Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Cảm xúc Dalat

Cảm xúc Dalat PDF Print E-mail
Tác Giả: Ledung   
Thứ Tư, 21 Tháng 4 Năm 2010 12:37
Thân mến tặng những người bạn Dalat đã giúp tôi hiểu và yêu thành phố này.

 images/stories/dalat_golf (Hình: Wikipedia Commons )
Dalat chào đón tôi bằng một cơn mưa rào. Đợi tôi ở sân bay bạn tôi nói: “Chắc Dung có duyên với Dalat. Đã mấy tháng nay trời không mưa, hồ Xuân Hương nứt nẻ cả rồi”. Đang mải đảo mắt nhìn quanh, hít căng lồng ngực cái không khí sạch thơm của thành phố cao nguyên này, tôi không để ý lời bạn.

 Lên xe tôi nói “Cho mình ngắm nhìn đã nhé, nói chuyện sau”, và tôi háo hức thu nhận tất cả những gì rơi vào tầm mắt tôi: những hàng cây mọc lưng chừng trời, những khóm hoa lấp lóa sắc màu, những ngôi nhà mái ngói lẻ loi thấp thoáng trong sương khói bốc lên từ những triền đồi sau cơn mưa. Dalat đây ư, Dalat mà tôi đã đọc, đã nghe, đã biết từ bao lâu nay, Dalat của thi ca, của tình yêu, của huyền thoại, Dalat của thông reo, của sương mù và cả của nắng vàng?

Con đường từ sân bay về thành phố uốn lượn qua những đồi thông. Nắng chiều đã kip hửng lên sau cơn mưa, nhưng không còn đủ sức len qua những tầng tầng cây để chạm xuống thảm lá thông khô dày dưới mặt đất.

Xe bắt đầu chạy vào thành phố, và tôi thoáng chút hụt hẫng. Những căn nhà nhỏ, hình như chẳng được chăm chút nhiều về hình thức, lô nhô trồi ra cả mặt đường.  Những căn nhà hình ống, mặt tiền không quá bốn năm mét, úp thìa san sát bên nhau. Những toà nhà cao che khuất tầm mắt, che cả trời xanh. Tôi căng mắt tìm những ngôi biệt thự một tầng quét vôi trắng muốt ẩn mình sau những tán cây, những vòm cổng cổ kính với những giò phong lan kiêu hãnh khoe sắc, những con đường mát lạnh dưới hàng thông già…

Tôi tìm màu xanh của thiên nhiên, tìm sự vắng lặng của phố núi, tìm bóng dáng duyên dáng uyển chuyển của những cô gái Dalat nổi tiếng thuỳ mị nết na, tìm những vườn hoa rực rỡ hương sắc… Không thấy, hay chưa kịp thấy? Tôi nôn nóng quay sang bạn. Hiểu cái nhìn dò hỏi của tôi, anh nói: “Dalat vốn là thành phố trong rừng, rồi rừng trong thành phố, và bây giờ là thành phố trong thành phố. Thiên nhiên thay đổi, con người cũng đổi thay” Mắt anh thoáng buồn. Anh sinh ra và lớn lên ở Dalat, hiểu từng ngọn cỏ bức tường của Dalat, yêu Dalat bằng một tình yêu mà giờ đã xen lẫn nhiều đớn đau, hoài niệm…  nên những gì anh nói, tôi nghe mà không hỏi gì thêm.

Tôi biết rằng sau một Hà Nội ồn ào, bụi bậm, náo nhiệt… thì Dalat quả là điểm đến lí tưởng cho những giờ khắc bình yên, thư giãn. Nhưng ai ngăn cản được cái cảm giác mất mát trong tôi. Biết bao người, trong cái vòng xoay khôn cùng của con tạo, vẫn muốn có một lúc dừng chân, về lại với miền đất yêu dấu của mình, tìm lại một ngôi nhà nhỏ, một triền dốc vắng, một gốc hoa mộc lan, một chiếc ghế đá trong sân trường… và không thể ép con tim mình chấp nhận một thức tế đau lòng rằng vạn vật đã đổi thay.

