Home Lịch Sử VN Khảo Cứu Những Trang Sử Bi Hùng Của Con Đường Chống Ngoại Xâm Từ Thế Kỷ 19 (phần II)

Những Trang Sử Bi Hùng Của Con Đường Chống Ngoại Xâm Từ Thế Kỷ 19 (phần II) PDF Print E-mail
Tác Giả: BS Trần Tiễn Sum   
Thứ Bảy, 03 Tháng 12 Năm 2011 05:57

Các đảng phái với ý thức hệ đối nghịch

Khuynh hướng dân tộc không cộng sản kháng Pháp vào thời gian này hầu hết hoạt động tại Trung hoa nhưng lại thiếu thực lực, thiếu thống nhất và thiếu vận động quảng bá trong quần chúng quốc nội.Thể hiện qua hình thức đảng phái có hoạt động tích cực trước đây có Việt Nam Quang Phục Hội do Phan bội Châu thành lập 1912 sau đổi ra Việt Nam Quốc Dân Đảng 1924 dưới ảnh hưởng của Tưởng giới Thạch, nhưng khi cụ Phan bị bắt gìải về Việt Nam tháng 7-1925 thì không người lãnh đạo nên ngã theo nhóm cộng sản của Lý Thụy.

Mãi đến ngày 25-12-1927 tại Hanoi khi một Việt Nam Quốc Dân Đảng khác được thành lập do Nguyễn thái Học làm đảng trưởng. Khởi đầu từ một nhóm thanh niên lớn lên trong nước có cựu và tân học thành lập Nam Đồng Thư Xả chuyên xuất bản các loại sách về cách mạng thế giới và chủ nghĩa quốc gia dân chủ hâm nóng bầu nhiệt huyết của những thanh niên thuộc thế hệ trẻ mới xuất thân từ các trường cao đẳng nội địa quyết chí chống Pháp dành độc lập.

Dù tổ chức chưa được hoàn bị, vì hoàn cảnh các nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng quyết định khởi nghĩa để “không thành công thì thành nhân” mà thúc đẩy công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quốc Dân Đảng bị đàn áp dã man sau cuộc khởi nghĩa võ trang Yên Bái tháng 2-1930 nên khuynh hướng dân tộc bị tê liệt phân hóa tạo ra khoảng trống chính trị cho xu hướng quốc gia trong một thời gian dài. Một số đảng viên thoát được qua Trung Hoa và Miến Điện để tiếp tục hoạt động nhưng thiếu thực lực và nguồn tài trợ.Cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang dư luận rất lớn tại Pháp và Việt Nam gây ra ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam sau này.Đó cũng là cơ hội thuận tiện cho sự phát triển của phong trào Cộng Sản.

Với tư cách ủy viên Đông Phương Bộ phụ trách Cục Phương Nam của Đệ Tam Quốc tế Cộng Sản, Nguyễn ái Quốc lấy tên Lý Thụy tháng 10-1924 về Trung Hoa len lõi vào nhóm thanh niên cấp tiến Tâm Tâm Xã mới thành lập 1923 tại Quảng Châu do Phạm hồng Thái, Lê hồng Sơn (1899-1933), Hồ tùng Mậu (1896-1951)….Theo chỉ thị cùa Mikhail Borodine, trưởng phái bộ cố vấn Liên Xô cạnh chính phủ Tôn Văn-Tưởng giới Thạch-Mao trạch Đông, Nguyễn ái Quốc thành lập tổ chức liên minh quốc-cộng Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với Hồ tùng Mậu, Lê hồng Phong (1902-1942), Trần Phú (1904-1931)…lấy chiêu bài giải phóng dân tộc chống Pháp tại Quảng Châu 1925. Do vậy Hội thu hút tất cả các thanh niên sinh viên hoạt động cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa bấy giờ sau khi Phan bội Châu bị bắt vì bị chỉ điểm và bí mật giải về Hanoi (do Nguyễn thượng Huyền, Lý Thụy, Lâm đức Thụ bán tin cho Pháp). Một số sinh viên được gởi qua Liên Xô hay tại Trung Hoa (Hoàng Phố) huấn luyện trở thành những cán bộ nồng cốt.

Do tranh chấp nội bộ của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Lý Thụy quy tụ 3 đảng Cộng sản trong nước thuộc 3 miền Nam Trung Bắc và các nhóm ly khai tại Trung Hoa thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương tháng 10-1930 tại Hương Cảng nhưng vẫn hoạt động trong bí mật tại Trung Hoa và trong nước dưới danh nghĩa dân tộc.Dù vậy lúc này Nguyễn ái Quốc không là thành viên lãnh đạo của Đảng vì đang thi hành nhiệm vụ của Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế họat động tại Thái Lan, Mã Lai và Miến Điện.

1932 vua cuối cùng nhà Nguyễn, Bảo Đại về nước chấp chánh lúc 19 tuổi muốn canh tân đất nước theo hình thức quân chủ lập hiến nhưng bị ngăn chặn bởi Pháp dù có sự hợp tác của Ngô đình Diệm (1901-1963) và Phạm Quỳnh (1892-1945).Tại Nam Kỳ hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo được thành lập để chống Pháp đòi hỏi độc lập. Đồng thời một số các nhà ái quốc thuộc giới trung lưu có học thức quy tụ thành lập các đảng phái cách mạng trong hay ngoài nước với khuynh hướng quốc gia dân chủ để lãnh đạo hướng dẫn quần chúng chống thực dân ngoại xâm và vạch rỏ bản chất chủ nghiã độc tài cộng sản.

