Home Lịch Sử VN Sách Mẹ VN ơi! Dân ta tội tình? Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 26

Mẹ VIỆT NAM ơi! Dân Ta Có Tội Tình Gì? - Chương 26 PDF Print E-mail
Thứ Hai, 21 Tháng 6 Năm 2010 13:03

 

CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU

THẬT CHUA CHÁT THAY CHO
CÁI GỌI LÀ "GIẢI PHÓNG"!!!
 

Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 9, anh Phạm, một người bạn của tôi, cuối cùng được một chỗ trên chuyến bay về Pháp. Khi vừa đến Ba Lê, anh điện thoại cho tôi ngay tại phi trường Roissy:

- " Tôi phải đi gặp anh liền, để cho anh biết, để cho anh nói với tờ báo của anh những gì đã xảy ra ở Sài Gòn . Trầm trọng lắm !"

Anh bạn tôi có vẻ bị quá căng thẳng , bị kích thích quá độ như một người vừa bị một cú sốc nặng, muốn phản đối và kêu cứu vậy . Đó không phải là thói quen của anh. Anh Phạm là một người Việt Nam , người Miền Tây, đặc biệt rất cứng cỏi và rất bình tĩnh. Anh là một sĩ quan thiết giáp, tỵ nạn chánh trị ở Pháp từ năm 1955, sau đó anh đã tiếp tục học và đã giật được bằng kỹ sư điện toán và cử nhân hóa học một cách vẻ vang.. Anh ta có một chỗ đứng vững chắc trong một công ty viễn thông lớn từ hai mươi năm nay. Vào dân Pháp năm 1958, anh chưa về Việt Nam lần nào từ hai mươi năm nay. Hôm 2 tháng 4 vừa rồi anh trở về Sài Gòn để thăm gia đình anh, và bị kẹt lại đó trong 4 tháng. Tôi phải gấp rút đi gặp anh bạn tôi mới được. Tôi gặp lại bạn tôi, lúc nầy người trông quá gầy, vẻ mặt mệt mỏi, với cặp mắt lo lắng bồn chồn. Anh nắm tay tôi trong hai bàn tay của anh thật chặt và nói với tôi một hơi

-" Anh Pierre ơi, ở Sài Gòn chỉ còn có một sự đói rách khốn khổ, một nỗi thất vọng, một sự chống đối và một cái chết mà thôi. Con người đáng ghét nhất đáng khinh nhất ở Miền Nam ngày nay không phải là ông Thiệu, cũng không phải tướng Trần văn Trà, mà là tướng Dương văn Minh. Chẳng những ông ta đã bán đứng Miền Nam mà ông ta đã cúi đầu quy lụy trước những người cộng sản Bắc Việt .

- Hãy bình tĩnh đi ông bạn ơi, Anh hãy cố gắng sắp xếp những ý của anh cho có thứ tự một chút đi...

Anh Phạm nhìn tôi như một người mộng du, đang tập trung vào một thế giới nào đó mà chỉ có riêng một mình anh biết thôi, rồi mới nói:

- "Anh không thể nào hiểu được cái gì đã xảy ra bên đó đâu. Anh không thể nào tưởng tượng nổi là tất cả đều đã thay đổi hết. Và cả một sự thù hận !....

Anh ta ngưng một lúc, lấy tay dụi cặp mắt như một người ngủ vừa mới thức dậy, một người vừa mới qua một giấc mơ hãi hùng, rút từ trong túi ra một cuốn sổ tay màu đen, lật qua lật lại vài tờ rồi nói:

- " Tôi giữ được cuốn sổ tay nầy qua cuộc khám xét. Tôi có ghi lại rất đầy đủ, tất cả những gì tôi đã thấy, đã nghe và đã hiểu được .Trong suốt hai mươi năm qua, tôi gác bỏ chánh trị ra ngoài tai. Đến tháng 3 năm nay, khi tôi nằm rất thoải mái ở ghế phô tơi để xem truyền hình ở Ba Lê, cũng như tất cả những người Pháp khác, tôi tưởng người Việt Nam chạy trốn chiến tranh hoặc là họ đã bị sự tuyên truyền chống cộng đầu độc. Anh biết không, thật sự tôi đã lầm ! Bây giờ tôi mới hiểu là tại sao người Việt Nam đã chạy trốn đầy đường. Không phải họ chỉ chạy trốn đạn pháo và các đơn vị cộng sản Bắc Việt . Mà họ thật sự chạy trốn bộ máy ở phía đằng sau bộ đội cộng sản đó anh Pierre ! Các loa phóng thanh, các sự tố giác và lên án, mọi sự chuyển đổi bắt buộc của đời sống, những trại tập trung cải tạo, những tòa án nhân dân, và những "cán bộ" vừa cuồng tín vừa cuồng nhiệt không mệt mỏi, mặt lạnh như tiền, ngoan cố và khắt khe còn hơn các thầy tu của Tòa án Dị giáo. Những tên cán bộ nầy khi họ nắm được anh rồi, họ không bao giờ buông tha anh ra cho đến khi nào anh phải tưởng tượng tìm ra được những trọng tội của mình để mà tự thú tội mới xong . có nghĩa là cho tới khi nào anh phải tự nhận là anh có phạm tội dù đó là một tội trạng do anh tưởng tượng ra, nghĩa là cho tới khi nào anh chối bỏ tất cả, chối bỏ tín ngưỡng của anh, chối bỏ bạn bè của anh, gia đình của anh, cho tới khi nào anh hội nhập vào giáo hội của họ, vào lý thuyết của họ, vào lối sống của họ... dĩ nhiên là đi ngược lại hết với đời sống cũ...

Anh Phạm ngừng một vài giây rồi lại tiếp tục:

- " Tôi đã nhìn thấy bộ máy đó điều hành rồi, nó núp kỹ ở đàng sau các "bộ đội" ngây ngô từ Miền Bắc đi vào Miền Nam . Nó rất là khủng khiếp. Tôi sẽ cố gắng giải thích cho anh, cố gắng kể cho anh nghe những gì tôi đã thấy. Tất cả binh sĩ vào chiếm Sài Gòn đều cầm là cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.mà họ gọi là "lá cờ của C PLT CHMN".

Dân chúng Miền Nam đều nghĩ rằng: "giữa người Miền Nam với nhau, cuối cùng rồi người ta cũng có thể thỏa thuận được với nhau, để có được một giải pháp". Nhưng làm gì có người Miền Nam ? Chỉ có toàn là "bộ đội" người Bắc . (nguyên tác :des Tonkinois), những chú "nhà quê" chỉ thích mua những chiếc đồng hồ có chỉ ngày tháng mà từ ngày cha sanh mẹ đẻ họ mới được thấy lần đầu tiên và họ gọi là "đồng hồ có cửa sổ", và họ thích chụp ảnh với các anh phó nhòm chuyên chụp dạo ở ngoài đường phố. Người dân Sài Gòn bắt đầu gọi họ là "những con ếch" vì họ mặc quân phục màu xanh lá cây và thường "đi hai hàng". Cũng không có gì quá đáng lắm đâu. Chỉ châm biếm chơi thôi. Và các sĩ quan thì vào ở khách sạn. Họ chưa từng được thấy thang máy bao giờ. Một ngày nọ, ở khách sạn Palace, tôi được chứng kiến một cảnh đặc biệt lạ lùng. Một bà cụ già dùng thang máy đi lên lầu ba. Một cô gái còn trẻ cũng dùng chiếc thang máy đó để đi trở xuống, khi cửa mở cô gái bước ra và đi về phía trước. Một anh sĩ quan người Bắc đang đứng ở tầng trệt, bước lui lại mấy bước và kinh ngạc la lên:

-"Đây là máy móc gì đây ? kỳ lạ vậy ? Một bà cụ vừa bước vào đây đi lên, bà ta rất già, nhưng lúc trở xuống thì bà ta trẻ lại gần 50 năm !"

