HOA TAY PDF Print E-mail
Tác Giả: Cỏ Biển   
Chúa Nhật, 27 Tháng 5 Năm 2012 21:10

 

- Có ai ở nhà không ra lấy thơ nước ngoài ?

 

Tiếng gọi vang lên làm tôi buông vội mớ rau xuống chạy ra không  quên mang theo cái ví, ngoài cửa một thanh niên ngồi sẵn trên yên chiếc xe đạp hông  đeo túi vải đầy ắp, trên miệng ló ra chồng thư, tay anh ta đã cầm sẵn phong thư  vội trao ngay cho tôi và quay xe đi sau khi nhận tờ giấy bạc và hai chữ cám ơn theo  lệ. Hồi này nhà nào có thư từ nước ngoài gửi về ai cũng có thói quen thi hành thủ  tục “ đầu tiên “ (tiền đâu) với người phát thư, là lời cám ơn thực tế nhất của  người nhận thư trong thời buổi khó khăn, khi người đi làm cho nhà nước không  thể sống với đồng lương căn bản. Và cũng để lần sau  người ta sẽ nhanh chóng phát lá thư tận tay mình mà không sợ thư bị thất lạc ;  đây cũng là một cữ chỉ chia xẻ niềm vui mặc dù chưa biết bên trong lá thư nói chuyện  gì, nhưng hễ nhà nào có thư nước ngoài đều cảm thấy có đôi chút hạnh phúc và  hãnh diện với người khác bởi đây là sợi dây độc nhất nối với thế giới văn minh nay  trở thành xa xôi diệu vợi.

Nhìn nét chữ bên  ngoài phong bì tôi biết ngay là của chị Nga ở bên Pháp gửi về. Trong thư chị  cho biết sẽ gửi một thùng thuốc tây cho má tôi bán để  làm lộ phí ra miền Bắc thăm ba tôi và anh người yêu của chị. Không phải bà con  họ hàng nhưng chị ấy thật tốt với gia đình tôi, không có chị má con tôi chẳng  biết phải làm thế nào mới có thể đi thăm nuôi ba tôi đều đặn.

                Tôi không ngờ biến cố  xảy đến cho miền Nam vào tháng tư bảy lăm cũng là ngày kết thúc việc học hành  của tôi, dự định tiếp tục học đại học vào niên khóa tới bỗng chốc tiêu tan. Sau  mấy tháng chờ đợi không thấy ba trở về, giống như bao gia đình khác cả nhà tôi  phải kiếm kế sinh sống theo thời thế bằng cách góp một số tiền xin vào làm tổ  viên của hợp tác xã Mây tre lá xuất khẩu. Mặc dù tối ngày triệt để áp dụng  phương thức “ làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, nếu thấy không êm làm thêm giờ  nghỉ “ vậy mà vẫn không đủ sống nên đồ đạc trong nhà dần dần phải chạy về  phương Bắc hết !

Mỗi lần nộp hàng cái  nào của tôi làm cũng đạt tiêu chuẩn còn của má tôi  với nhỏ em thường hay bị trả lại, vì vậy tôi thường phải làm thật nhanh để đạt  được số lượng nhiều hơn thay cho má khỏi mất thì giờ tháo ra làm lại. Tôi quen  chị Nga không phải tình cờ, nhờ đi giao hàng nhiều lần nên biết nhau, gọi là  chị vì tôi nhỏ hơn chị khoảng hai ba tuổi, lúc đó chị chưa đi Tây và làm trong  hợp tác xã nhưng phụ trách khâu quản lý sổ sách, giao nhận nguyên vật liệu cũng  như thu gom thành phẩm từ các tổ viên. Lâu dần chị hiểu rõ hoàn cảnh của  tôi nên không ngại tâm sự chuyện riêng của chị cho tôi nghe rằng chị cũng có người  yêu quen từ thời đi học đang bị tập trung đi tù tận miền Bắc giống ba tôi.

Lần đầu tiên được  phép thăm nuôi người thân, giống như những gia đình cùng cảnh ngộ má tôi cũng  phải vơ vét, nhặt nhạnh cái gì còn bán được trong nhà để lấy tiền đi thăm ba tôi, chị biết được nên đề nghị góp thêm một ít tiền  cho má tôi làm lộ phí đi đường, tiện thể mang giùm quà thăm nuôi của chị gửi cho  anh người yêu đang ở một trại khác gần đó vì người thân trong gia đình của anh đã  di tản hết.

Nhiều lần thay mặt  chủ nhiệm đi họp, nộp báo cáo tổng kết và nhận chỉ tiêu cho hợp tác xã nên có  cơ hội quen biết, gặp gỡ những đơn vị khác, chị hứa sẽ xin cho tôi vào làm ở  một xí nghiệp quốc doanh sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Chị giải thích nếu  tôi chính thức làm công nhân viên biên chế nhà nước thì khẩu phần lương thực  được mua giá cung cấp sẽ đầy đủ hơn nhưng cái lợi nhất là gia đình tôi sẽ không  còn nơm nớp lo sợ từng ngày sẽ bị đuổi đi kinh tế mới nữa.

Một hôm chị ghé qua  nhà rủ tôi đi cùng chị ra tòa đại sứ Pháp, tuy không hiểu lý do nhưng tôi vẫn  hiếu kỳ đạp xe theo. Chị dẫn tôi đi vòng quanh các con đường, cuối cùng rồng  rắn sắp hàng vào cổng sau một ngôi dinh thự sau khi  chị trình các thứ giấy tờ. Đứng chờ mãi mới đến lượt chị được gọi tên  cho vào gặp một ông Tây ngồi sau bàn giấy, ở bên ngoài hành lang nhìn vào suýt  chút thì tôi há hốc mồm bởi ngạc nhiên, vì khi gặp viên chức này thì chị xổ một  tràng tiếng tây giòn như bắp rang. Mặc dù đã chọn học Pháp văn là sinh ngữ phụ,  mỗi tuần được bốn tiếng đồng hồ trong suốt ba năm cuối trung học vậy mà bây giờ  tôi cứ ngẩn ngơ chẳng hiểu hai người họ nói với nhau  điều gì.

