Home Văn Học Khảo Luận Hát Xoan : sự hồi sinh của một môn nghệ thuật giao duyên

Hát Xoan : sự hồi sinh của một môn nghệ thuật giao duyên PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 07 Tháng 12 Năm 2011 22:41

 Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản nhân loại là một tin vui đối với những người yêu âm nhạc cổ truyền.

Hát mó cá trong môn nghệ thuật Hát Xoan (theo Báo ảnh Việt Nam)

Môn nghệ thuật Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ (Việt Nam) vừa được UNESCO - Tổ chức văn hóa, giáo dục của Liên Hiệp Quốc -, công nhận là « Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải được bảo vệ khẩn cấp », vào ngày 24/11/2011. Việc UNESCO công nhận Hát Xoan là một cơ hội quan trọng cho phép môn nghệ thuật này tiếp tục con đường hồi sinh.

Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản nhân loại là một tin vui đối với những người yêu âm nhạc cổ truyền. Hồ sơ dự tuyển của Hát Xoan Phú Thọ đã được nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam và quốc tế chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm nay. Đây là hồ sơ duy nhất nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong số 10 hồ sơ đệ trình trình đợt này.

Hát Xoan, một môn nghệ thuật cổ truyền gắn với vùng đất truyền thuyết của các vua Hùng, được nói đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực sự còn tương đối ít được công chúng rộng rãi biết đến. Không ít người cho rằng, Hát Xoan đơn điệu và cổ lỗ, và có một thái độ « kính nhi viễn chi » đối với thể loại nghệ thuật cổ truyền này.

Trên thực tế, Hát Xoan đã một thời mai một. Sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Hát Xoan gần như không còn được tổ chức tại các phường hát vùng Phú Thọ. Số người biết Xoan và có thể truyền dạy cho lớp trẻ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Rất may mắn là trong thời gian khoảng hai mươi năm trở lại đây, việc phục hồi lại Hát Xoan đã được một số cơ sở văn hóa tại Việt Nam rất chú trọng. Việc UNESCO công nhận Hát Xoan là một cơ hội đặc biệt quan trọng cho phép môn nghệ thuật này tiếp tục con đường hồi sinh.

Trong tạp chí hôm nay, RFI chuyển tới quý vị, tiếng nói của các nhà nghiên cứu âm nhạc và nhạc sỹ về Hát Xoan. Khách mời của chúng ta là nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan và giáo sư Tô Ngọc Thanh từ Hà Nội, giáo sư Trần Quang Hải từ Paris và nghệ sĩ Trần Lãng Minh từ California.

Hát mùa phồn thực ngay trước ban thờ

Trước hết, giáo sư, nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho chúng ta biết một cách tổng quan về nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ. Nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan là người phụ trách chính của hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ, trình UNESCO.
 
Đặng Huỳnh Loan : Nghệ thuật Hát Xoan ra đời từ rất sớm trong sinh hoạt của cư dân lúa nước ở Bắc Bộ. Tất cả các nghệ nhân hiện còn, ở lứa tuổi 104-105 cho tới các cụ ở tuổi 87, 88, đều nói rằng Hát Xoan là nghệ thuật hát thờ Vua Hùng. Cái đặc biệt của Hát Xoan là một môn nghệ thuật hát múa tập thể, môn nghệ thuật hát múa tập thể ấy được sinh hoạt trong một phường có tính chất chuyên nghiệp. Nghệ thuật ấy lấy cái trung tâm là các cô đào xoan. Và trong ấy chỉ có một người đàn ông gọi là người « dẫn cách » và một nhạc công, ngồi đánh trống. Còn tất cả chuyện trình diễn hấp dẫn của nghệ thuật hát xoan, chính là ở múa hát của các đào nương.

Cái nữa là, âm nhạc Hát Xoan có giai điệu hết sức mộc mạc, nhưng lại dễ nghe. Nó khác với Quan họ Bắc Ninh, hay các hình thức nghệ thuật khác, được rất nhiều nốt nhạc tô điểm, có nhiều biến hóa, … Điểm đặc biệt là, ở Hát Xoan, ngay trong một điệu hát cũng có sự « chuyển giọng » rất đột ngột, và sự chuyển giọng ấy gây cho nghệ thuật Hát Xoan có một hấp dẫn khác.

RFI : Thưa anh, nghệ thuật Hát Xoan vừa là môn ca hát đối đáp để giao duyên nam nữ, vừa là một môn múa hát để thờ thần, tại một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Vậy, xin anh cho biết, giữa hai hoạt động này, quan hệ với nhau như thế nào ?
 
