Home Phiếm Gã Siêu Không Già

Không Già PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Sáu, 27 Tháng 8 Năm 2010 15:45

Canada đang giữa mùa thu, nắng vàng đang bát ngát, và đồi phong bên nhà đang nhuốm màu đỏ tươi.

 Trong bữa ăn Lễ Tạ Ơn tuần qua tại nhà Cụ Chánh, Cha Paolo phát biểu:
Thời tiết đi theo vòng tròn, còn đời chúng ta đi trên đường thẳng. Tôi đang đọc sách viết về phương đông. Hình như ở Việt Nam qúy bạn nói ‘chết là về với tổ tiên’, có phải không cơ ?
 Ông cha này thâm thúy thế đấy các cụ a.
Anh John liền phụ họa ngay:
Đúng như vậy.
Quê vợ con ở Việt Nam tin rằng chết là về, về với tổ tiên, còn ở Âu Châu Mỹ Châu thì chết là về với Thượng Đế. Bên nào đúng thưa Cha ?
Cha Paolo cười rất tươi, hình như câu hỏi của Anh John hợp ý ngài quá. Ngài trả lời:
cả hai đều đúng. Về với tổ tiên, mà tổ tiên thì ở trong lòng Thượng Đế.   

Cụ Chánh nghe đến đây thì như lây cái vui từ Cha Paolo. Cụ kể:
Tôi có quen một số bạn người Lào. Người Lào có một quan niệm về cuộc đời rất cao. Xứ Lào còn có tên là Pathet Lan Xang, có nghĩa là Xứ Một Triệu Con Voi. Nhóm bạn mà tôi quen đều quê ở tỉnh Savannakhet. Danh xưng này có nghĩa là ‘ Cửa Thiên Đàng’. Người Lào nhìn cuộc đời rất bình thản. Câu thông thường trên môi người Lào là ‘ Bò pền nhắng, phỏ khoan xúc ma chạc chày’, nghĩa là ‘Không sao cả, hạnh phúc đến từ trái tim mà’. Bởi vậy được làm bạn với người Lào thì tôi sung sướng lắm. Người Lào nói chung đều sống bình dị, không đua đòi hơn thiệt, làm vừa đủ ăn. Họ thấy ta tranh đua kèn cựa, làm ngày làm đêm, không còn giờ để nghĩ đến cuộc sống thì họ ngạc nhiên lắm, vì theo họ thì hạnh phúc đâu có đến từ những việc này. Dân ở Savannakhet tin rằng chết là đi gặp tổ tiên ở thế giới bên kia.
Trong tang lễ, người Lào không khóc lóc thảm thiết như người mình. Đến viếng xác thì bao giờ cũng phải ở lại ăn cơm với tang gia. Người Lào không chôn người chết xuống đất, mà hoả thiêu rồi đem thán cốt vào chùa.

Tháng Mười Một này người Công Giáo gọi là Tháng các Linh Hồn, tháng nhớ đến các người thân yêu đã khuất, tháng nghĩ nhiều tới việc mình sẽ ra đi.
Cha Paolo nói tiếp: Đi đâu, đi lên hay đi xuống ? Muốn đi lên thì chúng ta phải mua cho được vé đi lên. Trong Thánh Kinh Chúa Giêsu nói rất rõ về việc mua vé đi lên này: Ai cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống thì người đó sẽ vào nước trời.
Nói đến đây rồi ngài lại cười ha ha và nói rằng ngài không giảng đạo mà chỉ xin góp niềm vui với dân làng.

Ai trong làng tôi cũng qúy Cha Paolo, và cha cũng quý hoá làng tôi lắm. Chúng tôi đã bỏ bùa cho ông Cha Canada gốc Ý này. Bùa làm bằng nước mắm.
 Bữa nay ngài tình cờ ghé chơi trên đường đi thăm bệnh nhân, đúng lúc dân làng đang ăn món bún chả Hà Nội. Các cụ biết món này chứ. Ngon quá sức.
Cụ Chánh liền kéo ghế mời ngài. Ông cha ngồi xuống rồi cầm đũa ăn ngay.
Chúng tôi thích cái tính chân tình này của Cha qúa. Món bún chả là món thịt nướng thả trong nước mắm chanh ớt rồi ăn với bún, rau diếp và các loại rau thơm. Món này phải có rau kinh giới và tía tô.

