Home Tin Tức Bình Luận Phản ứng và những vấn đề đặt ra từ cái chết của Osama Bi Laden

Phản ứng và những vấn đề đặt ra từ cái chết của Osama Bi Laden PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Ba, 10 Tháng 5 Năm 2011 06:04

Cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, là thành quả to lớn nhất, chỉ có thể là khởi giai đoạn suy  tàn của tổ chức khủng bố Al Qaeda và thêm yếu tố xác tín sự tất thắng của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh mà thôi.

 

PHẢN ỨNG VÀ NHỮNG CÂU HỎI ĐƯỢC ĐẶT RA TỪ CÁI CHẾT CỦA OSAMA BIN LADEN, TRÙM TỔ CHỨC KHỦNG BỐ AL QAEDA.

       Như mọi người đã biết, Tổng thống Obama, vào lúc 11:30 Chủ nhật  Mùng 1 tháng 5 vừa qua, trong bài phát biểu trước toàn quốc của mình, đã báo tin Osama bin Laden, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda đã bị tiêu diệt trong chiến dịch tấn công của Mỹ.

       Như vậy là sau 10 năm truy lùng, kể từ sau vụ khủng bố 9-11-2001 tại toà nhà tháp đôi ở New York và vài nơi khác làm thương vong hơn 3000 người, Hoa Kỳ đã thành đạt mục tiêu triệt hạ Osama Bin Laden, sau một cuộc đột kích trong vòng 40 phút của toán đặc nhiệm hải quân Hoa Kỳ (SEALS)  bằng hai máy bay trực thăng nhỏ, nhắm vào một khu nhà lớn ở Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan về phía Bắc khoảng 80 cây số.

       Các giới chức Hoa Kỳ cho biết khu nhà này đã có khoảng 5 năm, được canh phòng cẩn mật, với những bức tường dầy phủ dây kẽm gai, rất ít cửa sổ nhìn ra ngoài với hai cổng an toàn, và không có dịch vụ điện thoại hay Internet.

      Nội dung bài viết này chúng tôi muốn đưa ra một số nhận định liên qua đến hệ quả và những câu hỏi được đặt ra từ cái chết của Osama Bin Laden, trùm tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda.

 I/- PHẢN ỨNG TỪ CÁI CHẾT CỦA OSAMA BIN LADEN:

         Trong những ngày qua, công luận thế giới đã quan tâm và bầy tỏ quan điểm, thái độ và đưa ra những hệ quả tích cực cũng như tiêu cực trước cái chết của Osama Bin Laden, trùm tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda.

         Thực tế đã thể hiện hai quan điểm và thái độ trái ngược, giữa một bên là Hoa Kỳ và đa số các nước trong cộng đồng thế giới có chung trận tuyến chống khủng bố, và bên kia là phía tổ chức khủng bố Al Qaeda và các nước Hồi giáo có khuynh hướng cực đoan vốn từ lâu công khai hay ngầm ủng hộ Osama Bin Laden người đứng đầu của tổ chức này.

         Trước hết là về phía Hoa Kỳ và các nước có chung trận tuyến chống khủng bố, tất nhiên là có chung quan điểm với Hoa Kỳ, coi cái chết của Bin Laden là “chiến thắng vĩ đại độc đáo trong chiến dịch do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm gây gián đoạn, đập tan và đánh bại al-Qaeda”, và là “một bước quan trọng và cấp thiết nhằm đem lại sự tiêu vong cuối cùng của al-Qaida.”. Đồng thời, tất cả đều tán dương việc Hoa Kỳ hạ sát được trùm khủng bố Bin Laden và bầy tỏ sự vui mừng, hy vọng  về một tương lai thế giới được an bình hơn, sau cái chết của Bin Laden, dù hiểm hoạ khủng bố chưa thể chấm dứt, khi những tay chân bộ hạ của Bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda vẩn tồn tại, với sự tiếp tục hậu thuẫn của thiểu số phần tử Hồi Giáo cực đoan, coi  việc khủng bố như là một cuộc Thánh chiến.

