Home Lịch Sử VN Khảo Cứu Các nguyên tắc hiến định tổ chức công quyền

Các nguyên tắc hiến định tổ chức công quyền PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Học Tập   
Thứ Hai, 08 Tháng 2 Năm 2010 17:07

 Ai trong chúng ta cũng biết Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức là hai Hiến Pháp được viết ra sau những kinh nghiệm hãi hùng

máu vá nước mắt của hai chế độ độc tài với hàng triệu người chết và phẩm giá con người bị coi ngang hàng như súc vật.

Bởi đó người Ý cũng như người Đức không tuyên bố con người, với phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của mình để long trọng tuyên bố ở phần Tiền Đề của Hiến Pháp, như những gì Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Ký 1776 và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789 đã làm ( ngay cả Hiến Pháp 1958 Pháp Quốc hiện hành cũng vậy), mà là đặt ngay vào trong thân bài của Hiến Pháp, tuyên bố ở phần đầu, và tuyên bố như là những đạo luật thực định, có hiệu lực luật định bắt buộc phải thi hành và quy trách cho ai là chủ thể phải chịu trách nhiệm, nếu người dân bị chửi bới, hâm doạ, " trấn nước như Mụ Úa ở Kiên Giang", " bịt miệng như Cha Taddeo Nguyễn Văn Lý trong phiên toà ", " dân oan đòi lại nhà đất bị đánh đập như súc vật ".

Đó là những gì chúng ta có thể gặp được ngay trong thân bài ở những điều khoản đầu của Hiến Pháp:
   - " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần các tổ chức xã hội trung gian, nơi mỗi cá nhân phát huy con người của mình và đòi buộc chu toàn các bổn phận liên đới không thể thiếu trong các lãnh vực chính trị kinh tế và xã hội " ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
   -" Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật vê phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, cản trở không có phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở " ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
 
   - " Phẩm giá con người bất khả xâ phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ phẩm giá đó ".
     " Những quyền căn sẽ được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là các quyền có giá trị bắtt buộc trực tiếp" ( Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức ).
 
Nêu lên phẩm giá cao cả và các quyền tối thượng bất khả xâm phạm của con người ở phần đầu của Hiến Pháp ( từ điều 1-19 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức; điều 2-54 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), kế đến hai Hiến Pháp vừa kể các nguyên tắc hiến định theo thể chế dân chủ để tổ chức các cơ chế Quốc Gia hay tổ chức công quyền ( từ điều 20-145 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức và từ điều 55 - 138 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
   - " Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Cộng Hoà, Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội " ( Điều 20, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
   - " Ý Quốc là một Quốc Gia Cộng Hoà Dân Chủ, được đặt nền tảng trên việc làm.   
         Quyền tối thưọng thuộc về dân. Người dân hành xử quyền tối thượng của mình theo các thể thức và trong các lằn mức hiến định " ( Điều 1, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Nêu lên những điều khoản được trích dẫn, chúng tôi có ý đặt trọng tâm vào các chỉ thị của Hiến Pháp trong tiến trình tổ chức và hoạt động của cơ chế Quốc Gia ( lập pháp, hành pháp và tư pháp, tổng thống và viện bảo hiến) phải được tổ chức thế nào, để cho cơ chế Quốc Gia trở thành những phương thức hay dụng cụ, sẽ được dùng để bảo vệ con người, phẩm giá và các quyền tối thượng của con người, được coi là những giá trị vô giá, tối thượng và là trung tâm điểm tổ chức quyền lực Quốc Gia:
   - " Phẩm giá con người bất khả xâm phạm " ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
   - " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần các tổ chức xã hội trung gian,,," ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 
 
 Hiểu như vậy, chúng ta thấy được các nguyên tắc được Hiến Pháp nêu lên ở phần II nhằm đưa ra những chỉ thị để tổ chức các cơ chế Quốc Gia, tổ chức công quyển, nhưng là những cơ chế Quốc Gia được tổ chức nhằm phục vụ con người nói chung và người dân nói riêng với phẩm giá bất khả xâm phạm của mình.
Bởi đó những nguyên tắc tổ chức được nêu lên ở phần II không chỉ là những phương thức có tính cách chuyên môn để tổ chức, mà còn là những nguyên tắc có liên hệ đến cả tổ chức cộng đồng Quốc Gia, trong đó con người không thể bị trục lợi, đàn áp, đê tiện hoá và mọi rợ hoá hay súc vật hoá như những gì đã xảy ra trong quá khứ.
 
