Home Văn Học Điểm Sách GS. Phạm Vân Bằng và Hồi Ký

GS. Phạm Vân Bằng và Hồi Ký PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hải Los Angeles / Bích Huyền   
Thứ Tư, 07 Tháng 12 Năm 2011 06:50

 "Cánh bằng rộng mở đón vầng Đông ...Mừng ánh dương quang rực sắc hồng"

Tôi nhận được tác phẩm "Tình Yều Niềm Tin- Hy Vọng, Hồi Ký Phạm Vân Bằng", dầy 400 trang, được chia làm 14 chương, khởi đi từ Chương 1 là Ngày Cưới, ngày ấy là 5 tháng 4 năm 1971, cô dâu trong màu áo "La vie en róe", gấm Thượng Hải, buổi tiệc liên hoan được tổ chức tại nhà hàng Á Đông, Chợ Lớn. 

                                                  
Vì sách bao gồm 3 chủ đề chính "Tình Yêu - Niềm Tin- Hy Vọng", cả 3 yếu tố này đi sát với từng con chữ be bé li ti của sách, dù bị cận thị khá nặng độ, tôi đưa hai con ngươi duyệt sang nhiều trang, thỉnh thoảng ngạc nhiên bâng quơ, sao bà giáo Vân Bằng viết văn có thua chi những nhà văn nữ lãng mạn nhất trong văn học đâu nhỉ , ở ngay trang 18, tân lang bảo tân giai nhân như thế này:
 
“ "Cưng ơi, dậy đi, anh phải đi họp giờ đây!” Lại hôn, lại ôm, không muôn rời nhau...”
 
Cách đó không xa, chừng 2 trang, trang 20 tác giả ghi tiếp:
 
"Sau khi từ giả Bố Mẹ và các anh chị, tôi theo chồng đi với một cảm giác thật khó tả: vừa nhớ Bố Mẹ, vừa tiếc thời co gái tự do, nay "có chồng như gông đeo cổ" nhưng mà hạnh phúc dạt dào như sóng biển vỗ về mơn trớn khiến tôi thấy lâng lâng như mộng mơ!
Thật mà, người yêu tôi, người tôi yêu từ nay trở đi lúc nào cũng sẽ ở sát bên tôi, không còn phải "ước được nhìn thấy em khi thức dậy và được hôn em trước khi đi ngủ" như một thư tình hôm nào anh viết. "Anh yêu ơi, chúng mình sẽ hoàn toàn hạnh phúc bên nhau hoài hòa nghe anh!"
 
Liếc con ngươi sang trang 21, ngay bên cạnh ở dòng số 18, tác giả cho thấy tình yêu là hiện tượng rực lửa yêu thương như sau:
 
"Anh lại ôm tôi hôn, và thế là còn gì tôi phải lo, chỉ có tình yêu cháy bỏng của anh, đôi mắt rực lửa yêu của anh lúc nào cũng hút hết hồn tôi và vòng tay của anh có thể làm tôi tan thành nước"
 
Ấy, ấy, sức mạnh thần diệu của tân lang chả thua ông đèn thần Aladdin với biệt tài hóa phép khi thôi miên đối tượng. Chương đầu này cũng cho thấy "Niềm tin và Hy vọng" khi đức lang quân của tác giả ra môi trường chính trị quốc gia, chức dân cử tại quốc hội.
 
Cái giá trị của loại văn hồi ký khi cho độc giả những sự thật không dấu diếm, không thiên vị, sự thật nóng hổi, vừa thổi vừa xem, không vẽ vời thêm hoa lá cành, dù hối ký vốn được định vị là văn chủ quan, như một số chính trị gia khi viết chuyện cũ thường tạo ra những tranh luận. Hồi Ký Phạm Vân Bằng phải viết về hoạt động của người chồng, nhưng quân bình đi những vất vã của cuộc sống, của khó khăn thời cuộc bởi cái vui của vợ chồng, niềm tin trong cuộc sống tạo cho tương lai, thăng hoa hướng đi về sau.
 

