Home Lịch Sử VN Sách Mẹ VN ơi! Dân ta tội tình? Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 4

Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 4 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 16:16

 

 

CHƯƠNG BỐN

TỔNG THỐNG THIỆU CỐ GẮNG
GIỮ THẾ CHỦ ĐỘNG CHÁNH TRỊ
 

Ngày Chúa Nhật 6 tháng 4

Chiếc phi cơ "Caravelle" của Hàng Không Việt Nam đã đổi đường bay từ Băng Cốc về Sài Gòn . Nó không bay chéo dãy núi dài của Cam Bốt và những đồng ruộng phì nhiêu của vùng Đồng bằng nữa, mà đi thẳng đến Utapao để từ đó bay dọc theo duyên hải của Miền Nam Việt Nam, bay thật cẩn thận trên mặt biển để tránh tầm đạn đạo của hỏa tiễn tầm nhiệt SAM.7 của Bắc Việt . Và sau đó mới bay thẳng về hướng Bắc, rồi tạt ngang qua khúc quanh co sình lầy của con sông Sài Gòn để vào Tân sơn Nhất. 
Đường bay đáp xuống hơi ngắn lại hẹp vì hai bên có những bức tường thép vuông vức dùng để chắn đạn của các ụ phi cơ vận tải C.47, các trực thăng và những phi cơ chiến đãu.
Trong những dãy nhà của phi trường bốn chiếc C.130 khổng lồ của Không Lực Hoàng Gia Úc đang đến để chở 600 trẻ mồ côi. Có khoảng 100 em mặc toàn quần áo mới đang đứng yên lặng dưới đất nhìn các phi cơ khổng lồ nầy đầy vẻ sợ hãi.

Chiếc xe buýt đưa chúng tôi ra thành phố chạy giữa đám đông xe gắn máy, xe hơi, xe ba bánh. Thành phố mà cách đây vài ngày tất cả báo chí Tây Phương  đều mô tả như là một thành phố đang bị bao vây, hiện rất yên tĩnh lạ kỳ. Gần như không có một tý gì thay đổi từ khi tôi đang còn ở  đây sáu tháng trước . Trên các đại lộ và trong các công viên đầy bóng mát của những cây chuối và những cây cổ thụ xanh um, đã thấy toàn hoa phượng nở đỏ rực.. 


Ở đường Catinat, những phòng trà và phòng lớn của khách sạn Continental đầy ấp khách hàng.Tuy là nhằm ngày chúa nhật nhưng các thư viện, các quán rượu, các kho hàng, các cửa hàng tạp hóa của người Ấn vẫn mở cửa. Trên đường Charner cũ (Nguyễn Huệ) các gian hàng bán bông còn đầy ấp bông huệ và bông hường. Các rạp xi nê thì treo bản ‘’hết vé’’. Trên sông Sài Gòn các xà lan đen chở đầy hàng hóa đang bỏ neo giữa những chiếc tàu chiến của Hải Quân súng cao xạ chỉ hết lên trời. Nhiều chiếc ghe chài đường biển đang lướt trên sông vớI những cánh buồm lớn . . .


Phía sau Kho bạc và chung quanh Chợ Cũ, hàng quán vẫn tấp nập kẻ mua người bán. Chỉ riêng các xe xích-lô đã vắng bóng, Có gần 6000 loại xe nầy, lúc nào cũng thấy chạy rong ngược xuôi khắp thành phố tìm khách hay rước khách ở bến xe ba bánh. Cảnh sát đã quyết định cấm không cho họ hoạt động nữa, vì bọn đặc công Việt Cộng đã giả dạng xích lô trà trộn và đột nhập vào thành phố một đêm trước ngày tấn công Tết Mậu Thân , bảy năm trước .


