Home Văn Học Khảo Luận Những danh từ Hán Việt thường dùng

Những danh từ Hán Việt thường dùng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thầy Chạy Sydney   
Chúa Nhật, 30 Tháng 10 Năm 2011 04:59

       Trong sự giao tế hằng ngày, ngôn ngữ là một trong những phương tiện quan trọng giúp ta chuyển đạt những ý nghĩ, tư tưởng của mình đến những đối tượng liên hệ để ta và họ cùng hiểu nhau.

TỪ NGỮ trong ngôn ngữ cũng được liên tục thay đổi không ngừng theo thời gian; cũng có những TỪ rất thông dụng bị lãng quên nhưng khi cần phải dùng đến nó, thì ta lại phải nhọc công tra cứu trong từ điển, hoặc phải hỏi người này, người kia để có một từ thích hợp cho nhu cầu của mình.

       TỪ NGỮ trong ngôn ngữ Việt Nam lại có rất nhiều từ là từ Hán Việt đã bị bỏ quên, nhưng... vẫn phải xài, và khi cần, ta lại bị lúng túng không biết phải tìm đâu ra. Nhận thấy sự khó khăn đó, tôi, do sự khuyến khích của nhiều thân hữu, đã phải cố gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của mình để sưu tầm những từ Hán Việt thông dụng nhưng đã bị "mồ côi" đó, hầu cống hiến bà con độc giả để chúng ta cùng nhau tham khảo. 

        Theo tôi, thì trong kho tàng ngôn ngữ của chúng ta có rất nhiều từ Hán Việt rất là phong phú và chính xác đã không được dùng đến, mà chẳng hiểu tại sao lại đi dùng những từ có thể được gọi là "hết sức gượng ép"... Chẳng hạn như từ:

        HOÀNG QUÂN 皇 君 là phu quân của Nữ Hoàng thì lại đi dùng từ Hoàng Tế, Hoàng Tế chỉ có nghĩa là con rể của Hoàng Gia, của nhà vua. Hoàng Tế không thể chỉ rõ đươc "ông này" là chồng của bà vua. Hoặc:

       Quận Công Philip. Quận Công chỉ là một cái tước hiệu, và Quận Công không thể đồng nghĩa được với HOÀNG QUÂN , tức là chồng của bà vua. Nếu trong Hoàng tộc, nhà vua, hay Thái Thượng Hoàng có nhiều cô con gái (Công Chúa) thì, dĩ nhiên chồng của họ đều phải được gọi là Hoàng Tế (hay phò Mã), và như vậy thì, ông nào là chồng của bà vua? Trường hợp có nhiều ông Hoàng Tế lại trùng tên với nhau như Philip thì lại càng rắc rối biết là dường nào!

       Còn nữa, THÁI TỬ PHI  太 子 妃 là vợ chính của Thái Tử, hoặc HOÀNG TRƯỞNG TỨC 皇 長 媳 là dâu trưởng của đức vua thì lại dùng từ Công Nương; có người lại dùng cả từ Công Chúa để chỉ dâu trưởng của Nữ Hoàng, hoặc vợ lớn của Thái Tử thì quả là một sai sót rất lớn. Vì Công Nương chỉ là một người con gái (hay đàn bà) trong Hoàng Tộc; Và Công Chúa lại là con gái của nhà vua. Hai từ này không có nghĩa là THÁI TỬ PHI 太 子 妃 , tức vợ của Thái Tử, hay dâu trưởng của ông, bà vua được.              

       Trước khi trình bày những DANH TỪ HÁN VIỆT thông dụng, tôi muốn nhấn mạnh là những từ Hán Việt này, nó phải đúng, và phải chính xác, chứ không phải bắt chước theo người Tàu, vì theo tôi, trong hiện tại, người Tàu dùng chữ cũng có nhiều từ rất là "kỳ dị". Tỷ dụ như:

       Đảng Đối Lập họ gọi là đảng Phản Đối 反 對 黨; bộ Y Tế (Health Department), hay bộ Kiện Khang 健 康 部  thì họ gọi là bộ Vệ Sinh 衛 生 部 ; Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) họ gọi là Tổ Chức Vệ Sinh Thế Giới 世 界衛 生 組 織 , Lữ Quán 旅 館 , hay Khách Sạn 客 棧 thì họ lại gọi là Tiệm Rượu (Tửu Điếm 酒 店).                                                                                                                                                                                                                                                                  

        Lại cũng vì nhận thấy cách xưng hô (hoặc thưa gởi) trong tiếng Việt quả rất phức tạp nhưng cũng hết sức phong phú và chính xác, chứ không đơn giản "nị - ngộ" trong tiếng Hoa, hoặc "you - me" trong tiếng Anh. Bởi thế, "thế hệ một rưởi" mới quíu lưỡi khi dịch chữ uncle trong tiếng Anh thành chú, bác, cậu hay dượng, chữ aunt thành cô, dì, thím hay mợ... mà ngay cả những người có căn bản Việt ngữ đôi khi cũng lúng túng chẳng biết phải gọi chồng của bà vua (như quận công Philip, phu quân của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị) là gì, con dâu của ông vua hoặc bà vua (như công nương Diana, vợ đầu của thái tử Charles) ra sao cho... đúng điệu Hoàng Gia. Lại nữa, Nhạc Gia là gia đình bên vợ (chứ chẳng phải là cha vợ như nhiều người vẫn thường gọi lầm), và Quân Phụ (phụ thân của phu quân) mới là cha chồng v.v...

       Nhân dịp tết đến, bên ly trà đậm đà và dĩa mứt ngọt ngào, xin mời quý bà con nhàn lãm "Những danh từ Hán Việt thường dùng" của Thầy Chạy Sydney như một món quà văn nghệ đầu xuân.