Trong thời gian những thập niên đầu thế kỷ 20 phong trào cách mạng được chia làm hai nhóm chính:

1/Những người thuộc con cái quan lại, đại điền chủ hay gia đình khá giả có học thức theo chủ nghĩa Mác Lê (Marx – Lenin) do Hồ chí Minh đưa vào Việt Nam: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà huy Tập (1906-1941), Trần văn Giàu (1911-2010), Phan đang Lưu (1902-1941), Nguyễn thị Minh Khai (1910-1941)…. Những ngưới này thuộc ba nhóm: nhóm theo Hồ chí Minh từ Trung Hoa, nhóm trong nước từ thời Trần Phú về trước và nhóm từ Liên Xô đi thẳng về Việt Nam với những đảng phái cộng sản như Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội, Tân Việt Cách Mạng Đảng, Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội từ 1940 (Việt Minh cộng sản )…Những tổ chức võ trang nầy đã có cơ sở trong nước từ thập niên 1930 đều theo phong trào Quốc Tế Cộng Sản chống thực dân qua chiêu bài giải phóng dân tộc.Đảng Cộng sản Đông Dương mạnh vì khéo tuyên truyền dân vận, hạ tầng cơ sở chặt chẽ với nhiều viện trợ trường kỳ từ khối cộng sản, nhất là đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Thời gian cuối năm 1940 Nguyễn ái Quốc hoạt động ở Vân Nam dưới tên Hồ Quang mang cấp hàm thiếu tá của Đệ Bát Lộ Quân thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phát động lại phong trào Việt Minh (của Hồ học Lãm) làm mặt trận chính trị dân tộc và kết nạp cho Đảng Cộng Sản Đông Dưong thêm nhóm Phùng chí Kiên (1901-1941), Hoàng văn Hoan (1905-1991), Võ nguyên Giáp, Phạm văn Đồng (1906-2000)… đang là thành viên của Việt Minh. Sau khi nhà cách mạng dân tộc Hồ học Lãm (có công và uy tín trong việc thống nhất các lực lượng dân tộc chống Pháp đang hoạt động tại Trung hoa năm 1936) chết vào đầu năm 1942, Nguyễn ái Quốc lấy luôn bí danh của cụ Lãm là Hồ chí Minh để dùng uy tín sẳn có của Việt Minh mà hoạt động chống Nhật trong các giới chức Quốc-Cộng Trung Hoa (qua Việt Cách từ tháng 3-1944), hợp tác quân Đồng Minh và tình báo O.S.S. Hoa Kỳ tại Côn Minh (thiếu tá Patti và trung uý Fenn…) để được cung cấp một số võ khí ở Việt Bắc cùng huấn luyện đội Giải Phóng Quân đầu tiên của Võ nguyên Giáp (khoảng tháng 3 đến cuối tháng 9-1945 khi Mỹ rút phái bộ ra khỏi Saigon).

Từ tháng 5-1941 Nguyễn ái Quốc-Hồ chí Minh mới chính thức lãnh đạo Việt Minh và đảng Đông Dương Cộng Sản từ Pắc Bó, Cao Bằng (1941 và 1944) rồi Tân Trào, Tuyên Quang từ tháng 5- 1945 tác động tâm lý lôi kéo quần chúng với chiêu bài Việt Minh “được sự yểm trợ của phe Đồng Minh”. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản phải giải tán ngày 15-5-1943 để được Đồng Minh giúp Liên Xô chống quân xâm lăng Đức Quốc Xã đang tiến về Moscow, nên đảng Cộng Sản Đông Dương phải thay đổi sách lược mà giải tán trên hình thức tháng 11-1945 và đổi thành Đảng Lao Động Việt Nam 1951.

2) Những người theo lập trường quốc gia tự do gồm các thành phần trong nước : sinh viên cao đẳng, nhân sĩ ái quốc, giới trung lưu và tiểu thương qua một số lực lượng lúc khởi đầu thiếu cơ cấu tồ chức, thiếu thống nhất, hay tranh chấp quyền lực, lại bị lũng đoạn, khủng bố, phản bội và bội ước từ thập niên 1940. Cao điểm nhất 1927 Việt Nam Quốc Dân Đảng với Nguyễn thái Học và Vũ hồng Khanh (1898-1993) có tổ chức và đường lối rỏ rệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng tam dân chủ nghĩa của Tôn Văn (1866-1925) với sự tham gia của binh lính người Việt trong hàng ngũ quân đội Pháp (Lính Tập). Cuối năm 1936 Nguyễn thế Nghiệp (1906-1945) và Nhượng Tống (1904-1949) lập lại Viêt Nam Quốc Dân Đảng ; Trương tử Anh (1914-1946) với Đại Việt Quốc Dân Đảng bằng học thuyết “dân tộc sinh tồn” 1938 ; Nguyễn tường Tam (1905-1963) với Đại Việt Dân Chính 1940 ; Lý đông A (1921-1946) với Đại Việt Duy Dân 1941…

Các tổ chức có xu hướng quốc gia dân tộc hoạt động tại phía nam Trung Hoa thì kém thực lực, kém tổ chức ở hạ tầng cơ sở trong giới nông dân thợ thuyền và giới bình dân trong nước: Hồ học Lãm với Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội 1934 (Việt Minh dân tộc); Cường Để (1882-1951) với Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội 1938. Đến năm 1942 các đảng phái quốc gia không cộng sản này (Vũ hồng Khanh, Nguyễn hải Thần 1878-1959, Trương bội Công, Nghiêm kế Tổ…) phải dựa vào Quốc Dân Đảng Trung Hoa mà sống còn qua việc kết hợp thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) bởi tướng Trung Hoa Trương phát Khuê theo lịnh của Tưởng giới Thạch. Từ 1944 Việt Cách phải cải tổ dưới áp lực của tướng Trung Hoa Tiêu Văn để hợp tác với Hồ chí Minh-Việt Minh cùng chống Nhật và cung cấp tình báo cho quân đội Hoa Kỳ ở Á châu.

