Home Lịch Sử VN Thời Lập Quốc Đi ăn đám giỗ Tổ Hùng Vương

Đi ăn đám giỗ Tổ Hùng Vương PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Chúa Nhật, 12 Tháng 4 Năm 2009 11:15

Trong văn hóa của người Việt không quan trọng ngày sinh nhật như người phương Tây. Đối với người Việt thì ngày tử (ngày giỗ) là ngày quan trọng nhất. Sinh nhật chỉ có một lần khi đầynăm (gọi là ngày thôi nôi) cúng kính linh đình, cơm canh rượu thịt hoa quả bánh trái…v.v. Và sau đó không ai nhớ đến ngày sanh mỗi năm để làm tiệc (có chăng là mấy người ở phố, ở thành thị theo tây phương), nhưng ngày tử mới thiệt là quan trọng. Mỗi năm có đám giỗ một lần. Tết đến thì giỗ gia tiên chung để mới ông bà tổ tiên về ăn tết, còn những ngày cúng giỗ, kỵ cơm… mỗi người thân tộc trong gia đình đều được nhớ đến và có riêng một ngày để cúng, để giỗ.

 Đám giỗ của người Việt rất là quan trọng. Ở nhà thờ Họ thì cúng lớn, ở mỗi gia đình thì cúng nhỏ một mâm cơm… Theo phong tục nguời Việt lấy ngày mất là quan trọng, cho nên ngày đó người thân trong gia đình đi thăm phần mộ, làm cỏ, đắp mộ, sửa lại những nơi bị hư hại. Đây cũng là dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống (nên mới gọi là ăn giỗ) trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" việc đó được coi là thuần phong mỹ tục.

 Ngày giỗ theo Hán-Việt Tự Điển là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các cụ trong hội Người Việt Cao Niên cho biết, ngày trước Lễ giỗ gọi là chính kỵ; chiều hôm trước lễ chính kỵ có lễ tiên thường (nếm trước), con cháu sắm một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, ngày gỗ gia chủ mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. sau nầy người ta giản lược đi, chỉ cúng một lần nhưng với hương hoa trà rượu cúng cả hai lễ. Theo nhiều người cao niên thì đúng theo phong tục thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng.

 Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo. Theo nghĩa cửu tộc (cửu huyền-9 đời-chín đời thành người dưng): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); chúng ta và: tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ, cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tổ tiên thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ.

 Trong tục lệ thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày sóc (ngày mồng một), ngày vọng (ngày rằm), và các dịp lễ tết.

 Bên cạnh đó, vào những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ tương. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở dẫn dắt hậu thế, cho nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao hảo giữa cõi dương và cõi âm.

 Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà. Trên bàn thờ thì bày hương, đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng không thể thiếu hương, hoa, thức ăn, trà rượu, và đồ vàng mã. Sau khi tàn hương, đồ vàng mã đem đốt, được gọi là "hoá vàng", còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đồ vàng mã đã đốt. Sau khi cúng giỗ, gia đình dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến, tức là đi ăn giỗ. Ở hải ngoại thì nhà cửa “văn minh”, sợ khói nhang ám trong nhà cho nên việc cúng giỗ không được cử hành ở nhà mà đem vào chùa…v.v. đó là tục thờ "hậu" do nhà chùa thực hiện. Thân nhân của người quá cố đã cúng tiền vào chùa hay đình để được hưởng lễ vật vào những ngày kỵ nhật. Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên.

 Chuyện cúng giỗ (có lẽ) người miền Bắc, miền Trung…rình rang và bài bản hơn(?) Ở miền Nam thì đám giỗ đơn sơ và mang nhiều ý nghĩa tập họp bà con thân tộc, hàng xóm láng giềng. Ở Nam Kỳ ít có nhà thờ họ, do con giòng trưởng coi nhà thờ của họ, và có ruộng vườn hương hỏa để cúng giỗ tổ tiên. Miền Nam lễ cúng đình, Kỳ Yên là rình rang, là nỗi đình nổi đám hơn.

 Vào ngày Âm lịch mồng 10 tháng 3 vửa qua, nhiều người đi ăn đám giỗ Tổ ở dền Quốc Tổ Vọng Từ. Giỗ Tổ Hùng Vương. Đám cúng linh đình lắm, các bà khăn vành rây, y trang phục sức áo xanh, áo đỏ trong tiếng chiêng tiếng trống quỳ sụp lạy, dâng hương hoa trà rượu lên bàn thờ, rồi đọc sớ. Không khác lễ Kỳ Yên. Cuộc lễ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, đúng theo tục lệ mọi người được mời ở lại ăn giỗ, gọi là thụ lộc Tổ.

