Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc : Từ Nobel Văn học nhớ tới Nobel Hòa bình

Trung Quốc : Từ Nobel Văn học nhớ tới Nobel Hòa bình PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 11 Tháng 10 Năm 2012 14:14

Một Giải Nobel khác của Trung Quốc vẫn bị giam cầm.

 

Ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010 và vợ là bà Lưu Hà. Ảnh do gia đình cung cấp cho hãng Reuters ngày 3/10/2010.
Reuters

 

Việc nhà văn Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn học 2012 là một niềm vinh dự lớn cho văn học Trung Hoa, nhưng có thể lại dồn chính quyền Bắc Kinh vào tình thế khó xử : Một Giải Nobel khác của Trung Quốc vẫn bị giam cầm.

Năm 2010, nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình. Hai năm sau, ông vẫn phải ngồi tù và tình cảnh này có thể còn kéo dài thêm 7 năm rưỡi nữa, tức là cho đến khi mãn án.

Trong lúc đó, bạn bè của nhà ly khai cho biết, bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, vẫn bị công an Trung Quốc, bất chấp luật pháp, tiến hành quản thúc tại gia trên thực tế, cô lập bà với thế giới bên ngoài.

Bà Đới Tình (Dai Qing), một trí thức, tranh đấu cho môi trường, sống tại Bắc Kinh, nói với AFP : « Tôi không có tin tức gì của ông Lưu Hiểu Ba và tôi cũng không gọi được điện thoại cho bà Lưu Hà ».

Một nhà ly khai khác, tranh đấu cho nhân quyền, ông Hồ Giai cũng như ông Jean-Philippe Béja, người dịch ra tiếng Pháp một số tác phẩm của Lưu Hiểu Ba, cũng không có thông tin về giải Nobel Hòa bình 2010.

Anh em của ông Lưu Hiểu Ba tránh trả lời các câu hỏi của nhà báo vì không muốn bị chính quyền cắt bỏ quyền được đi thăm nuôi, vốn đã rất bị hạn chế.

Do vậy, khó mà biết chắc chắn là ông Lưu Hiểu Ba có còn bị giam trong nhà tù Cẩm Châu, tình Liêu Ninh (phía đông bắc) Trung Quốc hay không.

 Vào đúng ngày Giáng Sinh năm 2009, giải Nobel Hòa bình đã bị kết án 11 năm tù với tội danh là đồng tác giả bản Hiến Chương 08. Văn bản này kêu gọi xây dựng một nền dân chủ đa nguyên tại Trung Quốc, nhưng bị Bắc Kinh cáo buộc là kích động lật đổ chính quyền. Lúc đó, ông Lưu Hiểu Ba bị giam ở nhà tù này.

Vào thời điểm đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo, nhân Đại hội Đảng lần thứ 18, ông Jared Genser, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ Freedom Now, đấu tranh bảo vệ các tù nhân lương tâm, cho rằng, đây là dịp để « cộng đồng quốc tế quan tâm đến chính sách đàn áp nhân quyền liên tục tại Trung Quốc và kêu gọi các nhà lãnh đạo hiện nay và trong tương lai » cần phải tôn trọng các quyền cơ bản của công dân.

Ông Béja tỏ ra bi quan là trước mắt, ít có khả năng Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba hoặc ít ra là chấm dứt quản thúc tại gia trái phép đối với bà Lưu Hà.

Còn bà Đới Tình thì lo ngại về sự thay đổi lãnh đạo Trung Quốc sắp tới, đặc biệt là nếu ông Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), phụ trách tuyên giáo, vào được Thường vụ Bộ Chính trị. « Nếu trường hợp này xẩy ra, ông ta sẽ chịu trách nhiệm về tư tưởng và như vậy, sẽ không có hy vọng gì nữa. Trung Quốc sẽ đi vào một thời kỳ đen tối ».

Ông Hồ Giai, người vừa được tự do năm ngoái, sau khi phải ngồi tù 3 năm với cáo buộc « có âm mưu lật đổ » chính quyền, cho biết, gần đây, ông đã nhìn thấy bà Lưu Hà từ xa, qua cửa sổ căn hộ, sức khỏe của bà đáng lo ngại. Do bị phong tỏa, bà Lưu Hà sống rất cô đơn và hút nhiều thuốc lá.

Nhà ly khai này cũng lấy làm tiếc là trường hợp hai vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba không được công luận Trung Quốc chú ý như trường hợp luật sư mù Trần Quang Thành, bị quản thúc tại gia, rồi trốn thoát được ra ngoài, lên Bắc Kinh và sau đó, sang Hoa Kỳ tỵ nạn.

« Ông Trần Quang Thành có những người bạn quen biết trên internet đã đi hàng trăm cây số để tới thăm », thế nhưng, có rất ít người quan tâm đến bà Lưu Hà.

Giờ đây, người dân Trung Quốc, khi vui mừng về giải Nobel Văn học, chắc không quên là họ còn có một giải Nobel Hòa bình nữa, nhưng lại đang bị cầm tù.