Sau một hồi xì xà, xì xồ tôi thấy ông Tây bắt tay chị còn  chị thì cười hớn hở và..merci.. merci ông ta luôn miệng. Ra ngoài tôi nắm tay  chị thốt lời thán phục :


- Eo ơi! Chị Nga nói  tiếng tây hay quá trời, nghe lốp bốp giòn tan như pháo nổ. Vậy mà bao lâu nay  em không biết. Ủa nhưng chị vô đó có việc gì vậy chị ?
- Hai chị em mình đi  uống nước để ăn mừng, rồi chị sẽ kể cho em nghe.

... Qua câu chuyện tôi được biết chị là du học sinh bên Pháp  về nước thăm nhà nhầm lúc tháng tư bảy lăm rồi bị kẹt lại, khi bức màn tre  buông xuống tưởng rằng chị cũng giống như mọi người sẽ không bao giờ còn được nhìn  thấy điều gì ở bên ngoài thế giới văn minh nữa. Mãi cho đến khi những người có  quốc tịch Pháp được phép về xứ sở hơn nửa năm sau chị  mới liên lạc được với dì ruột đang sống bên đó. Bà là người nuôi dưỡng sau  khi mẹ chị qua đời và ba chị đi bước nữa. Học xong trung học với chương trình  Pháp nhờ bà bảo lãnh nên chị sang Pháp đi học được hai năm. Trải qua bao gian  nan bởi những thủ tục nhiêu khê của hai nước, cuối cùng đến bây giờ chị mới được  trở qua Pháp tiếp tục việc học còn đang bỏ dở dang. Nghe chị nói tôi mới nhớ tháng  trước gặp con nhỏ Châu lai làm chung hợp tác xã nói với tôi rằng hai chị em nó đang  xin đi Pháp, tôi tưởng con nhỏ nói khoác bây giờ mới biết việc nước Pháp tiếp  tục can thiệp cho con lai của họ về nước là chuyện có thật !....

Ngày xa chị tôi thấy buồn và chạnh lòng khi nghĩ đến hoàn  cảnh của mình ; nhưng thôi ai có cơ hội thoát khỏi nơi này sang một cảnh đời mới  nên vui mừng cho người đó. Nhìn tương lai của chị đang rộng mở về phía trước  với bao hy vọng chứa chan tôi thật lòng chúc mừng cho chị.
Chị đi chẳng bao lâu tôi được giấy  gọi đi làm và được phân công về một xưởng sơn mài hưởng lương học nghề trong ba  tháng rồi mới chính thức được xếp biên chế công nhân hạng bét là bậc 2/7.

oOo

1.

Nghề nào cũng có ông tổ nhưng tôi không biết ngành sơn mài  tôi đang làm có ông tổ hay không, nhưng nếu có thì tôi đúng là được tổ đãi. Chắc  là ông tổ thấy thương hại nên giữ lại, bằng không tôi cũng giống như nhiều  người khác “ bỏ của chạy lấy người “ không kịp. Dân gian hay nói “ nghề nào  nghiệp đó “, chất nhựa lấy ra từ một loại cây có tên cây sơn, được trồng nhiều  ở Nam Vang và Phú Thọ là hai nơi cây cho nhựa tốt hơn hết nên được gọi luôn tên  địa phương kèm theo để dễ phân biệt ; Sơn được dùng làm nguyên liệu chính sử dụng ban đầu trong việc sản xuất ra những bức tranh, những  cái bình, chén, dĩa, hộp đựng nữ trang, đây là chất sơn trở thành độc hại tùy  theo thể trạng mẫn cảm của mỗi người, có người cho dù không trực tiếp sờ vào nhưng  đứng bên cạnh người sử dụng cũng vẫn bị ảnh hưởng như thường ; nhẹ thì da dẻ ngứa  ngáy, ửng đỏ từng vùng giống như dị ứng gan ! Nặng hơn thì sau đó da nổi  từng dề sần sùi, lở loét khiến người bị hốt hoảng lầm tưởng đã vướng phải bệnh  nan y vào thời kỳ đầu.

Nhớ hồi ban đầu mới  vô tôi thấy nguyên cánh tay của một ông cán bộ sưng tấy, xám xịt, lấm tấm những  nốt đỏ ri rỉ nước vàng. Trong lòng ghê ghê tôi hỏi nhỏ mấy chị thợ :


- Ông mặc áo sơ mi  xanh cụt tay hay đi vòng vòng trong xưởng bị bịnh gì vậy mấy chị ?
- Ổng Năm Đoàn hả ? ổng  là Giám đốc đó, ổng vẫn khỏe mạnh đâu có bịnh gì đâu.
- Em muốn hỏi cánh  tay ổng bị gì kìa.
- À, tại ổng bị dị  ứng với mấy thứ sơn trong xưởng thôi. Ai vô đây gặp phải hơi sơn không hợp cũng  đều bị như vậy hết.

Tôi bỗng nghĩ vẩn vơ :


- Ông ta là thủ  trưởng chỉ đi vòng vòng quan sát chứ đâu có trực tiếp sờ tay vào làm mà còn bị  như vậy huống chi …..!

Tôi bỏ lửng câu nói vì nghĩ đến mình khi nhìn xuống hai cánh  tay và đôi bàn tay của mình, nghĩ đến một ngày nào đó nước da trắng trẻo này sẽ  giống cánh tay ông ấy bây giờ mà não nề trong dạ.

Saigon hồi này cũng  quen dần với những ngày lễ lạt khi nhà nước tổ chức ăn  mừng như ngày 30/4 mất nước, ngày 2/9 “ độc lập tự do “, nhưng mấy đứa tre trẻ  không phải là đoàn viên thanh niên Cộng sản như tôi hay lén nói với nhau là  ngày “ đập lộn tự do “, lý do chính khiến người ta vui vì được nghỉ mấy ngày không  lao động. Cũng vào dịp này công nhân viên được nhà nước bán cung cấp thêm cho  mỗi người nửa ký thịt, nữa ký đường, ký cá xô dăm ký khoai lang ngoài tiêu  chuẩn hàng tháng, ngay cả hộ nhà dân cũng được hưởng theo.

 Nghỉ lễ ở nhà lại không  có hàng làm thêm phụ với má, được rảnh rỗi tôi chạy qua  nhà thím Sang mượn quyển truyện Quỳnh Dao về đọc. Hồi Saigon mới bị chiếm, sách  truyện bất cứ thứ gì của trước kia xuất bản cũng bị tịch thu lấy cớ là tàn dư  của văn hóa đồi trụy, ai dè đâu chỉ vài năm sau số sách ấy được bày bán đầy ở  chợ sách cũ mọc lên trên đường Bùi Quang Chiêu nằm phía sau đường Trần Hưng Đạo.
                Nhìn thấy con trai Út  của thím đang ngồi đục miếng gỗ màu nâu đen có hình  hạt xoài,tôi hỏi thím :


- Ủa anh Hùng đang  làm gì vậy thím, sao độ rày con không thấy anh Hùng đi học
- Nó nghỉ học rồi con  ơi !

