Home Văn Học Khảo Luận Nhã Ca, một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam

Nhã Ca, một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Du Tử Lê   
Thứ Sáu, 26 Tháng 3 Năm 2010 09:33

Phải đợi tới đầu thập niên 1960, khi lớp người mới, những cây bút sung mãn khát khao đi tới, thực sự nhập cuộc, lúc đó dòng văn chương miền Nam mới thực sự tách thoát và, từ đó, định hình.

 

Nói tới bối cảnh của hai mươi năm văn học, nghệ thuật miền Nam, người ta không thể không ghi nhận sự hiện diện có tính cách khởi công, vỡ đất của những tạp chí văn học. Mặc dù không phải tạp chí nào, xuất hiện trong khoảng thời gian từ phôi thai, tức trước điểm mốc 1960 tới giai đoạn chín mùi, sung mãn sau 1960 cũng đều có những đóng góp tích cực cho nỗ lực thay da, đổi thịt của dòng văn học này.

Tuy thế, người ta vẫn cần ghi lại những diễn đàn văn học chính trong giai đoạn vừa kể. Như tạp chí Sáng Tạo, ra đời năm 1956; Bách Khoa, 1957; Hiện Ðại, đầu năm 1960; Thế Kỷ 20, giữa 1960 và, Văn Nghệ 1961...

 

 
                  Nhã Ca - Tranh NguyễnTrung
Ở hai thời điểm trước và sau 1960, một số người cho rằng, chúng ta cũng không nên gạt bỏ phần đóng góp của hai đài phát thanh chính là Ðài Phát Thanh Quốc Gia, tức Ðài Phát Thanh Saigon, và đài Quân Ðội. Hai cơ quan truyền thông này không chỉ là nỗ lực chính đưa dòng tân nhạc của miền Nam tới với quảng đại quần chúng, mà còn góp phần quảng bá sáng tác thơ văn của một số nhà thơ nhà văn miền Nam nữa.

Ở Ðài Phát Thanh Saigon, ngoài chương trình Tao Ðàn nổi tiếng của cố thi sĩ Ðinh Hùng, những nhà văn, nhà thơ như Mai Thảo, Nguyễn Ðình Toàn, Phan Lạc Phúc, Trần Dạ Từ,... hàng tuần cũng có những chương trình phát thanh nhằm giới thiệu sinh hoạt văn nghệ và, sáng tác mới của bằng hữu.

Tôi gọi giai đoạn đầu từ 1955 tới 1960 là giai đoạn khởi công, vỡ đất mà tiêu biểu là tạp chí Sáng Tạo. Tạp chí cổ suý dòng văn chương mới. Một dòng văn chương chủ trương đoạn tuyệt hẳn dòng văn chương tiền chiến.

Nhưng ngoài những lời lẽ, đi kèm những lên tiếng chung một cách mạnh mẽ, của những thành viên nhóm Sáng Tạo, người đọc vẫn không thấy nhóm này đưa ra những tiêu chí, hay những chuẩn mực để có được sự phân biệt cụ thể giữa “văn chương tiền chiến”“văn chương hôm nay” (theo cách gọi của nhóm Sáng Tạo).

Nhóm Sáng Tạo không vạch rõ đâu là đặc tính của dòng nền văn chương cũ và, đâu là đặc tính của dòng văn chương mới.

Về văn xuôi, ngoài một Mai Thảo làm mới hình thức câu văn, bằng chủ tâm không đặt nặng nhu cầu tuân thủ văn phạm như vai trò chủ từ, động từ, bổ túc từ một mệnh đề, mà ông lại chú trọng tới phần hình ảnh, sử dụng nhiều tính từ để tạo làm thành một câu văn óng ả, đối xứng, nhịp nhàng... Nó có thể chảy dài lướt thướt hay ngắn ngủn. Cách viết của ông, sớm được một số người trẻ bắt chước.

Trong khi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một trụ cột khác của nhóm Sáng Tạo vẫn trung thành với lối viết cũ. Truyện của ông vẫn được xây dựng trên những yếu tố căn bản như cốt truyện, tâm lý nhân vật. Thí dụ truyện dài “Dòng Sông Ðịnh Mệnh.”

Người thực sự bước cả hai chân vào thế giới văn chương mới lại là họa sĩ DuyThanh với những truyện ngắn của ông. Mặc dù nỗ lực của ông không được dư luận thời đó chú ý đúng mức.

Về thơ, ngoài những bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, những tác giả khác vẫn tiếp tục dòng thơ tiền chiến hiểu theo nghĩa vẫn áp dụng âm luật một cách chặt chẽ, vững chắc cho những bài thơ bảy, tám hay, năm chữ của họ. Ðiển hình như đa số thơ của Tô Thùy Yên.

Ngay cả những bài thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, từng gây xôn xao văn giới một thời, khi ông đem nhiều hình ảnh đậm tính chất tây phương vào thơ. Nhưng lục bát Cung Trầm Tưởng vẫn tạo dựng trên nhịp chẵn hay nhịp đều và, căn bản là khai triển, đi nốt con đường lục bát do Huy Cận, Hồ Dzếnh khai phá từ thập 1940.

Ðó là khuynh hướng đoạn tuyệt loại lục bát được dùng như một phương tiện kể chuyện dễ dàng nhất. Hoặc hình thức chuyển tải tâm sự riêng của tác giả, dễ tìm được sự đồng cảm nơi người đọc.

Lục bát thời Huy Cận, Hồ Dzếnh là loại lục bất tiêu trừ chủ thể “tôi.” Chí ít cũng đẩy lui chủ thể “tôi” xuống hàng thứ yếu - Ðể tự thân hình ảnh, ngôn ngữ, không gian của bài thơ chiếm giữ ngôi vị hàng đầu. Tự thân bài thơ là xương sống, là máu huyết, là sức sống rực rỡ, chói lòa của chính nó.