Đặng Huỳnh Loan : Hát Xoan trước hết là nghệ thuật múa hát để cầu hạnh phúc, cầu được Vua Hùng ban cho ân huệ. Đấy là mùa màng tốt tươi, nhân dân sinh được nhiều con cái. Để đạt được mục đích ấy, người ta thường chia làm ba chặng hát. Ba chặng hát có nội dung khác nhau, nhưng gắn kết vào một vấn đề : đấy là ước nguyện được sinh sôi, được giàu có và con đàn cháu đống. Vì vậy, những mặt này không mâu thuẫn với nhau.
Khởi đầu, người ta gọi là hát mời vua. Tức là nhân dân mời vua về để vua ngự xem dân làng ca hát.

Sau chặng hát mời vua, vua đã về ngự tọa tại đình làng, thì bắt đầu sang chặng, gọi là hát « Quả Cách ». Chặng hát Quả Cách ra đời sau này. Nếu đúng ra, sau khi mời vua về xem con dân ca hát, tức là những bài hát dân gian, những bài hát trao duyên, nhưng đến thời Lê, khi Nho giáo phát triển cực thịnh thì các thầy đồ, các nho sinh, ở vùng văn hóa đồi gò, tham gia vào trong tục Hát cửa đình này (tên gọi khác của Hát Xoan). Và như vậy, ra đời một chặng hát xen vào giữa : hát Quả Cách. Nội dung của hát Quả cách cũng là ước mơ sinh sôi, đồng thời cũng là cảm xúc, tình cảm của các nhà văn đối với mùa xuân, mùa thu, mùa đông, … và đặc biệt là cái cảm giác của họ, cái ý nghĩ của họ, cái ca tụng của họ với bốn nghề gắn liền với đời sống của các cư dân vùng gò đồi : Sĩ, Nông, Công, Thương. Trong nghề Nông, thì có chăn trâu, đánh cá, cấy lúa,
 …
Giai đoạn thứ ba, là giai đoạn để vua về xem dân ca hát. Chặng hát này mang đầy tính phồn thực. Chúng ta thấy chặng thứ ba mà chúng ta thường nói, tức là chặng hát "trao duyên", chính là chặng hát "phồn thực". Ở đây có rất nhiều những điệu múa, bài ca tương đối cổ, thể hiện rõ nhất tinh thần ước mơ sinh sôi.
Khi vua về ngự xem con dân ca hát, thì con dân ca hát cái gì ? Ca hát xin được nhiều con, nhiều cái, xin được sinh sôi, và muốn được sinh sôi, thì xin được quan hệ nam nữ. Chính ở chặng thứ ba giao duyên này của Hát Xoan, duy nhất chỉ ở Hát Xoan, là có hát múa phồn thực. Chúng ta biết, có hai điệu hát rất phồn thực.

Thứ nhất là điệu Đi Chơi Bợm Gái (tức đi chơi bạn gái). Điệu này thể hiện cái tinh thần, thể hiện cái thèm khát của nam giới trước nữ giới, và người nữ giới cũng thể hiện cái thèm khát của mình trước người nam giới. Và cái điệu thứ hai, thể hiện sâu sắc cho ước vọng sinh sôi, cho các phồn thực ấy, là nằm trong điệu Mó Cá. Mó Cá là điệu hát mà các cô đào xoan vòng tay làm thành lưới, và các chàng trai đứng giữa làm cá. Khi ấy, các chàng trai muốn thể hiện mình là người bắt cá, chứ không phải thụ động là con cá, vì vậy cho nên các anh chàng cá, thì lại biến thành các trai làng, và nhảy ra vồ vào các cô đào, với các điệu hát hết sức phồn thực. Và cùng với điệu hát ấy, các cô đào cất lên một tiếng hát rất hay : « là vông, vông tập, vông tập, tầm vông ». Vông tập, tầm vông, cái tiết tấu của nó như thách thức, như chào mời, như chờ đón những chàng trai làm cá nhảy ôm vào cái lưới. Chính điệu múa ấy là kết thúc đêm mời vua về xem con dân ca hát. Bình thường ta vẫn nghĩ rằng, ở trước bàn thờ phải hết sức nghiêm túc, hết sức rụt rè, thì ở đây là việc mời vua về xem, con dân ca hát, xin được mùa màng tốt tươi, xin được hạnh phúc,

Thang ba nốt nhạc : dấu vết âm nhạc cổ sơ

Giáo sư âm nhạc dân tộc học Trần Quang Hải cho chúng ta biết đặc điểm của âm nhạc Hát Xoan, một loại nghệ thuật rất cổ, với những ai chưa quen, cần phải có cách nghe thì mới cảm thụ được vẻ đẹp của nó :
 