Cuộc chiến Quốc-Cộng

Từ 1885 (khi hoàn toàn mất nước vào tay Pháp) đến 1940 (khi quân đội Nhật Bản từ Trung Hoa đột nhập vào Việt Nam với sự chấp thuận của chính phủ Pháp Pétain-Vichy) mọi cuộc nổi dậy hay chống đối bằng võ trang của vua quan đến văn thân cựu học hay trí thức tây học cùng nông dân thợ thuyền đều thất bại thảm thương nhưng anh hùng trước sức mạnh võ khí của đế quốc Pháp tại Đông Dương.

Nhiều biến cố quan trọng do Pháp đàn áp mạnh mọi cuộc khời nghĩa hay chống đối ảnh hưởng lên tâm hồn yêu nước của các thành phần xã hội thúc đẩy mọi người tham gia hoạt động cách mạng: Vua Duy Tân khởi nghiã 1916, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, Phạm hồng Thái mưu sát tòan quyền M. Merlin 1924, phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan bội Châu 1925, đám tang Phan châu Trinh 1926, Nguyễn an Ninh bị tù đày 1928, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại 1930, các cuộc đình công bãi thị với phong trào Nghệ-Tĩnh 1930-1931, cuộc nổi dậy thất bại của Cộng Sản Nam kỳ 1940….Họ dấn thân kháng chiến cách mạng chống Pháp trong nhiều thập niên sắp đến dưới nhiều hình thức với tất cả niềm tin vào những hội đoàn võ trang chống Pháp nào lấy danh nghĩa dân tộc đánh Pháp dành độc lập cho tổ quốc bất kể lời tuyên truyền xuyên tạc vu khống hay bị phỉnh gạt vì âm mưu thủ đoạn trong nhiều thập niên.Cuộc đối đầu giữa hai ý thức hệ Cộng sản và Quốc gia bắt đầu diển ra bán công khai rồi công khai, có khi liên hiệp chống Pháp chống Nhật.

Từ 1940 Nhật đã kiểm soát Đông Dương bằng quân sự nhưng vẫn để chính quyền bảo hộ Pháp nắm quyền hành chánh.Đến khi tướng De Gaulle tái chiếm Paris tháng 8-1944 và Hoa Kỳ đổ bộ Phi luật Tân tháng 10-1944, quân Nhật tại Việt Nam liền đảo chánh giải giới tất cả quân Pháp và Lính Tập người Việt ngày 9-3-1945.Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên Cáo Việt Nam Độc Lập ngày 11-3-1945 chấm dứt lệ thuộc Pháp, gia nhập khối Đại Đông Á của Nhật. Quân đội Nhật thành lập Hội Đồng Nam Kỳ do Trần văn Ân (1903-2002) làm tư vấn. Đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập do Hồ văn Ngà (1901-1945) ra đời. Đáp ừng tình thế Nhật sửa sọan đầu hàng các đoàn thể chính trị không Việt Minh và các giáo phái tại Saigon quy tụ vào Mặt Trận Quốc Gia Thồng Nhất khơi động phong trào yêu nước nhưng thiếu chương trình hành động.

Ngày 14-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh và trao trả chủ quyền cho vua Bào Đại và án binh bất động. Trong lúc các đảng phái quốc gia tại Hanoi-Saigon đều thụ động hoang mang, Việt Minh với kế hoạch hành động đã sửa soạn và vận động lôi kéo quần chúng từ trước nên lật đổ dễ dàng một cách ôn hòa từ trung ương đến địa phương chính quyền Trần trọng Kim vừa mới thành lập 17-4-1945 bận lo việc cứu nạn đói 1944-1945 chưa kịp thành lập quân đội. Lính bảo an – Khố xanh cũng hưởng ứng theo cao trào quần chúng.Dân chúng bấy giờ chỉ biết Việt Minh là một tổ chức cách mạng cướp chính quyền đề đánh đổ chế độ phong kiến, chống thực dân Pháp và đánh phát xít Nhật được Đồng Minh và Nga Tàu ủng hộ.

“Cách mạng tháng 8” thành công chỉ vì lòng yêu nước khát khao độc lập tự do của dân chúng thuộc tất cả mọi thành phần trong xã hội vượt qua mối sợ hải trước cường quyền và bạo lực.Khởi đầu bằng những cuộc tập họp biểu tình tuần hành liên tiếp từ ngày 17-8-1945 mít tinh tại Hanoi do các cán bộ cộng sản khéo hướng dẫn điều khiển đám đông ủng hộ mặt trận Việt Minh thay vì nội các Trần trọng Kim, để hoàn toàn làm chủ tình hình Hanoi 19-8 rồi lan ra các tỉnh đến Huế 21-8 và Saigon 25-8 mà nắm chính quyền sau những ngày biểu dương lực lượng. Ngày 23-8 chính phủ Trần trọng Kim tự giải tán.Do yêu cầu của Việt Minh, vua Bảo Đại (1926-1945) sau khi từ chối sự giúp đở của quân đội Nhật qua đại sứ Yokoyama, chính thức thoái vị 30-8-1945 để giử tình đoàn kết quốc gia, “vui được làm dân tự do của một nước độc lập’ và triều đại Nhà Nguyễn (1802-1945) chấm dứt.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời với một chính phủ lâm thời do Hồ chí Minh lãnh đạo và tuyên bố độc lập “giữ vững quyền tự do” ngày 2-9-1945 tại Hanoi có sự hiện diện của toán quân Mỹ “Con Nai” OSS. Bàn tuyên ngôn độc lập này được Hồ chí Minh rút ý từ Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Bản Tuyên ngôn Cách Mạng Pháp về nhân quyền và dân quyền mà soạn thảo. Theo Hội nghi Postdam 2-8-1945, việc giải giới quân Nhật từ Quang Nam vào nam do quân Anh và ra bắc do quân Trung Hoa.Thủ tướng Pháp De Gaulle (1890-1970) vận động riêng với Anh và Trung Hoa trong mục đích trở lại Việt Nam tái lập chủ quyền tại Đông Dương.