Câu trả lời của thím làm tôi ngạc nhiên hỏi tới :


- Sao anh đang được  đi học sướng thấy mồ lại nghỉ uổng vậy ?
- Sướng mốc xì.

Anh trề môi nói tiếp :


- Sướng sao em không  đi học, học gì mà tối ngày nhồi nhét ba cái chủ nghĩa Mác Lê Nin bách chiến  bách thắng, vô địch muôn năm chán bỏ xừ.

Tôi buồn buồn than thở :


- Em là con “ sĩ quan ngụy “ ai cho em vô đại học, mà đi học thì ai phụ với  má chạy gạo nuôi mấy đứa em !
- Anh mà đi học chắc  có ngày bị đi cải tạo “ mút mùa lệ thủy “ vì bị ghép tội phản động, cãi lại thầy giáo. Thôi nghỉ trước cho chắc ăn. “ Lao  động là vinh quang “ mà.

Nói xong lại quay ra tiếp tục cầm cây đục nghe cộp cộp. Tôi thắc  mắc hỏi tiếp :


- Anh đục miếng gỗ  làm chi vậy anh Hùng ?
- Làm cái dĩa xuất  khẩu, giống như cái mẫu vầy nè.

Anh chỉ cho tôi xem cái dĩa bằng gỗ  có chạm hình chùm nho chạy dài nằm vắt trên thành mép dĩa, dưới lòng trũng láng  bóng của chiếc dĩa những vân gỗ nổi lên như những dải lụa đậm nhạt xen kẽ thật  đẹp. Tôi reo lên :


- Em biết rồi, đây là  một dạng điêu khắc mà, trời ơi em thích làm mấy loại này lắm, cho em làm với.

Mỉm cười chế giễu anh nói :


- Thôi cho tui xin  can đi cô hai, coi hai bàn tay tiểu thư của em kìa cầm đục được mấy ngày. Loại  hàng này trông vậy mà khó ăn lắm, phải có hoa tay và cặp mắt mỹ thuật mới làm  được. Không có giống ba cái vụ xỏ lá hay đan dép xuất khẩu Liên xô của em đâu.
- Nè đừng có khi dễ  em à, hồi đi học ngay từ lớp đệ thất em đều đứng hạng nhất môn vẽ nha, mà cả  bốn năm liền, mấy nhỏ bạn nói tại em có hoa tay đó. Em dự định sau này học đại học  em sẽ xin ba cho em học thêm bên trường Mỹ thuật nữa. Ai dè …! Mơ ước của em vỡ  tung như … bong bóng xà phòng.
- Thì bây giờ anh  nghe nói em mới xin vào làm ở Xí nghiệp mỹ nghệ nào đó mà, cũng là một ngành  nghề về mỹ thuật vậy.
- Ôi trời, em đi làm  mà sợ muốn chết, anh chưa thấy mấy người bị sơn ăn đâu, dòm da dẻ tay chân họ ngứa  ngáy chảy nước thấy ghê quá. Mà bi giờ đâu có thuốc gì trị ngoài mấy viên xuyên  tâm liên đắng nghét.
- Ừ, cái thứ đó độc  lắm, anh nhớ anh hai anh lúc còn đi lính Thủy quân lục chiến kể lại. Năm mà đại  đội anh ấy theo binh chủng hành quân qua Nam Vang cứu dân Việt Nam của mình bị  dân Miên cáp duồn. Bữa trưa đó cả đại đội đóng quân trong rừng cây chờ lệnh,  hôm sau đa số lính trong đại đội bị ngứa ngáy da nứt nẻ, chảy nước vàng nên tức  khắc được chuyển về quân y viện, sau đó qua người địa  phương mới biết tại đại đội anh ấy đóng quân dưới những gốc cây sơn, người nào  có loại da dễ bị dị ứng mới bị ảnh hưởng thôi, nếu em thuộc loại da này thì chỉ  cần vài ngày tiếp xúc là biết rõ ngay.
- Em hả, em đi làm  được nửa tháng rồi, chưa thấy gì hết. Hổng lẽ em chờ  đến khi nào em có triệu chứng giống nhà thơ Hàn mặc tử “ thấy quan tài rồi mới đổ  lệ “ thì muộn màng rồi !
- Vậy là em không bị  dị ứng đâu, nếu có là biết liền rồi.

Tôi ngẫm nghĩ.. ừ chắc là vậy rồi, bởi tuần lễ đầu mới vô  tôi được phân công vô tổ mài thí ! ngồi suốt ngày bên bể nước mài hết lớp sơn này  đến sơn khác cho nhẵn. Nhìn những bức tranh sơn mài đẹp đẽ đâu ai biết để làm  một bức tranh phải qua biết bao nhiêu là công đoạn từ khâu đầu tiên xác mộc  xong phất vải, sơn tới sơn lui nhiều lớp, nào là sơn lót đến sơn nghè, xong thì  cẩn ốc rồi tách ốc v.v... mài tới mài lui đã đời còn phải mang vào phòng ủ mấy  ngày, sau đó tiếp theo hơn chục khâu nữa. Cũng may trước đó chị Nga đã “ gửi  gấm “ tôi cho một người bạn thân là họa sĩ ở phân  xưởng nên chưa đầy tuần lễ tôi được phân công qua tổ in vẽ mẫu do anh làm tổ  trưởng, ở đây được làm công việc sạch sẽ nhàn nhã hơn. Về sau khi nhìn lại  mấy bàn tay nhúng nước suốt ngày nở loe bên khâu mài hoặc da tay đỏ au của mấy  chị vuốt bóng bám đầy bột đen mới thấy tôi thật may mắn vì công việc họ đang  làm   thật nhọc nhằn so với đồng lương ít  ỏi biết bao ! Tôi hỏi một chị đang áp hai bàn tay lên bề mặt tấm tranh chà xát thật  mạnh :


- Sao chị không mang  găng tay cho đỡ nóng.
- Không được đâu em,  việc này phải sử dụng bằng lòng bàn tay mềm mại, nhờ vào  mồ hôi tay nên mặt sơn mới bóng láng không bị vết xước dù nhỏ như sợi tóc, không  có một thứ gì có thể thay thế được bởi khi nhìn nghiêng tấm tranh ra ánh sáng nét  trầy trên mặt sơn sẽ lộ ra rất rõ ràng.

