Như con ngựa kéo xe, quen nhọc nhằn hàng ngày, nếu được thả rong trên đồi cỏ, thì không chịu nỗi, nhớ cái càng xe, nhớ đến những ngày nặng nhọc, chạy cho ói cỏ, chạy sùi bọt mép ra.
|
Nghe tôi quyết định về hưu cho khỏe cái thân già, ông John lững thững đến gặp tôi, và nói: “Về hưu làm chi? Phải làm việc cho đến khi chết. Một đời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất, đáng sống và ích lợi nhất là làm việc cho đến chết. Có việc làm đều đều, hàng ngày bận rộn, sẽ kéo dài tuổi thọ. Anh cứ xem, chiếc xe mà chạy đều đều, thì không có gì xẩy ra, cứ để nó nằm yên vài ba tháng, thì bình điện hết, máy trục trặc, chạy cà rịch, cà tang, và chết máy mãi. Về hưu, là tự ký cho mình bản án tử hình, mà chưa hành quyết. Bởi thế nên ông David Brown ở tuổi 70, làm việc bận trộn hơn hồi 35 tuổi, bấy giờ, trong cùng một lúc, ông lo sản xuất bốn cuốn phim, vài chương trình truyền hình, ba vở kịch ở Broadway và Luân Đôn, lại phải đi đây đi đó trên thế giới, bận lu bù. Ông nầy viết sách, hô hào làm việc cho đến chết.”
Tôi cười trả lời: “Tội nghiệp ông già. Chắc ông ta nợ nần ngập đầu, phải làm việc lu bù ở tuổi 70 để trả nợ cho kịp trước khi chết chăng? Ông có theo dạo Phật không? Có tin nợ kiếp nầy chưa trả hết, thì phải đầu thai để kiếp sau trả lại? Ở Mỹ, nợ ngập đầu, cứ khai phá sản cái rụp, là không còn nợ ai đồng nào, khỏe ru. ” “Ông nầy là đa triệu phú, không nợ nần ai xu teng nào cả. “ “Giàu thế thì tội chi mà làm việc cho hao tâm tổn sức . Mai mốt chết, để tiền lại cho các ông chủ tịch hội từ thiện tiêu xài hoang phí. Các ông ấy tự trả lương bạc triệu cho chính các ông, ở khách sạn cả mấy ngàn đồng mỗi đêm, tiệc tùng xa xỉ, như báo đã phanh phui mấy năm trước. Ông John ơi, ngay cả chính ông, thâm niên trên 45 năm, hưu được 100% tiền lương rồi, sao còn nấn ná chi đây? Chờ chi nữa? Mỗi ngày phải dậy sớm đi làm, chiều ra về trong guồng xe mắc cửi, nối đuôi sốt ruột. Vào sở để tụi con nít nó hỗn hào, nói nặng lời, đôi khi còn hoạnh họe lên mặt, dạy đời.”
