xe mới như thế này để đi lại cho an toàn không phải bị trở ngại nằm đường.

 Được dịp, cả năm đứa cháu nội ngoại  nhào lên xe vòi vĩnh đòi ông chở đi chơi trên chiếc xe mới. Vì rất yêu thương cháu, nên ông vui vẻ ngồi vào tay lái chở chúng đi một vòng trong khu gia cư, đồng thời cũng để đi thử xe.

 Sau khi cắt bánh sinh nhật, chụp hình, quay phim lưu niệm, thì đã quá trưa, nên ai ai cũng cảm thấy đã đói và bữa tiệc gia đình bắt đầu. Mọi người ăn uống, trò chuyện rất vui, đồng thời bàn bạc cuộc đi du ngoạn Disney World chiều nay.

 Đột nhiên điện thoại reo. Ông Bình vói tay cầm ống nghe :

 - Alô..! Alô..! Xin lỗi ai đầu dây ?

 Ông Bình nghe rõ tiếng đàn bà từ đầu dây bên kia :

 - Alô ! có phải nhà ông Vũ Bình đấy không ạ ?

 - Vâng ! chính tôi là Vũ Bình. Xin lỗi ai đầu dây, xin cho biết qúy danh.

 Giọng nói ngập ngừng lẫn xúc động nghèn nghẹn :

 - Anh…Bình…! Em….! Em đây ! Anh không còn…nhận ra tiếng của em hả anh Bình ?.

 - Hả ..? Bà…là ai ? Xin lỗi !...Bà có thể cho biết quý danh.

 Giọng người đàn bà trở nên nghẹn ngào :

 - Em ! em là…Uyên Thy... đây anh. Em là mẹ của Thục Nhi, Thục Hân và Vũ An mà anh. Anh đã không còn nhận ra em…sao anh ?

 Lúc này thì ông Bình đã nhận ra được tiếng nói của bà vợ ông bên kia đầu dây trong lúc các con ông tại bàn ăn cũng đang im lặng và chú ý đến cuộc đối đáp của hai người qua điện thoại. Ông Bình bấm nút speaker trên ống nghe có ý để các con ông cùng nghe. Ông vẫn còn đang trong giây phút ngỡ ngàng thì đầu dây bên kia tiếp tục :

 - Anh Bình ! Em là Uyên Thy đây mà. Anh khỏe không  ? Các con khỏe không anh ? Em nhớ, hôm nay là sinh nhật của anh. Anh Bình ơi ! Em vô cùng có lỗi với anh.

 - À ! thì ra..!chính ra bà...là....bà là....em là…Uyên Thy. Trời ! đâu ngờ…là… Uyên Thy ! Em đang ở đâu, sao em biết anh mà gọi ?

 - Em đang ờ Cali anh ạ. Em biết anh sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết em gọi điện thoại cho anh. Em sẽ kể anh nghe. Điều cần thiết bây giờ là em xin anh và các con tha thứ những lỗi lầm sai trái của em. Hơn ba mươi bốn năm rồi, chúng ta xa nhau, tất cả do lối sống hư đốn từ nơi em gây nên trong hoàn cảnh éo le khốn cùng ngày đó. Em vô cùng hối hận anh ạ ! Lòng chỉ mong gặp lại anh và các con để em cầu xin được sự khoan dung tha thứ cho em. Anh Bình ! em có lỗi. Mong anh tha thứ. Mong các con tha thứ.

 Có tiếng nấc đang tức tưởi khóc rấm rức bên kia đầu dây. Ông Bình chưa biết trả lời ra sao, trong lúc các con ông nhao nhao lên hỏi :

 - Bà nào vậy Ba ?

 - Mẹ của chúng con phải không Ba ?

 - Mẹ ! Mẹ ! con muốn nói chuyện với Mẹ con được không Ba ?