Nghe tôi nói như vậy chắc có người cho là tôi kể chuyện lịch sử của thành phố Marseille hồi xa xưa phải không anh? Nhưng không, đây là một chuyện thực, một chuyện sống ! Còn nhiều chi tiết nữa lắm. Anh có muốn tôi kể thêm cho anh nghe không? Họ cũng không bao giờ thấy biết những phòng tắm nữa. Họ lấy nước trong những cầu tiểu của mấy bà để rửa mặt. Có một buổi chiều các thương gia và mấy ông "Bang" Tàu vừa "hiến" cho quân đội giải phóng một bệnh viện tư lớn nhất ở Chợ Lớn và đã mở tiệc khoản đãi các sĩ quan cao cấp của họ. Tối đến, người Tàu cho gọi mấy nhiếp ảnh viên tới để chụp ảnh . Họ chụp ảnh bằng đèn . Khi ánh đèn chớp của máy ảnh vừa lóe lên, các sĩ quan đều đứng bật ngay dậy và cùng rút súng lục ra. Họ tưởng đó là một cuộc mưu sát. Tất cả những giai thoại nầy cả Sài Gòn ai cũng biết hết cả. Người dân ở thành phố cười riễu. ! Họ không thể nào hiểu được là những người mà họ đang khi dể nầy chỉ biết có những làng mạc nghèo khổ, những trại huấn luyện, núi rừng và chiến tranh. Một thế giới mà không hề có một chiếc tủ lạnh, hoặc một máy ghi âm, cũng không có khách sạn, không có đèn chớp để thu hình ban đêm. Khi người ta cười là người ta tưởng là mình che dấu cái lo sợ của mình. Nhưng dân chúng Sài Gòn đã nhanh chóng hiểu rằng "họ cười là sai" . Đã có những chuyện rắc rối xảy ra.. Các chú "bộ đội" đã bắt gặp kẻ trộm đang chuyển xăng trong nón sắt của họ, và kẻ trộm đã bị bắt buộc phải uống hết những gì họ chứa trong nón sắt của họ. Họ đã bắt được những anh móc túi, và họ đã dùng súng lục bắn vào hai bàn tay của những người nầy trước khi thả cho họ đi. Sau đó họ cũng sẽ cho thấy là họ cũng xử binh sĩ của họ y như vậy. Một anh tài xế xe Molotova đã cán chết một em bé ở Gia Định. Bà mẹ la lên, đám đông tựu lại đòi phải được sửa chữa. Anh trưởng xa đề nghị bồi thường ba bao gạo. người mẹ từ chối hẳn và nói lớn :"Anh ta giết chết con tôi, tôi muốn anh ta đền mạng". Nghe vậy, người trưởng xa lập tức lấy cây súng của một "bộ đội" gần đó và cho ngay một phát đạn vào đầu anh tài xế. Và về sau đó đã có những cuộc xử tại chỗ các phạm nhân bị trói tay và được cột vào hai miếng gỗ, ngay trên đường phố, như vậy gọi là để làm gương . Kể từ đó dân chúng Sài Gòn mới thấy sợ và họ bắt đầu nói là "Họ còn độc ác hơn bọn Nhật nhiều !"

Nghỉ một chút để hút thuốc, anh Phạm kéo một hơi dài thật ngon rồi lại tiếp tục kể :

- " Kỷ luật sắt và sự tàn ác của mấy chú "bộ đội" đã gây xúc động cho người dân Miền Nam . Nhưng họ còn chưa biết bọn "cán bộ" đảng viên của đảng cộng sản . Bọn nầy không có mặc quân phục xanh như "bộ đội". Họ thường mặc quần dài màu xám hay màu sậm hơn và một áo sơ mi trắng không bao giờ ủi và bỏ ra ngoài. Đó mới thật sự là chủ nhân ông. Họ không ồn ào nhưng có mặt khắp mọi nơi. Họ quan sát, đặt câu hỏi, ghi vào sổ tay, tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định. Họ là những người hướng dẫn các lớp học tập cải tạo. Lúc ban đầu, người dân Sài Gòn thấy mình tiến bộ nhưng còn hoài nghi . Họ đã theo các buổi học tập cải tạo nầy với cảm nghĩ là mình đang ở một lớp mẫu giáo dành cho những em bé chậm tiến. Họ hát theo những gì người ta bắt phải hát, họ cũng vỗ tay , cũng lập lại những gì họ bảo phải lập lại . Khi bước ra khỏi lớp họ cười khẩy.Và sau đó một lần nữa là họ hết cười nổi, họ hết còn cười khẩy được nữa. Bởi vì "cán bộ" bắt họ phải viết đi viết lại 10 lần, 20 lần những lời tự thú của họ. Không một người nào trong dân chúng thấy mình có phạm tội, và như thế là coi như tất cả đều thấy sai hết. Đây nhé:

- các tiệm buôn đã bán thuốc ngừa cho Mỹ để họ ngủ với các cô gái : là có tội; - người thợ ở cơ xưởng đã đóng góp vào nỗ lực chiến tranh : là có tội; - thương gia người Tàu đã mua lại chiến cụ phế thải: là có tội; - cô gái ăn sương đã làm mất danh dự dân tộc khi bán mình cho người ngoại quốc: là có tội;