        ** Nếu có chi sơ sót, kính mong chư quân bổ túc cho. Đa tạ.
     
    Thầy Chạy Sydney.......................

    NHỮNG TỪ NÓI VỀ HOÀNG GIA

    Hoàng Đế 皇 帝 Ông vua (của một đế quốc, thiên triều)

    Hoàng Thượng  皇 上 :  Tiếng kêu tôn kính của quan, dân, bầy tôi đối với đức vua.

    Hoàng Hậu 皇 后 : Vợ chánh của vua.

    Hoàng Phi  皇 妃: Vợ nhỏ của vua, Cũng dùng cho vợ của các con trai của vua.

    Phi 妃:  Vợ nhỏ của vua. Vợ chánh của vua gọi là Hậu 后 ; kém bậc Hậu là Phi 妃 , tức vợ nhỏ của vua.

    Tần 嬪 : - Một chức quan đàn bà thời xưa, là Vợ lẻ của vua, và thường được gọi là Phi Tần  妃 嬪。              

    Thái Tử  太 子: Con trai trưởng của vua (hoàng đế), và là người sẽ nối ngôi vua. Có khi vua bỏ trưởng lập ấu (ta thường gọi quen là lập thứ), thì người con ấu/thứ (ấu tử: 1 - con út; 2 - các con nhỏ hơn người anh cả) này vẫn được gọi là Thái Tử. Thái Tử còn được gọi là Hoàng Trừ  皇 儲﹐ hoặc Trừ Quân 儲 君﹐ hay Vương Trừ  王 儲。

    Thái Tử Phi   太 子 妃: Vợ lớn của Thái Tử. Nên nhớ, không thể gọi tắt là Thái Phi, vì như thế là sai. Thái Tử Phi  太 子 妃  còn được gọi là Trừ Phi 儲 妃。

    Thái Thượng Hoàng 太 上 皇: Cha của vua.

    Hoàng Thái Hậu 皇 太 后: Mẹ của vua, được gọi tắt là Thái Hậu 太 后。

    Hoàng Thái Phi  皇 太 妃: Vợ nhỏ của vua cha, tức má nhỏ của ông vua, và được gọi tắt là Thái Phi 太 妃。

    Nữ Hoàng  女 皇: Bà vua (của một nước lớn, như đế quốc Anh).

    Hoàng Quân 皇 君:  Nữ Hoàng đích phu quân  女 皇 的 夫  君: Phu quân của Nữ Hoàng, tức chồng của bà vua.

    Nữ Vương 女 王: Bà vua của một nước nhỏ (nước chư hầu).

    Vương Quân  王 君: Nữ Vương đích phu quân 女 王 的 夫 君: Phu Quân của Nữ Vương, tức chồng của bà vua nước nhỏ.

    Hoàng Tử  皇 子: Con trai của ông (bà) vua nước lớn.

    Hoàng Tức  皇 媳: Dâu của ông (bà) vua.

    Hoàng Trưởng Tức  皇長 媳 : Dâu cả của vua (tức vợ chánh của Thái Tử).

    Công Chúa  公 主:  Con gái của vua.

    Phò Mã  駙 馬: Chồng của công chúa, tức rể của vua. Phò Mã còn được đọc là Phụ Mã.

    Hoàng Tế 皇 婿: Con rể của vua, của hoàng gia. Hoàng Tế là từ viết tắt của Hoàng Gia Nữ Tế  皇 家 女 婿。

    Ghi chú - Tôi xin phép được góp ý là, chúng ta nên dùng từ Hoàng Quân 皇 君 để chỉ chồng của nữ hoàng vì nó chính xác hơn; còn từ Hoàng Tế chỉ có nghĩa là chồng của các người con gái (phụ nữ) trong hoàng tộc. Hoàng Tế 皇 婿 không thể cho ta biết rõ ông nào là chồng của bà vua.

    Thái Hoàng Thái Thượng Hoàng  太 皇 太 上 皇: Cha của cha ông vua, tức ông nội của vua.

    Thái Hoàng Thái Hậu 太 皇 太 后: Mẹ của vua cha, tức bà nội của ông vua.

    Quốc Trượng  國 丈: Cha vợ của vua.

    Quốc Trượng Phu Nhân 國  丈 夫 人: Mẹ vợ của vua.

    Quốc Cữu 國 舅 cũng được đọc là Quốc Cựu : Là anh hoặc em (trai) vợ của vua.

    Quốc Di  國 姨:  Chị em gái của vợ vua.

    Vương  王:  Vua của các nước nhỏ, nước chư hầu. Vương còn là chức lớn nhứt mà vua (hoàng đế) phong cho các con trai mình, hoặc các quan có công lớn, thí dụ: Bình Tây Vương. Từ đời Tần (Tần Thủy Hoàng) trở về sau đến đời nhà Thanh, vua  của nước lớn (thiên tử) được gọi là Hoàng Đế.

    Tuy nhiên, trước đời Tần Thủy Hoàng thì vua của nước nhỏ, hay nước lớn cũng đều được gọi là Vương.

    Thí dụ; Trụ Vương, là vua của triều nhà Thương, là thiên triều, nước lớn; Văn Vương, Võ Vương, là vua xứ Tây Kỳ, là vua của một nước nhỏ.

    Quốc Vương 國 王: Ông vua, người chủ của một nước (đế quốc hay chư hầu), nên còn gọi là Quân Chủ 君 主。

    Quân Vương 君 王: Quốc Vương 國 王 .

    Vương Tử 王 子: Con trai của các ông vua nước nhỏ, chư hầu, và các vị có tước vương.

