Home Văn Học Điểm Sách Dạ Tiệc Quỷ

Dạ Tiệc Quỷ PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Lâm, biên tập viên RFA   
Chúa Nhật, 09 Tháng 1 Năm 2011 07:22

Hôm nay chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu một tác phẩm của nhà văn Võ Thị Hảo đó là Tiểu thuyết mang tên “Dạ Tiệc Quỷ”

 chưa chính thức xuất bản nhưng đã được tung lên mạng với nhiều chương sách.

               Nhà văn Võ Thị Hảo

Cuốn tiểu thuyết về thời kỳ đen tối và đau đớn trong lịch sử VN

Dạ Tiệc Quỷ dày khoảng 450 trang in, gồm 22 chương viết về một thời kỳ rất nhiều biến động và đau thương trong lịch sử Việt Nam, từ những năm 1954 cho đến nay.

Câu chuyện bắt đầu từ cảnh xác một người đàn bà đẹp thắt cổ treo dưới mái chuồng lợn. Ngay trước mõm con lợn nái, là một bé gái đang khóc trong chiếc nôi quý phái bằng lụa.

Đứa bé gái ấy là nhân vật chính tên Miên, mới tròn một tháng tuổi. Mẹ của Miên là tiểu thư Phượng là con gái của ông Cử, thầy giáo và thầy thuốc nông thôn đã bị đấu tố oan, bị đập chết ngoài ruộng lúa.

Miên là kết quả của việc ông Dậm cưỡng đoạt Phượng. Ông Dậm là một bần cố nông cơ hội. Lợi dụng việc vu khống và hãm hại người khác để đổi đời, chiếm đoạt ngôi nhà tài sản và vợ con của ông Cử.

Phượng tự tử chết khiến ông Dậm tức tối điên cuồng. Ông buộc Lình, là cậu con trai riêng của ông mang Miên ra chợ bán. Nhưng Lình đã không bán. Cậu mang đứa em cùng cha khác mẹ mới một tháng tuổi đi hành khất tha phương, tự học và nuôi em.

Chiến tranh chống Mỹ, sau năm Mậu Thân 1968, Lình bị gọi vào bộ đội và đi vào chiến trường miền Nam. Sau đó Lình bị thương, bị vùi dưới đống xác chết và thịt người trong trận chiến cổ thành Quảng Trị 1972, bị ám ảnh kinh hãi thịt người chết và thức ăn, bị tâm thần rồi trở ra Bắc.

Lình còn bị ám ảnh, ghê tởm những việc làm độc ác, đê tiện và cơ hội của người cha là Ông Dậm, ông này đã vận dụng tiền bạc tham nhũng, cùng với sự triệt hạ bạn bè... nên đã lên tới chức Bí thư tỉnh ủy.

Lình thấy nhục nhã vì đã mang trên người gương mặt và dòng máu của ông Dậm. Người cha còn có ý định hãm hiếp cả Miên, đứa con ruột của ông ta. Do coi Miên như con, Lình tự tử, Miên cứu được. Lình sống vì Miên. Nhưng anh đã dùng a xít hủy hoại gương mặt mang đường nét của ông Dậm.

Một cảnh đấu tố địa chủ trong đợt cải cách ruộng đất thập niên 1950.
Photo courtesy of vietcatholicnews.

Lình sống trong một ngôi nhà kín, nửa sống nửa chết với sự chăm sóc của Miên.

Miên lớn lên, lam lũ và rất xinh đẹp, làm thuê cho một quán cơm để sinh sống và lấy tiền thăm nuôi Lình trong trại tâm thần. Một trong những lần vào thăm nuôi anh, Miên bị một người thương binh, cũng bị ám ảnh đói vồ lấy, toan ăn thịt. Miên thoát được, do gặp một cô bé bằng tuổi cứu.

Nhưng một hôm, Miên nhìn thấy xác cô bé này dưới chân đồi, hai chân chết cứng giạng ra như cái kéo. Cô đã bị ba kẻ tai to mặt lớn của địa phương hãm hiếp đến chết. Thấy bị phát hiện, ba kẻ đó truy đuổi để giết chết Miên cho bằng được, nhằm bịt đầu mối.

Miên chạy trốn và số phận dạt cô lên một chiếc thuyền của người tị nạn và con thuyền này đã trải qua rất nhiều biến cố, bị cướp, phụ nữ bị hãm hiếp nhiều lần.

Miên được sự để ý đặc biệt của tên tướng cướp. Cô được giữ nguyên trinh tiết, để đem bán cho một nhà chứa cao cấp ở Hồng Kông. Công việc của cô hàng ngày là trang điểm thật đẹp và đứng trong tủ kính, gần như thoát y, để mồi chài du khách.

