Home Phiếm Các Tác Giả Bi hài làng 'đa thê' ở Hà Nội

Bi hài làng 'đa thê' ở Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Tư, 07 Tháng 3 Năm 2012 22:12

Chả mấy ai trong ngôi làng này lấy một vợ, cứ phải là đôi vợ, ba vợ, thậm chí là 10 vợ.

  Trong một lần ngồi trò chuyện về ông nhà thơ Nguyễn Đăng Hành 16 vợ giữa thủ đô, một cô bạn giáo viên quê ở làng Vân Côn (xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội) cười toe toét bảo: “Ối giời! Ở làng tôi có tới cả chục cái ông như ông Nguyễn Đăng Hành kia. Ông Hành nổi tiếng là bởi vì ông ấy dám nói sự thực, dám công bố hành động bị người đời cho là xấu xa của mình. Làng tôi chả thiếu những ông dấm dúi lấy cả chục vợ, con cái cứ nói là rải tứ phương. Còn cỡ vài ba vợ thì đếm không xuể…”.

Câu chuyện của chị bạn làm tôi thấy ấn tượng. Thật khó có thể tin nổi, một ngôi làng ở thủ đô, cách Hồ Gươm không xa lắm, lại vẫn còn tập quán hôn nhân đa thê như thời phong kiến.

Xã Vân Côn vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện Hoài Đức. Xưa kia đường sá đi lại vất vả lắm. Giờ có con đường cao tốc Thăng Long chạy xuyên qua xã, biến xã thuần nông xa trung tâm này thành ngôi làng với những biệt thự lung linh như trong cổ tích. Đường chạy qua, đất lên giá, những người nông dân vốn nghèo khó, quanh năm vật lộn với mảnh vườn bỗng chốc thành tỷ phú cả.

Một cụ già ngồi ở cổng đình Vân Côn vuốt chòm râu trắng xóa bảo: “Không phải dân Vân Côn này giàu có nên ăn chơi đâu. Nếu vì giàu có, vì bán đất mà ăn chơi, mà vợ nọ con kia, thì cả Hà Nội này đều thế rồi. Người Vân Côn xưa dù nghèo, song biết ăn, biết chơi, biết ngắm nguyệt thưởng hoa lắm”.

Lời cụ già nói đúng là thật. Cụ bảo, ngày xưa, thế hệ các cụ, chả mấy ai trong ngôi làng này lấy một vợ cả, cứ phải là đôi vợ, ba vợ, thậm chí là mười vợ. Các cụ rải vợ khắp huyện, khắp tỉnh.

Người Vân Côn tính lãng tử, hay đi làm ăn xa, đủ các nghề buôn bán thương nghiệp, xây dựng, thợ mộc và đi đến đâu thì họ đặt “văn phòng đại diện” ở đó. Các cụ già xưa đi đâu cưa đổ được bà nào thì rước bà đó về sống và tất nhiên là các cụ trở thành đế vương với “cung tần mỹ nữ” vây quanh, nhưng nay xã hội văn minh, pháp luật quản lý, thì họ không dám công khai. Đấy là không công khai bằng văn bản, giấy tờ, chứ chuyện họ lấy thêm vợ rành rành ai mà chả biết.

Một chị cán bộ Trạm y tế xã Vân Côn cứ cười ngặt nghẽo: “Đúng là đàn ông xã tôi có phong trào lấy vợ bé thật. Tôi kể ra cho anh thì sợ người ta mắng cho, nhưng anh cứ đi thực tế dọc ngôi làng Vân Côn mà dò hỏi xem, ngõ nào, ngách nào cũng có một vài ông năm thê bảy thiếp. Đàn ông Vân Côn dẻo mồm dẻo miệng, đi đến đâu là gái chết rạp đến đấy”.

Chị Đỗ Thị Hiền – Phó Ban dân số Kế hoạch hóa gia đình của xã Vân Côn cứ than vắn thở dài trong căn phòng làm việc xập xệ, lúp xúp sau tòa nhà hoành tráng của UBND xã, khi chúng tôi hỏi chuyện những người đàn ông lập thành tích thi đua lấy vợ bé.