    Thế Tử 世 子:  Con trai trưởng của các ông vua nước nhỏ, chư hầu, hoặc các vị có tước vương. Trường hợp vua, hoặc các vương gia bỏ trưởng lập ấu (ta thường gọi quen là lập thứ), thì người con ấu/thứ này vẫn được gọi là Thế Tử, Thế Tử sẽ nối ngôi vương sau này.

    Quận Chúa  郡 主:  Con gái của các vị có tước vương.

    Quận Mã  郡 馬:  Chồng của Quận Chúa.

    NHỮNG TỪ NÓI VỀ DÂN DÃ

    Cao Tổ Phụ  高 祖 父:  Cha của ông cố.

    Cao Tổ Mẫu  高 祖 母:  Mẹ của ông cố.

    Tằng Tổ Phụ 曾 祖  父: Ông cố (cha của ông nội).

    Tằng Tổ Mẫu  曾 祖  母: Bà cố (Mẹ của ông nội).

    Tổ Phụ 祖 父: Ông nội.

    Tổ Mẫu 祖 母: Bà nội.

    Phụ Thân  父 親: Cha.

    Thân Phụ  親 父: Cha đẻ, tức cha ruột, còn gọi là Sinh Phụ 生 父。

    Mẫu Thân  母 親: Mẹ.

    Thân Mẫu  親 母: Mẹ đẻ, còn gọi là Sinh Mẫu 生 母。

    Tôn 孫  hay Nội Tôn  內 孫: Cháu nội.

    Tằng Tôn 曾 孫 : Cháu chắt (con của cháu nội). 

    Huyền Tôn  玄 孫: Cháu chít, con của Tằng Tôn (tức con của cháu chắt)

    Ngoại Cao Tổ Phụ  外 高 祖 父:  Cha của ông cố bên ngoại.

    Ngoại Cao Tổ Mẫu  外 高 祖 母:  Mẹ của ông cố bên ngoại

    Ngoại Tằng Tổ Phụ  外 曾 祖 父: Ông cố (cha của ông ngoại).              

    Ngoại Tằng Tổ Mẫu  外 曾 祖母:  Bà cố (má của ông ngoại).

    Ngoại Tổ Phụ  外 祖 父: Ông ngoại, còn gọi là Ngoại Công 外 公。

    Ngoại Tổ Mẫu  外 祖 母: Bà ngoại, còn gọi là Ngoại Bà 外 婆。

    Ngoại Tôn  外 孫:  Cháu ngoại.

    Ngoại Tằng Tôn 外 曾 孫 : Cháu chắt (con của cháu ngoại).

    Ngoại Huyền Tôn  外 玄 孫: Cháu chít, con của Ngoại Tằng Tôn (tức con của cháu chắt bên ngoại).

    Nhạc Phụ  岳 父: Cha vợ, còn gọi là Nhạc Trượng  岳  丈 。 Trượng Nhân  丈 人﹐hay Ngoại Phụ  外 父。

    Nhạc Mẫu   岳 母: Mẹ vợ, còn gọi là Ngoại Mẫu 外 母。

    Quân Phụ   君 父:  Phu quân đích phụ thân 夫 君 的 父 親﹕  Phụ Thân của Phu Quân, tức là cha chồng.

    Quân Mẫu  君 母:  Phu quân đích mẫu thân 夫 君 的 母 親﹕ Mẫu Thân của Phu Quân, tức là mẹ chồng.

    Nhạc Gia   岳 家:   Gia đình bên vợ. Ta hay dùng lầm là cha vợ.

    Trưởng Nam 長 男:  Con trai trưởng (lớn nhứt), còn gọi là Trưởng Tử 長  子。

    Thứ Nam  次 男: Con trai thứ hai (kế Trưởng Nam), còn gọi là Thứ Tử  次 子。

    Tam Nam  三 男: Con trai thứ ba (kế thứ nam), còn gọi là Tam Tử 三 子。

    Tứ Nam   四 男:  Con trai thứ tư (kế Tam Nam), còn gọi là Tứ Tử  四 子。

    Ấu Nam  幼 男:   Con trai út, còn gọi là Ấu Tử 幼 子。

    Trưởng Nữ  長 女: Con gái trưởng (lớn nhứt).

    Thứ Nữ  次 女:  Con gái thứ hai (kế trưởng nữ).

    Tam Nữ  三 女: Con gái thứ ba (kế Thứ Nữ).

    Tứ Nữ  四 女:   Con gái thứ tư (kế Tam Nữ).

    Ấu Nữ  幼  女:  Con gái út.

    Tưởng cũng cần để ý đến 2 chữ Thứ đồng âm, là Thứ 次: thứ hai (kế trưởng); và Thứ 庶 , thuộc về bên vợ nhỏ (dòng thứ hai, thứ ba v.v...)

    - Thứ Nam 次 男﹐hay Thứ Tử  次  子 : là con trai thứ hai (kế trưởng), và

    - Thứ Nam 庶 男﹐hay Thứ Tử  庶 子 : là  các con trai của dòng Thứ  庶 , tức là các con trai của vợ hai, vợ ba, vợ tư v.v...

    ** và cũng tương tự cho Thứ Nữ 次 女: Con gái thứ hai (kế trưởng), và Thứ Nữ 庶 女: Các con gái của dòng Thứ  庶 (vợ nhỏ).

    Trưởng thứ tử 長 庶 子 : con trai trưởng của vợ nhỏ.

    Thứ thứ tử 次 庶 子 : Con trai thứ hai của vợ nhỏ.  

    Tam thứ tử 三 庶 子 : Con trai thứ ba của vợ nhỏ.