Điểm đến đầu tiên của tôi là Viện đại học Dalat. Nghe nói ngôi trường này vốn là trại Thiếu sinh quân Camp Robert được chính phủ Đệ nhất cộng hoà nhượng lại để thành lập Viện với giá tượng trưng một đồng bạc Việt nam, tương đương 2-3 cents tiền Mỹ. Cũ mới đan xen, một sự kết hợp miễn cưỡng và coi thường thẩm mỹ. Tôi tìm đến những chứng tích đã sống, đã thở cùng ngôi trường này hơn 50 năm qua. Tôi chạm tay vào thành cầu Kiều, như cánh sinh viên ở đây vẫn gọi cây cầu quét sơn đỏ rực này.

Tôi ngồi giữa nắng trưa trên bậc cầu thang của ngôi nhà thư viện nhỏ cũ, trên mái vẫn giữ nguyên chữ THU VIEN đúc nổi đơn sơ màu trắng xám. Tôi lang thang dọc theo những con đường rợp bóng cây chạy thẳng từ cổng trường vào rồi rẽ sang hai ngả. Tôi dừng chân ngắm những ngôi nhà cũ kĩ của Khoa Vật lí, Hoá học. Nhìn những tốp sinh viên áo phông quần bò bó sít người, tôi cố mường tượng ra những tốp nữ sinh duyên dáng trong những tà áo dài tha thướt, nghiêng nón che nắng, che cả nụ cười e ấp, ngăn cả tiếng cười trong trẻo cứ ngân mãi trong không gian... Nếu những gốc thông già này biết kể chuyện, tôi sẵn sàng ngồi tình tự cùng cây cả đêm nay, để lắng nghe lời thì thầm không dối gian của lịch sử.

Hỏi về Đồi Cù, bạn nói, thoáng lưỡng lự: “Ngay trước cổng trường này thôi”. Cặp kè cái máy ảnh, anh dẫn tôi sang bên kia đường, bước qua một cánh cổng đồ sộ gắn dòng chữ Dalat Palace Golf Club since 1922. Biết là bước vào vùng cấm địa rồi nhưng anh cương quyết “Cứ chụp đi”, còn tôi thì nôn nóng có những tấm ảnh gửi cho bạn ở xa nên đành muối mặt chụp vội vàng. Một cô gái trẻ, chắc là bảo vệ viên, chạy từ trong ra đuổi quầy quậy: “Không mua vé chơi golf thì đừng chụp ảnh”.

Nhìn vẻ mặt bạn, tôi sợ có chuyện nên lôi vội anh ra. Vừa bước, anh vừa ngân nga: “Đồi Cù giờ của người ta, Thôi đành đi cạnh để mà nhớ nhau”. Tôi bật cười trước cái vẻ giận hờn, hậm hực của anh và muốn anh giải thích.  Lên xe, ngồi tư lự một hồi anh kể: “Đồi Cù là thảo nguyên giữa lòng thành phố, có cỏ xanh mênh mông, có dòng Cẩm lệ róc rách chảy qua thung lũng, có gió nhảy múa trên những đỉnh đồi. Đồi Cù gồm ba quả đồi với những cái tên rất lãng mạn: Gặp gỡ, Hò hẹn, Ái ân.

Trước đây Đồi Cù không có hàng rào bao quanh, nó mở rộng lòng đón nhận tất cả. Những chú bé đến để nô giỡn, để dầm chân trong dòng nước mát lạnh những ngày nắng ấm. Mệt nhoài leo lên bờ tìm bới những củ mưa đá, rửa sạch, gỡ vỏ, nhai ngon lành. Những đôi nam nữ yêu nhau tìm đến đây để tình tự. Dung có nghe nói đến trường Võ bị Dalat bao giờ không? Hồi thanh niên, đôi khi mấy đứa con trai bọn tôi kéo nhau lên Đồi Cù, chỉ để ngắm nhìn.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh những tà áo dài tha thướt, vấn vít bên chân những chàng sinh viên sĩ quan cao lớn trong bộ quân phục oai vệ, ẩn hiện trong màu xanh bát ngát của thảo nguyên, của thông và của hoa. Đẹp và dễ thương lạ lùng. Ngay từ năm 1942, thiết kế đồ án qui hoạch thành phố  Dalat, kiến trúc sư người Pháp Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực “bất khả xâm phạm” để tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Dalat. Đồi Cù là biết bao kỉ niệm của lớp lớp người đã từng sống, từng đến với Dalat. Thế mà ngày nay nó đóng cửa để phục vụ cho một câu lạc bộ golf chỉ có chừng 100 hội viên. Tưởng năm tới là hợp đồng cho thuê đất chấm dứt, không ngờ người ta lại kí tiếp một hợp đồng mới kéo dài đến năm 2041. Tôi là con dân của thành phố này, thế mà đến chụp một tấm ảnh cũng bị xua đuổi”.