 

 
 Sách cho thấy tác giả hình như nghiện "arts de samedi", tức cinéma, đi từ phim Doctor Zhivago (quay 1965) với các tài tử Omar Sharif trong vai Yuri, Julie Christie vai Lara, rồi đến Love Story (quay 1970) với các diễn viên như Ryan O'Neal trong vai Oliver Barrett IV và Ali MacGraw vai Jennifer Cavalleri, những phim mà giới mộ điệu nghệ thuật thứ Bảy mê tít thò lò.
   

                         
 Tôi phải cám ơn Hồi Ký Phạm Vân Bằng vì nơi chương 7 tức những trang di tản sang Huê Kỳ, có trại tị nạn Pendleton. nơi cưu mang tôi cho ăn cơm chùa, gần San Onofre, Oceanside, những từ ngữ lạ lẫm khi hai con ngươi của tôi đọc xuyên qua kiếng xe buýt trên những bảng chỉ dẫn trên freeway, thuở "ngáo ộp làm anh ba nhà mùa, nhà quê mới lên tỉnh" đã xa xưa.
 
Chính trang 164 ghi cái tên sao mà quen quen "chị Vân Nga", thảo nào GS. Anh Văn Phạm Vân Nga là chị ruột của tác giả Phạm Vân Bằng. Cô Vân Nga từ Mỹ về dạy anh văn tại Hội Việt Mỹ và tại Đại học Kinh tế Thương mại (thuộc Viện Đại học Minh Đức), cô mở cours học tại nhà, 4 đứa chúng tôi, Hải, Hà, Hạnh, Lan theo học anh văn tại gia, song song với việc học anh văn, cô Nga cho ăn đủ thứ món, nào là bún riêu, miến gà, bún thang,... Thú thật tiền học phí chỉ đủ tiền cô nầu ăn mà thôi. Bún riêu cô dạy chúng tôi phải mua cua sống về giã nhuyễn lấy nước cốt cho món bún riêu, Lan, Hạnh phụ cô bên bếp núc, Hà và tôi chuẩn bị bàn ăn. Teamwork mà lị! Thuở ấy rất vui, tôi nghe cô kể chuyên đi học bên Mỹ, mấy anh chị ba nhà mùa học trò chúng tôi mà nghe chuyện sang Mỹ chả khác chi truyện "Tư Ếch lên Sài Gòn". Rồi khi mùa Giáng Sinh đến cô trang hoàng nhà cửa cho không khí có chút gì chất vui vui đón mừng Noël, cô Vân Nga dạy đám chúng tôi ca Christmas carols như Silent Night, Jingle Bell, First Noel, Joy tothe World, Deck the Hall,... bài sau cùng tôi rất thích. Khi sang Mỹ, mùa Xmas đến các bạn học Mỹ rủ nhau đến các khu người già ca nhạc Giáng Sinh, thế là "đề tủ" của cô Vân Nga chân truyền được "anh ba nhà mùa" vác ra thi thố với bạn Mỹ, trời lạnh cóng vào ban tối mùa đông, mồm thở ra khói lạnh lẽo muốn chết mà vẫn cất giọng ca "Oh, jingle beo, jingle beo, Jingle all the way,...."
 

                                            
 
Mở đầu sách nơi trang Cảm Tạ, tên cô Vân Nga chểm chệ ngự trị ngay chỗ "top of the lines", cạnh tên Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh, tôi lẩm bẩm chả nhẽ Dr. Nguyễn Trọng Anh lại có dây mơ rễ má liên hệ với ông US Judge Nguyễn Trọng Nho sao vậy cà .
 
 

 
Tôi muốn đi ngược lại khi nhìn bìa sách vẽ con ó biển bay băng qua đại dương xanh ngát, bức tranh bìa thật tuyệt đẹp, do họa sĩ Phạm Văn Mùi sáng tác. Cụ chính là thân phụ của tác giả. Bìa bên trong giải thích cùng bài thơ Đường tặng tác giả do chính cụ thủ bút, bài thơ gửi tác giả được 6 tháng sau thì cụ mất, thọ 86 tuổi. Tựa bài là Chí Chim Bằng.
 
