Home Văn Học Khảo Luận Ngôn Ngữ, Văn Hóa và Chiến Tranh

Ngôn Ngữ, Văn Hóa và Chiến Tranh PDF Print E-mail
Tác Giả: Giang Tuyết Cần (Jiang Xueqin) – PBD dịch   
Chúa Nhật, 18 Tháng 12 Năm 2011 08:31

Tác phẩm 1984 của George Orwell là quyển sách cổ điển của Tây Phương nói về chủ nghĩa toàn trị, trong khi Đạo Đức Kinh của Lão Tử là kinh gối đầu của nền văn hóa và tư tưởng Trung Hoa. 1984 được ấn hành vào năm 1949, và Đạo Đức Kinh ra đời trước đó hơn hai ngàn năm.



Orwell không hề thắc mắc hay để ý gì đến Trung Hoa; ông đã viết quyển 1984 để đối phó với chủ nghĩa phát xít và toàn trị của cộng sản, đương nhiên là hiện tượng của thế kỷ 20. Vậy thì nếu tôi nói rằng 1984 Đạo Đức Kinh là cuộc bàn cãi trí thức giữa Orwell và Lão Tử thì sao? Và nếu tôi nói rằng chính cái xã hội áp bức(1) trong truyện của George Orwell thực ra lại là cảnh giới lý tưởng(2) của Lão Tử thì sao? Đọc hai tác phẩm này sẽ biết được nhiều về lý do tại sao định mệnh của Trung Cộng và Tây Phương có thể đã được an bài trước là sẽ bất đồng với nhau—hay còn tệ hơn vậy nữa.

Hai tác phẩm cổ điển này có những điểm tương đổng thật nổi bật. Kiệt tác của Orwell miêu tả Anh Quốc dưới hệ thống Ingsoc(3) (Xã hội chủ nghĩa tại Anh), được duy trì bằng Ngôn Ngữ Mới(4), niềm tin nhị trùng, và khẩu hiệu ‘Chiến Tranh là Hòa Bình/Tự Do là Nô Lệ/Ngu Dốt là Sức Mạnh.’ Tất cả ba ý niệm này đều có tương đương trong Đạo Đức Kinh, nhưng được diễn tả theo một cung cách thi vị hơn, tinh tế hơn, và có thể được chấp nhận nhiều hơn: Lão Tử chính là người tuyên truyền cho Đại Ca(5) vậy.

Trong bài viết ‘Chính Trị và Anh Ngữ’ của ông, Orwell có nói ngôn ngữ ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng như thế nào, và trong 1984 ông tiếp tục chủ đề này đến mức lý luận cùng cực: nếu không có ngôn ngữ thì không thể có tư tưởng. Do đó mà cần phải có Ngôn Ngữ Mới:

‘Không ai thấy được mục đích duy nhất của Ngôn Ngữ Mới là nhằm thu hẹp phạm trù tư tưởng hay sao? Cuối cùng chúng ta sẽ làm cho không thể có được tội ác tư tưởng nữa, vì sẽ không có chữ nào để diễn tả tội ác đó nữa.’

Ngôn Ngữ Mới có mục đích phá hủy và phủ nhận ngôn ngữ, để tước đi các sắc thái và ý nghĩa tinh tế, cái hay cái đẹp và thanh nhã của một ngôn ngữ. Ngôn ngữ mới này trở thành đơn thuần chỉ để làm việc và trói chặt mọi người: người đó phải làm—mà không thể hỏi hay nghi ngờ hay thay đổi gì cả vì không có chữ nào để diễn tả mối bất đồng như thế.(6)

Mặc dù Đạo Đức Kinh không hề bàn cụ thể về ngôn ngữ, nhưng thái độ của kinh này đối với ngôn ngữ, cũng như Đại Ca, là thái độ nghi kỵ và thù nghịch.

Đại Ca và Lão Tử có cùng một lý luận, quan điểm, và thái độ cơ bản: chấm dứt ngôn ngữ, phá hủy tư tưởng, và phủ nhận bản thân. Đại Ca hiểu rằng niềm tin nhị trùng thực sự có nghĩa là không nghĩ không tin gì cả, vì nếu mọi điều đều là một điều mâu thuẫn thì không có lý do gì để phải tin vào bất cứ điều gì cả. Đạo Đức Kinh cũng chỉ là niềm tin nhị trùng, toàn những điều thay đổi không ngừng, bất ổn, và mâu thuẫn khi kinh này ca ngợi những điều thay đổi không ngừng, bất ổn, và mâu thuẫn:

Khi mà mọi người khắp nơi vừa biết được cái đẹp là đẹp,
Thì đã có cái xấu.
Khi mà mọi người vừa biết được khéo léo,
Thì đã có vụng về.