 Ông Bình phác tay ra dấu các con nên im lặng và chưa được phép nói điều gì trong lúc này. Ông Bình nói vào ống nghe :

 - Uyên Thy à, chuyện gì còn có đó. Điều chắc chắn rằng anh và các con không trách cứ gì em đâu, cũng như trong cuộc sống đã theo thời gian dài đi qua, không ai còn để tâm nhắc nhở. Đã ba mươi bốn năm rồi, thời gian có dài thật đấy, nên mọi sự đã được thay đổi, đã trôi qua và khác xa ngày trước. Do đó sự giận hờn giữa gia đình đối với em có lẽ không còn nữa. Anh chỉ muốn biết do đâu em biết anh mà gọi điện thoại. Hoàn cảnh hiện tại của em ra sao ?

 Tiếng nói của Uyên Thy nghe uất nghẹn :

 - Cám ơn anh. Cám ơn các con. Những điều anh hỏi em hy vọng sẽ  gặp mặt anh và các con để em thú tội và nói rõ chi tiết. Giờ em vắn tắt rằng ngày giặc cộng phương Bắc cưỡng chiếm miền Nam tháng 4/1975, anh đi học tập cải tạo và em không còn được chế độ mới cho tiếp tục dạy học.  Anh vừa vào tù thì nhà cửa bị tịch thu, em lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hai năm sau đó em đành bất lực trong cuộc sống ăn nhờ ở đậu với bạn bè, nên em phải đưa con về ở chung với ba má. Ở trong tù lúc ấy, có lẽ anh cũng đã hiểu phần nào cảnh túng thiếu, đói nghèo của gia đình mình. Nghiệt ngã thay cho số phận em lúc đó đã bị tên bí thư tỉnh ủy bám riết em và dụ dỗ em bằng tiền tài vật chất, em đã sa ngã vào tay hắn. Sau đó, hắn thuyên chuyển về làm việc tại Saigon và hắn buộc em phải theo hắn. Em đã có với hắn một đứa con trai. Vài năm sau, hắn can tội tham nhũng và giết người, nên hắn dẫn em và đứa con trai đi trốn bằng cách vượt biên. Giữa biển Đông tàu vượt biên bị hải tặc cướp. Trong lúc đó, em cũng như những người đàn bà khác bị bọn hải tặc hãm hiếp, hắn nóng lòng nhảy vào can thiệp nên hắn đã bị hải tặc giết chết vứt thây xuống biển.  Khi đến đảo nhờ em có mang theo tất cả những giấy tờ của anh lúc còn trong quân đội nên vài tháng sau, em trình những giấy tờ của anh và được họ xét đi định cư ở Mỹ….

         Tiếng nói của Uyên Thy ngập ngừng như đang quá xúc cảm, nên nghe có tiếng khóc rấm rứt. Ông Bình vẫn im lặng và ông cảm thấy đang đau nhói cả cõi lòng. Nhìn các con đứa nào cũng lơ đủa quên cả ăn uống. Các con rất muốn nói chuyện với Mẹ mà chúng vừa nhận ra, nhưng ông Bình chưa cho phép. Chúng ngồi im re, nét mặt ngờ nguệch, ngơ ngáo theo dõi nghe những gì mà Uyên Thy đang nói qua điện thoại. 

 Uyên Thy nói tiếp :
 
         - Từ đó đến nay, em luôn dò hỏi về anh…anh Bình ơi ! Vì em biết rằng thế nào anh và các con cũng đến định cư ở Hoa Kỳ. Em hết sức ân hận và tự chê trách những hư đốn mà em đã vấp phải nhất là em đã không chăm sóc  ba đứa con còn nhỏ dại trong lúc anh ở trong tù. Trong bao nhiêu năm trôi qua trên xứ người, em phấn đấu làm việc để nuôi thân và nuôi thằng con trai của em để hy vọng một ngày nào đó, em gặp lại anh và các con. Nhờ trời, em cũng đã tạo được nhà cửa tại Cali. Em đang kinh doanh một nhà hàng ăn tại đây với thằng con trai của em. Nó đã 28 tuổi rồi, nhưng chưa lập gia đình. Đời sống vật chất của em thật đầy đủ và vững vàng cho hai mẹ con em, nhưng tinh thần em lúc nào cũng mệt mỏi và lương tâm em luôn bứt rứt bởi quá khứ tội lỗi luôn dày vò em. Nỗi đau thương về tinh thần của em chỉ xóa được khi nào em gặp được anh và các con với lời thú tội của em và sự khoan dung tha thứ của anh và các con. Anh Bình ơi ! anh tha thứ cho em nhen anh !

