Home Văn Học Điểm Sách Sách ‘Bóng Đêm & Sứ Mạng’ Cuộc Chiến Của Lính Biệt Hải

Sách ‘Bóng Đêm & Sứ Mạng’ Cuộc Chiến Của Lính Biệt Hải PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải   
Thứ Bảy, 18 Tháng 9 Năm 2010 15:01

 Họ là những chiến sĩ trong bóng đêm. Họ là những chiến binh của VNCH, ôm súng bơi từ thuyền xa vào bờ phía Bắc, bên kia vĩ tuyến,

để thực hiện những chuyến công tác tối mật. Có khi họ lẩn vào xã hội Miền Bắc để sống lặng lẽ, có khi họ bắt cóc một cán bộ xã, huyện của CSVN để đưa về khai thác ở

 
Bìa sách “Bóng Đêm Và Sứ Mạng.” 
miền Nam VNCH, có khi họ chụp hình bản đồ một số nơi ở Bắc Việt, và có khi để giải cứu tù binh Mỹ nơi các trại giam kiên cố ở phía Bắc VN.

Họ đã sống lặng lẽ trong bóng tối của Cuộc Chiến VN, họ đã nhảy toán để tác chiến đấu ở các mặt trận cam go nhất, nhiều người trong họ  đã hy sinh và chỉ được nhắc tới và tưởng niệm bởi các đồng đội trong những buổi hội ngộ hằng năm, và bây giờ -- gần nửa thế kỷ sau -- một tác phẩm mới được xuất bản để nói về Lực Lượng Biệt Hải. Tác phẩm có nhan đề “Bóng Đêm & Sứ Mạng” đã xuất hiện như thế, đã phát hành từ tuần qua, và đã được  viết bởi nhiều người lính Biệt Hải còn sống sót, trong đó từng dòng chữ viết cảm động ghi lại một cuộc chiến bí mật, ghi lại hình ảnh những đồng đội đã hy sinh, và toàn cảnh một thời tuổi trẻ của họ đã dâng hiến cho cuộc chiến vì tự do của Miền Nam VN.

Tác phẩm dày 586 trang, in nhiều hình ảnh về một cuộc chiến bí mật, xuất bản bởi Nha Kỹ Thuật, khởi đầu là Lời Cảm Tạ của Nguyễn Trâm, đại diện Gia Đình Biệt Hải Hải Ngoại, rồi tới Lời Giới Thiệu của GS Nguyễn Lý Tưởng, cựu dân biểu VNCH, và bài viết của hàng chục cựu chiến sĩ Biệt Hải. Bài viết nào cũng mang theo những hình ảnh cảm động về một cuộc chiến đã qua, và dòng chữ nào cũng âm vang lại những đợt sóng biển của những đêm đổ bộ đất Bắc một thời thanh xuân của họ.

Với tiểu đề “Hoạt động chiến tranh ngoại lệ - Lực Lượng Biệt Hải,” tác phẩm “Bóng Đêm & Sứ Mạng” đã lần đầu tập hợp nhiều bài viết giúp độc giả hiểu được về một mặt khác ẩn tối của cuộc chiến – không chỉ là cuộc nội chiến giữa Miền Bắc Cộng Sản và Miền Nam Tự Do, mà còn là cuộc chiến bảo vệ lãnh hải quê nhà, trong đó nổi bật là những trận đánh trên đảo Hoàng Sa. Lúc đó, Biệt Hải đã đổ bộ lên đảỏ Quang Hòa trong vùng Hoàng Sa để tiếp trợ cho đơn vị Hải Kích của Hải Quân VNCH. Lúc đó, kẻ thù là những người nói tiếng Tàu. Lúc đó, có lúc Biệt Hải đang mặc trang phục ngụy trang làm bộ đội CSVN... Một cuộc chiến khó nhìn thấy giới tuyến.

