Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Con gái viết về thân phụ: 'Bố ơi, ngày ấy... '

Con gái viết về thân phụ: 'Bố ơi, ngày ấy... ' PDF Print E-mail
Tác Giả: Vân Anh   
Thứ Tư, 02 Tháng 6 Năm 2010 15:44

'Kính tặng Bố, nhân ngày Father's Day'

 “Bố đi con nhé, 30 ngày rồi Bố về.”

Ðó là nguyên văn lời Bố nói, trong khi một tay thì xách giỏ đồ, tay kia xoa đầu tôi, chia tay với Mẹ và các anh, chị em tôi, để đi tập trung ở một nơi nào đó mà người ta gọi là “học tập cải tạo.” Và đó cũng là hình ảnh duy nhất đọng lại trong đầu óc ngây thơ của tôi, về Bố, trong thời gian Bố đi tù.

Tôi còn nhớ, thời gian ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, Mẹ bảo đọc Kinh cầu xin cho Bố mau về. Vì là đứa hay khóc, nên ngày ấy tôi may mắn được ngủ với Mẹ và em út tôi khi vắng Bố. Và cũng chính vì thế, có lẽ tôi là đứa duy nhất trong năm anh em chứng kiến một cách âm thầm, dù có lúc chẳng hiểu tại sao, mỗi đêm Mẹ khóc. Khi thì âm thầm, lúc thì nức nở... Thương Mẹ lắm, nhưng ngày ấy tôi chỉ biết ngơ ngác nhìn vào khoảng đêm mù mịt, rồi ngủ quên đi lúc nào không hay.

“Ngày ấy,” mới đó mà những ngày ấy đã lùi lại trong ký ức tôi hơn 20 năm rồi.

“Ngày ấy,” dù có khổ cực vì cuộc sống vật chất, thiếu thốn biết bao về tinh thần vì thiếu Bố, cái yếu ớt của Mẹ khi đó vừa bước vào tuổi 30, vẫn đủ để che chở, bao bọc cho anh em tôi.

Tôi yêu “ngày ấy,” vì nó cho tôi biết thế nào là sự bao la của tình Mẹ, thế nào là sự thiếu thốn tình Cha, và nhất là anh em tôi như đùm bọc nhau hơn, để tôi hiểu hơn, thế nào là “gà cùng một mẹ...”

“Ngày ấy,” cứ mỗi chiều tối, tôi dắt hai em nhỏ của tôi ra trước cổng đứng nhìn về phía chân trời đỏ ối, chờ một phép tiên nào đó đem Bố về cho Mẹ, cho anh em tôi.

Không có đèn trung thu để đi rước đèn với các bạn cùng xóm, không có “búp bế” để chơi như các bạn cùng thời, nhưng những điều ấy chưa bao giờ làm cho đầu óc thơ ngây của tôi thắc mắc, mà chỉ mỗi buổi tối về, ngồi bên ngọn đèn dầu ăn tối với Mẹ, bà Nội và anh em, tôi mới thắc mắc: “Sao Bố đi lâu vậy?” “Bao giờ Bố về?” Tôi không thể nhớ là Mẹ đã khóc bao nhiêu lần vì những câu hỏi ấy của tôi. “Ngày ấy,” tôi chẳng hiểu tại sao những câu hỏi của mình lại làm Mẹ khóc. Nhưng tại sao, thì tôi không dám hỏi, mà chỉ níu áo, thủ thỉ hỏi bà Nội: “Bố có nhớ con không?”

“Ngày ấy,” Bố thì biền biệt ở một nơi nào xa xôi lắm, người ta gọi nơi đó là Hoàng Liên Sơn, còn Mẹ thì cứ sáng sớm cùng bà Nội đi vào rẫy. Năm anh em tôi lo cho nhau ăn cơm sáng, rồi dắt díu nhau đi học. Thỉnh thoảng có nhận được thư Bố, nhưng nó hiếm hoi đến mức độ tôi đã đọc thuộc từng chữ, từng dấu chấm, phẩy trong đó, và dù có cẩn thận tới đâu, những lá thư ấy cũng trở nên nhàu nát dần.