Theo bước chân quân Anh vào Việt Nam giải giới quân Nhật, quân Pháp của De Gaulle tái chiếm Saigon 22-9-1945 và “Nam bộ kháng chiến” của Trần văn Giàu (1911-2010) bùng nổ ngay ngày hôm sau 23-9-1945.Quân Pháp từ từ mỡ rộng vùng kiểm soát đến các tỉnh và lần ra Trung Kỳ nên dân chúng tản cư khỏi thành phố. Vào những tháng đầu năm 1946 Cao Ủy Pháp D’ Argenlieu xúc tiến chấp nhận một “Nam Kỳ tự trị” của bác sĩ Nguyễn văn Thinh (1888-1946) (ít tháng sau thì thắt cổ tự vẫn vì biết bị Pháp lợi dụng) để tạo áp lực chính trị với mưu đồ lập lại thuộc điạ.

Tại phía Bắc, các lãnh tụ đảng phái quốc gia Việt Nam theo đoàn quân Trung Hoa Tưởng giới Thạch vào giải giới quân Nhật từ 14-9-1945. Sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố giải tán 11-11-1945, các tướng lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Lư Hán, Tiêu Văn) áp lực thiết lập đầu năm 1946 một chính phủ liên hiệp kháng chiến Quốc-Cộng tại Hanoi do Hồ chí Minh lãnh đạo.Chính phủ có sự tham gia của Cựu hoàng Bảo Đại, Nguyễn hải Thần, Huỳnh thúc Kháng, Nguyễn tường Tam, Vũ hồng Khanh…nhưng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền nên càng chia rẽ trong khi đối đầu việc Pháp tăng quân viện chuẩn bị tái chiếm Bắc Kỳ thay thế quân Tưởng giới Thạch rút về nước (3-1946). Hồ chí Minh thỏa hiệp nhượng bộ với Pháp qua các thỏa uớc 6-3 và 14-9-1946 để chấp nhận một Việt Nam tự do trong Liên Hiệp Pháp cũng như thỏa thuận quân Pháp vào thay thế quân Tưởng giới Thạch (1887-1975).

Sau những thương thuyết hòa giải giữa Việt Minh-Pháp thất bại, vào tháng 12-1946 xung đột xãy ra tại Nam Bộ lan ra Hải Phòng Hanoi, ngày 19-12-1946 Việt Minh rút vào rừng núi về nông thôn mỡ cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bằng du kích chiến và tiêu khổ kháng chiến. Nhưng Việt Minh lại quyết tâm thanh toán tiêu diệt các thành phần đối lập thuộc quốc gia dân tộc để độc quyền làm cách mạng, bảo tồn quyền lực và chủ trương độc đảng nên nhiều nhà cách mạng không cộng sản dần dần tách rời Việt Minh chấm dứt việc liên hiệp chính trị trở thành cừu địch. Cuối năm 1947 Pháp tái chiếm hầu hết các thành phố và đình chỉ việc thương thuyết với Hồ chí Minh để thiết lập nền hành chánh tại các Kỳ với một số người cọng tác: Chính Phủ Lâm Thời của Nguyễn văn Xuân (1892-1989) tại Nam Kỳ, Hội Đồng Chấp Chánh của Trần văn Lý (1901-?) tại Trung Kỳ và Hội Đồng An Dân tại Hanoi với bác sĩ Trương đình Tri.

Do chủ trương của Khối Tự Do Tây Phương chống Khối Cộng Sản Liên Xô đang bành trướng xuống Nam Á và “chiến tranh lạnh” đã bắt đầu từ 1946, chính phủ Pháp đang yếu thế phải tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam.Với vận động của cựu hoàng Bảo Đại, Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời của thủ tướng Nguyễn văn Xuân bao gồm các giới cầm quyền tại ba miền và các đoàn thể chính trị được thành lập để thào luận việc thống nhất đất nước gồm cả ba miền qua Thỏa ước Pháp Việt Hạ Long 5-6-1948. Đó là “giải pháp Bào Đại” qua Hiệp định 8-3-1949 với cựu hoàng cùng các đảng phái không cộng sản để Pháp chính thức hủy bỏ hiệp uớc nhượng đất 1862, 1874 và bảo hộ 1884 mà trao trả độc lập thống nhất cả ba miền cho phe Việt Nam quốc gia nhưng chấp nhận nằm trong Liên Hiệp Pháp. Một chế độ mới được thành hình: Quốc Gia Việt Nam liên kết với Pháp chống Việt Minh với Quốc trưởng Bảo Đại (thiếu quyết tâm tranh đấu cho lý tưởng tự do).Từ đó biểu tượng quốc gia tự do là “Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ”.Vệ binh Việt Nam, tiền thân của quân đội Việt Nam mới được thành lập.

Bấy giờ tranh chấp tạo ra hai chính quyền song hành lấy ranh giới nông thôn – thành thị và dựa trên hai chế độ tự do – cộng sản với hai đời sống khác nhau về vật chất tinh thần và nhân bản. Chính quyền Quốc gia đa đảng tại Saigon với nhiều lần thay đổi nội các liên kết với Pháp được Anh-Mỹ công nhận viện trợ.Chính quyền độc đảng Việt Minh trong chiến khu được khối Liên Xô-Trung Cộng công nhận yểm trợ.Từ 1950 ngoài viện trợ quân sự ào ạt từ Liên Xô, Việt Minh mạnh thêm khi được Mao trạch Đông yểm trợ mọi mặt sau chiến thắng Tưởng giới Thạch đầu năm 1949 chiếm được lục điạ. Việt Minh dùng phía nam Trung Hoa làm hậu cứ dưỡng quân, huấn luyện binh sĩ bởi cố vấn Nga-Tàu cũng như hành lang tiếp vận vào chiến khu Việt Bắc và liên lạc quốc tế.