   a) Nguyên tắc Quốc Gia Pháp Trị.
Nguyên tắc trước tiên mà chúng ta có thể gặp được đó là nguyên tắc Quốc Gia Pháp Trị, được nêu lên:
 
   - " Các cơ quan công quyền được tổ chức theo các chỉ thị của luật pháp, làm thế nào để bảo đảm cho nền hành chánh được trôi chảy và không thiên vị " ( Điều 97, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
 
Câu trích dẫn vừa kể cho thấy nền hành chánh phải được tổ chức theo thể thức luật định, luật pháp đã được Quốc Hội chuẩn y.
Cũng vậy, Quốc Hội cũng sẽ đưa ra những đạo luật nhằm tổ chức phận cụ của Thủ Tướng Chính Phủ, thiết định tổ chức, số lượng và phận vụ của các Bộ trong Hội Đồng Nội Các Chính Phủ:
 
   - " Luật pháp tiên liệu định chế phận vụ của Thủ Tướng Chính Phủ và thiết định số lượng, phận vụ và tổ chức các Bộ trong Hội Đồng Nội Các Chính Phủ " ( Điều 95, đoạn 3, id.).
 
Còn nữa, các chỉ thị của luật pháp về việc tổ chức  công quyền ( kể cả tổ chức cấu trúc và hoạt động tư pháp, ( cfr. Viện Bảo Hiến, phán quyết n. 86, năm 1982) cũng phải nhằm tổ chức thế nào cho công việc được trôi chảy và tránh thiên vị.
Điều đó có nghĩa là các tổ chức công quyền phải cấu trúc và tổ chức hoạt động thế nào để đạt được
   - hiệu lực và hiệu năng,
   - đàng khác phải nhằm bảo đảm thực hiện được lợi thú công cộng, không bị ảnh hưởng từ phía nầy hay phía khác, mặc dầu việc chuẩn định tiêu chuẩn vừa kể là phận sự của thành phần đa số đương quyền được ủy nhiệm.
Hai danh từ " hiệu lực và hiệu năng " vừa kể có ý nghĩa hơi khác nhau:
   - hiệu lực ( efficacité ) : khi chúng ta so sánh các kết quả đạt được với mục đích mà chương trình nhằm đến, kể cả đặt liên hệ với thời điểm được chương trình hành động thiết định, như là kết quả cần có được trong khoản thời gian cần thiết để đáp ứng lại nhu cầu.
   - hiệu năng ( rendement ): có ý nghĩa cho thấy là giới quản trị công quyền phải đạt được những kết quả được luật pháp ủy thác cho bằng việc tiêu xài công qủy một cách hợp lý và không phung phí quá mức có thể chấp nhận được.
 
Nguyên tắc Quốc Gia Pháp Trị có thể được chia thành thuyết lý ( formelle )  và thực hữu ( substantielle).
Theo hình thức thuyết lý ( formelle), các cơ quan công quyền phải hành xử quyền lực được giao phó cho mình theo thể thức luật định, nhưng theo hình thức thực hữu ( substantielle), cơ quan công quyền có thể lựa chọn phương thức để thực hiện .
Một vài trường hợp chi tiếc hơn cho quan niệm vừa kể, được điều 23 cho biết:
   - " Không có bất cứ một động tác phục vụ nào, bằng cá nhân con người hay bằng của cải tài sản, có thể bị bắt buộc, nếu không được luật pháp thiết định trước " ( Điều 23, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
cũng như ở các điều 13 và những điều kế tiếp:
   - " Tự do cá nhân là quyền bất khả xâm phạm".
     " Không thể chấp nhận một thể thức giam giữ, lụa soát, kiểm xét, trưng thu trên thân thể hay mọi hình thức giảm thiểu tự do cá nhân nào, nếu không có án trác có lý chứng của tư pháp và chỉ trong các trường hợp và theo thể thức luật định ".
    " Trong các trường hợp bất thường cần thiết và khẩn trương, được luật pháp ấn định rõ rệt, cơ quan an ninh công quyền có thể áp dụng những phương thức tạm thời, nhưng phải thông báo cho cơ quan tư pháp trong vòng 48 tiếng đồng hồ và nếu cơ quan tư pháp không xác nhận trong vòng 48 tiếng đồng hồ kế tiếp, các phương thức vừa kể phải được coi la đã bị thu hồi và mất hết mọi hiệu lực ". 
    " Mọi bạo lực trên thân xác và hâm doạ trên tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt " ( Điều 13, đoạn 1, 2, 3 và 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Dầu sao, những đoạn văn vừa kể cho thấy cần có sự can thiệp, tiết định của luật pháp trước khi cơ quan công quyền có thể áp dụng hành xử quyền lực được ủy thác của mình.
Quốc Gia Pháp Trị là vậy.
 