 Uyên Thy dứt lời, ông Bình vẫn còn nghe tiếng khóc ấm ức của người vợ cũ. Ông lên tiếng :

 - Uyên Thy à ! Anh đã nói rồi, sự buồn phiền, giận hờn giữa gia đình đối với em đã không còn nữa theo thời gian cũng đã quá dài trôi qua. Vì mọi sự xảy ra trong đời sống đều đã thay đổi hoàn toàn. Ba đứa con Thục Nhi, Thục Hân và Vũ An đã nên người, đã yên bề gia thất. Cháu nội, cháu ngoại ngoan ngoản dễ thương, nết na lễ phép. Anh thì vẫn khỏe mạnh, đã nghĩ hưu. Cuộc sống cuối đời của anh đang được các con chu toàn. Phần em, anh chúc mừng em với sự thành đạt trong cuộc sống hiện tại của em và của thằng con trai em.

 - Anh Bình ơi, em vui khi nghe anh nói các con đã nên người. Tuy nhiên em rất tủi thẹn cho em không góp sức được gì đối với việc dưỡng nuôi con chúng mình. Anh tha lỗi, các con tha lỗi.

 - Do hoàn cảnh, chẳng ai có thể trách cứ nhau. Em có thể cho anh biết làm thế nào em biết số điện thoại nhà anh mà em gọi ?

 - Bao nhiêu năm em để tâm nghe ngóng, dò hỏi về anh lại không được gì. Nhưng chỉ mới vài ngày nay thôi, một chị bạn của em đến nhà hàng của em ăn uống, chị ta có cầm trên tay mấy quyển sách. Trong lúc chuyện trò với chị ta, em tò mò xem qua những quyển sách ấy, em thấy có một quyển của anh « Con Đường Phía Trước » đã xuất bản năm 2007 trong đó có hình, tiểu sử, số điện thoại và địa chỉ của anh. Em mừng quá, mừng phát run lên anh ạ. Em ngẩn ngơ đờ đẩn trong nỗi mừng vui này suốt ngày hôm ấy khi được biết nơi anh ở. Bữa đó em dự định mua vé máy bay bay qua Florida ngay để gặp anh và con nhưng vì kẹt nhà hàng mà vắng em là không được. Hoặc gọi điện thoại anh, nhưng nghĩ lại, chờ vài hôm nữa sinh nhật anh, em gọi và chúc mừng anh, cũng như có thời gian để trấn an và chuẩn bị tinh thần sau 34 năm em xa anh.

 - Anh cám ơn em. Vâng, hôm nay anh và các con đang mừng sinh nhật anh. Hiện giờ các con và các cháu đang ăn uống vui vẻ trong bữa tiệc tại nhà anh.

 - Anh có thể cho em nói chuyện với các con, được chứ anh ?

 Vừa nghe câu nói của Mẹ, các con nhao nhao lên :

 - Thưa Ba, Ba cho con nói chuyện với Mẹ con đi. nhen Ba.

 Ông Bình lại phác tay yêu cầu các con bình tĩnh, rồi ông nói với Uyên Thy :

 - Em sẽ có nhiều cơ hội và thì giờ để nói chuyện với các con. Chúng nó có thể sẽ gọi lại em qua số điện thoại em đang gọi anh.

 - Đó là số điện thoại nhà hàng của em. Ngập ngừng vài giây, Uyên Thy hỏi :

 - Anh Bình ơi ! Anh tha thứ cho em. Sau 34 năm vắng nhau, anh gặp được em, anh có mừng và vui không anh ?

 - Gặp lại người thân thì nhất định là mừng lắm chứ, mà người thân ấy lại là vợ của mình ngày trước đã xa nhau một thời gian dài.