Nơi trang  542, bài viết nhan đề “Toán Biệt Hải đổ bộ lên đảo Hoàng Sa trong cuộc hải chiến ngày 19-1-1974” viết lại bởi Biệt Hải Nguyễn Châu và Nguyễn Trâm, được ghi chú là “Để tưởng nhớ Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng và các anh linh chiến sĩ VNCH đã tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa,” trong đó đã kể về việc tranh chủ quyền đảo gay go những ngày trong năm 1974. Trích:

“...Hôm sau, ngày 18-1-74 lúc xế trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi theo, tất cả súng đạn đầy đủ nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi đi lục soát một vòng không thấy có quân Trung Cộng trú đóng, toán Biệt Hải đã khám phá và tịch thu được một lá cờ của Trung cộng hơi cũ, cùng một tấm bảng chủ quyền viết bằng chữ Hán, nét mực còn mới cắm trên đảo trước khi toán Biệt Hải đổ bộ vào. Ngoài ra, không còn thấy dấu vết gì khác, ngoại trừ những cây cối lưa thưa mọc cao không quá đầu người và một số cỏ gai nhọn chết khô lâu ngày, được gió biển cuốn tròn nằm lăn lóc trên mặt đất san hô và vô số phân chim! Tất cả những chi tiết trên đảo đã được vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải thông báo ra cho Hạm Trưởng ngoài tầu biết. Sau khi toán Biệt Hải đi ra và lên hết trên tầu rồi thì một số anh em Hải Quân lại được lệnh đổ bộ vào để canh giữ đảo Cam Tuyền. Chiếc HQ-4 được lệnh tiếp tục chạy sang hải phận của đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm đó, trên tầu đã cho mở nhiều bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp như để nhắc nhở bổn phận của người lính Hải Quân/QLVNCH phải hết sức giữ gìn lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tánh mạng đã làm nức lòng người nghe, trong đó có toán Biệt Hải chúng tôi.

Sáng sớm ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, lúc 5 giờ 40 sáng, toán Biệt Hải tiếp tục nhận lệnh đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan). Toán Biệt Hải của chúng tôi đã vào được đến bờ nhưng trời còn tối nên tất cả được lệnh nằm trên bờ biển chờ trời sáng. Phần lính gác Trung Cộng có lẽ không ngờ toán Biệt Hải đổ quân ban đêm nên không để ý và không hay biết gì cả. Trước khi xuống thuyền vào đảo, chúng tôi được cấp trên cho biết trên đảo hiện đang có quân Trung Cộng trú đóng. Đến nơi, thừa lúc trời còn tối, tôi liền dẫn vài anh em đi một vòng lục soát trong phạm vi của toán, để có gì khi đụng trận sẽ dễ dàng bảo vệ nhau hơn. Lúc 7 giờ 30 sáng, khi mặt trời hướng Đông bắt đầu ló dạng, tôi, trong nhiệm vụ tiền sát đi đầu mon men dò dẫm đã phát giác ra được một giao thông hào do quân Trung cộng đào sẵn. Tôi tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi được khoảng 60 hoặc 70 thước thì gặp quân của Trung cộng đang đứng chận đầu. Hai bên thấy mặt nhau nhưng không bên nào nổ súng! Phía trước mặt, hiện chúng tôi đã nhận diện được quân số của Trung Cộng khá đông, tất cả chúng đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến, chăm chú nhìn chúng tôi ra vẻ nghi ngờ, không biết chúng tôi là phe nào? Lý do là vì cách trang phục của toán Biệt Hải hao hao giống bộ đội du kích Bắc Việt, kể cả vũ khí trang bị.

Khi khoảng cách hai bên cách nhau không tới 4 mét thì vào lúc này, một số cấp chỉ huy và lính Trung Cộng rời hầm phòng thủ vừa đi ra, vừa nói bằng tiếng Hoa và đồng thời lấy tay ra dấu đuổi toán Biệt Hải chúng tôi rời khỏi phạm vi hải đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung cộng, muốn chiếm thì đi sang đảo khác! Ngược lại, toán Biệt Hải của chúng tôi cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo nầy thuộc chủ quyền của VNCH, quân Trung cộng phải rời khỏi đảo. Một bên tiếng Tầu, một bên tiếng Việt, lúc đầu không ai hiểu ai. Có lúc lời qua tiếng lại rất hăng, hai bên đã quơ tay đụng nhau...” (hết trích, trang 545-546)

Trang 32-40, trong bài viết “Sự Hình Thành và Hoạt Động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật,” tác giả Nguyễn Thanh Hoài mô tả sơ lược về các cuộc hành quân của Biệt Hải, trích:

a. Các cuộc hành quân lấy tên là LOKY:

Các cuộc hành quân này có mục đích bắt tù binh kể cả ngư dân và cán bộ Cộng Sản đưa về tại trại Phoenix để khai thác tin tức cung cấp các mục tiêu quân sự tại Bắc vĩ tuyến 17 cho Hạm Đội 7 Hoa Kỳ oanh tạc.

