Home Lịch Sử VN Sách Mẹ VN ơi! Dân ta tội tình? Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 13

Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 13 PDF Print E-mail
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 13:43

 

 

CHƯƠNG MƯỜI BA

QUỐC HỘI HOA KỲ BÀN CÃI VỀ NGÂN KHOẢN, TRONG LÚC NGƯỜI DÂN MIỀN NAM LO CHÔN CON MÌNH 

Ngày hôm qua 16 tháng 4, ngỏ lời cùng Hiệp Hội các Chủ Báo Hoa Kỳ với tư cách là vị khách danh dự, Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố là "sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam là không sao tránh khỏi được" Ông đã xác nhận :

-"Theo các điều khoản của Hiệp Định được ký kết tại Paris ngày 27 tháng giêng 1973, trong khuôn khổ một sự thỏa thuận với Miền Nam Việt Nam , Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp chiến cụ thay thế và ngân khoản viện trợ kinh tế cho họ. Tôi nghĩ rằng Liên Xô và Cộng Hòa Nhân DânTrung Hoa cũng đã có những cam kết tương tự như thế đối với Miền Bắc Việt Nam . Những cam kết nầy hình như đã được thực hiện. Điều bất hạnh là về phần cam kết của chúng ta, Hoa Kỳ đã không thực hiện được những lời hứa của mình. Nếu chúng ta thực hiện đúng lời hứa thì Miền Nam Việt Nam không gặp cơn khủng khoảng quá bi thảm như hôm nay. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp đặc biệt đó, chúng ta không thể trách Liên Xô hay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được. Nếu chúng ta giữ đúng lời cam kết với đồng minh của chúng ta thì thảm trạng nầy tôi tưởng là có thể tránh khỏi được ."

Từ hai ngày nay, ông Kissinger và ông Schesinger, tổng trưởng ngoại giao và quốc phòng đã cùng với tướng Weyand, tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ sau chuyến đi thanh sát Việt Nam trở về, đã phải tranh đấu "một trận cuối cùng về ngân khoản viện trợ" với Quốc Hội . Họ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết để chấp thuận 722  triệu mỹ kim mà Tổng Thống đã xin, như là một "ngân khoản tối thiểu rất cần thiết cho cuộc phòng thủ Miền Nam Việt Nam ". trong đó 326 triệu để tái trang bị cho 4 sư đoàn , để tập họp các đơn vị lại và tái trang bị cho họ, phần còn lại sẽ cung cấp cơ phận thay thế và dụng cụ y khoa và thuốc men để có thể "hổ trợ được cho 60 ngày tác chiến mãnh liệt" Ông Kissinger đã nói tới trách nhiệm tinh thần tuyệt đối là phải nâng đở một đồng minh đang trong cơn nguy kịch . Vừa làm giảm nhẹ những khuyến cáo từ trước của ông, Kissinger vừa nhấn mạnh là nếu Quốc Hội từ chối không bỏ phiếu thuận cho ngân khoản viện trợ đòi hỏi thì

"niềm tin và danh dự của Hoa Kỳ dù không bị sụp đổ thì cũng sẽ bị giảm đi". "Nếu hai bên muốn tiến tới một sự thương thuyết với nhau thì ít nhất tình hình quân sự phải được ổn định, và nếu không có được sự ổn định tiên quyết đó , thì chỉ có một khả năng thương lượng duy nhất mà thôi, đó là sự thương lượng để đầu hàng !"

Sau khi họp kín, tiểu ban ngoại giao Thượng Viện đã thỏa thuận trên nguyên tắc "chấp thuận một ngân khoản khẩn cấp" là 200 triệu mỹ kim dành để di tản trong vòng trật tự những công dân Hoa Kỳ ở Sài Gòn và "vài người Việt Nam " có thể bị đe dọa đặc biệt đến tánh mạng.Trong lúc các cuộc bàn cãi đó tiếp tục một cách tế nhị ở Hoa Thạnh Đốn , thì trận chiến vẫn tiếp diễn ở chung quanh Xuân Lộc, và hiện đang mở rộng ra trên 100 cây số về hướng Đông và hướng Nam của thủ đô Sài Gòn . Các khu trục phóng pháo cơ thuộc căn cứ Biên Hòa cứ bay lên và đáp xuống theo nhịp độ từng 2 chiếc một, cách nhau mỗi 3 phút một. Cứ phải có 3 phi công ứng trực để tuần tự thay phiên nhau trong 6 giờ cho mỗi chiếc khu trục. Phía cộng sản họ có một lực lượng đại bác phòng không rất hùng hậu cơ động bằng xe kéo . Các phi công phải nhận lấy nhiều sự nguy hiểm không lường được để yểm trợ cho các đơn vị bạn dưới đất, như trong khu vực Bình Giã (cách Sài Gòn 120 cây số về phía Đông Nam ) binh sĩ đang đánh xáp lá cà với địch. Chỉ trong vòng 2 ngày pháo binh Bắc Việt đã rót 8000 quả đại bác xuống các vị trí của sư đoàn 18 bộ binh . Liên lạc truyền tin với Bộ chỉ huy của tướng Đảo. người có trách nhiệm mặt trận Xuân Lộc bị mất đi và sau đó được thiết lập lại được . Binh sĩ của ông bám lấy trận địa, chống cự hết sức mãnh liệt gần như điên cuồng, và không để mất một tấc đất nào mặc cho lửa đạn như bão táp liên tục được trút xuống vị trí của họ.