Ngài đã chan rất nhiều nước mắm và đã ăn rất tha thiết. Người tỏ ra vui vẻ và sung sướng nhất bữa nay là cụ B.95. Cụ cứ gắp thịt gắp rau bỏ vào bát cho ngài, bắt ngài ăn cho nhiều, cái lối tiếp thức ăn Bắc Kỳ ngày xưa ấy mà. Vừa tiếp thức ăn cụ vừa bắt ngài nói chuyện.
 Cụ xin Cha Paolo cứ việc giảng đạo, công khai giảng về Chúa cho cụ nghe.

Ông cha này cũng thâm trầm lắm. Ngài nói: Thiên Chúa tạo dựng ra loài người, tất cả chúng ta đều là con của ngài. Ngài là cha, là bố đẻ thật của chúng ta.
Cha mẹ ta chỉ là phương tiện để Chúa đem chúng ta vào đời. Đạo Chúa là đạo dạy chúng ta nhìn ra Chúa là người cha đích thực và mọi người là anh em với nhau. Tôi đọc sử VN thì thấy người VN gọi nhau là đồng bào, vì cùng một bọc trăm con mà ra, và như thế thì rõ ràng mọi người là anh em với nhau, đúng y như lời Chúa dạy.

Nói đến đây rồi Cha Paolo cười ha ha: Như vậy thì truyền thuyết trăm con của VN có gốc từ Thánh Kinh.

Nghe Cha Paolo nói xong, bồ chữ ODP xin góp ý. Rằng cái thuyết trăm con, chúng ta là anh em với nhau, xuất phát từ VN rồi lan sang bên Tàu. Ở bên Tàu có triết gia Vương Dương Minh chủ trương vạn vật nhất thể, nghĩa là tất cả nhân loại đều thuộc một khối duy nhất, đều thuộc một gốc tổ, nói theo Cha Paolo thì đều là con cái của Chúa. Và Việt Nam có công đầu trong việc này.

Anh John ngồi nghe rất chăm chú. Anh giơ tay xin góp ý. Rằng nếu như vậy thì trong văn chương Anh có thi sĩ John Donne đầu thế kỷ 17 cũng lây cái học thuyết Trăm Con của VN, và vạn vật nhất thể của Vương Dương Minh. Thi sĩ Donne làm một bài thơ rất hay, đại ý đề cao con người chúng ta là một khối. Ông nổi tiếng với bài thơ nhan đề là ‘ Không ai là ốc đảo cả’. Bài thơ bằng tiếng Anh, lời thơ rất đơn sơ dễ hiểu như thế này:

No man is an island
Every man is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less
Any man’s death diminishes me
Because I am involved in mankind
And therefore never send to know
For whom the bell tolls
It tolls for thee

Nghĩa tiếng Việt như sau:
Không cá nhân nào có thể là ốc đảo
Mỗi con người là một phần lục địa
Một phần của cái chung
Dù chỉ một hòn đất bị biển cuốn đi
Cả Âu Châu sẽ không còn toàn vẹn
Bất cứ sự ra đi của cá nhân nào
Cũng làm tôi tổn hao
Vì tôi là một phần của nhân loại
Vậy đừng hỏi chuông nguyện hồn ai
Chuông nguyện hồn chính anh đó

Nhân nghe Cha Paolo nói tới việc cho người đói ăn để mua vé đi lên trời trên đây, tôi liền nhớ tới bữa ăn Lễ Tạ Ơn ở hai trung tâm bác ái Toronto.
Nơi thứ nhất là Good Shephert Centre ở phía đông, nơi thứ hai là Scott Mission ở phía tây. Hai nơi này hàng ngày vẫn mở cửa tiếp đón những người nghèo đến ăn trưa và ăn tối. Trung Tâm Good Shephert rất lớn, mỗi ngày phục vụ trung bình 900 người, ngày lễ Tạ Ơn đã phục vụ 1.400 người.
Trung Tâm Scott Mission nhỏ hơn, mỗi ngày phục vụ 350 người, ngày lễ Tạ Ơn đã phục vụ hơn 500 người. Ngày Lễ Tạ Ơn, nơi nào cũng dọn một bữa ăn truyền thống: xúp, salad, gà tây, bò nướng, khoai chiên và bí ngô. Các người phục vụ bữa ăn đều là những thiện nguyện viên.Tôi có đến thăm hai trung tâm này. Thấy những người ngồi ăn, thấy những người phục vụ bữa ăn, ai cũng vui vẻ tươi cười, tôi cảm động qúa.
 Ngoài hai trung tâm trên đây, Toronto còn có Daily Bread Food Bank là nơi bạn có thể đem tặng các loại thực phẩm cho người nghèo. Nơi này rất lớn. Hàng ngày có rất nhiều thiện nguyện viên tới đây giúp phân loại thực phẩm.
Năm vừa qua, trung tâm này đã trao 799.315 gói thực phẩm cho ngưòi đến xin. Canada là nước đầy phước lành, điều này qủa không sai.