Sài Gòn có vẻ lo âu ngay sau khi Đà Nẵng và Nha Trang bị thất thủ. Tòa nhà của hãng Hàng Không Việt Nam từng sống những ngày vui vẻ  nhộn nhịp, nay đã trở lại vắng vẽ im lìm. Hảng hàng không quốc gia nầy nay chỉ còn giữ có 2 chuyến bay trong nội địa đang bị thu hẹp lại: một chuyến đi Phú Quốc, một hòn đảo nằm ngoài khơi  trong Vịnh Thái Lan , và một chuyến đi Rạch Giá, một tỉnh nằm trên bờ biển phía Tây Nam của Việt Nam .Các tờ báo buổi chiều chạy hàng chữ đậm , trích đăng cuộc họp báo được coi là đáng khích lệ của Tổng Thống Ford tại San Diego. Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng:


- " Tôi là một người rất lạc quan . Bất kể  những biến cố bi thảm mà chúng tôi là nhân chứng, cũng vẫn còn một cơ may để Việt Nam và Cam Bốt chống trả lại sức ép của kẻ địch. Tôi không chờ đợi một sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam  và tôi sẽ làm tất cả để tránh việc đó. Chúng tôi không để cho một chế độ cộng sản được hiện hữu tại Sài Gòn , và ở Phnom Penh cũng vậy. Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy ."  

Cuộc khủng khoảng chánh trị ở Sài Gòn bắt nguồn từ sự kiện Cao Nguyên bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, vừa bất ngờ được sống trở lại rất ngoạn mục. Vài giờ sau khi ngăn chận được một âm mưu đảo chánh, Tổng Thống Thiệu tuyên bố chỉ định ông Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn bá Cẩn thay thế Thủ tướng Trần thiện Khiêm.Sau khi khám phá ra được âm mưu đảo chánh , đã có nhiều người bị bắt giữ trong số đó có ông Nguyễn văn Ngân, cố vấn chánh trị của Tổng Thống Thiệu và là một thành viên có uy tín thuộc đảng Dân Chủ của chánh quyền . Ông Ngân là một cựu giáo chức, sau đó là sĩ quan Quân Cảnh, và sau khi được giải ngũ đã quyết định chọn con đường chánh trị và đã nhanh chóng vạch ra con đường cho mình.
Vào năm 1972, Tổng Thống Thiệu đã chọn ông Ngân làm phụ tá đặc trách về công tác thành lập đảng Dân Chủ mà ông hy vọng sẽ là đảng của chánh quyền để yểm trợ cho ông, đồng thời ông Ngân cũng sẽ bảo đảm sự liên lạc chặt chẻ giữa Tổng Thống Phủ và lưỡng viện Quốc Hội .
Là một người mưu mô và có nhiều tham vọng, ông Ngân tiến hành thành lập rất nhanh ở Quốc Hội hai toán liên lạc rất trung thành với ông ta.
Vào mùa xuân năm 1974, ông tưởng rằng vị trí cá nhân của ông đã đủ vững chắc, có thể triệu tập được một buổi họp của các vị dân cử "bạn" để nhờ họ giúp tách rờI Tổng Thống Thiệu ra khỏi những "thủ hạ xấu" chung quanh ông ta. Và một khi bảo đảm chắc chắn là ông Thiệu đã  bị "cô lập" như thế rồi thì ông nầy sẽ trở thành con tin trong tay của những người dân cử. Nhưng rất phiền là một trong những nghị sĩ lại có mang theo một máy thu âm trong người , và cuốn băng ghi âm đó cuối cùng lại đến nằm trên bàn làm việc của Tổng Thống Thiệu .
Trong cuộc điều tra ngay sau đó, cơ quan an ninh xác nhận là "những tài liệu tịch thâu được tại nhà của ông Ngân cho thấy ông nầy dính líu đến một đường dây buôn lậu với vùng Việt Cộng"  
Bị chỉ định cư trú trong vài tháng, sau đó ông Ngân được phép rời khỏi nước đi sang Gia nả đại ở với người anh của ông ta. Nhưng gần đây khi được phép trở lại Việt Nam , hình như không bỏ được tham vọng, ông lại khư khư muốn nắm giữ những vai trò hàng đầu, nên lần nầy ông lại hợp tác với cánh em út của tướng Nguyễn cao Kỳ.


