Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Chuyện Chử Ðồng Tử Với Nàng Tiên Dung

Chuyện Chử Ðồng Tử Với Nàng Tiên Dung PDF Print E-mail
Tác Giả: Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC   
Chúa Nhật, 15 Tháng 7 Năm 2012 06:15


 Nước Văn Lang ta với bốn ngàn năm văn hiến đã nẩy sinh rất nhiều huyền thoại. Huyền thoại “Con rồng cháu tiên”, Sơn tinh Thủy tinh, Phù Ðổng thiên vương, Mị Châu Trọng Thủy v.v... đã làm chúng ta say mê từ thuở bé khi đọc sử nước nhà.

Ở đây, Nhà Văn Trần Đình Ngọc muốn nhắc lại một câu chuyện tình vô cùng đẹp, một chuyện thần tiên, với một chút hư cấu do trí tưởng tượng cho cuộc tình tiên-tục thêm đậm đà khởi sắc. Đó là chuyện Chử Ðồng Tử, một thanh niên nghèo nàn đến không có quần áo mặc lại được sánh duyên với Công chúa - lúc đó gọi là Mị nương - Tiên Dung, con gái yêu của vua Hùng Vương thứ ba.

Câu chuyện này cũng cho ta một khái niệm, không nhất thiết :”Con vua thì lại làm vua, Con bác sãi chùa phải quét lá đa” mà trái lại, nếu có đức, có tài - nhất là đức - thì người bần dân ở giai cấp thấp nhất trong xã hội cũng được vươn lên, được sánh ngang với công chúa là giai cấp cao nhất trong xã hội thời đó, một quan niệm xã hội rất tiến bộ trong lịch sử loài người nhất là ở thời kỳ hồng hoang. Mời bạn đọc cùng tác giả đi vào chuyện.

CHỬ ĐỒNG TỬ VỚI CÔNG CHÚA TIÊN DUNG

(Phóng tác từ dã sử Việt Nam)


Đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Bình Minh, Khoái Châu)

1.

Đời vua Hùng Vương thứ 3, ở khu chợ Bài, làng Chử xá, huyện Phong Châu có một cặp vợ chồng, tên người chồng là Chử Phù Vân.

Hai ông bà Chử Phù Vân chỉ sinh hạ được một cậu con trai, cưng quí lắm, đặt tên là Chử Đồng Tử.

Trước kia Chử ông đi bắt tôm bắt cá cũng đủ ăn; nhờ làng xóm mỗi người một tay phụ giúp, ông bà làm được ngôi nhà ba gian hai chái bằng gỗ soan ở khu chợ Bài, có sân đất nện phía trước, vườn rau nhỏ phía sau và cái cổng tre chống lên ban ngày, ban đêm hạ xuống ngăn ngừa thú vật vào sân. Bà Vân buôn rau buôn cải phụ giúp chồng, gia đình tuy chẳng gọi là giầu có nhưng cũng mát mặt, đủ ăn, đầm ấm.

Một bữa ông Chử đi đánh giậm, bà vợ đem con - lúc đó mới có mười tháng - gửi cho người em họ ở xóm Tây rồi ra chợ bán hàng.

Chẳng hiểu gió thổi bay tàn lửa hay sao mà lửa trong bếp bốc lên, cháy lan qua chuồng rơm rạ dùng đun bếp ở cạnh, ngọn lửa bốc cao thiêu rụi căn nhà xinh xắn của gia đình ông bà.

Khi người ta tri hô lên và đi gọi được ông bà Chử về thì cả cái nhà chỉ còn là một đống than hồng.

Hàng xóm đến an ủi ông bà Chử nhưng họ cũng nghèo chỉ giúp được vài đấu gạo, mớ rau qua bữa; hai ông bà Chử phải bồng con ra bãi biển dựng tạm một túp lều làm chỗ che mưa, trú nắng. Ít lâu sau, bà Chử lên cơn bệnh và từ trần trong căn lều tồi tàn này.

Vợ qua đời, Chử ông gà trống nuôi con lúc con mới được hơn năm, gia tư có chút gì thì đã cháy rụi theo thần hỏa, ông rất vất vả cơ cực nhưng vẫn cắn răng chịu đựng không hề than trời trách đất.

Chử Đồng Tử lớn lên trong tình yêu thương của cha, lúc mười hai tuổi đã có thể theo cha đi bẫy chim, đánh cá làm kế độ nhật.

Rồi càng lớn, anh càng trở nên một trang thanh niên khôi ngô, tuấn tú, tư cách hơn người. Anh có đôi mắt trong sáng với tia nhìn thẳng thắn, thân hình nẩy nở, vạm vỡ vì anh thường đến học võ với võ sư họ Chu ở xóm Đông làng Thượng kế bên. Nhưng cái quan trọng nhất trong con người anh Chử Đồng Tử là tính tình cương trực, ngay thẳng của anh. Anh cũng có lòng nhân hậu hay giúp đỡ mọi người nhất là những người đang cơn họan nạn. Một điểm đặc biệt khác là anh rất có hiếu với cha mẹ. Mẹ anh không còn nhưng anh tuyệt đối vâng lời và kính yêu bố. Nghèo, thanh đạm nhưng trong sạch còn hơn là giầu mà trọc phú, đê tiện, anh thường nghĩ vậy.

Trước kia hai bố con ông Chử mỗi người có một cái khố để che thân, đi chợ đi búa. Thực sự hồi đó nước Việt Nam ta cũng còn nhiều người nghèo, đóng khố quanh năm. Vả lại đóng khố cũng là một cách ăn mặc ở thời đó, không ai dị nghị người đàn ông tứ thời bát tiết đóng khố, ngọai trừ những lễ hội cần phải ăn mặc trang trọng hơn. Chỉ cách nay khoảng hơn trăm năm, nghĩa là vào khoảng đầu thê kỷ thứ 20 (thời Pháp thuộc)nhiều dân quê vẫn đóng khố thay vì mặc những quần áo như hiện nay.

Rồi một bữa nọ. Nào có cái vụ:

“Yêu nhau cởi khố cho nhau”

như ở thế kỉ 21 này trai gái vẫn thường làm, chẳng biết phơi phóng sau khi giặt giũ ra sao mà anh Chử Ðồng Tử mất cái khố duy nhất:

”Về nhà bố hỏi qua cầu khố bay.”

Thế có chết người không kia chứ?

Nhưng ông Chử Phù Vân, đúng là từ phụ, người cha nhân từ một lòng thương con, không phàn nàn nửa lời. Giá như bây giờ, dân làng, dân phố sẽ làm một cái kiệu hoa như cái kiệu của hai vua Trưng Trắc và Trưng Nhị mỗi năm, khiêng ông đi diễu phố để tôn vinh ông vào ngày từ phụ, vì chẳng những ông không cằn nhằn Ðồng Tử một câu, mà còn an ủi:

“Thôi con ạ, gió bay mất thì thôi. Của đi thay người. Hoặc giả có người nào túng nhỡ nhặt được thì để cho họ mặc, mình lấy phước. Mai mốt kiếm được mớ tôm, mớ cá bán mua lại mấy hồi.”

Bố không la, lại an ủi, Ðồng Tử rất mừng. Nhưng mừng chưa được nửa ngày thì cái sầu lại tới. Cứ tồng ngồng thế này thì còn ra cái thể thống gì? Con trai hai chục tuổi rồi chứ bé dại sao, nằm chết dí trong xó lều mãi à ?

Vô kế khả thi. Khổng Minh Gia Cát, Trang Trình, Trạng Bùng... lại không có đó cho mà vấn kế (có sao được, các ông này chưa thành hạt bụi). Ông Chử Phù Vân thấy con cứ nằm úp bụng xuống cát, mới đầu không nghĩ ra, ông nghĩ thằng con tiếc của, vài ngày là khuây. Nào ngờ con ông cứ nằm miết. Ông bố khá thông minh nên chợt nghĩ ra, thôi rồi, có một cái khố mà mình cứ “diện” hoài, thằng con lấy gì đi đây đi đó?

Bèn âu yếm bảo con:

“Này con, lấy khố của bố mà đóng khi cần ra ngoài. Từ nay, hễ con cần khố thì con cứ lấy, bố nằm nhà và ngược lại. Con hiểu không ?”

Dĩ nhiên, cậu con hiểu ngay:
“Dạ, thưa bố, con hiểu. Cám ơn bố.”
Thế là từ đó, cái khố chung được trịnh trọng treo trên cây sào trong góc lều. Ai cần thì “diện” lên đi rồi lúc về lại treo lên sào. Người kia cần thì lấy. Thành thử hai người đàn ông, lúc làm lúc nghỉ, còn cái khố thì làm cả ngày, không mấy lúc ngơi nghỉ.
Cuộc sống thanh đạm nhưng an hòa của hai bố con Chử ông cứ thế trôi đều.. Ngày đánh giậm, đánh lờ, câu cá, bẫy chim... được mẻ tôm, mẻ cá gì đem vào ngôi chợ Bài gần đó bán mua gạo, mua muối, mua cải, diêm quẹt hoặc những thứ cần thiết khác v.v...nhưng có cái thiết yếu nhất là cái khố thì hai bố con ông Chử chưa sao sắm được nên vẫn còn phải dùng chung một cái duy nhất.

Cá tôm thực ra bắt được cũng nhiều mà giá quá rẻ vì gia đình nào cũng có người đi mò giậm, quăng lưới.

Khác hẳn thời nay, thời đó tôm cá đông đặc dưới sông, dưới ao hồ nhưng dân chài lưới lại khổ vì cái nạn thủy quái như thuồng luồng, giải, bạch tuộc, ba ba khổng lồ, cá sấu... Ðã không ít người bị hại vì thủy quái ăn thịt.

Chính Chử đồng tử đã hai lần: một lần vật lộn với một con sấu dài hơn gian nhà, một lần ở dưới sông với một con thuồng luồng mười sáu cánh tay như loài bạch tuộc dưới biển. Anh Chử chỉ có con dao đá và phải chiến đấu đến gần kiệt lực mới thoát thân được không thì đã bị hại với hai con ác thú này rồi.

Người Việt lúc đó vẫn nhỏ con so với người da trắng nhưng khoẻ hơn bây giờ. Tay vo vật cọp, beo là thường vì đàn ông thường luyện tập võ nghệ tinh thông để giữ nhà, giữ nước.

Nhưng thủy quái rất tinh khôn, chúng chỉ lừa lúc người sơ ý không đề phòng mà tấn công nên vua Hùng vương bèn ra lệnh cho nhân dân xâm mình (chính là tattoo ngày nay) cho giống với hình thù thủy quái. Chúng tưởng đồng loại nên không tấn công. Từ đó nạn thủy quái bớt dần.

Khi Chử Ðồng Tử trên hai mươi tuổi, một bữa ông Chử Phù Vân bảo con:

“Con người, ai cũng vậy, hễ đến tuổi trưởng thành thì phải lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường, sinh con đẻ cháu. Đó là cái luật tự nhiên của Tạo hóa. Bố thấy con đã thành nhân mà vẫn chưa thành gia thất, chưa có gia đình riêng của con, bố buồn lắm! Vậy con thử coi quanh vùng xem có con bé nào coi được được mà tính tình ngoan ngoãn dễ thương thì cho bố hay rồi bố đi hỏi cho con.”

Chử Ðồng tử nghe bố đề nghị chuyện lấy vợ thì ngượng ngùng, cứ tần ngần ngồi nhìn dải mây trắng trong khung cửa lều trên bầu trời xanh thẫm.

Chử ông lại tiếp:

“Ngày xưa, bằng tuổi con, bố cũng được ông nội con đi hỏi mẹ con cho bố. Nếu ông nội không xăng xái thì có lẽ giờ này cũng chưa có con. Bà ấy còn sống thì mày cũng có một lũ em trai, em gái rồi. Nhưng sinh mày được hơn một năm, bà ấy bị hậu sản vì đi mò cua bắt ốc sớm quá, tối về lều lại trống hốc trống hác, gió heo may mùa Ðông lùa vào cả ngày cả đêm mà bận việc lo kiếm cái ăn, bố chưa kịp bỏ giờ ra sửa chữa lại. Căn nhà ba gian gần khu chợ Bài thì trước đó đã bị thiêu rụi nên bố với mẹ con phải ra đây dựng tạm cái lều này.

Một bữa, tao không thể quên được bữa đau khổ đó. Tao đi mò giậm, lúc về thì bà ấy đã tắt thở nằm trong cái ổ rơm này mà mày thì đang nhay hai cái vú đã hết sữa của bà ấy. Tao đau đớn, khổ sở vô cùng, khóc hết nước mắt, nhưng cũng phải ráng tìm nơi an táng mồ cao mả đẹp cho bà ấy. Rồi từ đó, gà trống nuôi con, bố đã phải bế mày đi bú rình, bú chực bà tư Gấm và chị Miền ở khu chợ Bài nhiều lần, sau đó mày hơi lớn, nhai tôm nhai tép với cơm ra đút, mãi năm lên bốn, mày mới biết ăn cơm một mình, bố mới đỡ cực. Thực là nhọc nhằn! Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Tao lại càng nhớ ơn ông bà nội mày đã sinh và nuôi nấng tao nên người.”

Chử Ðồng tử nghe bố nói lòng buồn buồn. Thực lòng, anh chẳng muốn nghĩ đến chuyện vợ con. Kiếm đâu ra cô thôn nữ vào tuổi cập kê, được được người, lại ngoan ngoan nết?