Một chủ hãng kim cương bỏ ra một món tiền lớn để chuộc Miên.

Và đến ngày Miên tỏa sáng. Cô giàu có, quyền lực.

Tại Việt Nam, người cha của Miên là ông Dậm, ngày càng chiếm lĩnh những vị trí cao. Không khí càng nghẹt thở. Các con cháu của ông đã được cài cắm vào những vị trí quan trọng.

Họ tạo nên một hệ thống mafia quyền lực đen tối, giàu có, tham nhũng và khát máu. Và rồi những cuộc ám sát bắt đầu. Nạn nhân là những kẻ tham nhũng và những kẻ đạo đức giả cỡ lớn...

Cuối cùng khi không thể tìm ra thủ phạm người ta nghi ngờ một cô gái đẹp sống khép kín trong biệt thự Hoa Hồng. Cô gái bắt bị kết tội và mang ra giết. Cô gái ấy là Miên đã trở về Việt Nam một cách bí ẩn.

Ông Dậm trở thành điên cuồng với hàm răng đầy máu, máu của người bị ông giết bị ông hãm hại…

Nhiều uẩn khúc, tình tiết

Hình ảnh được trưng bày tại Triển lãm cải cách ruộng đất tổ chức tại Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 5/1956.

Cuốn tiểu thuyết đầy phẫn nộ này đươc nhà văn Võ Thị Hảo viết với một văn phong lạ, chấp chới những uẩn khúc và nhiều tình tiết nửa thật nửa ảo. Nửa thật làm người đọc thấy rõ nơi mình đang sống trong một thời kỳ khủng khiếp. Nửa ảo còn lại là những cơn ác mộng gối đầu giường của các nhân vật trong truyện.

Nhân vật mang tên Dậm được tác giả Võ Thị Hảo khắc họa bằng những lát dao chằng chịt trên một chiếc bánh làm bằng kem, xộc xệch và dơ bẩn để lại một chân dung đầy những vết sẹo và không bao giờ lành lặn:

Ông Dậm nghiến răng chửi thề, co chân đạp vào bàn thờ.

- Khốn nạn! Lũ mê tín dị đoan chết rồi còn phá hoại thành phần cốt cán.

Chưa dứt lời, cạp quần lụa tía ông đang mặc bỗng rời lưng ông mà tụt xuống, phơi tô hô cặp mông lở lói chằng chịt sẹo và những vết ghẻ lở.

Chiếc quần lụa nằm thành một đống mềm nhũn dưới chân.

Ông Dậm day ngón tay lên chỗ đau trên trán, nhìn xóc lên bàn thờ. Lại nhìn xuống chiếc quần.

Màu lụa tía đã rung rúc lại khiến ông nhớ đến chủ cũ của ngôi nhà và chiếc quần này.

Với cách viết rất gần với thơ, đặc biệt ở thể loại thơ tự do, Võ Thị Hảo xuống dòng liên tục để nhấn vào những điểm then chốt mà văn vần không cho phép. Bà đã thành công khi buộc đôi mắt của người đọc liên tục đảo chiều tìm cho ra những tình tiết khá đắt giá trong chuỗi sự việc xảy ra.

Chiếc quần này ông chiếm được của ông Cử, quá rộng, quá dài so với thân hình vặn vẹo của ông Dậm.

Nhưng ông Cử thì không cần mặc quần nữa. Đã khá lâu rồi ông Cử không cần mặc quần. Vì là đã là linh hồn thì đâu cần quần áo. Linh hồn chỉ trần truồng mà bay.

Ông Cử đã sang thế giới bên kia.

Tiễn đưa ông, là một chiếc cọc. Ba sợi thừng chuyên trói chó để cắt tiết và buộc lợn vào thang mà thiến của nhà ông Dậm. Một loạt đạn trong nòng súng kíp tự chế.

Rộn ràng hơn, thêm ba nhát cuốc mẻ và mười bảy nhát vồ đập đất.

Để cho vỡ nát đôi mắt thảng thốt.

Cho vỡ nát cả cái uất hận đang đọng lại dưới tròng mắt mở chong chong.

Võ Thị Hảo đã tranh thủ kể lại một quảng thời gian đầy ác mộng của những con người sống trong giai đoạn đầu của một thời cải cách mà miền Bắc trải qua, bà kể chuyện ông Dậm mà như câu chuyện rất chung của cả một thời kỳ đen tối và đau đớn. Ông Dậm chỉ là một nhân vật đại diện cho cái bóng tối đầy ác mộng này:

Ông Dậm không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ông vừa nuốt nước bọt vừa thề rằng phải chiếm bằng được cô Phượng.

