Chuyện trên xe lửa Print
Tác Giả: Trà Lũ   
Chúa Nhật, 14 Tháng 6 Năm 2009 14:05
Tháng Sáu này làng tôi vui vẻ qúa sức. Tháng trước mừng lễ Hiền Mẫu, cả làng đã vui, tháng này có lễ Hiền Phụ, lễ mừng các ông cha, làng còn vui hơn nữa. Điểm đặc biệt năm nay là làng tôi đã tiếp rước một ông cha không phải của gia đình mà của nhà thờ. Việc này vui lắm vì có nhiều bất ngờ. Ban đầu chúng tôi định mời Cha Paolo, một người bạn thân của mọi người, nhưng rồi một ông cha khác chợt hiện ra. Ông là một ngôi sao sáng làm át cả sao Paolo.

Chắc các cụ ở xa không đoán nổi người khách qúy này đâu. Đây là một ông cha già, trên 70, đến từ miền cây đước cây bần xứ Cái Rắn, tỉnh Cà Mau. Đó là LM Ngô Phúc Hậu. Ngài đến đây do lời mời của Anh John và Chị Ba Biên Hòa. Chị Ba kể: Thật là một duyên may, tình cờ có người bạn ở Hoa Kỳ gửi cho một cuốn sách và dặn rằng nên đọc ngay vì hay vô cùng, hay cả ý hay cả lời. Anh John và tôi đều bị cuốn hút ngay trang đầu. Tác giả viết về Chúa mà ta không cảm thấy ngài có ý giảng đạo. Chúa ở trong sách là một nhân vật sinh hoạt hằng ngày với ngài. Giọng văn rất tếu. Qua những trang sách tôi nhìn ra một ông cha không sống trong nhà thờ mà sống cả ngày với người nghèo, người bệnh, người Phật Giáo, người đaọ Ông Bà, với con nít. Ngài xây cầu, đóng ghe, làm đường không phải để con nít đến nhà thờ mà để đến trường học, người đau đếnh bệnh viện. Báo chí nói VN giầu mạnh, nhà cao tầng khắp nơi, nhưng là ở các thành phố lớn cơ, chứ ở miền khỉ ho cò gáy này, nhiều gia đình vẫn còn chui rúc trong những túp lều xiêu vẹo. Ông cha này hô hào bạn bè và những người ông quen giúp làm ‘ Mái Nhà Tình Thương’. Bạn cho 500 mỹ kim thì ông cha dựng cho họ được một căn nhà, mặt trước mặt sau làm bằng xi măng và trên đầu là mái tôn, hai bên là vách lá. Căn nhà này sẽ tồn tại được 10 năm. Tính ra mỗi năm ta chỉ giúp có 50 mỹ kim mà cả một gia đình cha mẹ con cái bớt nheo nhóc. Chị Ba Biên Hoà kể: Đọc xong cuốn sách, tụi mình liên lạc với ông cha ngay, và đã giúp được mấy mái nhà, mấy thùng thưốc, mấy cái ghe. Và quen ông cha từ đấy. Nhân dịp ông Cha Cà Mau này sang Mỹ thăm bà con và cám ơn các ân nhân, bọn tôi mời luôn ông sang Canada. Ngài đi đến đâu thì bà con kéo đến đó để nghe ngài kể chuyện. Ông người Bắc mà nói đặc giọng Nam, giọng đồng bào miệt dưới. Lời ông rất đơn sơ và chân tình. Ông bảo ông chả làm chuyện gì to lớn cả. Ông chỉ theo chân Chúa, làm những việc khi xưa Chúa đã làm: yêu thương người ngoại giáo, người nghèo khổ, người bệnh tật, người tội lỗi và nhi đồng. Miệng nói bác ái mà không chứng minh bằng việc làm là nói dối.