 - Sau khi nói chuyện với anh, em sẽ đi lấy vé máy bay ngay, và ngày mốt em sẽ bay qua Florida thăm anh và các con. Được chứ anh, em nôn ghê đi ?

 - Tùy em, không ai cấm em nếu em sắp xếp được công việc.

 - Anh và con đón em tại phi trường nhen anh ?

 - Vâng. Anh sẽ nói các con.

 Uyên Thy ngập ngừng  :

 - Anh Bình…ơi !Nguyện vọng duy nhất em hằng mơ ước khi gặp lại anh, em xin anh và các con cho em được trở lại chung sống với anh để em được chăm sóc anh trong tuổi già. Từ đó, em có cơ hội chuộc lại sự hư đốn, lỗi lầm mà em đã vấp ngã thời gian đã qua. Anh chấp nhận nguyện vọng của em không anh Bình ?

 Nghe Uyên Thy giải bày ý định, nhưng riêng đối với ông từ lâu ông như đã có một khẳng định cho cuộc đời mình có thể không gì thay đổi được, nên ông trả lời không suy nghĩ :

 - Đột ngột quá, anh chưa thể trả lời câu hỏi của em. Tạm gác qua một bên điều em hỏi anh. Thôi nhé, tạm chấm dứt, có gì em hoặc anh gọi lại sau.

 Dứt lời, ông Bình cúp điện thoại. Những gì Uyên Thy đã nói, và các con đã nghe cũng đã đầy đủ. Gác ống nghe trên máy điện thoại, nét mặt ông thản nhiên không tỏ lộ niềm vui hoặc nỗi buồn nào trước sự việc ông vừa gặp lại người vợ cũ của ông thật bất ngờ. Ông nhìn các con và nói :

 - Ba vẫn biết trong tâm tư các con ít nhiều đều có suy nghĩ đến hình ảnh một người Mẹ thân yêu của mình từ lúc các con có trí khôn mà đôi lúc các con có nhắc đến. Những lần ấy Ba vẫn thường phớt lờ để không muốn gieo một ấn tượng hụt hẩng, mất mát sâu đậm vào tâm hồn trong sáng, thánh thiện của các con. Không những thế Ba đã phấn đấu tự chế  lòng mình, không màng hạnh phúc cá nhân để không thể hiện diện thêm bóng dáng đàn bà nào khác trong thiên chức làm mẹ trong gia đình mình. Nhưng trong cuộc sống đời thường vẫn bị tác động bởi ngoại cảnh, nên hình ảnh người mẹ ấy vẫn biền biệt tạo trong lòng mỗi đứa con một cảm nhận cho thân phận mồ côi Mẹ mà Thục Nhi con gái của Ba vừa nhắc đến trong lời chúc Ba vừa rồi. Ba biết chứ ! Trên thực tế các con không mồ côi mẹ, nhưng các con không diễm phúc có được sự chăm sóc của người Mẹ. Bởi từ đâu tạo nên nỗi bất hạnh ấy ? Bởi từ đâu gia đình tan nát, vợ chồng xa nhau, con cái xa mẹ ? Ba nghĩ rằng hôm nay các con đã khôn lớn, có ăn học đã có suy nghĩ và ít nhiều cũng đã trải qua để các con có một kết luận cho câu trả lời. Giờ đây Ba chỉ muốn nhắc các con nhớ rằng công ơn sinh thành và công ơn dưỡng dục của cha, của mẹ đều bằng nhau. Rồi đây, các con sẽ gặp lại người Mẹ ruột của mình, người Mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra các con. Vậy các con đang có suy nghĩ gì về người Mẹ của mình mà bất ngờ các con vừa nghe được qua điện thoại lần đầu tiên ngày hôm nay ?