Người ta giầu có, ruộng sâu trâu nái thì chưa mở miệng, gia đình nhà gái đã ưng thuận vì người ta “trông giỏ bỏ thóc”. Mình nghèo đến cái khố phải chia thời gian với bố thì ai thèm. Nếu có ngon thì cô nhỏ Trinh con ông bà Hàng đó. Coi bộ Trinh cũng có cảm tình với mình và thường khen mình có tấm thân cân đối, rắn chắc, khoẻ mạnh với khuôn mặt chữ điền vuông trượng, sau này làm nên và tính tình ngay thẳng đàng hòang.

Nhưng con gái nào chẳng ham tiền, thời nào cũng vậy. Hai bố con chỉ có độc một cái khố thì quá khó! Anh Chử Đồng Tử vẫn lan man nghĩ.

Phải chi thời đó đã có một nhà thơ Nguyễn Bính, chắc anh Chử Đồng Tử đã ngâm nga:

Con tằm được mấy tiền tơ

Chao ơi mà ước mà mơ lấy nàng!

và hai câu:

Nếu không có giậu mồng tơi

Chắc là tôi đã sang chơi nhà nàng

sẽ được đổi là:

Mình ên một khố khơi khơi

Chắc là tôi đã sang chơi nhà nàng!


Tâm sự của anh Chử với người yêu là cô Trinh ở khu chợ Bài thì chỉ mình anh biết, mình anh hay, chứ anh không thổ lộ với bố vì biết có thổ lộ can tràng bố cũng chẳng giúp được gì cho mình. Lực bất tòng tâm là vậy.

Chuyện Chử ông đề nghị anh Chử kiếm vợ chưa đi tới đâu thì khoảng sáu tháng sau, một bữa mưa to gió lớn, lều dột lung tung, ông Chử Phù Vân ngã bệnh.

Trải qua ba ngày đêm mưa gió, chỉ cầm hơi bằng mấy con cá con tôm mới đánh được, hai bố con ông Chử thật khổ sở, thảm não. Người ta có tiền thì vài thang thuốc Nam trong chợ, mấy bát cháo hành thật nóng, nồi nước xông cho đổ mồ hôi cũng khỏi. Nhưng nghèo quá, ông bố nằm liệt ổ, anh con không cựa quậy vào đâu được.

Cho đến một đêm không trăng sao, Chử ông trút hơi thở cuối cùng trên tay người con trai yêu quí. Trước đó, khi biết bố khó qua khỏi, anh Chử Đồng Tử ghé vào tai bố:

“Thưa bố, bố có điều gì trối bảo, dặn dò con không?”

Người cha đưa đôi mắt đã lạc thần nhìn con với vẻ vô cùng âu yếm. Ông nở một nụ cười gượng gạo:

“Bố chỉ có hai điều dặn con. Một là sau khi bố chết hai năm, chứ đừng chờ ba năm, con liệu lấy một người vợ để làm bạn với con cho bớt buồn và cô đơn. Sống mình ên như thế này vò võ buồn khổ lắm. Mà khi trái gió trở trời không ai phụ giúp, đêm bị cơn gió độc chết trong lều không ai biết. Hơn nữa, người vợ con sẽ cho con mấy đứa con - nhất là con trai - để nối dõi tông đường họ Chử chứ. Bố mong điều đó lắm. Hai là khi chôn cất bố, con lấy cái khố ra, đừng chôn theo bố kẻo uổng đi. Con đang không có cái mặc, hãy lấy ra mà mặc. Chết rồi thì có khố hay không có khố không thành vấn đề. Nghe con!”

Anh Chử gật đầu khóc với bố:

“Dạ, thưa bố. Con sẽ theo đúng lời bố dạy. Nhưng bố ơi, bố nỡ bỏ con một mình trên cõi đời này sao? Bố mất đi con còn ai mà sớm tối phụng dưỡng, hầu hạ, chuyện trò? Dù nhà mình chẳng có bát ăn bát để nhưng bắt được con tôm, con cá nào to, ngon, con cũng để dành kho, nấu mời bố xơi. Con chỉ mong bố khoẻ mạnh và sống mãi với con thôi bố ạ! Con không cần một sự gì khác.”

Người cha nhìn vào mắt con, cười như mếu:

“Sinh lão bệnh tử là lẽ thường con à. Ai rồi cũng đến lúc phải chết, phải từ giã cõi đời. Mẹ con mất rồi, bố còn có con. Bố mất trên tay con như thế này là bố mãn nguyện lắm.”

Chử ông nói một hơi mệt quá, nằm thở dốc. Hạ cơn mệt, ông tiếp:

“Trước đây đã có lần bố vật lộn với một con giải khổng lồ ở khúc sông làng Thượng, bố đã tưởng phải bỏ mạng với nó. Chết vậy thì uổng lắm. Chứ được chuyện trò, trối trăng với con rồi chết, bố thật vui lòng. Con nhớ phải đi kiếm lấy một người con gái. Dễ thương như con Trinh nhà ông bà Hàng thì bố ưng lắm, chết bố an lòng nhắm mắt...”

Ðến lúc hơi thở gần tàn rồi mà Chử ông vẫn còn nghĩ đến tương lai của con, nghĩ đến người vợ đầu ấp tay gối của con, vẫn còn nhắm cô con gái chanh cốm thông minh nhất, xinh xắn nhất, được người được nết ở khu chợ Bài cho con bởi ông nghĩ, người vợ là điều hệ trọng nhất. đáng phải lưu tâm nhất trong cuộc đời mỗi người đàn ông.

2.

Thời gian trôi khoảng vài năm.

Tình yêu của Trinh đối với Chử Đồng Tử càng ngày càng mặn mà thêm. Chử Ðồng tử cũng thương thầm nhớ trộm Trinh lắm nhưng anh chẳng biết phải làm sao.

Phần thương bố, anh không muốn vui vầy duyên mới trong kì hạn ba năm để tang; phần nghèo, cái nghèo trường kì không sao thoát ra được mà anh đành lòng cứ để ngày tháng trôi đi như bóng câu qua sổ mặc dù ông bà Hàng có lần nói bóng nói gió cho anh hiểu là ông bà và Trinh rất thương mến anh, nếu anh nhờ được người có vai vế cha chú hoặc cô dì đến nói thì ắt việc hôn nhân sẽ thành tựu.

Một hôm, đang đứng nhìn trời, biển, mây, nước ở một bãi biển cách xa lều, Chử Đồng Tử bỗng thấy một đoàn thuyền ba chiếc từ xa đi tới. Thuyền biển rất lớn, trang trí rất đẹp và đi khá nhanh vì những chiếc buồm căng gió. Chiếc đi giữa có tiếng đàn sáo vang lừng. Trên boong thuyền, một đoàn thể nữ vài chục người áo trắng, váy lụa xanh, vừa múa, vừa hát rất nhịp nhàng, tiếng hát của họ theo gió vọng tới nơi anh đang đứng.

Vì chưa bao giờ được ngắm nhìn cảnh tượng lộng lẫy huy hòang như thế, Chử Đồng Tử cứ đứng ngây người nhìn, âm thanh trầm bổng du dương của nhạc khí càng làm anh quên thực tại. Ðến khi chợt nhớ ra mình chẳng có gì ngoài một sợi dây chuối buộc trên người, anh vội tìm cách ẩn trốn, không phải vì sợ hãi vua quan nhưng vì mắc cở với thân thể trần trụi của mình.

Nhìn quanh chẳng có một bụi rậm, chỉ thấy độc một cái hố vừa người ngồi lọt, chắc do bọn trẻ ra biển chơi đào cát mấy bữa trước. Cát đào lên còn vun đống ngay miệng hố cùng với một đám rong biển mầu vàng óng như tơ do thủy triều đưa lên.

Thế là anh vội vàng chạy tới, ngồi lọt thỏm dưới hố, vì chẳng còn cách nào khác. Anh lấy tay cào cát và mớ rong biển cho phủ cả đầu chỉ để chừa cái mũi để thở và hai con mắt, lúc cần có thể hé nhìn những gì xẩy ra xung quanh.

Chẳng bao lâu ba chiếc thuyền đến ngay nơi đó, rồi đậu lại, bỏ neo. Người trên thuyèn bắc cầu cho binh lính và đám vũ nữ vừa nãy khiêng một chiếc kiệu hoa trang trí rất đẹp trên có một người ngồi. Đó là một thiếu nữ mặt hoa da phấn, dáng dấp xinh tươi, ăn mặc sang trọng, ra vẻ một công nương con nhà quyền quí. Hai tay nàng đeo hai chiếc vòng ngọc quí mầu xanh lá cây, hai tai cũng đeo hai chiếc vòng nhỏ chỉ bằng một phần mười vòng đeo tay, nhưng cùng một thứ ngọc và cùng mầu. Đôi hài thêu ở chân cũng nạm ngọc và kim cương sáng lóng lánh. Cái váy lụa mầu xanh đậm nàng mặc từ khoảng thắt đáy lưng ong thả xuống trên mắt cá, vừa để lộ đôi giầy đẹp, mỗi bước chân khoan thai của nàng hằn lên cặp đùi dài, khoẻ mạnh. Chiếc lưng ong được che chở bằng cái áo lụa xanh nhạt bên trong, đồng mầu váy, bên ngoài là chiếc áo khoác mầu đen tuyền trên đính nhiều hạt ngọc, mã não và kim cương nhỏ chiếu lóng lánh. Mái tóc đen huyền, với cái trâm ngọc cài trên, thả xuống khỏi bờ vai tròn nhỏ, cân đối, nổi bật lên cái cổ cao thanh tú và khuôn mặt trái soan trắng ngần với đôi mắt trong sáng, hàng mi cong, đôi lông mày hình bán nguyệt, chiếc mũi thẳng và đôi môi tươi hồng. Một nữ lưu trẻ trung sang trọng, đài các, xinh đẹp như vậy người ta hiếm thấy ở khắp mấy vùng quanh huyện Phong Châu này.

Thiếu nữ xuống khỏi kiệu hoa, ra đứng cạnh một mỏm đá nhìn trời, nhìn biển, nhìn những con hải âu bay lượn. Một lát, thể nữ dâng thức uống, xong nàng cùng bốn thể nữ đi dạo quanh bờ biển.

Trong hố cát, Chử Đồng Tử hé mắt nhìn không sót một hành động nào của công nương và đám thể nữ. Anh chỉ mong cho thuyền bè của nàng rời đi sớm để anh về lều nhưng coi bộ binh lính sửa soạn căng lều vải trên bãi, dựng rạp thì có lẽ họ sẽ ở qua đêm chăng?

Chử Đồng Tử thắc mắc, ngại ngùng quá đỗi. Ngồi một lúc dưới hố thì còn chịu được chứ ngồi suốt đêm thế này thì mỏi lắm. Lại đói và khát. Vừa nãy anh định tạt qua mộ thăm bố rồi về lều ăn cơm. Hôm qua, cô Trinh tới chơi, đã kho tiêu giùm một nồi cá bống mũn, nhiều con với hai bọc trứng ăn thiệt bùi, lại thêm một nồi canh chua cá chép nấu với nhót, bắp cải và cà chua thật ngon. Nồi cơm đã nấu còn ủ trong than rạ cho nóng; anh chỉ việc hâm canh là ăn.

Chợt thấy nàng ra lệnh gì đó với đám thể nữ. Lập tức đám quân sĩ khiêng những cái cọc và những tấm vải buồm từ dưới thuyền lên. Họ đưa đến chỗ anh Chử đang nấp bên dưới, đóng cọc, vây màn, xong lại khiêng cả một chum nước ngọt để ở trong màn. Xong, bốn thể nữ đưa công nương tới, vạch màn cho nàng vào.

Thì ra họ vây màn cho nàng tắm. Ðây chắc chẳng phải lần đầu vì mọi thứ trang cụ đều được sắp đặt qui củ, từ cái gáo dừa có chuôi dài để múc nước, cái khăn tắm trắng phau đến cái lược ngà sang trọng và vài hũ hương liệu chỉ vua chúa mới có.

Từ từ cởi bỏ từng tấm xiêm y, công nương mỉm cười nhìn khuôn mặt xinh đẹp của mình trong chum nước trong vắt, có vẻ rất hài lòng. Nàng vuốt mớ tóc đen mun xõa xuống đôi vai nổi bật trên làn da trắng, ngắm nghía bộ ngực căng tròn, thanh tân của mình, rồi đưa mắt xuống đôi bàn chân để trần trên cát... Nàng đúng là hiện thân của một nàng tiên trên thượng giới. Trong lúc đó, anh Chử Đồng Tử nằm im bất động hai mắt nhắm lại, chỉ để hở một cái lỗ cát nhỏ để thở.

Phải đến bốn ngàn năm sau, thi hào Nguyễn Du mới tả chân người đẹp trong mấy vần thơ:

Mát trời bãi biển thong dong

Thang lan rủ bức, trướng hồng tẩm hoa

Rõ mầu trong ngọc, trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên!

(Nguyên bản: Buồng the phải buổi thong dong, ở đây đổi đi cho hợp)

Rồi nàng lấy chiếc lược ngà nhẹ nhàng chải mớ tóc mây mà nhà thơ Bích Khê đã ca tụng:

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Vài chút trăng say đọng ở làn môi

Và một nhà thơ tiền chiến khác:

Ngực trắng tròn như một trái đồi

Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương

Nụ cười bừng nở hàm răng lựu

Sáng cả trời xanh mấy dặm đường!

Mấy dặm đường ở ngay bãi biển Chử xá này, nơi ba chiếc thuyền của công nương vừa tạm neo lại nghỉ đêm.

