Home Lịch Sử VN Thời Lập Quốc Bách Việt Trong Lòng Đại Việt( Phần 2)

Bách Việt Trong Lòng Đại Việt( Phần 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Phước   
Chúa Nhật, 02 Tháng 8 Năm 2009 14:11

Đặc biệt là thời kỳ Lý Trần là thời kỳ cực thịnh của văn hoá Việt. Câu hỏi có thể đặt ra là nếu họ Trần có gốc Tàu thì tại sao họ Trần phải phục hưng văn hoá Việt? 

Hay như trong hịch Tây Sơn của đức Quang Trung Hoàng đế kêu gọi: “đánh cho được để tóc dài, đánh cho được nhuộm răng đen, đánh cho nó chính luận bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”. Nếu cho rằng Quang Trung mang dòng máu Tàu thì tại sao ông đòi đánh Tàu để dân tộc Việt được giữ gìn tục để tóc dài, ăn trầu, nhuộm răng đen, để cho bọn Tàu biết là nước Nam nầy là có chủ. Và khi đã diệt được quân xâm lược ngài đã yêu sách đòi nhà Thanh phải trả lại miền Lưỡng Quảng, tức là vùng Lĩnh Nam thời cổ đại, là đất cũ Nam Việt của Triệu Đà, và lãnh thổ nước ta thời hai Bà Trưng? 

Chỉ có một câu trả lời hữu lý duy nhất là ông tổ của các dòng họ như Lý Bôn, Trần Thừa, Hồ Quí Ly và nhà Tây Sơn là những người thuộc giòng giống Bách Việt. Những gia đình nầy là dòng dõi nòi giống “cường lương” ở miền Lĩnh Nam. Họ đã thất bại trong những lần nổi dậy chống quân xâm lược phương bắc và đã lui về phương nam tìm đất sống.  Họ đã hoà nhập vào văn hoá Âu Lạc, Lạc Việt và Việt Thường để trở thành người dân địa phương. Họ đã cùng với các dòng tộc Việt địa phương nuôi duỡng ý chí Phục Việt âm thầm dưới đáy tầng quốc dân từ đời nầy qua đời khác để lấy ý thức dân tộc làm sức mạnh kháng cự tham vọng của Hán tộc để bảo tồn văn hoá và giành lại độc lập cho dân tộc Việt. 

Bách Việt trong Lòng Đại Việt 

Nói tóm lại, lịch sử tồn tục và tiến hoá của dân tộc Việt là hành trình lui dần về phương nam trước sự lớn mạnh của Hán tộc để bảo tồn nòi giống.

 Từ thời cổ đại, dân tộc Việt đã mất Thái Sơn là cái nôi văn hoá đầu tiên. Sau khi Thái Sơn bị Hoàng Đế xâm chiếm, con cháu Thần Nông đã rút về Đông Đình Hồ vùng Lĩnh Nam để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá lần thứ hai. Khi Lữ Gia thất trận, các dân tộc Bách Việt thuộc nước Nam Việt đã chạy về Phong Châu ở phương nam hội nhập vào Âu Lạc để xây dựng lại căn cứ địa văn hoá thứ ba. (Xem Việt Sử thông Luật của LĐA, và Dịch Kinh Linh Thể của Kim Định)

 Đây là lý do khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa các dân tộc Bách Việt thuộc 65 thành ở Lĩnh Nam đã hưởng ứng. Địa lý chính trị thời kỳ Hai Bà chính là vùng Lĩnh Nam và nước Nam Việt cũ.  Mặc dầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, công cuộc thống nhất Bách Việt của Hai Bà đã tái hợp Bách Việt.  Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã cho các dân tộc Bách Việt và các gia đình vọng tộc ở miền Hoa Nam niềm hy vọng phục hoạt nòi giống.  Vùng đất Âu Lạc với những địa linh như Phong Châu, Mê Linh và những nhân kiệt như Hai Bà Trưng và Bà Triệu, và những danh tướng trong đoàn quân kháng chiến, đã nêu tấm gương yêu nước và là niềm hy vọng cho nòi giống Bách Việt. 

Bên cạnh đó sự xuất hiện của Phật Giáo như là một hệ thống triết học và văn hoá trong thời kỳ nầy đã tạo nên một sức mạnh văn hoá mới được dân Việt nhanh chóng tiếp thu, và đã giúp cho dân Việt có chổ dựa tinh thần và vật chất.  Về tinh thần, Phật Giáo hoà nhập vào văn hoá dân tộc để chống lại quá trình Hán hoá.  Về vật chất, chùa chiền trở thành những trung tâm nối kết và vận động lịch sử từ miền Ngũ Lĩnh xuống đến tận Việt Thường.  Luy Lâu (Bắc Ninh) trở thành trung tâm Phật Giáo miền Hoa Nam. Các tổ sư Mâu Bác, Huệ Năng đưa Phật giáo tới đỉnh cao của thiền học. Võ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ vùng Lĩnh Nam trong thời kỳ nầy.   Do đó, chúng ta thấy bên cạnh những phong trào kháng chiến thời Hán thuộc đều có bóng dáng của những cao tăng.  Và trong thời kỳ độc lập, các thiền sư như Ngô Chân Lưu, Khuông Việt và Vạn Hạnh đã đóng một vai trò tích cực trong việc phục hồi văn hoá dân tộc và xây dựng đất nước.  Nhờ những định chế văn hoá mới dưới hình thức tôn giáo nầy các dân tộc Bách Việt ở Âu Lạc đã tụ họp với nhau, bảo lưu được văn hoá và lịch sử dân tộc, và nuôi dưỡng được ý chí phục Việt. 