Chị bắt đầu câu chuyện từ cái quan niệm cổ hủ về con trai nối dõi tông đường: “Dân làng tôi bảo thủ lắm, phong kiến lắm. Pháp luật họ còn chả sợ nói gì những lời tuyên truyền của cán bộ dân số. Nói nhà báo thông cảm, đến cán bộ, đảng viên cũng đua nhau sinh con thứ 3 thì còn nói được ai nữa.

Trong làng có anh tên Đỗ Đăng Nhung, 45 tuổi, đã đẻ 6 con gái, chúng tôi đến vận động, anh ta tuyên bố: Tớ cứ phải đẻ được con trai thì thôi, cán bộ muốn phạt thế nào thì phạt. Đến tuyên truyền nhiều quá thì bố con anh ấy đuổi ra mặt. Vừa rồi anh ta đẻ đứa thứ 7 thật, mà lại ra thằng cu. Chuyện anh ta sinh được thằng cu lại khiến phong trào đẻ con trai dậy sóng.

Tôi thống kê ở xã rồi, đa số các cặp vợ chồng đều không coi trọng công tác dân số, họ cứ đẻ đái thoải mái, đẻ đến khi nào ra thằng cu thì thôi, không có cách nào phanh được họ. Nhiều cặp vợ chồng có con gái đi lấy chồng, sinh cháu rồi, thấy cửa nhà trống vắng lại nhiệt tình đẻ tiếp.
Nói nhà báo thông cảm, chứ xã tôi năm nào cũng đạt “thành tích” cao nhất huyện về sinh con thứ 3. Năm nào ít thì tỷ lệ là 20%, năm nào nhiều thì tới 29% trường hợp sinh con thứ 3”.

Về chuyện đàn ông “thi đua” lấy vợ bé, chị Hiền bảo: “Đúng là chuyện đó rất phổ biến, nhưng là thế hệ các cụ già thôi”. Tôi hỏi: “Vậy thế hệ trẻ, 30 đến 40 tuổi có lấy vợ bé không?”. Chị Hiền bảo: “Thì họ có đăng ký kết hôn đâu mà khẳng định được. Còn chuyện đàn ông đi cơi nới bên ngoài kiếm thằng cu thì phải công nhận là có”.

Đúng là chẳng có chính quyền nào làm đăng ký kết hôn cho đàn ông lấy nhiều vợ, nên chả có gì làm chứng cứ cả. “Bia đá” thì không có, nhưng “bia miệng” thì rõ rành rành, ai cũng biết, ai cũng kể. Đến cả cán bộ phụ nữ, thậm chí là cộng tác viên dân số, rồi giáo viên cũng vác lễ đi cưới vợ hai cho chồng thì quả là độc đáo, không nơi đâu có.

Quay lại câu chuyện của cô bạn vốn là giáo viên ở xã Vân Côn, nay đã chuyển công tác ra Hà Nội, thì có một điều kỳ lạ, là đàn bà ở xã này có đặc tính cam phận với chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp.

Nhiều chị em đẻ mãi vẫn chỉ ra “vịt giời”, thì một là cưới thêm vợ cho chồng, hai là nhắm mắt làm ngơ cho chồng đi kiếm vợ bé. Hầu hết chị em đều làm ngơ cho vợ đi kiếm vợ hai, vợ ba, nhưng cũng không ít bà công khai vác lễ đi rước vợ về cho chồng. Có bà sống chung với vợ bé của chồng cứ hòa thuận như chị em, có bà không sống chung, nhưng cũng coi con riêng của chồng và vợ bé như con mình, nuôi dưỡng chăm sóc đầy đủ.

Mà các ông chồng ở Vân Côn không chỉ lấy vợ bé để kiếm con trai, mà nếp tẻ đủ đầy rồi vẫn cứ lập “văn phòng đại diện”. Có ông thay vợ như thay áo, có ông “mía ngọt đánh cả cụm”, tức là lấy chị rồi, thấy em vợ “ngon”, lại “bứng” về nốt. Lạ nhất ở chỗ, ông chồng lấy em làm vợ, mà chị em ruột lại chẳng xích mích gì nhau, thậm chí coi con riêng cũng như con chung, là con tất.