        Điều đáng lưu ý là trong khi nhiều chính quyền các nước có chung trận tuyến chống khủng bố quốc tế, trong đó có Trung Quốc, đã lên tiếng mạnh mẽ bầy tỏ sự vui mừng và tán dương việc Hoa Kỳ thành công trong việc giết chết trùm khủng bố Bin Laden, thì nhà cầm quyền Việt Nam chỉ bày tỏ quan điểm và thái độ chung chung muộn màng vào ngày 3/5/2011, qua bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, trong một tuyên bố rất ngắn gọn dưới dạng trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết: “Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức”.

         Thái độ chung chung này tương tự như thái độ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với cao trào đấu tranh chống độc tài, đòi dân chủ của nhân dân các nước Trung Cận Đông, cả hai thái độ dều có chung một lời giải thích: Là vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có chung bản chất độc tài còn tệ hại hơn các chế độ độc tài vùng Trung Cân Đông và còn là bậc thầy của trùm khủng bố Bin Laden, qua các hành động khủng bố tàn hại và tinh vi hơn nhiều trong chiến tranh và sau chiến tranh tại Việt Nam. Tất nhiên không thể có thái độ công khai tán đồng hành độc giết được tên trùm tổ chức khủng bố của Mỹ ; và cũng không dám lên tiếng khuyến cáo các nhà độc tài các nước đang bị nhân dân chống đối, từ bò quyền thống trị như chính quyền của nhiều quốc gia dân chủ đã làm.

          Trong khi đó, phản ứng và hệ quả về phía tổ chức khủng bố Al Qaeda và các phần tử Hồi Giáo có khuynh hướng cực đoan có thể ghi nhận qua phản ứng của bình luận gia của al-Qaeda lấy tên Assad al-Jihad 2, đã  đưa phân ưu về Bin Laden lên trang mạng của Hồi Giáo quá khích kèm theo lời thề trả thù. Y nói : “kẻ nào nghĩ rằng jihad đã chấm dứt hãy chờ xem”. Các trang mạng Hồi Giáo cực đoan thường phổ biến các phỏng vấn với al-Assad Jihad 2 mà y dùng để giải quyết cac vấn đề ý thức hệ của al-Qaeda. Lãnh tụ của Hamas cũng lên án cuộc truy sát Bin Laden - Thủ Tướng của chính quyền Hamas kiểm soát lãnh thổ Gaza, ông Ismail Haniyeh, nói cuộc đột kích giết Bin Laden là sự nối tiếp hành động áp chế của Hoa Kỳ gây đổ máu người Hồi Giáo và dân Arap.

         Tại một số nước Hồi Giáo, kể cà  ở Pakistan đã có các cuộc biều tình vinh danh và cầu nguyên cho Bin Laden, phản đối việc Hoa Kỳ giết chết Bin Laden, coi trùm tổ chức khủng bố Al Qaeda như anh hùng tử đạo của một cuộc Thánh chiến. Hệ quả này, trên thực tế sẽ phát triển đến đâu là điều khó tiên liệu hệ quả.

 II/- NHỮNG CÂU HỎI ĐƯỢC ĐẶT RA TỪ CÁI CHẾT CỦA OSAMA DIN LADEN.

     Mặt khác, một số câu hỏi sau đây cũng được công luận đặt ra từ cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden.

1.- Vì sao Hoa Kỳ đã đơn phương thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan, mà không thông qua chính quyền Pakistan?

        - Lý do không thông qua chính quyền Pakistan, theo các giới chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ nói với giới truyền thông, rằng thông tin tình báo về khu nhà của bin Laden không được chia sẻ với bất kỳ nước nào khác, kể cả Pakistan, và cho rằng điều này là cấp thiết cho sự an toàn của chiến dịch và nhân sự của Hoa Kỳ. Họ cho biết thêm rằng chỉ có TổngThống Hoa Kỳ và một nhóm nhỏ bên trong chính phủ Hoa Kỳ biết về chiến dịch này

    -Nhưng hành động này của Hoa Kỳ không những đã vi phạm chủ quyền của Pakistan mà còn đặt chính quyền Islamabad vào tình thế lúng túng, khó xử trước công luận và nhân dân trong nước, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ vốn đã phức tạp, nay lại càng có nguy cơ khó khăn thêm với một nước đồng minh Hồi Giáo hiếm hoi, đã ngay từ đầu ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có mục tiêu truy lùng , tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, đã cho Hoa Kỳ xử dụng lãnh thổ Pakistan như một tiền trạm cho cuộc chiến tranh Afghanistan, khởi sự chỉ vài tháng sau cuộc khủng bố 9-11 tại toà nhà Tháp đôi ở New York và vài nơi khác mà Hoa Kỳ đã chỉ đích danh thủ phạm là Osama Bin Laden, trùm tổ chức khủng bố Al Qaeda.Đành rằng, để có được sự thuận lợi này, Hoa Kỳ đã phải chi trả cho chính quyền Pakistan một cách  xứng đáng.