Một tấm tranh làm  xong được xem là đạt tiêu chuẩn phải trải qua đầy đủ  các công đoạn kéo dài ít nhất sáu tháng trời hoặc phải lâu hơn mặt tranh mới có  độ bóng láng đúng chất lượng của tranh sơn mài và càng để lâu tranh càng đẹp. Nhiều  nơi chạy theo lợi nhuận sản xuất đốt giai đoạn bỏ qua nhiều công đoạn rút ngắn  thời gian rốt cuộc bức tranh người mua mang về treo lên chỉ trong thời gian  ngắn là bong sơn nứt nẻ, vênh ốc, mặt tranh nổi sọc những vân gỗ chi chít.

 Ngồi ở tổ vẽ mẫu tôi scan  những mẫu hình vẽ sẵn lên tấm tranh, tùy theo thể loại và nội dung từng công  đoạn sau đó người thợ sẽ tiếp tục làm thành tranh cẩn ốc, vẽ phủ vàng, phủ bạc,  tranh cẩn trứng hay tranh khắc. Ngày xưa bàn ghế hoặc tranh sơn mài đều cẩn bằng ốc xà cừ thật, bây giờ với sản xuất hàng loạt khi nhìn  những sản phẩm cẩn ốc tất cả chỉ làm bằng vỏ ốc trai màu hoặc thành đỏ người  mua thấy màu sắc lấp lánh cứ tưởng lầm là xà cừ.

2.

Buổi trưa sau bữa cơm trong khi mọi người mạnh ai nấy tìm  chỗ ngả lưng ; tôi vẫn ngồi yên trên ghế, tay cầm bút  vẽ ngoằn ngoèo lên tờ lá vàng, anh Nhật tổ trưởng ghé qua bàn tôi hỏi :


- Em không nghỉ trưa à  ?
- Dạ không, em ít khi  nghỉ trưa. Em mới nhận thư chị Nga hôm qua, chị ấy có gởi lời thăm anh.
- Vậy à, Nga bây giờ  thế nào ?
- Chị ấy nói năm tới thi  ra trường, hiện tại cuối tuần vẫn đi làm nhưng sang năm chị phải dồn hết vào  việc học. Em có kể chuyện anh giúp em chuyển qua khâu  vẽ mẫu nhẹ hơn, chị nói cám ơn anh đã nể tình chị.
- Có gì đâu mà cám ơn,  tất cả phần lớn là do em có khả năng thôi. Lúc cho em thử việc nhìn bàn tay em  là anh biết em có hoa tay.
- Sao chỉ nhìn tay em  mà anh biết được ?
- Thông thường người  có hoa tay làm việc trông khéo léo, tinh tế gọn gàng ; cho nên những gì người  ấy làm đều đạt yêu cầu nhất là những công việc có tính chất mỹ thuật. Hình như  em có khiếu về ngành này, nếu em đi học chắc sẽ thành công.
- Em cũng thích học môn  mỹ thuật lắm nhưng …..hoàn cảnh không cho phép !

Anh thở dài :


- Ừ anh hiểu, thời  buổi bây giờ học ngành này cũng khó để theo đuổi nó một  cách toàn tâm, toàn ý cho dù có cơ hội.

Bỗng nhiên anh chuyển đề tài :


- Anh xem em như  người thân nên hỏi em chuyện này có vẻ hơi riêng tư,

Tôi im lặng chờ lắng nghe, ngần ngại một lúc anh pha trò :


- Không phải anh muốn  lăn bánh xe vào đời tư của em, nhưng vì thấy chị Nga xem em như đứa em gái nên  anh chỉ quan tâm một chút thôi, đừng nghĩ anh là một người nhiều chuyện.
- Chuyện gì mà anh  rào trước đón sau vậy ?

Nhỏ giọng xuống anh hỏi tôi :


- Em nghỉ sao về mấy  đứa con trai trong xí nghiệp, cụ thể là ở trên phòng  kỹ thuật.

Thắc mắc suy nghĩ vì chưa hiểu tôi  hỏi lại :


- Ý anh muốn nói là  đám Nam Tiến với Thanh Bình.
- Ừ, em có thấy là  mấy đứa chúng nó để ý em không ? Bọn nó la cà  xuống đây hoài nhưng chỉ lòng vòng chung quanh em.
- Dạ, mấy anh đó hay  xuống xem em làm việc thôi, em không để ý lắm.
- Hôm bữa tình cờ anh  nghe mấy đứa cá với nhau đứa nào “ cua “ được con nhỏ mới vô làm là em, coi bộ  em có số đào hoa được xem là xinh nhất trong đám con gái trong xưởng, có nhiều  chàng trai muốn lọt vào mắt xanh của em, nhưng tất cả hình như chịu lép trước  hai đứa nó.
- Anh đề cập đến thì  em cũng xin nói thật cho anh rõ, qua nhận xét sơ bộ về hai người này, trông họ  có vẽ “ vênh váo “ quá không phải là người thuộc “ tần số “ của em.
- A, em cũng biết hai  chữ này nữa hả.
- Dạ hồi trước ba em  hay gọi đồng đội của ba như vậy nên em cũng quen nói theo luôn. Mà anh đừng lo,  Thanh Bình hắn tưởng với cặp kính cận và cái “ mác “ con cán bộ đi học bên Đông  Đức về lòe được em, lại giả bộ ngồi trước bàn vẽ của em giở cuốn sách bằng  tiếng Đức đọc tỏ ra dáng mình là người trí thức. Có lần nhỏ Hồng kể hắn thuộc loại học hành không ra gì lại kết bè đảng thanh  toán lẫn nhau nên bị đuổi về đó chứ. Bữa đó không biết hắn đi đánh nhau  với ai về mặt mày tái mét, đằng đằng sát khí chạy vào ghế bà Có bảo vệ ngồi thở  dốc và đấm tay xuống bàn tức tối, trên trán bị vết thương nhỏ mấy giọt máu làm  bà Có hết hồn.
- Em cũng biết chuyện  đánh nhau của nó nữa à. Hôm đó bà Có không đóng cổng  kịp chắc nó bị đòn hội đồng mềm xương.
- Còn tên Nam Tiến cũng  vậy, hắn cậy thế con cán bộ cấp lớn được gửi gấm vào xí nghiệp đi long rong để lãnh lương, cứ tưởng khoe chuyện làm ăn buôn bán phe phẩy  trúng mánh, kiếm nhiều tiền là em thán phục. Nếu anh nghe hắn kể về thủ đoạn làm  ăn mà hắn xem là chuyện thú vị anh sẽ không thể nào chấp nhận, điển hình một  chuyện hắn tham gia móc ngoặc bán cho người quen một phuy xăng lậu, nhận tiền  xong quay ra hắn báo cho bạn quen là công an đến bắt người mua ngay sau đó để tịch  thu hàng, như thế có thể nói hắn là đứa vô đạo, lưu manh, đểu cáng không ngoa chút  nào.