Những câu chuyện về hôn nhân đa thê ở làng Vân Côn khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

- 4 lần lấy vợ vẫn chưa nản: Chị cán bộ y tế xã Vân Côn kể rằng, làng mình hiện bị mang tiếng ghê gớm lắm. Con gái ở những ngôi làng cạnh đều cảnh giác khi đàn ông Vân Côn tán tỉnh, hỏi cưới. Thậm chí, hầu hết các cặp đôi đều gặp sóng gió khi cha mẹ, họ hàng nhất quyết phản đối con gái lấy trai làng Vân Côn.

Thế nhưng, đàn ông Vân Côn lại rất “sát gái”. Không rõ họ có truyền thống “mồm mép tép nhảy” được thừa hưởng từ thế hệ trước hay do họ ra ngoài, va chạm nhiều, nên có nhiều vốn sống, kinh nghiệm, sự từng trải – điều mà phụ nữ rất thích.

Có lẽ, những đức tính đó cộng với quan niệm sống phóng khoáng khiến đàn ông Vân Côn trở nên hấp dẫn hơn với chị em phụ nữ.

Rồi chị bấm đốt ngón tay đọc tên từng ông nhiều vợ trong làng Vân Côn: “Cái ngõ đối điện trường trung học cơ sở có ông K hai vợ, ông V một vợ hai bồ, anh L tý tuổi đã hai vợ. Quanh chỗ ngã ba làng Vân Côn có ông U, ông R, ông B, ông S, ông H… ông 2 vợ, ông 3 vợ.

Cao thủ nhất là ông S, lấy 2 vợ, đẻ tằng tằng tới 9 người con. Vợ cả, vợ hai cùng đàn con cháu quây quần bên nhau trong ngôi nhà lớn”.

Người được dân làng kể nhiều nhất là ông Phạm Văn H. Ông H khoảng 55 tuổi và đã lập kỷ lục với 4 lần lấy vợ chính thức, còn những bà vợ dấm dúi thì có trời mới biết được số lượng là bao nhiêu.

Một người ngồi chơi trước đình Vân Côn bảo: “Cái tay ấy mồm mép dẻo như kẹo, nói chuyện có duyên lắm, nên gái cứ gặp là chết rạp, đổ kềnh. Ngoài 4 vợ chính thức thì tay này còn 5-6 em út nữa”. Ông khác thì cứ khẳng định chắc như đinh đóng cột là ông H phải có 10 em út ngoài 4 bà vợ được đăng ký, cưới hỏi chính thức.

Ông H lấy vợ tương đối sớm, khi chưa đầy 20 tuổi. Người vợ thứ nhất của ông cùng làng. Bà này sinh cho ông H một người con trai. Tuy nhiên, tính ông H gia trưởng, bắt vợ phục tùng như con ở, nên người vợ không chịu nổi, đã đùng đùng bỏ về nhà bố mẹ đẻ.

Không như một số đàn ông khác, sẽ xuống nước rồi gọi vợ về, ông H bỏ luôn bà vợ này. Với ông H lấy vợ là việc dễ nhất của người đàn ông, nên ông chả thiết bà vợ dám bỏ nhà chồng về nhà bố mẹ đẻ. Tính ông gia trưởng mà.

Bỏ vợ cả, ông nuôi con một thời gian thì cưới bà thứ hai, cũng là người trong làng Vân Côn. Bà này vừa đẹp người lại đẹp nết. Cả làng ngỡ ngàng không hiểu ông H có bùa phép gì, mà “lừa” được gái tân, lại xinh đẹp nhất làng về chăm ông cùng đứa con riêng của ông.

Sau gần chục năm chung sống, người vợ thứ hai này đã sinh cho ông 2i người con, 1 trai, 1 gái. Nhưng rồi, người vợ thứ hai cũng không chịu nổi, bỏ lại hai đứa con cho ông H nuôi, để đi lấy chồng khác.

Vợ thứ hai bỏ đi, ông H sẵn sàng gà trống nuôi 3 con liền. Trong thời gian này, ông dựng vợ gả chồng cho một người con của vợ cả và một người con của vợ hai.

Xong việc dựng vợ gả chồng cho hai con, ông H tiếp tục cưới vợ lần 3, trẻ hơn ông 10 tuổi, người xã Song Phương. Theo lời dân làng, khi bà này mang bầu, ông H đã ép bà bỏ thai. Người cho rằng ông H không thích nuôi con thêm nữa, chỉ thích vui thú xác thịt, người cho rằng ông sợ bà này đẻ con cho ông rồi lại bỏ đi như hai bà trước thì ông chết mệt với cảnh gà trống nuôi con.