   b) Nguyên tắc không thiên vị, bè phái.
Nguyên tắc không thiên vị, bè phái được điều 98 tuyên bố:
   - " Các viên chức công quyền chỉ nhằm phục vụ Quốc Gia "..
    " Bằng luật pháp có thể thiết định những giới mức gia nhâp chính đảng đối với các thẩm phán, quân nhân tại ngủ đang tích cực hoạt động, các viên chức cảnh sát, đại diện ngoại giao đoàn và thành viên các toà lãnh sự ở ngoại quốc " ( Điều 98, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Câu tuyên bố của điều khoản cho thấy họ không phải được Quốc Gia tuyển chọn để phục vụ cho đảng phái, phe nhóm và các giới hạn được luật pháp thiết định như vừa kể, để ngăn cản các thành phần hành xử công quyền liên hệ khỏi bị ảnh hưởng đảng phái, phe nhóm áp đặt.
Thêo tinh thần vừa kể, " De jure condendo ",  nguyên tắc không thiên vị, phe nhóm đói buộc việc hành xử công quyền phải luôn luôn được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật , giữa các thành phần có lợi thú liên hệ.
Điều đó có nghĩa là, ngoại trừ những trường hợp vì lý do " bí mật quốc phòng, bí mật an ninh xã hội ",  việc hành xử không phải thực hiện " trong bí mật hành chánh ", mà là hành xử thế nào, ai ũng biết được, nếu muốn; bức tường của các văn phòng không còn phải bằng xi măng cốt sắt, mà là những bức tường bằng kiến trong suốt, ai cũng thấy được ( Esposito Carlo, La Costituzione italiana, Cedam, Padova 1954, 146).
 
   c ) Nguyên tắc dân chủ.
Theo nguyên tắc dân chủ hành động của cơ quan công quyền phải nhằm
   - đáp ứng lại các nhu cầu của cộng đồng Quốc Gia
   - và phải được đặt dưới quyền kiểm soát của các người đại diện của dân chúng.
Nói cách khác, giới đương quyền, nhứt là Hành Pháp, phải có mối tương giao tín nhiệm với Quốc Hội và có thể bị Quốc Hội thu hồi tín nhiệm, nếu Hành Pháp bị xác nhận  là có trách nhiệm với cách hành động vô ý thức, chễnh mãng, không hiệu năng và hiệu lực, cũng như thiên vị, phe phái vi phạm, làm thiệt hại đến quyền và lợi thú của cá nhân cũng như của cộng đồng Quốc Gia.
Trong tinh thần đó, chúng ta hiểu được cơ quan công quyền càng hành động theo nguyên tắc dân chủ, dân chúng càng có cơ hội tham dự vào các động tác đang được giới đương quyền điều hành:
   - " Nền Cộng Hoà là một thực thể, thuần nhứt ( una ) và bất khả phân, nhận biết và phát huy các nền tự lập địa phương, tác động các ngành phục vụ của Quốc Gia một phương thức tản quyền quản trị rộng rãi hết sức có thể, thích ứng các nguyên tắc và thể thức lập pháp của mình nhằm đáp ứng lại các nhu cầu tự lập và tản quyền " ( Điều 5, id.).  
Và một trng những hình thức áp dụng nguyên tắc dân chủ tản quyền vừa kể là pháp luật nhận biết mọi người dân đều có quyền tham khảo các tài liệu hành chánh, sở tại cũng như trung ương, để nói lên cách hành xử trong sáng và không thiên vị của giới đang tác động quản trị và lãnh đạo Quốc Gia  ( art. 22 e ss del L. n. 241, 07.08.1990) ( Corso - Teresi, Procedimento amministrativo ed accessi ai documenti, Rimini 1991).
 
Nguyên tắc dân chủ cũng được áp dụng ngay cả trong lãnh vực tổ chức quân đội.
 
   - " Tổ chức quân đội phải được định hướng theo tinh thần dân chủ của Nền Cộng Hoà " ( Điều 52, đoạn 3, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
 
Điều vừa kể cho thấy mối tương quan cá biệt " luật quân đội " giữa các cá nhân thuộc hệ vào hệ thống giai cấp quân đội không thể nào là phương thức làm đê tiện hoá phẩm giá con người của những giới bên dưới thuộc hệ  ( Grisola, Disciplina militare e diritti del soldato. Alcuni spunti problematici sull'attuazione delle " norme  di principio ", in Nuove dimensioni nei diritti di libertà ( scritti in onore di Paolo Barile, p. 333).

