Home Văn Học Điểm Sách Thời Đại của tôi: Một kẻ sĩ trải qua các thời biến

Thời Đại của tôi: Một kẻ sĩ trải qua các thời biến PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Đình Thông   
Thứ Bảy, 06 Tháng 11 Năm 2010 12:50
  Trong bài ‘‘Guillaume, người con cầu tự Fatima’’, chúng tôi đã có dịp giới thiệu về giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trước năm 1975, giáo sư Thúc từng giảng dạy tại Viện Đại học Công giáo Dalat. Chiều 7 tháng 11 năm 2010,  Hội Ái hữu Đại học Dalat tại Âu Châu mừng Thượng thọ 90 tuổi của giáo sư. Bài viết này nói lên lòng tôn kính và biết ơn thầy dạy trong truyền thống giáo dục công giáo.

 v Trong sáu tháng đầu năm 2010, cơ sở Người Việt ở California lần lượt xuất bản hai tập hồi ký Thời Đại Của Tôi của Gíáo sư Vũ Quốc Thúc:

Ÿ Tập I, tác giả ‘‘nhìn lại 100 năm lịch sử’’;

Ÿ Tập II: ‘‘đời tôi trải qua các thời biến’’. 

Tác giả sử dụng thuật từ ‘‘thời biến’’ ( ) là muốn nói đến những biến động lớn của thế kỷ (les grands événements du siècle), minh họa cho 100 năm nhìn lại lịch sử của tập I. Ngoài bìa hai tập sách đều in hình Tháp Rùa : từ cành phượng vĩ xanh tươi xuân hạ của tập I chuyển sang cành lộc vừng heo hắt lá vàng thu đông. Sự biến đổi này đủ để diễn tả một thời biến động.

 Vào thế kỷ XIX, Bà Huyện Thanh Quan chứng kiến những thời biến một thời đã sáng tác ‘‘Thăng Long Thành Hoài Cổ’’ : 

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. 

100 năm sau Bà Huyện Thanh Quan, giáo sư Vũ Quốc Thúc nhìn lại những thời biến, sáng tác hai câu thất ngôn, thay cho lời kết luận toàn tập: 

Còn Trời, còn đất, còn non nước
Một thời vang bóng để mai sau.

Giáo sư Thúc ghi chú câu thơ mượn ý ba tác giả họ Nguyễn: Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), Nguyễn Tuân (1910-1987). 

 

 Ÿ Nguyễn Du có câu thơ lục bát ‘‘nhìn lại 100 năm lịch sử’’:

Trải qua một cuộc biển dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 

Ÿ Nguyễn Tuân viết tùy bút nói về hoài niệm xưa trong ‘‘Vang Bóng Một Thời:

‘‘Ánh nắng già dặn buổi trưa nung đốt mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớp không khí bốc từ mặt đất. Giống như vệt khói nhờ, nắng vờn qua những màu xanh bóng loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm.’’ 

Ÿ Nguyễn Công Trứ có bài hát nói ‘‘Kẻ Sĩ ’’. Trong chương trình giới thiệu sách có ghi: ‘‘Anh Lưu Văn Dân giới thiệu tác giả bài này là một Thụ Nhân gần thầy Thúc nhất phát biểu về thầy (10 phút)’’. Như vậy là ban tổ chức giao cho chúng tôi nói về sự nghiệp giáo dục của thầy. Giáo sư Vương Văn Bắc sẽ giới thiệu bao quát Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc.

v 

Trong Lời Mở Đầu tập II, giáo sư Vũ Quốc Thúc chia tác phẩm làm 5 thời biến mà tác giả gọi là hồi, giống như việc phân cảnh (découpage) của ‘‘cuộc hí trường’’, được nói đến trong câu phá đề của bài ‘‘Thăng Long Thành Hoài Cổ’’.

Trong hồi thứ ba, tác giả khởi nghiệp giáo dục. Giáo sư Vũ Quốc Thúc viết về giai đoạn này như sau:  

‘‘Tôi bắt đầu dạy ở Trường Luật Hà Nội từ khoảng giữa tháng giêng năm 1951, nhưng quyết định bổ nhiệm có hiệu lực hồi tố từ 1 tháng 1 năm 1951.’’ (tr. 295).  

