Nhận Xét Về Tác Phẩm "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu'' Print
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose   
Thứ Ba, 29 Tháng 6 Năm 2010 20:22

Mặc dù có những ý kiến phê phán chê bai và nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng đối với tôi, tác phẩm của ông Nguyễn Tiến Hưng vẫn là một món quà đặc biệt.

Suốt bao năm, tôi vẫn cố tìm đọc các đề tài này và luôn luôn ghi lại được nhiều tin tức mới mẻ, dù nhiều hay ít. Tôi đã đọc Hồ sơ dinh Ðộc Lập bản Anh ngữ và Việt ngữ. Ðọc và bình luận cuốn Ðồng minh tháo chạy.

Bây giờ đọc cuốn Tâm tư ông Thiệu, xin có nhận xét sơ khởi. Với nhiều tin tức quan trọng và lối trình bày hấp dẫn, tác giả dù không phải là một sử gia, cũng không phải quân nhân nhưng rõ ràng là một người kể chuyện rất lôi cuốn. Cuốn sách gồm những dữ kiện khô khan nhưng được chia cắt, sắp xếp với nhiều diễn biến và đối thoại của nhân vật nên đã đưa độc giả từ chuyện này qua chuyện khác. Có lúc tưởng gỡ ra được đầu mối nhưng rồi lại thấy mọi chuyện thắt lại. Khó tìm được kết luận rõ ràng. Nhiều nghi ngờ được giải tỏa và nhiều rắc rối buộc lại. Sau cùng chính độc giả phải tự đưa ra nhận định của riêng mình.

Từ quyền lợi giai đoạn của Hoa Kỳ, sự phản bội của đồng minh, sự tùy thuộc quá độ về viện trợ, sự kém cỏi của hàng ngũ lảnh đạo VNCH, sự quyết tâm của cộng sản và sau cùng có thể đổ cho sự nghiệt ngã của định mệnh. Lược qua những trang sách, với một chút hiểu biết cá nhân tôi đã tìm được nhiều tin tức mới mẻ mà chúng tôi, dù đã để ý sưu tầm lâu năm vẫn không rõ. Xin đơn cử vài thí dụ:

1) Chuyện ông tướng
... Sarong (Serong?)

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng tham khảo tác phẫm của bà Anne Blair trong cuốn There to The Bitter End (Ở đó cho đến khi kết thúc đắng cay) Sách này đề cập đến chuyện ông chuẩn tướng Úc châu Ted Sarong đã cố vấn cho ông Thiệu và hội đồng an ninh quốc gia về kế hoạch rút quân, tái phối trí.

Vào cái thời kỳ đau thương hoảng loạn đầu năm 1975, cá nhân tôi là đại tá, nguyên giám đốc Pathfinder, đại diện bộ TTM-TCTV trong ủy ban nghiên cứu tái phối trí của thiếu tướng Lê Ngọc Triển, giám đốc trung tâm hành quân Tổng Tham Mưu. Chúng tôi không biết gì về kế hoạch của tướng Sarong. Có thể ông tướng Triển biết mà không tiết lộ? Cũng có thể chuyện này chỉ ở cấp tối cao và rất giới hạn trên phủ Tổng Thống.

Tuy nhiên ủy ban chúng tôi tuyệt đối không bao giờ bàn đến một con đường tái tổ chức và rút quân điên cuồng như vậy.

2) Chuyện 2 tuần lễ sinh tử

Sách của ông Hưng có đề cập đến một kế hoạch hành quân tối mật để giải cứu Nam Việt Nam. Mỹ sẽ trở lại bằng B52 hay đổ bộ TQLC từ biển Ðông. Tất cả đều cần phải có 2 tuần lễ chuyển động từ dinh Ðộc Lập qua tòa đại sứ, về Bạch Cung, qua quốc hội và khi được chấp thuận, Hoa Kỳ sẽ cho chuyển lệnh đến mặt trận Thái Bình Dương. Phía VN phải giữ được 1 đầu cầu. Ít nhất là Ðà Nẵng trong 2 tuần lễ. Kinh nghiệm cụ thể là 2 giờ sáng ngày 7 tháng 2-1965 khi cộng sản tấn công doanh trại cố vấn Mỹ tại Pleiku, 14 giờ sau, phản lực của hải quân Hoa Kỳ trả đũa dội bom tan nát doanh trại Bắc Việt tại Ðồng Hới. Tuy nhiên, năm 65 không phải là năm 75. Với sự ra đi của Tổng Thống Nixon, kế hoạch nầy không bao giờ được đưa ra thảo luận, còn nói gì đến thi hành.

3) Rút về miền Tây

Chúng ta cũng đã từng nghe nói đến kế hoạch rút về miền Tây, nhưng đây là lần đầu tôi đọc được chuyện tác giả Nguyễn tiến Hưng viết về dự trù của ông Thiệu. Chúng ta rất cần tìm hiểu thêm để biết rõ thực sự về đề tài này. Rất có thể đã có sự chuẩn bị của các tướng lãnh miền Tây đón phái đoàn chính phủ Sài Gòn, nhưng chuyện không thành đã đem đến những giờ phút tự sát của 3 vị tướng lãnh quân đoàn IV.

4) Những người còn lại

Ðể duyệt lại những bí ẩn lịch sử của những ngày đau thương cũ. Tại sao rút quân cùng với nhiều câu hỏi tại sao khác, hình như những câu trả lời ngày nay nhận được cũng đã muộn lắm rồi. Bây giờ vào giữa năm 2010, đã 35 năm sau khi miền Nam thất thủ chỉ còn lại một vài nhân chứng quan trọng mà sự hiểu biết cũng như mối liên hệ mang trách nhiệm với lương tâm và đất nước. Ðó là Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung tướng Ðặng văn Quang, Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên, thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và có cả bộ trưởng Hoàng đức Nhã. Còn ai là nhân chứng của những ngày oan nghiệt đó?