Ông Ken ngồi bên cạnh cười và chen vào câu chuyện của chúng tôi: “Anh biết tại sao ông Tom không dám về hưu? Ở nhà mệt hơn đi làm. Đi làm thì lao động trí óc, có chuyên môn, chứ về nhà, vợ sai làm lao động chân tay. Cứ cưng làm việc nầy, cưng làm việc kia, suốt ngày. (honey do this, honey do that..) không kịp thở. Nào là nhổ cỏ, cắt cây, hốt rác, bứng cây nầy, trồng cây kia, hút bụi thảm, sửa ống khóa, sơn hàng rào, ôi thôi đủ thứ cực nhọc. Thế thì thà chi vào sở trốn việc nhà, là an toàn và hợp lý nhất. Khà, khà, khà”
Chúng tôi cười theo. Ông John nói rằng: “ Việc nhà thì dễ lắm. Bỏ ra mấy chục đồng, thuê người ta đến chăm sóc, là xong ngay. Vấn đề là, nếu không đi làm việc, thì hôm nay sẽ nói chuyện vui đùa với ai, ai rảnh rổi nghe mình nói, và giờ xả hơi có ai cùng đi bộ, trưa nay đi ăn với ai, quán nào. Hay là khi ở nhà, thì làm biếng rồi nằm dài cho thân thể nó oải ra, không muốn động đậy? Chết sớm lắm. Nghỉ việc, về hưu là chính mình đục lỗ, cho thuyền mình chìm sớm”
Ông Ken lại chêm lời vào: “ Anh chưa biết đó, có nhiều vợ chồng già, ở nhà không có việc chi làm, vào ra đụng mặt nhau mãi, phát bực, đâm ra gầm gừ, gây gổ nhau. Bỡi vậy, anh đừng ngạc nhiên khi nghe tin những cặp vợ chồng già cóc đế, sắp được diêm vương gởi giấy mời rồi, cũng đem nhau ra tòa li dị ào ào. Không có gì lạ cả.”
Ông John lắc dầu nói: “Nếu mỗi ngày thức dậy, mà biết mình không có việc chi để làm, không còn ích lợi cho xã hội nữa, thì thà chết đi còn hơn. Tôi thấy nhiều ông già ngồi phơi nắng trước sân hàng giờ mỗi ngày như con chó già, ruồi đậu cũng không thèm đuổi, kẻ lạ đến không thèm sủa. Sống như vậy thì có ích gì? Mấy ông nầy, mà đứng dậy, đi kiếm việc làm, thì sẽ thấy khỏe, trẻ ra, nhanh nhẹn trở lại, và có thể sống lâu hơn cả vài chục năm. Làm việc, là một phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa bệnh uể oải, mệt nhọc, và chán nản, quẩn trí trong tuổi già.”
Tôi hỏi: “Thế thì các cụ già không đau lưng, nhức xương, mệt mỏi sao? Có được bao nhiêu người không bị bệnh trong tuổi già để theo đuổi công việc như ông nói?” “ Đương nhiên, già thì nhức lưng, mỏi xương. Nhưng nếu còn làm việc, các thứ bệnh đó tự dưng không phát tác hoành hành. Tôi đọc báo, thấy miền nam nước Nam Hàn, có vùng, rất nhiều cụ già trên dưới chín mươi tuổi, còn cuốc đất, lao động đồng áng mỗi ngày. Nhờ làm việc mà các cụ khỏe mạnh và sống lâu.”
Tôi thở dài, thật dài cho ông John nghe: “ Cực thế, thì sống lâu làm chi? Tôi thà sống ít năm mà sung sướng, còn hơn sống cực khổ vất vả cho đến trăm tuổi.”
Ông John nói tiếp: “ Không phải sống già để chịu cực. Trong công việc, tìm ra nguồn vui. Những người tiếp tục làm việc, không cần biết đến tuổi già, thì họ sẽ được trẻ mãi. Trẻ từ thể chất đến tinh thần. Anh có thấy các ông bà ca sĩ, nghệ sĩ không? Trông họ như không bao giờ già, không biết già là gì. Họ vẫn say sưa đánh đàn, say sưa ca hát, tiếp tục vui cười, làm tiền, mua vui cho thiên hạ. Có những người sáu bảy chục tuồi, mà tâm hồn, thể xác của họ trông như ba bốn mươi thôi. Những người nầy, cuộc sống hứa hẹn đến trên chín mươi tuổi trong khang kiện. Nầy, anh có biết ông George Burns không? Ông nầy hứa hẹn sẽ trình diễn, đóng phim cho đến trăm tuổi đó. Gần trăm tuổi, ông vẫn đi tán tỉnh các cụ già, vẫn thích chuyện gối chăn. Ông ấy tự thấy ông như ở tuổi ba bốn mươi.”