Chiến trường giữa Việt Minh và Việt-Pháp lại xảy ra ác liệt với thanh toán khủng bố ám sát đấu tố đẩm máu xảy ra thường xuyên nên dân chúng gồm một số trí thức chuyên viên tham gia kháng chiến hồi cư về thành thị vùng quốc gia. Các thành phần yêu nước có tinh thần dân tộc không cộng sản, giới tư sản và viên chức xã thôn bị Việt Minh thủ tiêu mỗi ngày làm dân chúng sợ hãi và kinh hoàng.Cũng từ đó dân chúng luôn luôn tìm đến vùng quốc gia để lánh nạn hay được cứu trợ.Chiến trường lan rộng ra Lào và Cao Miên càng ngày càng khốc liệt.Vấn đề Việt Nam đã bị quốc tế hóa gạt bỏ quyền tự chủ và ước muốn cùa dân tộc Việt.

Cuộc đấu tranh chính trị đầy thủ đọan và chiến tranh tương tàn giữa hai nhóm Quốc-Cộng được chỉ huy từ thủ đô các nước Pháp-Nga-Tàu đưa tới việc chia đôi đất nước 1954 qua Hiệp Đinh đình chỉ chiến sự Geneve 20-7-1954 mang chữ ký của Tạ quang Bửu (1910-1986) và Henri Delteil (nhưng Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam không ký và ra tuyên ngôn phản đối) sau khi quân Pháp đầu hàng Việt Minh tại Điện Biên Phủ và rút quân về nước.Hai nước Đức và Triều Tiên đều cùng cảnh ngộ trước đó.

Tại miền Bắc, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ cộng sản áp dụng cách mạng vô sản, cải cách ruộng đất, đấu tranh giai cấp, tận diệt người bất đồng chính kiến và đối kháng… Sau khi gần triệu người miền Bắc di cư và vượt tuyến vào miền Nam tìm tự do, xã hội miền Bắc đã khép kín với một số rất ít dân quân miền Nam tập kết chính thức ra Bắc vì lộ diện (dưới 1/10 số dân Bắc đi vào Nam). Nhưng đa số cán bộ trung kiên (khoảng dưới 10.000) đều được lịnh ở lại “nằm vùng” chôn dấu võ khí tại nhiều địa phương thuộc miền Nam.Từ 1956 khi Tổng tuyển cử không được thi hành theo Hiệp định Geneve, dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Nguyễn hửu Thọ 1910-1996) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Huỳnh tấn Phát 1913-1989) từ 1969 với viện trợ vô điều kiện của Nga-Tàu, miền Bắc đưa quân xâm nhập miền Nam quyết tâm “sinh Bắc tử Nam” để “chống Mỹ cứu nước” “giải phóng miền Nam” và thi hành “nghĩa vụ quốc tế” qua hành lang Lào-Miên.

Dù trong thế yếu vừa mới thành hình chưa kiện toàn tổ chức hành chánh quân sự cuả Quốc gia Việt Nam, chính quyền Miền Nam với nhiều khó khăn dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ sau khi dẹp nội loạn (Bình Xuyên… ) và truất phế Bào Đại qua cuộc trưng cầu dân ý, khai sinh từ 30-4-1955 Việt Nam Cộng Hòa (ngày thành lập Đệ Nhất: 26-10-1955 với Ngô đình Diệm và Đệ Nhị 1-11-1963 với Nguyễn văn Thiệu 1923-2001) nêu cao tự do dân chủ và được gọi là “Tiền đồn thế giới tự do”.

Hoa Kỳ thay thế Pháp từ tháng 12-1954 và dần dần trực tiếp tham chiến từ tháng 3-1965 để giúp bảo vệ tự do của miền Nam. Dân quân miền Nam chỉ không biết nắm lấy cơ hội vì thiếu những lãnh tụ tài giỏi về chính trị và quân sự để bảo vệ Miền Nam tự do, lại xem trọng quyền lợi phe nhóm, tranh dành quyền lực, nuôi dưỡng tham nhũng và đàn áp phe đối lập quốc gia. Với “Việt Nam hóa chiến tranh” Hoa Kỳ bỏ cuộc rút quân ra khỏi miền Nam trong “danh dự” do áp lực của truyền thông báo chí, công luận và Quốc Hội Hoa Kỳ phản chiến với Hiệp định Paris 27-1-1973. Trong hai năm sau đó, Quốc Hội Hoa Kỳ từ từ cắt giảm viện trợ quân sự đến mức tối thiểu cho Việt Nam Cộng Hoà trong khi Khối Cộng Sản Quốc Tế lại tăng gấp đôi cho Miền Bắc nên cán cân lực lượng giữa hai phe đã nghiêng hẳn về phe Cộng.

Qua một thời gian ngắn 20 năm của hai thể chế Cộng Hoà với một cuộc đảo chánh quân sự đẩm máu, dù nhiều khiếm khuyết và chiến đấu tự vệ trong khuông khổ, xã hội miền Nam cũng đã nếm được mùi vị của không khí sinh hoạt tự do dân chủ tương đối cởi mở với nhiều đảng phái bất đồng chính kiến nhưng lại để cán bộ cộng sản nội tuyến khai thác gây bất ổn xáo trộn chính trị trong chính quyền và ngoài xã hội để bị nội công ngoại kích. Chiến tranh quốc-cộng như một hệ quả của chiến tranh lạnh sau Thế chiến thứ 2 đưa lại bao nhiêu thảm cảnh đau thương cho toàn dân tộc Việt: nhiều lần tổng tấn công, nhiều phen thảm sát thường dân, chạy giặc, tản cư, di tản và di cư tỵ nạn thảm thương sinh ly tử biệt qua nhiều thập niên.