         Trên thực tế, ngay từ đầu như để vuốt mặt cho chính quyền Pakistan, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama trong diễn văn tối Chủ nhật 1-5-2011đã tuyên bố một cách chung chung có tính nguyên tắc rằng sự thành công này do có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền Pakistan trong các hoạt động  chống khủng bố, và ông cũng đã thông báo sớm nhất việc triệt hạ Bin Laden cho Tổng Thống Pakistan. Ông nói:

   “Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần nói rõ rằng chúng ta sẽ có hành động bên trong Hồi Quốc nếu biết bin Ladin trốn nơi đâu. Đó là những gì chúng ta đã thực hiện. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là sự hợp tác chống khủng bố với Hồi Quốc đã giúp tìm ra manh mối bin Laden và địa phận ông ta trú ẩn. Thật vậy, bin Laden cũng tuyên chiến với Hồi Quốc và ra lệnh tấn công người Hồi.

         Đêm nay tôi đã gọi Tổng thống Zardari, và chúng tôi nói chuyện với các đối tác Hồi Quốc. Họ đồng ý rằng đây là một ngày lịch sử và tốt lành đối với cả hai nước chúng ta. Nhìn về phía trước, điều quan trọng là Hồi Quốc tiếp tục hợp tác chống al Qaeda và những chi nhánh của chúng.”

         Lúc đầu, tất nhiên Tổng Thống Pakistan Zardari cũng đã phải miễn cuỡng tán dương việc Hoa Kỳ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Nhưng chỉ ít ngày sau đó chính quyền Pakistan đã bầy tỏ sự bất bình trước hành động này của Hoa Kỳ.

      Bộ Ngoại giao nước này đã « bầy tỏ sự lo ngại sâu sắc và dè dặt về cách thức chính phủ Mỹ thực hiện thành công hoạt động này mà không thông báo và xin phép trước chính phủ Pakistan », Islamabad không chấp nhận « những hoạt động đơn phương không xin phép như vậy », kể cả đối với Hoa Kỳ. Thậm chí, Pakistan còn đe dọa là những vụ tấn công theo kiểu này sẽ làm « tổn hại sự hợp tác và đôi khi trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”

2.- Như vậy phải chăng Hoa Kỳ từ lâu đã nghi ngờ mối quan hệ hợp tác chống khủng bố của Pakistan và cho rằng đã có sự bao che trùm khủng bố Bin Laden?

      Ngay sau khi Bộ Ngoại Giao Pakistan bầy tỏ bất bình về vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ triệt hạ trùm khủng bố Oussama Ben Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan, về phía Hoa Kỳ đã có câu trả lời cho mối nghi ngờ này.

         Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Leon Panetta, không ngần ngại cho biết, Mỹ đã không thông báo cho Pakistan về vụ đột kích bởi vì nước này có thể sẽ báo động cho thủ lãnh Al Qaeda.

        Như vậy phải chăng là từ nhiều năm nay, không rõ bắt đầu từ khi nào, Pakistan đã bị Hoa Kỳ nghi ngờ áp dụng chính sách hai mặt trong cuộc chiến chống khủng bố? Một mặt nhận  là đồng minh của Hoa Kỳ trên mặt trận chống khủng bố và cho phép Hoa Kỳ lãnh thổ Pakistan làm bàn đạp thực hiện cuộc chiến tranh chống khủng bố trong đó có việc truy lung Osama Bin Laden để đối lấy viện trợ?

         Tháng 10 năm 2009, chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi công du Pakistan đã nói thẳng với chính quyền Islamabad, xin trích, « Al Qaeda đã ẩn náu tại Pakistan từ 2002. Tôi khó có thể tin rằng không một ai trong chính phủ của các ngài lại không biết những kẻ này ở đâu và không thể bắt giữ được chúng nếu như họ thực sự muốn làm việc này ».