Trong bài ‘‘Kẻ Sĩ’’, Nguyễn Công Trứ nói về trọng trách giáo dục như sau: 

Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị. 

Ÿ Phù thế giáo (扶世教) là muốn nói đến việc giáo dục nhiều thế hệ sinh viên;

Ÿ Thanh nghị (清議) là thẳng thắn đưa ra những nhận định khách quan về người và việc. 

Trong đoạn kế tiếp, tác giả viết:

 ‘‘Trong lúc làm giảng sư có xảy ra một vụ xung đột khiến cho tôi được tiếng là một người can trường và khẳng khái, nhất định phải đòi cho được quyền bình đẳng giữa các giáo sư người Pháp và người Việt. (…) Người ta không có thể phân biệt những giảng sư người Pháp và những giảng sư người Việt để trả cho giảng sư người Việt một số thù lao thấp hơn những giảng sư người Pháp.’’ (tr. 295-296).

‘‘Một vài câu thanh nghị’’ của giáo sư Thúc không những biểu lộ sự ‘‘can trường và khẳng khái’’, mà còn đưa ra những luận điểm mới mẻ về pháp lý vào thập niên 50. Nguyên tắc ‘‘nếu làm một công việc như nhau phải được thù lao như nhau’’ (tr. 296) : (à travail égal, salaire égal);  ngày nay được quy định nơi các điều L.140-2, L. 133-5 và L. 136-2, trở thành các điều L.3212-2, L.2261-22, L.2271-1 và R .2261-1 của luật lao động nước Pháp. Quy định này nhằm điển chế hóa điều 23 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:

 ‘‘Mọi người có quyền hưởng lương như nhau vì làm việc như nhau mà không phải chịu bất cứ sự kỳ thị nào’’. (Tous ont droit, sans aucune discrimination, à un salaire égal pour un travail égal).  

58 năm trước đây, giáo sư Thúc đòi hỏi việc áp dụng nguyên tắc pháp lý này trong bối cảnh hòa ước Giáp Thân (6-6-1884) công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở miền Bắc (Tonkin), đồng thời nói lên thẩm quyền luật học của mình.  

44 năm sau, bản án Ponsolle ngày 19-10-1996 của Tòa Phá án Pháp đưa ra án lệ về nguyên tắc mà giáo sư Thúc đã đòi hỏi ngay từ năm 1952. Khi hành động như vậy, giáo sư Thúc đã : Cầm chính đạo để tịch tà cự bí,Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên. 

Ÿ Tịch tà cự bí trừ khử những điều gian tà, ngăn cản những điều bất chính ;

Ÿ Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên là ngăn ngọn cuồng ba giữa dòng (đời). Giáo sư Thúc còn chống lại tác phong quan liêu của một đồng nghiệp người Pháp. Đồng sự này bất chấp những quy định của Thỏa hiệp Văn hóa Pháp-Việt: nếu khoa trưởng là người Pháp, phó khoa trưởng phải là người Việt. ‘‘Ở Trường Luật, tuy có hai Trung tâm Hà Nội và Saigon nhưng vẫn là một phân khoa.’’ (tr. 303).  

Giáo sư Khérian là khoa trưởng ở Saigon, giáo sư Vũ Quốc Thúc đương nhiên là phó khoa trưởng điều khiển Trung tâm Hà Nội. Ông Le Breton từ Pháp đến Hà Nội muốn giành chức vụ phó khoa trưởng, bất chấp các quy định ghi trong thỏa hiệp. Giáo sư Thúc đã viện dẫn văn bản khiến ông Breton phải từ bỏ ý định sai trái của mình. Giáo sư Thúc áp dụng nguyên tắc pháp luật ‘‘tịch tà cự bí’’, một lần nữa ‘‘chướng ngại bách xuyên’’, đả phá óc quan liêu (esprit mandarinal) của một giáo sư người Pháp (tr. 304).