Theo khả năng thì các chiến đỉnh PTF của Sở PVDH chỉ hoạt động lên đến vĩ tuyến 20 (Thanh Hoá) nhưng có đôi lần các chiến đỉnh này hoạt động lên đến Bạch Long Vỹ. Trong suốt thời gian hoạt động, Sở PVDH đã bắt hơn 500 ngư dân, công an và cán bộ các hợp tác xã ngư nghiệp tại miền Bắc.

Sau khi đem về trại Phoenix để khai thác tin tức. Cán bộ Sở PVDH tuyển chọn trong số này những người thù ghét chế độ Cộng sản, huấn luyện họ làm mật báo viên dài hạn (Sleeping Agents) chờ ngày giải phóng miền Bắc. Sau khi hoàn tất việc huấn luyện cách thu thập tin tức, cách viết bí mật thư ...

Những người này được chuyển sang trại DoDo để nơi đây huấn luyện (Indoctrination) về chủ trương và đường lối của Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc do các cán bộ của Sở Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Nha Kỹ Thuật hướng dẫn dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc. Ngoài ra các cán bộ Sở TLC cũng khai thác thêm các tin tức liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để hoạch định các công tác Tâm Lý Chiến cho đài Tiếng Nói Tự Do và đài Gươm Thiêng Ái Quốc thuộc Sở TLC/NKT.

Sau một thời gian, tất cả những người bị bắt đều được trả về miền Bắc và mỗi một người đều được tặng một gói quà gồm Radio, mùng, mền, lưới cá, cước v.v... do Sở TLC/NKT thực hiện. Mỗi một lần thả, họ đều được PTF chở ra vùng họ ở, cho xuống một chiếc ghe hoặc một cái thúng chai để họ chèo vào bờ.

Hầu hết những người được thả khi về đến địa phương đều bị Cộng sản Bắc Việt tịch thu hết các quà tặng, gây nhiều căm phẫn cho nhân dân và gia đình. Đặc biệt, có người sau một thời gian lại cố ý ra biển để được bị bắt lại. Bởi lẽ, đời sống của người dân miền Bắc, đặc biệt là ngư dân, quá cực khổ và đói kém. Khi vào trại của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc được ăn uống no đủ, áo quần mới, đối xử tử tế nên họ - mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ là miền Nam Việt Nam - rất có cảm tình với phong trào và cung cấp nhiều tin tức quân sự có gía trị cao.

b. Những cuộc hành quân lấy tên là CADO:

Do các toán Biệt Hải đổ bộ vào bờ để đột kích hoặc bắn phá các đồn Công An biên phòng tại các cửa biển hoặc các cơ sở trên đất liền. Cũng năm 1964, một toán Biệt Hải đã đổ bộ và bắn phá nhà máy nước Bầu Tró (Đồng Hới) gây nhiều thiệt hại cho nhà máy nàỵ Nhiều lần các toán Biệt Hải đổ bộ và bắt cóc cán bộ Bắc Việt trong các làng ven biển tại Đồng Hới, Quảng Bình ra đến Nghệ An, Thanh Hóa...”(hết trích)

Trong bài “Những chuyến đi định mệnh” của Biệt Hải Hồng Phúc, trang 387-401, đã kể về những chuyến đổ bộ vào đất Bắc. Hình ảnh Biệt Hải từ Miền Nam đổ bộ nửa đêm vào Miền Bắc để tìm bắt cán bộ CSVN được kể, trích:

“...Trưởng Toán Ấn ngồi cạnh cầm máy liên lạc báo thẩm quyền ngồi PTF biết hiện hai thuyền cao su đã tiến gần sát mục tiêu. Bất chợt, ông bảo người lái thuyền tắt máy rồi ra dấu cho mọi người lấy dầm chèo, tay chèo nhè nhẹ cho thuyền tiến vào bờ vì sợ tiếng máy trên xuồng cao su gây nên tiếng động tạo sự chú ý cho những toán dân quân bộ đội đang tuần tiễu trên bờ.