Sau khi đã tháo nữ trang bỏ vào một cái bát sứ lớn, công nương đứng cúi xuống một chiếc thau đồng đánh bằng cát mịn sáng rỡ để trên cái giá gỗ cao vừa tầm, dùng gáo dừa múc từng gáo xối từ từ lên đầu, một tay xoa nhẹ những lọn tóc, miệng khẽ hát một bài hát theo điệu Lưu thủy, một điệu dân ca Việt Nam rất hay thời đó. Rồi nàng vốc một vốc nước bồ kết đã ngâm trong cái bát sứ, rải trên đầu, lại xoa mái tóc cho bọt bồ kết nổi lên, xong nàng dội lại bằng nước ngọt trong chum. Nếu ở trong hoàng cung, nước tắm và gội đầu sẽ là nước nấu với lá sả, lá chanh, hoa hương nhu, hoa bưởi thơm ngào ngạt nhưng đi du lịch thế này, nàng bảo đám thể nữ giản dị tối đa vì hoa bưởi, hoa nhài tươi dọc đường không sẵn mà hoa lá khô nàng lại không thích. Thôi cứ nước trong trẻo ở giữa dòng sông cũng được.

Trong khi nàng tắm gội, đám thể nữ cũng rảnh rang đi làm công việc riêng, chỉ để một cô đứng xa xa trông chừng, phòng công nương gọi sai bảo.

Gội đầu chải tóc xong, nàng cũng dùng gáo dừa múc từng gáo nước trong veo, ngọt lịm, xối lên tấm thân thể nõn nà, miệng vẫn nho nhỏ tiếp tục bài ca với nhiều thích thú.

Chử Ðồng tử ngồi trong hố, nín thở mà nghe. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, anh chưa từng được nghe một bài ca tuyệt hay như vậy bao giờ nhất là bài ca từ miệng một mỹ nhân xinh tươi sang trọng mà anh nghĩ chỉ có thể sánh với tiên.

Quần chúng hồi đó coi tiên cũng như người nhưng là người thoát phàm, đẹp đẽ, trẻ trung, thanh lịch, không bao giờ già, có quyền phép hô phong hóan vũ và chỉ ở với nhau tại những nơi u tịch như núi cao, rừng sâu, hải đảo v.v...

Bỗng có tiếng nói và những tiếng cười khúc khích ở bên ngoài. Tiếng cô trưởng đội thể nữ nói vọng vào:

“Trình Mị Nương, khi Mị Nương tắm xong, Mị Nương gọi tụi em nhé!”

Tiếng nàng từ trong màn, trong trẻo và thanh tao như một cung đàn, nói vọng ra:

“Ừ, hễ xong ta sẽ gọi.”

Một cô khác:

“Bẩm Mị Nương Tiên Dung, mị nương muốn tụi em vào kì cọ hầu hạ Mị Nương không? Mị Nương đẹp chim sa cá lặn vậy thì chẳng phải các hoàng tử, công tôn mà chính tụi em cũng muốn gần gụi, hầu hạ Mị Nương.”

Nàng gắt yêu:

“Thôi, mấy con khỉ. Ðừng chọc ta nữa!”

Ở bên ngoài, đám thể nữ ôm nhau bụm miệng cười ngả nghiêng, có cô ngã nằm xoài trên cát. Họ săn sóc công chúa đã lâu, từ khi nàng mới sinh cho tới nay đã tuổi trăng tròn. Nàng chính là công chúa Tiên Dung, ái nữ vua Hùng Vương thứ ba nước Văn Lang. Vua cha và hoàng hậu rất yêu quí nàng vì nàng xinh đẹp, lại thông minh xuất chúng. Sách chữ Hán hồi đó, quan Hàn Lâm đại học sĩ - vị quan được nhà vua giao trọng trách giáo dục công chúa - dạy một, nàng biết hai, ba và những lúc rảnh rang, nàng cùng vua cha và hoàng hậu xướng họa thơ phú rất tương đắc.

Dù xinh đẹp và văn hay chữ tốt như thế, công chúa Tiên Dung vẫn khiêm nhường, hoà nhã với mọi người, từ trong triều đình đến ngoài thứ dân nên ai cũng ngợi khen đức độ và mến mộ nàng.

Từ khi nàng mới mười bốn tuổi, đã nhiều hoàng tử con các hoàng đế ở những nước lân cận đem các đồ sính lễ quí báu như ngà voi, sừng tê giác, vàng, ngọc, trầm hương, hạt tiêu, lông trĩ v.v... đến xin cưới nàng, nhưng vua cha và nàng đều từ chối, lấy cớ còn nhỏ tuổi. Có mấy chỗ rất môn đăng hộ đối, vua và hoàng hậu rất ưng ý vì vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú, thông minh dĩnh ngộ hơn người còn vua cha và hoàng hậu - cha mẹ hoàng tử - thì đang cai trị một nước lớn mạnh muốn thông hiếu với vua Hùng, thí dụ: hoàng tử nước Xiêm la, hoàng tử nước Trung hoa, thái tử nước Chiêm thành, hoàng tử Mã lai v.v...Nhưng khi hoàng hậu và vua cha hỏi, nàng đều lắc đầu từ chối làm hoàng hậu và vua Hùng lo nghĩ vô cùng bởi không lẽ nàng ở độc thân suốt đời? Vua cha và hoàng hậu muốn có phò mã sớm và đương nhiên có thể có cháu ngoại sớm, nếu là con trai, biết đâu sau này có thể nhờ cậy.

Nàng chỉ có thú vui là đọc sách thánh hiền và đi ngoạn cảnh thiên nhiên khắp nơi.

Những nơi nổi tiếng như Vịnh Hạ long, chùa Hương tích, núi Chapa Sầm sơn, Tam đảo, Ba Vì... nàng đều đã viếng thăm. Khi đi như vậy, vua Hùng và hoàng hậu cấp cho nàng ba chiếc thuyền lớn, sáu mươi tay vừa là bảo vệ vừa chèo thuyền và một đội thể nữ hai mươi người để phục vụ nàng. Thuyền có thể đi ròng rã ba tháng không hết lương thực và nước ngọt, vả lại nếu thiếu tới đâu quân sĩ sẽ vào các làng mạc kế cận mua bổ túc tới đó. Tiếng đồn nàng thích ngoạn cảnh thiên nhiên đến tai vị Thái tử Xiêm la, một vị Thái tử nổi tiếng văn võ toàn tài và khôi ngô tuấn tú...

Bữa đó, nàng cũng đến ngoạn cảnh trong vịnh Thái lan. Được tin mật báo từ đám quân lính canh phòng biên giới của chàng, chàng bèn dùng một đội ba chiếc thuyền lớn, trang hoàng rất đẹp đẽ, sang trọng, đi theo đoàn thuyền của nàng và cho người dùng thuyền nhỏ chèo tới dâng đồ lễ xin nàng cho gặp mặt. Nhưng nàng nhã nhặn từ chối, nói chưa tiện dịp, ra lệnh cho thủy thủ rẽ qua hướng khác.

Nàng từng tâu với vua Hùng Vương đệ tam và hoàng hậu, nếu không gặp được một đức lang quân cùng người Việt, cùng nói tiếng Việt, nghĩa là một người cùng xứ sở, người đó lại cũng có đức độ, có tài học thì nàng sẽ ở vậy hầu hạ vua cha và hoàng hậu cho đến mãn đời. Vua Hùng và hoàng hậu, sau nhiều lần gặng hỏi vì nhiều nơi mai mối, thấy ý nàng đã quyết, cũng không ép nàng nữa.

Ngày hôm nay, theo lịch trình, nàng sẽ lưu lại bãi biển này dăm ngày và sau đó, sẽ trở về kinh đô Phong châu nước Văn lang vì chuyến này nàng đã dong ruổi trên hai tháng từ vùng Ðộng đình hồ đến vịnh Hạ long và vùng Sầm sơn, Tam đảo... Tại Sầm sơn, nàng đã mua được một cặp ngà voi dài ba thước (1 thước VN = 40cm); một cặp sừng tê giác và hai viên bích ngọc rất lớn, rất quí. Nàng định đem tất cả về biếu cha mẹ vì công ơn dưỡng dục sinh thành và lo lắng cho nàng đủ mọi thứ.

Khi công chúa tắm gần xong, chum nước ngọt đã vơi quá nửa, công chúa đang dùng cái lược ngà chải đầu thì bỗng nhiên nàng nhìn thấy ngay cạnh chỗ nàng đứng, một mảng lưng trần mầu nâu của một con người lộ ra.

Công chúa quá sợ hãi, ôm lấy ngực, toan la lên vì ngờ rằng ma quái hiện hình (thời đó có nhiều ma quái) thì bỗng nghe tiếng nói trầm trầm, một giọng đàn ông, từ mảng lưng

trần đó cất lên:

“Thưa Mị nương, chớ sợ! Tôi là Chử Ðồng tử, là người, chứ không phải ma quỉ gì đâu!”

Sở dĩ Chử Đồng tử biết rõ Mị nương vì nãy giờ Đồng tử đã nghe công chúa và bọn thể nữ đối đáp.

Công chúa Tiên Dung vẫn còn run nhưng đã bớt sợ:

“Vậy chớ sao ông lại nằm dưới chỗ này? Nơi tôi tắm?”

Ðến lúc này, không sao hơn, Chử Ðồng tử mới lồm cồm bò dậy, nhưng vẫn ngồi trong hố cát, thưa với công chúa:

“Tôi đang tìm nơi câu cá dọc bãi biển này thì ba chiếc thuyền của Mị nương đến. Vì chẳng biết trốn đi đâu, nhân có cái hố này đào sẵn, tôi nhảy bừa xuống ẩn nấp. Nào ngờ lại trúng ngay nơi Mị nương chọn để tắm. Xin Mị nương tha cho tội chết.”

Nói xong, Chử Ðồng tử sụp xuống lạy, mặt mày băn khoăn ngại ngùng vì tấm thân trần truồng của mình.

Công chúa đã mặc lại xiêm y. Nàng lấy cái thắt lưng bằng lụa xanh của nàng trao cho Chử Ðồng tử:

“Không, ông chẳng có lỗi gì với ta cả. Hãy lấy cái thắt lưng này quấn tạm!”

Khi Chử Đồng Tử đã quấn xong dải lụa ngang lưng, anh mạnh bạo đứng thẳng lên thì rõ ràng trước mắt công chúa Tiên Dung là một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, khuôn mặt chữ điền cương nghị, đôi mắt sáng như hai vì sao với những tia nhìn thẳng thắn, bộc trực và thân hình cao lớn, lực lưỡng, những bắp thịt ở tay, chân và lưng nổi cuồn cuộn chứng tỏ công phu học tập võ nghệ cao cường. Mái tóc đen phủ vai, hàm râu quai nón, nước da của anh mầu nâu trông lại càng khỏe mạnh như một pho tượng đồng.

Công chúa Tiên Dung suy nghĩ rất lung. Nàng chưa bao giờ gặp một trường hợp quá đặc biệt như thế này. Nàng ngạc nhiên vì sao một người nghèo đên không có quần áo mặc mà tư cách và lời ăn tiếng nói lại khác xa những người cùng hòan cảnh.

“Chàng không có lỗi gì cả,” công chúa đổi lối xưng hô. “Đây là lòng Trời sắp đặt mà thôi.”

Rồi công chúa tóm tắt cho Chử Ðồng tử hay nàng là ai và sau đó, nàng yêu cầu Chử Đồng Tử nói cho nàng biết qua về chàng và vì sao chàng phải trần truồng thế này.

Công chúa Tiên Dung đứng nghe, lòng bồi hồi thương cảm, nhất là đọan Chử Đồng Tử chiến đấu với hai con chó sói và con gấu và quyết định không táng trần người cha. Nàng bảo Chử Ðồng tử:

“Chàng là một người con hiếu thảo rất hiếm có trên đời. Chàng cũng là người có lòng nhân hậu nên Trời dun dủi những may mắn đến với chàng. Xưa nay, thiếp chỉ một lòng một dạ đi tìm một thanh niên hiếu đễ, có đức độ, có khả năng hơn người để nâng khăn sửa túi. Nhưng đi hòai mà chưa gặp được ai vừa ý. Thế mà đến bãi biển này, hẳn là lòng Trời se định, cho thiếp gặp được chàng trong một hòan cảnh hãn hữu thế này. Đó chẳng phải là do Trời xếp đặt ư?

Với thiếp, điều quan trọng hơn hết là tấm thân trinh bạch của thiếp chỉ đợi để dâng người quân tử, người chồng thiếp yêu thương mãi mãi mà qua lòng Trời, tấm thân này đã thuộc về chàng kể từ giờ phút này.

Vậy chàng nhận lễ này, từ nay chàng là phu quân của thiếp. Xin chàng chớ chối từ.”

Nói xong, công chúa Tiên Dung sụp xuống lạy Chử Ðồng tử hai lạy. Chử Ðồng tử rất đỗi sợ hãi, anh vội tránh sang một bên và nâng nàng lên, chắp hai tay cung kính:

“Tôi chẳng xứng đáng được Mị nương thương yêu nhận làm chồng. Nghe Mị Nương nói làm tôi hổ thẹn về những bất toàn con người tôi. Mị nương là lá ngọc cành vàng, giầu có quyền quí, sang cả nhất nước Văn lang, con vua Hùng Vương. Còn tôi chỉ là một anh đánh cá hèn mọn, tầm thường, không nhà không cửa, sao dám sánh duyên cùng Mị nương!.”

Công chúa Tiên Dung ngắt lời Chử Đồng Tử:

“Chàng đừng câu nệ về sự chênh lệch địa vị xã hội và vật chất của cải giữa thiếp và chàng. Những thứ đó chỉ như một làn gió thoảng, một ngày nào đó sẽ chẳng còn. Vả lại, quyền cao chức trọng và của cải vật chất là của Phụ vương và Mẫu hậu của thiếp, thiếp chẳng có gì ngoài một thể xác và tâm hồn này. Mà thể xác thì, trong khoảng thời gian vừa qua, đã thuộc về chàng rồi. Tấm trinh bạch này không thể dâng cho ai khác!”