 3.

Bao nhiêu mùa cây thay lá, bao nhiêu lần hoa mai nở rồi tàn dù  chẳng ai còn tâm trí đâu nhớ đến, thời gian vẫn cứ từng  tháng ngày trôi qua mải miết. Năm năm rồi mười năm, bài hát “ Thành phố  mười mùa hoa “ rộn rã hát vang trên ti vi không làm lòng người vui thêm chút nào  như lời bài ca. Soi gương thấy khuôn mặt mỗi ngày kém nét tươi trẻ tôi không còn hốt hoảng lo lắng đến nhan sắc dần dần về  chiều của mình như ban đầu ! Những thanh niên quen tôi hay những người tôi có  cảm tình dần dần mất hút một cách lặng lẽ, một số theo con đường ra biển tìm  tương lai bên kia bờ hy vọng, số còn lại sợ hãi gánh nặng gia đình khi tôi không  đành tâm buông ra khi yêu họ, trước viễn ảnh cơm áo, gạo tiền rạch ròi theo  tiêu chuẩn khiến lòng người cũng trở nên hẹp dạ, tính toán trước khi dấn bước  vào đường tình. Nhìn má giấu tiếng thở dài len lén sau lưng khi nghĩ đến  tôi, cột trụ chống đỡ cho gia đình biết bao giờ mới có được tấm chồng ! Tôi bèn  đánh trống lảng bằng câu nói đùa hài hước :


- “ Con chờ một con  trâu can đảm tìm đến, không ngại ngần đâm đầu vào cây  cột để con buộc chặt cuộc đời theo lời ông bà đã dạy. Trâu tìm cột chứ cột  chẳng nên tìm trâu ! “

Qua rồi những ngày  ngăn sông cấm chợ, những ngày bo bo độn khoai lang, khoai mì, âm vang của thời  bao cấp tiêu chuẩn hàng tháng không còn nhưng dư vị  đắng nghét vẫn còn tồn tại mãi trong những chiếc dạ dày lép xẹp của người dân.  Nhờ bộ óc siêu việt “ vĩ mô “ sáng chế chính sách Giá, Lương, Tiền bù giá vào  lương thay cho tiêu chuẩn cung cấp trước kia lại làm đời sống con người trong xã  hội khốn đốn hơn nữa bởi đồng tiền trở thành “ vi mô “ vì mất giá.

Mỗi ngày đi làm về nhìn  quanh quất căn nhà mẹ con tôi cứ thở dài vì chẳng còn  gì để bán nữa. Phải chăng việc giam giữ những người Sĩ quan, công chức “ ngụy” lâu  dài trong các trại cải tạo là một trong nhiều lý do, chủ trương, chính sách của  kẻ thắng trận nhằm làm cho gia đình, thân nhân của họ trở nên nghèo khổ, khó  khăn bởi vì phải dồn hết tiền bạc kiếm được vào những chuyến thăm nuôi tận rừng  sâu xa xôi, heo hút. Cho dù không ai muốn nghĩ thế nhưng thực tế khiến người  ta không thể nghĩ khác hơn.

Chỉ là bạn bè nhưng hằng  năm cứ gần đến ngày giáp Tết là gia đình tôi nhận được vài trăm quan của chị  Nga gửi về, nhờ vậy gia đình tôi mới có được chút dư hương ngày Tết, tôi còn  chút niềm tin rằng lòng nhân hậu con người vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Những  lá thư gửi lời cám ơn sang Pháp tôi không quên kể thêm cho chị biết rằng ;  "dạo này chuyện o ép, “ vận động “ người dân Saigon đi kinh tế mới hồi  hương lập nghiệp bớt nhiều vì chính sách bị thất bại thê thảm, mọi người trên mấy vùng đó lũ lượt kéo nhau rần rần trốn  về cho dù có lăn lóc ăn ngủ ngoài lề đường bị vây bắt, bị hốt quăng lên xe vào  lúc nửa đêm họ vẫn cương quyết sống bám thành phố giống như chuyện bắt cóc bỏ  dĩa", nên chị cứ yên tâm cho gia đình tôi về chuyện này.

oOo

 Nếu ai đứng trên cao  nhìn xuống sẽ thấy dãy nhà bên dưới trong ngõ hẻm cụt  sát chung cư, nóc nhà có cái nhô lên cái hụp xuống, dãy đối diện thì chắp vá  bằng những mảnh tôn rỉ sét vì nhiều năm trước bà hỏa đã viếng thăm xóm lao động  nghèo nằm sâu bên trong, tàn lửa bay tận đến ngoài này, chừng như thương tình  nên bà chừa lại dãy nhà nằm sát vách cao ốc trong đó có nhà tôi. Buổi trưa  xóm nhỏ nóng ngột ngạt bởi bị căn nhà cao tầng chắn hết gió, tôi muốn ra khỏi nhà  mà chưa có lý do và không biết đi đâu. Đột nhiên có con nhỏ bên chung cư đập  cửa kêu :


- Bà Tư ơi có chị Kim  Oanh ở nhà hông ?

Tôi ló đầu ra :


- Tìm tôi chi vậy ?
- Mấy bả hỏi chị có  rảnh lên làm móng cho mấy bả.
- Ừ em về trước chị  qua liền.

