Home Tin Tức Bình Luận Osama bin Laden: Chết chưa? Chết rồi? Chửa chết?

Osama bin Laden: Chết chưa? Chết rồi? Chửa chết? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh /Từ Hoa Thịnh Ðốn   
Thứ Hai, 09 Tháng 5 Năm 2011 10:46

Chết chưa? Chết rồi? Chửa chết? Chết hồi nào? Chết mấy năm trước đây. Mới chết cách đây chừng một tuần lễ.

 Mới ngày nào còn có tin đồn hắn vẫn còn sống nhởn nhơ, nhưng cũng mới ngày nào có tin hắn bị bệnh rất nặng, mỗi tuần phải lọc máu vài lần, không thể sống sót trong khu vực đồi núi ở biên giới Pakistan và Afghanistan được.


Trùm khủng bố Osama bin Laden vừa bị quân đội Mỹ hạ sát tại Abbottabad, Pakistan. (Hình: AP Photo/File)
 
Có lẽ chưa bao giờ đồn đãi liên quan đến cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden lại lan rộng như bây giờ.

 Cứ vào Internet hay lên Facebook là thấy ngay, mỗi người bàn một cách. Có người hãnh diện viết lời chúc mừng nước Mỹ và thế giới vì “từ bây giờ trở đi có thể sống yên ổn không lo chuyện bị khủng bố nữa”, nhưng cũng có người bảo “làm gì có chuyện giết được tên trùm quỷ quyệt như hắn ta”. Cũng có người nghĩ xa hơn, đưa ngay lời bình phẩm “ông Obama dựng chuyện để ngồi lại ở Tòa Bạch Ốc thêm 4 năm nữa”.

Bình luận, bàn tán lại sôi nổi hơn sau khi tổng thống Hoa Kỳ quyết định không công bố hình ảnh vụ đột kích giết chết kẻ thù số 1 của nước Mỹ và của cả thế giới, lấy lý do “hình ảnh rất ghê rợn, công bố chẳng có gì lợi” và người dân Hoa Kỳ không có thói quen ăn mừng cái chết của người khác, kể cả người đó là kẻ thù không đội trời chung với mình.

Ðây không phải lần đầu tiên những lời bàn tán liên quan đến sự sống chết của Osama bin Laden được nói tới. Ngay sau ngày biến cố 11 Tháng Chín, 2011 xảy ra, báo chí - kể cả báo chí Hoa Kỳ - loan tin có người nhìn thấy “thằng giết người” cùng đám bộ hạ cưỡi ngựa ở Afghanistan, và nói rõ con ngựa “thằng này cưỡi là con ngựa màu trắng”.

Sau đó lại có tin “thằng quỷ này” ngồi trên chiếc xe Toyota Corolla - cũng mầu trắng - ở Baghdad, kèm theo đồn đãi “hắn sang Iraq bàn kế hoạch khủng bố với Saddam Hussein”. Cũng từng có tin nói hắn ta đã trốn trên một chiếc tàu chở dầu để rời khỏi Trung Ðông, sau đó giải phẫu thẩm mỹ và sống yên ổn ngay ở thủ đô London của Anh.

Ngay những tờ báo nổi tiếng cẩn thận và đứng đắn của thế giới như The Washington Post, The New York Times, The Times of London cũng từng đưa tin dựa theo tiết lộ của giới hoạt động tình báo, cho biết bin Laden nếu có thoát được những cuộc đánh bom do quân đội Hoa Kỳ và đồng minh thực hiện ở Afghanistan “thì cũng chết vì bị bệnh tiểu đường, hư thận, mỗi tuần phải lọc máu ít nhất 2 hoặc 3 lần”, trốn trong rừng không thể nào có dụng cụ y khoa.

Nhưng chính giới tình báo Mỹ và cả lãnh đạo đồng minh đưa ra nhiều tin - hay dự đoán - vô tình góp phần giúp chuyện sống chết của Osama bin Laden trở thành huyền thoại.

 Rất nhiều lần khi ra điều trần trước Quốc Hội, các viên chức cao cấp của cả chính phủ George W. Bush lẫn chính phủ Barack Obama đưa ra những dự đoán khác nhau: Người bảo hắn đã chết, người bảo hắn còn sống ở đâu đó tại Pakistan.

 Hồi 2007, bà sếp Benazhir Bhutto của quốc gia đồng minh Pakistan cũng từng nói “theo tôi hiểu thì hắn ta chết rồi”, nhưng một năm sau đó ký giả truyền hình Christiane Amanpour (lúc đó đang làm cho đài PBS) lại bảo tin tình báo Mỹ cho biết “hắn ta đang sống trong một căn biệt thự ở Pakistan” chứ chẳng ở đâu khác.

Người duy nhất nhất định không chịu dự đoán là ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld, bảo ngay “tôi không biết thằng đó bây giờ trốn ở đâu, còn sống hay đã chết”. Cũng ông Rumsfeld từng tâm sự với các nhà báo, cho hay “mỗi buổi sáng thức dậy nghe bà nhà tôi hỏi bắt được nó chưa ra tôi rầu không thể tả được”. Tại sao ông lại rầu, một ký giả cất tiếng hỏi? “Rầu vì tôi không biết phải trả lời bả như thế nào”.

