Home Phiếm Các Tác Giả Người Việt vẫn giữ thói quen khôn nhà dại chợ

Người Việt vẫn giữ thói quen khôn nhà dại chợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Đăng Khoa   
Thứ Ba, 07 Tháng 8 Năm 2012 08:14

Mấy ngày gần đây, trong những chuyện phiếm bên quán nước vỉa hè, hay trên các hãng truyền thông, đều xôn xao những chuyện không lấy gì làm đẹp trong phòng khám, phòng điều trị tư nhân có thầy thuốc Trung Quốc.

Điều đáng sợ hơn là đã xảy ra cả chuyện chết người. Nạn nhân là một phụ nữ chẳng có bệnh tật gì nghiêm trọng. Một cái chết vu vơ. Chết chỉ vì bị sốc khi truyền nước. Đó là một sơ xuất rất tối thiểu mà ngay cả một trạm xá cấp xã, cấp phường cũng khó vấp phải. Chúng ta không nghi ngờ nền y học Trung Quốc, đặc biệt là Đông y. Tuy nhiên, những thầy thuốc giỏi, những bác sĩ chuyên gia đích thực của họ đâu có sang ta để hành nghề. Việt Nam không phải là lựa chọn của họ. Làm việc trong mấy phòng khám tư nhân ở ta, có khi chỉ là mấy ông lang băm bán thuốc dạo, hay vài cậu sinh viên non choẹt vừa mới ra trường. Tay nghề không. Thực tiễn không. Kinh nghiệm không. Thế thì tránh sao được chuyện rủi ro, kể cả những cái chết bi thảm, những cái chết vu vơ rất không đáng có.

Điều chúng ta quan tâm, là tại sao những phòng khám tư nhân, với cái giá điều trị ngất ngưởng ở… trên giời mà vẫn có bao nhiêu người nghèo sẵn sàng dồn cơ nghiệp và cả tính mạng của mình vào đấy, để rồi cuối cùng chuốc lấy sự phiền toái, bùng nhùng, cả những cái chết vô cùng thảm khốc? Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết vì bệnh. Nhưng những bệnh nhân đáng thương ấy không phải chết vì bệnh tật, mà vì bệnh… sùng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng tốt, cũng sang. Đến cả hàng hóa, vật dụng, hàng xách tay, hàng… ngoài luồng cũng đều… tốt cả. Còn những gì của ta cũng đều rẻ rúng, “hâm đơ”. Hãm. Từ hàng hóa, vật dụng, đến cả… con người. Các hoa hậu, ca sĩ của ta, chỉ cần có chút nhan sắc, tiếng tăm, phần lớn cũng sắm… chồng ngoại. Thế thì trách gì mấy bác nông dân chân lấm, tay bùn cả tin, dễ bị lừa mị, thế nên chỉ nhức đầu, sổ mũi, hay cắt trĩ, truyền nước… toàn những bệnh đơn giản, cũng muốn kén bàn tay của bác sĩ ngoại, dù sự kén chọn ấy có phải trả cái giá ngất nghểu ở xứ… cung giăng thì cũng “cứ chơi”. Không đủ tiền thì bán đất cát, nhà cửa. Tính mạng còn chả tiếc thì tiếc gì mấy chục… triệu bọ. (Xin lưu ý giá cắt trĩ ở phòng khám tư có thầy thuốc Trung Quốc là 20 triệu đồng).

Thật hẩm hiu cho nền y học “nội địa”. Trong khi chúng ta có rất nhiều thầy thuốc giỏi, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Lương y Bành Khừu, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, bác sĩ trẻ Nguyễn Lân Hiếu. Bác sĩ Hiếu là con trai Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá hàm Tướng Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Phó Viện trưởng Viện 108 Quân đội. Hiện nay, bác sĩ Lân Hiếu mổ tim thuộc hạng cự phách. Một học giả nước ngoài bảo tôi: “Về y học, chúng tôi chỉ hơn các anh máy móc và điều kiện làm việc thôi. Còn tài năng, kinh nghiệm và đặc biệt là bàn tay khéo léo, chuẩn xác trong kỹ nghệ mổ xẻ, các bác sĩ của các anh thật đáng kính nể!”.

Thế thì tại sao lại dẫn đến thảm cảnh ấy?

Sùng ngoại. Cả tin. Đa nghi ư? “Người Việt vốn dĩ có tinh thần cảnh giác cao độ. Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh với cái giá quá đắt phải trả đã cho họ đức tính ấy”. Giáo sư J. Berke, một nhà Việt Nam học người Đức đã từng có nhận xét về chúng ta như vậy. Ông đã bảy lần sang thăm Việt Nam. Để khám phá Việt Nam, theo ông, chỉ cần có một công cụ, đó là chiếc xe đạp. Mà xe đạp ở xứ này rất sẵn. Chỉ bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào vệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường. Họ là những anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng tốt nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt sởi lởi lắm. Họ chẳng giũ được cái gì ở trong bụng. Nhưng mà đừng hỏi. Nếu cứ thật thà hỏi, hoặc tỏ ý quan tâm, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một tên gián điệp quốc tế. Với người Việt, tội ác tày trời là tội làm gián điệp. Cứ vu cho cái tội làm gián điệp là mọi việc xử lý rất dễ. Dân Việt nhạy cảm lắm. Cảnh giác lắm, căm gián điệp lắm, nên nhìn đâu cũng thấy địch!

Nhận xét của J. Berke như một chuyện đùa. Nhưng không phải không có những điều khiến ta phải nghĩ ngợi. Một cây bút có tiếng chịu khó tìm tòi, vừa có tác phẩm mới, với giọng điệu hơi lạ, dù chỉ đơn thuần là một cách làm mới mình, để mình không giống với người khác. Vậy mà ông bạn tôi cứ truy hỏi: Cái cậu tác giả ấy là người thế nào? Nó ăn phải bả của địch hay do địch cài cắm? Tôi bảo: Chả có địch nào chui được vào hàng ngũ của những người từng vào sinh ra tử. Mà cơ quan ấy cũng là mảnh đất lành. Một môi trường trong veo làm sao có chỗ cho cái ác nảy nở. Nếu cậu không tin, cậu cứ cử về đấy vài ba thằng gián điệp. Tớ bảo đảm với cậu chỉ sau mấy tháng, chúng sẽ thành lao động “tiên tiến” hay cá nhân “bốn tốt”!

Ông bạn tôi bắt đầu cảnh giác. Rồi anh nghi ngờ cả tôi. “Không khéo thằng cha này cũng bị địch tiêm nhiễm rồi cũng nên”.

Bà con mình thế đấy. Có thể cảnh giác, nghi ngờ với cả con cái, anh em ruột thịt trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ. Mà ai nói gì cũng tin. Các cụ bảo đó là bệnh “Khôn nhà dại chợ”.