"Cánh bằng rộng mở đón vầng Đông
Mừng ánh dương quang rực sắc hồng
Mãnh lực vẫy vùng qua bốn biển
Hùng tâm vân vũ tưới muôn sông
Kinh qua thới thế rèn tâm trí
Nghĩa trọng tình thâm vẹn thủy chung
Đức độ nho phong gìn giữ mãi
Tương lai ắt toại chí tang bồng
 
Cali ngày 10 tháng 6 năm 1992
Phạm Văn Mùi"
 
Giáo sư nhiếp ảnh Lê Văn Khoa kể tôi nghe về cụ Phạm Văn Mùi, là một họa sĩ và nhiếp ảnh gia đa tài. Cụ xuất sắc trong cả hai lãnh vực này.
 
Về tiểu sử thì cụ sinh ngày 1 tháng 6 năm 1907 tại Nam Định, quê quán làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông. Có thể nói cụ là một trong những nhà nhiếp ảnh tiên phong của Việt Nam . Cụ bắt đầu khởi nghiệp cầm máy từ năm 1923 và từ năm 1932 đã khai trương phòng triển lãm riêng tại Nam Định và gửi ảnh tham dự thi trong các cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội và nhiều lần đoạt giải nhất. Di cư vào Nam năm 1954, cụ là hội trưởng Hội Nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 1958 đến 1971. Trong thời gian này, cụ gửi ảnh tham dự các cuộc Thi Ảnh tổ chức tại các nước Pháp, Hồng Kông, Singapore, Anh, Ý, Tây Ban Nha,... và giảng dạy các lớp nhiếp ảnh như tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh cũng như làm giám khảo những cuộc thi ảnh như bộ môn Nhiếp ảnh giải Văn học Nghệ Thuật của Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa từ năm 1969 đến 1975.
 

               Duyên dáng                   Suối tóc

                       
                                                                
Cụ từ trần vào ngày 25 tháng 11 năm 1992 tại Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
 
Những tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi như bộ ảnh Suối tóc, Cồn cát, Duyên dáng, Tâm tư, Theo chiều gió, Đôi dòng thác đã góp phần làm nên tên tuổi của cụ nổi tiếng. Riêng tác phẩm Duyên dáng đã được chọn trưng bày vĩnh viễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Brazil từ năm 1963 và cũng mang lại cho cụ nhiều huy chương quốc tế danh giá, hãnh diện cho người Việt Nam.
 
 
NAG Phạm Văn Mùi
 
Được biết cụ khởi nghiệp với môn hội họa trước khi sang nhiếp ảnh. Chính hội họa cho người nghệ sĩ có được sự nhận định tác phẩm vững chắc về nhãn quan cấu tạo bố cục và ánh sáng, nên khi người ấy chuyển sang phạm vi nhiếp ảnh rất dễ thành công. Họa sĩ, nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi thường chọn đề tài hay cảnh quang đơn sơ, bình dị như các bức ảnh nổi tiếng của ông, tuy vậy trong cảnh quang đơn sơ, mộc mạc như vậy thường cho người thưởng ngoạn sự xúc cảm dù là ngắm tranh hay xem ảnh.        

          Nắng soi khóm tre                          Ước mơ

                                                                                     
   
                     (Ảnh: Phạm Văn Mùi)

Giờ đây xin sang chương cuối cùng số 14, chương bàn sơ về biến cố Trần Trường, cơn sóng thần thịnh nộ của cộng đồng Việt tị nạn dâng cao dạo nào
 và những diễn tiến mà phu quân của tác giả được các giới chức Huê Kỳ hỗ trợ
vào vai trò Chánh Án đầu tiên của vùng Nam Cali, Chánh Án David O’Carte cổ võ mạnh mẽ cho LS Nho, vì khi ấy thống đốc Gray Davis muốn có một Chánh Án gốc Việt cho vùng địa lý có nhiều người Việt này. Thượng Nghị sĩ Joe Dunn cũng đã ủng hộ ông. Tưởng cũng nên ghi nhận vào năm 1995, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California Daniel E. Lungren trọng dụng ông vào chức vụ Phó Chưởng Lý (Deputy Attorney General) với trách nhiệm truy tố gian lận đối với người dân. Ông cũng giảng dạy tại các đại học trong vùng Nam Cali như Chapman University/School of Law, Whittier College of Law, và Western State University/College of Law.
 