Bị dính líu vào âm mưu nầy, 8 sĩ quan  cao cấp bị theo dõi và canh chừng, trong số đó có tướng Loan. Tướng Loan là cựu chỉ huy trưởng cảnh sát, hồi Tết Mậu Thân đã bị báo chí Tây Phưong chụp ảnh, ngay khi ông đang dùng súng lục bắn vào đầu một cấp chỉ huy Việt Cộng, sau đó ít lâu ông bị thương vì một viên đạn từ trực thăng và đã trở nên một phế nhân không có việc làm. Nhưng mặc dù  cò một chân bất khiển dụng, vị cựu sĩ quan biệt động nầy, từng là một trong những phi công tài giỏi nhất của Miền Nam Việt Nam , vẫn còn có khả năng phản ứng rất nguy hiểm.. 

Nằm ngay giữa căn cứ Không Quân rộng lớn trong phạm vi phi trường Tân sơn Nhất, biệt thự của tướng Nguyễn cao Kỳ vẫn còn là một trung tâm sinh hoạt rất náo nhiệt và . . . rất được chú ý canh chừng. Vào mỗi buỗI chiều cứ trước giờ giớ nghiêm là khách khứa tấp nập đến chơi nhà tướng Kỳ. Có nhiều đại tá trẻ và một số phi công, quá tức giận vì các thất bại quân sự gần đây, đã  tỏ ra sẵn sàng cho những hành động điên rồ. Bà Mai, người vợ rất đẹp của tướng Kỳ thì lo thức ăn và nước uống. Khách khứa thì bàn cãi thâu đêm suốt sáng về những gì cần phải làm. Tướng Kỳ là người nói nhiều nhất, ông quát tháo, tức giận, cho Tổng Thống Thiệu là một vị tướng "hát bội", ông xác nhận rằng mình đã hình thành "một kế hoạch phản công" để chận đứng làn sóng cộng sản  ông lên án Đại sứ Hoa Kỳ đã "tự ý chống lại mọi sự thay đổi Chánh Phủ" . Không khí âm mưu nầy đã làm cho Tổng Thống Thiệu phát cáu lên. Một số sát thủ đã được thuê để tìm cách thanh toán tướng Kỳ. Họ đột nhập vào được căn cứ, nhưng đã bị toán cận vệ của tướng Kỳ bắn hạ ngay ở cách biệt thự chừng vài ba thước. Có lẽ người ta đang chờ xem những màn biến chuyển náo nhiệt nầy.

Bất chấp những sự đe dọa nặng nề đang đè nặng lên bản thân ông, Tổng Thống Thiệu vẫn cố gắng giữ thế chủ động chánh trị của mình, đồng thời cố giữ không cho phần còn lại của quân đội bị rã ngũ.

Trong một buỗi nói chuyện trên vô tuyến truyền hình, Tổng Thống Thiệu vừa xác nhận là Thủ tướng mới được chỉ định đang lo thành lập một "Chánh Phủ chiến đãu và đoàn kết" vớI nhiệm vụ tái lập an ninh, ổn định hậu phương và cứu trợ dân chúng tỵ nạn. Ông xác nhận là các chỉ huy quân sự nào "hèn nhát và có tinh thần chủ bại" sẽ bị trừng trị. Ông dựa trên vị thế "hợp pháp và hiến định"  của một Tổng Thống được dân bầu trong sứ mạng bảo vệ chế độ, và cực lực bác bỏ mọi luận điệu cho rằng ông đã có "một thỏa hiệp kín với cộng sản" trong việc nhượng một phần lãnh thổ của quốc gia để đổi lấy một sự rút quân và bảo toàn dân chúng đang chạy loạn. Cuối cùng ông nhấn mạnh là ông vẫn thi hành đứng đắn Hiệp Định Balê, dù là Hiệp Định đang bị Bắc Việt chà đạp, khi ông nói rằng ông phải dùng bạo lực để trả lời với bạo lực, và ông không bao giờ thương lượng điều gì dưới sự đe dọa của họng súng.

Để kết luận, ông kêu gọi dân chúng hãy "trấn tỉnh lại" và đòi hỏi quân đội phải "chuẩn bị’ để tái chiếm lại những phần lãnh thổ đã mất". Những ý định đó rất đáng được khen ngợi. Chỉ còn có việc thi hành các quyết định đó mà thôi. Không phải những hoạt động trong hành lang mà chính là những  hành động trên chiến trường mới xác nhận được lời nói của ông Thiệu có giá trị hay không .

Số phận của nước Việt Nam tựu trung vẫn phải được giải quyêt bằng súng đạn!