Tôi không thể không nhận ra và chia sẻ nỗi khắc khoải trong anh. Đồi Cù, món quà tặng vô giá của đất trời, thứ ngôn ngữ thiêng liêng không biên giới, đã ra đi, chỉ còn lại trong kí ức sâu thẳm của những người con Dalat vẫn thầm mong một ngày được trở về, được lăn lưng trên bãi cỏ xanh, được đắm mình trong tiếng rì rào của nước, của gió, được hít thở không khí của tự do…

Ga Dalat là nơi tiếp theo anh đưa tôi đến. Anh nói rằng đây là nhà ga có rất nhiều cái nhất: nhà ga đẹp nhất Đông Dương lúc khánh thành năm 1938; nhà ga có tuyến đường ray và đầu máy răng cưa độc đáo nhất thế giới, chỉ xuất hiện ở Việt Nam và Thuỵ Sĩ; nhà ga cổ kính nhất Việt Nam và Đông Dương hiện nay. Tiếc rằng vì những tính toán thiển cận và thiếu hiểu biết, toàn bộ tuyến đường ray răng cưa có một không hai này đã bị bóc dỡ hết.

Ga Dalat được hai kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách nhà rông Tây nguyên, nhằm xóa nhòa cảm giác xa lạ và thu hút những người dân miền núi đến với cái phương tiện di chuyển hiện đại này. Chữ Dalat chạm nổi đơn sơ, quét vôi đỏ sẫm, nằm ngay ngắn bên dưới một chiếc đồng hồ cũng đơn sơ không kém, mà tôi nghe nói là ghi lại thời gian bác sĩ Yersin đã phát hiện ra Dalat.

Toàn bộ tuyến đường sắt hồi đó dài 84km, len lỏi giữa núi rừng hùng vĩ, ì ạch leo lên những tầng dốc cao, hay luồn sâu trong những đoạn hầm tối, trải bao thăng trầm vẫn kiên nhẫn làm dấu gạch nối giữa Dalat và Tháp Chàm. Ngày nay ga chỉ phục vụ du khách tham quan phố núi trên một đoạn đường khiêm tốn 7 km. Bước chân vào nhà ga, tôi gặp khách du lịch, đều là giới trẻ, đến chụp ảnh nhiều hơn khách đi tàu. Với đủ loại máy ảnh, từ chuyên dụng với những ống tele đủ kích cỡ đến máy tự động giản đơn, họ thi nhau chụp cùng chiếc đầu máy cổ xưa. Họ đang tìm về với dấu ấn một thời của lịch sử.

Tôi là bà già duy nhất lăn vào cái đám mê chụp ảnh đó, cũng trèo lên tụt xuống, cũng dang tay nhún chân, cũng cười tươi roi rói trước một người thợ ảnh không chuyên nhưng tận tâm, lăng xăng chọn góc chụp. Tôi đã nhìn thấy trước cái nháy mắt tinh nghịch của con gái tôi khi xem chùm ảnh này: “Măm ơi, trông teen quá đấy!”

Xe bắt đầu trôi xuống triền dốc, bạn quay sang tôi: “Dung đang chứng kiến một sự kiện lịch sử của Dalat mà mươi, mười lăm năm mới xảy ra một lần. Xe đến chân dốc Dung phải có câu trả lời đấy.” Tôi tỉnh bơ: “Chơi khó nhau quá!”, rồi bình thản ngó ra ngoài cửa xe, chẳng muốn vắt óc suy nghĩ vì biết gì đâu mà nghĩ. Đúng chân dốc, tôi chợt giật mình. Hồ Xuân Hương, niềm kiêu hãnh của Dalat cạn khô. Đáy hồ nứt toác như vừa qua một cơn hạn hán khốc liệt. Anh cười “Câu trả lời đấy. Hồ đang được thay nước. Vậy là Dung mất cái lãng mạn của những chiều dạo quanh hồ dưới bóng liễu rủ rồi nhé”. Tôi bảo anh dừng xe, nhảy xuống giữa hồ, ghi lại cái khoảnh khắc độc đáo này. Ngồi giữa lòng hồ, tôi cố gắng hình dung ra cái thung lũng phì nhiêu, nơi cách đây hơn một trăm năm từng là những bản làng của các tộc người Lat, người Chil.