Dĩ nhiên quy chế quân đội được đặt trên nền tảng một vài nguyên tắc, như kỷ luật và hệ thống quân giai.
Nhưng " kỷ luật " không có nghĩa hạn hẹp là tuân phục và kính trọng của bề dưới đối với bề trên " và " quân giai " cũng không có ý nghĩa hạn hẹp một chiều, mà còn gồm những điều kiện gia trọng của thượng cấp đối với hạ cấp thuộc hệ" ( Viện bảo Hiến, sent. n. 26 del 1979, L. 11.07.1978, n. 382).
Những nghị quyết liên hệ của Tổng Thống Cộng Hoà về vấn đề liên hệ, gồm  D.P.R: 18.07.1986, n. 545:
 
   a) quy chế và hoạt động của quân đội phải được định hướng theo các nguyên tắc của Hiến Pháp.
 
   b) quân nhân có quyền kỳ vọng ở các quyền mà Hiến Pháp nhận biết đối với mọi người dân, mặc dầu để chu toàn các bổn phận của mình trong quân đội, luật pháp có thể thiết đinh lằn mức giới hạn hành xử một vài quyền trong số đó, cũng như bắt buộc phải chu toàn một vài bổn phận cá biệt theo các nguyên tắc hiến định.
 
   c) giữa các tương quan cá nhân với nhau, phẩm giá nhân bản bình đẳng giữa tất cả các chiến sĩ đều phải được bảo đảm.
 
   d) các quân nhân ứng cử trong các cuộc tuyển cử chính trị hay hành chánh có thể tự do thi hành phận vụ của mình và phổ biến chính hướng mà mình xác tín, bên ngoài lãnh vực quân sự và với y phục dân sự.
 
   e) quân nhân không thể hành xử quyền đình công, không thể đứng ta thiết lập các tổ chức, hiệp hội công đoàn hay hội nhập vào các hiệp hội công đoàn lao động.
 
   f) quân nhân có quyền tự do phổ biến các tác phẩm mình viết, hội luận trước công chúng hay công khai bày tỏ lập trường chính trị của mình.
 
   g) quân nhân có quyền thiết lập những cơ quan đại diện trung ương, trung cấp cũng như ở bậc thấp.
 
   d) Nguyên tắc bình đẳng thi tuyển vào các chức vụ công cộng. 
Đặc tính hiệu lực của nền quản trị công quyền được bảo đảm bởi nguyên tắc thi tuyển vào các chức vụ công cộng:
 
   - " Được hội nhập vào các chức vụ quản trị công cộng qua một kỳ thi tuyển, trừ các trường hợp được luật pháp xác định cách khác " ( Điều 97, đoạn 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
 
Bởi lẽ theo nguyên tắc, các cuộc thi tuyển là dụng cụ hữu hiệu để bảo đảm cho việc tuyển chọn những thành phần có khả năng.
Nguyên tắc vừa đề cập cũng cần được giải thích, được bổ túc bởi điều 51, đoạn 1 của cùng một Hiến Pháp:
 
   - " Mọi công dân thuộc phái nầy hay phái khác đều có quyền được đảm nhận các chức vụ công cộng và các chức vụ được tuyển cử lựa chọn, theo các điều kiện đòi buộc được luật pháp thiết định ".
 
Và tinh thần đó, Viện Bảo Hiến cũng đã phán quyết hai lần: sent. n. 163 del 1993 và n. 188 del 1994).
Tuy vậy luật lệ về thi tuyển tự nó không đủ để bảo đảm cho tính cách lựa chọn chuyên môn, không thiên vị và lựa chọn những thành phần ưu tú nhứt, nếu thành phần của các thành viên ban giám khảo không bảo đảm được tính cách không thiên vị.
Bởi đó nhu cầu để đáp ứng lại đặc tính vừa kể bắt buộc trong các ban giám khảo, sự hiện diện của các chuyên viên kỷ thuật hay những người có kinh nghiệm, nếu không phải là toàn phần, thì ít nhứt cũng phải là thành phần đa số ( L. n. 537, del  24.12.1993, art. 21 ).
Nhờ đó việc chọn lựa cuối cùng được đặt nền tảng trên tiêu chuẩn trung lập và được quyết định bởi việc đánh giá khả năng thích hợp và trình độ hiểu biết của các ứng viên ( Viện Bảo Hiến, sent. n. 453 del 1990 e n. 333 del 1993).
 
   e ) Nguyên tắc trách nhiệm trực tiếp của các viên chức công quyền.
Sau cùng Hiến Pháp còn tiên liệu một phương thức khác, bảo vệ rộng rãi người dân đối với cơ quan công quyền, bằng cách thiết định:
 