Vậy mà ai ngờ, ông Dậm đã mang được Phượng - tiểu thư ngàn vàng của ông bà Cử, về làm vợ hai. Phượng làm vợ hai ông Dậm ngay sau khi ông Cử bị xử tử, để cứu Long - người anh cả con trai duy nhất của ông bà Cử. Nhờ có cô em gái chịu lấy ông Dậm, Long không bị bêu đầu trên cọc bắn, chỉ bị cùm chân trong gian nhà kho, rồi trốn biệt tích ngay đêm đó. Phượng cũng đang đu mình trên dây, đang trèo tường định trốn đi, thì bị ông Dậm bắt trói lại. Chín tháng sau đã sinh cho ông Dậm một bé gái. Phượng đặt tên là Miên, còn ông Dậm đặt tên là Tép.

Đứa bé tên Miên ấy là nhân vật chính của Dạ Tiệc Quỷ, Miên xuất hiện bi thảm như lịch sử. Lịch sử dưới ngòi bút của Võ Thị Hảo mang đầy vết tích của những lần tự sát tập thể. Cái-chết-đám-đông trở thành khối từ bất dịch trong suốt quá trình chiến tranh. Vì là đám đông nên tử thi không còn căn cước, không còn khuôn mặt riêng, không còn cả tiếng rên khóc của từng cái đau nữa…Võ Thị Hảo cho những thây ma rợn ngợp một âm thanh chung đó là tiếng báo tin thắng trận trên đài radio mà vắng bặt tiếng thở dài than khóc của từng con người cụ thể.

Cuộc đột kích của bô đội miền Bắc năm 1976. AFP photo

Con số bẩy ngàn chín mươi ba cái xác tập thể cũng chỉ là con số trừu tượng, không phải là thống kê, là kết quả nhưng cuối cùng nó trở thành biểu tượng mà tác giả gọi là “lặng câm nghĩa địa”.

Hơn bẩy ngàn chín mươi ba xác người nằm lại trên mặt đất. Hai phía vào trận chỉ còn là những cái xác bất động. Lặng câm nghĩa địa.

Chỉ còn những lời kêu gọi và báo tin chiến thắng, tin thương vong ở cả hai phía cùng những bài hát đang ra rả phát đi từ những chiếc radio vẳng tới từ các nhà dân và đập vào mặt nước sông Hãn.

Những bộ máy cổ vũ chiến tranh đã không còn phải làm gì với những thây người trên thành cổ này.

Chỉ còn việc phải làm là tính trăm phương ngàn kế để che giấu con số thương vong. Lại khởi động hết cỡ những băng từ, những bài rao giảng và lên dây cót cho những người lính.

Hy sinh cùng căm thù. Căm thù và hy sinh. Giữ được độ say máu. Trông chừng và kiểm soát tất cả những phần tử có dấu hiệu uể oải của cuộc chiến. Dựng lên những hình tượng anh hùng và dũng cảm, đại loại như mẹ bóp mũi cho con thơ chết trong vòng tay để cứu lấy một người lính, hoặc một người lính hầu cùng chủ mình bị vây hãm trong rừng và đã cắt thịt đùi mình dâng cho chủ ăn để làm chủ no lòng.

Bộ máy khởi động chiến tranh còn quá nhiều việc để làm vào ngày mai và ngày hôm sau. Cần nhẩm tính số lượng trai tráng phơi thây trong cuộc đọ sức ngày mai và chuẩn bị cho đợt kế tiếp để kịp thời điều quân.

Cần lùa ra trận một loạt những người lính mà mười phần chắc chín sẽ gục ngã trước họng súng, trước lưỡi lê, chết mở trừng mắt.

Cũng cần phải tính toán thời điểm đắt giá nhất để rỏ vài giọt thương khóc những mạng lính trước công chúng. Những giọt nước mắt khóc vào thời điểm đẹp, rỏ xuống nơi đắc địa không làm ai tiếc thương người chết mà chỉ càng khiến bao kẻ sục sôi mong ước ra trận để làm một người hùng.

Chết nhanh và thắng nhanh. Khi có kẻ nhận ra sự phi lý thì đã muộn. Ý nghĩ đúng đắn duy nhất đã xám ngoét cùng da thịt đang bị hủy hoại.