    ĐÍCH THỨ  嫡 庶 

    ĐÍCH 嫡 : Chữ Đích này chỉ Chính Hệ 正 系 , là dòng chính thuộc về vợ lớn, gọi là THÊ 妻 ,

    THỨ 庶 : Chữ Thứ này chỉ Bàng Hệ 旁 系 , là dòng thứ thuộc về vợ nhỏ, gọi là THIẾP 妾 . Do đó

      Con của vợ lớn được gọi là Đích Tử 嫡 子 , và

      Con của vợ nhỏ thì phải gọi là Thứ Tử 庶 子。

    ĐÍCH MẪU 嫡 母: Các con của vợ lớn, vợ nhỏ đều phải kêu vợ lớn của người cha là Đích Mẫu 嫡 母     .

    THỨ MẪU  庶 母: Các con thuộc dòng Đích hay dòng Thứ, đều phải gọi vợ nhỏ của cha mình là Thứ Mẫu 庶 母。

    Huynh  兄: anh.

    Tẩu  嫂  hay Tẩu Tẩu  嫂 嫂: chị dâu.

    Đệ  弟:﹕em (trai).

    Đệ Phụ  弟 婦: em dâu.

    Tỷ  姊  chị, thường quen gọi là Tỷ Tỷ 姊 姊 , còn gọi là Thơ Thơ  姐 姐。

    Tỷ Phu  姊 夫:  Anh rể.

    Muội  妹: Em gái.

    Muội Phu 妹 夫: Em rể.

    Nội Huynh Đệ 內 兄  弟:  Anh em (trai) của vợ。

    Di 姨 : Chị em (gái) của mẹ, tức là Dì, còn gọi Di Mẫu 姨 母。

    Đại Di 大 姨: Chị vợ, còn có nghĩa là Dì (chị của mẹ).

    Di Tử 姨 子: Em (gái) vợ.

    Nội Điệt  內 姪: Cháu kêu vợ mình bằng cô.

    Phu Quân 夫 君: Chồng (ông xã), còn gọi là Lão Công 老 公 , hay Trượng Phu 丈 夫 . Riêng từ Trượng Phu 丈 夫 còn có nghĩa là người đàn ông có chí khí; người con trai đã đến tuổi trưởng thành.

    Phu Nhân  夫 人 : Vợ (bà xã), còn được gọi là Thê Tử 妻 子﹐ hay Thái Thái 太 太  , hoặc Lão Bà 老 婆 . Chữ Lão Bà  老 婆 , ta thường dùng lầm là bà già, bà già gọi đúng phải là Lão Bà Bà  老 婆 婆 , hoặc LÃO PHỤ 老 婦 .

    Chữ Thê Tử 妻 子  chỉ có nghĩa là vợ (bà xã). Còn

    Thê - Tử (妻 - 子)  hay Thê , Tử (妻 , 子) ; hoặc Thê dữ Tử (妻 與 子) mới là vợ con (vợ và con).

    Phu Phụ 夫 婦: Vợ chồng, còn được gọi là Phu Thê 夫 妻 , hay Kháng Lệ  伉 儷。

    Nhi 兒 : nghĩa chung là con (Chỉ chung cho con trai lẫn con gái); nghĩa riêng, Nhi  兒  là con trai (Nam Nhi 男 兒).

    Tử 子  hay Nhi Tử 兒 子: con trai. Còn được gọi là Nam Tử  男 子 , hay Nam Nhi  男 兒。

    Nữ 女  hay Nữ Nhi 女  兒 , hay Nử Tử 女 子: con gái.

    Ghi chú  -  Xin được nói rõ

    Nữ Nhi 女 兒  là con gái, còn

    Nhi Nữ 兒 女 là con trai và con gái (tức là con cái); là thanh niên Nam và Nữ (chứ không phải là Con Gái như nhiều người thường dùng lầm về từ này).

    Nhi Nữ  兒 女:  con cái. Nhi Nữ 兒 女 cũng là từ để chỉ chung cho con trai và con gái.

    Thí dụ thành ngữ về hai chữ Nhi Nữ 兒 女

    兒 女 情 長 Nhi nữ tình trường (the lasting effection of the boys and girls):  Người con trai và người con gái coi trọng tình yêu.

    英 雄 氣 短 Anh hùng khí đoản (the aspiration of a hero is weakened): Tráng chí (chí khí) của người anh hùng bị suy sút đi.

    Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản:

    Khi tình Nhi Nữ (tình yêu giữa trai và gái) chiếm phần hơn thì sẽ làm chí khí người anh hùng phải kém sút.

    Ý nói khi đôi trai gái yêu nhau, thì khó mà tránh được vì nặng về tình ái, vì chữ tình mà sẽ buông xuôi tất cả,

    -- Hễ nặng tình thì nhẹ nợ (Nợ nước, nợ sự nghiệp v.v...). Ý chí tiêu tan.

   Tình trường 情 長: Tình dài (Chữ trường 長 ở đây có nghĩa là dài, với hàm ý là nặng Tình chớ không phải là sân...khấu, hay cuộc... tình); Khí đoản 氣 短: Khí ngắn, với hàm ý là cái chí khí bị giảm đi.

    Tình càng nặng bao nhiêu thì cái chí khí càng nhẹ (kém) đi bấy nhiêu.

    Tử Nữ  子 女:  con cái.

    Nữ Tử  女 子:  Con gái.

    Bá Phụ  伯 父:  Bác trai, còn gọi là Bá Bá  伯 伯。

    Bá Mẫu  伯 母:  Bác gái, còn gọi là Bá Nương  伯  娘。

    Thúc Phụ  叔 父: Chú, còn gọi là Thúc Thúc 叔 叔。

    Thẩm Mẫu  嬸 母: Thím.