   - " Các viên chức và các thành viên thuộc hệ  Quốc Gia và các công cơ quan công cộng có trách nhiệm trực tiếp, theo hình luật, dân luật và luật hành chánh về các động tác của mình vi phạm đến các quyền con người. Trong các trường hợp đó, trách nhiệm dân sự có liên hệ đến cả  Quốc Gia và các cơ quan công quyền liên hệ" ( Điều 28, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Còn nữa,
   - " Chống lại các hành động của giới hành chánh công cộng, việc bảo vệ bằng luật pháp các quyền và lợi thú chính đáng của người dân luôn luôn được chấp nhận trước cơ quan tư pháp thường nhiệm hay tư pháp hành chánh "
   - " Quyền bảo vệ tư pháp đó không thể bị loại trừ hay giới hạn vào những phương thức cá biệt để khởi tố hay chỉ đối với những loại động tác xác định nào đó " ( Điều 113, đoạn 1 và 2, id.) ( Cannada Bartoli, La tutela giuridiziaria del cittadino nei confronti  della pubblica amministrazione , Giuffré, Milano 1964).
 
Đối với những gì được điều 28 đề cập ở trên, quyền người dân bị cơ quan công quyền vi phạm được bảo vệ còn được nới rộng thêm nữa, khi Hiến Pháp quy trách cho Quốc Gia và cơ quan công quyền liên hệ phải bồi thường, về phương diện dân sự, trong trường hợp các viên chức đương sự không có khả năng bồi thường thoả đáng,
 
   - " Trong các trường hợp đó, trách nhiệm dân sự có liên hệ đến cả quốc Gia và các cơ quan công quyền liên hệ " ( id.).
 
Điều khoản luật Hiến Pháp vừa kể đã được áp dụng đối với các viên chức dân sự của Quốc Gia, khi họ hành xử quyền lực mình, gây thiệt hại bất chính cho người khác, do thái độ lường gạt hay do lỗi phạm nặng nề của họ ( D:P:R., n.3, art. 22 e 23 del 10.01.1957), bắt buộc họ phải bồi thường.
Trong trường hợp các viên chức công quyền đương cuộc, như đã nói, không có đủ khả năng để bồi thường, Quốc Gia và cơ quan công quyền liên hệ có bổn phận " liên đới " với viên chức phạm pháp, bồi thường thiệt hại cho người dân ( art. 1292, cod.civ.).
 
Một bảo đảm khác, ngoài ra các quyền chủ thể bất khả xâm phạm, những lợi thú chính đáng của người dân cũng được Hiến Pháp đứng ra bảo đảm, theo những gì đã được nêu lên trong nguyên tắc:
   - " Mọi người đều có quyền hành động trước cơ quan tư pháp để bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của mình " ( Điều 24, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)
trước các phiên toà thường nhiệm cũng như trước cơ quan tư pháp hành chánh.
Còn nữa,
   - " Đối với những ai không có phương tiện, qua những cơ quan và phương tiện được thiết lập nhằm mục đích, cũng được bảo đảm để tác động và bênh vực mình trước mọi phiên toà " ( Điều 24, đoạn 3, id.).
 
Những gì vừa kể cho thấy đối với vấn đề bảo vệ quyền và lợi thú của người dân,  Quốc Hội không thể đặt giới mức , loại trừ hay giới hạn vào những phương thức tố tụng  cá biệt hay chỉ đối với những loại tác động đặc biệt nào đó.
Người dân có quyền hành động, khởi tố trước mọi phiên toà và bằng mọi phương thức để bảo vệ quyền và lợi thú của mình bị cơ quan công quyền vi phạm một cách bất chính, dù cho hành động đó thuộc loại chính trị,  quân sự, kinh tế, ngoại giao hay gì gì đi nữa cũng vậy. Người dân bị thiệt thòi có quyền tố cáo trước cơ quan tư pháp đối với bất cứ ai và bất cứ hành động nào vi phạm đến quyền và lợi thú chính đáng của mình ( Điều 24, id.) ( L. n. 1034 del 1971).

Không những vậy, người dân còn được cơ chế Quốc Gia tiên liệu cho có được những phương thể thoả đáng để " khởi tố và được bênh vực hay tự biện hộ " , bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người, khác với cách đối xử " chửi bới, đánh đập, trấn nước, bịt miệng " không thua gì súc vật của một loại chế độ " đỉnh cao trí tuệ " nào đó.

Dân chủ của thiên hạ là vậy.
Hy vọng những nguyên tắc vừa kể sẽ không vắng bóng trong Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ tương lai của Việt Nam.