Tôi định nói cho ông Jonh nghe rằng, bên xứ tôi, già mà dê như vậy, thì thiên hạ sẽ gọi là ông “gìa dịch”. Nhưng tôi không biết chữ nào trong tiếng Anh, dịch cho thật sát nghĩa với chữ “già dịch”, nên chỉ nói: “Ông John ơi, nếu tôi không lầm, thì giấc mơ của người Mỹ là được về hưu sớm. Họ chuẩn bị cho đời sống hưu trí ngay từ khi mới bắt đầu đi làm việc, ở tuổi trên hai mươi. Nhiều luật lệ, nhiều cơ chế tài chánh khuyến khích họ chuẩn bị cho ngày về hưu được sớm hơn, vững vàng hơn?”
“ Hừ, về hưu là một ác mộng mà người ta không biết. Đang mạnh khỏe đi làm, thì mong về hưu. Cho rằng về hưu sẽ được sung sướng, hạnh phúc. Chưa có kinh nghiệm về hưu sao họ biết về hưu là sung sướng? Tất cả đều là tưởng tượng, mơ mộng, mong mỏi mà thôi. Rõ là đứng núi nầy trông núi kia. Chưa về hưu thì mong về hưu. Chưa có vợ thì mong có vợ, có rồi mới phờ người ra, vợ nó đì cho hộc mật. Chưa có con, thì mong . Có thì cũng vui thật, nhưng từ đó thì lu bù công việc, nuôi con, dạy con, đón đưa đi học, giải trí, thỏa mãn đòi hỏi, chi phí đại học, mọi việc đều hướng về con cái, mà cha mẹ thì phải hy sinh tất cả . Không còn biết đến mình nữa. Nếu đứa con nên người, thì may mắn, nếu nó hư hỏng, thì còn khổ dài dài. Anh phải biết, thống kê ghi rõ ràng, trên 61% người đã về hưu, trở lại làm việc khác sau sáu tháng nhàm chán, nghỉ ngơi. Nhàn rỗi quá, dễ sinh ra rượu chè be bét, dễ bài bạc bê tha, và cũng dễ quẩn trí mà tự tử nữa. Đó, trường hợp ông Frank, mới vê hưu hơn một năm, đã đút súng vào mồm mà bóp cò. Nếu cứ đi làm việc, thì bây giờ ông ta cũng đang vui vẻ, đùa nghịch với các ông bạn già ở đây. Rõ ràng đấy nhé, tuần trước báo đăng, đa số các ông về hưu, đều bị nhồi máu cơ tim sau một năm nghỉ làm việc.”
Tôi hỏi ông John: “ Thế ông có ý niệm chi về chữ nhàn của đông phương không? Nhàn là một trạng thái tâm linh an bình, hạnh phúc, gạt bỏ ra ngoài các lo âu cơm áo bình thường, thảnh thơi vui thú .” “Nhàn, tôi nghi ngờ lắm. Cứ bảy ngày trong tuần xem truyền hình cho bét con mắt ra, đọc sách cho nhức con ngươi, thân thể thì uể oải, mỏi mệt, rã rời. Không ích lợi cho ai cả. Đất nước nầy không khá vì những công việc như vậy. Tôi nghĩ lại, có lần thất nghiệp, buổi sáng tôi ngồi bên cửa nhìn sinh hoạt của thiên hạ mà lòng muốn điên lên. Người ta thì vội vàng lái xe đi làm việc rần rần, xếp hàng chờ lên xe buýt, xe điện, ai cũng có một nơi để mà tới, một công việc mà làm hôm nay, để hy vọng lảnh lương vào cuối tuần, cuối tháng. Mình không có chi làm cả, cũng không có hy vọng, cũng không có vui vẻ. Nếu phải bỏ ra 15 năm, 25 năm về hưu, không làm gì cả, thì thật là kinh khủng. Mấy ông già suy nhược tinh thần sớm, cũng vì cái trống rỗng, cái chán chường ngày tháng ám ảnh. Anh nói rằng nhàn, tôi dã từng đi trên du thuyền nhiều lần, trông mấy ông già bà già, họ làm cho họ chậm chạp thêm. Giống như họ đã chết rồi mà chưa chôn cất, họ lờ đờ, chậm chạp, như không còn tha thiết gì nửa với cõi sống nầy, sức lực họ tiêu tán đâu cả. Họ bị ám ảnh bởi cái ý niệm hưu trí, tuổi tác, họ đóng kịch già. Họ cố làm cho họ già thêm. Thử so sánh với mấy ông già, tuổi tác cao hơn, làm cho mấy hãng truyền hình, những ông già còn hoạt động, còn làm việc, trông nhanh nhẹn, sâu sắc, ý tưởng tích cực.”