Tôi còn nhớ rất rõ, Bố dặn chúng tôi phải ngoan, vâng lời Mẹ và nhất là chăm học. Có thể vì thế mà dù nhà rất nghèo, không đủ sách vở đi học, chúng tôi không bao giờ để Mẹ phải nhắc nhở về việc bài vở; tôi rất sợ làm Mẹ buồn! Tôi không muốn làm Mẹ buồn. Nhớ Bố bao nhiêu, thương Mẹ bao nhiêu, mấy anh em tôi càng chăm học bấy nhiêu.

“Ngày ấy,” có nhiều khi là những chuỗi ngày cực, nhục, ngày mà người ta gọi là “giải phóng miền Nam,” để Bố phải biền biệt nơi rừng thiêng nước độc Hoàng Liên Sơn, còn Mẹ thì yếu đuối với trách nhiệm làm Mẹ, và làm cả Cha nữa. Nhưng “ngày ấy” đã tôi luyện anh em tôi thành những người can đảm hơn. Gia tài của chúng tôi qua những ngày ấy chẳng còn gì ngoài tình gia đình, sự đùm bọc của Bố Mẹ, của anh chị em... Có lẽ, đó là gia tài quý hiếm hơn tất cả mọi điều trên thế gian này.

Những người Cộng Sản không thể ngờ rằng, với chính sách nghiệt ngã của họ, chúng tôi được “tôi luyện” hơn, thế hệ thứ hai của những người mà họ từng miệt thị là “ngụy quân.” Và nếu họ biết hậu quả của những ngày ấy để trong chúng tôi thế nào, có lẽ những người có lương tâm sẽ không khỏi cắn rứt cho việc làm ấy, và sẽ làm gì đó hữu ích cho xã hội Việt Nam, chứ không tiếp tục “ăn trên, ngồi tróc” như hiện nay.

Tôi còn nhớ rõ, anh lớn tôi, người từng thay Bố “kéo cày” trong lúc Bố vắng nhà, đậu đại học với số điểm ưu, nhưng không được nhận vào đại học Y-Dược, vì là người Công Giáo, và Bố là... “ngụy quân” với cấp bậc cuối cùng là Ðại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa! Lý đó chỉ có vậy thôi! Duy nhất vậy thôi!

“Ngày ấy,” chúng tôi đâu dám nghĩ là sẽ có một ngày nào, định mệnh sẽ mở một trang mới cho chúng tôi: Một trưa mùa Hè ở Châu Âu, giống như một trưa Hè ngày xưa ở Việt Nam, được tin Bố về, tôi nhận được điện thoại từ Việt Nam báo tin: “Nhà mình sắp đi Mỹ, diện HO!” Lạy Chúa, tôi hoảng hốt thốt lên, vì không dám tin là điều ấy có thể xảy ra. Cảm ơn định mệnh! Tôi cảm ơn định mệnh biết bao. Tôi cuống quýt chuẩn bị cho ngày trùng phùng với mọi người trong gia đình ở quê hương thứ hai.

Lần gặp lại ấy đã gần 20 năm rồi, nhưng từng ánh mắt, từng khuôn mặt của từng người trong gia đình tôi vẫn như in trong tâm khảm tôi tại phi trường LAX. Không ai nói ra, nhưng từng người đều muốn nhắc tới bà Nội, người đã cưu mang anh em tôi trong những ngày cùng cực ấy, người đã âm thầm nâng đỡ tinh thần cho Mẹ trong những ngày vắng Bố. Giờ thì Bà đi xa rồi, xa lắm rồi. Tôi chỉ tiếc là chẳng còn Bà, để nói rằng những đêm xưa Bà ngồi quạt muỗi cho chúng tôi học, đã là những chìa khóa mở cửa cho những hiện thực mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay. Anh em tôi, mỗi đứa mỗi nghề nghiệp, nhưng nếu Bà biết chúng tôi đã thành nhân, thành công như hôm nay, chắc Bà sẽ vui lắm.

Tôi cứ muốn gọi mãi: “Bà ơi...”