Home Tin Tức Bình Luận Ông Lê Hồng Hà : CSVN khủng hoảng toàn diện và có nguy cơ Bắc thuộc

Ông Lê Hồng Hà : CSVN khủng hoảng toàn diện và có nguy cơ Bắc thuộc PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hùng / RFA   
Thứ Năm, 26 Tháng 1 Năm 2012 07:22

 Nếu không đổi hướng phát triển mà cứ tiếp tục đưa đất nước Việt Nam vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tức là đồng nghĩa với việc tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam vào con đường sai lầm.

                  Ông Lê Hồng Hà

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN, một bản Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiếng lên chủ nghĩa xã hội dù chưa chính thức công bố, nhưng trong dư luận đã có những ý kiến phản bác.

Nhiều người cho rằng, báo cáo chính trị tại Hội nghị đã không đánh giá đúng thực tế và hướng phát triển của Việt Nam.  Những ý kiến đó ra sao? Việt Hùng của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có bài ghi nhận.

Khủng hoảng toàn diện?

Đưa ra lời bàn ngay sau kết thúc Hội nghị Trung ương 11, ông Lê Hồng Hà, một nhà quan sát chính trị về nội tình đảng CSVN từ Hà Nội cho rằng, Hội nghị Trung ương đánh giá tình hình không đúng. Câu hỏi đặt ra, chưa đúng, không đúng dựa trên những điểm nào? Ông Lê Hồng Hà  đưa ra nhận định.

Ông Lê Hồng Hà: Tôi thấy Hội nghị Trung ương đánh giá tình hình không rõ, hay nói cách khác là không đúng. Đất nước Việt Nam hiện nay đang ở trong một cuộc khủng hoảng Kinh tế – Xã hội – Tư tưởng – Văn hóa – Chính trị toàn diện chứ không phải như các ông lãnh đạo lâu nay vẫn nói chỉ thừa nhận “hình như” tình hình Việt Nam chỉ có một chút suy thoái kinh tế trong khủng hoảng tài chính chung của thế giới.

Về vấn đề suy thoái kinh tế thì rõ rồi, xã hội hiện nay có nhiều băng hoại, phạm pháp tăng, xã hội xuống cấp cho nên ông công an có điều kiện phá án rồi được khen thưởng, tuyên dương. Những người quan tâm đến tình hình đất nước nhìn thấy vấn đề, người ta ngao ngán và lo sợ.

Giáo dục thì khủng hoảng đằng giáo dục, những phát biểu của GS Hoàng Tụy, GS Chu Hảo thì thấy giáo dục đang khủng hoảng rất dữ. Tham nhũng hiện rất mạnh, lan tràn cho dù hết nghị quyết này nghị quyết khác nhưng tham nhũng vẫn phát triển. Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ là một trò cười trong thiên hạ.

Về mặt chính trị, chưa bao giờ có tình trạng chủ trương của đảng và nhà nước đưa ra mà tầng lớp nhân dân phản ứng mạnh và dai dẳng như vụ Bauxit vừa rồi. Phải nói về chính trị chưa hề bao giờ có tình trạng mà chủ trương nói của đảng, thực hiện nghị quyết của đại hội đảng mà quần chúng nhân dân phản ứng như thế.
Cho nên trạng thái xã hội hiện nay theo tôi suy nghĩ phải nhận định Việt Nam đang ở trong một cuộc khủng hoảng toàn diện về Kinh tế – Chính trị – Tư tưởng – Văn hóa – Xã hội, chứ không thể nói như mấy ông ấy là đang “phơi phới” đi lên, không có đâu!

Điểm đáng nói cuộc khủng hoảng toàn diện ấy lại diễn ra trong thời điểm đất nước Việt Nam này đứng trước nguy cơ bị Bắc thuộc, lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc có rất nhiều những hoạt động bành trướng, xâm lấn nơi này nơi khác, rồi phân chia Vịnh Bắc bộ, lấn chiếm ở biên giới, thành lập Huyện Tam Sa, rồi biển đông họ xử sự như thế thì phải nói thái độ của Trung Quốc rất “ngông nghêng  và trắng trợn” trong khi thái độ của các cơ quan lãnh đạo Việt Nam thì bạc nhược, khuất phục.