À, mà tôi mải kể chuyện liên hệ Cõi Trên mà chưa nói tới chuyện thời sự Cõi Dưới. Chuyện nổi bật nhất trong tháng qua là chuyển tổng tuyển cử ở Canada, ngày 14 tháng Mười. Đảng Bảo Thủ đương quyền lại thắng lớn, chiếm 143 ghế trong quốc hội, lại tiếp tục cầm quyền. Đảng Tự Do chỉ được 76 ghế, so với khóa trước đảng này mất đi 19 ghế.
 Đảng Bloc Quebécois 50 ghế, Đảng Tân Dân Chủ 37 ghế. Canada là xứ tự do nên có Đảng Cộng Sản, đảng này chả được ghế nào.

Nổi bật nhất trong quốc hội lần này là phái nữ. Có 437 ứng cử viên phái đẹp, và 68 người đẹp đã trúng cử, chiếm tỷ lệ 27%. Ai bảo phái nữ là phái yếu ở Canada ư ? Lầm to nha.

Ai cũng tiếc cho Đảng Tự Do. Trước đây đảng này mạnh và uy tín lắm, với những đảng trưởng nổi danh như Pierre Trudeau, Jean Chrétien, Paul Martin. Lần này Đảng Tự Do đi xuống như vậy là do cá nhân đảng trưởng. Hiện nay đảng trưởng Stephane Dion đã xin từ chức.
Ông là giáo sư đại học, bằng cấp đầy mình, thế nhưng điểm yếu của ông là ông nói tiếng Anh dở qúa. Ông gốc tiếng Pháp, tuy biết tiếng Anh nhưng ông nói không trôi chảy một chút nào. Mấy vị tiền nhiệm cũng gốc tiếng Pháp như ông nhưng họ đều nói tiếng Anh làu làu như gió.

Về kinh tế, theo Bộ trưởng Tài chánh Flaherty thì Canada rất mạnh rất vững, kinh tế tài chánh Canada không hề chao đảo như nhiều nước hiện nay.

Về mặt ngoại giao thì Canada vừa đón tiếp tổng thống Nicolas Sarkozy từ Pháp Quốc tới thăm. Ông đến đây để dự hội nghị Pháp thoại thế giới. Ông đến đây tươi cười vui vẻ chứ không hung hăng như De Gaule khi xưa. Các cụ còn nhớ biến cố sấm nổ này không ?

 Hồi đó, năm 1967, tổng thống Pháp quốc Charles de Gaule đến đây mừng lễ hội Québec.
Khi ông tham dự cuộc biểu dương, ông đã hô to: Vive le Québec libre’ có ý cổ võ việc ly khai. Lúc đó chính quyền liên bang Canada giận qúa sức. Ngày ông De Gaule ra về, chính quyền trung ương không thèm tiễn chân.

Cụ B.95 nghe đến đây thì che miệng ngáp. Cụ bảo sao chuyên thời sự bữa nay khô qúa. Xin các bác cho nghe chuyện gì tươi mát và vui vẻ cơ. Liền có ngay. Ông H.O. liền quay về tôi rồi hỏi: Nhà văn Nguyễn Xuyên bên Bỉ đã cho câu đối mới chưa? Các cụ còn nhớ chuyện này chứ ?
Năm ngoái Cha Nguyễn Xuyên mừng tuổi tôi câu đối tết. Ngài bảo đây không phải là tác phẩm của ngài mà là của một giáo dân trong đêm văn nghệ. Câu đối như thế này:

Thày sinh vật vật cô sinh vật, vật đúng chỗ sinh mà sinh vào đúng chỗ vật vế đối lại:

Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương vào chỗ tiểu mà tiểu vào đúng chỗ thương’.

