Home Phiếm Các Tác Giả Nhậu và nhẹt

Nhậu và nhẹt PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Bảy, 23 Tháng 6 Năm 2012 02:31

Trong những tuần bị treo tay, người viết này thèm một món canh cá giấm!

Canh cá giấm với rau thìa là có thể là một món “quốc hồn quốc túy” của người Bắc. “Người Nam Việt đâu có kỳ như vậy” là một câu hát của trẻ nít trong Nam để chọc quê người Bắc di cư sau biến cố Genève 54. Thế rồi Bắc Nam gì đều hòa chung một điệu và nhiều cửa hàng của người Nam ngày nay cũng có đặc sản là canh cá giấm, có khi tác điệu thành lẩu cá chẽm với rất nhiều hành hoa và thìa là.

Chuyện vẩn vơ ấy bỗng có hôm nổ lớn thành đề tài văn hóa khi trong nhà có người nói đến điều cấm kỵ là “nhậu nhẹt.”

Không là một nhà ngữ học, Quỳnh Giao đoán bừa rằng trong tiếng Việt, chữ “nhẹt” là một hiện tượng Nam-Bắc đề huề. Người Nam chỉ dùng chữ “nhẹt” trong tiếng “nhậu nhẹt” là sở trường của các ông. Người Bắc thì có chữ “nhão nhẹt” mà các ông hay nói để châm biếm các bà mau nước mắt. Nếu có độc giả biết thêm chữ “nhẹt” như tiếng đệm cho một từ ghép khác thì xin chỉ cho. Cùng lắm, chúng ta dùng chữ “nhoẹt” hay “nhoét” thay cho tiếng “nhẹt” và ngần ấy chữ đều có vẻ vừa tượng thanh vừa tượng hình... Ðọc lên là đã thấy nhão.

Nhưng tại sao chúng ta lại có chữ nhậu nhẹt? Nhậu có thể hàm nghĩa là uống khi đang ăn mà hình như uống mới là chính, chứ ăn chỉ là phụ. Vì vậy, “ăn nhậu” mới dẫn đến “nhậu nhẹt” là khi vì nhậu quá nhiều các ông mới thành nhão.

Người ta cho rằng khi tạm treo tay và hết được xếp quân trên bàn mạt chược thì người viết có thể gặp cảnh ngộ “trâu buộc ghét trâu ăn” vì thấy phe địch vẫn cứ phây phây đi nhậu với chúng bạn. Sự tình nó lại văn hóa văn minh hơn thế khi mình nói đến món canh cá giấm, một món mà các ông cứ lầm tưởng là thuộc diện “cơm gia đình” do các bà có nhiệm vụ cung phụng ở nhà.

Phải chăng vì các ông cứ ưa nhậu nhẹt mà quên mất Tản Ðà?

Nói về nhà thơ Núi Tản Sông Ðà thì học sinh trung học thời xưa cũng biết. Dù còn ở tuổi chưa biết nhậu, chúng cũng có thể biết rằng ông là một đệ tử của Lưu Linh, một người ưa rượu và sành rượu. Những người khá hơn nhờ tuổi tác thì còn biết Tản Ðà là người sành ăn và rất khó tính trong chuyện ăn uống. Loại tác giả như
Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng thật ra chưa thấm vào đâu về lối cầu kỳ trong nghệ thuật ăn uống của Tản Ðà.

Ngoài thơ và văn, Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu còn để lại cho đời sau một phong cách ăn nhậu có thể cho phong trào nam nữ bình quyền một đề mục đấu tranh khác.

Nhưng bảy tám chục năm sau thì các bà cũng nên cám ơn ông về một chuyện. Tản Ðà cho nồi canh cá giấm một kích thước mới, khiến ông nào ưa nhậu nhẹt sẽ phải xét lại vai trò trọng đại của các bà trong một tiệc nhậu!