Trong 1984, nhân vật Winston Smith đòi hỏi sự thật và tự do bằng cách nhất quyết đòi hỏi phải có lẽ phải, ổn định, và xác định rõ ràng mọi việc. Nhưng cả Đại Ca lẫn Lão Tử ắt phải phì cười và thương hại cái tính bướng bỉnh của Smith. Trong đoạn tới hồi cực điểm của 1984, Smith bị giám đốc nha tình báo của Đại Ca là O’Brien bắt được, và viên trùm tình báo này ra tay áp dụng phương pháp tra tấn ‘thanh lọc’ để mở mang đầu óc cho một anh Smith bị ảo tưởng và lạc lối. O’Brien muốn Smith phải chối bỏ ký ức và do đó phủ nhận cả bản thân—một khi ý thức về bản thân của Smith đã bị chế ngự thì anh sẽ tự động phục tùng ‘sự thật’:

‘Chỉ có tinh thần có kỷ luật mới có thể nhìn thấy thực trạng, Winston à…Khi anh tự lừa dối mình để nghĩ rằng anh nhìn thấy điều gì đó là anh đã mặc nhiên cho rằng mọi người khác cũng nhìn thấy điều đó như anh. Nhưng tôi nói cho anh biết, thực trạng đó không phải ở bên ngoài. Thực trạng nằm trong tinh thần con người chứ không ở chỗ nào khác. Không ở trong tinh thần cá nhân, vì tinh thần cá nhân có thể sai lầm, và rồi thì trước sau gì cũng sớm tàn: mà chỉ có trong tinh thần của Đảng, là của tập thể và vĩnh viễn bất tử. Bất cứ điều gì Đảng bảo là sự thật, thì điều đó chính là sự thật.’

Nếu ta đem Orwell để thay thế Winston Smith, đem Lão Tử thay vào O’Brien, và thay vì Đảng thì đó là Đạo của Lão Tử, đoạn văn này ắt rõ ràng cho thấy phân cách về ý thức hệ giữa Orwell và Lão Tử—và giữa Tây Phương và Đông Phương.

Dĩ nhiên, Lão Tử tinh tế và thi vị hơn O’Brien nhiều, nhưng Lão Tử tuyên dương sự ngu dốt, thụ động, nhún nhường, và quỵ lụy, và trong một đoạn Lão Tử còn viết theo cùng một cú pháp và luận lý của khẩu hiệu ‘Chiến Tranh là Hòa Bình/Tự Do là Nô Lệ/Ngu Dốt là Sức Mạnh’:

Những lời đáng tin thì không hùng hồn;
Những lời hùng hồn thì không đáng tin.
Trí giả thì không phải là bác học;
Bác học thì không phải là trí giả.
Người tinh thông thì không toàn diện;
Người toàn diện thì không tinh thông.
(Chương 81)

Lạ đời thay, khi cố miêu tả cảnh địa ngục thống khổ nhất trên đời thì Orwell đã viết lại Đạo Đức Kinh cho độc giả Tây Phương chăng? Loại triết lý khiến một văn sĩ Tây Phương phải bịt mũi nhăn mặt nhưng trên thực tế lại thường chính đó là nền văn hóa của Trung Hoa.

Do đó, làm thế nào mà Trung Cộng và Tây Phương lại có thể hòa hợp với nhau cho được? Không những chỉ vì các hệ thống giá trị tư tưởng của họ khác nhau mà thôi, như đã thấy trong hai tác phẩm cổ điển này—mà nền tảng hai tư tưởng đó còn đối chọi với nhau.
___________
Chú thích của người dịch:

(1) Dystopia (một nơi đầy áp bức, khốn khổ của con người)
(2) Utopia (một nơi không tưởng hoàn toàn lý tưởng)
(3) Orwell đặt ra tên gọi này bằng “ngôn ngữ mới” để nói về ý thức hệ chính trị của chính quyền độc tài toàn trị trong quyển tiểu thuyết 1984 của ông
(4) Newspeak, tên một ngôn ngữ mới được đặt ra trong 1984
(5) Big Brother, tên của nhà độc tài bí ẩn trong 1984
(6) Sắc thái và cái đẹp của tiếng Việt cũng đã bị hủy hoại ở miền Bắc trước năm 1975 và ở miền Nam sau năm 1975 để thay thế bằng một loại ngôn ngữ mới thật thô thiển cốt để tẩy não mà thay bằng một thứ khẩu hiệu rỗng tuếch ngô nghê lặp đi lặp lại trong mọi hoàn cảnh!