Kỷ niệm trang sử thương tâm về thuyền nhân, tác giả Phạm Vân Bằng đã hỗ trợ công cuộc hình thành Bia đá Tưởng niệm Thuyền nhân tọa lạc tại thành phố Westminster, bà đã cùng vợ chồng nhà báo Ái Cầm và Thái Tú Hạp theo suốt diễn trình dài của lịch sử hình thành này.Tôi nhớ hôm ra mắt mô hình Bia đá Tưởng niệm Thuyền nhân tại khách sạn Anaheim Crowne Plaza, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho phát biểu trên sân khấu khi ông nêu cao giá trị "Tự Do" bằng câu nói của nhà chính trị gia có tài hùng biện Patrick Henry của giai đoạn chiến tranh cách mạng Hoa Ky, ông nói là: "Tôi nhớ Patrick Henry đã nói "Cho tôi tự do hoặc là cứ giết tôi đi" (Give me liberty or give me death)... Những người vượt biển và hy sinh trên Biển Đông chúng ta phải xem họ như là những vị anh hùng và họ mang đi mang theo một thông điệp Tự Do. Tôi đã ghi nhận trích đoạn này trong bài viết của mình.
 
 

       Tác giả cùng phu quân

 Xem xuyên qua 14 chương sách, tôi nói với tác giả của sách là câu kết luận cuối cùng dù bình dị, mộc mạc, nhưng rất tình người:
 
"Riêng tôi, giờ chỉ trông sẽ kiếm được một miếng đất vừa đủ rộng để trồng vài cây ăn trái và nuôi ít con gà cho ông cháu đuổi chơi, không giết thịt. Tôi muốn an hưởng tuổi già bằng cách đó với người tình trăm năm của tôi, Nguyễn Trọng Nho.
 
"Nho ơi, em sẽ yêu anh hoài hoài." “
 
Tôi xếp sách và bảo với bè bạn rằng câu cuối cùng ăn tiền quá rồi, vì nó đã nói hết nội dung quyển sách, y như cụ Phạm Văn Mùi dặn tác giả ở dòng thứ 6 của bài thơ "Chí Chim Bằng", thật vậy.
 
Việt Hải Los Angeles
 
oOo
 
* Sau đây là bài nhận định tác phẩm "Tình Yều - Niềm Tin- Hy Vọng, Hồi Ký Phạm Vân Bằng" của nhà văn Bích Huyền, xin mời xem:

  
Hồi ký Phạm Vân Bằng
  
Một vài cảm nhận của nhà văn Bích Huyền trong ngày ra mắt sáxh của Vân Bằng
 
Tình Yêu, Niềm Tin Và Hy Vọng, cuốn Hồi Ký của Phạm Vân Bằng, thời gian qua - mới đây thôi...- được dư luận xa cũng như gần xôn xao nhắc tới, khi Phạm Vân Bằng chuẩn bị tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm.
Như có những tiếng chuông vang lên reo vui trong không khí văn học hải ngoại.
Cuốn “Hồi Ký Phạm Vân Bằng” không còn chỉ dành riêng cho gia đình, họ hàng, thân hữu nữa (như Vân Bằng vẫn khiêm tốn nói thế) mà còn vang rộng ra ngoài vì yếu tố phương diện tâm lý, xã hội nữa. Nội dung Hồi ký phản ảnh một trong nhiều cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam một thời, khi đất nước chiến tranh, cốt nhục tương tàn vì Cộng sản miền Bắc xâm lăng.
Người đàn ông Việt Nam vào thời điểm đó vẫn còn là một cột trụ trong gia đình, nhưng phu quân của Vân Bằng lại là một thanh niên rất nhiệt tình tranh đấu cho lý tưởng "một nước Việt Nam trong sạch, công bằng, nhân ái, không Cộng sản". Khi hai người thành hôn, ông đã là một Dân Biểu. Lương Dân Biểu cộng lương Giáo sư đại học, thật là một sự kết hợp lý tưởng. Vậy mà...sao lại khó khăn?Vâng, chúng ta hãy lắng nghe Vân Bằng tâm sự:
 
