Câu đố Bến Tre PDF Print E-mail
Tác Giả: SE sưu tầm   
Thứ Tư, 29 Tháng 2 Năm 2012 08:15

Đố và đáp vốn là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian khá phổ biến ở Bến Tre trước đây. Người già cũng như người trẻ, ai cũng được năm ba câu đố và cũng từng được người khác đố.

 Vì vậy, chúng ta có thể bắt gặp nhiều loại câu đố khác nhau ở bất cứ nơi nào trong tỉnh, từ vùng Chợ Lách cây trái sum suê đến vùng ven biển Thạnh Phú, Ba Tri, từ bờ sông Tiền đến bên bờ Cổ Chiên.

Cuộc chơi có tính chất trí tuệ, linh hoạt này có thể diễn ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, không cần phải chọn lựa địa điểm, thời gian. Có thể đố nhau trên đồng ruộng, trong những phút nghỉ ngơi, nơi bến sông cùng chờ một chuyến đò ngang, hay trên một chuyến đò dọc, trên một chặng đường đất đi chung, hay dưới một bóng cây giữa trưa hè oi bức. Cuộc đố và đáp cũng được diễn ra ở nông thôn vào những đêm trăng thơ mộng nơi sân nhà, người tham gia quây quần quanh ấm nước chè thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Trẻ em cũng thường đố nhau khi ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, nơi bờ kênh, hoặc trên đường tung tăng chân sáo, cắp sách đến trường. Những cuộc đố vui cũng là một cách giải trí tinh thần, vì chủ yếu người chơi dùng óc phán đoán, liên tưởng, suy luận. Có ý kiến cho rằng câu đố cũng là một bài toán – không phải là toán số học mà là "toán văn học” – đòi hỏi người giải phải tuân thủ một lôgích hợp lý, chặt chẽ theo cách riêng của câu đố. Nếu ca dao, dân ca là tiếng nói của tình cảm, thì câu đố là tiếng cười của trí tuệ, bởi vì người thi tài muốn đoán, giải đúng phải có những điều kiện như: vốn sống, kiến thức và kinh nghiệm dồi dào, có một tư duy liên hội phong phú và linh hoạt. Đồng thời cũng phải có tinh thần “cảnh giác” đối với người ra câu đố, vì lắm khi bị đánh lừa bởi kỹ thuật diễn tả để làm lạc hướng suy luận của đối phương. Câu đố càng lắt léo, càng hóc búa mà được người giải đoán đúng sẽ tạo thêm niềm thích thú tinh thần cao độ, không những cho kẻ được cuộc mà cả cử tọa tham dự cuộc chơi.

Cũng như ca dao và nhiều loại hình văn nghệ dân gian khác, chúng ta bắt gặp ở Bến Tre những câu đố về người, về cây, về loài vật, về đồ dùng, về sinh hoạt, về chữ... vốn phổ biến ở nơi khác, thậm chí không ít câu đố có gốc gác từ nơi đất cũ được những lưu dân mang theo cùng với hành trang của mình trên bước đường di chuyển, Những câu đố này, nhất là những câu đố mang tính địa phương rõ nét. Một số ví dụ:

Về hiện tượng vũ trụ:

Bằng cái dĩa, sỉa xuống ao

Đào không thấy, lấy không lên

(Mặt trăng)

Về thực vật:

Đầu rồng, đuôi phượng le te

Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con

(Câu cau và buồng cau)

Về động vật quen thuộc:

Bốn ông đập đất, một ông phất cờ

Một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân

(Con trâu: 4 chân, đuôi, mõm, lỗ đít)

Về sinh hoạt:

Anh đỏ liếm đít chị đen

Chị đen không nói, ăn quen liếm hoài.

(Ngọn lửa và đít nồi)

Có thể dẫn ra một loạt trường hợp tương tự, từ cái cối giã trầu, ông bình vôi của bà mẹ đến nồi cơm, cái gáo múc nước, từ cây cỏ, vật dụng trong nhà đến chiếc xuồng, tấm lưới cho đến cả trăng, sao trên trời.