         Sự kiện Ben Laden bình thản sống cùng vợ con trong một khu biệt thự ở Abbottabad, cách thủ đô Islamabad khoảng 80 km, trong một khu vực có các cơ quan quân sự va an ninh tình báo Pakistan, càng củng cố những cáo buộc nói trên.

          Mối nghi ngờ này mới đây cũng được chính Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cũng đòi Pakistan phải làm rõ vấn đề này.

          Trong khi đó, bản tin VOA viết rằng tình báo Ấn Độ từ lâu đã thuyết phục Hoa Kỳ rằng Osama bin Laden đang trốn ở Pakistan, chứ không phải ở chiến khu Afghanistan.Bản tin VOA viết như sau:

   “ Các giới chức cao cấp Ấn Độ phản ứng với thái độ “quan tâm sâu sắc” trước cái chết của Osama bin Laden tại Pakistan. Họ nói rằng tin này xác nhận Pakistan tiếp tục chứa chấp khủng bố. Dịp này, Ấn Độ đòi Pakistan phải đưa ra trước ánh sáng công lý những ai đã thực hiện vụ khủng bố năm 2008 ở Mumbai.

       Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna gọi cái chết của Osama bin Laden là một “dấu mốc thắng lợi” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng ông nói thế giới phải hối thúc để “loại trừ các chỗ ẩn náu an toàn của bọn khủng bố ngay tại những khu vực kế cận của chúng ta”.

        Từ lâu, Ấn Độ vẫn lo ngại mối nguy khủng bố xuất phát từ Pakistan cho nên lực lượng an ninh Ấn Độ đã được đặt trong tình trạng báo động cao để ngừa những vụ tấn công trả đũa sau cái chết của Osama bin Laden.

        Bộ trưởng Nội vụ P. Chidambaram nói chỗ ẩn náu của Osama bin Laden nằm sâu bên trong Pakistan nêu bật lo ngại của Ấn Độ là Pakistan vẫn còn là một căn cứ địa cho “những kẽ khủng bố thuộc nhiều tổ chức khác nhau”.

      Để phản bác lại mối nghi ngờ và những cáo buộc trên đây, trên tờ Washington Post số mới đây, tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã bác bỏ những cáo buộc và khẳng định rằng việc trừ khử Ben Laden là kết quả của một thập niên hợp tác và quan hệ đối tác giữa Mỹ và Pakistan.

        Trên thực tế, bất chấp những nghi ngờ  và cáo buộc Pakistan, Hoa Kỳ vẫn cần đến vai trò của nước này trong cuộc chiến hiện nay tại Afghanistan và ngược lại Pakistan cũng vẫn cần sự viện trợ của Mỹ. Do vậy, cả Washington và Islamabad đang tìm cách tránh làm cho quan hệ với Islamabad xấu đi.

          Thế nhưng, theo giới phân tích, chính quyền Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nghị viện Hoa Kỳ viện trợ cho Pakistan. Vì rằng, từ  khi khởi động cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan từ 2011đến nay, tính ra viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Pakistan lên đến 20 tỷ đô la. Vì vậy, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đã đòi xem xét lại chính sách viện trợ cho Pakistan, bởi vì chính phủ hiện đang gặp khó khăn về tài chính, tại sao lại đi giúp đỡ một quốc gia không hoàn toàn ủng hộ Hoa Kỳ chống khủng bố.

      Nhà Trắng thừa nhận sự bất bình của các nghị sĩ là có cơ sở và hứa sẽ thảo luận với phía Pakistan về việc tại sao Ben Laden lại có thể lẩn trốn ngay sát Islamabad trong một thời gian dài như vậy. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thì nhấn mạnh rằng viện trợ cho chính quyền Islamabad là vì lợi ích lâu dài của Pakistan đồng thời cũng phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

      Thực ra, nếu Hoa Kỳ và Ấn Độ từ lâu đã có mối nghi ngờ về chính sách hai mặt của Pakistan là điều dễ hiểu, vì nhiều người bình thường chỉ cần  quan tâm và suy luận trên các sự kiện thực tế cũng có thể có mối nghi ngờ này.