    Cô  姑  hay Cô Mẫu 姑 母:  Chị hoặc em gái của cha.

    Cô Trượng  姑 丈:  Dượng, chồng của cô.

    Cữu Phụ  舅 父  hay Cữu Cữu  舅 舅: Cậu (anh hoặc em trai của mẹ).

    Cấm Mẫu 妗 母:  Mợ. ; còn được gọi là cữu mẫu 舅 母 .

    Di 姨  hay Di Mẫu 姨 母﹕ Dì (chị hoặc em gái của mẹ).

    Di Trượng  姨 丈:  Dượng (chồng của dì).

    Ngũ Đại Đồng Đường  五 代 同 堂  gồm có :

    Tổ Phụ Mẫu 祖 父 母 ,  Phụ Mẫu 父 母 ,  Tự Kỷ  自 己 ,  Tử 子 ,  Tôn 孫 , tức là ông bà nội, cha mẹ, mình, con mình, cháu nội mình. Ngũ Đại Đồng Đường còn được gọi là Ngũ Thế Đồng Đường 五 世 同 堂 .

    Khâm Huynh Đệ 衿 兄 弟:  Anh em bạn rể, còn gọi là Liên Khâm 連 衿 , hay Đồng Môn Huynh Đệ 同 門  兄 弟 , hoặc Liêu Tế 僚 婿。

    Đồng Môn Sư Huynh Đệ 同 門 師 兄 弟: Anh em bạn học cùng thầy.

    Anh em bạn rể, hoặc anh em bạn học đều được gọi tắt là Đồng Môn 同 門 .

    Điệt Tử 姪 子: Cháu trai gọi mình bằng chú, bác hay cô.

    Điệt Nữ 姪 女: Cháu gái  kêu mình bằng chú, bác, hay cô.

    Ngoại Sanh  外 甥: Cháu kêu mình bằng cậu hay dì, thường được dùng để chỉ cháu trai

    Ngoại Sanh Nữ 外 甥 女 : Cháu gái kêu mình bằng cậu hay dì.

    Thẩm Mỗ 嬸 姆: chị em bạn dâu, còn gọi là Trục Lý 妯 娌。

    Tức Phụ 媳 婦:﹕ Con dâu, còn gọi là Nhi Tức 兒 媳。

    Trưởng Tức 長 媳: Dâu cả.

    Thứ Tức 次 媳: Dâu thứ hai.

    Tam Tức 三  媳: Dâu thứ ba.

    Ấu Tức 幼 媳:  Dâu út.

    Nữ Tế 女 婿:  Con rể.

    Trưởng Tế  長 婿: Con rể lớn (trưởng)

    Thứ Tế  次 婿 : Con rể thứ hai.

    Tam Tế 三 婿: Con rể thứ ba.

    Ấu Tế 幼 婿:  Con rể út.

    Ghi chú:

       Con trai, con gái lớn, tức con Cả, ta dùng chữ TRƯỞNG 長。

    Người con thứ hai (Kế trưởng), ta dùng chữ THỨ 次 。 Người con thứ ba, tư, năm, ta dùng chữ TAM 三 , TỨ 四  , NGŨ 五  ,  v.v... và con út thì dùng chữ ẤU 幼。

        Ta không thể nào dùng chữ Thứ 次  để chỉ cho tất cả những người con thứ ba, tư, năm hay út. Vì như thế chẳng khác nào ta cho rằng:
    2 = 3 = 4 = 5 = 6 ....  (làm sao bằng được?). 

    Trên báo chí, người ta hay dùng từ Thứ Nam  次 男  , Thứ Nữ 次 女  để chỉ cho tất cả những anh chị em kế người Trưởng 長 (anh chị cả), và kể cả người con út cũng vậy. Thật là một sai sót rất đáng tiếc. tôi xin đơn cử một thí dụ:

       Cô Lê Thúy Vân, "thứ nữ" 次 女 của ông bà Lê Công Khanh sẽ lên xe hoa...

       Giả dụ như cô Vân này có 10 anh chị em. -- Cô Lê Thúy vân này là cô con gái cưng thứ mấy trong gia đình của ông bà Khanh? Thứ hai, thứ ba, hay thứ chín? Câu trả lời, chỉ có chính cô Vân và gia đình của cô biết mà thôi. Bà con hay bạn bè của cô cũng khó lòng mà biết được...chớ đừng nói chi những người cầm tờ báo, hay cái thiệp mời mà có thể "bói được". 

    Dưỡng Phụ 養 父: Cha nuôi, người cha này phải có nuôi đứa con đó mới được gọi là cha nuôi.

    Dưỡng Mẫu 養 母:  Mẹ nuôi, trường hợp giống như Dưỡng Phụ 養 父。

    Nghĩa Phụ 義 父:  Cha nuôi, gọi là cha nuôi, nhưng không có nuôi đứa con đó; có thể vì ân nghĩa, hoặc vì thương mến mà xin làm cha nuôi người ta. Cha nuôi này còn được gọi là Khế Phụ 契 父  , hay Khế Gia 契 爺。

    Nghĩa Mẫu 義 母: Mẹ nuôi, trường hợp giống như nghĩa phụ. Mẹ nuôi này còn được gọi là Khế Mẫu 契 母。

    Dưỡng Tử 養 子: Con nuôi, đứa con này phải có đem vế nhà nuôi mới được gọi là con nuôi.

    Nghĩa Tử 義子: Con nuôi. Gọi là con nuôi, nhưng chẳng có nuôi người ta ngày nào; có thể vì ân nghĩa, hoặc vì thấy thương mà nhận làm con nuôi. Con nuôi này còn được gọi là Khế Tử  契 子。

    Dưỡng Nữ  養 女: Trường hợp giống như Dưỡng Tử 養 子。

    Nghĩa Nữ 義 女: Trường hợp giống như Nghĩa Tử.