Tôi cười, và nghĩ rằng, còn được đi làm việc, thì cũng vui, cũng tốt, nhưng nếu được về hưu, thì vui hơn, tốt hơn, tôi sẽ chọn con đường vể hưu. Sống để làm việc, góp chút công ích cho xã hội, thì cũng tốt. Tôi đã đóng góp mấy chục năm, lâu rồi, thì thời gian còn lại dành riêng cho tôi, cũng không ai chê trách gì. Tôi chỉ cười mà đáp lại lòng tốt của ông John dành cho. Nói cho tôi biết mặt khác của vấn đề.
Mấy anh bạn trẻ nghe tôi về hưu, có anh đến hỏi: “Thích thú quá, khi về hưu, anh định có mở hãng kỹ sư tư vụ cố vấn không ? Với mấy mươi năm kinh nghiệm trong nghề, anh được làm chủ, và hốt tiền thiên hạ. Khi nào có công việc gì, chúng tôi có thể làm được, thì anh chúng kêu tôi với.”
Tôi cười mà nói: “Đã về hưu rồi, thì phủi tay luôn. Làm thêm chi cho mệt nhọc, thêm lo lắng. Muốn kiếm thêm tiền ư? Sao không cứ ngồi lại đây, mỗi tháng lảnh lương, công việc nhàn nhã, khỏe khoắn, chung quanh lại có bạn bè quen biết lâu ngày, thì có hơn không. Các anh tưởng ra mở hãng kỹ sư cố vấn khỏe lắm sao? Bắt cho được khế ước là một vấn đề lớn. Công việc lại bị thúc hối như chạy giặc, lại bị hoạnh họe đủ thứ. Tội chi chui đầu vào cái rắc rối, khó khăn?” “Thế thì anh không dự định kinh doanh nào khác sau khi về hưu sao? Uổng quá.” “Kinh doanh cái gì? Thống kê cho biết cứ một trăm người ra kinh doanh thương mãi, thì chỉ có chừng năm người thành công, còn chín mươi lăm người phá sản, mất hết cả vốn lẫn lời. Người làm kinh doanh, phải làm việc từ mười hai, đến mười lăm tiếng mỗi ngày, cực hơn đi cày ruộng. Tôi đâu có ngu dại gì. Mà tôi hỏi các anh, kiếm thêm tiền làm chi? Nếu mình đã đủ sống, thong dong, không túng thiếu, không nợ nần, không lo lắng đến vần đề tài chánh.”
Nhiều người trong sở, nói với tôi rằng: “Về hưu làm chi? Sau khi về hưu, rất dễ chết. Cứ nhìn gương các ông Xoài, ông Ổi, ông Cam, ông Bưởi, và nhiều ông khác nữa, chỉ về hưu chưa đầy năm, là chết, có ông chỉ sống ngắn ngủi thêm mấy tháng thôi.” Họ không biết là các ông ấy bệnh hoạn, sức cùng lực kiệt rồi, không lết đến sở được nữa, mới đâm đơn về hưu. Đâu phải vì về hưu mà chết sớm. Các ông ấy, mà còn đi làm, thì chết mau hơn.