Khi thuyền cao su cách bờ khoảng 100 mét ông bèn cắt hai người ở lại giữ thuyền và dặn dò họ phải bảo vệ cẩn thận. Còn lại tám người, chân nhái súng đạn nhẹ nhàng lao mình xuống nước, bám nhau bơi thẳng vào bờ. Khi chân chấm đất, hai tiền sát vội chia hướng chạy lên phía trước quan sát địa thế. Hồi lâu, một trong hai người đứng trên ra dấu an toàn bằng đèn hiệu. Nhận đúng ám hiệu, trưởng toán Ấn cho lệnh tất cả chạy nhanh về hướng tiền sát đang đợi.

Theo sự hoạch định ở phòng thuyết trình thì toán có bổn phận len lỏi tìm kiếm đến nhà cán bộ, nhưng khổ nỗi trước mắt hiện thời quang cảnh hoàn toàn khác hẳn những gì đã được mô tả trong phòng thuyết trình. Từ thời tiết đến cảnh vật, tất cả đều lạ lẫm thì nói gì tìm đến được nhà cán bộ trú ngụ lúc này! Giờ thì “một phút lỗi lầm, ngàn năm di hận”.

Sau mấy phút suy nghĩ, Trưởng Toán Ấn nhanh chóng quyết định, gọi hai tiền sát đến bảo nhỏ, hai anh cố bám theo đường mòn đi lần tới bìa làng rồi tìm vào căn nhà đầu tiên ráng bắt cho được một người, bất luận đàn ông hay đàn bà rồi khôn khéo dụ hỏi may có thể tìm ra manh mối.

Hai người tiền sát y lời cùng sáu anh em âm thầm mò mẫm lần tới. May thay họ đã gặp được một căn nhà lá xiêu vẹo nằm trơ trọi đầu xóm, sát bên lề đường. Theo lời căn dặn của trưởng toán, Thi và Tiến len lỏi vào đứng trước cửa nhà gõ cửa. Ở trong có tiếng vọng ra hỏi lớn: “Ai đó?”  Với giọng phát âm rất đúng địa phương Quảng Bình, Thi lên tiếng: “Tụi tui là công an của huyện, yêu cầu đồng chí mở cửa”. Cánh cửa phên từ từ hé mở. Một người đàn ông lớn tuổi đứng trong ló đầu ra ngoài, trên tay đang cầm một ngọn đèn dầu đốt bằng tim bấc. Khi ông này nhìn thấy hai người tiền sát tất cả đều mặc áo quần bà ba đen, quần xắn ống cao ống thấp lộ hẳn đôi dép râu Bình Trị, trên vai cả hai đều mang AK-47 như thể các công an của huyện xã thứ thiệt làm cho người đàn ông tưởng thật không tỏ vẻ nghi ngờ. Sẵn đó, hai anh liền yêu cầu ông ra trước sân nhà nói chuyện cho tiện. Lúc đó tổ bắt tù binh ai nấy bố trí sẵn sàng trong các lùm cây bên hông nhà. Vừa trông thấy người đàn ông lững thững đi ra, nhanh như cắt tất cả nhảy ra cùng một lượt mạnh tay đè người đàn ông này xuống, lấy còng khóa vào hai cổ tay và đồng thời dí súng vào bên hông dẫn người thường dân kia vừa đi vừa chạy, thoát nhanh khỏi căn nhà một quãng khá xa...”(hết trích)

Cuộc chiến hào hùng như thế, cảm động như thế... Một thời tuổi trẻ của chiến sĩ Biệt  Hải đã hào hùng như thế, đã cảm động như thế. Lẫn trong những dòng mực đen của chữ in trên trang sách có cả máu của một phần thân thể của họ, và cả máu của các Biệt Hải đã hy sinh – nơi Hoàng Sa, nơi những bờ Biển Bắc, và cả trong các nhà tù ở phía Bắc. Ghi chú: các đoạn trích dẫn trên từ sách “Bóng Đêm & Sứ Mạng” là dẫn từ một số bài đã đăng trên báo của các chiến sĩ Biệt Hải và sửa theo bản mới in trên sách.

Nói ngắn gọn, đây là tác phẩm cần có trong tủ sách của những người quan tâm về lịch sử của một cuộc chiến hào hùng.

 Trần Khải