    Kế Phụ 繼 父: Người cha kế (cha ghẻ).

    Kế Mẫu 繼  母﹕Người mẹ kế (mẹ ghẻ).

    Giả Tử 假 子 : Con trai riêng của chồng, hoặc của vợ (thường dùng chỉ chung cho con trai lẫn con gái).

    Giả Nữ 假 女 : con gái riêng của chồng,hoặc của vợ.

    NHỮNG TỪ LINH TINH

    Mai nhân  媒 人: Người đứng ra làm mai, còn gọi là Môi Nhân.

    Mai Nhân Công 媒 人 公: Ông mai.

    Mai Nhân Bà 媒 人 婆: Bà mai.

    Lão Ông 老 翁: Ông già.

    Lão Phụ 老 婦: Bà già, còn được gọi là Lão Bà Bà  老 婆 婆 .

    Nhị Nhiệm Lão Công 二 任 老 公: Chồng đời thứ hai, còn được gọi là Nhị Nhiệm Trượng Phu 二 任 丈 夫 , Nhị Nhiệm Phu Quân 二 任  夫 君。

    Nhị Nhiệm Lão Bà 二 任 老 婆: Người vợ đời thứ hai, còn được gọi là Nhị Nhiệm Phu Nhân 二 任 夫人 , Nhị Nhiệm Thái Thái 二 任 太 太。

    Tục Huyền  續 玄: Nối lại dây đàn, ý chỉ người đàn ông vợ chết rồi sau đó lấy vợ khác.

    Tái Giá 再 嫁: Từ này dùng để chỉ người đàn bà mất chồng, sau đó ( lại gả chồng) lấy chồng khác.

    Về hai từ Công Nhân 工 人 và Nhân Công 人 工 . Có một số người hay bị lầm lẫn về hai từ này,

    Công Nhân 工 人: là người thợ, người làm công, làm thuê, làm muớn.

    Nhân công  人 工: Là cái công việc do dùng sức người làm ra; là cái công sức để hoàn tất một công việc; là cái giá trị của cái công sức, công việc đó... Do đó Nhân công thường được dùng để chỉ tiền lương. Nhân công còn được gọi là Tân Thủy 薪 水 , hoặc Tân Kim 薪 金, tức là tiền lương.

    Ta không thể nào dùng từ Nhân Công thay cho Công Nhân. Vì như thế chẳng khác nào ta dùng từ Chúa Công thay cho Công Chúa vậy.

    Dưới đây là vài thí dụ:

    Thí dụ 1 - Số công nhân 100 người : Số thợ (người làm công) là 100 người.

    Thí dụ 2 - Số nhân công của 100 người : Số tiền lương của 100 người thợ.

    Mại Dâm 賣 淫: Bán dâm.

    Mãi Dâm 買 淫:  Mua dâm.

    Đồng Tính Luyến Ái 同 性 戀 愛: Tình yêu giữa hai người cùng phái tính.

    Tính Dục 性 慾: Nam nữ gian đích nhục dục 男 女 間 的 肉 慾 : Sự thèm muốn được thỏa mãn khoái lạc về xác thịt (nhục dục) giữa trai và gái, tức là thèm muốn về giao cấu 交 媾。

    Tình Dục 情 慾:  Nam nữ tương ái đích tình cảm 男 女 相 愛 的 情 感: Tình yêu giữa trai và gái.

    Sự Lầm Lẫn thường xảy ra khi ta sử dụng từ Tính Dục 性 慾 và Tình Dục 情 慾 

    Dấu Sắc ( ' ) và dấu Huyền( ` ) đối với danh từ Hán Việt thỉnh thoảng dễ làm cho người ta bị lẫn lộn. Vì vậy tùy theo tính nhạy cảm mà người ta ưa thích cho vào dấu Huyền thay vì đúng phải là dấu Sắc, để cho nó nghe êm tai hơn. Chẳng hạn như Đồng Tính Luyến Ái 同 性 戀 愛 đã bị biến thành "đồng tình luyến ái", và Tính Dục 性 慾 lại bị sửa thành "tình dục" 情 慾。

    SINH HOẠT TÌNH DỤC 情 慾 生 活 - Là sinh hoạt về ái tình 愛 情. Hai người cùng yêu nhau là hai người có quan hệ Tình Dục 情 慾。

    SINH HOẠT TÍNH DỤC 性 慾 生 活 - Là sinh hoạt về tính giao 性 交 . Hai người cùng giao cấu 交 媾 là hai người có quan hệ Tính Dục 性 慾。

    Vài thí dụ (được dùng đúng) cho hai từ Tính Dục và Tình Dục 

    1 - Về từ Tính Dục 性 慾
         Một thanh niên đã bị đi tù vì can tội xâm phạm Tính Dục 性 慾  。
         Xâm Phạm Tính Dục tức Tính Dục Xâm Phạm, hay Tính Xâm Phạm 性 侵 犯。

    2 - Về từ Tình Dục 情 慾

    a - Một thanh niên bị đau khổ về Tình Dục 情 慾 : Anh chàng này yêu người nhưng chẳng được người yêu, nên anh ta đau khổ;
         hoặc giả anh chàng này trước đó cũng đã được yêu, nhưng sau đó bị nàng phụ bạc nên anh ta lại đau khổ.

    b - Một thanh niên sung sướng vì đã đạt được mục tiêu Tình Dục 情 慾:  Anh chàng thanh niên này đã yêu và cũng đã được người đẹp đáp lại bằng tình yêu, nên anh ta cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc.