Chiến Lược Phục Hoạt Văn Hoá Bách Việt 

Sau gần một nghìn năm bị nòi Hán đô hộ, hai triều đại Lý-Trần, khởi đi từ Lý Nam Đế, đã phục hưng và phục hoạt lại nền độc lập và văn hóa Việt, xây dựng một nước Đại Việt hùng mạnh suốt gần 500 năm. 

Ngày nay đất nước ta đang bước vào thế kỷ thứ 21. Sự lớn mạnh của Trung Hoa ngày nay hiện đang là mối đe doạ cho sự tồn vong của dân tộc. Vấn đề biên giới, lãnh hải, lãnh thổ giữa hai nước vẩn chưa ổn định và sẽ là mầm mống mâu thuẫn trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mọi người Việt còn thao thức với đất nước. 

Trong bối cảnh đó, xác định được tiến trình lịch sử và văn hoá Bách Việt và quan hệ chủng tộc giữa người Việt và các dân tộc miền Hoa Nam là tiền đề cho một sức mạnh tinh thần để đối phó với nước láng giềng phương bắc. Để khai quật được sức mạnh tinh thần nầy, Người Việt cần có một suy nghĩ mới và một chính sách văn hoá mới đối với các nước đồng chủng trong vùng và đối với Hoa Kiều đang định cư tại Việt Nam. 

Cái cơ sở nền tảng để khai quật được sức mạnh tinh thần Bách Việt hiện đại là ý thức rằng dân tộc Việt ngày nay là dân tộc thừa kế chân truyền di sản văn hoá Bách Việt ngày xưa. Và di sản văn hoá và văn minh Bách Việt cổ xưa đã được lưu giữ và bảo tồn trong trong quá trình hình thành nước Đại Việt và Việt Nam hiện đại. Với ý thức đó, người Việt hiện đại phải có cái nhìn mới về lịch sử nước nhà, phải mạnh dạn xác định sự đóng góp của các dòng họ Bách Việt trong quá trình hình thành lịch sử và văn hoá nước nhà. Đồng thời chúng ta phải hãnh diện xác nhận rằng: dân tộc Việt hiện đại là dân tộc kế thừa và là chủ nhân ông di sản văn hoá Đại Bách Việt. 

Từ cơ sở đó, người viết đề nghị ba sứ mạng văn hoá như sau: 

 - Thứ nhất, cần phải nhanh chóng có một nghiên cứu sử chính thức và học trình sử để chính thống hoá giá trị văn hoá Bách Việt trong sự hình thành văn hoá Việt Nam ngày nay.

  - Thứ hai, phái có một chính sách hợp tác văn hoá đối với các nước đồng chủng ở Á Châu, đặc biệt là vùng Đông Nam Á. 

 - Thứ ba, phải có một quan niệm mới đối với người Hoa hiện đang ở Việt Nam. 

Sự xác định tính đồng chủng của các dân tộc Hoa Nam và Đông Nam Á có chung huyết thống Bách Việt như các nước Đông Nam Á, các dân tộc miền Hoa Nam và Đài Loan và sự tái kiến thiết văn minh Bách Việt, sẽ là đối lực thích hợp đối với tham vọng về lãnh thổ, lãnh địa và văn hoá của Trung Hoa. Từ nhận định đó, chúng ta phải có một chính sách ngoại giao mới đối với các nước Đông Nam Á.  Ngoài vai trò kinh tế, chính trị và quân sự, ASEAN sẽ có một vai trò văn hoá mới.  Ý thức đồng chủng sẽ giúp cho ASEAN mở rộng vòng tay để đón Đài loan và các đảo quốc ở Thái Bình Dương nhằm mở rộng không gian Bách Việt mới và để gây sức mạnh tinh thần trong liên minh các nước ở vùng Biển Đông. 

Vấn đề quan trọng hơn là khi đã nhận diện được tính đồng chủng Bách Việt, người Việt trong nước và hải ngoại phải có một quan niệm mới và sách lược mới về Hoa Kiều ở Việt Nam. 

Đối với thành phần Hoa Kiều xuất xứ từ Hoa Nam hay Lĩnh Nam như người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Đài Loan, Hải Nam, v.v. trước hết người Việt chúng ta cần phải chấm dứt não trạng xem họ là những người Tầu, người Trung Hoa hay người Hán. Chúng ta phải coi họ là người Bách Việt, người Lĩnh Nam.  Họ là nạn nhân lâu đời của quá trình Hán hoá. Nhiệm vụ của đất nưóc và dân tộc Việt ngày nay là phải tái đồng hoá và tái hội nhập họ vào cộng đồng văn hoá Bách Việt hiện đại. 