Ông ODP tiếp lời Chị Ba: Ông Cha Cà Mau này giống hệt như ông Cha Nguyễn Văn Đông đi thăm nuôi người cùi bị bỏ rơi trong rừng Kontum, giống hệt như ông Cha Trần Sĩ Tín đã 40 năm giúp người Thượng ở cao nguyên. Ông Cha Sĩ kể cho bạn bè: Người Thượng vốn đã nghèo nay càng ngày càng nghèo thêm. Vấn đề chưa hẳn là truyền giáo mà là giúp họ sống còn. Hằng ngày tôi giáp mặt với những trẻ em mồ côi. Các em chẳng được nuôi dưỡng chẳng được học hành. Nếu không cưu mang các em nhất là các bé sơ sinh thì nhất định các em sẽ chết. Người Jrai vì nghèo đói qúa nên quen chôn sống các bé mới sinh ra hay giết một trong hai em sinh đôi vì nghĩ như vậy là tốt.

Chuyện mấy ông cha nhà thờ đưa các cụ đi xa mất rồi. Bây giờ xin kể chuyện mấy ông cha gia đình. Phe các bà đã làm một đại tiệc mừng lễ các người cha. Phe liền ông chúng tôi sung sướng hết sức. Nào bún chả Hà Nội của Cụ B.95, nào bánh canh giò heo của chị Ba Biên Hòa, nào bánh nậm của hai cô Huế, nào rượu đế của vợ ông ODP. Bữa ăn thật là ồn ào náo nhiệt. Vì được ăn ngon vì được uống rượu, bữa nay phe liền ông tự nhiên nổi hứng biến thành các văn nhân thi sĩ, mới ghê chứ. Khi Cụ B.95 hỏi anh John về những điều đặc sắc trong văn hóa VN thì anh John đã nói một hơi, rất hùng hồn, những lời anh nói như đã chứa sẵn trong bụng từ lâu. Anh John nói về những kỷ lục của VN mà không nước nào có được, như sau:

- Bà mẹ sinh nhiều con nhất thế giới: Bà Âu Cơ. 100 con..
- Người đầu tiên lên tới mặt trăng và hiện còn ở trên mặt trăng: Chú Cuội.
- Chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới: Con ngựa sắt bay lên trời của Thánh Gióng.
- Người đầu tiên bay vào vũ trụ: Phù Đổng Thiên Vương.
- Vị nữ quốc trưởng kiêm tổng tư lệnh quân đội đầu tiên trên thế giới: Bà Trưng.
- Người đàn ông đầu tiên trên thế giới có sữa cho con bú: Ông Thọ.
- Vụ ly thân và ly dị đầu tiên trên thế giới: Ông Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ.. .


Các cụ đã thấy cái anh John của làng tôi hóm hỉnh chưa ? Cô Huế Cao Xuân vỗ tay hồi lâu rồi cất tiếng: Mình học sử từ bé, học đi học lại thế mà có bao giờ nhìn ra những kỷ lục này đâu ! Phục anh quá !

Rồi anh John quay vào bồ chữ ODP xin nghe chuyện. Ông ODP lắc đầu vì cho rằng mình gìa, không còn bén nhậy và đầu óc không còn trẻ trung. Anh H.O. bèn lên tiếng ngay: Bác chưa hề già. Tôi mới đọc được một bài thơ ‘ Ai dám bảo tôi già ?’ của thi sĩ Trương Ngọc Thạch đăng trong tuyển tập ‘Đồng Tâm 8’ ở Houston. Bài này khá vui, xin đọc tặng Bác ODP và cả làng:

Năm nay tôi tuổi sáu lăm
An sinh xã hội, đơn làm hôm qua
Sáu lăm, bạn tưởng tôi già ?
Coi chừng, nhiều kẻ cho rằng bạn sai
Trước tiên phải kể tóc tai
Tôi nhuộm đen giống hai mươi xuân thì
Họa hoằn đôi lúc quên đi
Chân tóc ngả trắng, nhuộm thì đen ngay
Tôi nghe bằng máy đeo tai
Máy này nhỏ xíu ai mà thấy đâu
Cườm khô mắt mổ đã lâu
Tôi không phải hỏi ‘ kính đâu ?’ suốt ngày
Mi sụp cắt kéo lên ngay
Tattoo đậm nét chân mày cong veo
Mí mắt gắn bộ lông nheo
Mũi nâng đúng kiểu theo người Phương Tây
Da mặt căng tận mang tai
Không còn xếp lớp phủ dài trán nhăn
Đồi mồi nhiều nếp lăn tăn
Mỹ viện đốt sạch bào phăng đi rồi
Hàm răng gẫy rụng một thời
Nay thay bộ giả mãn đời êm xuôi
Má hồng son đỏ viền môi
Người quen khi gặp khen tôi trẻ hoài
Người lạ hỏi: Chị bốn mươi ?
Tôi không đáp lại, chỉ cười làm duyên
Cười lộ má lúm đồng tiền
Hàm răng trắng mịn đảo điên lắm chàng
Nhờ bạn kiểm chứng đàng hoàng
Người tôi như vậy sao mang tiếng già ?