Chử Ðồng tử vẫn giữ nguyên ý định:

“Dù Mị nương nói sao tôi cũng không thể vâng lời Mị nương được. Xin cám ơn Mị nương đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt mà không người nào trong hoàn cảnh tôi dám mơ ước. Hơn nữa, dù tôi có vâng lời Mị nương nhưng còn Ðức vua Hùng, Hoàng hậu và triều đình. Tôi chắc chắn các vị đó không để tôi được sánh duyên cùng Mị nương đâu. Xin Mị nương nghĩ lại.”

Công chúa Tiên Dung chắp hai tay trước ngực, mắt nhìn vào mắt Chử Đồng Tử, biẻu lộ sự chân thành và kính yêu tuyệt đối:

“Không, thiếp nói thật lòng thiếp với chàng rồi. Ðã bao vương tôn, hoàng tử ngỏ lời cầu hôn, nhưng thiếp vẫn dửng dưng, không hề có ý nghĩ xây dựng hôn nhân và hạnh phúc gia đình với ai cả. Nhưng từ lúc thấy chàng nằm dưới gáo nước thiếp dội trên thân thể thiếp thì một mãnh lực nào vô hình vô ảnh thúc đẩy thiếp, cũng như bên tai thiếp có những lời nhắn nhủ hình như của các đấng thần thiêng từ một cõi xa xăm:” Ðây là người chồng mong đợi của con. Con hãy gá nghĩa phu thê với chàng!”

Nếu chàng không ưng mà từ khước lời thỉnh cầu của thiếp thì thiếp trọn đời sẽ chẳng lấy ai và sẽ tìm một nơi thiên nhiên u tĩnh, tránh xa vòng tục lụy, ở vậy phụng dưỡng Phụ vương, mẫu hậu và tu thân tích đức cho đến mãn đời. Chàng hiểu lòng thiếp không?”

Với lời lẽ chân thành, nét mặt nghiêm trang, phong cách quí phái hồn nhiên của công chúa, Chử Ðồng tử chẳng còn cách chối từ.

Tuy nhiên, thấy nàng sang trong và xinh đẹp quá, còn mình thì nghèo nàn, Chử Ðồng tử vẫn ngượng ngùng, mắc cở. Công chúa hiểu ý, nàng nhỏ nhẹ:

“Chàng đừng ngại vì cái nghèo của chàng. Chàng nghèo thể xác nhưng giầu tâm hồn. Chàng hiếu thảo, nhân hậu và ngay thẳng; đó là những đức tính đáng quí. Chính lòng hiếu thảo của chàng đối với phụ thân và sự mộc mạc chân thành của chàng đã đánh động tâm hồn thiếp. Thiếp đã gặp nhiều vương tôn, hoàng tử, lãnh chúa quyền nghiêng thiên hạ, vàng bạc châu báu cả kho, quân hầu đầy tớ cả ngàn nhưng chưa chắc những người ấy có lòng hiếu thảo như chàng, có sự chân thành, đức độ, ngay thẳng như chàng. Có một số chỉ nhìn vào sắc đẹp của thiếp và sự giầu có quyền thế của Phụ vương, mẫu hậu thiếp mà cầu hôn. Tuyệt nhiên họ chẳng yêu thương thiếp vì đã biết bề trong, tính tình của thiếp đâu mà yêu? Họ nhắm vào gia tài và có lẽ cả cái ngai vàng của phụ thân thiếp. Còn chàng, thiếp biết chắc là không vì chàng là mẫu người chân thực, đức độ và yêu thương thiếp mãi mãi.”

Chử Đồng tử sụp xuống lậy Tiên Dung:

“Tôi cảm ơn nàng đã hiểu rất rõ lòng tôi và tấm chân tình của tôi đối với nàng. Nàng đã nói như vậy thì tôi không dám từ chối nữa. Tôi hứa yêu nàng cho đến lúc đầu bạc răng long, đến mãn đời để tạ ơn nàng đã biệt nhãn tôi như thế này.”

Công chúa Tiên Dung vội đỡ chàng dậy:

“Phận thiếp là người dưới, phải vái lạy chàng là lẽ đương nhiên. Còn chàng, chàng là người thuyền trưởng, là vị tướng chỉ huy, từ nay chàng nói gì thiếp cũng tuân theo, y như khi còn ở với cha mẹ, thiếp vâng lời cha mẹ vậy.”

“Trình Mị Nương, tụi em vào được chưa?”

Tiếng cô trưởng đoàn thể nữ nói vọng vào từ bên ngoài. Công chúa đáp:

“Ừ, các em hãy vào đây!”

Ba, bốn cô vạch cửa màn chui vào. Nhưng họ đều bật ngửa, có cô rú lên chạy ngược ra. Công chúa Tiên Dung đang đứng đối diện một thanh niên trần truồng, trên mình chỉ quấn một cái khố xanh. Chàng thanh niên mặt mày khôi ngô, thân hình cân đối đẹp như một pho tượng sống. Công chúa cười bảo các cô thể nữ:

“Các em nghe đây! Ðây là Chử Ðồng tử, phu quân của ta từ giờ phút này. Các em hãy lấy quần áo cho chàng mặc và thông báo quân sĩ các cấp chuẩn bị mọi việc và đợi lệnh nhổ neo hồi kinh. Ta cần phải trình sớm việc này lên phụ vương và hoàng hậu.”

Khi cả trại biết tin công chúa Tiên Dung đã lựa được Phò mã, gần một trăm con người háo hức muốn nhìn tận mắt Phò mã và ngay sau khi họ rõ được câu chuyện Phò mã ở trong hố cát lúc công chúa tắm thì tính hiếu kì của họ càng lúc càng tăng. Những lời xầm xì, bàn tán nổi lên. Có kẻ không tin điều đó có thể xẩy ra, cho là một sự ngụy tạo nào đó. Kẻ tin thì cho là Chử Ðồng tử tốt số “tốt số hơn bố giầu” nhưng đến khi được trực diện với Chử Ðồng tử mới thấy tuy chàng nghèo nhưng cốt cách phong nhã thanh cao, ăn nói đĩnh đạc, ắt không phải là một kẻ tầm thường.

Có kẻ lại chê công chúa sao vội vã quá; đành rằng có vẻ như thiên duyên xếp đặt, nhưng sao công chúa lại kết duyên với một kẻ cùng đinh xã hội như vậy. Thà lựa lấy một người khá nhất trong ...bọn họ còn hơn, như quan Đô úy, quan Lệnh úy, cũng dăm, sáu người. Tuy thế, những lời dị nghị này chỉ trao đổi giữa lúc đêm hôm khuya khoắt và giữa những người bạn chí thân với nhau. Quân kỉ nghiêm, họ biết nếu cấp trên nghe được, họ sẽ bị trừng phạt vì tội “dèm pha hoàng gia”.

Dù sao, công chúa cũng được báo cáo về chuyện này. Nàng nghĩ phải dập tắt những xì xào bàn tán bất lợi cho nàng.

Một bữa, nàng truyền “hỏa đầu quân” lên chợ mua một con bò, hai con lợn và các thứ gạo tẻ, nếp, rau cải thật nhiều. Bò được đốt lửa thui lên, lợn cắt tiết làm lông xả ra nấu nướng. Lại thêm vài chục vò rượu trắng và các thức uống, nàng nói bữa tiệc để đãi đằng các tướng sĩ và các thể nữ trên đường lai kinh.

Khi mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, vị tướng tổng chỉ huy đứng trên bục cao tập họp hàng quân lại, đội nào ngũ đó. Ông cho người đi mời Công chúa và Phò mã từ dưới thuyền lên.

Khi đội thể nữ rước công chúa và phò mã tới, vị tướng hô đòan quân đứng nghiêm chào, người nào người nấy cầm giáo, mác, trường thương, xà mâu, thuẫn, mã tấu, đại đao...trông rất uy nghi.

Công chúa Tiên Dung đứng trên một bục cao nhất, đứng cạnh là Chử Phò mã, các thể nữ sắp hàng đứng hai bên.

Nhìn xuống đoàn quân đứng im phắc phía dưới, Công chúa có vẻ hài lòng. Nàng dõng dạc phát biểu:

“Các võ tướng chỉ huy,

Các quân sĩ và thị nữ của ta, hãy nghe đây!

Ta được Phụ vương và mẫu hậu cho phép chu du ngoạn cảnh. Từ ngày bắt đầu ra đi, ta đã được các ngươi hết sức săn sóc, làm mọi nhiệm vụ ta giao phó rất chu đáo. Ta rất ngợi khen.

Bấy lâu các ngươi cũng biết do danh tiếng của Phụ vương và mẫu hậu của ta, rất nhiều thái tử, vương tôn nhiều nước mang lễ vật đến cầu thân nhưng lòng ta dửng dưng. Người cuối cùng là thái tử Xiêm la như các ngươi chứng kiến. Ta lập tâm nếu không gặp được người đồng hương hợp tính hợp tình mà ta yêu mến thì ta quyết chí ở vậy tu thân tích đức và phụng dưỡng phụ vương và mẫu hậu của ta đến trăm tuổi hạc sau đó sẽ kiếm một nơi tiên cảnh di dưỡng tuổi trời.

Nhưng hoàng thiên sắp đặt, khi đến bãi biển này, ngẫu nhiên mà ta gặp được Chử Phò mã đây, một cuộc gặp gỡ vô cùng hãn hữu.

Ta luôn tin rằng cái gì cũng do Trời, tất cả do thiên mệnh và “Hòang thiên bất phụ hảo tâm nhân” bởi vậy một cuộc gặp gỡ kì ngộ như các ngươi đã chứng kiến tận mắt không thể nào là sự sắp đặt của con người.

Vả chăng, Chử Phò mã là người hiếu thuận, đức độ ít kẻ bì, lại khiêm cung và có năng lực suy nghĩ vượt trội ta đã nhận thấy sau khi ta cùng chàng đàm đạo ít hôm. Ta sẽ trình việc này lên phụ vương và mẫu hậu của ta khi ta về tới kinh đô để các ngài định đoạt.

Kể từ giờ phút này, ta ra nghiêm lệnh, tất cả không được xầm xì bàn tán về chuyện này nữa. Kẻ nào bất tuân sẽ bị trừng phạt nghiêm minh. Các cấp chỉ huy trực tiếp phải coi chừng và giáo dục quân sĩ dưới quyền. Trình lên ta tất cả những vi phạm lệnh này. Dù nhiệm vụ chính của các ngươi là bảo vệ ta trong lúc du lịch, ta muốn các võ tướng vẫn tiếp tục chương trình huấn luyện về võ thuật cho quân sĩ thuộc quyền để người nào cũng tinh thông võ nghệ hầu sau này có lúc Phụ vương ta và triều đình cần đến. Tất cả đã hiểu rõ ý ta chưa?”

Gần một trăm cái miệng cùng ào ào thưa lại:

“Thưa, hiểu rõ!”

Công chúa lại nói:

“Sau đây là bữa tiệc ta và Chử Phò mã đãi mọi người. Các tướng, sĩ và thể nữ hãy ăn uống, vui chơi nhưng cấm không được say sưa, cãi lộn, ăn nói quàng xiên, làm mất trật tự. Những kẻ có nhiệm vụ canh gác và tuần rỏn sẽ được cấp chỉ huy liệu lí cho dùng bữa trước hoặc sau nhưng phải làm nhiệm vụ chu đáo. Nghe rõ chưa?”

“Dạ, rõ.”

Sau đó, vị tướng tổng chỉ huy đòan quân đứng ra hô nghiêm chào công chúa và phò mã xong cho giải tán để chuẩn bị tiệc tùng.

Những tấm vải buồm được trải la liệt trên bãi cát. Bát đĩa không đủ thì dùng lá chuối, lá giong bày thịt cá lên trên. Rượu trắng do dân Văn Lang cất được tiếng là ngon từ vò đổ ra như suối. Thịt bò thui vàng chấm tương gừng; thịt heo đánh tiết canh, làm thành nem chạo, nấu ninh mọc; xôi gấc, xôi đậu xanh, đậu phọng từng mâm đầy ú. Mùi thức ăn ngào ngạt bay trong không khí. Những lá cờ Văn Lang đuôi nheo cắm rợp một bãi biển Chử Xá phất phới bay.

Những tiếng mời ồn ào. Tất cả ăn uống, cười nói vui vẻ y như một đám cưới không chính thức của công chúa Tiên Dung và Chử phò mã.

Công chúa và Chử phò mã ngồi chủ tọa tại một chiếc bàn dài cùng với ba ông tướng chỉ huy hàng quân và cả đội thể nữ. Lại có thêm mấy người Hội đồng hương lí sở tại, công chúa đã cho mời đến dự cho vui. Tiệc rượu bắt đầu từ trưa kéo tới gần tối mới tàn.

Kể từ đó, trong đám quân sĩ và thể nữ, không còn ai dám bàn ra tán vào về chuyện đó nữa mà tất cả đều cung kính đối với Chử phò mã cũng y như đối với công chúa Tiên Dung.

Dọc đưòng về, ở những nơi thị tứ, khi đội thuyền của công chúa đậu lại nghỉ ngơi hoặc mua thêm đồ ăn thức uống, dân chúng nghe tin đổ xô đến chiêm ngưỡng công chúa và phò mã. Dĩ nhiên họ có được nghe về giai thoại phò mã nấp trong hố cát. Ai cũng cho là thiên duyên, lòng trời se định.

3.

Bà Hàng đang nấu nồi cám lợn trong bếp. Con lợn nái mới đẻ được mười hai con, nó “ột, ột” đòi ăn cả ngày. Nó cần có đủ sữa cho con nó bú.