Không ai biết bà này có bỏ thai đi không, nhưng có một điều chắc chắn là bà đã bỏ ông H đi lấy chồng khác. Người ta bảo rằng, bà này cũng như những bà trước, không thể chịu nổi một ông chồng gia trưởng lại trăng hoa, có vợ rồi mà vẫn cứ đi trêu hoa ghẹo nguyệt.

Bà thứ 3 bỏ đi, ông sống cô đơn một thời gian. Đấy là không cưới xin bà nào, chứ thực tế ông có đơn chăn gối chiếc hay không thì có trời mà biết. Tính ông vốn trăng hoa từ bé, làm sao chịu được cảnh một mình một bóng mấy năm trời.

Mấy năm trước, sau khi cưới vợ cho người con trai của vợ thứ 2, xây nhà dựng cửa cho con, ông H chỉ còn một mình, thấy cô đơn quá, ông tiếp tục lấy vợ thứ 4. Lần lấy vợ này, cả làng Vân Côn còn ngạc nhiên hơn. Vợ của ông là một phụ nữ thành đạt, là giám đốc hẳn hoi.

Chuyện là, cách đây mấy năm, ở nhà buồn quá, nên ông H theo đám thợ trong làng đi làm mộc ở Yên Bái. Ông H vốn khéo ăn khéo nói, lại có duyên, nên một bà giám đốc đã say ông như điếu đổ, dù ông chỉ là thợ mộc, đi làm thuê làm mướn kiếm đồng lương ít ỏi. Đến công ty của bà này làm việc vài lần, thế là từ một anh thợ, ông trở thành bồ của giám đốc.

Tính ông lịch sự, nên đã xác định ăn đời ở kiếp với nhau, thì lần thứ 4, chứ lần thứ 10 ông cũng phải tổ chức cưới xin đàng hoàng. Mà phong tục cưới xin ở Hoài Đức thì khủng khiếp lắm, ăn cỗ 3 ngày, vài trăm mâm.

Hôm đón dâu về, ô tô đưa dâu bóng lộn đỗ đầy làng. Cả làng lác mắt. Cưới xong, ông H dẫn bà vợ thứ 4 ra xã đăng ký kết hôn, tâm trạng hai người phơi phới như mới 20 tuổi.

Khi cưới nhau, bà vợ thứ 4 này cũng ngoài 40 tuổi rồi. Bà này vốn có chồng cùng 2 người con đã lớn. Tuy nhiên, ông chồng phải đi tù vì tội tham nhũng.

Cưới nhau rồi, mỗi người lại sống một nơi, chứ chẳng ở hẳn với nhau. Ông H không thích mang tiếng ở rể, nên không lên Yên Bái ở với vợ. Ông cũng có con cái, nhà cửa đề huề ở thủ đô. Ruộng đất của ông rộng rãi, cứ xẻ ra bán dần cũng tiêu pha thoải mái, nên chả cần phải ăn bám vợ.    

Còn bà vợ là giám đốc doanh nghiệp nên cũng không thể bỏ bê công ty để về Vân Côn cuốc đất trồng khoai. Thế là, ông sống một nơi, bà sống một nẻo. Cứ vài ngày ông lại lên thăm bà, ở với bà vài hôm, rồi lại vài hôm bà về với ông, chớp nhoáng cái lại đi luôn, cứ như Ngưu Lang – Chức Nữ.

Họ yêu nhau thắm thiết, nồng cháy lắm. Ở với nhau mấy năm mà bà không sinh đứa con nào. Nghe đồn, ông không thích đẻ, mà bà cũng chẳng muốn có con. Hai người thế là hợp nhau lắm.

Nhưng rồi, sống được với nhau mấy năm, thì “Ngưu Lang” và “Chức Nữ” phải nói lời ly biệt. Lý do không phải họ chán nhau, xung đột nhau, mà vì người chồng cũ của bà được ra tù trước thời hạn tới mấy năm liền. Ông này muốn nối lại nghĩa xưa. Bà cũng vẫn còn yêu ông chồng cũ, nên hai người lại trở về với nhau. Đùng một cái, ông H mất vợ. Giờ ông lại cô đơn như xưa.