 Ông Bình dứt lời, lòng ông chùng xuống trong cảm giác uất ức. Thời gian hơn ba mươi năm thật dài, quá khứ đen tối của cuộc đời vẫn luôn ray rứt trong tiềm thức : nước mất, nhà tan, gia đình ly tán, xã hội thác loạn....do từ đâu ?! Ông đang muốn tiếp tục nói như để giải tỏa mà không đợi những câu trả lời của các con do ông vừa hỏi :

 - Mẹ của các con là Lê Uyên Thy, nữ giáo sư Toán của trường trung học Duy Tân ngày trước ở quê nhà. Trong hơn hai mươi nữ giáo sư của trường, Uyên Thy là cô giáo trẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa. Tập thể giáo chức thời ấy thân tặng Uyên Thy là hoa khôi của trường. Không những sắc nước hương trời, bản chất Uyên Thy thật đa tình lãng mạn và rất lẳng lơ. Ba cũng là giáo sư của trường và diễm phúc đã được mẹ các con thương yêu. Sau hai năm yêu nhau chưa kịp cưới hỏi, Ba bị động viên vào quân trường. Sau bốn năm thụ huấn, Ba được phân phối ra đơn vị tác chiến. Bấy giờ Ba Mẹ mới có thời gian tổ chức đám cưới. Hai sau, Uyên Thy sinh đôi hai cô con gái của Ba, Thục Nhi và Thục Hân. Ba phải nói rằng Thục Nhi, Thục Hân rất giống mẹ như đúc khuôn cả về khuôn mặt, vóc dáng, sắc nét, tiếng nói, tính tình. Nhìn hai con là Ba đã nhìn thấy được hình dáng Mẹ các con. Đồng thời Thục Nhi, Thục Hân hai chị em sinh đôi lại giống nhau như hai giọt nước, và thường dễ lầm lẫn. Khi hai con lên hai, Mẹ con sinh tiếp Vũ An, qua năm sau thì miền Nam bị giặc cộng phương Bắc cưỡng chiếm. Ba bị giặc cộng lùa vào tù với tội danh chúng gọi là “ngụy quân”. Mẹ con bị chế độ mới thải hồi khỏi ngành giáo chức. Nhà cửa của Ba Mẹ bị giặc cộng tịch thu. Mẹ con lao đao trong đời sống không nhà, không nghề nghiệp, không nguồn lợi tức bảo đảm đời sống bốn mẹ con trong lúc Ba ở trong tù. Sau hơn hai năm sống đậu ở nhờ nhà những đồng nghiệp quen, bốn mẹ con đùm túm về tá túc bên Nội ở quê. Ông bà Nội đã già lại nghèo, thường đau bệnh nên cuộc sống gia đình Nội thật bi đát thảm thương vô cùng. Ba cũng chẳng hiểu bằng cách nào trong thời gian đó Mẹ các con giao ba đứa con cho ông bà Nội để theo tên bí thư tỉnh ủy việt cộng và đi biệt tăm luôn. Sau tám năm tù trở về, trước mắt Ba cảnh sống của gia đình ông bà Nội và ba đứa con thật thê lương. Ông Nội đau nằm liệt giường nhiều năm. Bà Nội sức yếu, mắt mờ chẳng làm được gì. Thục Nhi, Thục Hân vừa 11 tuổi, ốm tong teo, có đi học nhưng thường nghỉ nhà nhiều hơn học, đi bắt ốc, hái rau, mót lúa, kiếm củi…dang nắng suốt ngày đen thui, bẩn thỉu, quần áo tả tơi. Hai con còn nhớ chứ ? Còn Vũ An trần truồng theo lũ trẻ chăn trâu suốt ngày chạy rong ngoài đồng. Trước cảnh điêu tàn của gia đình, Ba phải dốc sức lăn xà làm đủ mọi công việc từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm để cứu gia đình. Đạp xích lô. Làm phu khuân vác hàng hóa ở bến xe. Đi xe ba gác chở hàng. Làm bồi bàn. Chạy xe đạp thồ. Bán vé số. Phụ thợ hồ….Mỗi ngày Ba làm từ ba đến bốn công việc liên tục không ngưng tay. Bất cứ việc gì dù gian nan, nặng nhọc Ba không chối từ miễn sao có tiền lo thuốc thang ông bà Nội, cái ăn cái mặc cho gia đình lúc ấy. Ba đứa con được đi học đều hơn và có tấm áo tấm quần lành lặn để mặc. Hai năm sau ông Nội qua đời, tiếp theo là bà Nội cũng qua đời, khiến cho Ba mất thăng bằng và gần như thất chí trong cuộc sống lúc ấy.