    Xâm Phạm Tính Dục (Tính dục xâm phạm), hay

    Tính Xâm Phạm 性 侵 犯: Hiếp dâm: Dùng sức mạnh, thế thần, hay tất cả mọi phương tiện sẵn có để ép buộc đối phương phải thỏa mãn nhu cầu nhục dục của mình.

    TÌNH DỤC 情 慾 sinh TÍNH DỤC 性 慾

       Đôi trai gái yêu nhau, thường với những cử chỉ ôm ấp, hôn hít, vuốt ve đã gây kích thích đến ham muốn về nhục dục, đòi hỏi sự làm tình (TÍNH DỤC 性 慾),và khi hai người đã Giao Cấu 交 媾 , thì có nghĩa là họ đã thỏa mãn được TÍNH DỤC 性 慾 trong TÌNH DỤC 情 慾。

    TÍNH DỤC 性 慾 sinh TÌNH DỤC 情 慾

       Đôi trai gái không hề yêu nhau (không có quan hệ TÌNH DỤC 情 慾), họ bị ép duyên vợ chồng, phải chung sống, và dĩ nhiên là phải làm tình (Họ chỉ có quan hệ TÍNH DỤC 性 慾) để sanh con đẻ cái. Tuy nhiên, sau những lần giao hợp, họ đã hưởng được những cảm giác khoái lạc tuyệt vời về Nhục Dục 肉 慾 ... Từ đó họ cảm thấy họ không thể thiếu nhau, và cũng từ đó đã nảy sinh ra tình yêu. TÌNH DỤC 情 慾 được sản sinh từ TÍNH DỤC 性 慾。

    NÔ LỆ TÍNH DỤC hay TÍNH NÔ LỆ 性 奴 隸  (Tính Dục Nô Lệ)

       Người nô lệ này, là người bị ép buộc đem thân xác của mình cho kẻ khác thỏa mãn thú vui về Tính Giao 性 交 , Giao Cấu 交 媾。

    NÔ LỆ TÌNH DỤC (TÌNH DỤC NÔ LỆ 情 慾 奴 隸)

       Thí dụ cô A, chẳng có thương anh B. Cô biết B yêu say mê đắm đuối mình, cô A lợi dụng tình yêu của B, và B sẵn sàng làm mọi thứ để thỏa mãn các đòi hỏi của cô A. Anh B đã vô tình làm Nô Lệ Tình Dục cho cô A.
    Cũng có những người vì quá yêu, quá si mê, dù biết rằng mình bị lợi dụng, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận làm Nô Lệ cho người mình yêu.

    Kỷ Nghệ TÍNH DỤC còn gọi là TÍNH SẢN NGHIỆP 性 產 業  (Tính Dục Sản Nghiệp)

       Chuyên cung cấp các dịch vụ về Tính Giao 性 交 , tức cung cấp gái điếm (kỹ Nữ 妓 女) để phục vụ khách mua dâm.

    Kỷ Nghệ TÌNH DỤC còn gọi là TÌNH DỤC SẢN NGHIỆP 情 慾 產 業

       Chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến tình yêu, như các văn phòng giới thiệu bạn trai, bạn gái; các văn phòng giới thiệu hôn nhân v.v...

    Trong quan hệ Tình Dục 情 慾 , người ta thường dùng hoa để làm quà tặng cho người yêu. vì vậy, khi nói đến những loài hoa quý, chúng ta không thể không đề cập đến hoa Hồng, hay bông Hồng....

       Bông Hồng, theo tiếng Anh, gọi là Rose. Bông Hồng lại có rất nhiều chủng loại khác nhau, tùy theo màu sắc của nó mà ta sẽ có: Hồng Đỏ, Hồng Vàng, Hồng Lam (xanh lam), Hồng Trắng, Hồng Đen v.v... Bông Hồng, theo tiếng Việt hoặc tiếng Hoa, tự cái nghĩa của chữ Hồng cũng đủ cho ta thấy Hồng là màu đỏ...Ấy thế mà, đã Hồng rồi mà hồng đỏ (bông Hồng Đỏ) , Hồng rồi... mà là Vàng (bông Hồng Vàng), Lam, Trắng, Đen được... thì thấy cũng rất là "đã đời"...   Trong khi ta có một từ khác rất dễ thương để chỉ bông Hồng thật chính xác mà không bị vướng mắc những cái nghĩa "đã đời" nói trên, đó là hoa Mai Quế 玫 瑰 ( chữ Quế lại có một âm khác là Côi, tức là hoa Mai Côi), và như vậy, ta sẽ có:

       Mai Quế Đỏ, tức Hồng Mai Quế 紅 玫 瑰 , Mai Quế Vàng, tức Hoàng Mai Quế 黃 玫 瑰 , Mai Quế Lam, tức Lam Mai Quế 藍 玫 瑰 , Mai Quế Trắng, tức Bạch Mai Quế 白 玫 瑰 , và Mai Quế Đen, tức Hắc Mai Quế 黑 玫 瑰。

    Phân biệt ba chữ Thơ, Thi,Thư

    Thơ - Tiếng Nôm rặt có nghĩa là thơ từ,(viết thơ, lá thơ), bài thơ, ngây thơ, thơ thẩn v.v...

    Thi 詩  - Tiếng Hán Việt có nghĩa là Thơ, như làm Thơ, sáng tác Thơ, họa bài Thơ v.v...