Rất nhiều người dân kết luận rằng, ông H đa tình, lang chạ lung tung, lại gia trưởng quá, không người phụ nào chịu được, nên không thể sống lâu dài với ông.

Vòng ra phía sau nhà văn hóa thôn, tôi hỏi nhà ông H, một chị tủm tỉm cười chỉ một ông đang ngồi uống trà đá ở quán đầu ngõ. Tôi ghé vào quán ngồi uống nước với ông. Tôi quả thực bất ngờ, bởi đã 55 tuổi, mà trông ông H quá trẻ, như mới ngoài 40 tuổi. Ông H đẹp trai và khuôn mặt, phong thái toát lên vẻ hào hoa. Cách nói chuyện của ông cũng rất lôi cuốn.

Ông H công nhận là có chuyện ông cưới vợ 4 lần một cách nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Còn chuyện dân làng nói ông có tính lăng nhăng, bồ bịch tứ tung và lối sống gia trưởng là bịa đặt, ông không chấp nhận. Ông bảo rằng, người đàn ông gia trưởng sẽ không bao giờ hấp dẫn được phụ nữ.

Theo lời ông H, không phải ông bồ bịch lung tung rồi ruồng bỏ vợ như lời thiên hạ, mà những người vợ của ông đã bỏ ông theo trai. Bằng chứng ông đưa ra là những người con ông vẫn nuôi nấng, rồi dựng vợ gả chồng, còn vợ ông thì bỏ đi lấy chồng khác. Khi vợ đã bỏ ông, thì việc ông cưới vợ mới là đúng pháp luật.

Tôi hỏi rằng, liệu ông có ý định lấy vợ nữa không, ông H cười hớn hở: “Tớ già rồi, không thiết tha lấy vợ nữa, nhưng nếu tìm được người hợp tính hợp nết, thì cũng chả phải bàn. Giờ tớ vẫn chưa vợ mà!”.

Những chuyện đời tư thì chẳng thể phán xét được, nhưng phải công nhận, người đàn ông này rất có duyên. Chuyện ông có 4 vợ, hay 10 vợ cũng có thể xảy ra, nếu ông coi “cua gái” là việc lớn nhất trong đời mình.

Làng đa thê ở Hà Nội: Lấy cả chị lẫn em

Một người lấy được 10 vợ, có thêm trăm bồ cũng là bình thường, nhưng lấy được cả hai chị em, đều thuộc hàng Thúy Kiều – Thúy Vân, sắc nước hương trời, xinh đẹp thuộc dạng hoa hậu và á hậu trong làng thì đúng là siêu hạng.

Câu chuyện bí ẩn nhất, hấp dẫn và được bàn tán nhiều nhất ở làng Vân Côn, chính là chuyện của ông Nguyễn Văn X. Tuy nhiên, người làng cũng chẳng biết rõ ông họ gì, mà gọi ông là ông giáo X., bởi ông là giáo viên, cả đời gắn với việc gõ đầu trẻ ở làng.

Nhưng ông giáo X. không nổi tiếng vì tài dạy học, mà ông lại nổi tiếng về tài tán gái. Với con mắt của đám đàn ông đa thê trong làng, thì ông giáo X., đáng được ngưỡng mộ. Một người lấy được 10 vợ, có thêm trăm bồ cũng là bình thường, nhưng lấy được cả hai chị em, đều thuộc hàng Thúy Kiều – Thúy Vân, sắc nước hương trời, xinh đẹp thuộc dạng hoa hậu và á hậu trong làng thì đúng là siêu hạng. Không chừng ở thế giới cũng hiếm chuyện như thế, chứ chẳng nói gì Việt Nam.
Ông giáo X. năm nay 65 tuổi, khuôn mặt đạo mạo, tóc hoa râm, đôi mắt tinh anh và đa tình. Theo lời người dân thì giọng nói của ông rất truyền cảm. Cả đời đứng trên bục giảng, luyện khẩu âm mấy chục năm trời thì làm sao không truyền cảm cho được.

Ông giáo X. xây dựng gia đình từ rất sớm, mới ngoài 20 tuổi một chút. Lấy vợ rồi, ông bỏ vợ ở nhà, biền biệt vào chiến trường. Xuất ngũ, ông được đi học, rồi thành giáo viên trường làng, chuyên tâm gõ đầu trẻ.