- anh sinh viên đã có cả một bộ sưu tập các đĩa nhạc giật gân... là có tội Tất cả mọi người mọi giới đều đã, đang hay sẽ là kẻ phạm tội hết. Như vậy là phải biết tội của mình, phải biết sửa mình, phải biết bắt buộc cha mẹ mình, con cháu mình, bạn bè mình phải sửa chữa, cải tạo; phải biết "vạch trần" có nghĩa là phải tố giác những người nào từ chối không chịu thay đổi.Và kế tiếp sau đó là bắt đầu có những cuộc ruồng bắt, những cuộc khám xét. Các công an mật vụ đến nhà ban đêm, lục lọi khắp mọi nơi, gõ vào tường, tháo hết bàn ghế, các vật dụng trong nhà, khám xét hết quần áo, có khi mở tung những chỗ khâu vá ra xem. Chỉ cần có một quyển sách nhỏ chống cộng nào đó, một bức tranh ảnh nào đó của Mỹ, hay một hình ảnh nào đó của ông Thiệu còn bỏ quên trong ngăn kéo, là người chủ nhà sẽ bị bắt mang đi. Buổi sáng thật sớm người ta có khi người ta gặp những hàng người tay bị trói quặt ra sau lưng, bị binh sĩ mặt lạnh như đồng dẫn đi. Có đôi lúc các bà vợ chạy theo sau vừa la vừa khóc. Các anh "bộ đội" đuổi họ đi bằng báng súng... Và như thế là người ta quây mặt đi không ai dám nhìn vào cảnh nầy. Không phải họ chỉ bắt người mà họ còn tịch thu, trưng dụng nhà cửa nữa. Tất cả những ai có nhà rộng rãi, nghĩa là có hơn hai phòng cho cả gia đình, thì phải cho một số "bộ đội' vào cư trú, phải giặt giũ cho họ, nấu cơm cho họ. Các sĩ quan thì ở biệt thự. Những anh nhà giàu nào đã bị tịch thu chương mục trong ngân hàng thì phải giao nộp tất cả đồ mỹ nghệ, sổ sách và hàng sơn mài cho các ủy viên tài chánh. Còn lại món nào thì họ đem bán lần bán hồi để mà sống. Đến khi không còn gì để bán được nữa thì họ tự tử. Sài Gòn là một thành phố tuyệt vọng mà các tủ ở đầu giường có đầy đủ hóa chất hay những viên thuốc giết người đủ màu, trắng, hường và xanh. Người nào không có thuốc thì cạo diêm sanh ở các vỏ quẹt để uống. Tất cả mọi chuyện đều nhằm dồn con người vào con đường cùng của thất vọng. Các cuộc điều tra thẩm vấn, các cuộc bắt bớ, nhất là tình cảnh khốn khổ và sự đói rách. Có trên một triệu người không có việc làm và không có gì để ăn, đólà chỉ mới tính riêng cho Sài Gòn mà thôi đó. Chánh quyền cộng sản đã loan báo trên đài phát thanh là họ đã phát không sáu ngàn sáu trăm (6.600) tấn gạo cho một triệu ba trăm ngàn (1.300.000) dân nghèo ở đô thành trong 2 tháng 5 và tháng 6. Như vậy tính ra bổ đồng chỉ có chưa tới 100 gram gạo cho một người mỗi ngày. Con đường Tự Do thì đã vắng ngắt, tất cả các tiệm đều đóng cửa. Trên vỉa hè đường Charner, người ta bày bán đủ mọi thứ trên các tấm vải dù, nào là quạt máy, dao muỗng, thượng vàng hạ cám, bán với giá thật rẻ mạt. Người bán ăn mặc rất tươm tất nhưng quá gầy. Với một nắm bạc chỉ mua được vài kí gạo. có nhiều người còn đem bán cả bàn thờ ông bà. Tôi đã chứng kiến được rất nhiều chuyện rắc rối. Ở khu vực Chợ Cũ, đằng sau Kho Bạc, một người trạc năm chục tuổi đã giựt một túi xách của một bà qua đường.Bà ta la lên. Một đội tuần tiễu đã đến kịp và bắt kẻ cướp giựt, Anh ta đứng thẳng người lên và cao giọng nói lớn lên với "bộ đội":

- Đúng vậy, tôi là một kẻ trộm . Các anh hãy làm giùm tôi một việc : hãy đi tìm giùm vợ và 5 đứa con tôi lại đây và hãy bắn hết chúng tôi giùm tại đây trước mặt mọi người , bởi vì chúng tôi không còn gì để ăn hết. "

Cũng có những cô gái còn tiếp tục mặc quần áo kiểu Tây Phương. Lúc đầu thì cộng sản còn châm chước cho. Nhưng bây giờ thì bị cấm hẳn. Các anh "bộ đội" dùng kéo lớn cắt bớt mấy chiếc quần quá rộng. Tôi đã chứng kiến tận mắt một cô gái giận dữ vì người ta xé quần Gin của cô. Cô tức giận xé cả áo cánh và cởi luôn nịt vú của cô ta ra, cầm ném vào mặt của "Bộ đội" và đưa bộ ngực trần ra nói với họ :

-"Sẵn các anh ở đây thôi thì hãy cắt giùm cặp vú của tôi luôn giùm đi !"

Cô nầy không phải là một cô gái ăn sương. Đài phát thanh đã loan báo là trong vài tuần lễ nữa, mọi người dân "nam cũng như nữ" đều phải mặc một loại quần áo như nhau: áo quần bằng vải thô nhẹ nhuộm củ nâu, màu đỏ nâu.

Anh Phạm nhăn mặt, nhíu mày có vẽ hơi buồn cười, ngưng giây lát, xong lại tiếp tục nói nữa:

-" Anh Pierre biết không ? bọn cộng sản cũng dùng nhiều trò tiểu xảo nhưng rất là đơn sơ và người ta cũng mắc bẫy như thường.Tôi sẽ kể cho anh nghe một giai thoại không quan trọng lắm, nhưng biểu lộ được cái cách của họ gạt gẫm những người chưa được cảnh giác. Một tháng sau khi Sài Gòn bị chiếm, một giờ trước khi thiết quân luật, tôi cùng một ông bạn giáo sư đi dạo cách rạp chiếu bóng Casino không bao xa. Thình lình chúng tôi nhận thấy hàng đèn trước quán rượu "Đêm Đông Phương" đã được bật cháy sáng và từ trong tiệm có tiếng nhạc xập xình vọng ra ngoài. Bạn tôi vừa cười vừa nói ; "Có thể họ đã mở cửa hộp đêm trở lại. Chúng ta hãy vào đây uống một ly cho nó bớt căng thẳng. Chúng tôi đẩy cửa bước vào. Có nhiều cặp đang nhảy trên sàn và ban nhạc đang chơi một bản nhạc giật gân. Quầy rượu cũng được thấp sáng, và có một số vũ nữ đang ngồi uống trên ghế cao trước quầy.Chúng tôi đang đi đến một cái bàn. Hai "bộ đội" đột nhiên xuất hiện từ phía sau một cây cột, chĩa súng vào chúng tôi và đẩy chúng tôi ra cửa , chẳng nói chẳng rằng. Ngày hôm sau chúng tôi được nghe một cô gái nhảy của tiệm Las Végas cũ giải thích câu chuyện đó như sau:

-" Chúng tôi hơn một chục người cả nam lẫn nữ đã được gọi tới một "sân khấu", là cái hộp đêm nầy, được trả cho mỗi người 1000 đồng và được đãi một bữa cơm. Bù lại chúng tôi phải nhảy với nhau suốt hai tiếng đồng hồ, "như hồi còn chế độ bù nhìn" vậy. Có những chuyên viên quay phim chiếu bóng của những nước cộng sản ở Âu Châu đến thu hình chúng tôi, và sau đó thì các anh bộ đội đã đưa chúng tôi về nhà bằng xe quân vận. Cuốn phim đó nghe nói sẽ được dùng để tuyên truyền ở ngoại quốc, để cho người ta thấy là chế độ mới thật sự đã quá dễ dãi. Một tuần lễ sau đó, họ lại làm y như vậy một lần nữa ờ nhà hàng "Arc en Ciel" trong Chợ Lớn, với những người khách ăn mặc sang trọng, với mọi thức ăn bày trên "búp phê" thịnh soạn, từ món heo quay vàng cháy, thịt heo ghim nướng, đủ thứ trái cây, rượu vang, rượu khai vị v.v.. nhưng tất cả khách hàng đều là đóng trò hết, họ được đãi ăn vì nhu cầu dàn dựng để quay phim. Cảnh phim được quay để nhằm cho thấy Sài Gòn không thiếu món gì, bởi vì các nhà hàng sang trọng vẫn tiếp tục được tiếp tế đầy đủ và thường xuyên. (1)- Và cái gọi là CPLTCHMN thì ra sao rồi ? trong tất cả những chuyện đó ?  