(trích trang 119)
 
Chồng tôi, tính tình thật thà ngay thẳng nhưng thật tốt khó ai bằng, luôn luôn muốn giúp người, giúp đời. Giúp dân cứu nước là lý tưởng của anh cho nên cứ thế đeo đuổi quên cả thân mình và gia đình mình. Anh đã nhiều lần nói với tôi rằng tôi là anh và quên mất anh đã hứa sẽ cố làm cho đời tôi sung sướng. Bố mẹ anh em của anh thì dĩ nhiên anh ỷ y quá rồi chẳng nói làm gì nhưng tôi đây, chưa bao giờ cực đến thế này, tại sao anh vô tình đến thế?
“Em à, chúng mình cố gắng chịu đựng ít lâu, tương lai chắc sẽ không đến nỗi nào đâu cưng.” Anh an ủi.
“Không đến nỗi nào cưng!” Tôi nghĩ thầm, lòng chùng xuống khá não nề. Nhưng thôi, lời mẹ dặn lại đến trong đầu “ở hiền gặp lành, trời có mắt, thủy chung như nhất, thiệt một chút không sao!”
 
 Và tình yêu đã là năng lực giúp Vân Bằng thay chồng lèo lái đại gia đình chồng trên đôi vai nhỏ bé. Không những thế Vân Bằng còn hỗ trợ cho những sinh hoạt tranh đấu cũng như những công tác thiện nguyện của chồng. Nhiều khi phải chịu đựng muôn vàn khó khăn mới giữ được thăng bằng trong đời sống.
 
(Trích trang 122)
Tiền lời, món chi tiêu lớn nhất của tôi hàng tháng, tiền hụi, tiền chi phí cho Bác Sĩ và thuốc men cho dân nghèo hai mươi lăm ngàn, còn tiền cho đám cháy nhỏ mười ngàn, đám cháy lớn hai chục ngàn, ông phường xin hai ngàn cho đám ma, ông khóm xin một ngàn cho người tuyệt vọng, vân vân và vân vân, tất cả đều có trong sổ của tôi, không tháng nào số chi nhỏ hơn số thu.
 “Ở hiền gặp lành, Trời thương là được…” Tôi cứ phải tâm tâm niệm niệm lời mẹ dặn như kim chỉ nam cho đời mình mỗi khi xuống tinh thần.
 
Và cứ như thế mà Vân Bằng lo tìm cách trả những nợ nần chồng chất ấy.
Nào chơi hụi, nào buôn gạo, trồng khoai, nuôi cá... kết quả chẳng thấy lời đâu mà còn mất hết cả vốn.
 
Rồi những đớn đau của chia ly tan tác 1975 lại đè nặng lên vai người phụ nữ Việt Nam. Xin mời quí vị nghe lời kể của VB:
 
Chiếc xe buýt với máy đang nổ còn đó, người ngồi chật trên xe. Chúng tôi mừng như chết đi sống lại.
Đậu xe thật nhanh, chồng tôi dẫn chúng tôi lên xe buýt tới ba chỗ ngồi còn trống ở hàng ghế cuối cùng. Cửa xe đóng lại và xe chuyển bánh ngay lập tức.
“Ngừng lại. Cho tôi xuống.” Anh hét lên và chạy xổ về phía trước. Xe ngừng.
Tôi chưa kịp ổn định chỗ ngồi nghe anh đòi xuống, nước mắt tự nhiên ứa ra ướt đẫm mặt mũi. Tôi chỉ muốn chết luôn. “Không có anh bên cạnh, em làm sao sống nổi?”
“Em ơi, anh sẽ gặp lại em sau này. Anh yêu em.” Chồng tôi quay lại, hôn tôi, hôn con, nắm tay em Mai rồi lại quay đi. Tôi tuyệt vọng. ....
 