 Đến những năm kế tiếp nghe ngóng mọi người rục rịch làm hồ sơ HO đi định cư ở Hoa Kỳ, Ba quấn víu không biết làm sao ? Hằng ngày chi tiêu ăn mặc và mọi thứ cần thiết đã không đủ, thì tiền đâu làm hồ sơ, chạy chọt đút lót để có giấy tờ và những chi phí tới lui chầu chực nhiều năm ! Có những người đàn bà trẻ đẹp, giàu tiền lắm bạc, độc thân đã cứ lân la o bế, năn nỉ, xin chấp nhận làm vợ Ba, chấp nhận nuôi dưỡng các con, cung cấp tiền bạc chi tiêu trong gia đình, bao trọn chi phí cho chuyến đi. Nhưng Ba luôn thẳng thừng từ chối.  Ba không muốn nhìn thấy cảnh mẹ ghẻ hành hạ, đay nghiến, chửi mắng con chồng. Xưa nay mẹ ghẻ có bao giờ yêu quý con chồng đâu, hoặc họ ỷ đồng tiền để bắt nạt, sai khiến Ba chuyện này chuyện khác làm tôi mọi cho họ.

     Để có tiền làm hồ sơ và chi phí cho chuyến đi, Ba phải đến những nhà giàu quen biết năn nỉ họ vay tiền, vay vàng. Vay một đồng vốn, trả bốn đồng lời, làm giấy tờ cam kết khi sang Mỹ gởi về trả.

  Như các con đã nhìn thấy vì lúc ấy các con cũng đã lớn trong cuộc sống trên đất Mỹ. Ngày đầu tiên gia đình mình đặt chân xuống vùng đất này với hai bàn tay trắng, tứ cố vô thân giữa xứ người. Một lần nữa Ba phải dốc toàn lực phấn đấu cho cuộc đổi đời gia đình mình để có được như ngày hôm nay. Tuy chưa đầy đủ toàn vẹn, nhưng gia đình cũng không đến nỗi thua sút. Các con được ăn học thành đạt, yên bề gia thất, công ăn việc làm, nhà cửa ổn định. Ba nghĩ rằng, nếu các con có đủ cha, đủ mẹ như những gia đình khác thì có lẽ vẫn hơn. Giờ đã lớn tuổi, Ba an tâm chấp nhận, tự bằng lòng  những gì mình đang có trong tầm tay, không so sánh, hơn thua, hoặc mơ ước gì thêm…chính đó là hạnh phúc mà Ba nghĩ rằng mình đang có được cuối đời Ba. Ba chỉ muốn an phận trong tuổi già với những đam mê riêng tư như các con đã biết bên cạnh con cháu thôi. Ba dứt khoát không muốn vướng bận một điều gì khác. Vậy mà sau ba mươi bốn năm dài, hạnh phúc cá nhân của Ba đã ngủ yên tận sâu thẳm tâm hồn như định mệnh cuộc đời đã an bài, bỗng  nhiên Mẹ các con lại đột ngột xuất hiện, nào ai ngờ ! Nhưng với Ba, thì chẳng còn gì mong ước nữa…!

 Ông Bình ngừng nói, thở phào, lòng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được niềm tâm sự chia xẻ với các con. Ông ôm đứa cháu Nội đang đứng vòi vĩnh bên cạnh vào lòng vuốt ve thì thầm “Cháu có bà Nội rồi. Mai mốt Vũ Tâm sẽ được bà Nội  bồng bế Vũ Tâm đó nhen, cháu thương bà Nội không ? Bốn đứa cháu Ngoại, lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi cũng vây chặt bên ông Ngoại. Ông dang rộng hai cánh tay ôm gọn các cháu âu yếm mĩm cười như đang ôm trọn khối hạnh phúc cuối đời đang có trong tầm tay. Bữa tiệc vẫn tiếp tục ăn uống vui vẻ. Thấy cha ngừng nói, Thục Nhi lên tiếng :