Võ Thị Hảo đưa người đọc vào trạng thái bâng khuâng của thể loại siêu tưởng bằng những hình ảnh ma mị và lạnh lẽo rợn người. Khi một tử thi đặc biệt xuất hiện, sự tinh khôi của cô đã khiến hàng hàng lớp lớp tử thi khác phải sững sờ tê tái. Võ Thị Hảo đã vận dụng ngôn ngữ điện ảnh để phác họa một phân cảnh chứa nhiều ảo giác nhưng cũng đầy ẩn dụ:

Trong đám tử thi thuộc về năm loại người chết trận đang cử động, đang di chuyển một cách kỳ lạ bỗng náo loạn cả lên. Xuất hiện một cái thây tóc dài. Mớ tóc đen mượt bỗng chuồi ra. Những con quạ đang rúc vào nách lớp thi thể bỗng hoảng hốt kêu quàng quạc và vụt bay sang phía bên kia thành cổ, khiến cho những lớp máu dềnh lên như sóng cất lên tiếng kêu oài oạp rởn gáy như tiếng quạ.

Tử thi đó là một cô gái. Tóc đen mượt dính bết máu. Cô chết toàn thây. Đôi môi hình cánh hoa sen như môi đức Phật mím chặt, tái nhợt thành màu trắng.

Đó là cái thây phụ nữ duy nhất trên bãi tử thi này.

Những lớp tử thi đã lồm cồm trỗi dậy vì cồn cào kiếm tìm những phần đã mất của mình đang di chuyển một cách lào quào ngờ nghệch trong không khí bỗng đứng sững lại, nhìn cái tử thi phụ nữ duy nhất lạc lõng trong ánh trăng.

Trắng nhợt, thân hình eo thon. Bộ ngực đã chết vẫn nhô cao khiêu khích trong thân thể cứng đờ. Đôi mắt mở to nhìn sững lên trời mây trong tròng con ngươi đông cứng. Nhìn lại tưởng rằng mơ mộng. Thân hình người con gái lãng đãng như trôi dạt trên nền chiến địa.

Bảy ngàn chín mươi ba tử thi còn lại. Nhìn chằm chằm vào tử thi của người con gái không dưng lạc vào chỗ không phải của đàn bà.

Cô ta có thể là một cô gái vác đạn, cứu thương hay là một bé gái thường dân bị dồn đuổi vào trận địa, tình cờ nhập cuộc mũi tên hòn đạn?

 

Tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ tuy đã được viết xong từ lâu nhưng tác giả của nó gặp khá nhiều khó khăn khi xin phép xuất bản. Giới chức trách nhiệm đã tránh không nói tới tác phẩm này có vấn đề mà một từ khác đã được thay vào để từ chối, đó là từ “nhạy cảm”. Bà Võ Thị Hảo cho biết:

“Như các bạn biết ở Việt Nam muốn xuất bản bất kỳ cái gì cũng phải có giấy phép của nhà nước thì mới được xuất bản. Nếu bạn xuất bản bất cứ một cái gì đó mà không có giấy phép thì bạn sẽ bị phạt cùng rất nhiều hệ lụy khác chưa kể việc bị tịch thu. Tôi đã đi xin giấy phép ở nhiều nhà xuất bản nhưng họ không cấp phép nên tôi không xuất bản trong nước được.

    Việt Nam có một từ thường xuyên là nhạy cảm…họ không cấp phép do sợ bị kỷ luật.

    Nhà văn Võ Thị Hảo

Bao giờ họ cũng nói là tác phẩm này họ rất thích nhưng quá nhạy cảm. Việt Nam có một từ thường xuyên là nhạy cảm…họ không cấp phép do sợ bị kỷ luật.”

Dù sao thì Dạ Tiệc Quỷ cũng đã được tung lên mạng một cách công khai và tác giả của nó đang chờ đợi những hồi âm từ những công dân đặc biệt này. Dạ Tiệc Quỷ sẽ sống bao lâu trong lòng người đọc là điều cần có thời gian để chờ câu trả lời nhưng nếu hỏi rằng tác phẩm này có chất chứa điều gì của chính tác giả muốn chuyển tải hay không thì câu trả lời sẽ rất đơn giản: Xã hội chung quanh bà đã và đang hiển thị trong tác phẩm này một cách chân thực khó thể khước từ.

Theo dòng thời sự:

    * Nhà văn Võ Thị Hảo: đừng sợ hãi!

    * Cuộc cải cách ruộng đất 50 năm trước đây tại miền bắc (Bài 1)

    * Diễn biến cụ thể một vụ xử án địa chủ: Lời kể của một nhân chứng (Bài 6)

    * Ký ức ngày 30 tháng Tư, nỗi buồn và niềm vui lẫn lộn

    * 35 năm nhận ra nhiều điều

    * Tham nhũng đất đai dẫn đến bất ổn xã hội

    * Việt Nam ngày nay: kẻ ăn không hết, người lần không ra

    * Những tiếng nói cho công bằng xã hội