Tan nát cõi lòng, tôi ngồi chịu trận, để nhìn chồng bước xuống xe không quay đầu lại nhìn tôi, để mặc anh ở lại một mình, không có tôi bên cạnh.
Cửa xe đóng lại, xe chuyển bánh đưa chúng tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Trong suốt tám năm, từ ngày quen nhau, anh và tôi đã luôn luôn có nhau, luôn luôn bên nhau. Hôm nay, 26 tháng 4 năm 1975, chúng tôi phải xa nhau, không biết bao giờ gặp lại và có gặp lại được hay không. Tôi thẩn thờ không còn trí óc.  (trang 143)

Tâm tình rất thật, thật đến cảm động, của người kể. Từ ngôn ngữ đến văn phong- cùng những hồi tưởng, phải chăng đây là những tâm tư tình cảm chất chứa trong một góc tâm hồn, và giờ đây khi đã bước vào thời gian nghỉ ngơi, vui cùng con cháu, được dịp tuôn trào trên ngòi bút, Vân Bằng đã ghi lại được những điều thầm kín nhất của một người con, một người vợ, một mgười mẹ...nói chung là của một người Phụ nữ Việt Nam với bao lo toan vất vả.
 
Đọc “Hồi Ký Phạm Vân Bằng”, chúng ta hiểu được những điều thầm kín nhất của Vân Bằng qua ngòi bút chứa đựng nhiều tính cách nghệ thuật, Vân Bằng đã diễn tả một cách lôi cuốn người đọc phải đọc hết tác phẩm, bởi vì  ý tình sâu lắng, tế nhị. Kể mà không than trách.Và độc giả vui buồn với cuộc đời của Vân Bằng hiện ra trên từng trang sách.
 
Đọc “Hồi ký Phạm Vân Bằng”, chúng ta cảm nhận được không những một Vân Bằng ngọt ngào, gần gũi mà còn cảm nhận  được ở Vân Bằng sự nhạy cảm tưởng chừng như yếu đuối nhưng thật ra lại đầy cứng rắn, nghị lực của một phụ nữ Việt Nam kiên nhẫn, chịu đựng, cố gắng vượt khó.
 
Cảm ơn “Hồi Ký Phạm Vân Bằng” đã đưa chúng ta gần nhau hơn. Giúp chúng ta thêm niềm tin, sống sao cho ý nghĩa hơn... để cùng nhau bước nốt quãng đời ngắn ngủi trước mắt - nhưng quan trọng là trao lại niềm tin cho thế hệ tiếp nối "Đã có một thời ông bà, cha mẹ mình đã sống cuộc sống khó khăn như thế nhưng không ngừng vươn lên", để Tuổi-Trẻ-Việt-Nam bước trên hành trình mới, với nhiều lôi cuốn sôi nổi hơn, nhưng vẫn biết đâu là cội nguồn chân thiện mỹ.
Và câu hỏi tôi đã từng nghe những thính giả trẻ của tôi hay hỏi, bằng những hình ảnh đơn sơ nhưng lại lớn lao về hai chữ "Hạnh Phúc" thực sự vẫn là điều day dứt nhất với Tuổi trẻ ngày nay thì qua “Hồi Ký Phạm Vân Bằng” đã có câu trả lời: đó là Tình Yêu, Niềm Tin và Hy Vọng.
 
Riêng đối với tôi, “Hồi Ký Phạm Vân Bằng” là một bản trường ca về cuộc đời một người phụ nữ Việt Nam đã yêu và sống hết mình, bằng đôi vai nhỏ bé yếu đuối, bằng tình yêu bao la, bằng niềm tin và hy vọng… Vân Bằng đã vượt qua tất cả những chông gai trên bước đường đã đi qua để có được một cuộc sống tốt đẹp ngày nay.
 
Xin phép được tặng Vân Bằng hai câu thơ của một thi sĩ thời tiền chiến (nhà thơ Đoàn Văn Cừ) để kết thúc phần nói chuyện của tôi:
 
Hỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn
Cúi chào cô người vợ thảo mẹ hiền
Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn
Của sự dịu dàng tình âu yếm vô biên
 
Bích Huyền