Sau khi miền Nam bị thảm bại vào tháng tư 1975, thủ đô Miền Nam Saigon trở nên Thành Phố Hồ chí Minh.Nước Việt lại thống nhất lấy tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam, đổi danh từ Đảng Lao Động 1976, lãnh đạo.Đảng áp dụng chủ nghĩa xã hội, chuyên chế độc đảng, kiễm soát chặt chẽ đàn áp các tôn giáo. Đảng cho thiết lập vùng kinh tế mới, hệ thống hộ khẩu-bao cấp của biện pháp hợp tác hóa, kế sách cải tạo các dân quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa cùng tư sản thương nghiệp và trục xuất Hoa kiều… khiến hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi. Họ đi tìm tự do khắp thế giới dù phải hy sinh tính mạng trên biển cả làm rúng động lương tâm nhân loại.Họ có được nhiều cơ hội lập lại sự nghiệp trên đất khách quê người đồng thời tiếp tục đấu tranh đòi hỏi dân chủ nhân quyền thật sự cho Việt Nam.

Sau hai cuộc chiến liên tục 1978 tiến chiếm Campuchia và 1979 biên giới Việt-Trung (xung dột vẫn tiếp diễn đến 1988), trong những thập niên kế tiếp 1980, Việt Nam được thế giới xếp hàng vào một trong năm nước nghèo nhất thế giới. Nạn thất nghiệp và ăn xin đầy đường phố. Dân phải ăn bo bo thế cơm hay ăn độn trong một thời gian khá dài dưới thời kinh tế bao cấp. Lại bày thêm dịch vụ chính thức xuất khẩu lao động và phụ nữ lấy chồng ngoại. Với kế hoạch “đổi mới”, nền kinh tế được đứng vững nhờ vào “vốn” hàng tỷ đô la mỗi năm của người Việt tỵ nạn “khúc ruột ngàn dậm” gởi về cho thân nhân trong nước nhưng chỉ phục vụ một tầng lớp những người lũng đoạn kiểu mới.

Ngoài ra diễn tiến lịch sử thế giới cho thấy chủ nghĩa cộng sản Mác Lê chỉ đem lại cảnh nghèo khổ đói kém lạc hậu cho chính dân Nga xảy ra liên tục từ 1920 nên bị đào thải tại Liên Xô khi Mikhail Gorbachev “cởi mở chính trị và cải cách kinh tế” từ tháng 3-1985. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9-11-1989, Cộng hòa Liên bang Đức đã thống nhất Tây Đức với Đông Đức không một giọt máu không thù hận và cùng nhau đoàn kết kiến tạo đất nước thành một cường quốc. Các nước chư hầu cộng sản Đông Âu cũng đua nhau giải thể chế độ cộng sản trong thập niên 1990. Từ đây chỉ còn 4 nước trên thế giới: Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba vẫn giữ thể chế cộng sản. Sau khi Liên bang Liên Xô sụp đổ 1991, Việt Nam trở lại bình thường hóa với Trung Cộng nên lại càng phụ thuộc vào Đảng Cộng Sản Trung Hoa.

 

Từ ngày thống nhất sau chiến tranh Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, 50 năm đầu tại vị triều nhà Nguyễn lấy nho học bài ngoại co mình rập khuông theo xã hội Trung Hoa (Thanh triều) để phải lụn bại về mọi mặt không theo kịp tiến hoá thế giới, nhất là về mặt quân sự kinh tế và ngoại giao.Đến khi Pháp âm mưu thôn tính Việt Nam, triều đình và quân dân không đủ sức để chống đở và bảo vệ đầt nước.Các nho sĩ ý thức đổi mới canh tân “bỏ Á lấy Âu” qua những bản điều trần “vừa canh tân vừa chống Pháp” nhưng triều đình gồm đa số phe thủ cựu thân Trung hoa không muốn thay đổi nên kết quả phải chụi ách đô hộ bởi thực dân bằng võ lực.Con đường đổi mới theo thời thế được thích ứng bởi nho sĩ thức thời làm cách mạng trong viễn ảnh nhìn xa trông rộng do ảnh hưởng những tư tưởng cấp tiến của Khang hữu Vi, Lương khải Siêu, JJ Rousseau, Montesquieu…truyền bá trong các sách báo Hán ngữ nhập cảng lậu từ các thương thuyền lui tới tại các thương cảng hay nhượng địa. Nhật Bản, Trung Hoa và Thái Lan đã kịp thời canh tân nên thoát khỏi chế độ thực dân của các đế quốc phương Tây.

Anh hùng Văn Thân, Cần Vương và thế hệ giao thời tây học chỉ biết nêu cao gương hy sinh mà chiến đấu bất khuất chống ngoại xâm của những người yêu nước hoạt động cách mạng để dành lấy quyền tự chủ.Giới tây học, nhất là du học sinh Pháp tiếp nối giới nho sĩ đã cố gắng không ngừng hướng dẫn người dân chống Pháp dành độc lập với nhiều phương cách khác nhau. Lúc khởi đầu đấu tranh dưới hình thức phong trào vận động quần chúng qua hoạt động văn hóa và báo chí truyền thông đều công khai bất bạo động ôn hòa và hợp tác tại Paris hay trong nước với chính quyền thực dân Pháp.Nhưng về sau vì nóng lòng cứu quốc hoạt động cách mạng trở nên cực đoan và bạo động võ trang trong và cả ngoài nước, nhất là tại phía nam Trung Hoa.

Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng tan rả sau cuộc khởi nghĩa bị thất bại 1930, đảng Cộng Sản Đông Dưong áp dụng chủ thuyết Mác Lê âm thầm gây dựng lực lượng, khéo che đậy mục đích hoạt động qua tổ chức “Việt Minh-Việt Cách dân tộc” ở hạ tầng cơ sở, triệt hạ những người bất đồng chính kiến. Nhưng ảnh hưởng của Phan bội Châu, Phan châu Trinh, Phạm hồng Thái và Nguyễn thái Học làm cho các thanh niên đầy nhiệt huyết có khuynh hướng quốc gia đã tiếp nối công cuộc cách mạng thành lập nhiều đảng phái chính trị. Họ vừa chống “Việt Minh cộng sản” vừa chống ngoại xâm giành lấy độc lập tự do, lại thiếu hợp nhất và thiếu kinh nghiệm vận động tuyên truyền quần chúng nên đứng trong thế yếu.