Đọc xong bài thơ rồi anh H.O. bình luận: Trên đây là bài thơ ca tụng tuổi cao niên các bà. Còn phe liền ông chúng tôi thì xin dùng câu ca dao lục bát mà tôi đã đọc cho làng nghe cuối năm ngoái, chỉ hai câu thôi nha mà đã nói lên hết được cái hùng tráng của phe liền ông:

Già thì già tóc già râu
Riêng về cái ấy còn lâu mới già


Các cụ còn nhớ chuyện gay cấn bữa đó chứ ? Hôm đó các bà nghe xong liền la lớn tiếng là câu thơ tục qúa, đến khi anh H.O. cắt nghĩa ‘cái ấy’ là trái tim, là tiếng cười thì các bà im re vì không cãi lại được.

Rồi cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng: Hôm nay ngày lễ Hiền Phụ mà chưa thấy các bà đọc diễn văn chúc mừng các ông là thế nào ?

Chị Ba Biên Hoà thưa: Xin có ngay đây. Sở dĩ chưa có diễn văn chúc mừng qúy ông là vì phe chúng tôi còn tranh luận để chọn người đại diện. Đáng lẽ cụ B.95 phải đọc nhưng cụ cứ viện lẽ tuổi tác và gốc nhà quê. Cuối cùng phái yếu chúng tôi đã bỏ phiếu và tôi được tín nhiệm. Vậy xin mở đầu như thế này: Tôi có rất nhiều chuyện chúc tụng người cha, tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Tây Ban Nha, đủ hết. Đang khi loay hoay kén chọn tài liệu để viết diễn văn thì bất ngờ tôi đọc được một chuyện nhỏ đăng trên báo tiếng Việt. Chuyện nhỏ mà nó làm tôi cảm động nên tôi cho là hay nhất. Chuyện kể hai cha con nhà nghèo đi ăn phở. Người cha vừa già vừa mù loà. Người con chắt chiu mãi mới đủ tiền đưa cha đi tiệm. Không biết ai là tác giả vì bài xuất hiện trên liên mạng internet. Xin tạ lỗi cùng tác giả. Xin cho phép tôi viết lại. Chủ hiệu phở là vai chính, đại ý ông kể như sau:

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi rồi nói to: Xin cho hai tô phở bò lớn. Tôi đang định viết vào tờ giấy ghi ‘order’ thì cậu ta hướng về phía tôi rồi nháy mắt và xua xua tay. Cậu ta nhoẻn miệng cười rồi chỉ vào bảng gía tiền trên cao, ra dấu là chỉ một tô phở có thịt, tô kia thì không. Nhìn cậu ta, nhìn ông già, rồi nhìn y phục thì tôi hiểu ra. À, hóa ra cậu ta gọi 2 tô phở bò to tiếng là cốt để cho ông già nghe thấy, chứ thực ra chỉ một tô có thịt thôi, còn tô kia là phở chay. Chắc không đủ tiền. Tôi liền cười, tỏ ra hiểu ý. Và hai tô phở được bưng ra. Người cha dùng đôi đũa dò dẫm bát phở. Mãi lâu ông mới gắp trúng miếng thịt. Ông vội vàng bỏ miếng thịt đó vào bát người con. Vừa bỏ thịt vào bát cho con ông vừa nói: Ăn đi con, con ăn thêm một chút cho đủ sức mà học, kỳ thi sắp tới rồi đó. Người con cứ để cho người cha gắp thịt sang tô của mình rồi lén gắp hết trở lại tô người cha. Ông già mắt lòa nên đâu có biết. Cứ gắp qua gắp lại như vậy. Gắp một hồi rồi người cha lên tiếng: cái nhà hàng này thật là tốt, một bát phở mà bao nhiêu là thịt. Nhìn tô phở lèo tèo vài miếng thịt thái mỏng, tôi cảm thấy có lỗi trong lòng. Rồi người con lên tiếng: Cha ơi, cha ăn phở đi kẻo nguội. Bát phở của con đầy ắp thịt rồi đây này. Bấy giờ người cha mới bắt đầu ăn. Tôi nhìn quanh thì không phải chỉ mình tôi quan sát cha con ông già, mà hầu như mọi ngươi trong quán đều theo rõi. Tiếng ông già nói to nên đã làm mọi người để ý. Ai cũng xúc động.