- Các tổng bộ trưởng của cái Chánh Phủ đó đã ở Sài Gòn nhưng không có gì để điều hành. Họ được ở trong những dãy nhà thuộc Bộ Tổng Tham Mưu cũ của Miền Nam, gần sân bay Tân sơn Nhứt . Có lính gác chung quanh doanh trại, súng ống hẳn hòi. Công an chánh trị Bắc Việt không rời họ nửa bước và họ không tiếp một ông khách nào. Các thành viên của "Ủy Ban Lãnh Đạo" thì ở trong thành phố, trong những khách sạn hạng nhì mà có nơi không có nổi một cái điện thoại. Thỉnh thoảng họ cũng có mặt trên khán đài. Lâu lâu từng định kỳ đài phát thanh và báo chí cũng có loan báo những bản tuyên bố hay đăng những bài nói về các "nhân vật của Miền Nam và của Miền Bắc", hay nói về đường lối chánh trị "không liên kết" của Miền Nam . Nhưng cũng không dối gạt được ai. Các sĩ quan Bắc Việt đồn trú đều mang phù hiệu của C PLT CHMN trên nón cối. Tôi đã có trò chuyện với một trong những sĩ quan nầy, một đại tá thuộc sư đoàn 320 B. Anh ta vừa nhún vai vừa nói với tôi:

- "Chỉ là một phù hiệu thôi mà, cũng như những lá cờ vậy. Những dấu hiệu tượng trưng cần thiết để tiến hành "chiến dịch Hồ chí Minh" thôi. Phải cho có một sự tin tưởng đó là bộ đội của CPLTCHMN đang giải phóng Miền Nam . Sự thật thì chúng tôi đều là quân đội Miền Bắc và do Hà Nội chỉ huy" Những gì mà đại tá đó đã nói với tôi đều được chứng thực bằng sự kiện.. Những người Bắc thì chiếm hết các biệt thự và nhà đẹp, các khách sạn hảo hạng, các cơ quan công cộng. Chỉ có họ mới được xử dụng các xe du lịch loại tớn của người Mỹ bỏ lại. Những những lãnh đạo cách mạng Miền Nam được chia ra làm hai thành phần: thứ nhứt là những người "tập kết", những người đã chọn lựa đi ra Miền Bắc hồi năm 1954, và thứ hai là những kháng chiến quân của Mặt Trận Giải Phóng. Cả hai thành phần đều chống người Bắc (nguyên tác :anti-Tonkinois).Họ bị đối xử như những người anh em nghèo và thực sự không được có một trách nhiệm nào rõ ràng hết, mặc dầu họ được gán cho những danh vị chánh thức. Tôi đã có trò chuyện với nhiều người trong số những anh "tập kết". Họ nói :

"Ở ngoài Bắc, chúng tôi không phải là người ngoại quốc. Nhưng bây giờ thì chúng tôi đã về nhà chúng tôi rồi, chết sống gì chúng tôi cũng ở đây, chúng tôi không trở ra ngoài đó nữa đâu."

Tình cảm của người dân Miền Nam mạnh hơn bao giờ hết. Cách xử sự của những người Miền Bắc trong tư thế chiếm đóng đã giúp cho người dân Miền Nam gắn bó với nhau hơn. Dân chúng Miền Nam không biết cười nữa rồi mà vẫn gọi người Bắc là bọn "xâm lăng" (nguyên tác:les "xam-lang" ), những kẻ xâm lược, hoặc những " cá rô cây" (nguyên tác : "caro-cay"). Danh từ khinh bỉ nầy muốn nói ra nhiều điều lắm. Con cá rô là loại cá mà người dân nghèo thường ăn. Vì có một số người Bắc đã làm những con cá rô bằng cây bỏ vào chén nước mắm để lúc nhìn thoáng qua cũng thấy họ có ăn cá, nhưng thực sự là họ chỉ có ăn cơm không mà thôi. Danh từ "cá rô cây" cũng đồng nghĩa với "đói nghèo mà kiêu căng".

- Anh có nghe nói gì về kháng chiến hay là chiến khu gì không ?

- Dĩ nhiên rồi. Chỉ cần đi một chút thôi, nghe đài phát thanh, đọc báo chí hay những thông cáo dán ở tường, thì thấy ngay bằng chứng. Tại Sài Gòn thiết quân luật đã được tái lập lại. Và đó không phải là chuyện đùa đâu. Về đêm "bộ đội" hễ thấy cái gì nhúc nhích là họ bắn liền. Đài phát thanh kêu gọi dân chúng hãy "tố cáo những người phản động nào còn lẩn trốn". Báo chí thường loan báo nhiều lần hàng tuần là "lực lượng an ninh đã bao vây và hạ sát những toán phản động còn ngoan cố giữ vũ khí đạn dược". Lúc đầu thì "bộ đội" bị đâm bằng dao găm, hay bị siết cổ. Đó là những hành động lẻ tẻ, do những phản ứng tức giận của một vài sĩ quan lạc lõng. Bây giờ thì đã có nhiều hệ thống, bắt đầu có tổ chức và những vụ ám sát có lựa chọn. Người ta thường nhắm vào các cán bộ và công an. Người ta làm giấy căn cước giả mạo. Có truyền đơn được rải trong trường học kêu gọi sinh viên ra chiến khu.Tất cả các sinh viên đâu có đễ bảo đâu. Có lần họ đã đánh một ủy viên của đại học. Vào cuối tháng 6, đã có một sự nhen nhúm biểu tình. Một cán bộ đã bị đập chết bằng búa. Người cầm đầu đã bị bắt và bị xử bắn ngay. Cái chết nầy đã làm cho sinh viên hoang mang.. Vào tuần lễ đầu của tháng 7, lại có xảy ra một chuyện rắc rối nữa trầm trọng hơn.. Sáu trăm sĩ quan thuộc QLV NCH (600) đi trình diện hồi tháng 5 đã bị đưa đi đến một trại tù khổ sai ở giữa rừng, ở vùng núi Bà Đen cách Sài Gòn khoảng hơn 100 cây số về hướng Bắc. Tình trạng sinh sống của họ rất là vô nhân đạo. Hằng ngày họ chỉ được phát có hai nắm cơm với muối và phải đốn cây to với những chiếc rìu thường, từ sáng cho đến chiều.. Một buổi sáng nọ vào cuối tháng 6, các "bộ đội" giữ họ (chỉ có chừng 100 chú) đã tập hợp họ lại và nói :

-"Các anh đông quá, nên vì lý do an ninh, chúng tôi sẽ cột các anh lại từng cặp hai người một".

Các sĩ quan nầy phản đối :

-"Chúng tôi không có làm gì sai trái, chúng tôi làm việc như trâu rồi mà mấy anh còn muốn cột chúng lại như súc vật ? Chúng tôi không thể nào làm việc cặp đôi như vậy được, cũng không thể đi vệ sinh riêng rẽ được nữa."

Các chú "bộ đội không cần biết và bắt đầu cột họ lại từng cặp với nhau. Bấy giờ các sĩ quan tù nhân mới chơi xả láng. Họ ùa vào tấn công các bộ đội giữ tù. Dĩ nhiên bộ đội đã nổ súng và có hơn 100 sĩ quan bị tử thương, nhưng những người khác đã tước được khí giới của bộ đội và đã tàn sát hết toàn bộ . Cộng sản đã đưa nhiều xe binh sĩ đến tăng cường và cuộc trấn áp thật là rất tàn nhẫn. Chỉ có một nhúm sĩ quan đã chạy trốn được vào rừng có mang theo vũ khí. Vài ngày sau, Bộ Nội Vụ đã loan báo trong một bản thông cáo báo chí là :" có vài trăm phản động đã chết trong một tai nạn trên đường Tây Ninh." Ngay sau khi được biết tin nầy, hàng trăm vợ con của những sĩ quan đã tụ tập trước Bộ Nội Vụ gần Nhà Thờ Chánh Tòa. Họ yêu cầu phải giải thích, họ đã xô đẩy các lính gác và chửi người phát ngôn viên của Chánh Phủ :

- "Chúng tôi không tin. Không thể nào có đến hàng trăm người chết trong một tai nạn trên quốc lộ. hãy trả thây của chồng con của chúng tôi và chúng tôi sẽ thấy biết tại sao họ chết." .

