Home Văn Học Khảo Luận MỘT KỲ ÁN TRONG VĂN HỌC THẾ GIỚI THẾ KỶ THỨ 20 GIẢI MỞ: CÁI CHẾT CỦA SAINT--EXUPÉRY

MỘT KỲ ÁN TRONG VĂN HỌC THẾ GIỚI THẾ KỶ THỨ 20 GIẢI MỞ: CÁI CHẾT CỦA SAINT--EXUPÉRY PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Phúc Bửu-Tập   
Thứ Hai, 16 Tháng 1 Năm 2012 08:12

Saint-Exupéry (St-Ex) suốt đời kinh nghiệm sống hành động, và đã đề ra cái triết lý sống động ca tụng hành động hướng thiện của con người...


Saint-Exupéry 

 
Người Việt Nam ta ở tuổi trên dưới 70, lúc trẻ có học tiếng Pháp, chắc không ai xa lạ với hai tên ông Phạm Duy Khiêm và ông Bùi Xuân Bào. Ông Phạm Duy Khiêm tác giả cuốn Légendes des Terres sereines (Truyền Kỳ Mạn Tiên), thuật chuyện nàng ‘thiếu phụ Nam Xương” và chuyện “ngày xưa có anh Trương Chi, mặt thì thật xấu, hát thì thật hay” bằng giọng văn tiếng Pháp trong và mát như nước suối Evian. Ông Bùi Xuân Bào đến sau, văn chương trau chuốt óng ả, viết bản luật án về Saint-Exupéry làm sống văn nhân nước Pháp suốt phần sau của thế kỷ thứ 20, trong giới người trẻ Việt Nam.

Giữa tháng Tư năm 2004, báo The New York Times ở Mỹ và Le Monde ở Paris thông tin là xác chiếc máy bay do sĩ quan không quân Antoine de Saint-Exupéry lái được vớt lên từ một nơi gần cửa biển Marseille, thuộc biển Méditerranée (Ðịa Trung Hải). Danh số (serial number) của máy bay đúng là con số sản xuất của chiếc máy bay mất tích ngày 31 tháng Bảy năm 1944. Như vậy một điều kỳ án trong văn học thế giới đã gây thắc mắc đúng nửa thế kỷ vừa được giải mở. Ta thử lược đọc lại chút tiểu sử của Saint-Exupéry.

Antoine de Saint-Exupéry (từ sau viết gọn St-Ex) sinh năm 1900 tại Lyon, nước Pháp, thuộc một gia đình quý tộc đã suy kém. Từ nhỏ ông thích phiêu lưu, muốn trở thành một thủy thủ. Sức học kém, ông thi trượt vào trường Sĩ quan Hải Quân (Ecole Navale). Chế độ thi cử nước Pháp rất khắc nghiệt, nhiều lúc trớ trêu, như đã đánh trượt văn hào André Gide khỏi kỳ thi Tú tài, và nữ sĩ Franậoise Sagan không qua nổi bằng Tú tài Hai, Bac Philo! Vừa đến tuổi quân dịch, St-Ex chọn binh chủng Không quân. Ðược bằng cấp lái phi cơ năm 22 tuổi. Thập niên ’20 thế kỷ trước là thời kỳ thám hiểm các đường bay, bắt đầu là các chuyến bay bưu tín. Năm 1926, St-Ex xin gia nhập hãng Latécoère, tình nguyện vào toán phi công khai phá đường bay đem bưu kiện xuống Phi châu và vượt Ðại Tây dương xuống Nam Mỹ. Vào thập niên ’30, St-Ex chính thức trở thành phi công thám hiểm các đường bay mới của hãng hàng không quốc gia Air France và được chỉ định làm phát ngôn viên của hãng. Ðồng thời ông cộng tác với báo Paris Soir, viết những bài phóng sự về các đường bay mới mở. Thế chiến thứ Hai chợt nổ, tuy đã nhiều lần bị thương trong các phi vụ thám hiểm trước, ông tình nguyện gia nhập đoàn phi công trinh sát, hoạt động thám hiểm hậu cần của địch quân Ðức quốc xã. Nước Pháp thất trận. Ông trốn qua được Hoa Kỳ. Năm 1943, ông gia nhập Lực lượng Giải phóng Ðồng minh ở Bắc Phi, lại trở thành phi công trinh sát. Phi vụ cuối cùng của ông vào ngày 31 tháng Bảy năm 1944. Phi công và phi cơ được báo cáo là mất tích.


