Home Tin Tức Thời Sự TQ quản thúc vợ để gây áp lực với chồng

TQ quản thúc vợ để gây áp lực với chồng PDF Print E-mail
Tác Giả: Damian Grammaticas   
Thứ Tư, 10 Tháng 10 Năm 2012 14:05

 Ông Lưu Hiểu Ba sẽ không đồng ý rời khỏi Trung Quốc

 

Ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến và người được tặng giải Nobel Hòa bình

 

Ông Lưu Hiểu Ba, người được tặng giải Nobel Hòa bình, ngồi tù từ 2009

Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc tìm cách buộc người đoạt giải Nobel Hòa bình hiện đang bị cầm tù của Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, phải sống lưu vong bằng cách gây áp lực đối với vợ của ông, người hiện đang ở trong tình trạng sức khỏe yếu, BBC được cho biết.


  Một nguồn tin thân cận với gia đình ông đã nói với BBC rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ không đồng ý rời khỏi Trung Quốc vì sợ tiếng nói của ông sẽ tắt nếu rời khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguồn tin này nói rằng vợ ông Lưu Hiểu Ba, bà Lưu Hà, "đang chịu những đau khổ tinh thần" vì suốt hai năm qua bà bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp và hiện vẫn đang tiếp tục bị cầm giữ.

Đúng hai năm trước đây, ông Lưu Hiểu Ba, một học giả nói năng nhỏ nhẹ, đã được tặng giải Nobel Hòa bình vì đã kêu gọi cho cải cách chính trị hòa bình ở Trung Quốc.

Ông chưa hề được nhận giải thưởng này vì ông đã bị bỏ tù ở Trung Quốc, nơi ông vẫn đang bị giam giữ và bị kết tội lật đổ chính quyền.

Vợ ông, bà Lưu Hà, một nhà thơ nói năng còn nhỏ nhẹ hơn chồng và cũng là một nhiếp ảnh gia, đã bị buộc phải im lặng giống như chồng bà. Bà bị quản thúc ngay trong căn hộ của mình ở Bắc Kinh.

Bà đã ở đây suốt hai năm qua và bị cầm giữ ở đó chỉ một vài ngày sau khi có công bố chồng bà được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010.

Và dường như Na Uy cũng vẫn đang bị trừng phạt.

Giải thưởng này không có liên quan gì tới chính phủ Na Uy. Nhưng Trung Quốc tiếp tục từ chối tiếp Bộ trưởng hay các nhà ngoại giao và chính trị gia Na Uy, theo các nhà ngoại giao khác ở Bắc Kinh.

Kiểm soát chặt chẽ

   BBC đã nói chuyện với một người có liên hệ với ông Lưu Hiểu Ba và gia đình bà Lưu Hà, và người này đã giúp đem lại một cái nhìn mới về tình hình của hai vợ chồng ông Lưu.

Chúng tôi được người này yêu cầu không nêu tên và họ nói rằng sức khỏe của ông Lưu Hiểu Ba tuy tạm ổn nhưng dạ dày của ông ngày một "trở nên tồi tệ hơn".

Chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép ba người có thể đến thăm ông Lưu Hiểu Ba tại nhà tù Cẩm Châu (tỉnh Liêu Ninh): hai người anh em của ông, cứ khoảng sáu tháng một lần, và vợ ông cứ 2-3 tháng một lần, người này nói.

Họ phải xin phép trước và phải chờ đợi được báo cho tới thăm.

"Họ không được phép cùng nhau đi thăm ông. Chỉ một người được phép mỗi lần. Và cảnh sát canh chừng họ trong suốt buổi gặp gỡ," người này nói với chúng tôi.

"Họ bị cấm không được nói về bất cứ điều gì ngoài chuyện gia đình. Cảnh sát không muốn gia đình mang bất kỳ thông tin nào từ bên ngoài vào cho ông Lưu Hiểu Ba."

Hai người anh em của ông từng được vào thăm cùng một lần, hồi tháng Chín năm ngoái. Đó là để báo cho ông Lưu Hiểu Ba biết cha ông đã qua đời. Sau đó ông được cho phép về thăm nhà chỉ một thoáng để bày tỏ sự kính trọng của ông rồi lại nhanh chóng bị đưa đi vào tù lại.

Trong khi đó, vợ ông, bà Lưu Hà, không bị kết bất cứ tội gì ở Trung Quốc, nhưng đã bị quản thúc tại gia.

"Có hai nữ cảnh sát sống cùng với bà trong căn hộ của bà. Rất nhiều cảnh sát mặc thường phục liên tục theo dõi khu nhà này," nguồn của chúng tôi nói.

"Sức khỏe của bà Lưu Hà rất yếu. Về mặt tinh thần bà bị ảnh hưởng nhiều vì mất tự do cá nhân và lo lắng về chồng bà đang bị giam giữ."