Người vợ xinh đẹp, nết na, ngoan hiền của ông cả đời chỉ có mỗi việc là đẻ đái. Tổng cộng bà đẻ cho ông 8 người con. Mấy người con lớn đều đã được ông dựng vợ, gả chồng, người làm giáo viên, người làm quan chức. Vài người chưa chồng con thì cũng được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định.
Người vợ xinh đẹp thuở xưa, cả đời chuyên tâm đẻ đái, lặn ngụp với đồng ruộng, giờ đứng bên ông, là cán bộ, trông khác xa nhiều quá. Bà đã thành bà lão rồi, mà ông chồng tóc mới hoa râm, đôi mắt vẫn đa tình ướt át lắm. Trông họ giống chị em hơn là vợ chồng. Vậy nên, chẳng ai còn trách ông cái chuyện “mía ngọt đánh cả cụm” nữa.

Trở lại câu chuyện đầy thú vị về ông giáo X. ở làng Vân Côn. Cách đây 12 năm, khi đó, ông X. đang là hiệu trưởng, đẹp trai, đa tài, lại có quyền chức, nên dù có vợ rồi mà ối cô vẫn hâm mộ. Tuy nhiên, ông lại chỉ để ý đến cô em vợ của mình.
Cô em vợ của ông xinh lắm, ngày ngày đến nhà bế cháu, áo quần vừa mỏng vừa ngắn, cứ nõn nà da thịt, ỡm ờ trước mặt ông. Ông sẽ trọn đạo làm chồng, làm anh rể nếu như ông giữ cái cơn cớ cồn cào ấy trong bụng của mình.

Cô em vợ đã lớn, đã khôn, mà mãi chưa xin được việc. Trai làng đến hỏi cưới tấp nập, nhưng cô nhất quyết từ chối. Cô muốn có được một người đàn ông đàng hoàng, vừa phải đẹp mã, lại phải lo cho cô cuộc sống ổn định. Cô nhất quyết không chịu cảnh lội ruộng.

Anh rể cũng thấy xót ruột nếu cô em vợ của mình lấy phải một tay trai làng, rồi lại như vợ mình, phí một đời với đẻ đái, ruộng nương, nên ra tay giúp đỡ.
Thế là, ông giáo X. đêm đêm chong đèn dạy em học hành, thi cử. Rồi cô em cũng đỗ vào một trường trung cấp sư phạm. Ra trường, ông anh rể đưa em vợ về trường làm giáo viên. Thế là cuộc đời cô em thay đổi.

Từ một giáo viên dạy bình thường, cô giáo Y. nhanh chóng leo cao, rồi lên đến chức hiệu phó khi tuổi đời còn rất trẻ. So về trình độ, kinh nghiệm thì cô thua xa những giáo viên khác, nhưng vì cô là em vợ của hiệu trưởng, nên chẳng ai ganh đua được với cô. Chỉ đến khi ông giáo X. về hưu, trường lấy tín nhiệm lại, cô giáo Y. mới bị mất chức, phải quay lại với vị thế một giáo viên bình thường.

Suốt nhiều năm làm giáo viên, cho đến tận khi làm hiệu phó, có rất nhiều ong bướm vây quanh, thế nhưng, cô giáo Y. nhất quyết chẳng yêu ai. Nhiều giáo viên chưa vợ, bỏ vợ, cũng tìm hiểu ghê lắm, nhưng cô không gật anh nào. Dù xinh đẹp, nhưng cô có cái tính cành thấp cành cao, nên ít người thân thiết được lâu.

Thời gian đó, một ông hiệu trưởng trường cạnh cũng yêu cô tha thiết, dù ông đã có vợ con đề huề. Điều đặc biệt, ông này lại là anh họ của ông giáo X. Nhưng cô Y. nhất định không có tình cảm với ông giáo này.
Rồi một ngày, các giáo viên trong trường bỗng thấy hiệu phó Y. có bụng to khác thường. Những lời bàn tán râm ran khiến cô Y. không còn tâm trí tập trung vào việc dạy dỗ nữa.