Trần Quang Hải : Trong Hát Xoan có những giai điệu hơi tương tự với nhau, thì người nghe có thể nhàm chán. Nhưng tìm hiểu sâu xa hơn nữa, thì trong mỗi điệu hát, có một tiết tấu đặc biệt và lời hát rất đặc biệt và dựa trên các thang âm cũng rất đặc biệt. Hát Xoan là một nghệ thuật âm nhạc có nhiều thang âm khác nhau. Có những thang âm chỉ có ba nốt nhạc. Trong đa số các thể loại hát của Việt Nam, giống như Quan Họ, Cò Lả, Trống Quân, đều dựa trên thang âm ngũ cung. Trong khi đó, ở Hát Xoan có thang âm tam cung, tứ cung và ngũ cung. Điệu nhạc tam cung, rất cổ, có thể dính liền với âm nhạc thời các vua Hùng.

Hát Xoan bao gồm hát, múa, thơ và có tiết tấu. Ở trong các "điệu" khác tại Việt Nam, không có đủ hết những cái đó. Ví dụ như trong Nhạc cung đình, chỉ có nhạc và múa thôi, chứ không có hát, đối đáp, trong Quan Họ, chỉ có hát đối, hát đáp mà không có tiết tấu, còn trong Ca Trù, chỉ có hát, đờn mà không có múa.
Hát Xoan có một phương thức trình diễn, hình thành từ lâu đời, đó là « lề lối » của Hát Xoan. Nói lề lối tức là nói các quy chế truyền thống. Dân ca địa phương nào cũng có lề lối riêng. Ví dụ như Quan Họ có lề lối hát bộ, hát chèo thuyền, hát ngoài trời, hát trong nhà, hay có một trình tự diễn xuất, đi từ « hừ là, hừ la », … đến giã bạn… Còn trong Hò Sông Mã thì có trình tự hò theo năm giai đoạn : hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn, hò cập bến. Hát Xoan trước hết có hát ở ngay trước cửa Đình, rồi hát vào trong Đình, rồi hát theo giọng nghi lễ. Rồi đến giai đoạn thứ ba, hát Xoan, hát chọc ghẹo thì khác, rồi đến khi hát giã bạn, thì cũng giống như trong Quan Họ, tức là mình hát để từ giã nhau, hẹn nhau trong năm tới, sẽ trở lại hát nữa.

Bến đò - nơi mở đầu cho sự giao tình

Hát Xoan không chỉ dừng lại ở đình hay miếu, không gian của Hát Xoan trải rộng từ trung tâm của làng cho đến bến đò. Chính ở bến đò, nơi phường hát từ làng bạn cập bến, là nơi bắt đầu cho một sự giao tình. Giáo sư Trần Quang Hải mô tả :

Trần Quang Hải : Có những tục lệ riêng, thí dụ như ở hai phường An Thái và Phú Đức, cùng qua cái sông sang Đức Bắc, ở hai bến đò khác nhau. Trai Đức Bắc đem trống cơm ra đón xuân ở cả hai nơi.
[Sách kể lại] trai Đức Bắc, cứ vài ba anh, vây lấy một cô đào xoan, đưa trống, quàng dây, buộc trống vào cổ cô đào. Có nhiều anh mang trống chẳng buộc dây, dúi trống vào tay cô đào, và hát như thế này : « Trống anh còn chửa có quai, mượn nàng bưng lấy rồi mai nên gần ». Nếu cô đào ưng mà nhận trống, thì phải hát trả lại « Nửa mai nên Tấn, nên Tần, bao giờ bưng trống mới gần được nhau ». Thành ra, hai bên hát qua, hát lại. Đi từ bến đò đến Đình, chỉ một đoạn ngắn thôi, mà có khi hát cả mấy tiếng đồng hồ. Thí dụ như hát rằng : « Đi đâu từ sớm tới giờ, để cho tin đợi, tin chờ, tin mong », « Cách sông em phải lụy thuyền, những như đường liền em tới sang ngay » hay là « Bây giờ bắt gặp nhau đây, hỏi rằng, duyên ấy, nợ này làm sao », v.v.

Tất cả các chuyện ấy cho thấy, lúc đó là người ta bắt đầu ca hát [làm quen] để giao duyên. Có những nơi, người ta thấy rằng, hai bên hát chung với nhau thì nó vui, rồi đến khi chót cùng, người ta mới hát giã từ với nhau. Hát giã từ là các loại "múa cá" này kia, rồi có lúc bắt đầu bằng hát "đố chữ", … mà [nếu vui], cũng có thể là hát thêm qua một đêm thứ hai.