 Sau chuyến viếng thăm  của bà hỏa hơn hai trăm căn chòi lá lụp xụp ngoằn ngoèo  trong các con hẻm nhỏ chỉ đủ hai chiếc xe đạp tránh nhau, cộng thêm cả trăm căn  hộ chạy dài theo bờ sông nước đen ngòm bị bà nuốt mất. Thời may có mấy dãy chung  cư hơn năm trăm căn chưa hoàn chỉnh của một Tổng giám đốc ngân hàng nổi tiếng  bỏ tiền xây cất trước năm 75 vẫn chưa ai vào ở ; vì nhà nước chê rằng việc xây  cất chỉ mới xong phần thô chưa tô tường, sơn vách, lắp cửa nên không tiện lợi  để làm nhà tập thể cho cán bộ, vả lại còn biết bao khách sạn tư nhân đang hoạt  động, sạch sẽ, đẹp đẽ, đầy đủ hơn đang chờ nhà nước tịch thu cấp cho họ. Nhờ bị  chê bai nên nơi này được phân phối cho dân cháy nhà vào cư ngụ, điều này khiến  mọi người mừng rỡ vì thoát nỗi lo lắng phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi  mùa mưa đến. Mặc dù phải hào hển leo cả chục tầng lầu nhưng ai cũng hài lòng,  bởi thời buổi bây giờ kiếm ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền cất lại nhà. Có  người nói nhờ tàn tích của tư sản và Mỹ ngụy để lại bây giờ người dân đen như  bọn này có được chỗ trú thân.

 Chưa muốn vào vội tôi  đứng lại ngoài hành lang nhìn xuống giếng trời ngăn dãy chung cư làm hai, đứng  ở đây khoan khoái đón làn gió mát khiến tôi có cảm  tưởng mình đang trên boong một chiếc tàu vừa buông neo trên bến sông.

Mấy hôm nay xí nghiệp  không có hợp đồng nên cho công nhân nghỉ lãnh lương chờ việc. Mỗi ngày đầu giờ vẫn  phải có mặt để chấm công và thay phiên nhau trực xưởng,  quét dọn vệ sinh. Câu ngạn ngữ từ xưa đến nay đọc lên lúc nào cũng đúng “ Đói  đầu gối phải bò “ ai cũng tứ tán kiếm việc gì đó để làm thêm, đàn ông thanh  niên đạp xích lô, phụ nữ thì “ chà đồ nhôm “ (chôm đồ nhà) chạy ra chợ trời đắp  đổi chờ việc. Cũng may từ hôm gần tết năm ngoái bỗng dưng tôi có thêm một nghề  tay trái bất đắc dĩ, nhờ vậy trong thời gian ngừng việc tôi vẫn kiếm được thu  nhập nên đời sống gia đình không thay đổi nếu không nói là khấm khá hơn trước,  vì dạo sau này những buổi chiều đi làm về hay ngày chủ nhật tôi đều có khách gọi  làm thêm.

Những ngày còn ở VN chị  Nga hay nắm bàn tay tôi săm soi nói tôi có hoa tay, tôi thắc mắc hỏi sao chị  biết, chị cầm ngón tay tôi chỉ :


- Kim Oanh thấy đầu ngón  tay em cái nào cũng có trôn ốc xoáy tròn, ngón tay em thon dài móng tay hình  ngòi viết người văn vẻ gọi là tay búp măng.

Rồi chị ngâm nga :


- Em đẹp bàn tay ngón  ngón thon,
                  Em duyên đôi má nắng  hoe tròn.
                  Em cười gió biếc vào  trong tóc
                  Thổi lại phòng anh cả  núi non …
- Chị cũng thuộc thơ  Huy Cận nữa hả.
- Ừ, chị có thi thêm  tú tài Việt ban C mà. Mấy đứa con trai học chương trình Pháp hay qua thi lấy  bằng Tú tài Việt vì dễ đậu, chỉ cần gạo môn việt văn là cầm chắc đậu hạng cao được  hoãn dịch hay dành được học bổng đi ngoại quốc.

 Chuyện tôi biết làm  móng cũng là do chị dạy, nhiều lần ghé nhà của chị gặp lúc đang ngồi chăm chút  bàn tay nên chị nhờ tôi sơn giùm các móng tay bên bàn tay mặt. Thỉnh thoảng đôi  lần chị lấy bộ kềm mang từ Pháp về dạy tôi cắt da thừa quanh móng tay giùm chị rồi  sơn màu lên, trước hôm ra phi trường chị mang cho tôi cả bộ kềm cắt với mấy  chai sơn móng tay nhiều màu. Có lần chị gửi kèm trong thùng thuốc tây thêm mấy  chai sơn mới, nói quà dành cho tôi làm đẹp khiến tôi nảy ra ý làm thử cho người  khác. Đầu tiên là làm cho má tôi và mấy đứa em chỉ để  vui chơi trong mấy ngày Tết, hàng xóm thấy vậy nhờ tôi làm và trả tiền giống  những người sửa móng tay chuyên nghiệp khiến tôi bận tối mắt tối mũi, bởi ai  cũng muốn những ngày Tết trở nên mới mẻ xinh đẹp khi nhìn thấy đôi bàn tay thảnh  thơi, mong ước khởi đầu cho may mắn cả năm. Tiếng lành đồn gần việc làm chỉ để tiêu  khiển trở thành nghề tay trái lúc nào không hay, dần dà những người ở xóm nhà  cháy trong chung cư nghe nói cũng muốn tôi làm cho họ, khách hàng nơi đây là  những cô gái làm nghề buôn bán xác thân bởi họ mới có nhu cầu làm đẹp nhiều hơn  người thường nên tôi đắt khách là vì thế.

Ban đầu tôi từ chối vì  sẵn định kiến và tự ái : "Mình như thế này mà đi trang điểm cho chân tay họ sao ? Đúng là “ giậu đổ bìm leo “, tuy  giấy có rách cũng phải giữ lấy lề chứ!" tôi nghĩ thế nhưng má tôi lại nói :


- “ Xã hội đã khiến  họ lâm vào cảnh ngộ này chứ bản thân họ đâu muốn vậy và theo thuyết nhân quả của  nhà Phật tất cả chúng sanh đều bình đẳng giống nhau. Cuộc  đời hiện tại của con người là do nghiệp báo đời trước, cách ăn ở đời này sẽ là tác  nhân cho quả báo đời sau. Vì vậy đời mình trong hiện tại được may mắn hơn người,  đừng nên cậy vào giai cấp xuất thân cao sang, khinh thường những ai kém cỏi hơn  mình. Hãy đối với họ trước tiên bằng lòng nhân, bằng ái ngữ và luôn nghĩ tốt về  mọi chuyện, mình sẽ nhận được phản hồi như thế. Tại vì ở gần nhà nên con biết  họ, nếu là khách qua đường con đâu biết họ là ai, nghề nghiệp ra sao để có thái  độ phân biệt khi cư xử “.