Saint-Exupéry là một trong những người Pháp được dân chúng Pháp tôn thờ nhất, ngang hàng với Victor Hugo và Charles de Gaulle. Cuốn tiểu thuyết của ông Le Petit Prince (Tiểu Hoàng tử), viết dưới hình thức một bài thơ ngụ ngôn cho trẻ em, nhưng chứa đựng triết lý cao đẹp cho người lớn, được xem là tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới cho đến ngày nay, sau cuốn Thánh Kinh và cuốn Das Capital (Tư Bản luận) của Karl Marx.


Ta hãy trở lại với ông Bùi Xuân Bào nói về trước tác văn nghệ của St-Ex và cái triết lý sâu đậm St-Ex để lại cho hậu thế. St-Ex đã gặp trong nghề phi công cái sức mạnh hành động mà ông tôn thờ và còn là một vấn đề mới lạ ông đem ra dùng để phục vụ văn học. Ông ca tụng sức hy sinh vô bờ của người lái phi vụ thám hiểm biết chắc mình phải liều mạng sống từng phút giây và khi làm vậy, con người thể hiện được bản lãnh tự toại và thành đạt của chính mình. Trong tác phẩm đầu tay Courrier Sud (Bay thư về Nam), ông tả một người phi công trẻ Jacques Bernis bỏ mình trong sa mạc Rio de Ora. Tác phẩm kế theo Vol de Nuit (Bay đêm) mô tả công tác hiểm nghèo của những người đi do thám đường bay, hoạt động đơn độc, và phải thận trọng từng ly từng tấc để hoàn thành sứ mệnh. Trong tác phẩm Terre des Hommes (Bùi Giáng dịch tựa đề gọn và đẹp là “Cõi Người Ta”) ông thuật lại công tác và suy tư của chính ông khi đi thám hiểm đường bay. Ông đã đã dùng chiếc phi cơ ông đang lái làm khí cụ để phân tích thế gian và thế nhân, và đo lường nhiệm vụ hỗ trợ giữa người với người trong sứ mệnh cao cả là chinh phục không gian.


Khi chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt, nước Pháp trước gót dày đinh của quân Ðức không còn mảy may hy vọng giải cứu, ông thuật lại hành động vô vọng của ông trong chuyến bay trinh thám cuối cùng vào tháng Năm 1942, trong tiểu thuyết Pilote de Guerre (Phi công chiến tranh). Pháp đầu hàng, ông trốn thoát được sang Hoa Kỳ. Sống trong cộng đồng người tỵ nạn, ông ngao ngán ố cũng như trường hợp của nhà bác học Alexis Carrel ố vì hành động nhỏ nhen tị hiềmà của người đồng hương Pháp kiều, St-Ex viết cuốn Lettre à un Otage (Thư viết cho một con tin), kêu gọi người Pháp đoàn kết. Ông Tây (danh từ người Việt gần gũi gọi người Pháp) luôn luôn như vậy chơi trò ăn xổi ở thì, cứ nhìn cách đối xử của họ đối với nhân dân Hoa Kỳ, từ đầu thế kỷ thứ 20 xả thân mấy phen cứu họ và họ đền ơn bằng cách đá giò lái tại Iraq ngày nay! Năm 1943, ở Hoa Kỳ, St-Ex lập được một kỳ công: ông viết xong tác phẩm kiệt xuất Le Petit Prince, đã được dịch ra mọi ngôn ngữ trên thế giới (người viết bài này chưa được đọc bản dịch tiếng Việt). Hình thức là một câu chuyện ngụ ngôn viết cho trẻ nhỏ, nhưng nội dung là một bài học nhẹ nhàng nhưng sâu đậm, chứng minh là điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống là hành động chân thiện, và cái giá trị tuyệt đối của hành động là biết yêu thương và cưu mang. Phải nói tới sau cùng một tác phẩm di cảo xuất bản năm 1952, sau khi ông mất, tiểu thuyết Citadelle, ghi nhận những ý nghĩ thâm sâu của ông, cho rằng giá trị tuyệt đối của nền văn minh nằm trọn trong cách con người quan niệm sự sống, và chỉ có sáng tạo mới đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho đời người.