Công tác văn hoá chủ yếu đối với thành phần Hoa Kiều nầy là giúp họ ý thức được họ là dòng dõi Bách Việt.  Chúng ta phải giúp cho các dân tộc miền Lĩnh Nam phục hồi được lịch sử Việt để cho dòng máu Việt bắt đầu chảy lại.  Chúng ta phải giúp họ ý thức rằng mọi dân tộc xuất phát từ miền Bách Việt-Lĩnh Nam đều là người gốc Việt như chúng ta. Những người Hoa vùng Hoa Nam trước đây sẽ trở lại với nguồn gốc chân chính của họ là người Bách Việt.  

Từ đó, một cộng đồng dân tộc dân tộc Việt mới sẽ được hình thành.  Và cộng đồng dân tộc mới này sẽ có sức mạnh văn hoá chất chứa 5,000 năm của Đại Bách Việt và một vùng địa lý văn hoá trải rộng từ Hoa Nam xuống tận Đông Nam Á.  Sức mạnh văn hoá mới đó có khả năng hoá giải tham vọng lãnh thổ lãnh hải và văn hoá của Trung Quốc hiện nay trên đất nước ta và các nước trong vùng Biển Đông. 

Kết luận 

Hồn sử là sự tồn tục và tiến hoá của dân tộc trên sự thành lập của nòi giống. Cái ý thức của tổ tiên khai sinh ra nòi giống tạo thành cái quốc túy dân tộc. Do đó, quốc hồn và quốc túy của một dân tộc là thành tố gốc của lịch sử. Một dân tộc mất quốc hồn và quốc túy là một dân tộc sẽ bị lịch sử đào thãi.  Mọi con người, mọi triều đại khi cầm nắm vận mệnh đất nước nếu không nắm giữ được quốc hồn và quốc túy sẽ bị lạc đường lịch sử và đưa đất nước vào tình trạng vong thân. Vì thế, những phong trào chống xâm lăng đều lấy ý thức dân tộc làm động lực lịch sử và lấy văn hoá thủy chuẩn dân tộc làm nền tảng nội dung cho sứ mệnh cứu nước. Ý thức lịch sử nầy đã thúc đẩy Lý Thường Kiệt viết tuyên ngôn  “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” thời kỳ Phá Tống Bình Chiêm; Trần Hưng Đạo viết Hịch Tướng Sĩ thời kỳ Kháng Nguyên; Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo và bộ Địa Dư Chí, Quang Trung viết hịch tướng sĩ với những dòng chữ “Đánh cho đưọc để tóc dài”;  giúp cho Phan Bội Châu viết Việt Nam Quốc Sử Khảo; và Lý Đông A viết bộ Việt Sử Thông Luận trong thời kỳ chống Pháp. 

Ý thức dân tộc vượt lên mọi định kiến về văn hoá kinh tế và chính trị. Ý thức dân tộc tồn tại qua mọi không gian, thời đại và triều đại.  Nó nằm trong lòng mỗi một người dân. Nó phủ định mọi tư duy phủ nhận văn hoá dân tộc. Nó phủ định mọi nỗ lực xử dụng văn hoá dân tộc ở mức độ hình thức để phục vụ cho nền văn hoá ngoại bang ở nội dung. Tìm về cội nguồn chính là quá trình tìm lại hồn sử. 

Suốt một ngàn năm bị bắc phương đô hộ và đồng hoá, ý thức dân tộc vẫn nằm ẩn tàng trong đáy tầng của quốc dân.  Nó được bảo quản và lưu truyền từ đời nầy qua đời khác.  Nó là cái gen di truyền lịch sử làm cho giòng máu Lạc Hồng tiếp tục chảy, và chảy mãi xuyên suốt thời đại. 

Khi nền cai trị của ngoại bang suy yếu, khi tâm thức nô lệ ngoại bang ở mặt tầng suy sụp, ý thức dân tộc từ đáy tầng sẽ bùng dậy như những đợt sóng đáy, thúc đẩy những người yêu nước đứng lên giành lấy quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mạng của mình để phục hồi văn hoá thủy chuẩn dân tộc, để bảo tồn và phát huy ý thức dân tộc, và để khơi dậy nguồn sống cho dân tộc. 

Với tâm thức đó, lịch sử có được một Lý Bôn với một dòng họ bôn ba từ miền Lĩnh Nam nổi trôi về miền Âu Lạc, và ông đã đứng lên giành độc lập cho dân tộc, lấy đế hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn xuân. 

Sự việc Lý Bôn làm tái sinh danh xưng Việt với đế hiệu là Nam Việt Đế là một hành động lịch sử khởi động cho nền văn hoá Bách Việt được hồi sinh để nền văn hoá Bách Việt còn lưu truyền mãi trong lòng dân tộc Đại Việt; và từ đó Đại Việt đã trở thành căn cứ địa phục hoạt và phục hưng nền văn minh Bách Việt.