Suy nghĩ của má khiến  tôi nhận thấy đa số những người có tuổi, sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm  trong khổ ải, chỉ còn biết đặt hy vọng và niềm tin cuối cùng vào tôn giáo nhiệm  mầu. Ở nơi chốn tôn nghiêm, trong giây phút lắng lòng tâm thức dễ dàng cảm thụ các lời khuyên hãy nhân hậu khoan dung, tha thứ lỗi  lầm của tha nhân. Có lẽ má tôi bị ảnh hưởng phần nào nên nghĩ vậy.

Mặc dù đã nghe má nói  nhưng tôi vẫn khó thể xóa bỏ hết khoảng cách khi phải  ngồi sửa móng tay cho họ, nhớ hồi đi học tôi vẫn thường nghe câu “ chỉ có người  xấu chứ không có nghề xấu “, những đồng tiền kiếm được cho dù phải đổ mồ hôi  bằng hình thức nào cũng là đồng tiền chân chính, miễn là không làm người khác phải  rơi lệ hay đã hất đổ chén cơm bất cứ ai để có nó. Đâu ai biết khi cặm cụi làm  móng tôi đã nghĩ vậy để tự an ủi mình lúc ấy, thâm tâm cố nghĩ mỗi bàn tay, bàn  chân tôi quét sơn là một tác phẩm nghệ thuật dù chỉ là một mảng màu sắc nhỏ  nhoi, làm cho người khác vui tức là mình vui, nhờ vậy lòng tôi dần quên đi  những nỗi buồn về ước mơ ngày cũ đã rời xa.

Hầu hết những cô gái bên  chung cư nhờ tôi làm móng xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, dĩ nhiên là  còn rất trẻ, không cần họ kể lể hoàn cảnh ai cũng  hiểu cùng lắm mới phải bước chân vào con đường bán thân nuôi miệng. Đa  phần từ kinh tế mới trốn về, từ những hợp tác xã nông nghiệp thu hoạch cỏ nhiều  hơn lúa, họ dạt về thành phố không hộ khẩu, trốn tránh sự kiểm soát bắt bớ của công  an khu vực để kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình. Làm nghề bị xã hội coi khinh  nên nhiều mặc cảm, họ trở nên đanh đá, nanh nọc với thái  độ bất cần đời nhưng với tôi họ có nét nể phục qua ánh mắt, lời nói cử chỉ lộ  vẽ tôn trọng. Họ hoàn toàn giao phó cho tôi chọn màu sắc riêng phù hợp  với màu da của từng người, để mặc cho tôi vẽ vời sáng chế những hình ảnh mới  trên các móng tay, chân của họ. Nhưng thường các thể  nghiệm của tôi đều lạ mắt có một không hai nên họ rất hài lòng và xuýt xoa khen  đẹp.

Cũng chẳng có gì khó khăn với tôi vì những năm ngồi ghế tiểu học, bầy  học trò tiểu quỷ nào cũng biết cách này, đầu tiên là bứt cọng tóc chập đầu se lại  sao cho có hình giọt nước rồi chấm vào bình mực tím, in thành những bông hoa tím  ngắt trên tờ giấy trắng của quyển tập, bây giờ tôi mang ra áp dụng để in hình  chiếc lá, hoặc ghép thành những chấm hoa nhỏ xíu khác màu sơn trên móng tay  trông rất ngộ nghĩnh. Chưa hết tôi còn sơn thành những đường sọc ngang  hay dọc,hoặc xéo góc trên móng thành hai màu khác nhau một cách màu mè nên ai  cũng thích. Đã vậy tôi lại mang một công đoạn làm sơn mài lên móng tay bằng  cách lấy đầu thừa, đuôi thẹo của mấy tấm lá vàng lá bạc, cắt hình hoa thị nhỏ  xíu dán lên lớp thứ hai của nước sơn trên móng và sơn nước bóng trong suốt cuối  cùng lên trên để hoàn tất. Mấy đứa con gái nói chưa thấy ai có sáng kiến làm  móng lạ mắt như chị.
Tôi đang cặm cụi làm  việc nghe ngoài cửa có tiếng lao xao, bà má chủ nhà nhìn ra nói :


- Có khách tới kìa  mấy đứa.

Rồi bà đon đả ra cửa đón.
                Nghiêng đầu nhìn theo  qua khung cửa hẹp phía sau lố nhố hai ba cái đầu. Vừa thoáng thấy khuôn mặt  quen của tên Nam Tiến, tôi vụt đứng dậy đi như chạy thật nhanh vào nhà bếp đàng  sau mà tim đập thình thịch. Con nhỏ tên Gái đang ngồi xòe đôi bàn tay cho tôi  cắt da ré lên :


- Ủa, chị bị gì vậy ?

Tôi nói nhỏ :


- Người quen !

Con nhỏ đứng dậy vén tấm màn bước vào bên trong theo tôi,  chặn tay lên ngực tôi thì thào trong tiếng thở :


- Ngoài kia có hai  tên làm chung xí nghiệp với chị, nói với bà Mỹ đừng cho tụi nó vô đây.

Đứa con gái bước ra phía ngoài nói lớn :


- Má đưa khách qua  nhà chị Nhạn cho mấy con kia tiếp đi.

Chừng như thấy có chuyện không ổn, bà Mỹ bước vô nghe câu  giải thích của tôi bà cười :


- Hỏng sao, tui kêu  mấy đứa qua căn bên kia đi khách. Cũng may giác trưa vắng nhiều giường bên đó  trống trơn.
- Thôi tôi không ra  ngoài đâu, ngồi trong này làm tiếp cho hết bàn tay nhỏ Gái rồi tôi đi về.
- Cô về coi chừng  đụng mặt tụi nó bất tử, cứ ngồi đây đi. Chừng nửa tiếng đi xong tụi nó dìa thôi,  thằng nào cũng có hơi men hết rồi. Cô chưa làm móng cho tui mà.

Tiếng đứa con gái khác xen vô :


- Quen thì có gì mà  sợ, chị làm móng tay chứ có làm gái như tụi tui đâu.