Tôi bèn trả lời ông H.O. rằng năm nay chưa nghe Cha Nguyễn Xuyên nói gì, nhưng tôi có nhận được sự phụ họa từ độc giả.

Có độc giả khoái câu đối này qúa nên đã nổi hứng bắt chước và đã làm ra hai câu như thế này:

- Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp đúng chỗ bò mà bò đúng chỗ cạp

- Anh cà phê cà chị cà phê, phê đúng chỗ cà mà cà đúng chỗ phê

Làng nghe xong thì thích qúa, phá ra cười. Tiếng cười này đã mở đầu cho cuộc vui trong làng. Rồi anh John được làng phỏng vấn về việc học tiếng Việt. Anh John liền kể ngay:

-Tôi học tiếng Việt, càng học càng khám vá ra nhiều điều thích thú. Tôi thấy lời nói trong tiếng Việt có thể mang mùi vị của thức ăn. Chẳng hạn Chị Ba ăn nói ngọt ngào mặn mà, còn Chị Tư thì lời nói cay đắng chua chát.... mặn ngọt chua cay thì rõ ràng là mùi vị thức ăn.

Ông ODP liền góp ý ngay: Như anh vừa nói đó, anh bảo người Việt ‘ăn nói’, rõ ràng tiếng ăn đi với tiếng nói nên lời nói mang mùi vị của thức ăn là vậy.

Rồi từ việc ăn nói trong tiếng Việt, ông ODP bước sang tiếng Pháp nói ở miền Québec. Rằng nếu bạn là liền ông và tin vào toa thuốc ăn gì bổ nấy, bạn muốn tăng cường sức mạnh của liền ông nên bạn đi tìm ‘ ngầu phín dê’ư ?
Mời bạn vào chợ thịt dê. Rồi bạn có biết phải diễn tả làm sao để bác hàng thịt biết bạn muốn món đó không ? Tôi không biết ở Paris thì tên nó là gì, còn ở Québec tên món đó gọi là ‘amourettes’. Tại sao ngầu pín dê mà lại là amourettes ? Để cho mọi người ngơ ngác một lúc rồi ông mới cười hề hề. Rằng ông Tây ở Québec cũng giỏi như ông An Nam ta, cũng cho rằng ngẩu pín dê là món đại bỗ cho tình yêu, mà tiếng Tây gọi tình yêu là amour mà. Ngầu pín dê đã được thơ mộng hóa là Amourettes, hay thiệt vậy đó.

Rồi ông ODP trả diễn đàn cho anh John. Anh liền xin nói tiếp về tiếng Việt. Rằng dấu phết trong chính tả giữ vai trò rất quan trọng trong việc diễn nghĩa. Tôi gặp được 2 ví dụ rất hay trong sách, như thế này:

Đàn bà không có đàn ông, không là gì cả
Đàn bà không có, đàn ông không là gì cả

Câu 1 thì chê đàn bà, đàn bà cần đến đàn ông. Còn câu 2 thì chê đàn ông:

Đàn ông không có đàn bà thì đàn ông là số không.
Và đây là ví dụ thứ 2:

Mỗi gia đình có 2 con, vợ chồng hạnh phúc
Mỗi gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc

Câu trên thì đề cao hạnh phúc của cả hai vợ chồng, câu dưới thì đề cao cái anh chồng có 2 vợ.

Nghe đến đây thì ai cũng khen anh John có chí học tiếng Việt với một bộ óc khoa học. Anh này giỏi tiếng Việt là phải lắm, đúng không các cụ ?
 Anh John được cả làng khen, đặc biệt 2 đại biểu phái đẹp trong làng, cô Cao Xuân và Tôn Nữ đã vỗ tay to nhất.. Anh John sung sướng vô cùng. Được hứng khởi, anh nói luôn:
 Tôi đố các bạn trong tiếng Việt chỉ cần nói một câu thôi, mà diễn tả đầy đủ anh con trai đi ngoại tình rõ ràng. Nói thế nào đây ? Chỉ cần một câu đơn giản thôi nha.

