Chữ Duyên PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoài Việt   
Thứ Năm, 01 Tháng 3 Năm 2012 22:01

Trong ngôn ngữ Việt có nhiều chữ đa nghĩa, một từ, một chữ mà hàm chứa nhiều nghĩa và quá trình tìm hiểu, nhận biết nội hàm của những từ ngữ này là công việc lý thú và cần thiết.

Chúng tôi xin nói đôi điều cảm nhận về chữ Duyên có vị trí đặc biệt trong tâm cảm người Việt, trong đời sống tinh cảm lứa đôi trai gái, vợ chồng của người Việt.

Duyên vốn là từ gốc Hán có nghĩa là nguyên nhân; duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc. Sau hàng nghìn năm "giao duyên" với tiếng Việt, chữ Duyên mang nghĩa duyên số, duyên phận của con người.

Ca dao xưa có câu:

Phải duyên thì gắn như keo
Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh

để mô tả sự hợp duyên "gắn bó keo sơn" và lỗi duyên vênh váo, không ăn khớp như kèo đục vênh trong quan hệ vợ chồng.

Trong cảm thức của người Việt, duyên phận như cái gì tiền định, trừu tượng, mơ hồ, nên bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương mới có câu thơ chơi chữ Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc - nghĩa là duyên trời chưa thành vợ chồng. Bài thơ Mời trầu cũng có câu:

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Trong bộ môn nghệ thuật hát Chèo, có hẳn một điệu mang tên Duyên phận phải chiều và ca từ cổ có câu:

Đôi ta duyên phận phải chiều
Dây tơ hồng ai khéo se mà vấn vít...

Chính vì cho duyên là tiền định nên người Việt cổ mới coi chuyện vợ chồng là do ông tơ bà nguyệt lấy sợi chỉ hồng buộc vào nhau.

Hiểu một cách khái quát nhất Duyên chỉ sự tương hợp tinh thần tình cảm bên trong giữa người và người.
 Câu thơ cổ:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng

nghĩa là có duyên thì xa vạn dặm cũng có thể gặp gỡ, vô duyên thì đối mặt nhau cũng không thể có sự tương thân hài hoà.

Ngoài nghĩa duyên phận, Duyên còn hàm nghĩa chỉ vẻ đẹp trong ăn nói, tính tình, ứng xử của người con gái. Trong Mười thương như là chuẩn mực về người con gái thời xưa, có một điều thương là ăn nói mặn mà có duyên.

 Người ta có thẻ khen: "Cô ấy có học có khác, ăn nói có duyên quá!" - nghĩa là cô gái nói chuyện hợp tâm lý người nghe, câu chuyện ý nhị, có văn hoá.

Duyên cũng có khi chỉ vẻ đẹp son trẻ bên ngoài.
 Ca dao có câu:

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc người.

Ca từ quan họ cũng có câu mang nghĩa tương tự:

Còn duyên buôn nụ bán hoa
Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi người.

Trong cảm thức của người Việt, có sự phân định Tình và Duyên mặc dù hai chữ này đều chỉ quan hệ tình cảm lứa đôi trai gái, vợ chồng.

Nếu như Duyên là tiền định, có sẵn trong duyên số mỗi người thì Tình là sự gặp gỡ tình cờ trong hiện tại.
 Ca từ hò Huế có câu:

Tình về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long

là sự phân định ấy. Trong tiếng Việt còn có một từ Duyên gốc Hán nữa có nghĩa là men theo, nương theo, Duyên Hải - chỉ miền đất ven biển, men theo nước biển.

Chữ Duyên ấy đồng âm, đồng tự, song hoàn toàn khác nghĩa, là từ đồng âm dị nghĩa.
http://gfx.glittergraphicsnow.com/albums/ll149/glittergn/rose/a4.gif

Chữ DUYÊN ngày nay trong cách nhận thức của phần lớn thanh niên là: tự do yêu đương, thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của cha mẹ:

Ngày xưa ai cấm duyên bà
Bây giờ bà già, bà cấm duyên tôi

Người thời nay, tự do yêu đương
Phải duyên phải số thì theo

Và rồi đổ cái "sự theo" của mình cho ông Giời:

Cái duyên ông Giời xe
Cái que ông Giời buộc

Chữ Duyên trong tiếng Việt thật là đa nghĩa. Miềng có cô cháu tên Duyên. Nó vừa lấy chồng xong! Có Duyên thì không sợ "chống ề"!  Đàn bà quan trọng là Duyên. Nhiều cô đẹp nhưng mà..............không duyên!