Con lợn mẹ cao, to và dài. Nó thuộc giống lợn Văn lang cho lai giống với lợn Vân Nam và Xiêm La nên nó to, khoẻ và rất mắn con. Lứa này đã là lứa thứ hai. Lứa trước mười con, đã bán hết cho người ta nuôi sau khi chúng được ba tháng; chỉ để lại một con. Nó đã to hơn nửa con mẹ, nhưng là lợn đực, lợn thịt. Bà Hàng nhìn con lợn thịt. Bà liên tưởng tới Trinh, Chử Đồng Tử và một đám cưới linh đình có đầy đủ họ mạc, bà con, xóm giềng.

Nhờ Trời, ông bà Hàng có bát ăn bát để và dù có tốn phí hơn cho Trinh - cô con gái cưng độc nhất - và Chử Đồng tử, ông bà cũng hài lòng. Cứ nhìn bên ngoài, bà nghĩ cũng xong được đến bảy, tám phần mười rồi.

Đây nhé, con bé Trinh coi vậy mà nó khó. Nó chẳng thấy nhắc nhở đến ai, ngoài anh Đồng Tử. Có nhiều bà mai đến to nhỏ với bà cho mấy người trong làng có con trai đã lớn. Nào ông bà Bát, nào cụ trưởng Diễn, nào ông xã Thâm...Còn nhiều nữa, bà không nhớ hết. Mà nhớ làm gì, khi bà mới nói cái tên, Trinh đã lắc đầu quầy quậy. Gặng hỏi thêm thì Trinh nói:” Con chưa lấy chồng, đâu mẹ.” “Vậy thì bao giờ mày mới lấy?” “Con chưa biết nữa.” Rồi Trinh chạy đi.

Nhưng hễ có đồng quà tấm bánh nào ngon bà muốn dành cho bố con ông Chử Phù Vân – khi ông còn sống - thì chưa kịp sai, Trinh đã bảo bà:

“Mẹ, con đưa bánh biếu bác Phù Vân, nhé mẹ.”

“Ừ, nhưng mai đưa ra cũng được, vội gì!”

“Để bác với anh Đồng Tử ăn nóng cho ngon!”

Rồi chẳng kịp để bà bằng lòng hay không, Trinh chạy vội đi. “Làm như vài ngày nó không ra lều bác Chử Phù Vân là không yên,” bà Hàng lẩm bẩm một mình,” Vậy chẳng phải nó có nhiều cảm tình với bố con bác ấy là gì?

Về phần bác Phù Vân thì dễ rồi. Coi bộ bác chịu con Trinh lắm. Bác biết nó thích cá rô Đầm Sét nướng than hoặc rán lên; ngày nào hai bố con bác ấy đi đánh giậm hoặc cất vó ở Đầm Sét bắt được cá rô là thế nào Chử Đồng tử cũng đưa cá rô vào biếu. Tuy vậy, chưa biết là anh ấy đã thương yêu nó chưa. Anh ấy kín đáo, nghiêm trang và đối tốt với mọi người nên khó dò ý.”

Bà Hàng vừa lẩm bẩm đến đó thì có tiếng rít nho nhỏ vì vui mừng của con Vàng và con Vện. Tiếng Trinh bảo hai con chó:

“Đừng quấn chân, để tao đi! Hôm nay có đầu cá và cá vụn, trộn cơm ngon lắm!”

Bà Hàng biết Trinh từ chợ về. Con bé xinh và ngoan, lại rất thông minh, sáng ý. Giá phải con trai cho đi học thì cũng sẽ nên người giỏi cho mà coi. Nó mới đi có một lúc đã thấy nhớ nó rồi. Bà lên tiếng:

“Trinh đã về đấy hở con?”

“Dạ, con mới về mẹ à! Con đã mua đủ thứ mẹ dặn. Để rồi con bày ra cho mẹ coi.”

Trinh thay bộ quần áo cánh mặc nhà và bày các thứ nàng mới mua ra phản.

“Con mua cả gạo nếp. Con sẽ ra vườn hái quả đu đủ non để nấu cháo cho con lợn nái ăn cho có nhiều sữa cho con nó bú, đấy mẹ!”

Bà Hàng cười với Trinh, tỏ vẻ rất hài lòng:

“Bánh gì nhiều thế này?”

Trinh bẽn lẽn:

“Bánh chưng và bánh tẻ, mỗi thứ mấy cái. Con để nhà mấy cái để bố mẹ xơi, còn mấy cái con biếu bác Phù Vân. Hai bố con bác mới cho nhà mình rổ cá rô Đầm Sét đấy mẹ!”

“Ừ, sao con không mua thêm cái gì nữa?”

“Chỉ có mấy cái bánh này là ngon thôi mẹ!”

Bà Hàng lại mỉm cười. Biết lòng con gái chắc chẳng ai hơn mẹ!

***

Đó là một trong những mẩu chuyện khi ông Chử Phù Vân còn sinh thời. Thực ra, lúc đó sự qua lại, thăm hỏi của Trinh vẫn dễ dàng hơn. Từ khi Chử ông mất, trong lều chỉ còn một anh con trai, Trinh phải tự giới hạn sự thăm hỏi chỉ vì người ưa ít nói tốt nhưng kẻ ghét thường hay nói xấu, đặt điều. Vả lại, ngoại trừ những giấc ngủ ban đêm, Chử Đồng tử ít khi ở trong lều ban ngày. Không đi săn thú thì anh đánh cá hoặc ra ngồi bên mộ bố suy nghĩ vè cuộc đời vô thường. Phải đến mấy nghìn năm sau các đạo Phật, Khổng, Lão mới được du nhập vào Việt Nam, con người mới được học về lẽ vô thường nhưng lúc đó Chử Đồng Tử đã chiêm nghiệm ra cái mỏng manh của kiếp người sau cái chết của bố anh, mẹ anh và nhiều người xung quanh.

Người thanh niên tộc Việt mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có những kinh nghiệm và suy nghĩ về cuộc đời như một vị cao niên. Chử Đồng tử nhìn những áng mây trôi trên trời và thường ví cuộc đời con người không hơn những áng mây trôi vô định đó.

Ngay cả sau này, khi ngẫu nhiên gặp công chúa Tiên Dung, rồi nàng yêu thương gá nghĩa vợ chồng, Chử Đồng tử vâng lời nàng cho nàng hài lòng chứ thực sự, chàng không tha thiết gì đến cuộc hôn nhân vương giả. Chẳng phải chàng chê gì Tiên Dung, trái lại càng hiểu rõ nàng, chàng càng thấy yêu thương nàng hơn vì những đức tính tốt và sắc đẹp của nàng; nhưng vì Chử Đồng Tử đã nhìn mọi sự mọi việc ở đời với đôi mắt khác, đôi mắt thoát tục nên nếu chẳng phải công chúa Tiên Dung với cuộc gặp gỡ quá hãn hữu và đặc biệt y như có bàn tay của ông Trời xếp đặt, Chử Đồng tử chắc không muốn lấy ai khác ngòai Trinh nếu chàng muốn lập gia đình để nối dõi tông đường như quan niệm chung thời đó. Cô bạn gái dễ thương ở khu chợ Bài có cùng một cuộc sống thanh bần giản dị nhưng đầm ấm thanh cao chính là những gì êm đềm ấp ủ lâu ngày trong tim Chử Đồng Tử trước khi Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung.

************

Hôm nay Trinh thấy nóng ruột lạ lùng. Ngồi trông hàng cho mẹ một lúc ở chợ, Trinh chẳng thấy hào hứng gì khi phải đon đả chào mời và trả lời những người khách đến mua hàng. Đầu óc Trinh như gắn liền với hình ảnh Chử Đồng tử, người con trai với dôi mắt linh hoạt, tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ đã nổi tiếng khắp vùng, với nụ cưòi tươi luôn nở trên môi để chào đón mọi người, coi thường mọi khó khăn trở ngại của cuộc sống.

Mảnh dây chuối bện vẫn ở trên đầu thay vì khăn tang và mảnh bẹ chuối che thân vẫn khiêm nhường nằm đó thay cho áo quần, nhưng người thanh niên quá nghèo này không hiểu sao lại có cái hấp lực mạnh mẽ tác động vào tâm hồn Trinh đến vậy. Khi cái hình ảnh nghèo nàn thiếu thốn đó chợt hiện ra trong trí Trinh thì những hình ảnh khác dù là quyền thế, giầu sang như con những vị Lạc tướng, Lạc hầu, tù trưởng v.v... cũng biến hết đi. Trinh phải thú thực với lòng, Trinh đã yêu chàng, yêu với kính phục chứ không phải thương hại.

Vài buổi chợ trước, Trinh đã giấu mẹ mua 3 mảnh vải dành khi tiện dịp đem tặng anh Đồng Tử. Trinh biết mẹ không hẹp gì mà không để Trinh làm điều đó vì Trinh biết bố mẹ cũng thương quí anh Đồng Tử lắm. Nhưng nói với mẹ điều đó có nghĩa thú nhận với mẹ Trinh đã yêu anh Đồng Tử, Trinh thẹn thùng nóng bừng cả mặt. Trinh muốn sự thể xẩy ra bình thường. Thí dụ, một bữa nào đó, bố mẹ hỏi:

“Anh Chử Đồng Tử yêu thương con, muốn lấy con, con nghĩ sao?”

Chỉ đến lúc đó mới tiện cho Trinh thôi. Còn bây giờ? Vải mua rồi đó nhưng chưa có dịp trao tặng vì Trinh biết nếu không khéo léo thì chẳng những vải không được nhận mà còn mất thêm người. Anh Đồng Tử, một người rất khẳng khái và dù nghèo, anh không muốn ai thương hại anh bao giờ. Chính vì vậy mà chôn bố, anh chỉ lo liệu một mình, không phiền hà đến ai. Nếu anh đi thông báo, ít nhất cũng có mấy chục người trong đám tang và thế nào cũng có bố mẹ Trinh và Trinh. Cái tính người ta cho là gàn gàn dở dở đó, Trinh lại cho là khẳng khái, tự lập, thẳng thắn, tự mình lo lấy không khom lưng nhờ cậy, cái tính quí hiếm ở một con người, cái tính làm Trinh nể phục nhất. Nhìn xung quanh, thời nào cũng thế, có thiếu gì những kẻ bợ đỡ, xun xoe, lừa gạt để kiếm lợi, kiếm chức quyền chứ những người như anh Đồng Tử đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khi những kẻ hèn kém đó lại là những kẻ to mồm, lớn lối, lên mặt đạo đức dạy đời và nắm quyền cao chức trọng. Cứ thế, xã hội loài người vàng thau lẫn lộn, phượng hoàng chung sân với đàn gà có khi còn bị những con gà đá hung dữ hiếp đáp.

Đã ba hôm nay Trinh không gặp anh Chử Đồng Tử. Trinh nóng ruột không hiểu có chuyện gì xẩy ra cho anh. Cả chợ hôm nay bàn tán về một đoàn thuyền của công chúa con vua Hùng đến hạ trại nghỉ mát tại bãi biển. Người ở các làng xa chưa biết tin này nhưng người ở khu chợ Bài rủ nhau đi xem cho biết mặt công chúa, người từ lâu họ đã nghe danh và ngưỡng mộ. Trinh nghĩ ngay đến anh Chử Đồng Tử và cái lều tồi tàn của anh. Đoàn thuyền hạ trại để công chúa ngắm cảnh và nghỉ mát, vậy anh Đồng Tử sẽ đánh cá ở đâu? Càng nghĩ, Trinh càng nóng ruột như lửa đốt. Thì kìa, bà Hàng đã ra.

“Mẹ ơi, mẹ coi hàng để con về qua nhà một lát.”

“Ừ, con đứng lên cho đỡ mỏi. Mẹ đã thổi cơm, về mà ăn. Bố mẹ ăn rồi.”

Trinh chỉ đợi có vậy. Ba chân bốn cẳng, vừa đi vừa chạy, thoáng một cái Trinh đã đi đến đồi thông, Trinh hớt hải lội cát ra bãi biển. Kìa, túp lều của anh Đồng Tử, đứng hiu hắt cạnh ba cây thông già, ngó ra biển.Trinh chạy mau hơn, nhìn thấy tấm phên liếp và tảng đá lớn chắn cửa. Anh ở trong lều sao? Chỉ còn một quãng ngắn nữa nhưng Trinh mệt đứt hơi. Trinh phải đi chậm lại, thở. Trống ngực đánh thình thịch. Mồ hôi chảy ròng ròng trên má, trên trán làm dính những lọn tóc bết vào nhau. Mồ hôi chảy đầm đìa xuống lưng, xuống ống chân. Nếu có gương soi, chắc mặt mình đỏ lắm đây, Trinh nghĩ thầm.

Trinh dừng chân trước túp lều. À, mà nếu anh Đồng Tử có hỏi, ra kiếm anh để làm gì thì biết trả lời thế nào? Đâu dám nói nhớ anh đi kiếm. Bố sai đi kiếm. Bố sai đi kiếm để làm gì? Mồ hôi trên người Trinh càng vã ra.

Biển hôm nay sao nóng quá, không có lấy một ngọn gió nhẹ cho mát. À phải, anh ấy hỏi thì nói người trong chợ đồn đoàn thuyền công chúa tới bãi biển này. Đoàn thuyền công chúa tới thì sao? Thì... sợ đoàn thuyền công chúa bắt anh đi. Nói bậy ra vậy được không? Chắc anh ấy cười. Chưa già đã lẩm cẩm. Đứng trước của lều, Trinh nói lớn:

“Anh Chử Đồng tử ơi! Trinh đây, em đây. Anh có nhà không?”