Sự xuất hiện của lục bát Cung Trầm Tưởng trên Sáng Tạo, từng được cố nhà văn Mai Thảo gọi một cách thân yêu là “Bà Huyện Thanh Quan... Mới”!

Chưa một lần tôi hỏi tác giả “Ðêm Giã Từ Hà Nội” nguyên nhân sâu xa của ví von này. Nhưng hiển nhiên, theo tôi, khó có thể có một biểu lộ nào khác về lòng yêu mến lục bát Cung Trầm Tưởng nồng nàn hơn thế.

Tới đây, tôi cũng thấy cần ghi lại một sự kiện mang tính văn học miền Nam, 20 năm. Ðó là sự xuất hiện của dòng thơ Nguyên Sa, từ đầu mùa Sáng Tạo. Tiếc rằng, sự cộng tác của tác giả này, với Sáng Tạo không được dài lâu vì sự ngộ nhận hay xung khắc giữa Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền. (Tương lai, có thể tôi sẽ có một bài viết riêng về ngộ nhận đáng tiếc giữa hai nhà thơ tên tuổi đó.)

Ngay tự những số đầu tiên của Sáng Tạo, thơ Nguyên Sa dù là thơ vần điệu, thơ tự do hay, thơ xuôi, đã như cơn địa chấn, có sức quyến rũ dữ dội, đẩy xô những người làm thơ đang/còn ngập ngừng, e ngại trước phong trào thơ Tự Do, lao mình vào phong trào thơ tự do với niềm tin và, lòng hăm hở phơi phới.

Thí dụ “Tiễn Biệt” một trong những bài thơ của Nguyên Sa, in trong Sáng Tạo, có những câu như:

“...Sao người không đi vào không gian trong - Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông - Và sao lòng tôi không là vô tận - Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song...” (1)

Hay bài “Paris,” hình dung những phản ứng của tác giả, sau khi rời bỏ nơi chốn này. Ông viết:

“...và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris - để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn - và trên môi tôi - điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận - điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen - đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên - còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc...” (1)

Hay bài “Tôi Sẽ Sang Thăm Em”:

“Tôi sẽ sang thăm em - Ðể những mớ tóc màu củi chưa đun - Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền - Lùa vào nhau nhóm lửa...” (1)

Hoặc nữa, một bài thơ xuôi nhan đề “Mời”:

“...Tôi mời em vứt bỏ lại đàng sau những kinh thành buồn bã với phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ tú tài.

“Tôi muốn mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không phải đợi chờ vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đơn chiếc.

“Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé. Nhưng tôi sẽ không quên làm người đồng hành duy nhất để đưa em đi. Và tôi sẽ làm người lái tàu để không ai được dự phần vào câu chuyện đôi ta...” (1)

Ðó là một số bài thơ Nguyên Sa, xuất hiện trên Sáng Tạo. Lùi lại thời điểm trước 1960, tôi chưa thấy ai đem vào trong thơ, những hình ảnh, những liên tưởng, ẩn dụ... như thế.

Một số người có thể không thích thơ Nguyên Sa, vì nó không đáp ứng được những thắc mắc, những đòi hỏi siêu hình; hoặc vì thơ Nguyên Sa không thỏa mãn những tư duy triết lý trầm trọng của họ. Nhưng khó ai có thể phủ nhận những cái mới của thơ Nguyên Sa.

Trở lại với nhóm Sáng Tạo (không có Nguyên Sa), sự kiện trên diễn đàn này đã có cùng lúc hai dòng chảy cũ và mới. Tôi cho, cũng dễ hiểu. Thời gian đó, đa phần các nhà văn, nhà thơ của miền Nam vẫn tiếp tục đi tiếp con đường của dòng văn chương tiền chiến. Khác chăng, họ đào sâu hơn, tâm lý nhân vật. Những bối cảnh xã hội cũng mở rộng hơn và, không nhất thiết phải quy kết, tập chú vào một chủ đề. Chẳng hạn chủ đề giầu nghèo, chủ đề đả phá nếp phong kiến, ao tù hủ tục v.v...

Nói cách khác, ngay trên diễn đàn Sáng Tạo và, qua những bài lai cảo, được chọn đăng, người đọc thấy dường có song song, hai dòng chảy: Dòng thơ văn nỗ lực hướng về cái mới và, dòng thơ văn tiền chiến nối tiếp.

Với những nhận định trên, tôi muốn được gọi giai đoạn này là giai đoạn “dò đường” hay “mở đường.”

Phải đợi tới đầu thập niên 1960, khi lớp người mới, những cây bút sung mãn khát khao đi tới, thực sự nhập cuộc, lúc đó dòng văn chương miền Nam mới thực sự tách thoát và, từ đó, định hình.

Ðó là giai đoạn xuất hiện những tên tuổi như Dương Nghiễm Mậu, Quách Thoại, Nguyễn Ðình Toàn, Trần Dạ Từ, Mai Trung Tĩnh, Ðỗ Quý Toàn, Sao Trên Rừng (Nguyễn Ðức Sơn), Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Diễm Châu v.v... Hàng ngũ đông đảo những cây bút tiêu biểu này, dứt khoát tiến về phía trước, đã giúp cho con tầu văn học, nghệ thuật miền Nam vừa rời bến, còn dùng giằng, lưu luyến bờ cũ, thẳng ra biển khơi.

Trong bối cảnh này, thơ Trần Thy Nhã Ca xuất hiện.

Chú thích:

(1) Theo “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập”, (Tập 1). Ðời Xb. California, 2000.