Mấy ông bạn văn nghệ nghe tôi về hưu, họ mừng và nói: “Bây giờ thì tha hồ mà viết văn làm thơ nhé. Có thì giờ, viết cho được vài ba tác phẩm để đời.” Nghe mà tôi chỉ cười, bởi họ nói không đúng ý tôi. Vì sau khi về hưu, thì tôi sẽ không dùng thì giờ mà viết truyện, làm thơ cho mệt. Nghỉ ngơi, tà tà cho sướng. Viết cho được tác phẩm để đời, đâu phải là dễ, mà có làm được cũng không nên làm, mà phí phạm ngày tháng ngắn ngủi của tuổi già. Một ông bạn tôi tìm ra cái chân lý thật giản dị: Đọc khỏe hơn viết, đọc thú hơn viết, để người khác viết cho mình đọc, tội chi ngồi viết mệt nhọc, mà người khác có khi còn chê bai, ghét bỏ. Viết lách, thường được ví như con tằm nhả tơ. Tội chi mà nhả tơ cho hao mòn thân xác, làm con ve, con bướm nhởn nhơ bay lượn, ca hát thì có thích hơn là cúi đầu trên trang giấy không? Khi nào hứng lắm, thì mới viết cho vui, chứ không phải viết để làm văn chương.
Có mấy ông bạn quý, nói vói giọng trang trọng: “Sau khi về hưu, cởi bỏ được gánh nặng cơm áo, ràng buộc, thì sẽ có thời giờ thực hiện được những mộng lớn, mộng bé hằng ôm ấp. Thật sung sướng.”
Tôi trả lời thẳng rằng: “Không mộng lớn, không mộng nhỏ chi cả. Đã gần cuối đời rồi, thì giờ còn bao nhiêu nữa mà chạy theo ảo vọng? Uổng khoảng thời gian ngắn ngủi quý báu còn lại. Những cái mộng lớn mộng bé kia, nếu có thành, thì e cũng chỉ là hư không, vô nghĩa mà thôi. Sống sao cho tự cảm thấy mình sung sướng, nhàn nhã, thảnh thơi. Khi còn trẻ, còn nhiều năng lực, còn nhiều thì giờ, mà không thực hiện được điều mình muốn, thì mong chi làm được trong thời tuổi già sức yếu?”
Có người e ngại rằng, sau khi về hưu thì tài chánh eo hẹp, sẽ chật vật, phải ăn tiêu dè xẻn, phải tính từng đồng, từng xu, mệt lắm. Tôi cứ nhìn vào ông hàng xóm của tôi mà suy ra cho người khác. Sau khi về hưu, ông đi chơi đây đó. Hơn năm mươi phần trăm thời gian của ông là vắng nhà. Ông mua đủ thứ máy móc tân tiến, đời mới nhất, năm cái computer, nhiều máy thu, máy phát, đủ các thứ dĩa ca nhạc, phim truyện. Cái mối lo âu lớn nhất của ông, là làm sao tiêu cho hết tiền trong tháng, gắng tiêu cho hết sạch, bởi tháng sau sẽ có tiền khác đến, không tiêu hết, nó tích tụ lại, thêm mệt, thêm rộn trí.
Thực sự, về tiền bạc, thì không chừng, có nhiều bao nhiêu cũng thiếu, mà có ít bao nhiêu cũng thừa. Thiếu hay thừa, nằm trong tâm mỗi người, không phải nằm ở con số. Biết đủ là đủ. Biết thong thả là thong thả. Đừng có túng thiếu, đừng có thèm thuồng mà không được, thì là đủ và vui. Ăn uống có là bao nhiêu trong tuổi già, có khi muốn ăn, mà không ăn được nữa mà.