Bây giờ “thằng đó” đã chết, nhưng chuyện vẫn chưa yên.

“Thời buổi này số người tin tưởng vào những gì chính phủ nói không có nhiều, thành ra quyết định không công bố hình ảnh cái chết của Osama bin Laden chỉ tạo thêm ngờ vực thôi”, theo lời Giáo Sư Frank Farley, một chuyên gia về tâm lý đang giảng dạy ở đại học Temple University tại thành phố Philadelphia.

Vị giáo sư từng làm chủ tịch Hiệp Hội Tâm Lý toàn quốc cho hay “khi chuyện lớn như vụ giết được Osama bin Laden mà không có chứng cớ đi kèm thì đương nhiên đồn đãi sẽ xảy ra và dân chúng cứ thế mà đồn thổi khiến chuyện trở thành lớn hơn”.

Tòa Bạch Ốc cho biết chuyện nên hay không nên cho công bố các bức hình xác nhận Osama bin Laden đã chết là điều không dễ. Tổng Thống Obama nhìn nhận “chúng tôi có thảo luận nội bộ với nhau” trước khi ông đưa ra quyết định cuối cùng. Theo các nhân vật thân cận với ông kể lại, cuộc tranh luận “rất sôi nổi kéo dài cả giờ đồng hồ”, từng có lúc “Tổng thống nghiêng về phía ông Giám Ðốc CIA Leon Penetta” là người đứng đầu nhóm đề nghị nên công bố hình ảnh cho mọi người biết, với mục đích “ngăn chận mọi dư luận không có lợi”.

Nhưng sau khi bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates trình bày hơn thiệt, “Tổng thống mới đổi ý” vì thấy rõ lợi chẳng bằng hại, e ngại những tấm hình “ghê rợn” này có thể gây nên một làn sóng chống đối Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho al-Qaeda ra tay khủng bố hoặc có cơ hội để thuyết phục những kẻ dại dột tôn thờ Osama bin Laden. Ðiều này được chính Tổng Thống Obama chia sẻ với mọi người trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CBS, ông nói thêm “dù có trưng bày những bức hình đó đi chăng nữa thì những người thích đồn thổi cũng sẽ bảo là hình giả”.

Lời giải thích của Tổng Thống Obama và kế đó là của ông Phát Ngôn Viên Jay Carney trong cuộc họp báo hàng ngày không được Giáo Sư Farley đồng ý, cho rằng “chưa đủ vững” để có thể xóa tan những lời đồn đãi chung quanh vụ này. “Những ai có máu nghi ngờ thì có rất nhiều lý do để họ tiếp tục nghi ngờ”, ông bảo trước hết là tin tức Tòa Bạch Ốc cung cấp cho dân chúng về cuộc đột kích “lúc thế này lúc thế khác chứ không trước sau như một”, kế đến là chuyện “đem xác Osama bin Laden quăng xuống biển”.

Giáo Sư Farley đặt câu hỏi “lần cuối cùng chuyện quăng xác kẻ thù xuống biển xảy ra hồi nào? Ðặc biệt lần này lại là quyết định của chính phủ thì nghe càng lạ nữa” và kết luận “nghe chẳng khác gì chuyện chỉ xảy ra trên màn ảnh”. Về điểm này, hầu hết tin tức đều nói Washington quyết định vứt xác Osama xuống biển thay vì đem chôn vì không muốn những kẻ cuồng tín xây dựng đền thờ khu mộ của Osama, tiếp tục tôn sùng kẻ lợi dụng tôn giáo để làm chuyện tàn ác.

Hôm qua (Thứ Sáu, 6 Tháng Năm), al-Qaeda lên tiếng nhìn nhận thủ lãnh của chúng đã chết, cam kết tiếp tục cuộc thánh chiến để trả thù cho Osama bin Laden. Thông cáo của đường dây khủng bố khét tiếng thế giới vẫn chưa xóa tan nỗi hoài nghi của những người thích nghi ngờ. Ðiển hình là trên trang mạng xã hội vẫn có những lời bình phẩm, cho rằng thông cáo này cũng do Mỹ tạo dựng nên, nhất định bảo phải có hình ảnh làm bằng chứng thì mới tin.

 Có người còn bảo chuyện al-Qaeda ra thông cáo xác nhận tên trùm khủng bố của chúng đã chết vào đúng lúc Tổng Thống Obama đến Kentucky để ngợi khen các binh sĩ tham dự cuộc hành quân chứng tỏ chính phủ Mỹ “dàn dựng” vở kịch này dở quá.

Nhưng thú vị nhất là phát biểu của bà Cindy Sheehan, từ thời Tổng Thống George W. Bush đã nổi tiếng là người chống chiến tranh. Bà này bảo đừng tin những gì ông Obama nói vì “thằng Osama bị giết chết lâu lắm rồi!!!”