Cả làng bị hỏi bất ngờ, ớ ra hết. Mấy bồ chữ trong làng cũng tắc luôn. Anh John cười hề hề, giọng cười tinh quái, thủng thẳng nói: Câu này không phải của tôi nha mà là câu trong sách, khi tôi học về cách viết làm sao cho cô đọng mà đầy đủ ý nghĩa. Các bạn cứ đọc thong thả, nghĩ từng chữ, thì sẽ thấy anh con trai này hư đốn, đi ngủ lang ở nhà bồ tèo:
‘ Chúng tôi ngủ dậy, mặc quần áo,rồi tôi vội về nhà chở vợ đi chợ...’

Cả làng nghe xong thì gật gù rồi cười hà hà. Chị Ba Biên Hòa thấy chồng đã đi qúa lố, bèn xin ngưng rồi yêu cầ ông ODP đổi đề tài, thay đổi không khí vừa bị ô nhiễm.

Ông ODP liền ưng ngay. Ông xin nói về cái tai nghễnh ngãng của chúng ta, chữ tác thành chự tộ. Điển hình là cái tai của Ông Jacques Cartier người da trắng đầu tiên đặt chân đến miền đất hạnh phúc này vào năm 1533. Ông gặp một nhóm người Da Đỏ. Hai bên không nói cùng một thứ tiếng. Ông nói gà, bà nói vịt.
 Có lẽ ông hỏi họ về miền đất này tên là gì. Mấy ông Da Đỏ lại đoán ông tây có ý hỏi ‘ nhà mấy anh ở đâu ?’ nên mới chỉ về hướng mấy túp lều phía xa rồi nói ‘
Kanata’. Ông Jacques Cartier nghĩ đây là câu trả lời về tên đất. Vì tai ông là tai người tây, vữa nghễnh ngãng vừa khó nghe nên thay vì ghi là Kanata thì ông ghi là Canada. Danh xưng Canada hiện nay có gốc từ sự nghễnh ngãng này.

Ông ODP đang định kể tiếp thì anh John chặn lại. Dù đã bị vợ cấm nói mà anh không thể im lặng được. Anh liền nói:

Bác ODP kể còn thiếu lời giải thích. Người Da Đỏ nói Kanata, Kanata là câu tiếng Việt. Vì người Da Đỏ vốn quê ở VN, họ xa tổ quốc Viêt Nam lâu ngày nên họ nói lơ lớ. Kanata chính là ‘ Cái Nhà Ta’ mà ra. Kanata, Canada, Cái Nhà Ta, rõ ràng cùng một gốc. Các cụ đã thấy cái anh John này nhớ dai và rõ ràng thuộc bài bản của tôi, chúng tôi là đồ đệ của Triết gia Kim Định mà.

Chị Ba lại phải ra lệnh cho anh John im lặng để nghe xong phần diễn thuyết. Ông ODP kể tiếp:

Cũng giống như chuyện Canada ở Mỹ Châu, khi nhóm người Da Trắng đầu tiên bước chân lên đất Úc Châu năm 1788, họ gặp một con vật kỳ lạ, đi bằng hai chân và có túi mang con ở bụng liền hỏi con vật này tên gì. Người thổ dân trả lới là ‘ Khan ghu ru’ có nghĩa là ‘ tôi không biết’. Vì không hiểu ý nghĩa nên ông da trắng ghi luôn tên con vật là kangaru.

Ông ODP xin chấm hết bài diễn văn và xin cụ Chánh cho ý kiến. Cụ Chánh tiên chỉ làng từ đầu bữa ăn đến giờ chỉ ngồi gật gù tán thưởng và cười góp. Cụ xin được tha phần phát biểu vì tuổi già. Cả làng đều cười ầm lên.