Tức hứng và tự nhiên, cái hấp dẫn trong nghệ thuật Hát Xoan

RFI : Điều này rất là hay. Cái mà giáo sư nói, cho thấy giai đoạn chưa phải là chính thức : hát ở bến đò, hát để mời nhau, để tìm hiểu nhau, lại chính là cái giai đoạn gây một cái hưng phấn. Đây chính là lúc hai bên bắt đầu một đợt hát kết giao, đợt hát trải dài qua các chặng hát trong đình, sẽ khép lại với cuộc hát giao duyên hết sức sinh động trong phần kết. Hát giao duyên trong khuôn khổ của nghệ thuật Hát Xoan cần phải được hiểu như thế nào ? Xin Giáo sư hé mở thêm một vài giá trị của phần này !
 
Trần Quang Hải : Nghe Hát Xoan phải nghe bằng lỗ tai, và nhận thức được sự phong phú trong lời ca, trong sự ứng tác. Trong ứng đối giữa hai bên trai gái tham gia Hát Xoan có sự tức hứng rất phong phú. Con trai chọc con gái, con gái trả lời lại qua phương thức, dùng cái quả Đúm. Đúm là một chiếc khăn, bọc trầu cau, và có những đồng tiền. Cô gái cầm quả Đúm liệng cho người con trai nào, thì người ấy phải trả lời.

Các câu chọc ghẹo được trao đổi, chọc ghẹo nghiêm túc, chứ không phải là lả lơi. Thí dụ như, cậu trai hát mời đào, khi nhận được quả Đúm, hát : « Đúm này kết ở tay ta, nào đào hát Đúm đâu là đứng lên ; nhác trông mơn mởn màu da, đào ơi đứng dậy, đôi ta hát thờ ». Cô đào đến lượt, mới trả lời : « Đúm ơi, ta dặn Đúm nghe, tìm nơi quần trắng, áo the, Đúm vào. Đúm vào, người hỏi làm sao, em là quả Đúm, em vào kết duyên ». Trong phần hát giao duyên này, hai phía đều tức hứng với nhau, chứ không phải là học thuộc bài. Tức hứng hát theo chỉ một giai điệu, với lời thay đổi. Khi hát một câu lục bát, theo điệu tình tính tang, tang tính tình, cả nhóm hát, bên kia đáp lại cùng điệu với lời thay đổi : « Ai về, về có nhớ, nhớ ta chăng. Ta về, về ta nhớ, nhớ hàm răng cô mình cười », tình tính tang, tang tính tình. Bên kia lại đáp lại : « Người đâu, đâu gặp gỡ, gỡ làm chi. Trăm năm, năm nào biết, có duyên gì, gì hay chăng », rồi tiếp tình tính tang, tang tính tình.

Khi người con trai nhận được Đúm hát, phía bên cô gái nếu ưng ý sẽ trả lời lại. Rồi một cô khác cầm quả Đúm khác, liệng cho một cậu khác. Mà chỉ có các cô gái liệng Đúm, chứ con trai không liệng Đúm.
Nghệ sĩ Trần Lãng Minh từ California, người đã chủ trương đưa Hát Xoan lên các sàn diễn ở Hoa Kỳ từ gần 10 năm nay, sống lại một số cảm xúc đã gắn ông với môn nghệ thuật này :
 
Trần Lãng Minh : Trong lễ hội, tổ chức ở Phú Thọ, tức là đất tổ Hùng Vương, chúng tôi nghe và biết được một số điệu hát, điệu giao duyên. Trong nghệ thuật Hát Xoan có một hình ảnh rất gợi cảm, gợi tình. Chẳng hạn, như hai câu chúng tôi rất thích : «Ơ, ớ, đào ơi, đào xích lại đây, đào dịch lại đây, của riêng tớ có cái này tớ cho ». Hai cái câu lục bát thế thôi, mà nó làm cho riêng cá nhân chúng tôi rất thích, tại vì nó nói lên cái tâm tình, một sinh hoạt, có lẽ là gần gũi, tự nhiên thoải mái. [Nghe cái ấy] cái tâm tính, tâm tình của con người nó cũng vui lên, cũng hứng khởi lên.

Chúng ta, ai cũng biết, cái dải đất Việt Nam gắn liền với sông nước, cho nên trong thể hiện của Hát Xoan, chúng tôi thấy rõ ràng, có những hình ảnh, có những sinh hoạt, … ví dụ : « Ba mươi, ta đi ăn cá rô, mùng một cá ở sông Thao cá về, mùng hai cá đi ăn Thề, mùng ba cá về, cá vượt Vũ môn, … Làm trai lấy được vợ khôn, khác nào cá vượt Vũ môn hóa rồng… ».