Chẳng một tiếng thưa. Lại:”Anh Đồng Tử ơi! Ra em hỏi cái này.” Cũng không tiếng trả lời. Trinh vạch đám lá trên phên liếp ghé mắt nhìn vào. Lều trống không. Chẳng có gì ngoài vài vật dụng dùng để nấu nướng.

Trinh thất vọng ngồi phịch xuống cát. Cát nóng quá. Trinh tới tảng đá ở gốc thông, ngồi cho đỡ mệt một chút và để thấm thía nỗi thất vọng. Anh Đồng Tử đi đâu? Không chừng nỗi lo sợ của mình lại thành sự thực. Đoàn thuyền của công chúa bắt anh rồi! Nhưng bắt làm gì? Anh tội gì mà bắt? Trái tim Trinh vẫn đập loạn trong lồng ngực vì những câu hỏi Trinh tự đặt ra cho mình nhưng không lời giải đáp. Hay anh Đồng Tử đi lên mạn biển trên đánh cá? May ra thì còn điều đó. Không may ra thì ... Hay là anh bị tai nạn gì rồi? Trinh muốn điên vì những câu giả sử trong đầu.

Ngồi một lúc, đã đỡ mệt, Trinh đứng lên lững thững ra về vì chẳng biết sao hơn. À, mà đoàn thuyền của công chúa ở chỗ nào nhỉ? Hay anh Đồng Tử theo người ta đến đó coi? Anh không có quần áo, anh không muốn coi ai! Những chỗ vua quan, quyền thế, giầu sang, anh càng tránh xa. Anh chẳng thường bảo với mình mãi như vậy là gì. Chắc chắn anh không đến coi đoàn thuyền. Vậy anh chỉ có đi đánh cá hoặc vào rừng săn thú. Kìa, mộ ông cụ. Vài ba ngày, thế nào anh cũng phải có mặt ở đây. Mớ hoa rừng đã hơi héo chứng tỏ anh không có mặt.Trinh ngồi phía cuối mộ, hai tay chắp lại xá với lòng thành kính.

“Con nguyện cầu hương linh bác sớm về nơi Bồng lai, Tiên cảnh. Xin bác độ trì cho anh Đồng Tử và con. Chúng con sống cùng một nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, uống nước cùng con sông, chết chôn một huyệt. Con sẽ là con dâu bác, con sẽ săn sóc anh Đồng Tử như khi bác còn sống.”

Trinh sụp xuống lậy ba lậy trước khi đứng lên đi tiếp. Chợt Trinh nghĩ ra, phải đi coi đòan thuyền công chúa. Phải coi công chúa xinh đẹp thế nào mà dân chúng nô nức thế. Công chúa đã về bãi biển này, mình không đi coi cũng uổng.

Rồi thay vì về nhà, Trinh men theo bãi biển đi mãi lên hướng Đông. Trinh nghĩ chỉ hướng này bãi biển đẹp đoàn thuyền mới dừng lại chứ bãi phía Tây xấu hơn mà đá lởm chởm nhiều lắm.

Qua một đỗi xa, Trinh thấy có cờ xí, lều trại và trên biển là ba chiếc thuyền lớn. Trinh mừng thầm đã đi đúng hướng.

Kia chắc là dinh trại của công chúa, chu vi có giây giăng ngang, có lính nhà vua đứng gác. Khi Trinh tới gần, người lính khoát tay ra hiệu cho Trinh không được tới gần. Trinh phải đi vòng vào trong khu rừng rồi mới lại trở ra phía bãi biển.

Trinh đứng xa ngó. Biết hỏi ai anh Chử Đồng Tử ở đâu. Muốn hỏi mấy người lính Ngự lâm quân nhưng biển đề chữ lớn, “Không ai được đến gần”. À, phía kia lố nhố có một đám đông dân chúng. Chắc họ cũng đến coi công chúa đây. Lại đấy đứng với họ may ra lính cho vào coi công chúa. Dân dả chẳng bao giờ thấy mặt đức vua Hùng, Hoàng hậu, các Quan Lang (hoàng tử) và các Mị nương (công chúa). Nhân dịp này ta nên coi cho biết, Trinh nghĩ thầm.

Khi Trinh đến gần đám đông, nghe người ta nói đến tên Chử Đồng tử. Một người đàn ông:

“Anh Chử Đồng tử thế mà may mắn ghê. Chắc bố anh ấy táng hàm rồng. Mị nương Tiên Dung chọn ngay anh ấy làm phò mã. Phước lớn quá. Con mình chỉ xin đi theo hầu Mị nương cũng khó.”

Một cụ già:

“Táng hàm rồng cũng có mà anh Chử Đồng Tử là người hiếu thuận, nhân hậu, tử tế cũng có. Cả vùng này anh có làm mất lòng ai đâu mà ai cũng quí anh. Mị nương Tiên Dung có mắt tinh đời, chẳng lầm lẫn đâu.”

Đến lượt bà cụ già chêm vào:

“Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ Bát. Tôi mà còn con gái chưa lấy chồng là tôi cũng gọi anh Chử Đồng Tử gả con cho anh ấy.”

Một người đàn bà lườm bà cụ:

“Đâu đã đến lượt con gái cụ mà cụ mơ. Mị Nương Tiên Dung tài sắc vẹn tòan còn phải nhờ ông Trời tác hợp kia!”

Trinh nghe đến đó xây xẩm mặt mày, trống ngực đập loạn lên, mồ hôi trán vã ra. Trinh xỉu xuống tại chỗ khiến mấy người đứng bên phải vực Trinh vào một bóng mát, lấy vải nhúng nước đắp lên mặt và giật tóc mai cho Trinh hồi tỉnh.

Khi Trinh tỉnh rồi, Trinh chỉ khóc, ai hỏi tại sao cũng không nói. Người đưa gáo nước cho Trinh uống, người hỏi han cớ sự. Có người rủ Trinh cùng về khu chợ Bài, Trinh theo họ mà chân bước không hồn.

Vào thẳng buồng riêng, Trinh nằm vật trên giường. Ông Hàng tưởng Trinh bệnh:

“Con sao đó? Bệnh phải không?”

Trinh nghe tiếng cha nhưng không trả lời. Cô vùi đầu xuống gối khóc. Ông Hàng đứng cửa buồng nhìn vào:

“Để bố nấu cháo hành con ăn cho khỏi cảm nhé!”

Nói xong, ông lật đật xuống bếp đặt nồi cháo, chụm củi nhóm bếp. Vừa lúc đó bà Hàng từ chợ về. Vừa thoáng thấy ông trong bếp, bà lên tiếng:

“Con Trinh đã về chưa vậy ông? Tôi ra coi hàng cho nó rồi nó đi đâu mất tiêu!”

“Nó mới về đó, hình như con nó bệnh, tôi đang nấu cho nó nồi cháo hành.”

Bà Hàng cất gánh hàng xong chạy vào buồng con:

“Trinh, con bệnh sao vậy?”

Bà đặt bàn tay lên trán Trinh, ước lượng sức nóng:

“Nóng quá đây, không chừng bị sốt. Mẹ ra chợ nói cụ lang Hoàn cắt thuốc cho con.”

Trinh hé mắt nhìn mẹ:

“Con không bệnh đâu mẹ. Mua thuốc cho uổng tiền.”

Bà Hàng nhăn mặt, mắng yêu con:

“Mày không bệnh mà mày nóng như cục than vậy sao? Nếu cụ lang có rảnh mẹ nói cụ vào coi mạch cho con. Bệnh không thuốc để mà chết à?”

Trinh muốn nói với mẹ:

“Mẹ ơi, đúng vậy đấy mẹ. Con đang muốn chết đây. Anh Chử Đồng Tử lên thuyền với công chúa Tiên Dung rồi. Nay mai anh ấy về kinh đô Phong Châu.”

Ngay lúc đó, bà Hàng quày quả ra đi. Chỉ một loáng sau, bà Hàng về với ba thang thuốc trên tay. Bà trao thuốc cho ông sắc, còn bà vào buồng Trinh với một phong bánh đậu xanh, thứ quà Trinh vẫn thích. Nhưng Trinh không ăn dù bà Hàng dỗ dành:

“Ăn cho khỏe đi con, ăn cho khỏi đắng miệng!”

Bà Hàng với linh tính của người mẹ rất bén nhạy, bà đã đoán ra sự việc phần nào:

“Con à! Trinh à! Ngoài chợ người ta đồn về Mị nương Tiên Dung và cậu Chử Đồng tử nhiều lắm. Con có nghe gì không?”

Nghe mẹ nói, Trinh lại thấy như có mũi tên xuyên qua trái tim. Trinh nức nở khóc nhưng cố nén cho tiếng khóc không bật lớn. Hai vai Trinh rung lên cùng với tiếng nức nở. Cùng lúc đó, ông Hàng cũng vào đứng cạnh giường con. Bà Hàng ngồi ghé cạnh giường, vuốt mớ tóc dài đen mượt của Trinh:

“Thôi con ạ! Người ta là Mị nương, là công chúa con vua, còn mình chỉ là thường dân. Nếu Mị nương Tiên Dung không về bãi biển này thì bố mẹ chắc chắn việc nhân duyên giữa con và cậu Chử Đồng Tử ắt thành và hết sức tốt đẹp. Nhưng số phận con vậy. Trời xui đất khiến. Biết đâu sau này con lại có người thanh niên khác hơn cậu Chử Đồng Tử. Con còn nhỏ tuổi, còn nhiều dịp con ạ!

4.

Trinh vẫn khóc. Nàng giấu mặt vào gối. Nàng buồn chán đến không còn muốn nhìn thấy ai, kể cả bố mẹ. Ông Hàng cũng dỗ con:

“Dù sao con với cậu Chử Đồng Tử chưa có hứa hẹn, thề nguyền gì. Phải như ông Chử Phù Vân còn sống và ông ấy đã có cơi trầu nói với bố mẹ xin con cho cậu Đồng Tử thì dù Mị nương cũng không phá lệ làng được. Nhưng đàng này con và cậu Đồng Tử mới chỉ là có cảm tình với nhau thôi. Mình trách cậu ấy cũng không được. Mà thật ra, với cái tang bố ập xuống đầu, lại nghèo quá, chưa ai rõ tình cảm của cậu ấy đối với con ra sao. Con cũng đừng vì vậy mà bi lụy quá tổn hại sức khoẻ, con à!”

Trinh muốn nói với bố mẹ:

“Con biết anh Chử Đồng Tử, bố mẹ à! Anh đặc biệt có cảm tình với con chứ mấy người bạn con cũng tim cách làm thân với anh ấy nhưng anh ấy không nhờ ai bán tôm cá giùm mà cũng không cho ai tới lều, ngoại trừ con. Có lần anh nói với con:”Bố anh mất, may mà có Trinh và bố mẹ Trinh giúp đỡ để anh vui sống chứ không thì anh buồn khổ lắm.” Suy ra con thấy anh cũng thương yêu con.”

Lẽ ra nói thế nhưng Trinh lại nín lặng. Trinh nghĩ bố mẹ cũng chẳng giúp gì được Trinh trong việc này.

Buổi tối hôm đó, khi ông bà Hàng vừa ăn cơm xong thì Chử Đồng Tử đến. Trinh vẫn nằm trong buồng sau khi ăn bát cháo hành, người mệt rã rời.

Chử Đồng tử, vẫn dây chuối bện trên đầu và trên người, chào ông bà Hàng:

“Thưa hai bác.”

Ông bà Hàng trố mắt nhìn Chử Đồng tử, ngạc nhiên và sung sướng:

“Đồng Tử đấy hả? Ngồi đây cháu. Mấy hôm nay sao không đến chơi vậy?”

Chử Đồng Tử lễ phép ngồi xuống mép phản:

“Thưa hai bác, từ hôm bố cháu mất, cháu ít đi chơi lắm. Mấy hôm nay cháu lại bận một chuyện khác. Thưa hai bác, em Trinh đâu?”

Bà Hàng nhanh nhảu:

“Em nó bệnh đấy cháu. Nằm miết trong buồng chẳng ra đến ngòai. Nó trông cháu đến chơi. Để bác gọi nó.”

Nói xong, bà Hàng vào buồng. Trinh nằm quay mặt vào trong. Nàng đã nghe tiếng Chử Đồng Tử từ lúc anh mới tới. Tim nàng đập rộn lên, người bải hoải muốn nghẹt thở, vừa mừng, vừa giận anh lẫn lộn. Sao anh không đi ẩn trốn thật xa, để Mị nương bắt được mới xảy ra cớ sự.

“Trinh!” tiếng bà Hàng,” Anh Đồng tử đến thăm bố mẹ và con đấy. Mau dậy nấu nước pha trà mời anh uống!”

Trinh vẫn nằm yên không nhúc nhích. Chẳng biết anh đến chơi hay có mục đích gì? Nếu anh mặc quần áo đẹp là mọi sự thay đổi hết rồi, mình còn gặp anh làm chi? Nếu vẫn dây chuối tồi tàn như mọi khi thì anh còn là của mình. Nghĩ vậy, Trinh hỏi mẹ, giọng nói chỉ đủ nghe:

“Mẹ ơi! Anh Đồng Tử ăn vận ra làm sao?”

Bà Hàng nắm bàn tay con, thông cảm:

“Anh ấy không thay đổi gì cả, vẫn như mọi khi thôi. Đi, dậy nấu nước pha trà!”

Trinh ngồi dậy, lấy lược gỡ mái tóc dài quá bù rối, chải đầu đàng hòang, xong ra phòng khách. Anh Chử Đồng Tử đang nói chuyện với ông Hàng, xoay lưng lại phía Trinh nên không nhìn thấy Trinh cho đến lúc Trinh chào:

“Anh Đồng Tử!”

Chử Đồng Tử quay người lại:

“Chào cô Trinh!”