Hình thức đảng phái cách mạng bạo động dùng võ khí do ngoại quốc cung cấp, có tồ chức, có mục tiêu chính trị đều trở thành công cụ cho các thế lực cường quốc, nhất là ảnh hưởng trực tiếp lâu dài của Trung Hoa-Trung Quốc-Trung Cộng. Đó là cuộc tranh chấp ý thức hệ của hai phe nhóm cách mạng võ trang phát sinh từ công cuộc chống đối một chính quyền thuộc địa thống trị với chính sách thực dân bốc lột tàn ác bằng sức mạnh của võ khí. Vấn đề Việt Nam đã trở thành quốc tế hóa khi các cường quốc phân chia thế giới thành hai khối Tự Do Tư Bản và Cộng Sản Xã Hội tranh dành ảnh hưởng chính trị, quyền lợi kinh tế và thi đua sức mạnh võ khí sau Thế chiến thứ 2.

Đây là giai đoạn lịch sử đánh dấu khởi đầu bước ngoặc vừa chống thực dân ngoại xâm vừa đấu tranh quốc-cộng cấu kết với nhiều ngoại bang đối nghịch và tàn sát lẫn nhau. Ảnh hưởng ngoại lai qua những tư tưởng chính trị, tôn giáo, văn hóa, kinh tề và quân sự làm đảo lộn đạo đức xã hội, gia đình và cá nhân.Xã hội Việt Nam đã quen với kèm kẹp, nhồi sọ, ngược đãi đến sợ hãì mà an phận của những người bị thống trị cũng như sự thờ ơ cầu an hay nghi ngờ thời cuộc của nhiều tầng lớp dân chúng chịu sự “ngu dại hóa” của những chính sách đặt ra bởi những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi. Sau chế độ quân chủ – thực dân – độc tài, dân tộc Việt đã được tiếp xúc và hiểu biết một ít những sinh hoạt căn bản dân chủ tự do của Tây phương: tụ họp, phát biểu, tranh đấu, đòi hỏi công bằng pháp lý, nhân ái …với việc hình thành Quốc Gia Việt Nam – Việt Nam Cộng Hòa.

Tiếc thay con đường đổi mới của phái tây học dựa trên hai chủ nghĩa chống chọi nhau làm đất nước nghèo đói suy đồi thêm một thời gian dài để người Việt giết người Việt hao mòn nhân tài trong lúc ngoại bang dùng dân Việt làm “con cờ thí” hay “bargainning chip” trao đổi trên chính trường quốc tế. Y như lời cụ Phan châu Trinh trước đây: “chỉ thay người cởi ngựa mà thôi” khi chống đế quốc ngoại xâm Pháp mà lại để nhiều cường quốc khác (Nhật Bản, Liên Xô, Trung Hoa, Hoa Kỳ) chi phối giựt dây bằng quyền lợi cá nhân hay phe nhóm.Việc “thay người cởi ngựa” làm di hại quyền lợi đất nước, sinh mạng dân tộc, tài sản quốc gia cũng như đạo đức xã hội băng hoại đầy những chia rẽ, những bất công, những hận thù.Nhà Nguyễn nhận lãnh trách nhiệm không giử được nước trước nạn ngoại xâm, nhưng tòan dân quân thừa lòng yêu nước ý thức bổn phận phải cải tiến xã hội, chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, truyền thông để vận động đức hy sinh dành lấy độc lập kiến tạo đất nước hầu bảo toàn lãnh thổ trước một đế quốc hùng mạnh.

Trong bài điếu văn tang lễ cụ Phan châu Trinh ngày 4-4-1926, Huỳnh thúc Kháng có lời: “Tiếc cho người nước mình còn đang mê mộng, đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người”.Thật thế đã có nhiều nhà cách mạng xem nhẹ dân quyền mà chủ trương độc tài đảng trị. Phan bội Châu cũng đã nói:”Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết. Chết mà vì nước, chết vì dân” và năm 1938 trên báo L’ Effort Hanoi: “Người ta lợi dụng phong trào xã hội để chia rẽ lực lượng trong nước, để phá hủy sự đoàn kết và để làm tiêu diệt tinh thần quốc gia của dân ta”. Thời gian 1920 trước đây, Đại diện Nga Sô tại Bắc kinh, Grigorij Voitinski đã thất bại trong việc thuyết phục cụ Phan bội Châu theo “tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản” (theo Tự Phán).Từ thập niên 1920 hai cụ Phan đã hiểu rỏ bàn chất của chủ thuyết Mác Lê khi Đệ Tam Quốc Tế vừa thành hình. Hậu qủa việc Nguyễn ái Quốc gia nhập Quốc Tế Cộng Sản với chủ truơng bạo lực cách mạng đưa lại sự phân hóa trong hàng ngũ đấu tranh dành độc lập trong nước hay hải ngọai nên những thành phần quốc gia dân tộc phải tự vệ quy tụ thành lập các đảng phái chính trị đối nghịch.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thắng trận chiến Quốc-Cộng 1975 thống nhất đất nước nhờ yểm trợ mọi mặt của Trung Cộng. Việt Minh đã thắng Điện Biên Phủ 1954 đề chấm dứt chủ quyền của Pháp vô hiệu hóa hiệp uớc Thiên Tân 9-6-1885 mà Trung Hoa nhìn nhận Pháp đô hộ Việt Nam.Từ đó Trung Cộng đòi xác nhận lại ảnh hưởng qua “tự quyền xem Việt Nam như là một nước chư hầu” dù nêu lên nguyên tắc bình đẳng “anh em đồng chí”. Ngoài ra trong tài liệu “Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc” viết năm 1939 bởi Mao trạch Đông có đoạn: “Các nước đế quốc sau khi đánh bại Trung Quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc:..…Pháp chiếm An Nam”. Điều này đã thể hiện qua những dữ kiện ràng buộc giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng trong việc thanh toán những khoản nợ cầu viện từ 1950 và giải quyết những căng thẳng xung đột sau cuộc chiến 1978-1979 bằng những quyền lợi về kinh tế chính trị và đất biển của Việt Nam (Bản Giốc, Tây Nguyên, Hoàng Sa, Trưòng Sa,…).