Điểm này có thể nói tầng lớp nhân dân Việt Nam rất tức tối và lo lắng…

Phương thức giải quyết

Tính cho tới thời điểm này, bản Dự thảo Báo cáo chính trị  cho Đại Hội 11 sẽ diễn ra vào năm tới 2010 dù chưa công bố, nhưng theo ý kiến của một số nhân vật theo dõi tình hình chính trị trong nước sẽ được đưa ra bàn tiếp tại Hội nghị Trung ương 12 dự tính nhóm họp vào đầu năm tới 2010.

Trở lại vấn đề, nếu đã nói khủng hoảng chính trị thì phải có hướng giải quyết. Cách giải quyết ở Việt Nam thì thường không như những quốc gia khác trên thế giới. So sánh phương thức giải quyết của Việt Nam khác với những quốc gia khác, ông Lê Hồng Hà cho rằng:

Ông Lê Hồng Hà: Đã là khủng hoảng thì phải tìm cách giải quyết. Thông thường ở những quốc gia khác, khi khủng hoảng thì họ dùng cách “đảo chính” tổ chức biểu tình, hay “lật đổ” chính quyền đương thời để tiến lên. Đấy là cách thông thường diễn ra mỗi khi có khủng hoảng…, nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. Theo tôi suy nghĩ, tôi tạm phân biệt làm hai thời kỳ:
- Thời kỳ từ 1940 – 1975.
- Thời kỳ từ 1975 – cho đến nay.

Thời kỳ từ 1940 – 1975 Việt Nam đã giải quyết những vấn đề bằng khởi nghĩa, bằng cách mạng, bằng kháng chiến, bằng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Thời kỳ từ 1975 trở lại đây thì lại “khủng hoảng – đổi mới – phát triển” rồi lại “tái khủng hoảng – tái đổi mới – tái phát triển”.

Tôi nói như thế nghĩa là, từ năm 1975 cho đến nay, trong xã hội Việt Nam vận động trong một cuộc đấu tranh đổi mới liên tục. Trước kia đảng CSVN thi hành nghị quyết đại hội IV đưa đất nước Việt Nam vào con đường thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, thiết lập kinh tế  kế hoạch hóa tập trung trong phạm vi cả nước lập chuyên chính vô sản thì các tầng lớp nhân dân tùy theo vị trí  đã tiến hành đấu tranh.

Thế rồi trong khi Ban chấp hành Trung ương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ giai cấp tư sản. Ông Đỗ Mười lúc bấy giờ vào miền Nam làm hung hăng lắm, nhưng thực tế ra nhân dân người ta vẫn tiến hành kinh doanh cá thể.

Một bên đảng cộng sản chủ trương kế hoạch hóa tập trung thế nhưng đời sống xã hội buộc đảng phải chấp nhận cơ chế thị trường cho nên phải chuyển sang cơ chế thị trường. Rồi mấy ông lãnh đạo muốn oai hùng nói “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đấy là nói thêm thôi chứ hiện nay nền kinh tế không còn là xã hội chủ nghĩa như đảng muốn nữa rồi.

Nội bộ Đảng…

Câu hỏi đặt ra, hướng đấu tranh  hiện nay đã và đang phát xuất từ xã hội, từ nội tình đảng như thế nào trong thời điểm Trung ương đảng CSVN đang soạn thảo Dự thảo cương lĩnh, văn kiện trình Đại hội XI. Ông Lê Hồng Hà, tiếng nói của một xu hướng chính trị từ Hà Nội đưa ra lời bàn.

Ông Lê Hồng Hà: Cuộc đấu tranh đổi mới hiện nay nhằm đạt đến hai mục tiêu tổng quát.

- Mục tiêu thứ nhất đấu tranh đòi Trung ương thôi đặt vấn đề nước Việt Nam đi vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta muốn đề nghị đổi hướng phát triển đi.

- Mục tiêu thứ hai, chấm dứt thái độ bạc nhược, khuất phục Trung Quốc. Phải hiên ngang lên để bảo vệ quyền lợi, an ninh, lãnh thổ của Tổ Quốc. Không thể để tình trạng bạc nhược như thế này được.

Ý kiến của chúng tôi là đổi tên nước lại đi, Năm 1976 các ông say sưa với thắng lợi các ông đòi đổi tên Đảng Lao Động Việt Nam thành Đảng CSVN. Bây giờ xin trở lại Đảng Lao Động đi. Thời điểm đó các ông say sưa đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nay xin đổi lại tên cũ là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại đi.
Tức là đổi hướng phát triển. Nếu không đổi hướng phát triển mà cứ tiếp tục đưa đất nước Việt Nam vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tức là đồng nghĩa với việc tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam vào con đường sai lầm.