Ý chuyện hay qúa chứ. Ôi lòng người cha ! Ôi lòng người con !

Nghe xong thì Cụ B.95 lên tiếng: Chuyện này chắc xảy ra lâu rồi ở VN, vì tô phở đắt lắm và qúy lắm, không phải ai cũng có tiền để ăn.

Thấy ai cũng thích câu chuyện hai cha con nhà nghèo ăn phở, chị Ba Biên Hoà tỏ ra sung sướng. Và như được đà, chị vừa cười vừa kể sang một chuyện khác. Rằng cũng trong tờ báo tiếng Việt đó, chị thấy có một bài tếu. Chuyện không phải để tôn vinh các ông nhưng là để khen cái lém qúa quắt của các ông. Rằng một bà vợ kia biết được chồng có bồ nhí, và đã phán xét chồng. Anh chồng này cũng gớm lắm, cãi lại, giọng rất hùng biện mới khiếp chứ. Đây là lời anh chồng vừa chống chế vừa nói khích lòng tự ái của vợ:

- Nhà em ở rộng thênh thang, nơi nó ở có mấy chục thước vuông à ! Em chấp nó làm gì !
- Em ở với anh cả đời, lâu lâu nó mới ở với anh chỉ có mấy tiếng à. Em chấp nó làm gì !
-Tiền lương hàng tháng anh đưa em cả mớ, nó chỉ được vài tờ à. Em chấp nó làm gì !
- Quần áo em cả trăm bộ, nó chả có bộ nào, lơ thơ vài cái áo mỏng. Em chấp nó làm gì !
-Về tuổi tác, em là bậc mệnh phụ, nó là đồ con nít. Em chấp nó làm gì !


Vợ ông ODP nghe đến đây liền phát biểu: Chả biết các chị thế nào, chứ nếu chồng tôi có mèo mà còn dám nói những lời chạy tội như trên thì chết với tôi. Nói như vậy là đổ dầu vào lửa. Tôi chả thèm chấp, tôi chỉ xé xác nó ra, muốn đến đâu thì đến.

Mọi người nhìn ông ODP rồi cười ầm. Ông cũng cười rồi trả lời bà xã: Vợ là cơm, ta ăn cơm hàng ngày, còn bồ nhí là phở, lâu lâu bà cũng phải cho tôi đi ăn phở một bữa chứ. Chị Ba Biên Hoà nói nhỏ với hai cô Huế: Bác ODP này ngày xưa là nhà binh, đóng quân mọi vùng chiến thuật, lại tài hoa như vậy, làm sao lại không có mèo.

Anh H.O. xưa kia là thuộc cấp của ông ODP liền đáp ngay: Bà vợ ông khôn và ngoan vô cùng. Ông đóng quân đâu là bà cắm trại ngay đó. Ha ha, chuyện đóng quân của ông, chuyện màng lưới trinh sát của bà, dài lắm. Xin để một ngày đẹp trời, tôi sẽ tìm cách phỏng vấn riêng ông. Tôi sẽ hỏi nhỏ ông ở quán cà phê buổi sáng.

Các cụ còn nhớ phe liền ông chúng tôi lập ra cái club đi bộ, sáng nào cũng vậy, đi bộ nửa giờ rồi điểm hẹn là quán cà phê của dân bản xứ không. Quán Starbucks ấy mà. Nơi đây, vừa uống cà phê vừa nói chuyện thả dàn. Phe các bà không nghe được, phe khách da trắng trong quán chẳng hiểu gì. Tha hồ nói. Sướng lắm. Về già mà có mấy người bạn già thân thiết để tâm sự, đó là một trong những điều hạnh phúc nhất trên đời. Bạn già cũng như rượu ngon lâu năm, quý lắm thay.