 Giáo sư Thúc còn nhắc lại một kỷ niệm cũ: ‘‘…lúc đó ở Hà Nội vẫn còn theo lế lối cũ: các giáo sư mặc áo thụng, đeo gù bằng lông giống như các vị thẩm phán Tòa Đại hình.’’ (tr. 303). Giáo sư Thúc thường tiếp tôi trong thư phòng. Tấm hình năm xưa còn đó với áo thụng đỏ. Tôi xin chụp lại để ghi lại chứng tích vang bóng một thời: 

Năm 1953, giáo sư Thúc là bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong nội các Bửu Lộc. Với cương vị này, giáo sư Thúc đã đặt cơ sở cho hệ thống giáo dục nước nhà. Làm giáo sư hay bộ trưởng, mọi việc (trong vũ trụ) đều là phận sự của kẻ sĩ: 

Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng. 

Năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc từ chức, giáo sư Thúc trở về dạy học ở Trường Luật. Giai đoạn này đánh dấu việc chuyển ngữ : dịch thuật các thuật từ chuyên môn từ Pháp sang Việt: ‘‘Viện Đại học Quốc gia dạy toàn bằng tiếng Việt theo chương trình do các giáo sư Việt đặt ra. (…) Trong ngành kinh tế, tôi chuyển sang tiếng Việt rất dễ dàng. (…) Trong niên học chuyển tiếp 1954-1955 hãy còn nhiều môn chưa thể giảng dạy bằng tiếng Việt. Nhưng đến đầu niên khóa 1955-1956, chương trình đã được Việt hóa hoàn toàn.’’ (tr. 323).  

Sau năm 1954, giáo sư Vũ Văn Mẫu làm bộ trưởng Ngoại giao, Hội đồng Khoa bầu giáo sư Thúc vào chức vụ Khoa trưởng Trường Luật đến năm 1963.

Sau 1963, giáo sư Thúc ‘‘chỉ còn phụ trách hai môn toàn niên, mỗi tuần lễ mất chừng sáu tiếng phải hiện diện ở Saigon. Còn những ngày khác tôi ở nhà trong Làng Đại Học sống như một người ẩn dật. Trong thời gian đó tôi đã lấy lại được sự thư thái tinh thần và hàng ngày có thể ra làm vườn’’. 

Trong hồi ký, giáo sư Vũ Quốc Thúc thuật lại việc giảng dạy tại Trường Chánh trị Kinh doanh Viện Đại học Dalat như sau:

‘‘…vào lúc này tôi đã được giáo sư Phó Bá Long, phụ trách Phân khoa Chính trị Kinh doanh ở Viện Đại học Dalat, đích thân mời tôi giảng một môn kinh tế trong Trường Chính Trị Kinh Doanh. Khỏi cần nói tôi đã nhận lời ngay vì từ trước tôi vẫn có cảm tình với Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập. Vả lại, cộng tác ở nơi đó không phải liên tục ở Dalat mà chỉ cần lên Dalat mỗi một niên học chừng hai tuần lễ để dạy hết môn của mình và cuối năm trông thi: có thế thôi. Như vậy công việc không có gì nặng nề, vả chăng lúc đó tôi cũng không bị ràng buộc chi ở Saigon.’’ (tr. 417) 

Từ những năm 60 đến nay là 40 năm, giáo sư Thúc trải qua nhiều thời biến. Nhưng sự nghiệp giáo dục là một hằng số, không hề biến đổi trong suốt cuộc biển dâu. 

 Trong diễn văn ngày 28-4-1965, Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tuyên bố: 

Ý thức trách nhiệm của mình trong phạm vi giáo dục và để khắc phục mọi khó khăn, chúng tôi thường tâm niệm lời giáo huấn của cổ nhân:

“Kế một năm không gì bằng trồng lúa,
Kế mười năm không gì bằng trồng cây,
Kế trăm năm không gì bằng trồng người.
Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân.’’
(      ,        ) 