Bạn chợt hỏi tôi “Đã bao giờ Dung thấy phượng tím chưa?” Tôi ngỡ ngàng. phượng tím? Tôi chỉ quen thuộc với sắc phượng vĩ đỏ rực trong sân trường cùng tiếng ve râm ran giữa trưa hè, khép lại một năm học, bắt đầu những ngày rong chơi… Có phượng tím nữa sao? Không nhiều lời, anh đưa tôi đến con đường dẫn vào chợ Dalat, chỉ cho tôi xem gốc phượng tím đầu tiên được trồng cách đây đã gần 50 năm. May cho tôi đang là mùa hoa nở, những chùm hoa hình chuông tím biếc ép nhẹ trên bầu trời trong xanh. “Độc đáo của Dalat đấy!” anh hãnh diện nói.

Hỏi đến rừng Mai Anh Đào, bạn nhìn tôi: “Chắc những gì Dung đọc về rừng Mai lâu lắm rồi phải không?” Thấy tôi không hiểu, bạn dừng chân bên một hiệu sách, tìm kiếm một hồi rồi đưa ra cho tôi cuốn Bí mật thành phố hoa Dalat (*). Trang 36 cuốn sách ghi: “Trước đây Dalat là xứ sở của mai anh đào. Nhưng rồi năm tháng dần trôi, thế sự xoay vần, một số cây già cỗi chết đi, một số bị người ta nhẫn tâm đốn chặt… Người ta thi nhau phá rừng lấy củi. Chặt hết thông họ quay sang đốn cả mai. Đến một ngày cả rừng mai huy hoàng không còn nữa.”

 Tôi bàng hoàng, bỗng chợt nhớ đến mùa hoa anh đào nơi xứ lạ. Mới tháng Tư năm ngoái, tôi đã quyết định dành cả một tháng học bổng, bay từ Tây sang Đông, trở lại với Washington DC vào mùa anh đào nở. Bố tôi nói “Đừng tiết kiệm tiền bạc vì đó là thứ con có thể kiếm ra bằng lao động. Còn những kỉ niệm thì con phải tự tạo ra cho mình, không mua được.” Tôi biết ơn bố. Đến tận giờ tôi vẫn còn cảm nhận cái lạnh se sắt phả lên từ mặt hồ dập dờn một thảm hoa phớt hồng, mỏng manh, vẫn như nhìn thấy những khuôn mặt tràn ngập hạnh phúc, hồng trong sắc hoa và trong giá lạnh, tìm kiếm một nhành cây nặng trĩu hoa ngả xuống mặt hồ để chụp ảnh, vẫn nghe tiếng ríu rít của đủ thứ ngôn ngữ lạ của hàng ngàn người đổ về từ khắp nơi… Vậy mà ở đây… Thấy vẻ thẫn thờ của tôi, bạn an ủi: “Dung đừng buồn, Dalat bây giờ lại có hoa anh đào rồi, quanh Hồ Xuân Hương, và rải rác khắp thành phố. Dalat đang hồi sinh!”

Tôi đã lang thang cùng những người bạn Dalat đến CafeTùng, đến Grand Lycée, đến dốc chợ Hoà Bình, đến XQ Sử quán…cùng ngắm những chùm hoa mimosa rực rỡ sắc vàng gợi tôi nhớ đến Melbourne. Tôi đã lắng nghe những câu chuyện họ kể về thành phố này, đã cảm nhận nổi buồn lẫn sự hoài niệm trong từng lời kể. Tôi là kẻ may mắn vì đã gặp được họ và được họ chia sẻ. Tôi đến thành phố này trong sự háo hức, tôi ra đi trong nỗi buồn man mác, nhưng tôi hi vọng vào điều bạn nói: “Dalat đang hồi sinh!”

Hà Nội 10-04-2010