Họ quá bị khích động gần như cuồng loạn. Nhưng môt giờ sau đó, tất cả khu vực nầy được bộ đội đến bao vây, họ chĩa súng và lên cò súng liên thanh nghe răng rắc và các bà bị giải tán bằng báng súng. Đó là những gì đã xảy ra ở Sài Gòn , anh Pierre . Độc tài và chỉ có độc tài ! - Và đã có những gì đã xảy ra ở các tỉnh ?

- Trong các thành phố ở Miền Tây, vì không có báo chí để có thể thấy được những gì đã xảy ra trong những ngày đầu của việc cưỡng chiếm, thật là đẫm máu. Công tác tái lập tình hình "đạo đức" thật là vừa tàn bạo vừa vụng về. Các cô gái và các bà còn trẻ bị buộc tội vì ăn mặc "lố lăng". Các buổi họp có nhảy đầm bị binh sĩ "công phẫn" giải tán, nhạc cụ bị tịch thâu vì đàn guy ta điện và cả bình điện là của đế quốc. Tòa án "nhân dân", cho hành quyết ngay. Cảnh Sát và cán bộ của tỉnh bị gán tội "tham nhũng". Quân đội Miền Nam không có hành động chống đối sau khi Sài Gòn bị chiếm.. Nhưng các đơn vị được phân tán và mới bắt đầu có những vụ đánh úp, sau đó vài tuần. Có mấy trung đoàn thuộc sư đoàn 21 bộ binh (một trong 3 sư đoàn đồn trú ở Tây Nam Sài Gòn ) đã đi vào vùng ly khai của Hòa Hảo. Như anh đã biết , Phật Giáo Hòa Hảo là một giáo phái địa phương chống cộng sản dữ dằn nhất và cũng được ghi nhận là không tùng phục chánh quyền trung ương. Họ vẫn có một lực lượng bán quân sự . Giáo phái nầy có mặt khắp trong số 11 tỉnh và có gần mấy triệu tín đồ. Vùng kháng chiến mạnh nhất của họ nằm gần biên giới Cam Bốt, trong tam giác Long Xuyên - Châu Đốc - Tân Châu, một vùng giàu có với nhiều sông rạch và ruộng lúa, một vùng chằng chịt đầy đường nước, dễ dáng chăng bẩy, dính liền với vùng núi Thất Sơn, Tôi đã dùng giấy tờ của anh tôi để đi xuống được Miền Tây thăm gia đình. Các trục lộ giao thông chính và các trung tâm thành phố đều được quân đội chánh quy Bắc Việt trấn giữ. Nhưng có vẻ như họ không được nghỉ ngơi theo kiểu dưỡng quân: thường xuyên có các đội tuần tiễu bằng chiến xa và binh sĩ luôn luôn để tay vào cò súng, còn pháo binh thì ở tư thế sẳn sàng tác xạ.. Các trục giao thông phụ và các đường nước thì không được họ kiểm soát. Có rất nhiều sông rạch, với nhiều nhánh tua tủa và nhiều bờ đê. Bây giờ thì ngược lại hết, đến lượt cộng sản bị phá rối, cộng sản phải gác và giữ cầu và phải duy trì trật tự.. Trong hiện tại thì họ không làm xuể. Cũng có nhiều nhóm dân quân tự xưng họ là người của Mặt Trận và họ không chịu nghe lệnh người khác. Có nhiều cuộc biểu tình và nhiều cuộc chống biểu tình. Kiểu như tình trạng vô Chánh Phủ giống như thời kỳ khởi nghĩa hồi 1945 vậy. Lực lượng phản loạn của Miền Nam táo bạo lắm, họ nã bách kích pháo, họ đặt mìn các cầu, kho xăng và kho đạn. Tại Cần Thơ, một trung tâm chính buôn bán lúa gạo của các tỉnh Miền Tây và là một giang cảng chính của Vùng Đồng Bằng, lệnh thiết quân luật được áp dụng rất nghiêm túc từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Đã có nhiều đường dây vượt biên ra ngoại quốc. Nhưng phần nhiều là người Trung Hoa. Vì trước hết là các tàu đánh cá và các tàu hàng hải đã lấy tiền quá mắc : mười triệu đồng mỗi người cho một chuyến vượt biên. Và sau nữa là khi họ tới Mã Lai, Singapore, hay Thái Lan, thì ngay lập tức họ được cộng đồng người Trung Hoa ở quốc gia đó giấu kín, và có trách nhiệm làm giấy tờ hợp pháp cho họ. Trong khi người Việt Nam thì không có một tổ chức nào tiếp đón họ nên thường bị đuổi về.

- Cộng sản họ không thể ngăn chặn được chuyện đó sao ?

- Đâu có dễ dàng. Họ không có bao nhiêu tàu chiến. (Hải Quân Miền Nam đã đưa được hết tất cả tàu chiến loại đi biển về hết ở đảo Guam ). Bờ biển Miền Nam đã được phát triển tối đa và những người dân chài thuộc lòng hết từng chi tiết nhỏ của các sông ngòi từ những ngõ ngách cho đến các vịnh nho nhỏ. Tất cả những gì người cộng sản có thể làm được chỉ là tăng cường kiểm soát đường sông, bắt buộc hành khách nào đi đến các thành phố ở ven biển đều phải đi bằng các đoàn tàu có hộ tống. Ngoài ra cũng có một số chiến khu khác không phải ở Miền Tây. Thí dụ như ở vùng Đông Bắc của Sài Gòn, giữa Xuân Lộc và Phan Thiết, dọc theo Rừng Lá, có một số binh sĩ Dù thường chận xe đò rồi dẫn hành khách vào rừng để họ tuyên truyền chống cộng.. Các quân xa cộng sản cũng thường cán phải mìn. Một ông đại tá cựu tư lệnh lực lượng Đặc Biệt của Nha Trang và Biên Hòa đang chỉ huy hết vùng kháng chiến nầy. Ông đã tập trung được một lực lượng rất có kỷ luật khoảng vài ngàn người gồm có Dù, biệt động quân Thủy Quân Lục Chiến và những người chạy thoát được của sư đoàn 18 bộ binh . Họ chỉ chiến đấu về đêm. Trên vùng Cao Nguyên thì có lực lượng Fulro (Mặt Trận Thống Nhứt của các sắc tộc bị áp bức), một lực lượng đã từng không nhìn nhận chánh quyền của Tổng ThốngThiệu mà cũng đã bị cộng sản làm cho thất vọng. Họ vào chiến khu với khoảng 4 tiểu đoàn chuyên tác chiến vùng rừng rậm . Đặc công của họ đã tấn công Pleiku 2 lần. Trong vùng Hố Nai, những trận đụng độ đã tiếp tục xảy ra giữa những người công giáo và lính chánh quy Bắc Việt . Đã có gần 300 chú "bộ đội" đã bị giết từ sau ngày Sài Gòn bị chiếm. Con đường đi Dalat và đi Vũng Tàu bị cắt đứt nhiều lần. Ở về hướng Bắc của Sài Gòn có nhiều binh sĩ thuộc giáo phái Cao Đài đã vào rừng ở vùng Núi Bà Đen.