Tuy nhiên, những câu đố chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là những câu đố được gắn liền với cuộc sống chung quanh. Người ta có thể nhận biết nó, khi câu đố liên quan với tên đất, tên sông, các sự kiện lịch sử đã từng xảy ra ở địa phương hay sự nghiệp của một nhân vật cụ thể... Nhưng không phải khi nào cũng vậy. Rất nhiều câu đố chỉ mang dấu ấn tâm lý, tính cách con người, cảnh sắc, sản vật địa phương... mà muốn xác định phải có một sự suy đoán, liên hệ, đối chiếu công phu.

Trước hết, đó là loại câu đố về quê hương, về những đặc sản nổi tiếng, về những nhân vật tiêu biểu. Thường thì những câu đố này vừa hàm chứa tình yêu mến, vừa pha lẫn niềm tự hào.

Để khẳng định một vùng đất trù phú:

Quê em ba dải cù lao

Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu

(tỉnh nào?)

Quê anh có cửa biển sâu

Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.

(Huyện nào?)

Những câu trên đây vừa thuộc dạng ca dao, vừa là câu đố. Nói chung, loại câu đố này đơn giản, ít lắt léo, nên việc đoán giải không khó.

Dừa và cau là hai loại đặc sản nổi tiếng của địa phương – có hàng chục câu đố về cau và dừa. Tuy vậy có những câu, nếu không có sự suy luận, liên hội tốt thì không dễ đoán giải được.

Ví dụ:

Sông không đến, bến không vào

Lơ lửng giữa trời làm sao có nước?

Hoặc:

Giữa lưng trời có vũng nước trong

Cá lòng tong không mong lội tới.

Hay câu đố về động tác trèo cau:

Chân trói, tay bíu, khu nắc, mắt nhìn

Hai tay thì tréo

Hai chân thì trói

Cái đít thì lắc

Con mắt ngó chừng.

Người ra câu đố cũng khi mượn được một tâm trạng để chỉ một loại cây trái phổ biến trong vùng:

Một mình âm ỉ canh chầy

Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh.

(Trái sầu riêng)

Chất trí tuệ dân gian đôi khi được vận dụng một cách thông minh, nhằm lái suy nghĩ của người đoán giải về một hướng khác để chệch mục tiêu cần tìm. Từ chỗ miêu tả một động tác hái trái vốn là một sản phẩm phổ biến ở địa phương (thực vật), người ra đố lại nhằm về một món ăn (xuất thực vật) phổ biến trong bữa cơm nhà nghèo, theo lối nói lái:

May không chút nào nữa thì lầm

Cau dầy không bẻ, bẻ nhằm cau ranh

(Canh rau)

Thực chất cái gọi là "đố", chỉ gói tròn trong hai chữ cuối cùng.

Đất Bến Tre cũng là nơi sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... Loại câu đố “xuất nhân danh” ở đây cũng đã khắc họa được đặc trưng riêng về những con người đó. Có trường hợp đọc lên là có thể hiểu ngay như câu đố về cụ Đồ Chiểu:

Quyết tâm rửa sạch quốc thù

Ô hô cặp mắt, công phu lỡ làng.

Hay như câu đố về người phụ nữ làm chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, tờ Nữ giới chung: bà Sương Nguyệt Anh.

Đem chuông lên đánh Sài Gòn

Để cho nữ giới biết con ông Đồ.

Cũng có những câu đố “Xuất nhân danh” đòi hỏi người đoán giải phải có kiến thức về lịch sử như trường hợp câu đố về nhà bác học Trương Vĩnh Ký:

Xứng danh thập bát văn hào

Soạn nhiều sách quý giúp trào hậu lai.