Một anh bạn cứ thắc mắc hỏi, sau khi về hưu làm chi cho hết thì giờ. Tôi thấy mấy ông bạn tôi, ông nào còn đi làm việc, thì còn có thì giờ để sinh hoạt với bạn bè, làm việc nầy việc kia cho các hội đoàn, cho các nhóm, mà ông nào đã về hưu, thì cũng than là bận rộn lắm, không có thì giờ để viết bài cho các tập san ái hữu. Khó hiểu, nhưng nghe nhiều người bảo thế, thì tôi cũng cứ tin đi cho khỏe. Nghe về hưu còn bận rộn hơn khi di làm, tôi cũng hơi e ngại với quyết định về hưu. Bận rộn hơn đi làm, thì tội chi về hưu cho mệt? Năm ngoái, có ông bạn gởi cho tôi một nghiên cứu và thống kê, với lời kết luận khác với thống kê của nhà nước Mỹ. Lại thống kê. Như có kẻ bảo rằng, thống kê là phản bội, thiếu khoa học. Thiếu khoa học sao người ta cứ dùng mãi, phản bội sao lại phản ánh được khá nhiều sự thực? Thống kê đó, dựa vào tuổi về hưu và tuổi chết của nhân viên các công ty lớn tịa Mỹ như Boeing, Lockheed, AT&T, Lucent vân vân, và đưa ra một bảng số kết quả, làm nhiều người giật mình. Đại khái, như sau:
Về hưu lúc 50 tuổi, sẽ chết lúc 86 tuổi. Về hưu lúc 55 tuổi, sẽ chết lúc 83 tuổi Về hưu lúc 60 tuổi, sẽ chết lúc 75 tuổi Về hưu lúc 65 tuổi, sê chết lúc 67 tuổi.
Đó là thống kê nêu số trung bình, nếu dựa theo các con số đó, thì rất nhiều ông cụ trong sở tôi, đáng ra đã chết từ năm bảy năm trước rồi. Thế mà các cụ vẫn khỏe mạnh, ung dung, yêu đời, và còn khuyên người khác hãy làm việc cho đến chết. Hoặc cho đến khi chết gục trên bàn làm việc. Trong sở tôi, cũng có nhiều ông chết gục trên bàn, chết quỵ trong thang máy, mà mấy ông chết gục nầy, tuổi tác thường dưới năm mươi lăm. Những người chủ trương làm việc cho đến khi chết, cũng đúng. Đúng theo quan niệm của họ. Họ có hoàn cảnh riêng, ý thích riêng. Tôi chủ trương rằng, đi làm để kiếm sống, khi đã có đủ sống, thì tội chi mà đi làm.
Còn có việc làm cũng sướng, được nghỉ ngơi, đi chơi thì sướng hơn. Nếu phải chọn lựa, thì cứ chọn cái hơn, tội chi ! Một ông bạn, suốt đời chăm chỉ làm việc, không đi chơi đâu, không phí thì giờ họp mặt bạn bè bù khú, nói chuyện vô bổ, tào lao. Sau khi bệnh, được thay gan thay thận, dù rất yếu đuối, và thỉnh thoảng còn lên cơn sốt hâm hấp, bất cứ, ai mời đi đâu cũng đi, xa mấy cũng lấy máy bay đến cho được. Họp mặt, ăn cưới, ông đến từ đầu và ngồi lại cho đến những phút cuối cùng.
Về hưu, làm gì, đi đâu, cả đời làm việc quen rồi, nếu ở không đi chơi, không có việc làm, thì chịu chi cho thấu. Như con ngựa kéo xe, quen nhọc nhằn hàng ngày, nếu được thả rong trên đồi cỏ, thì không chịu nỗi, nhớ cái càng xe, nhớ đến những ngày nặng nhọc, chạy cho ói cỏ, chạy sùi bọt mép ra. Có phải nhiều người, sợ về hưu, sẽ lâm vào hoàn cảnh con ngựa nhớ cái càng xe nhọc nhằn trên cổ chăng?
|