    Thư 書   - Tiếng Hán Việt có nghĩa là cuốn sách, cũng có nghĩa là (lá) Thơ, Thơ Từ. Văn Thơ (Văn Thư 文 書), Chữ Thư 書 này có hai âm là Thư và Thơ

    Thí dụ 1 - Thượng Thư Nguyễn Thế Nhân

                     Thượng Thơ Nguyễn Thế Nhân.
    Thí dụ 2 - Gia Thư  家 書: lá Thư (thơ) của gia đình; Tình Thư 情 書 : Thơ tình. Ngoài ra ta lại có thêm chữ

    Tín 信 - Có nghĩa là Thơ, viết thơ gọi là Tả Tín 寫 信 , lại có nghĩa là Tin (tín nhiệm 信 任)。         .

    Giai Nhân 佳 人:  người đẹp.

    Tài Tử 才 子:  Người có học vấn, người trí thức có tài cán.

    Mnh Tinh 明 星: Ngôi sao sáng, ngôi sao màn bạc. Từ này được dùng để chỉ diễn viên điện ảnh.

    Nam Minh Tinh 男 明 星: Nam diễn viên điện ảnh, nhưng chúng ta quen dùng từ Tài Tử.

    Nữ Minh Tinh  女 明 星: Nữ diễn viên điện ảnh.

    Hí Ban Ban Chủ 戲 班 班 主: Hí Ban 戲 班 : gánh hát, Ban Chủ 班 主 : ông (bà) bầu. Hí Ban Ban Chủ: ông (bà) bầu gánh hát.

    Hoa Đán 花 旦 (hoặc Đán 旦): Tuồng hát xưa, người đóng vai đàn bà, con gái được gọi là Hoa Đán 花 旦 ; cô đào hát cũng gọi là Hoa Đán 花 旦 . Bây giờ thì gọi là Nữ Chủ Giác 女 主 角。

    Tiểu Sinh 小 生:    

       1 - Người học trò khiêm xưng mình đối với thầy học, hoặc đối với những bậc trưởng bối.

       2 - Tuồng hát xưa, người đóng vai đàn ông, hoặc anh kép hát đều được gọi là Tiểu Sinh 小 生 , hoặc Sinh 生。Bây giờ thì được gọi là Nam Chủ Giác 男 主 角。

    Tiểu Sửu 小 丑: Người đóng vai Hề được gọi là Tiểu Sửu, hoặc Sửu 丑。

    Cái Bang Bang Chủ 丐 幫 幫 主: Thủ Lãnh của đám khất cái (đám xin ăn).

    Tình Nhân  情 人 :  Người tình, người yêu.

    Nhân Tình  人 情 :   

       1 - Tình cảm của con người đối với con người, tức là Tình Người.

       2 - Một nghĩa khác nữa là quà cáp, hoặc những tài vật dùng để đút lót, lo hối lộ để nhờ người ta giúp mình.

       3 - Quà cáp, hay tiệc tùng, chỉ với mục đích thuần túy là đền ơn cho ai đó đã giúp mình việc gì, mặc dầu Ân nhân không đòi hỏi.

    Gia Nhân 家 人: Người nhà, người trong gia đình. có khi cũng dùng để chỉ tôi tớ trong nhà.   

    Nhân Gia 人 家: Người ta. Từ này được dùng để chỉ nhân vật thứ ba; đôi khi cũng dùng để chỉ chính mình.

    Mã thượng tinh thần 馬 上 精 神 : Mã thượng là trên lưng ngựa (khác với Thượng mã, là leo lên con ngựa), Mã thượng tinh thần là Tinh thần của người anh hùng trên lưng ngựa, người đang chiếm thế thượng phong, không giết người vừa bị té xuống ngựa. Có nhiều người hay dùng lầm từ nầy, nếu ta gọi "Thượng mã tinh thần" là sai.

    Mã thượng phong 馬 上 瘋 : Đang trên lưng ngựa mà bị "trúng phong", ý nói người đàn ông đang "cởi" ngựa, tức là đang trên mình người đàn bà, đang làm tình  mà bị "trúng phong", chứng này có thể đi đến tử vong. Có nhiều người hay dùng sai từ này là Thượng mã phong  上 馬 瘋 ,  Thượng là Lên, Thượng mã là leo lên con ngựa, do đó, nếu ta dùng từ Thượng mã phong sẽ không hợp lý.

    Bất Túy Vô Quy 不 醉 無 歸: Không say không về.

    Bằng Hữu Mãn Thiên Hạ Tri Kỷ Năng Kỷ Nhân 朋 友 滿 天 下 知 己 能 幾 人:  Bạn bè nhiều khắp thiên hạ, tri kỷ dễ có mấy người.

    Tham Tang Uổng Pháp 貪 贓 枉 法 :  Quan chức, nhân viên chính quyền tham của đút lót, mà làm sai luật pháp.

    Mại Kiếm Mãi Ngưu 賣 劍 買 牛 : Bán kiếm mua trâu, ý nói bỏ nghề ăn cướp để hoàn lương mà đi làm ruộng.

    Tửu Nhập Tâm Như Hổ Nhập Lâm 酒 入 心 如 虎 入 林 :  Ý nói có rượu uống vào thì người thấy rất là vui vẻ, và hùng dũng như cọp được thả vào rừng.

    Tửu Nhập Ngôn Xuất 酒 入 言 出 :  Rượu vào lời ra. 

       Khi rượu vào lời ra, thì, đôi khi cũng khó mà tránh được những lời nói sai quấy, lẩm cẩm khi vui miệng, vì vậy, Thầy Chạy xin phép đựơc tạm dừng nơi đây. Kính chúc

       Quý bà con, cùng chư quân hải nội ngoại một mùa Xuân tràn đầy hạnh phúc, đa tài, đa lộc và như ý.

    Thầy Chạy Sydney. 22 - 10 - 2011