Bà chủ chứa nạt :


- Câm cái miệng đi má  non, cái mặt tụi bây đâu có sĩ diện để mà biết mắc cỡ,  tụi bây khác, cổ thì khác. Xời ơi ! Không có cái chiện “ phỏng giái “ (giải  phóng) bảy lăm chưa chắc tụi bây nắm được tay cổ, đừng nói tới bây giờ ngồi làm  móng cho tụi mày. Nhìn bàn tay trắng trẻo, no tròn mềm mại của cổ kìa,  đẹp gấp mấy chục lần bàn tay tụi bây là người được cổ làm móng.

Như động chạm đến chuyện buồn của mình, cô gái than van :


- Thì kiếp tụi tui  cũng đâu khác gì chỉ ! Nếu không có chuyện trời sập, nhà tui đâu bị đi kinh tế  mới, ba tui đâu chết vì sốt rét, tui với bầy em đang lớn đâu có khốn khổ vì đói  trên đó, giờ về đây không hộ khẩu tui mới phải vô nghề nầy ! Ngày tối cứ lo bị rình  bắt đi phục hồi nhân phẩm. Đâu phải tự tui làm hư hỏng đời tui mà bắt tui phục  hồi !

Tôi chỉ biết thốt lời an ủi :


- Thì mỗi người mỗi  cảnh mỗi nghề, chuyện đổi đời giờ là cái nạn chung của đất nước, ai cũng vì  hoàn cảnh của gia đình cũng không có sự lựa chọn nào khác hơn và mình được quyền  quyết định. Ngay cả chuyện bầu đại diện là Tổ trưởng dân phố cũng được ở trên  chỉ định và chọn sẵn người rồi.

Bà chủ nhà chắc lưỡi :
- Tại cô hổng biết  chứ, nguyên cái khu này ai cũng khen cô giỏi hết, nội cái chuyện gia đình cô cố  gắng sống bám ở thành phố không buông tay đi kinh tế mới, rồi cô không chịu lấy  chồng, đi làm hai ba nghề chèo chống nuôi cả gia đình, nuôi được ba cô trong  trại cải tạo bao nhiêu năm nay cũng đủ cho người ta khen cô rồi.

Đứa con gái bị bà chủ chứa rầy ban nãy tò mò hỏi thêm :


- Chị nói mấy thằng  đi kiếm gái ban nãy là người quen, quen làm sao mà  chị phải sợ.

Tôi kể cho tất cả nghe :


- Không phải tôi sợ  mà tôi ghét tụi nó vì tôi coi khinh, trong đám đó có thằng miệng hô với thằng  mang mắt kiếng là hai thằng con cán bộ đang làm trong xí nghiệp của tôi. Tụi nó  đâu có tay nghề hay bằng cấp gì, nhờ cha mẹ là cán bộ có thế lực gửi gấm “ vào  chỗ mát ăn bát vàng “, mấy năm qua nhờ phe cánh nên được đề bạt lên làm phó phòng  kỹ thuật với phòng vật tư. Hai thằng “ cánh hẩu “ với  nhau; một thằng ăn xén tiền mua vật tư sản xuất, còn thằng kỹ thuật thì ký giấy  đạt chất lượng để nhập kho.
- Cô nói tui mới biết,  tụi tui chỉ tiếp khách quen, ban nãy trong đám ba  thằng chỉ có thằng Nhị là thằng ba tàu chuyên cò mồi buôn bán mánh mung nên tui  biết mặt thôi, không có nó hai thằng kia lạ quắc làm sao biết ở đây mà tới.

Tôi bĩu môi :


- Đang giờ làm việc lại  đi vô chỗ này, tôi chắc tụi nó vừa làm được một vố nên rủ nhau đi ăn nhậu chia  chác với nhau thôi. Chỉ có đám công nhân là khốn khổ vì hàng làm xuất khẩu thiếu  chất lượng bị trả về, xí nghiệp bị mất hợp đồng, bị lỗ, mọi người không có việc  làm chỉ được lãnh mấy chục phần trăm lương chờ việc thôi, thật đúng là sâu bọ  làm mục nát xí nghiệp. Hình như chỗ nào nhà nước quản lý cũng đều giống như  nhau, khâu gián tiếp trên văn phòng chứa đựng lúc nhúc những con người kém tài,  thiếu đức, nhưng đầy quyền lực. Vậy mà không ai làm gì được để loại trừ họ. Chẳng lẽ ông trời cũng đành xuôi tay !
- Ông trời ở trên cao  nhưng tôi tin là có mắt cô ơi, chẳng đóng cửa ai “ quài  “ đâu. Người khác thì tôi không chắc chứ hiếu hạnh như cô thế nào cũng  được đền bù.

Tôi cười cay đắng :


- Bà nói giống như của  một nhà tiên tri, không biết chuyện bà vừa nói chừng nào mới xảy ra, đến khi Tây  ăn trầu hay đợi “ ngày mai “ sẽ nhận được đền bù của ông trời ?
- Tui nói cô hỏng tin  thì thôi, chỉ cần nhìn đôi bàn tay hồng hào, đầy đặn của cô là biết sau này cô  sẽ có đời sống sung sướng nếu không nói là giàu có.

Một đứa con gái cười hắc hắc chế giễu :


- Má mới bị bà nhập  hả, Coi giùm tay con chừng nào con lấy chồng giàu.
- Mẹ mầy mấy con ngựa  bà dám cười ngạo tao hả

Nói xong bà cũng mắc cười theo.

 Ảo tưởng khi nghe bà  ta nói khiến tôi xòe bàn tay mình ra lần nữa để nhìn, chuyện tôi có hoa tay thì  nhiều người đã nói, còn chuyện nhìn bàn tay biết hậu vận của tôi sung sướng tôi  mới nghe lần đầu bởi chưa bao giờ tôi ngửa bàn tay cho ai xem và tin vào lời  thầy bói. Hơn nữa tôi không phải là người dễ dàng tin những thứ không thực tế trước  mắt ; ngay cả chuyện con người có hay không có hoa tay, là thứ chẳng ai thấy hay cầm nắm được. Sở dĩ tôi tin mình có hoa  tay theo lời mọi người nói chỉ vì nhờ có niềm tin này tôi trở nên tự tin trong  công việc, là nguyên nhân giúp đời sống gia đình tôi đỡ phải héo hắt giống như  những năm khởi đầu của quốc nạn./.