- Có một Bộ Tham Mưu bí mật nào khả dĩ đủ khả năng để phối hợp thành một hành động chung giữa các lực lượng đó không ?

- Tôi không có một chi tiết nào khác ngoài những gì mà tôi đã nói với anh. Các truyền đơn mà các lực lượng nầy rải ra có mang chữ ký của tướng Lạc, cựu Giám đốc Nha Chiến Tranh Chánh trị , của tướng Trưởng, cựu Tư Lệnh Vùng I , và của tướng Bùi thế Lân, cựu Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến .

- Thế mà người ta nói là cả 3 tướng nầy đều đang ở Hoa Kỳ.

- Cũng có thể lắm. Ai cũng biết là họ rất bình dân và anh em cựu quân nhân Miền Nam không biết là họ đã được người Mỹ bốc đi. Có thể là những sĩ quan chỉ huy các lực lượng kháng chiến đã dùng tên tuổi và uy tín của mấy tướng lãnh nầy để dễ kêu gọi và mộ thân binh cũng nên. Dù muốn dù không thì dân chúng ủng hộ những người kháng chiến mới nầy, tiếp tế cho họ và không tố giác họ. Anh Phạm lau mồ hôi trán và lại tiếp tục nói:

- " Nầy anh Darcourt, tôi cũng cần phải nói với anh về người bạn của anh, Đức cha Thuận đó. Ngày 14 tháng 8 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Bình và Đức Phó Tổng Giám Mục của ông là Đức Giám Mục Thuận được gọi tới Dinh Độc Lập, nơi làm việc của Ban Quân Quản. Khi đến nơi thì người ta cách ly hai người ra. Đức Cha Bình phải ngồi nghe một bài diễn văn dài của chánh quyền . Người ta nói nhiệm vụ của ông là giữ gìn an ninh và trật tự trong cộng đồng giáo dân và theo dõi sát cộng đồng để họ thi hành nghiêm chỉnh luật lệ cách mạng . Vào cuối buổi nói chuyện, Đức Cha Bình yêu cầu họ giao hoàn lại cho ông Đức Phó Tổng Giám Mục . Người ta đã trả lời cho ông là :

-"Đức Giám Mục Thuận đã được xe công an đưa trở về địa phận của ông ta ở Nha Trang. Sự có mặt của ông ở đây làm rối loạn trật tự công cộng" Giờ đây Đức Cha Thuận bị quản thúc trong một ngôi làng nhỏ cách thành phố Nha Trang vài chục cây số về phía Nam . Ông sống trong một căn nhà lá, mỗi ngày được lãnh 100 $ (tương đương với 50 xu đủ để ông mua vài món rau cải.) và 200 gram gạo (Khẩu phần hằng ngày của một trẻ em 6 tuổi), và không được tiếp bất cứ ai. Vả lại không phải chỉ có các linh mục công giáo là đáng cho mình lo lắng. Thượng tọa Thích trí Quang của chùa Ấn Quang, người đã góp công trong việc hạ bệ chế độ của Tổng Thống Diệm năm 1963 với chiến dịch tự thiêu của các sư sãi,, và là người chống đối tới cùng Tổng Thống Thiệu... đã bị bắt ngày 12 tháng 8 và bị giam vào phòng tối ở khám Chí Hòa. Từ lâu rồi Thượng tọa Thích trí Quang đã được coi như là người của cộng sản. Nhưng, từ sau ngày Sài Gòn bị chiếm, và cho tới khi ông bị bắt, ông không ngớt kêu gọi các tu sĩ của ông " thay vì tự thiêu thì hãy chết trong chiến đấu". Ngày 6 tháng 8, ông đã có một buổi họp ở sân chùa Ấn Quang và cực lực tố cáo "Các Ban Quân Quản Bắc Việt đã cho lệnh hành quyết quá nhiều người bằng vũ khí thô sơ". Chỉ vài ngày sau đó là công an mật đã đến bắt ông . Anh Phạm đến ngồi sát vào tôi, ôm cứng vai tôi và với một giọng gần như vừa thịnh nộ vừa tuyệt vọng anh nói :

- " Thật là một thảm kịch. Tất cả mọi người ai cũng đã tưởng rằng sau khi Sài Gòn bị chiếm là phải có "hòa bình" và "hòa giải", và như thế là dân chúng Miền Nam không còn gì để mà lo sợ nữa. Thật là cả một sự điên rồ ! Nỗi lo sợ của ngày hôm nay còn tệ hơn nỗi lo sợ bị bom và đạn pháo nữa. Bởi vì nó không có thuốc chữa. Đây là một chứng bệnh nan y.. Những người không chịu bỏ súng xuống sẽ chịu đựng được bao lâu nữa ? hai năm ? ba năm ? nhưng cuối cùng rồi họ cũng sẽ bị tiêu diệt, nếu không có một người nào giúp họ. Nếy Hoa Kỳ muốn...

- Không bao giờ , anh Phạm ơi ! Hoa Kỳ không có muốn nữa đâu. Họ sẽ không làm gì nữa cả. - Như vậy là sẽ có một cuộc nổi loạn. Một cuộc nổi dậy đầy tuyệt vọng của dân chúng Miền Nam . Anh cũng biết là cộng sản đã thả hết tù trong khám ra ? như thế là các khám đường sẽ không có trống lâu nữa đâu. Không bao lâu nữa nó sẽ đầy ấp tù nhân trở lại. Và chưa kể tất cả những trại cải tạo đã có trong rừng núi... đã làm chết dần chết mòn không biết bao nhiêu người, mà không có một nhân chứng...

Tôi từ giã anh Phạm, bạn tôi, với lòng se thắt lại. Tôi biết rõ hệ thống tù đày mà anh vừa nói với tôi. Tôi đã từng là tù nhân của người Bắc Việt. Không có một sự nhân đạo nào được tách rời khỏi những mục tiêu mà người cộng sản đã nhắm vào. Phương pháp của họ, đặt trên nền tảng bí mật và tuyệt đối khắc nghiệt, là bất di bất dịch. Miền Nam Việt Nam đang bị biến đổi tận gốc rễ. Nếu cho là còn quá sớm để có thể đoán được kết quả sau cùng, thì lúc nào người ta cũng có thể dựa vào các biện pháp mà họ đang thực hiện để nhận định được đường hướng của sự biến đổi đó.Kể từ lúc Sài Gòn bị chiếm , và từ khi chế độ cũ bị sụp đổ ngày 30 tháng 4, trên phương diện hành chánh, Miền Nam Việt Nam đã bị đặt dưới quyền cai trị của các Ban Quân Quản ở trung ương Sài Gòn hay ở các tỉnh, trên thực tế không có liên lạc gì với nhau cả. Vấn đề được đặt ra là "một Chánh Phủ dân sự" trong tương lai sẽ được thành lập ở Sài Gòn ; nếu không có thực quyền thì Chánh Phủ nầy sẽ chỉ là một phái bộ đại diện của Chánh Phủ Hà Nội trong những lãnh thổ bị chiếm đóng mà thôi.. Các cơ quan hành chánh và quân sự sẽ bị ám ảnh vì những vấn đề chánh trị và những bài toán về an ninh; nhiệm vụ chủ yếu của họ là chuyển đổi tâm trạng và tinh thần của dân chúng Miền Nam cách nào để họ có thể chấp nhận một cuộc thống nhất nhanh chóng hai Miền Nam Bắc Việt Nam .