 Ngồi chung bàn có các cụ trong hội Cao Niên, các ông chức sắc, nhân sĩ trong vùng. Bữa cơm ngon lạ. Ngon thiệt tình. Hơn 10 bàn được dọn ra từ nhà trên xuống nhà ngang, đến tận nhà ăn sau bếp. Các ông, các bà đều tham dự. Nào thịt luộc, canh cá thì là, thịt heo quay, xôi gấc, bánh chưng, gỏi, cà ri… Mỗi thứ một dĩa nhỏ… nhưng ăn hoài không hết… Những thức ăn trên bàn nho nhỏ, xinh xinh tưởng rằng gắp vài đủa là hết sạch… vậy mà ăn hoài, ăn miết… hơn chục người một bàn mà ăn mãi vẫn không vơi…. Đúng là cơm Thạch Sanh ăn hoài còn hoài. Không phải vậy đâu, vì đây là đám giỗ Tổ cho nên trong đình đã cắt cử vài người tiếp thức ăn liên tục. Những người tiếp thức ăn đi lên đi xuống, đi qua đi lại như “hồ điệp xuyên hoa”…. thịt quay vừa vơi một ít thì dĩa lại dầy, tô cơm hơi lưng lưng thì đã có người “tiếp viện”, canh cá thì là, dĩa xôi gà, xôi gấc, xôi vò…cứ vun cao. đầy tràn. Các cụ vừa ăn vừa bàn chuyện thế sự, nào phong tục nước Nam, nào lăng tẩm của Hùng Vương ở Đền Hùng, Phú Thọ… Ôi biết cơ man nào mà kể, đây là dịp con cháu nghe chuyện đời xưa.

 Bữa ăn chưa xong thì ông “thủ từ”, tức là ông từ gìữ đền, đã mau mắn gửi mỗi một khách mời một cái bánh chưng, một hộp bánh dầy. Tích Bánh Chưng, Bánh Dầy từ thời Hùng Vương được kể lại. Một ông cụ nói “Miếng thịt làng bằng sàng xó bếp”, một cụ ông khác lại thêm “Được ăn, được nói, được gói mang về”. Mà đúng thiệt như vậy. Có lẽ cái tục nầy có từ thưở Hùng Vương dựng nước chăng? Mà cũng có thể chỉ có ở miền Bắc nước ta mà thôi. Một ông Nam Kỳ nói “Ở trong Nam tụi tui đâu có cái chiện đi ăn giỗ mà đem đồ về nhà bao giờ.” Anh nọ tiếp “Hể nhà nào trong xóm có đám giỗ thì tụi tui kiếm con cá lóc, trái thơm, anh thì xị đế… đem đi ăn giỗ. Đi ăn giỗ là phải có cái gì đó đem theo chớ đi tay không coi đâu có được.”

“Mà thôi, chuyện nay có khác chút đỉnh cũng không sao mà, có điều ăn đám giỗ ở VN sao mà vui lắm, anh nào anh nấy bước ra khỏi đám giỗ là ngã tới, xiển lui chớ đâu có bình yên ngồi im trên bàn im ru bà rù như vầy.”

 Được biếu cái bánh chưng vuông vức ngon lành làm quà. Của không đáng là bao, mà sao nghĩa tình đến vậy? Về nhà con cháu nó nhìn cái bánh thấy lạ, bốn cạnh vuông đều, lá xanh mượt mà…mà sao cái bánh nhỏ bằng nửa cái bánh bán ngoài chợ? Cắt ra ăn thử, cả nhà đều khen ngon. Chẳng lẻ ông Hùng Vương ban phước vào lộc tổ? Nhân đó, kể cho đứa cháu nghe sự tích cái bánh dầy, bánh chưng. Được dịp khoe tài hay chữ với má sắp nhỏ ở nhà.

 Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất.

 Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành." Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

 Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất. (Cổ tích Việt Nam).

 "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” mỗi độ xuân về thì nhà nào, xóm nào mà chẳng có bánh mứt, pháo, nêu, hoa quả… Bánh chưng làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và gói trong lá dong, lá chuối... Bánh được làm vào các dịp Tết và ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (giổ tổ Hùng Vương).

 Ăn Tết ở hải ngoại mà lòng thì nhớ những cái Tết xưa, nhớ về Tết với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ chiếc lá dong, đến hạt nếp cái hoa vàng, đậu xanh cho tới lạt tre. Ngày nay, tục nấu bánh chưng ngày Tết (có vẻ) chỉ còn là một nghi thức. Những người sống tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng quây quần quanh nồi bánh chưng với gia đình. Giờ đây, bánh chưng cho ngày Tết mua tại các siêu thị, chợ búa . Ở nông thôn, hương vị Tết vẫn còn cảm nhận được phần nào qua nồi bánh chưng.  

Thiệt đúng là “Thân cư hải ngoại, tâm tại cố hương” (LVĐ) 

Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà tất bật những ngày giáp tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem mẹ gói bánh; cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng .  

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, Tết đến, xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta về giá trị văn hóa Thời nay, những nguyên liệu làm bánh chưng vẫn vậy: vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong. Qua hình dáng chiếc bánh chưng, bánh dày, đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ Việt.

 Xưa bày nay làm. Ở hải ngoại còn mấy ai biết gói bánh chưng? Vào tháng 9 năm ngoái, tại buổi lễ Kỷ Niệm Chu Niên của liên đoàn Hướng đạo Bách Việt, một anh huynh trưởng đã chỉ dạy các em trong đoàn gói chiếc bánh chưng và đến đêm ngồi nấu bánh. Chiếc bánh vuông vức đều cạnh được đem biếu tặng các quan khách ngoại quốc tham dự ngày lễ kỷ niệm có các ông Dave Cortese, Pete McHugh, Jose Esteves. Các anh chị huynh trưởng hướng đạo Bách Việt muốn đi ngược lại dòng lịch sử, đem các em bé Việt về lại với HùngVương, cái thưở vua Hùng với 18 đời dựng nước, với huyền sử Bách Việt trăm trứng nở trăm con, và con dân nước đó gọi nhau là Đồng Bào…Cùng một bào thai sanh trăm giống Việt…để giáo dưỡng các em bé Việt Nam rằng “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khách giống nhưng chung một giàn” thì huống chi cùng giống “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.