Sau Thế chiến thứ Hai, cái chết của St-Ex trở thành một kỳ thoại và tác giả trở thành một nhân vật truyền thuyết. Một phần lý do là vì người ta đem so sánh cái chết của ông với nhân vật thơ mộng ông đã sáng tạo trong Le Petit Prince, nhân vật này “đã gọn ghẽ tiêu tan trong mây khói.” Tháng Tư năm 2004, truyền thông Tây phương loan tin đã tìm ra được xác chiếc máy bay, và nhất quyết chiếc máy bay này do phi công Saint-Exupéry lái.


Báo chí ănglôxắcxôn nhắc lại sự nghiệp văn học của St-Ex, như báo Guardian và Daily Telegraph ở Luân Ðôn, như báo Christian Science Monitor ở Bostonà không che đậy cảm tình sùng kính đối với văn nhân (ông mất dưới danh hiệu là một sĩ quan của Lực lượng Ðồng minh), nhưng đọc kỹ ta nhận thấy là các nhà báo không giấu giếm được chút dư vị chua chát đối với các ông bạn Pháp-lang-sa đang ranh mãnh hãm hại người Hoa Kỳ là ân nhân của họ. Phóng viên Stacy Schiff trong báo The New York Times viết là con số “serial number” trong chiếc hộp đen “black box” tìm trong phi cơ đã làm tiêu tan thần thoại về “chuyến ra đi vào mây khói” của St-Ex, thần thoại đồng hóa St-Ex với nhân vật Le Petit Prince.


Thế nhưng thần thoại thật đã hoàn toàn tan biến chăng? Bản đúc kết các dữ kiện khoa học và pháp lý trên xác chiếc máy bay xác quyết là không thấy được bất cứ một dấu vết nào nhỏ hay lớn của một lằn đạn do địch quân bắn vào làm rơi máy bay. Như vậy, giả thuyết cho rằng máy bay bị súng phòng không hay súng từ phi cơ địch bắn hạ phải loại dứt khoát ra khỏi vòng định đoán. Một giả thuyết tiếp theo là St-Ex tuổi đã khá lớn, và chỉ được huấn luyện thô sơ (theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ) về nghề phi công trinh thám, lại chưa quen với máy bay loại mới P38 của quân lực đồng minh, nên đã lỗi lầm phạm vào một động tác gây ra tai nạn. Jon Henley (báo Guardian) theo dõi kỹ cuộc điều tra cho rằng lý luận trên hợp với thực tế, vì phi cơ rơi từ cao xuống đáy biển theo một đường thẳng đứng, với tốc độ rất cao, và chuyên viên không thấy được dấu vết một đường bay lượn nào mà bất cứ một phi công nào khác lúc gặp tai nạn cũng cố gắng kìm hãm đường bay cho đến phút chót.


Từ dữ kiện này chỉ một bước đi đến giả thuyết chính phi công đã tìm cách tự vẫn, lái máy bay đâm thẳng xuống biển. Lý luận như vậy rất hợp với người Pháp, luôn luôn thơ mộng, ước mong sự thật là vậy, để thần thánh hóa truyền thuyết St-Ex.


Người Việt Nam ta, thế hệ quen biết St-Ex qua Bùi Xuân Bào, hiểu rõ là St-Ex suốt đời kinh nghiệm sống hành động, và đã đề ra cái triết lý sống động ca tụng hành động hướng thiện của con người, phải hiểu rõ sự thật không ở trong lập luận ănglôxắcxôn, và cũng không ở trong cách suy tư thần thánh của người Pháp, mà lại ở trong triết lý của St-Ex: sự thật gần ta trong gang tấc, nhưng xa ta lại gấp mười quan san, vì trong đời sống ngày nay ta cảm thông bằng tín hiệu điện cơ cách xa nhau ngàn dặm và di chuyển, vận chuyển bằng máy bay.