Chị Ba Biên Hòa lên tiếng ngay: Cụ mà già cái gì. Kìa xem cụ Summer Redstone, 85 tuổi, chủ tịch Viacom và CBS, sáng nào cũng thức dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe, chạy bộ và đi bơi rồi ngồi vào bàn giấy làm việc ngay. Kìa xem ông già gân Hugh Hefner, 82 tuổi, vẫn còn đầy phong độ hào hoa phong nhã và còn minh mẫn điều hành tạp chí Playboy. Kià xem cụ Thiệu Dật Phu, chủ nhân hãng phim Shaw nổi tiếng hoàn cầu, tuy đã 100 tuổi mà vẫn còn tới văn phòng làm việc.
 Kìa xem cụ Nguyễn Công Trứ đã ngoài 80, khi nghe quân Pháp đánh thành Đà Nẵng, đã xin vua cho vào lại quân đội để diệt xâm lăng. Rõ ràng các vị này thân lão mà tâm bất lão. Bởi vậy lời Cụ Chánh than gìa là không đúng sự thực.

Các cụ đã thấy Chi Ba Biên Hòa thông minh sáng láng chưa. Cô giáo Anh văn ngày xưa có khác, nói có sách mách có chứng, anh John mê mệt ngày đêm là phải. Cụ Chánh không cãi được lý sự của Chị Ba bèn phải lên tiếng:

Nhân bàn về cái tai ngoại quốc, lão chỉ biết sơ sơ vài chuyện này mà thôi. Chuyện ông Da Trắng Cartier nghe Kanata mà viết ra Canada thì ông ta cũng đã giỏi lắm rồi vì không xa âm chính bao nhiêu. Chứ ông Tàu nói tiếng quan thoại mà đọc tên ngoại quốc thì khiếp lắm. Chẳng hạn tên nước chúng ta là Việt Nam, các ông ấy phát âm là giuế nàm nghe có tức không chứ.
 Mỹ Quốc thì các ông ấy đọc là may của, Pháp quốc là phá của.
Coca Cola họ đọc là khớ khẩu khở lớ, Pepsi Cola là pai sư khở lớ.

 Chưa hết. Trong văn học VN có hai văn tài nổi tiếng là Thi sĩ Hồ Zếnh và nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Zếnh và Sển đâu có phải là âm tiếng Việt, mà sao ta cứ gọi như thế ?
Truy nguyên ra thì đây là âm Tàu. Ông Hồ Zếnh có bố là người Quảng Đông, mẹ là người VN bà Đặng Thi Vân. Hai ông bà đẻ ra cậu con trai đặt tên là Hà Triệu Anh. Khi đến làng xin khai sinh, ông bố đọc tên con Hà Triêu Anh theo giọng Quảng Đông là Hồ Zếnh, ông thư ký làng bèn ghi đúng lời ông bố, không có ghi theo lời bà mẹ.
Còn tên của học giả Vương Hồng Sển cũng giống như thế. Tên Việt Nam của cụ là Vương Hồng Thịnh, nhưng vì ông bố Tàu phát âm trọ trẹ, Thịnh mà ra Sển, ông thư ký làng cứ phép làng, ông bố nói sao thì ghi như vậy.

Phe các bà nghe chuyện phát âm của mấy ông Tàu thì có vẻ không vui, các bà chê là cái tai Tàu nghễnh ngãng, Triệu Anh nghe đẹp thế mà hóa ra Zếnh, Thịnh đẹp thế mà hóa ra Sển, thiệt là kỳ cục.

Anh H.O. bèn chuyển tiếng Tàu kỳ cục ra tiếng Việt vui vẻ. Anh bảo lúc nãy Chị Ba nói về tuổi già làm anh nhớ tới một câu ca dao liên hệ tới các vị cao niên, câu ca dao như thế này:

Già thì già tóc gìa râu
Riêng về cái ấy còn lâu mới già

Anh xin đố mọi người ‘cái ấy’ trong câu ca dao chỉ cái gì.
Phe các bà nghe xong bèn la lên, rằng câu này tục qúa, thật là vô phép vô tắc, trước mặt khách qúy là cha Paolo mà anh dám nói lời tục tĩu.

Anh H.O. bèn cãi ngay: Đầu óc các bà tục tĩu thì có, câu ca dao mới này nói lên cái vui tươi hạnh phúc của tuổi già, ‘cái ấy’ chỉ ‘tiếng cười’. Nào xưa nay có ai nói tiếng cươi già nua bao giờ đâu !

À, ra thế. Hóa ra cái đầu chúng ta bị ô nhiễm. Đầu chúng ta tục nên chúng ta cứ nghĩ ra sự tục !