Sáng nay, tôi rời khỏi thủ đô và đã qua cầu Bình Lợi với một toán 10 vị bác sỉ, do một người bạn của tôi hướng dẫn, bác sĩ Triễn. Ông bác sĩ 60 tuổi nầy là một người công giáo thuần thành, đã có 11 đứa con, có một đức tin và một tinh thần từ thiện không hề suy giảm, người ta thường gọi ông là "bác sĩ của người nghèo" vì ông từ chối không nhận một thù lao nào từ những người nghèo khổ mà ông thường chăm sóc mỗi ngày .Qua cầu rồi chúng tôi đi theo xa lộ Đại Hàn, và đi khoảng 10 cây số thì đến một bìa làng Tam Bình, một đồn điền cao su chừng 30 mẫu có bóng râm, nơi đó có trên 20 ngàn dân lánh nạn đang ở đó: một đám người nghèo, khổ, ốm gầy, áo quần tơi tả, đi chân đất, toàn là đàn bà, trẻ con và người già. Hầu hết đều không có gì cả, có khi nằm ngay dưới đất, có người thì che tạm lều bằng một vài mảnh ván thùng, hay giấy bồi. Họ đến đây từ 10 tỉnh khác nhau, có nhiều người từ Quãng Trị và Huế, phải đi bộ trên 600 cây số mới đến được bờ biển rồi chen chúc nhau trên những chiếc thuyền đưa họ tới bến tàu ở Sài Gòn rồi từ đó nhờ những anh em công giáo đưa họ đến đồn điền cao su nầy, nơi đây ít nhất họ cũng tránh được hỏa tiễn và đạn pháo binh của Bắc Việt được trong vài ngày.Các bác sĩ sấp xếp chỗ làm việc ở ngay bìa đồn điền, trống trải, để săn sóc cho các bệnh nhân. Hơn 800 người bệnh (rét rừng, sưng phổi, .. . . ) ngồi bẹp dưới đất yên lặng chờ đến phiên mình được khám. Trẻ con thì mình đầy ghẻ, mắt thì sưng húp lên vì nhặm, vì toét, hay run lên cầm cập vì rét rừng. Có nhiều bà bị thương và không được thay băng trong 3 ngày nay, nên vết thương hôi thúi không chịu được nhưng không nghe người nào than vãn một câu.

Một vị linh mục mặc áo chùng, vậm vỡ, đầu húi ngắn tới đây bằng mô tô. Vừa xuống xe là cả đám đông vây quanh ông, chào ông và lễ ông nữa. Đó là cha Joachim Châu, ở ngay họ đạo gần nhà thờ Đức Mẹ Fatima. Ông đi dài trên đường dọc theo các hàng cao su , và tôi đi theo ông . Ông nói với tôi :

- "Tình hình có vẻ khả quan hơn đôi chút rồi. Binh sĩ thuộc sư đoàn 5 bộ binh đã cho tôi 200 tấm lều cá nhân, và cho tôi mượn 3 xe bồn chứa nước.. Tôi lấy được của anh em thiết giáp 100 kí lô xà phòng và 200 cái thau nhựa của Mỹ. Phần các bác sĩ thì mang theo 500 kí thuốc men, nhưng chắc không đủ đâu, Ở đây đã có nhiều trường hỡp bệnh thiên thời và chúng tôi hết thuốc chủng ngừa rồi. Từ khi Nha Trang bị thất thủ, viện Pasteur ở thành phố đó không cung cấp được gì cho mình hết, và viện Pasteur ở Sài Gòn thì không thể cung ứng nổi nhu cầu đòi hỏi. Mỗi đêm, đã có từ 10 đến 12 đứa trẻ chết. Riêng tôi thì đang chờ đoàn xe chở gạo đến: ba chiếc ghe chài loại 10 tấn, có thể đủ để nuôi những người khốn khổ nầy trong 2 ngày ."