Tản Ðà luận rằng ăn tất phải uống, mà uống thì phải là uống rượu. Mời nhau những món cao lương mỹ vị mà thiếu rượu thì bị ông gọi là “cầm thú chi tình,” tức là kém lắm. Thời ấy, nước ta còn nghèo mà ông đã dám nói ngược với quan niệm “ăn để mà sống” của các cụ để đề cao rằng sống để mà ăn ngon, và ăn ngon là phải có rượu. Nhưng nét đáng yêu của ông là biết ăn ngon mà không gây quá nhiều tốn kém và nhất là đừng làm phiền các bà khi nhậu và nhẹt.

Ông đơn cử một thí dụ của quê mình trên vùng Bất Bạt, món canh cá giấm!

Với chúng ta, canh cá giấm là món để ăn với cơm. Tản Ðà nói khác hẳn. Rằng với các tửu đồ biết tự trọng và “hiểu được bụng cá” thì cá giấm là món tuyệt ngon để uống rượu. Ông không nói về bụng cá theo nghĩa bóng mà trong nghĩa đen. Ðã nấu cá giấm thì dù là cá chắm, cá chép hay cá mè cá quả, mình phải chọn con cá lớn, vì cá lớn có giá trị nhất ở tấm lòng, ở cái bộ lòng!

Tản Ðà còn phán rằng ăn cá giấm mà bỏ qua mất bộ lòng, kẻ ấy đáng gọi là bỉ phu, nếu không phải là xuẩn ngốc!

Trong một lần thù tiếp lũ hậu sinh nhãi nhép, trong đó có Ðinh Hùng mới 17 tuổi, nhà thơ trịnh trọng quạt lấy hỏa lò và vừa giảng vừa vớt riêng bộ lòng cá rồi đầu cá để trên đĩa. Ông nhấc chén rượu và dạy thêm rằng lòng cá ăn trước, đầu cá ăn sau. Chừng nào lòng cá hơi nguội thì ta múc một thìa canh cá giấm thật nóng rồi chan vào mà húp....

Nhà thơ Ðinh Hùng khi viết văn thì lấy bút hiệu là Hoài Ðiệp Thứ Lang, ông không nổi tiếng sành ăn nhưng sành hút. Khi viết lại về giai thoại ăn canh cá giấm với Tản Ðà, một lần đầu tiên và duy nhất trước khi nhà thơ Bất Bạt tạ thế ở tuổi 51, Ðinh Hùng có trao cho đời sau chuyện kỳ thú có lẽ thì thấy tại Hoa Kỳ. Một ông già 49 tuổi ngồi hầu một lũ con nít tuổi “teen” và tập cho chúng nghệ thuật uống rượu với lòng cá nấu trong nồi canh thìa là!

Vì bị treo tay và thèm món canh cá giấm, người viết đã gây ra một trường tranh luận ở trong nhà về bộ lòng cá với những người cứ tưởng rằng mình biết nhậu nhẹt.

Quý độc giả phái nữ tất nhiên tò mò muốn biết kết cục của vụ luận chiến này ra sao. Còn gì nữa mà phải bàn? Mình ung dung ngồi bên cạnh bếp để chỉ cho cách mua cá, làm cá và nhất là phép văn minh là phải giữ lấy bộ lòng mà đem về. Về đến nhà thì phải kháo rửa bộ lòng ra sao để khỏi vỡ mật rồi chiên phải nấu ra sao, phải tao hành nêm nếm thế nào cho nước trong và thơm mà thìa là vẫn xanh chứ không úa. Sau đấy, người hầu hạ được thưởng cho bộ lòng và xì xụp húp như một đệ tử chính hiệu của ông tổ làng nhậu nhẹt là Tản Ðà.

Người viết này mách như vậy là để phe ta liệu đường mà tính. Nhưng cũng phải nói thêm rằng quả thật canh cá giấm có thêm chút rượu mạnh thì ngon hơn mọi ngày!