Trước sau chúng ta có tất cả 4 ông tổng thống đã qua đời. Tất cả các tư lệnh quân đoàn không còn nữa. Vị thủ tướng cuối cùng đã đi theo tổng thống. Nếu qúi vị còn lại không nói, ai nói? Nếu bây giờ không nói, bao giờ?

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn thu hình với nữ ký giả Triều Giang, trung tướng Quang trả lời là ông không biết gì nhiều về quyết định của tổng thống Thiệu. Thậm chí ông nói không có mặt trong buổi quyết định rút quân Pleiku tại Cam Ranh. Trả lời như vậy thì trang sử cũ đối với tướng Quang coi như đã khép kín. Và đối với đại tướng Khiêm có thể cũng không hy vọng gì tìm được những câu trả lời. Riêng Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên, và quí vị còn lại, chúng tôi hy vọng sẽ sớm trả lời những vấn nạn cuối cùng của lịch sử. Trước khi cả người hỏi và người có thể trả lời đều đi ra khỏi cuộc đời.

Một chút kết luận sau cùng.

Ông Nguyễn Tiến Hưng là một nhà khoa bảng, không biết gì về quân sự, nhưng tình cờ lịch sử, ông đã ghi lại được những biến cố chiến trường xen kẽ với những dao động chính trị để dành làm tài liệu cho hậu thế. Tài liệu có thể không hoàn hảo và chính xác, nhưng rất quan trọng. Từ đó ta có thể phê phán và suy ra một kết luận.

Suốt 21 năm xây dựng 2 nền Cộng Hòa, quân đội là cột trụ của miền Nam. Và sức mạnh của quân đội là kỷ luật. Quân đội không làm chính trị, nhưng tiếc thay, các tướng lãnh lại làm chính trị. Các tướng lãnh hoàn toàn nắm quyền. Binh đoàn và lính tráng cứ y lệnh thi hành. Thượng cấp còn đứng lại ra lệnh, là còn chiến đấu. Không phải là vấn đề thiếu súng đạn. Ðã có những tiền đồn với các sỹ quan cấp úy chỉ huy trung đội ở lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng vì họ biết rằng luôn luôn có đại đội phía sau. Ðó là kỷ luật quân đội. Ra lệnh rút quân vào những ngày giờ cuối cùng của cả miền Nam là phá bỏ cái tinh hoa của quân đội. Tinh hoa của quân đội là chỉ huy và kỷ luật. Tất cả các yếu tố cắt viện trợ, Mỹ bỏ rơi, đường lối rút quân, tham nhũng, cầu đường không đi được, lệnh lạc tiền hậu bất nhất chỉ là những yếu tố phụ. Những nhà lãnh đạo tối cao của chúng ta trong quân đội và chính phủ, trên đỉnh cao quyền lực đã tồn tại nhờ ở tinh thần kỷ luật quân đội.

Chúng ta hoàn toàn không xây dựng được tinh thần Võ sĩ Ðạo như quân đội Nhật Bản. Không xây dựng được tinh thần chiến tranh chính trị như đề nghị của Trung Hoa Dân Quốc. Vì tôn trọng kỷ luật nên cấp dưới sợ cấp trên và suốt 5 năm tàn lụi sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi những sĩ quan tuy cao cấp nhưng vẫn còn là cấp dưới. Chúng tôi không có một lời phê phán và đặt câu hỏi với cấp trên. Chúng tôi mở mắt nhìn thấy cơn hồng thủy dâng cao nhưng hèn nhát không hành động.

Kỷ luật quân đội đã tôi luyện chúng tôi thành những người lính triệt để thi hành hầu giữ trọn vẹn sức mạnh quân đội. Nhưng kỷ luật quân đội cũng làm cho chúng tôi tê liêt khả năng vùng dậy làm cách mạng. Ðể cho cả một nội các hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo đất nước. Cả một hội đồng an ninh quốc gia gọi dạ bảo vâng. Trước những quyết định sinh tử của toàn quân, toàn dân, cấp trên của chúng tôi hành động như những người mộng du. Trong khi chúng tôi cứ tưởng là các ngài đã có những kế hoạch cao siêu và cân nhắc hết sức cẩn thận. Té ra không phải vậy. Ðể rồi ngày nay đọc tâm tư của ông Tổng Thống vào đoạn cuối cuộc đời, nước mắt anh em cũng đã khô rồi.

Ông Thiệu cai trị đất nước một mình, ông tham khảo với mọi người nhưng ông biết chỉ là hình thức. Toàn thể hội đồng an ninh quốc gia không có ý kiến. Vị đứng đầu lập pháp thường ra phải ở vị trí đối lập nhưng lại hoàn toàn tuân phục tổng thống. Quốc hội không hề thắc mắc ngay cả khi nước đã đến chân, giặc đã vào đến cửa. Tổng thống ôm toàn bộ trách nhiệm chính trị, quốc phòng, ngoại giao trong tay như chuyện gia đình. Sau ông là cơn hồng thủy, toàn bộ miền Nam tan nát. 35 năm nhìn lại là 35 năm đoạn trường. Tù đầy, kinh tế mới, vượt biên, vượt biển. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu gia đình tan nát.
 
Thảm kịch xẩy ra như vậy là lỗi của ông tổng thống hay lỗi của chúng ta.