Ngay sát bên mấy lều đầu, khoảng 20 ông già cởi trần trùng trục lòi xương ra, đang dùng cuốc cặm cụi đào đất. Trước mấy hố vừa đào đó có hai hàng dài thây trẻ nít được quấn chiếu hay bọc ny lông trong suốt , đó là 13 đứa vừa chết đêm qua. Ngồi trước thây của con mình, mấy bà mẹ đờ đẫn và im lặng không còn sức đâu mà khóc được nữa. Tôi đứng lặng người tại chỗ, không sao có được một cử động nào. Nói gì bây giờ đây ? và làm gì bây giờ đây ? Phải có một sức bật nào đó của cả thế giới để bốc tất cả những người nầy ra khỏi cảnh nghèo đói, sợ sệt và chết chóc ! Một ông già mặt mày nhăn nheo tiến đến gần tôi và nức nở nói với tôi:

-"Ông là một nhà báo Pháp phải không ? Ông hãy viết trên báo của ông là hãy giúp chúng tôi cứu những đứa trẻ nầy, chúng nó vô tội mà. Phải cho chùng nó một cơ hội để sống sót.. Còn chúng tôi hả, chúng tôi có thể chết, chúng tôi đã chịu quá nhiều thử thách rồi, quá nhiều điều khủng khiếp rồi, quá nhiều tang tóc rồi, nhưng chúng nó, chúng nó chỉ mới bắt đầu thấy ánh sáng, chúng nó còn quá yếu đuối. . . .Chúng tôi không còn sữa cho chúng nó nữa. Hằng ngày chúng tôi chỉ có thể cho chúng nó mỗi một chén cơm . Rồi đây trong vài ngày nữa, khi những cơn bão đầu tiên của mùa mưa ập xuống thì chúng sẽ nằm dưới bùn.Muỗi mòng sẽ hoành hành và con số tử vong sẽ tăng lên gấp 4 lần ! Tôi van ông, ông ơi, ông hãy làm một cái gì đi !"

Tôi lấp bấp một vài lời hứa. Cổ họng tôi co thắt lại, và tôi không có can đảm nhìn thẳng vào cặp mắt trang nghiêm chững chạc nhưng đầy vẻ thất vọng của ông già nầy. Nếu chiến trận đến gần chỗ nầy, nếu đạn pháo hay rốc kết lại bắt đầu rơi xuống đây, xuống cái trại tạm coi là còn có cơ may cuối cùng nầy, thì những người khốn khổ kia sẽ đi đâu ? trong lúc họ gần như không còn sức để lê bước nữa ?

Linh mục Joachim Châu đã có dựng tạm một bàn thờ trên một cái bàn khập khiễng, đặt bộ đồ làm lễ bằng bạc lên tấm trải vá víu, rồi mặc lại bộ đồ giáo sĩ của ông, xong đâu đó ông bắt đầu làm lễ trên một vùng đất rộng đầy cỏ khô cằn. Rất thong thả và trong vòng trật tự, hàng ngàn tín đồ chạy loạn quỳ xuống thành một vòng chung quanh bàn thờ và lớn tiếng cùng cầu nguyện. Tất cả cùng nắm chặt tay nhau họ làm thành một sợi giây thiêng tôn kính, gắn chặt với nhau bằng sự nghèo khó khổ sở mà họ đang chia sớt với nhau. Từ những tín đồ công giáo rách tả tơi nầy, kết giây thân ái chặt chẽ với nhau trên mảnh đất khô cằn sỏi cát nầy, tôi thấy toát ra một cảm tưởng thật lạ kỳ đầy phẩm cách, đầy ước vọng làm cho người ta phải kính nể. Bị người đời và cả Chánh Phủ bỏ rơi, lạc loài lánh nạn trong một mảnh đất nhỏ bé đầy lùm bụi bị lãng quên, không ai biết tới nầy, xa đường, xa lộ, vắng vẻ không ai lui tới nầy, trong một giai đoạn chạy loạn mà không ai còn một món gì trong tay, họ chỉ còn biết giao số phận mình cho Chúa một cách mù quáng.

Nhưng Chúa có còn nghe họ hay không đây?