Bốn mắt bỡ ngỡ nhìn nhau. Có một cái gì khác mọi khi, ngượng ngùng và hồi hộp, buồn phiền lẫn cay đắng. Trinh lẳng lặng xuống bếp đun nước. Ở trên này, ông bà Hàng hỏi thăm Chử Đồng Tử về sự thể mới xẩy ra mấy hôm nay cho anh.

Chử Đồng Tử lúc đầu do dự, nhưng sau đó, vì bản tính thẳng thắn, anh thuật lại mọi chi tiết. Anh ngập ngừng khi nói sẽ theo Mị nương Tiên Dung về kinh đô Phong Châu theo lời yêu cầu của Mị Nương.

“Thưa hai bác, con có thưa với Mị nương con tầm thường, hèn mọn, không xứng đáng với Mị nương là con đức vua Hùng và hoàng hậu tôn quí. Nhưng Mị nương một hai nói đây là duyên trời se định, nếu con từ khước, Mị nương sẽ trọn đời không lấy ai...”

Ở thời đại quân chủ phôi thai đó, quyền uy vua chúa rất lớn lao. Vua, hoàng gia ra lệnh, người dân chỉ biết tuân phục. Ngay như vua bắt chết, người dân cũng phải chết nữa là. Nghĩ thế, ông Hàng thở dài bảo Chử Đồng tử:

“Mị nương Tiên Dung là công chúa con đức vua Hùng và hoàng hậu cai trị nước ta, một vị minh quân rất thương dân yêu nước, ai ai cũng được đội ơn. Chuyện xẩy ra giữa cháu và công chúa rất hãn hữu. Qua nhiều năm quen biết lại cùng lớn lên ở khu chợ Bài này, chắc cháu đã quá hiểu tấm lòng của Trinh đối với cháu.Trinh thương yêu cháu lắm lắm và chỉ muốn được cùng cháu kết duyên vợ chồng hạnh phúc đến đầu bạc răng long trong khi trai làng nhiều người muốn được cùng Trinh gá nghĩa trăm năm nhưng Trinh đã từ chối tất cả.

Nhưng Trời lại sắp đặt cách khác khiến cháu gặp Mị nương Tiên Dung trong một trường hợp mà không ai có thể nói không có bàn tay của Trời. Hai bác thương em Trinh đau khổ vì tình yêu đầu đời của nó với cháu chỉ một phút tan thành mây khói nhưng biết sao hơn khi người muốn gá nghĩa với cháu lại là công chúa con đức vua Hùng... Mị nương đã truyền dạy vậy thì bổn phận thần dân phải nghe theo, chứ làm sao khác được!”

Nói xong một hơi, ông Hàng cảm thấy mệt ngồi thừ mặt ra còn Chử Đồng Tử cũng buồn bã không kém nhưng anh chẳng biết phải xử trí thế nào. Là một thần dân của hòang gia – như ông Hàng vừa nói – anh chỉ có một con đường là tuân theo lệnh truyền từ Mị Nương Tiên Dung. Anh không có con đường khác dù lòng anh thấy thương Trinh vô cùng.

Nếu so sánh giữa hai người con gái, một đàng là lá ngọc cành vàng, giầu có, quyền uy, phương tiện dư thừa, sắc đẹp chim sa cá lặn, nhưng lại có vẻ quá cao sang với một người như Chử Đồng Tử suốt từ nhỏ đến lớn chỉ sống trong thanh đạm, an bần. Còn đàng kia, Trinh, chỉ là một thôn nữ gia đình trung lưu nhưng cái đẹp đằm thắm, hiền thục và mộc mạc dễ hợp với tâm hồn chân chất hồn nhiên của Chử Đồng Tử. Vì vậy hai người dễ dàng hợp tính hợp tình nhau hơn. Nhưng biết sao khi ông Trời se định. Lòng Trời và lòng người mấy khi tương hợp.

Trinh đã pha trà, rót ra ba cái chén sành. Nàng làm việc nhưng tai vẫn nghe những lời đối đáp ở phòng khách vì nàng có cảm tưởng lần thăm này của anh Chử Đồng Tử sẽ quyết định cuộc đời của nàng.

Rót nước xong, Trinh mời cha mẹ và Chử Đồng tử rồi lại vào buồng trong ngồi nghe ngóng.

Chợt Trinh nghe tiếng Chử Đồng tử:

“Cô Trinh! Cô ra ngồi đây. Anh muốn nói với em vài lời.”

Trinh mắt đỏ hoe, lẳng lặng ra ngồi ghé ở mép phản, đối diện với Chử Đồng tử. Mái tóc chải sơ còn rối. Da mặt xanh chứ không hồng hào như mọi khi, Trinh buồn ủ rũ như người hết sinh lực.

Chử Đồng Tử giữ im lặng tới mấy phút mới bắt đầu. Không khí ngột ngạt vây quanh phòng khách. Có lẽ anh cũng đã cố sức để nói những điều anh không muốn nói:

“Nãy giờ anh có trình bày với hai bác và như mọi người ở vùng này đều biết, theo đề nghị của Mị nương Tiên Dung, anh sẽ theo Mị nương về kinh đô...”

Ngưng một chút vì cảm động, Chử Đồng tử tiếp:

“Anh đến đây chào hai bác và em và...và... anh cũng cám ơn em đã giúp đỡ việc mua bán cho anh từ lâu nay. Vụ việc xẩy ra đột ngột quá anh chẳng biết phải nói sao với em. Nhưng chắc là chẳng bao giờ anh quên được lòng tốt của hai bác và em đã an ủi, giúp đỡ anh và bố anh rất nhiều ...”

Chử Đồng tử muốn nói rõ hơn là tấm cảm tình đặc biệt em đã dành cho anh bấy lâu nay, nhưng khó quá không thốt ra lời.

Giây phút im lặng, không ai nói câu gì. Trinh nhìn ra sân, một đàn sẻ sà xuống kiếm những hạt ngô, gạo rơi rụng từ bữa qua. Trinh thấy mình không được vui sống như những con sẻ đang ríu rít bên nhau kia. Trinh nhìn Chử Đồng tử, đôi mắt đỏ hoe:

“Anh theo Mị nương Tiên Dung về Phong châu thì anh đi đi! Đến gặp bố mẹ em và em làm gì?”

Nói xong, Trinh nức nở khóc. Ông bà Hàng ngồi yên lặng nhìn con, đứt ruột mà chẳng biết làm sao. Chử Đồng tử thì quá bối rối, anh không ngờ chỉ vì anh mà kẻ cười người khóc như thế. Anh chẳng biết phải yên ủi Trinh thế nào. Thề non hẹn biển chưa có, hứa hẹn giữa đôi bên cha mẹ cũng không. Bấy lâu nay chỉ như tình lối xóm, cậy nhờ, nương tựa, an ủi tinh thần, nhưng tình yêu chân thành và ngây dại đã chiếm trọn vẹn tâm hồn cô thôn nữ khu chọ Bài mà chỉ nhìn nét mặt và nghe cô nói cũng hiểu tình yêu ấy son sắt, thủy chung đến thế nào!

Một đôi lần bố có đề cập về Trinh, anh cũng nhớ lời bố trăn trối, muốn làm vui vong hồn bố. Ngoài điều đó anh cũng nghĩ nếu có đủ điều kiện dể lấy vợ thì chắc chẳng ai ngoài Trinh vì xét cả mấy chục cô gái trong làng, anh chẳng thấy có cảm tình với ai như với Trinh. Đa phần họ chê anh nghèo và tứ cố vô thân, vô gia cư, một cái lều dột tứ tung, đồ đạc, quần áo chẳng có, lấy gì nuôi vợ, nuôi con?

Quan niệm xưa lấy vợ là phải đẻ con, hoặc nhiều, hoặc ít. Số cặp vợ chồng tự nhiên không con rất ít. Với Trinh, Trinh đã chẳng chê anh nghèo mà còn kín đáo nói cho anh biết hai trái tim đập cùng một nhịp trong một túp lều tranh thì chẳng có gì quí hơn. Vàng bạc của cải là cần thiết cho đời sống nhưng nó sẽ không có nghĩa nếu thiếu vắng yêu thương. Mà yêu thương thì anh Chử không thiếu tinh tế để cảm nhận tình yêu thương sâu đậm và chân thành của Trinh và để đáp lại, anh cũng yêu Trinh ...cho đến khi gặp công chúa Tiên Dung.

Thực ra nếu có người hỏi anh, Tiên Dung và Trinh, anh yêu ai nhiều hơn thì anh không thể trả lời được.

Nhìn Trinh khóc, anh muốn bảo Trinh:

“Thôi em yêu quí hãy nín đi! Anh sẽ ở lại bãi biển này với em mãi mãi. Anh không đi đâu hết vì anh cũng yêu em.” Nhưng chợt nhớ lại lời hứa với Mị nương Tiên Dung, anh lạnh cả người.

“Trinh! Em nín đi! Xa hai bác và em, xa mộ bố mẹ anh, anh buồn lắm nhưng mọi việc đã xẩy ra ngoài dự liệu của anh. Tha lỗi cho anh!”

Trinh bỗng vụt đứng lên, chạy vào buồng. Nàng nằm vật trên giường nức nở.

Ngoài phòng khách, Chử Đồng tử đứng lên từ tạ ông bà Hàng rồi tiến lại cửa buồng Trinh, anh nói vọng vào:

“Anh về nhé Trinh! Tha lỗi cho anh! Sự việc này đi ra ngòai những sắp xếp và ước tính của anh. Hãy thông cảm và tha thứ cho anh! ”

* * *

Ngày hôm sau, khi công chúa Tiên Dung đế cập đến việc hồi kinh thì Chử Đồng Tử nói:

“Anh còn một việc quan trọng phải làm trước khi về kinh đô với em.”

“Đó là việc gì,” công chúa hỏi, “Anh có thể nói cho em biết không? Việc của anh cũng như việc của em.”

“Anh phải ra bái lậy trước mộ bố anh và mộ của mẹ anh nói lời từ giã. Về kinh đô, anh chẳng có dịp gần gũi bố mẹ anh như hiện nay.”

“Em đã là con dâu nhà họ Chử. Em cũng có bổn phận đi thăm phần mộ của cha mẹ anh cho đúng bổn phận. Em đề nghị thế này: trưa nay chúng ta đi thăm phần mộ, sáng mai khởi hành lên đường về kinh. Anh thấy thế nào?”

“Em sắp xếp hay lắm. Vậy em bảo quân sĩ kiếm hương hoa rồi chúng ta ra mộ.”

Công chúa ra lệnh một tiểu đội ngự lâm và cả đội thể nữ đi theo. Chử Đồng Tử hướng dẫn công chúa đến ngôi mộ của bố anh trước. Tiểu đội quân sĩ đứng dàn hai bên. Thể nữ dâng hương cho Chử Đồng Tử và công chúa, anh quì trước mộ đã có trải chiếu, bên cạnh là công chúa Tiên Dung. Cả hai hương dâng trước trán. Chử Đồng Tử lâm râm khấn và dặn dò bố sau đó anh đứng lên phục xuống lậy năm lậy rồi cắm hương vào bát để nơi chân mộ. Công chúa Tiên Dung cũng khấn và lậy năm lậy.

Xong mộ bố, Đồng Tử lại hướng dẫn công chúa và đòan tùy tùng tới mộ bà Chử Phù Vân ở cách xa chợ Bài khỏang một đỗi ngắn. Một đám trẻ con người lớn ở khu chợ thấy lạ đi theo xem.

Tại mộ mẹ, Chử Đồng Tử cũng làm y như ở mộ bố. Sau khi lễ tất, công chúa nói với Đồng Tử:

“Anh yên tâm. Em sẽ cho người trông coi hai ngôi mộ và sau này khi có dịp thuận tiện, chúng ta sẽ trở lại đây dời hài cốt của mẹ đem táng bên cạnh mộ cha rồi cho người lấy đá đắp thành hai ngôi mộ to đẹp để báo hiếu ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Anh có đồng ý không?”

“Tấm lòng của em rất tốt đối với cha mẹ anh, tuy nhiên đừng để mọi người dị nghị là anh lợi dụng em. Anh muốn sau này có tiền sẽ tự tay làm lấy chuyện đó.”

Như dự định, xế ngọ hôm sau, đoàn du thuyền của công chúa Tiên Dung và đoàn tùy tùng nhổ neo trực chỉ hướng Tây để trở về kinh đô Phong châu nước Văn lang.

Tại bãi biển khu chợ Bài, người ta thấy một thiếu nữ mặc bộ quần áo vải thô, mái tóc đen, dài để xõa trong gió ngàn, đứng tựa gốc thông già, nhìn đoàn thuyền dần xa. Gió vi vu qua kẽ lá, còn nàng mắt đỏ hoe vì đang khóc. Có lúc nàng kêu tên “Chử Đồng Tử! Chử Đồng Tử!”; có lúc lại lẩm bẩm những gì không rõ.

Nàng giơ tay vẫy đoàn thuyền, bỗng nhiên cười sằng sặc, xong lại khóc, khóc ngất, nước mắt nhỏ xuống làm ướt cả mảng ngực áo.

Nàng cứ đứng mãi đó, bất động như muốn hóa thành tượng đá, đôi mắt chăm chăm nhìn đoàn thuyền cho đến khi chúng trở thành ba chấm nhỏ tí rồi mất hút trên mặt biển xanh thẫm mới lảo đảo quay trở về khu chợ Bài.

* * *

Ròng rã hơn một tháng, ngày đi đêm nghỉ, đoàn thuyền đã về đế Phong châu.