Nhiều lần ngưng chiến hoà đàm tìm kiếm hoà bình (Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973) trong cuộc chiến Quốc-Cộng dấy lên biết bao nhiêu niềm mơ ước trong lòng dân Việt. Uớc vọng tự do dân chủ nhân quyền nhân bản không thù hận không đấu tranh giai cấp trong một nước Việt Nam cường thịnh được hiểu qua lời giải thích về những thành quả của dân Singapore của Thủ tướng Lý quang Diệu với Tồng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Hoa Đặng tiểu Bình (1904-1997) trong cuộc thăm viếng lần đầu năm 1978 tại Singapore: “Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ thành công nếu ông tin rằng tất cả mọi người hy sinh mình cho đồng loại chứ không cho gia đình hay chính bản thân mình. Còn tôi, tôi hoạt động trên cơ sở rằng con người, trai cũng như gái, trước nhất lao động cho chính bản thân và gia đình họ, và chỉ trên cơ sở đó họ mới chia sẻ một phần thành quả lao động của họ cho những người đồng loại ít may mắn hơn.Đấy là nền tảng hoạt động của tôi”.Sau đó Đặng tiểu Bình đã thay đổi Trung Hoa lục địa.

Lý Quang Diệu từng sang Việt Nam nhiều lần theo lời mời của chính quyền Việt Nam. Ông chân thành góp ý cùng san sẻ kinh nghiệm với nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt (1922-2008) về công cuộc xây dựng đất nước, diệt trừ nạn tham nhũng, kiềm chế nạn lạm phát, kinh tế hóa toàn cầu….Sau này trả lời báo The Straits Times của Singapore, khi được hỏi về Việt Nam, ông lắc đầu: “Nên quên đi, tôi đã nói hết với họ rồi, vô ích!” Ngày nay dù chịu áp lực nặng nề của Trung Cộng về mọi mặt kể cả ý đồ bành trướng, nền truyền thông tin học điện tử, ngoại giao, kinh tế và phát triển đất nước của Việt Nam có những biến đổi khi hợp tác với Hoa Kỳ, Tây Phương và các nước tự do lân bang.

Lịch sử và lịch trình tiến hóa của xã hội để lại nhiều bài học cho những ai yêu nước mà dung hòa những ảnh hưởng của ngoại bang đều phải dựa trên quyền tối thượng của lòng dân: tinh thần Diên Hồng và khát vọng tự do dân chủ. Lịch sử luôn luôn tái diễn: ngoại xâm “Hán thuộc-Pháp thuộc” và nội chiến “Đàng Trong-Đàng Ngoài”“Bắc-Nam” chỉ trong thời gian ngắn. Truyền thống cao đẹp của người Việt ái quốc thương dân là dựng nước giử nước bằng quốc sách tự quyết tự lực tự cường, vượt qua những mâu thuẫn ý thức hệ, quyền lợi phe phái, đem lại no cơm ấm áo, tạo đầy đủ nhân quyền cho người dân, bảo đảm quyền lợi của đất nước: Dân giàu, Nước mạnh dựa vào sức mạnh dân tộc. Các vị tiền nhân anh hùng của dòng lịch sử đã chứng minh điều đó và dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn.

BS Trần Tiễn Sum
Cali, Oct 2011

Tham khảo:
Tk1: Đọc sách “Hồ Chí Minh”cùa William J Duiker: nghi vấn và sự thật, 2000
Tk2: HCM: con người và huyền thoại, Chính Đạo, Houston 1991
Tk3: Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở VN…Trương gia Mô nhà nhokhí tiết, Mai văn Tạo, 2002
Tk4: Nguyễn lộ Trạch, điều trần và thư văn, Mai cao Chươong-Đoàn lê Giang, 1995
Tk5: Từ thực dân đến cọng sản, Hoàng văn Chí
Tk6: Việt sử khảo luận, tập 8 , Hoàng cơ Thụy, Paris
Tk7: Nghiên cứu Huế, Tập 1.
Tk8: Phong trào duy tân, Nguyễn văn Xuân, 2000
Tk9: Bách khoa toàn thư Wikipedia
Tk10 :Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Lữ Phương
Tk11 : Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần dân Tiên
Tk12 : Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu: Tình nhà, nghĩa nước, Ngô Minh
Tk13 : Bi kịch lịch sử: Phan thanh Giản, Ngô dân Dụng
Tk14 : HCM: The missing years 1919-1941, Sophie Quinn Judge Hoai An
TK15: Viet nam 1920-1945.Ngô Văn 2000
TK16: Việt sử đại cương.tập 4.Trần gia Phụng 2008
TK17: Vietnam .cuộc chiến tranh quốc gia –cọng san.nhóm nghiên cứu Santa Clara,Ca
TK18: Những nghịch lý lịch sử của thế kỷ 20 và hành trình đi tìm tính chính thống lịch sử ở thế kỷ 21.
Nguyễn xuân Phước, 2011
TK19: Soviet Aid to Vietnam.Albert Parry. The Reporter. Jan-1967
TK20: Về một tập tài liệu liên hệ tới các cố vấn Tầu ở Việt Nam.Phạm cao Dương .8-2011.