      Trong một bài bình luận vào cuối năm 2001, ngay sau khi không quân Anh- Mỹ mở cuộc không kích kéo dài hàng tháng vào những vùng rừng núi hiểm trở ở biên giới Afghanistan với Pakistan, mở đầu cuộc chiến Afghanistan của Mỹ và đồng minh, với mục đích truy diệt Osama Bin Laden bị coi là thủ phạm gây ra vụ thảm sát 9-11 và là trùm của tổ chức khủng bố Al Qaeda, trong một bài bình luận lúc bấy giờ chúng tôi đã nêu lên mối nghi ngờ nơi ẩn náu của Bin Laden có thể ở nơi nào đó ngoài lãnh thổ Afghanistan, tỷ như nước Pakistan có lãnh thổ cận kề. Sự suy đoán này dựa trên nhận định:

     _ Đối với Osama Bin Laden kẻ đào tẩu có thể khai thác yếu tố không ngờ, chọn “Nơi tưởng là nguy hiểm có thể là nơi an toàn” để lẩn trốn. Pakistan, một nước Hồi Giáo có biên giới chung với Afghanistan, có thể là nơi an toàn nhất, vì là nước Hồi giáo ngay từ đầu đã mau mắn, nhiệt thành chấp nhận là đồng minh của Mỹ chống khủng bố quốc tế là hiện tượng khá đặc biệt, mà cuộc khủng bố này lại do Bin Laden thủ lãnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda của những người Hồi giáo cực đoan tiến hành khủng bố như một một cuộc Thánh chiến tử đạo. Do đó Pakistan là một quốc gia Hồi Giáo, bề ngoài có thể là đồng minh của Mỹ để lấy viện trợ, song bên trong có thể vì tình đồng đạo làm ngơ cho Bin Laden ẩn trốn trên lãnh thổ của mình.

        Thực tế có lẽ đã xẩy ra đúng như vậy. Tuy nhiên mới đây, trong nỗ lực chứng minh Pakistan không theo đuổi chính sách hai mặt và vẫn cộng tác với Hoa Kỳ trong việc truy lùng Bin Laden,Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay 2 năm trước họ đã thông tin cho cơ quan tình báo Mỹ về khu nhà ở Abbottabad, nơi Bin Laden bị tiêu diệt vào hôm thứ hai vừa qua.

        Đến đây, nếu căn cứ vào những lời tuyên bố qua lại giữa Hoa Kỳ và Pakistan có tính “nửa nạc nữa mỡ”, giả thật lẫn lộn, khiến nẩy sinh một mối nghi ngờ khác, rằng phải chăng nhà cầm quyền Pakistan đã biết trước cuộc đột kích truy sát Bin Laden, song đã làm bộ như không biết để tránh bị khối các quốc gia Hồi Giáo và tổ chức Al Qaeda oán trách, đẩy hận thù qua cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Đây có thể là  sự chọn lựa của chính quyền Pakistan sau khi cân nhắc lợi hại giữa việc biết mà làm bộ không biết với việc công khai xác nhận có sự hợp tác với Hoa Kỳ từ đầu trong chiến dịch truy sát Bin Laden.

      Mối nghi ngờ này được củng cố thêm qua diễn biến cuộc đột kích diễn ra trong 40 phút, dù kỹ thuật lẩn trốn rada có tinh vi cách mấy, không lẽ  Pakistan lại không phát hiện trong một khu vực có nhiều cơ quan quân sự, an ninh tình báo như tỉnh Abbottabad, chỉ cách thủ đô Islamabad về phía Bắc khoảng 80 cây số ?

3.- Osamabin Laden bị truy sát do sơ hở hay bị đồng bọn bán đứng để lấy tiền thưởng hàng chục triệu dollar hay do mâu thuẫn nội bộ?

       Câu hỏi này được nêu ra sau khi tờ báo Arập Xêút al-Vatan đặt vấn đề dựa trên một nguồn tin riêng.Theo đó người Mỹ có thể lần ra và tiêu diệt bin-Laden là nhờ các hành động khả nghi của phó tướng và là cộng sự gần gũi nhất của ông ta là Ayman al-Zawahiri.

        Như đã công bố từ trước, CIA đã phát hiện ra nơi ẩn trú của Bin-Laden nhờ xác định được và theo dõi người đưa tin của ông ta có tên là Abu Ahmad. Nhưng theo báo al-Vatan, thực tế thì người đưa tin trên làm việc cho Ayman al-Zawahiri và có nhiệm vụ phải dẫn người Mỹ tới nhà của Bin-Laden ở Abbottabad. Tờ báo này cho rằng khi phát hiện mình bị theo dõi, Abu Ahmad đã không hề tìm cách “cắt đuôi”.