Từ đó, “Thụ Nhân” ( ) trở thành danh hiệu thân yêu đối với cả thầy lẫn trò xuất thân từ Viện Đại Học Dalat. Như bảng vàng lưu niệm mà anh Phạm Trọng Khoát, chủ tịch Hội Ái hữu Đại học Dalat tại Âu Châu, vừa kính dâng thầy. Thầy Vũ Quốc Thúc có công vun sới tâm trí Thụ Nhân, nghĩa là vun trồng con người toàn diện. Từ nhiều năm nay, thầy hằng quan tâm nâng đỡ các sinh hoạt của hội. Thầy thương yêu mỗi môn sinh. Đối với riêng tôi, ngoài tình thầy trò, thầy còn là từ phụ, luôn bảo ban, dẫn dắt. Trước đây là mỗi tuần và sau này là mỗi tháng, thầy cho tôi được dịp hầu chuyện thầy. Thầy kể cho tôi nghe nhiều chuyện nhân tình thế thái không thấy nói trong hồi ký. Những lời tâm sự của thầy giúp tôi học làm người. Thầy thường tiếp tôi trong phòng làm việc của thầy. Trên tủ sách có tấm hình thầy trò chụp trong một buổi thuyết trình. Tôi không có hình này nên xin phép thầy được chụp lại. Tôi cũng in lại nơi đây như một cách bầy tỏ lòng biết ơn thầy. 

Ngoài ra, tôi có dịp thuyết trình về kinh tế cùng với Tiến sĩ Vũ Mộng Lan là ái nữ của thầy. Chị Lan có mặt trong buổi sinh hoạt chiều nay. Xin chị Lan cho các anh chị trong hội Thụ Nhân được kết tình chị em. 

        

Cựu môn sinh của thầy ngày nay tản mát khắp nơi, từ trong nước đến hải ngoại: Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc, Canada v.v. Dù non sông cách trở, chiều nay, tất cả các cựu sinh viên Trường Đại học Luật khoa Hà Nội và Saigon, Học viện Quốc gia Hành chính (Saigon), Trường Chính Trị Kinh Doanh (Dalat) ở khắp nơi đều hướng về thầy, kính chúc Thầy Cô được luôn khỏe mạnh để hoàn thành sứ mạng mà thầy hằng ấp ủ. 

v 

Trong bài thuyết trình hôm nay, chúng tôi mượn bài hát nói Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ để trình bầy về sự nghiệp giáo dục của giáo sư Vũ Quốc Thúc. Khi viết bài, chúng tôi phân vân tự hỏi: tại sao Nguyễn Công Trứ lại đặt tên cho bài hát nói là Kẻ Sĩ. Trong ‘‘Đại Nam Quốc Âm Tự Vị’’, Huỳnh Tịnh Của định nghĩa ‘‘Kẻ’’ là ‘‘tiếng chỉ người’’. Nhưng theo từ nguyên, phải chăng ‘‘Kẻ’’ còn có nghĩa là (thước) kẻ thẳng thắn, mẫu mực? Trong tiếng Pháp, ‘‘règle’’ vừa là thước kẻ, lại vừa có nghĩa là luật lệ (loi) và quy phạm (norme). Theo định nghĩa này, thầy Thúc là Kẻ Sĩ: vừa chuyên khoa luật pháp (loi), lại vừa là nhà giáo dục (norme). Cái thước kẻ còn diễn tả ý nghĩa ‘‘tiết trực tâm hư’’ ( ) của cổ nhân, nói lên sự can trường, khẳng khái (tr. 295) của sĩ phu. 

Khổ xếp bài Kẻ Sĩ có ba câu dồn, xếpkeo, nói thay tâm sự của giáo sư Thúc :

Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẫm việc đời, mà gẫm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh. 

Kính thưa thầy Vũ Quốc Thúc, trong ngày mừng Thượng thọ của thầy, chúng con thưa với thầy là chúng con yêu mến thấy. Chúng con mạo muội làm bài thơ sau đây kính dâng thầy : 

Áo đỏ thầy mang cũng đã lâu,
Ngày xưa giảng dạy mãi nơi đâu.
Kinh bang tế thế, chuyên khoa mới,
Quốc kế dân sinh, sách lược đầu.
Chính trị Kinh doanh nhiều lợi ích,
Phân khoa Luật học lắm nhu cầu.
Ngày xưa áo thụng nơi trường ốc,
Áo đỏ trăm năm cuộc bể dâu.


Paris, ngày 7 tháng 11 năm 2010
Lê Đình Thông