Nỗ lực trước tiên là phải tiến tới việc đặt một nền tảng chánh trị và một cơ cấu hành chánh mới, nhằm bảo đảm cho dân chúng có được một môi trường vững chắc hầu tránh mọi lệch lạc về tư tưởng cũng như về hành động. Đồng thời cũng phải có nỗ lực về sự tổ chức và điều hành các trại tập trung cải tạo trong đó hầu hết các cựu cán bộ quân cán chánh phải chịu qua một thời gian tùy theo sự tiến bộ của các tù nhân theo như báo chí của Chánh Phủ đã loan báo.Các vấn đề kinh tế chỉ là hàng thứ yếu và không phải là mối bận tâm của chánh quyền mới. Không có gì gấp rút phải làm cho bộ máy kinh tế chạy lại, và một sự trì hoãn như vậy ở Miền Nam được giữ cùng lúc với sự hạ thấp mức sống của người dân sẽ giúp thống nhất dễ dàng hơn với Miền Bắc vốn đã nghèo đói sẳn từ lâu rồi. Ngoài ra vì con số thất nghiệp tăng lên quá nhanh, một phần dân chúng Miền Nam bị đói; hành động phát gạo cho các gia đình không có lợi tức, và cho thợ thuyền của nhiều xí nghiệp, đã tập cho dân chúng Miền Nam thói quen nhờ vả vào chánh quyền . Một hành động quan trọng khác được tiến hành để buộc những người dân lánh nạn, những người không có công ăn việc làm và tất cả những người "vô ích" phải rời khỏi thành phố để trở về nguyên quán, hoặc đi định cư trong những vùng ít dân cư mà chánh quyền đã quyết định nâng lên hàng có giá trị. Chủ tịch Huỳnh tấn Phát vừa tuyên bố là 3 triệu rưởi người phải rời khỏi thành phố ( trong số đó chỉ riêng thành phố Sài Gòn đã có 1 triệu rưởi). Mặc dầu có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền và kích thích về vật chất, dân chúng chỉ trở lại ruộng rẫy của mình hết sức chậm chạp. Nền kinh tế Miền Nam đang xuống dốc vì nạn lạm phát phi mã do không có thu nhập công cộng, do vì nền hành chánh cũ đã biến mất, do vì sự ngưng trệ gần như hoàn toàn của mọi hoạt động kinh tế . Từ ngày 1 tháng 5 đến 1 tháng 8, giá cả đã tăng vụt, lên 70%. Từ những lời tuyên bố của những đại biểu đến từ Hà Nội, người ta suy ra là Miền Bắc có khuynh hướng về kỹ nghệ, và Miền Nam thì có khuynh hướng về nông nghiệp.. Do đó mới có nhu cầu chuyển số lớn dân chúng từ thành thị về thôn quê, và chuyển cơ sở kỹ nghệ từ Miền Nam ra Miền Bắc . Chương trình của CPLTCHMN đã có ghi rõ là tài sản của tư nhân sẽ được giữ lại và đời sống cũng như tài sản của người ngoại quốc sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên có nhiều tin tức có thẩm quyền từ Hà Nội và đặc biệt là bài báo được đăng ngày 28 tháng 5 trong tờ Nhân Dân, một bộ phận của đảng cộng sản, đã cho thấy nhiều hạn chế trầm trọng trong bản tuyên bố của CPLTCHMN , như : Chỉ có tài sản của tư nhân thuộc các xí nghiệp nào không có cộng tác với đế quốc hay với chánh quyền phản động cũ thì mới được bảo đảm được giữ lại. Ông Phó Chủ Tịch của "Tổng Liên Đoàn Lao Công Tự Do" vừa tuyên bố là 70 phần trăm các xí nghiệp của Miền Nam Việt Nam kể từ nay sẽ được đặt dưới sự quản lý hành chánh . Có rất nhiều quyết định đã khiến cho nền kinh tế tự do bị sụp đổ. và đẩy các xí nghiệp đến chỗ phá sản hoặc bị chánh quyền cộng sản "quản lý" :

- đóng cửa các ngân hàng ngay từ ngày 30 tháng 4 và phong tỏa các chương mục gởi tiền tiết kiệm, nhưng lại bắt buộc phải trả tiền ứng trước của ngân hàng; một hệ thống ngân hàng mới được thiết lập thật chậm chạp, nhưng chỉ có những xí nghiệp có "phép điều hành" mới xử dụng được. - bắt buộc các xí nghiệp phải gánh chịu các chi phí quan trọng: tái thu nhận các nhân viên đã bị sa thải từ trước ; Phải trả lương cho thợ thuyền không làm việc (vì xí nghiệp bị đóng cửa theo lệnh của chánh quyền); phải trả tiền bồi thường cho nghỉ việc thật nặng, từ ngày 30/4 / 75, cả cho nhân viên không bị sa thải hay không xin nghỉ việc.

- có biện pháp "cấm bán" mà không nghĩ gì tới nhu cầu của xí nghiệp hay các nhu cầu của thị trường.

- quyết định "quản lý" các xí nghiệp mà chủ nhân đã rời khòi nước Việt Nam hay những xí nghiệp nào mà chánh quyền còn nghi ngờ về chủ quyền thật sự của những người chủ nhân. - Không có một khả năng nào để nhập cảng hay xuất cảng.