       Nguyên nhân khiến Ayman al-Zawahiri quyết định bán đứng người lãnh đạo của mình, theo al-Vatan, là những bất hoà giữa hai nhân vật số 1 và số 2 này của al-Qeada. Mặc dù từ năm 2004, chi nhánh Ai Cập của Ayman al-Zawahiri đã nắm quyền lãnh đạo mạng lưới khủng bố trên thực tế nhưng ông ta vẫn muốn giành quyền lực tuyệt đối trong tổ chức.

       Kế hoạch diệt trừ Bin-Laden do các đại diện của chi nhánh al-Qeada Ai Cập soạn thảo sau khi cựu vệ sĩ của ông trùm tên là Saif al-Adel trở về từ Iran. Cụ thể là, theo tờ báo Arập Xêút, chính đám khủng bố người Ai Cập đã thuyết phục bin-Laden rời khu vực giáp ranh gữa Pakistan và Afghanistan, nơi ông ta ẩn náu thành công một thời gian dài, đến Abbottabad.

       Thông tin của tờ báo Anh Guardian viết rằng từ năm 2001, bin-Laden đã viết di chúc, trong đó tiên đoán ông ta sẽ bị giết vì có người trong đám thân cận phản bội.

       Sự thật thế nào có lẽ cần thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này.

4.- Vì sao Hoa Kỳ không bắt sống mà phải giết chết Osama Bin Laden? Cố tình giết chết hay buộc lòng phải giết chết Bin Laden?

      Đây cũng là một câu hỏi đang được công luận đặt ra. Vì về nguyên tắc, mục tiêu của điệp vụ này là giết hoặc bắt sống, bởi vì chính quyền Mỹ chủ trương không giết người tay không và không muốn đầu hàng. Thế nhưng, ngay từ đầu hai nhân viên hữu trách Mỹ đã có nhận định thực tế là bất kỳ kẻ nào đang sống bên trong bức tường đó đều không hề có ý tưởng đầu hàng. Từ nhận định này mà biệt đội SEALS đã giết chết và đem xác Bin Laden về Hạm Đội thay vì bắt sống?

        Vì thực tế  "Ben Laden không có vũ khí khi bị biệt kích Mỹ bắn hạ", như phát ngôn viên Nhà Trắng 6-5-2011 đã khẳng định như trên, trái ngược với các thông tin đã đưa ra trước đây là Bin Ladin có vũ khí và chống cự.

        Từ Washington, thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết :

      "Sau vụ tấn công, các viên chức Mỹ ngụ ý với các phương tiện truyền thông là Oussama Ben Laden đã sử dụng phụ nữ làm lá chắn sống để bảo vệ cho mình, và ông ta có vũ khí. Ông John Brennan, cố vấn của Tổng thống phụ trách chống khủng bố, vốn không phải là người hay phát ngôn bừa bãi, đã để cho người ta ngầm hiểu rằng thủ lãnh Al Qaida là một kẻ hèn nhát núp sau lưng đàn bà, và sống trong một biệt thự sang trọng trong khi các chiến hữu của mình phải chiến đấu trong điều kiện gian khổ.

        Nhưng hôm qua Washington lại đưa ra lời giải thích khác, ông Brennan rút lui về phía sau và phát ngôn viên của Nhà Trắng, Jay Carney, khi trình bày báo cáo đầu tiên, đã nói rằng Ben Laden không sử dụng phụ nữ để che chắn cho mình, và cũng không vũ trang. Một trong số các bà vợ của Ben Laden đã lao vào các thành viên của biệt đội đặc nhiệm và sau đó bị thương ở chân. Còn Ben Laden thì bị bắn hạ vì đã chống cự lại lính đặc nhiệm. Nếu ông ta giơ tay lên đầu hàng, thì đã không bị giết chết.

         Ông Jay Carney đã nêu ra điều mà một phóng viên gọi là

« những mập mờ của chiến tranh » để giải thích vì sao có những phát biểu trái ngược nhau. Có rất nhiều thông tin được đưa ra, và rất khó phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Nhưng lời giải thích này không thuyết phục được tất cả mọi người, và một số nhà báo cho là chính quyền Mỹ đã cố gắng bôi đen hình ảnh Oussama Ben Laden đối với những người ủng hộ ông ta.