Thế rồi, cả trường lại ngỡ ngàng khi nhận được thiệp cưới của cô Y. Ngày cưới mọi người cũng thấy có chú rể đàng hoàng, cũng đón dâu long trọng, cỗ bàn to tát, xe hoa đưa đón.

Thế nhưng, cưới xong, thì chả hai thấy chú rể đâu cả. Ngôi nhà mới dựng ngay đầu làng chỉ có mình cô giáo Y. ở, không thấy bóng dáng ông chồng đâu. Thi thoảng, đêm hôm, người ta vẫn thấy ông anh rể ngó trước nhìn sau, rồi chui tọt vào nhà cô giáo Y.

Rồi cô giáo Y. cũng sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh. Nhìn đứa bé giống ông giáo X. như lột, ai cũng biết rõ chuyện mười mươi, nhưng chứng cứ không có, nên chỉ coi đó là những câu chuyện làm quà. Ai cũng biết thừa, chú rể trong đám cưới của cô giáo Y. là một ông nông dân xã bên, được ông giáo X. thuê, cốt để bịt mắt thiên hạ và giúp cô giáo Y. tránh bị kỷ luật.

Việc một cô giáo, lại là hiệu phó, không những chửa hoang, mà lại chửa với chính anh rể mình, thì đúng là không thể chấp nhận được, làm gì có tư cách đứng trên bục giảng nữa. Vậy nên, việc kỳ công dựng đám cưới giả cũng là điều cần thiết phải làm.

Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Hôm cô giáo Y. bị ốm, cả trường tổ chức đến thăm. Ông giáo X. cũng trong đoàn đến thăm cô Y. Khi mọi người vừa ổn định chỗ ngồi, mời chào thuốc nước, thì thằng cu của cô giáo Y. ở đâu chạy về hét to tướng: “Con chào bố!”. Rồi nó chạy đến ôm cổ bố, hôn lấy hôn để.

Bữa ấy, ông anh rể và cô giáo Y. ngượng chín cả mặt, không còn cái lỗ nào mà chui nữa. Đám giáo viên thì thừa biết chuyện rồi, nhưng vẫn bất ngờ. Ai nấy đều nghiến răng ken két, cúi gằm mặt xuống, cố gắng để không phát ra tiếng cười.

Bình thường, ông giáo X. và mẹ nó dặn dò kỹ thằng bé, rằng chỉ được gọi là bố khi không có ai, còn có mặt người khác phải gọi là bác. Nhưng trẻ con vô tư, làm sao hiểu và nhớ được.

Sau vụ đó thì mọi chuyện rõ mười. Ông giáo X. và cô giáo Y. cũng chẳng thèm giấu giếm nữa. Họ đi lại công khai như vợ chồng. Ngày ông giáo X. về nhà với vợ cả, đêm lại mò sang với vợ hai. Đứa con chung của họ cũng được đổi lại họ, mang họ của ông giáo X.

Bà vợ cả cũng chấp nhận em gái mình là vợ hai của chồng. Với nơi khác, thì cuộc chiến ghen tuông đẫm máu đã xảy ra, nhưng ở Vân Côn, đó là câu chuyện rất đỗi bình thường. Giờ hai bà vẫn là chị em ruột, vẫn là bà cả, bà hai và những người con trưởng thành của họ cũng đều một câu mẹ với dì, với vợ hai của bố.

Chú thích:

Vân Côn là một xã thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam.
 
Tỉnh/Thành phố Hà Nội
Quận/Huyện/Thị xã Hoài Đức
Diện tích 6,62 [1] km²
Số dân 9.549 người (1999)[2]
Mật độ dân số người/km²
Mã đơn vị hành chính 09883[3]
Mã bưu chính
 
Xã Vân Côn nằm ở phía Tây huyện Hoài Đức (Vân là mây, côn là đảo, Vân Côn hợp thành gọi là "Đảo mây"). Đây là một xã nằm bên sông Đáy.
•Phía Tây Bắc, Tây và Nam giáp huyện Quốc Oai;
•Phía Đông Bắc giáp xã Song Phương;
•Phía Đông giáp xã An Thượng.
Xã Vân Côn gồm có 8 thôn: Vân Côn, Linh Thượng, Mộc Hoàn Giáo, Mộc Hoàn Đình, Cát Thuế, Quyết Tiến, Cù Sơn và Phương Quan.