Bến Tre là một trong một số tỉnh ở Nam Bộ có phong trào học chữ Nho phát triển mạnh vào thế kỷ XIX. Những thầy đồ Huế, thầy đồ Quảng chính cũng là những tác giả loại câu đố “xuất Hán tự”. Để trả lời đúng loại câu đố này, người đoán giải bắt buộc phải biết chữ Nho:

Chữ ngũ mà chẳng có đầu

Chữ ngưu dưới khẩu lộn nhầu một khuôn

(Chữ vi: vây quanh)

Cô là con gái còn son

Cớ sao lại để đứa con ngồi kề.

(Chữ hảo: ưa thích)

Từ sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến rộng, ở Bến Tre lại có thêm một loại câu đố “xuất quốc ngữ” theo mẫu tự La-tinh.

Nếu lối “đố tục, giảng thanh” là một đặc trưng của câu đố Việt Nam, thường tạo nên những yếu tố bất ngờ, trào lộng mà cái nghĩa ẩn của nó lắm khi làm đỏ mặt các cô gái và cả những "nhà đạo đức” đạo mạo, thì ở Bến Tre loại câu đố này, ngoài tính chất chung trên, còn mang sắc thái địa phương của một vùng sông nước, cây trái dồi dào. Chính cái tính chất trào lộng, đa ý, đa nghĩa đó làm cho cuộc đố trở nên sôi động, rôm rả, hấp dẫn, kéo theo những trận cười sảng khoái trong những cuộc chơi:

Đem em mà bỏ xuống xuồng

Chèo ra khúc vịnh lột truồng em ra.

(Nghề ươm tơ thủ công)

Rõ ràng là nếu ai chưa một lần trông thấy cảnh cô thợ ươm tơ vừa bỏ những chiếc kén tằm vào nồi nước sôi, vừa dùng đôi đũa để điều khiển mối tơ ra cho đều thì khó đáp nổi câu đố trên. Câu đố cũng phản ảnh một giai đoạn lịch sử (ươm tơ, dệt lụa) của đất Ba Tri từ hơn nửa thế kỷ trước.

Hoặc câu đố nói về động tác của người ngư dân làm nghề đóng đáy trên các cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên...

Canh một thì trải chiếu ra

Canh hai xét vú, canh ba rà mồm

Canh tư khởi ép sự dồn

Canh năm cuốn chiếu, rửa trôn, việc rồi.

Cái nghề lao động khá vất vả trên sông nước này lại được người ra câu đố miêu tả như một cuộc "mộng du" theo trình tự thời gian từ canh một cho chí canh năm: “trải chiếu” (giăng đáy), “xét vú” (kiểm tra rốn đáy), “rà mồm" (rà soát lại miệng đáy), “cuốn chiếu”, “rửa trôn” (kết thúc một đêm vật lộn trên sóng nước). Cách miêu tả này dễ gây cho người giải đoán một sự liên tưởng chệch hướng, dễ nghiêng về phía cái tục.

Hoặc câu đố về một loại trái cây quen thuộc:

Bằng cổ tay treo ngay đầu cột

Ăn cơm rồi, bắt lột áo ra.

(Trái chuối tráng miệng sau bữa cơm)

hay một loài cây (xuất mộc) thường thấy mọc ở các giồng cát vùng Thạnh Phú, Ba Tri:

Đêm khuya gà gáy o o

Kiếm mùng em vợ lén bò chun vô.

(Cây chó đẻ)

Rõ ràng cái nội dung hàm ý phê phán hành vi phi đạo đức của những anh chàng "dê" nào đó để đánh lừa người đi tìm lời giải đoán.

Ở Bến Tre, cũng như nhiều tỉnh khác ở Nam Bộ, câu đố còn được vận dụng trong hát đối đáp:

Thấy anh ăn học Sài Gòn

Em đây xin hỏi trăng tròn mấy đêm?

hoặc:

Thấy anh ăn học Bắc Kỳ

Em đây hỏi thiệt con bò gì không kêu?

(Con bò in trên thẻ sôcôla, hay hộp sữa)

Những cuộc điều tra, khảo sát điền dã, cho thấy ở Bến Tre không có lối đố nói (không vần), đố Kiều như nhiều nơi khác, và lối đố mẹo, đố đoán cũng rất ít xuất hiện