Trong buổi uống cà phê sáng hôm qua, chúng tôi đã nói đủ thứ chuyện. Riêng ông ODP hóm hỉnh kể một chuyện quê nhà mà tôi cho là khá hay. Rằng trong việc đặt tên mới cho nhiều miền đất nước, cái lối ghép tên đôi khi nghe cũng rất êm tai. Chẳng hạn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, ba địa danh này thu nhỏ lại thành ‘Bình Trị Thiên’, nghe cũng được qúa chứ. Chẳng hạn hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, ghép ngắn lại thành ‘Phú Khánh’, nghe cũng được qúa chứ. Ấy thế nhưng mà ba tỉnh sau đây khi thu nhỏ lại, thu cách nào thì nghe cũng không lọt tai. Ba tỉnh ấy là Kontum, Pleiku, Đắc Lắc. Ghép lại nha: Kon-ku-lắc, Ku-kon-lắc, Lắc-kon-ku. . .

Đó là chuyện quán cà phê. Xin trở lại chuyện làng mừng lễ các người cha. Chị Ba Biên Hòa chưa đọc hết diễn văn. Chị đúng là cô giáo, dân có học, nói có sách, luận có chứng, đâu ra đấy. Chị nói tiếp: Năm nay là năm con trâu. Mấy ông mang tuổi trâu đa số là thứ dữ. Kìa ông Napoléon sinh năm Kỷ Sửu 15-8-1769 là một nhân vật lừng danh của nước Pháp. 120 năm sau, hai lục thập hoa giáp, ông Hitler ra đời năm Kỷ Sửu 20-4-1889. Hitler là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế giới. 120 năm sau, cũng hai lục thập hoa giáp, ông Obama của Hoa Kỳ ra đời năm Kỷ Sửu 4-8-1961. Ông Obama thì sao đây ? Obama sẽ đưa nước Mỹ và thế giới đi về đâu, chưa ai biết được. Đó là những chuyện lớn trong thiên hạ. Xin nói chuyện nhỏ ở quê mình. Xin nói chuyện ông Bùi Giáng, một thiên tài về thơ, một siêu nhân triết gia. Chuyện kể rằng sau 30.4.1975, một bữa ông đi lang thang ở chợ trời Saigon, tiện tay ông lượm một cái guidon xe đạp và đi luôn. Bà bán hàng rối rít chạy theo la um xùm. Bùi Giáng liền trả lại cái guidon rồi nói: Mất một cái guidon mà la om xòm trời đất, còn mất cả nước thì nín khe !

Lời Bùi Giáng nghe mà thấm thía, phải không các cụ ? Trường Sa và Hoàng Sa coi như bị chiếm, mỏ bô xít ở Tây Nguyên coi như sắp mất, mà chính quyền Hà Nội vẫn nín khe. Ông Buì Giáng ơi, ông đâu rồi, lời của ông có thần, ai cũng đang chờ ông lên tiếng. Ông ở thế giới bên kia rồi ư, ông cũng có cách lên tiếng chứ.

Chị Ba xin chấm dứt diễn văn ở đây. Phe các bà vỗ tay và khen vị đại diện nức nở. Rồi các bà xin nghe chuyện thời sự trong tháng. Anh John được mời lên diễn đàn. Anh vào đề ngay, nghề và nghiệp của chàng mà.

Tin nổi cộm là trong tháng Năm, một nhóm người Tamil biểu tình ầm ĩ ở Toronto. Họ cản trở cả xa lộ dẫn vào thành phố. Mục đích là để người Canada chúng ta chú ý tới cảnh chiến đấu tuyệt vọng của phe kháng chiến Hổ Tamil ở quê nhà Sri Lanka. Mấy ngày sau thì có tin quân đội Sri Lanka đã hạ sát được lãnh tụ Tamil và đã dẹp tan nhóm phản loạn. Người Tamil bẽ bàng rút vào bóng tối.