Trong suốt cuộc hải hành, công chúa Tiên Dung để Chử Đồng tử ngồi ở thuyền dẫn đầu, trò chuyện có viên võ tướng chỉ huy đoàn Ngự lâm quân. Chử Đồng tử tỏ ra rất am tường địa hình, địa vật khắp vùng cũng như kinh nghiệm đi trên sông biển.

Mỗi khi đoàn thuyền đậu lại nghỉ hoặc lên bãi dựng lều hoặc ghé các nơi thị tứ, các chợ mua thêm đồ ăn, nước uống, công chúa lại có dịp cùng Chử Đồng tử đàm đạo. Nàng mang sách cho chàng đọc, chỉ cho chàng những căn bản chàng chưa có dịp học. Chàng rất thông minh nên học đâu biết đó nên chỉ trong thời gian ngắn, chàng đã thâu thái được khá nhiêu kiến thức tổng quát mà người bình thường phải học trong hai, ba năm.

Hoàng gia đã được thông bào ngày lai kinh của công chúa. Đúng ngày, vua Hùng Vương thứ 3, hoàng hậu và khắp mặt bá quan văn võ triều đình đều tề tựu. Hai bên bờ sông, dân chúng đứng đông nghẹt chờ coi mặt công chúa, lính Ngự lâm quân phải vất vả lắm mới giữ được trật tự vì họ chen lấn, xô đẩy, tiếng la chí choé.

Đúng giờ hoàng đạo, đội thể nữ rước kiệu công chúa từ thuyền lên bờ. Đội nhã nhạc hoàng gia tấu bài Lưu Thủy chào mừng. Kiệu do tám phu kiệu mặc áo xanh nẹp đỏ được hạ xuống, công chúa Tiên Dung bước ra sau khi hai thể nữ vén rèm hai bên.

Công chúa mặc chiếc áo lụa bạch, xiêm mầu xanh lục, cổ đeo chuỗi ngọc trai biển Đông, mái tóc đen huyền cài kim thoa bằng vàng, hai tai đeo đôi bông tai có hai hạt kim cương lóng lánh, cổ tay, cổ chân đều đeo vòng ngọc thạch, mã não; chân đi hài thêu sang trọng vô cùng. Nàng đẹp lộng lẫy như nàng tiên trong truyện thần thoại - chính nàng là một nàng tiên - khiến vua Hùng, hoàng hậu và cả triều đình đều phải trầm trồ.

Nàng thướt tha yểu điệu bước trên lối đi có trải chiếu hoa và khi còn cách đức vua và hoàng hậu khoảng dăm, sáu bước, nàng phủ phục tung hô:

“Vạn tuế Phụ vương và Mẫu hậu.”

Vua Hùng vương phán:

“Chúng ta miễn lễ cho con. Hãy lại gần đây!”

Công chúa tiến lại nơi đức vua và hoàng hậu. Hai người ngồi trên hai cái kỷ sơn son thếp vàng, hai bên có tàn lọng mầu vàng rực, đồng mầu với cẩm bào của vua. Bá quan văn võ đứng dàn hai bên và đàng sau. Vua Hùng và hoàng hâu cùng đứng lên, lần lượt nắm tay công chúa Tiên Dung rất trìu mến.

“Sao chuyến đi vui chứ con?” hoàng hậu hỏi công chúa, “Sao con hồi kinh sớm vậy? Trái với lúc đi, con nói với chúng ta là ba tháng con mới về kia mà?”

“Tâu Phụ vương và Mẫu hậu,” công chúa thỏ thẻ,”Lẽ ra phải một tháng nữa con mới về nhưng vì có việc hệ trọng riêng cho con nên con phải về sớm trình lên Phụ vương và Mẫu hậu.”

“Việc gì hệ trọng cho con vậy?” đức vua hỏi, “Nói nhanh cho chúng ta nghe đi!”

Công chúa liền tâu trình mọi việc, từ lúc thuyền đậu lại bãi biển, bảo thể nữ vây màn cho nàng tắm, nàng xối nước, cát trôi đi, trật ra Chử Đồng Tử đang nằm bên dưới... nhất nhất mọi chi tiết được trình lại đầy đủ.

Càng nghe, vua, hoàng hậu và cả triều đình càng ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên thích thú, y như chuyện thần thoại vậy. Khi công chúa kể xong, vua và hoàng hậu cùng nóng lòng muốn nhìn mặt Chử Đồng Tử. Vua nói:

“Con hãy cho Chử Đồng Tử diện kiến chúng ta xem sao!”

Công chúa vâng lời. Nàng trở lại thuyền. Mọi nghi thức đã được xếp đặt chu đáo từ những ngày còn lênh đênh trên biển nên đức vua, hoàng hậu và triều đình không phải chờ đợi lâu.

Đám rước dàn ra. Đi đầu là đoàn dũng sĩ Ngự lâm quân 60 người cưỡi ngựa, binh khí đầy đủ, áo giáp khiên mây, dẫn đầu là 4 võ tướng oai phong lẫm lẫm cưỡi bốn con ngựa lai giống Mông cổ cao lớn..

Xong đến đội thể nữ 20 cô, tất cả đều ăn mặc, trang điểm lộng lẫy và sau cùng là hai chiếc lọng xanh che hai bên công chúa và Chử Đồng Tử, cùng sánh vai tiến đến lễ đài.

Người dân ở kinh đô Phong châu chưa từng thấy một đám rước nào đẹp như đám rước này. Họ vỗ tay hoan hô ầm ĩ.

Chử Đồng Tử mặc quần áo văn quan, nét mặt điềm đạm, cốt cách phong nhã; sau một tháng sống trên thuyền với tiện nghi dư thừa của hoàng gia, chàng đã lột xác, chẳng còn là Chử Đồng Tử đen đúa , phong trần, bện dây chuối ngày xưa nữa.

Cả triều đình và dân chúng đứng xung quanh vỗ tay reo hò. Đức vua Hùng và hoàng hậu hết sức đẹp ý. Người ta khó kiếm được một đôi trai tài gái sắc đẹp đôi hơn thế. Mọi người xầm xì đây là duyên trời se định.

Còn cách vua và hoàng hậu mươi bước, Chử Đồng tử và công chúa đồng sụp xuống lạy năm lạy và tung hô “Vạn tuế”. Vua cho hai người bình thân, vời lại gần hơn. Vua hỏi Chử Đồng Tử mấy câu đẻ dò xem kiến thức và cung cách ăn nói của chàng. Nhưng chàng cung kính trả lời thông suốt khiến mọi người ngạc nhiên, đâu có biết trong thời gian một tháng qua lênh đênh trên biển, chính công chúa đã dự phòng điêu này và đã chỉ dẫn chàng luyện tập để có một kiến thức phổ thông hầu làm đẹp lòng vua cha.

Buổi triều kiến kết thúc trong sự hân hoan. Chiều hôm đó, một yến tiệc linh đình do hoàng hậu tổ chức như một tiệc tẩy trần cho công chúa và Phò mã Chử Đồng tử. Các quan đều được mời dự.

Trước khi vào tiệc, vua tuyên bố vua và hòang hậu chấp thuận Chử Đồng Tử là Phò mã sánh duyên cùng Mị Nương Tiên Dung.

Vua và hoàng hậu ban ngự tửu cho công chúa, Chử Phò mã và các quan văn võ để đánh dấu ngày vui hôm nay.

Trong tiệc, đức vua cũng định đến mùa Xuân năm sau thì cho hai người làm lễ cưới. Trong thời gian chờ đợi, vua sai xây cung Phò mã để vợ chồng nàng ở sau này. Cũng kể từ đó, Chử Đồng tử chăm nghề nghiên bút với mục tiêu là sẽ trở thành một vị quan đại thần đặc trách các văn thư ngoại giao với các nước lân bang cũng như thảo các chiếu, dụ của vua ban bố xuống thần dân. Hàn lâm học sĩ họ Đặng, một người thông kim bác cổ sẽ là thầy dạy học cho Phò mã.

Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt ngày cưới đã đến. Đức vua ra lệnh toàn dân liên hoan trong ba ngày liền. Từ kinh đô Phong châu cho đến khắp các châu, huyện, dân chúng treo cờ xí, chăng đèn kết hoa, dựng cổng chào, tu sửa nhà cửa, đường xá... để mừng lễ cưới công chúa Tiên Dung và Phò mã Chử Đồng Tử.

Khắp các thị trấn và thôn xóm, dân chúng mổ trâu bò, giết lợn, giết gà , giết dê. Người ta cũng thi đua nấu bánh chưng, giã bánh dày, hai thứ bánh truyền thống của tộc Lạc Việt.

Đúng ngọ ngày cưới, Chử Phò mã và công chúa Tiên Dung ngồi trên hai chiếc kiệu, có đội Ngự lâm quân dàn chào và đội thể nữ theo hầu, tiến vào Thái miếu tế cáo Trời Đất , Tiên vương.

Vua Hùng vương và hoàng hậu ngồi trên ngai để công chúa và Chử Phò mã lạy năm lạy. Sau nghi lễ cổ truyền của hoàng gia, mọi người trở về triều, vua ban yến cho đôi uyên ương và tất cả các quan.

Buổi tối mới là vui. Một đêm hội hoa đăng náo nhiệt diễn ra. Từ hoàng cung đến chung quanh hoàng thành, những cây đình liệu cháy sáng rực một góc trời. Trên mặt hồ Động đình, thuyền ngự của đức vua và hoàng hậu đi trước, kế là thuyền hoa của công chúa Tiên Dung và Chử Phò mã rồi đến hàng trăm thuyền khác của các quan . Tất cả các thuyền đều chăng đèn kết hoa, bơi qua lượn lại trông thật vui mắt trong khi tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng ca hát của đôi nhã nhạc hoang gia vẫn tấu lên dìu dặt. Trên bờ hồ, dân chúng đứng xem đông nghẹt. Tiếng cười nói, đàn hát, tiếng quát tháo giữ trật tự của Ngự lâm quân làm không khí buổi hội càng náo nhiệt.

Sau cuộc thi bơi thuyền của các đội Ngự lâm quân va thể nữ, vua và hoàng hậu về cung. Phò mã Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung cũng lên kiệu về dinh và bây giờ mới là thời giờ họ dành cho nhau.

Trong căn phòng lộng lẫy, sang trọng, có đủ màn the, trướng gấm, bốn cây bạch lạp tỏa sáng, Chử Phò mã cùng công chúa nâng li rượu hợp cẩn một cách trịnh trọng. Hai thể nữ vẫn đứng hai bên hầu. Thứ rượu này cất bằng trái bồ đào và men rượu nếp để đủ một trăm ngày mới được uống nên ngon, thơm ngọt, nhưng uống nhiều cũng say. Hoàng hậu và các cung phi mỗi khi có đại yến mới lấy ra dùng.

Li rượu trên tay, Chử Phò mã trịnh trọng nói:

“Tiên Dung, anh không có đủ từ để nói lời cám ơn em. Anh có được hạnh phúc tuyệt vời này là do em...Em hãy nhận lời cám ơn sâu xa, chân thành nhất của anh...”

Hai người cùng nhấp rượu. Cả hai cảm thấy ngây ngất như chưa từng bao giờ có cảm giác đó trong đời. Rượu làm ngây ngất ít nhưng tình yêu trao cho nhau thì nhiều, như nước sông dâng cao tràn bờ.

Mị nương Tiên Dung nhìn chàng, mỉm cười, hàm răng ngọc và đôi môi hồng óng ánh dưới ánh bạch lạp:

“Đôi ta do thiên duyên se định. Cái gì cũng có Trời, xưa nay em vẫn tin tưởng như thế. Vả anh được hai chữ Hiếu và Nhân, đứng đầu trong các đức tính của con người, không phải ai cũng làm được mặc dù nghe qua thì rất dễ. Anh đáng được hưởng những phúc lợi đã và sẽ đến với chúng ta.”

Kể từ đó, cặp vợ chồng vương giả sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau cho đến một ngày mùa Xuân năm đó, Chử Phò mã và công chúa xin phép vua và hoàng hâu đi ngoạn cảnh vùng biển rồi không thấy trở về. Dân chúng nước Việt đồn là hai người đã lên tiên vì công chúa Tiên Dung vốn là người tiên, còn Phò mã Chử Đồng Tử cũng là người trên thượng giới Trời sai xuống trần để làm xong những công việc Trời sắp đặt..

* * *

Trong hôn lễ cuả công chúa Tiên Dung và Phò mã Chử Đồng Tử, toàn dân Lạc Việt đều vui, đều tổ chức ăn mừng chung vui với hoàng gia vì nhà vua, hoàng hậu và công chúa được toàn dân quí mến.
 
Duy có một gia đình không ăn mừng, gia đình ông bà Hàng ở khu chợ Bài, làng Chử Xá. Chẳng những thế, một tuần lễ sau đám cưới công chúa Tiên Dung, người khu chợ phát giác cô Trinh đã tự trầm ở bãi biển, ngay trước căn lều khi xưa là của Phò mã Chử Đồng Tử.
 
Khi huyện lệnh Phong châu cho người về điều tra, ông bà Hàng nói, cô Trinh rất buồn phiền từ ngày Phò mã Chử Đồng Tử theo công chúa về kinh. Một tuần trước ngày con gái ông bà mất, cô đi thơ thẩn gần cái lều này, gọi tên “Chử Đồng Tử” và khóc. Ban ngày cô bỏ ăn, đêm cô nằm mơ nói lảm nhảm những gì không rõ, rồi cô thét lên, thức dậy, lại ngồi khóc. Hai ông bà đã khuyên giải nhiều nhưng vô hiệu quả.
 
Ngoài những điều ông bà Hàng khai ra với huyện lệnh Phong châu, không còn ai biết thêm về cái chết tấm tức, đau khổ của cô gái mới vừa đôi tám, rất xinh xắn và dễ thương ở khu chợ Bài.