Biểu ngữ đòi thả ông Lưu Hiểu Ba

 

Người biểu tình cầm biểu ngữ đòi thả ông Lưu Hiểu Ba tại Hong Kong này 25/12/2010

 

"Bà được phép đi ra ngoài và đến thăm mẹ và gặp một trong những người bạn thân nhất của bà, cứ khoảng một tháng một lần, và trong suốt thời gian đi ra ngoài này bà bị một nữ cảnh sát hộ tống. Tất cả chỉ có vậy, ngoài những lần thăm chồng.

"Bà ấy không được phép đi bất cứ nơi nào khác, thậm chí không được ra công viên hay cửa hàng. Không ai được phép tới khu nhà của bà chứ đừng nói gì tới việc đến thăm bà."

'Thật độc ác'

Nhìn nhận của người này được ông Joshua Rosenzweig, một nhà nghiên cứu về nhân quyền thuộc Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông, ủng hộ. Ông Rosenzweig nói rằng ông "không biết về bất kỳ quyền hạn pháp lý nào cho phép hạn chế sự tự do của bà Lưu".

Chính phủ Trung Quốc quả quyết rằng bà Lưu Hà không bị cầm giữ trái với ý nguyện của bà. Nhưng ông Rosenzweig nói mục đích của việc này là để bịt miệng bà Lưu Hà, chồng bà và gia đình họ, do đó, không có tin tức về người được tặng giải thưởng Nobel đang bị ngồi tù này.

"Một trong vài cách để thế giới bên ngoài biết bất cứ điều gì về người đang bị cầm tù ở Trung Quốc là qua những gì người thân của họ biết và quan sát được trong các chuyến vào nhà tù thăm định kỳ", ông nói.

"Tôi không biết lần cuối cùng bà Lưu Hà có thể đến thăm chồng là khi nào, nhưng tôi biết khá chắc chắn rằng bất kỳ những tiếp xúc nào của bà với ông đều phải theo một điều kiện tiên quyết rằng bà phải im lặng.

"Về mức độ nó phản ánh một chiến lược chính thức nhằm chống lại ảnh hưởng của ông Lưu Hiểu Ba thì có thể xem là nó đã thành công. Người ta chỉ có thể duy trì mối quan tâm đến mức nào đó thôi khi mà một người cứ tiếp tục vắng bóng.

"Đó là lý do tại sao quý vị không nhìn thấy quá nhiều các hàng tin 'lại một lần nữa trong tháng này không có tin tức gì của người đoạt giải Nobel."

Và người bạn của gia đình ông, người đã nói chuyện với đài BBC, thì nói rằng, bằng cách đối xử khắc nghiệt vợ ông, Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực với ông Lưu Hiểu Ba phải đồng ý với một thỏa thuận sẽ sống lưu vong.


 

Ảnh triển lãm tại Hong Kong của bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba

 

Triển lãm ảnh cuối cùng của bà Lưu Hà tại Hong Kong với chủ đề về những thống khổ của người dân TQ

"Chính phủ đang tìm cách buộc ông Lưu Hiểu Ba rời khỏi Trung Quốc qua cách tước quyền tự do cá nhân của vợ ông. Đồng thời, chính phủ đe dọa cả hai gia đình họ, nói rằng nếu họ cố tìm cách nói chuyện với giới truyền thông hoặc bất cứ thông tin nào bị rò rỉ thì cả quyền đến thăm ông Lưu Hiểu Ba sẽ bị tước bỏ.

"Điều này thật độc ác. Nó buộc gia đình phải im lặng."

Tuy nhiên, người bạn của gia đình nói thêm rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ không đồng ý rời khỏi Trung Quốc bất chấp thực tế rằng thời hạn tù của ông kéo dài tới tận năm 2020.

"Chính phủ vẫn luôn muốn ông Lưu Hiểu Ba rời khỏi Trung Quốc vì việc một người được tặng giải Nobel Hòa bình bị ngồi tù là một nhắc nhở thường xuyên về tình trạng nhân quyền yếu kém của Trung Quốc.

"Khi các nhà bất đồng chính kiến trước đây rời khỏi Trung Quốc, tiếng nói của họ dần dần giảm đi và ảnh hưởng của họ biến mất. Đó là lý do tại sao ông Lưu Hiểu Ba nhất quyết rằng ông sẽ ở lại, ngay cả khi nó có nghĩa là tiếp tục ở trong tù. Ở lại Trung Quốc là quan trọng đối với ông."

Người này nói thêm: "Những gì chính phủ đang làm với bà Lưu Hà là bất hợp pháp. Họ thường xuyên làm như vậy với những người bất đồng chính kiến để ngăn chặn những người này nói chuyện với báo chí và bôi nhọ hình ảnh của chính phủ.

"Chồng bà hiện là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, do đó, bà bị kiểm soát chặt chẽ hơn so với các nhà bất đồng chính kiến khác."