- Thông tin và Liên lạc với thế giới bên ngoài bị co cụm lại chỉ còn có điện báo. Đường thơ tín chỉ được thiết lập lại vào ngày 1 tháng 9, nhưng giới hạn không quá 500 gram.Chánh quyền mới kiểm soát thật chặt chẽ và độc đoán tất cả các ngành kinh tế . Kể từ ngáy 30 tháng 4, mà cộng sản gọi là "ngày giải phóng", Ban Quân Quản nắm quyền kiểm soát hầu hết các xí nghiệp; trong hai tháng, hoạt động chính yếu của họ chỉ có thiết lập các bản kiểm kê tất cả tài sản, bất động sản và động sản và các kho tàng hiện hữu. Từ ngày 1 tháng 7, có những vị "Giám Sát Trung ương" được đặt vào các xí nghiệp. Họ là đại biểu của chánh quyền , vừa là Giám Sát, kiểm tra tài chánh, vừa là cán bộ của Chánh Phủ, có đầy đủ thẩm quyền điều tra rộng rãi. Tất cả mọi dịch vụ của xí nghiệp đều phải được "khán" qua và "chấp thuận" của những vị Giám Sát nầy. Tuy nhiên chủ nhân của xí nghiệp vẫn cón trách nhiệm đối với xí nghiệp, mặc dầu đã mất hết quyền hành. Có những công ty quốc doanh hay những tổ chức "bán chánh thức" được thành hình để bảo đảm việc phân phối hay bán ra hết mọi sản phẩm làm ra; các xí nghiệp không được quyền từ khước dịch vụ của những tổ chức đó. Giá cả được chánh quyền đơn phương ấn định, nhưng các nơi mua trả tiền thật chậm trể. Có một số cơ quan quân sự hoặc hành chánh đã đem bán lại ngoài thị trường tất cả hay một phần hàng hóa mà họ đã mua được của các xí nghiệp. Kế hoạch sản xuất và những sự hướng dẫn đều được các Bộ ở Hà Nội thiết lập; không có một cơ quan hành chánh kinh tế nào thật sự có mặt ở Sài Gòn . Hầu hết tất cả dịch vụ xuất nhập cảng đều ngừng hẳn. Tất cả những giao dịch với ngoại quốc được giới hạn trong vài chuyến hàng lặt vặt do những "quốc gia anh em" gởi tặng với tư cách nhân đạo (lương thực và xăng dầu của Liên Xô, đường của Cuba v.v..) Những hiệp ước hữu nghị và hợp tác kinh tế được ký với Liên Xô, với Algérie, với Lybye và Irak đã được chánh quyền loan báo, nhưng nội dung không bao giờ được tiết lộ. Úc Châu cũng như một số quốc gia Bắc Âu cũng có hứa sẽ viện trợ kinh tế . Có nhiều kho dự trữ hàng hóa coi như sẵn sàng để xuất khẩu, nhưng do vì chánh quyền hoàn toàn không có đủ khả năng, nên số hàng hóa đó vẫn bị phong tỏa tại chỗ. Tương lai của các xí nghiệp Pháp bị liên lụy rất trầm trọng. Không có một thể thức chánh trị tổng quát nào được ấn định. Những sự trưng dụng và những sự tạm giữ đương nhiên đã làm hại các xí nghiệp Việt Nam và của Pháp không phân biệt, theo từng lãnh vực hoạt động, như những ngân hàng và những đồn điền lớn. Một số dịch vụ được dành riêng cho chánh quyền (thuê bao phương tiện hàng hải và cước phí cho tàu bè). Buôn bán qua dịch vụ nhập cảng cũng thuộc độc quyền của Nhà Nước.Không còn gì nghi ngờ là Hà Nội đã có vẻ chống đối sự duy trì những hoạt động kinh tế của người Pháp. Vị thế của Hà Nội xem ra rất là đơn giản: Vào năm 1954, tất cả mọi quyền lợi của người Pháp ở Bắc Việt đều mất sạch tiếp theo sự kiện Điện Biên Phủ. Năm 1975 ngày nay quyền lợi của người Pháp chắc cũng sẽ bị mất hết ở Miền Nam Việt Nam sau ngày cộng sản chiếm được Sài Gòn. Chưa có một lời tuyên bố chánh thức nào được loan báo theo chìu hướng nầy , nhưng các cán bộ cách mạng đã nhiều lần khoe khoang với cử tọa Việt Nam về sự tình nầy. Hầu hết các xí nghiệp Pháp đang lâm vào tình trạng sắp bị phá sản, trừ một vài trường hợp ngoại lệ đặc biệt có được hoàn cảnh may mắn (còn tồn trữ được nhiều nguyên liệu lúc mất Miền Nam , hay xử dụng nguyên liệu địa phương):

- tiền mặt trong kho đã cạn, chi thường quá cao mà thu thì không có gì, đã không nhận được tiền ứng trước của ngân hàng, mà còn phải hoàn trả các khoản cho vay của ngân hàng từ trước ngày mất Miền Nam .  

- Nguyên liệu tồn trữ cạn dần mà hoàn toàn không có khả năng thay thế trong tất cả mọi trường hợp.

- Trước tiên lá chánh quyền quân sự, bây giờ có khi là chánh quyền dân sự , nhưng trong mọi trường hợp cả hai đều không chút quan tâm đến tương lai của các xí nghiệp. - Nghiệp vụ bán sản phẩm đã bắt đầu được các tổ chức "Bán-Chánh Phủ" ưu ái lo lắng hết giùm. - Tất cả các chủ nhân xí nghiệp đều mất hết quyền quyết định.Nếu vì nhờ sự khéo léo của các vị giám đốc và nhờ họ có giúp đỡ qua lại giữa họ với nhau , nên phần lớn các xí nghiệp chưa đóng cửa, một số khá lớn công ty đã quyết định cho hồi hương nhân viên người Pháp. Văn phòng và Ban Điều Hành của Phòng Thương Mãi Pháp chỉ còn có 12 trên 32 người hiện diện trước khi Sài Gòn bị chiếm đóng. Các xí nghiệp chi dùng tất cả những gì mà họ hiện có; hầu hết đều bị đẩy vào tình thế suy sụp mà vì họ còn cố gắng giữ cho xí nghiệp không bị phá sản nên tình trạng tài chánh của họ càng ngày càng thêm bi đát. Từ bây giờ là đã có một số xí nghiệp thấy cần phải đi đến quyết định đóng cửa. Nhưng chánh quyền quân sự đã chẳng những không cho phép mà họ còn bắt buộc họ phải tiếp tục trả lương cho nhân viên của họ; ngay như chuyện cho nghỉ việc từng phần cũng bị cấm. Và như thế là các giám đốc công ty, xí nghiệp người Pháp đang trở thành những "con tin" của thợ thuyền. Trên bình diện nhân viên, người Pháp ở mọi đẳng cấp đều rất chán nản. Từ hơn 4 tháng nay họ không được ra khỏi Sài Gòn và không nhận được thư từ báo chí nào hết. Tình trạng sinh sống của họ thật là rất khó khăn. Thuốc men tìm không ra , và các bệnh viện thì cũng không có thuốc. Không có một quyết định nào cho ngày tựu trường. Mọi sự liên lạc với chánh quyền đôi lúc không được nhã nhặn lắm, và rất là khó khăn với các Ủy Ban cách mạng . Có quá nhiều chuyện tịch thu nhà cửa. Không có một sự bảo đảm nào để tìm lại được căn nhà và bàn tủ ghế của mình lúc mình vắng mặt, mà cũng không được phép gởi hay mang theo những vật dụng cá nhân của mình, nếu có may mắn được rời khỏi Sài Gòn . Xin được một chiếu khán xuất cảnh không có nghĩa là sẽ có được một chỗ trên phi cơ. Và có được một chỗ trên chuyến bay không có nghĩa là vào được phi trường; đã có nhiều chuyến đi bị hủy bỏ vào giờ chót. Và cứ thế hầu hết người Pháp đều mong mỏi được rời khỏi Việt Nam . Do đó, giữ được quyền lợi kinh tế của người Pháp ở Việt Nam quả là một điều quá không chắc chắn, vì nó tùy thuộc hoàn toàn vào những yếu tố chánh trị . Những hoạt động quan trọng đã không còn nữa; các ngân hàng bị chiếm hữu và bị tịch thu, các hảng bảo kê đang nằm chờ để "tự giải tán", chuyện ký gởi tàu thuyền và môi giới hàng hải đã bị cấm; nghiệp vụ nhập cảng thì cũng bị cấm, hàng xuất khẩu của các đồn điền lớn bị "quản lý" (tạm giữ) Nói một cách tổng quát thì tất cả những xí nghiệp (lớn nhỏ, hay trung bình) được xem như bị tiêu tan trong một thời gian quá ngắn. Những người đại diện cho quyền lợi kinh tế của người Pháp ở Việt Nam đã mất hết hy vọng đã rời khỏi Việt Nam hay đang cố gắng để rời khỏi nơi đây. Những biện pháp mới liên quan đến sự ra đi của những người có trách nhiệm trong xí nghiệp đã biến họ thành những con tin trong tay chánh quyền và những Ủy Ban Cách mạng ở địa phương.. Xí nghiệp thì bị cấm không cho đóng cửa , mà nhân viên thì phải được tiếp tục trả lương ! Một sự tranh chấp rất nặng nề đang sắp được diễn ra...


Chú Thích:(1) Có một cuốn phim loại được anh Phạm vừa kể cho tôi nghe đã được chiếu thật sự ở Tây Đức, cách đây 2 tháng.