         Và bây giờ thì Nhà Trắng đang xem xét có nên phổ biến các tấm ảnh chụp xác chết của Ben Laden hay không. Chỉ có Tổng thống Obama mới có thể quyết định điều này. Và Ông đã đưa ra quyết định không cho công bố sau khi cân nhắc giữa cái được và cái mất. Ben Laden đã bị trúng đạn vào đầu, và các tấm ảnh, theo những người đã được xem, thì trông rất khủng khiếp. Việc công bố những tấm ảnh này sẽ là bằng chứng cho thấy Ben Laden đã chết thật sự, đích thực là xác của trùm khủng bố quốc tế, nhưng điều này có thể gây phản cảm trong thế giới Hồi giáo, và khơi dậy các cuộc biểu tình bạo động chống Mỹ.

         Tuy vậy giám đốc CIA, ông Leon Panetta trước đó nói rằng, ông nghĩ cũng có thể cho công bố ảnh. Các hình ảnh có thể được công khai trước khi đưa ra ảnh xác chết Ben Laden, là ảnh về việc thả xác ông ta xuống biển.

        Hôm mùng 7 tháng 5  một viên chức tình báo của Pakistan cho hãng tin AFP biết là một con gái 12 tuổi của Ben Laden đã xác nhận chính mắt trông thấy thủ lĩnh Al Qaida đã bị biệt kích Mỹ giết chết. Cô bé này đã được lực lượng Pakistan tìm thấy trong nhà, cùng với hai, ba phụ nữ và tám trẻ em khác mang quốc tịch Ả rập Xê út và Yemen, sau khi đội đặc nhiệm Mỹ ra đi. Tất cả đang bị giam giữ để khai thác, một số bị thương hoặc bị hoảng loạn đã được đưa vào bệnh viện.

       Chính sự trái ngược mập mờ trên đây, công luận tự hỏi phải chăng Hoa Kỳ đã cố tình giết chết thay vì có thể bắt sống trùm khủng bố Osama Bin Laden vì đã có sự cân nhắc lợi hại nào đó , do trước đó Bin Laden từng là người cộng tác với Hoa Kỳ và ngầm hổ trợ  phe Taliban trong thới kỳ Liên Xô cũ xâm lược Afghanistan (1977) để mọi bí mật Hoa Kỳ không muốn tiết lộ để cho Bin Laden đem theo vào lòng biển cả (Vì nếu quả thật y đã được Hoa kỳ thủy tang như đả công bố).

III/- KẾT LUẬN:

      Cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden có thể  là “chiến thắng vĩ đại độc đáo trong chiến dịch do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm gây gián đoạn” các hoạt động của tổ chức khủng bố Al Qaeda,  song liệu Hoa Kỳ có “ đập tan và đánh bại al-Qaeda” như HOa Kỳ khẳng định hay không thì cần chờ đợi diễn biến tình hình thực tế trong những ngày tháng sắp tới.

      Vì phía tổ chức khủng bố Al Qaeda đã có những lời đe doạ sẽ thực hiện các cuộc trả thù cho cái chết của thủ lãnh Bin Laden, và rằng một Bin Laden thủ lãnh của họ bị giết, sẽ có nhiều Bin Laden khác thay thế để đưa cuộc Thánh chiến của họ đến thành công. Tất nhiên lời đe doạ và khẳng định này, Al Qaeda có làm được trên thực tế hay không là chuyện khác. Vì thực tế, trong 10 năm qua, sau cuộc khủng bố 9-11-2001 do Bin Laden, tổ chức khủng bố Al Qaeda dưới sự lãnh đạo của y đã không thực hiện được các hoạt động khủng bố đáng kể nào nữa, thì nay y đã chết, liệu có kẻ nào tài giỏi hơn Bin Laden để đưa cuộc Thánh chiến của mình đến thành công?

      Thực tế đã chứng tỏ cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do Hoa Kỳ phát động, được sự tham gia tích cực của cộng đồng thế giới đã có hiệu quả thực tiễn. Cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, là thành quả to lớn nhất, chỉ có thể là khởi giai đoạn suy  tàn của tổ chức khủng bố Al Qaeda và thêm yếu tố xác tín sự tất thắng của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh mà thôi.

Houston, ngày 9 tháng 5 năm 2011