 - Thưa Ba, hôm nay chúng con vui lắm, vừa mừng sinh nhật Ba, vừa đột nhiên biết được Mẹ đang có mặt tại Hoa Kỳ và sắp được gặp mặt. Đối với chúng con, Ba là người cha thật tuyệt vời, Ba là thần tượng sáng chói trong lòng chúng con luôn tôn thờ và ghi nhớ công ơn. Ba là bóng mát giữa trời. Ba là điểm tựa bên đời chúng con đó Ba. Ba đã thể hiện trọn vẹn tình phụ tử, không những đã hoàn tất thiên chức người cha, kể cả thiên chức người mẹ trong hoàn cảnh khốn đốn của gia đình mình thời đó. Nếu không thì giờ này chúng con vẫn là những đứa trẻ dốt nát bần cùng nghèo đói lang thang trong cái xã hội tha hóa của chế độ việt cộng ở quê nhà. Đối với Mẹ, chúng con kính trọng Mẹ, biết công ơn sinh thành của Mẹ, và dù gì đi nữa chúng con không thể có lời nào trách cứ phê phán Mẹ. Những gì Mẹ con đã gây ra đúng, sai trong quá khứ chỉ đối với Ba và Ba đủ tư cách khen hoặc chê Mẹ con. Trong niềm vui hôm nay, chúng con mong sao gia đình mình đoàn tụ, trong đó chúng con có cha, có mẹ song toàn. Lời đề nghị của Mẹ con vừa rồi, chúng con hy vọng Ba nhận lời cho Mẹ con vui…

 Vũ An, con trai ông tiếp lời chị :

 - Chị Thục Nhi của con nói đúng ý con đó Ba. Ba nên mời Mẹ về với Ba sớm hôm có nhau trong tuổi già, vui vẻ con cháu thì còn gì hơn. Còn chị Thục Hân ?

 Nghe thằng em trai nhắc nhở, Thục Hân nói :

 - Thưa Ba, đối với con, Ba là thần tượng con kính trọng, nhớ ơn suốt đời như ý chị Thục Nhi nói. Với Mẹ, con kính trọng Mẹ, nhưng con không chấp nhận lối sống của Mẹ trước đây. Con phản đối. Còn đề nghị của Mẹ chung sống bên nhau với Ba cuối đời là do Ba quyết định con không có ý kiến.

 - Ba cám ơn các ý kiến các con. Đồng thời, Ba rất bằng lòng các con vẫn còn sự kính trọng đối với Mẹ. Còn Ba, như đã nói, Ba không còn mong ước gì thêm mà cuối cuộc đời Ba đã chọn kể từ lúc ra tù việt cộng cho đến bây giờ. Ba khuyên các con hãy gọi điện thoại nói chuyện với Mẹ, tâm sự với Mẹ nhiều hơn, thân thiết gắn bó hơn trong tình Mẹ con. Đối với đứa con trai riêng của Mẹ có được sau này, các con hãy nhận nó là em của mình, đừng phân biệt đối xử, vì nó cũng là ruột thịt với các con. Càng thêm anh chị em càng vui hơni. Đồng thời Ba nhờ các con chu toàn việc đón tiếp Mẹ tại phi trường như Ba đã hứa với Mẹ và tiếp đãi Mẹ thật chu đáo tại nhà các con trong những ngày Mẹ các con sang đây. Ba chỉ có thể đến thăm Mẹ tại nhà các con thôi. Cuối cùng Ba nói rõ các con biết, giữa Ba và Mẹ hôm nay chỉ còn là tình bạn thân tình mà thôi, để các con còn đủ cha, đủ mẹ song toàn, các cháu có đủ tình thương yêu của ông bà. Nguồn vui, hạnh phúc lứa đôi của Ba Mẹ có được ngày trước, giờ chỉ còn là kỷ niệm một thời lưu giữ trong tiềm thức mà thôi. Đó là ước nguyện của Ba.-