Tin thứ hai là Canada vẽ lại bản đồ mạn bắc. Xưa nay bản đồ Canada chỉ vẽ biên giới phía bắc ăn tới bắc cực là hết. Nay Canada vừa cộng tác với Đan Mạch công bố bản đồ quốc gia, phía bắc Canada chạy qua bắc Cực và ăn lan vào đất Nga. Canada đã căn cứ vào thềm lục địa. Canada đã theo gương Đan Mạch. Các cụ biết Đan Mạch là chủ nhân hải đảo Greenland tiếp giáp bắc cực, ở cạnh sườn phía đông của Canada. Đan Mạch đã vẽ bản đồ vượt qua bắc cực. Chưa nghe Nga sẽ phản ứng ra sao. Ngày xưa thời còn chiến tranh, Hoa Kỳ vẫn sợ quân Nga Xô bò qua bắc cực tiến xuống phía nam, băng qua Canada để tấn công vào nước Mỹ. Nay thì Canada cũng theo con đường ấy, đi ngược vào đất Nga. Chuyện này nghe buồn cười, phải không các cụ. Canada định bành trướng lãnh thổ, tiến sang chiếm đất Nga. Ha ha.

Nhân nói tới mạn bắc, xin nói tới người Da Đỏ Inuit của Canada. Những người này ngày xưa phe da trắng thường gọi họ là người Eskimo. Họ giận lắm vì họ ghét cái tên này. Eskimo là tiếng Da Đỏ có nghĩa là ‘bọn ăn thịt sống’. Người Da Đỏ cãi: Chúng tôi ăn thịt sống hồi nào? Rõ ràng chúng tôi có bếp lửa, có nấu chín thịt rõ ràng. Đa số người Inuit sống ở những miền tiếp giáp bắc cực, đời sống rất thấp so với người Canada da trắng phía nam. Vừa đây bà Toàn Quyền Michaelle Jean đề nghị chính phủ nên cho lập một viện đại học miền bắc cực này để người Da Đỏ có cơ hội thăng tiến. Dư luận chung ở Canada đều cho việc này rất hợp lý và công bằng.

Cuối bữa ăn, Cụ Chánh được mời nói lời cám ơn phe các bà đã chúc mừng lễ Hiền Phụ. Cụ Chánh nói ngay. Rằng đầu bữa chúng ta nói tới chuyện 3 ông cha của nhà thờ, Cha Đông, Cha Tín và Cha Hậu. Nhân nói tới ông cha nhà thờ thì lão nghĩ ngay tới đời sống tâm linh, đời sống tôn giáo. Ai cũng cần có đời sống tâm linh. Con người có xác, có trí và có hồn. Thiếu một thì đời sống không quân bình, không hạnh phúc. Lão chợt nhớ tới câu chuyện ngày xưa ở bên Pháp. Bữa đó trên chuyến xe lửa Lyon-Paris trong một toa tàu chỉ có một cậu thanh niên và một ông già. Ông già thì dáng dấp xuề xòa nhà quê, còn cậu thanh niên thì ăn mặc diêm dúa bộ mặt kênh kiệu. Cậu thấy ông già tay lần chuỗi miệng lâm râm đọc kinh thì tỏ ra khinh rẻ và khó chịu. Chàng nói với ông già: Thời buổi khoa học tiến bộ như thế này mà cụ còn mê tín dị đoan đọc kinh nữa sao ? Ông già hỏi lại: Vậy chớ bây giờ ta không cần tin có Thượng Đế nữa sao ? Cậu thanh niên đáp ngay: Không cần ! Bây giờ là thời đại thực nghiệm, mọi sự đều phải chứng nghiệm. Cụ không nghe nói về những phát minh lừng danh của khoa học gia nổi tiếng Louis Pasteur sao ? Ông già gật đầu, rồi miệng lại lâm râm đọc kinh. Khi tới Paris, cậu thanh niên trao cho ông già một tấm danh thiếp và nói: Tôi là sinh viên y khoa năm thứ ba. Cụ cần giúp đỡ hay cần hiểu biết gì thêm xin cứ liên lạc với tôi. À, mà tên cụ là gì ?

Ông già khiêm tốn đáp: Tôi là Pasteur, Louis Pasteur.