Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hồi Ký Tâm Sự Người Lính

Tâm Sự Người Lính PDF Print E-mail
Tác Giả: Hieunguyen11   
Thứ Tư, 22 Tháng 8 Năm 2012 21:04

Thắm thoát gần bốn mươi năm rồi mà tôi vẫn còn nghĩ nhiều về đời Lính không thể nào quên được với những ngày tháng miệt mài chiến đấu đã qua.

Ước gì được trở về những ngày xa xưa đó để sống lại với những cái buồn cũng như cái vui mà ở ngoài không có được. Thanh niên trong thời chiến mà không được đi Lính là một thiếu sót lớn lao trong phần đời của mình. Lúc vào Lính tuổi đời chỉ mười chín còn quá trẻ, hai chữ Tổ Quốc với tôi lúc đó thì bao la quá, tôi chỉ biết đi Lính để giết VC và giữ yên vui làng xóm cho người dân miền Nam. Giờ thì tóc đã điểm trắng mái đầu người phiêu bạt thì hai chữ Tổ Quốc thật thiêng liêng gắn liền với mình vì đất nước đang nằm trong tay kẻ thù.

Sau Khi được trui rèn qua những ngày tháng ở quân trường tôi đã trở thành một người Lính dày dạn sẵn sàng chiến đấu với quân thù, nằm gai nếm mật. Mỗi địa danh đi qua là một kỷ niệm, những kỷ niệm có cả vui, buồn, gian khổ, nhớ thương……. Tôi không quên tình chiến hữu sống chết, đói khát có nhau trong lúc chiến đấu, chia nhau từng nắm gạo xấy, từng hớp nước trong bi đông, từng miếng thịt hộp ba lát. Những bạn bè trước đó, không lâu cùng ngồi nhậu chung với nhau thì chiều hôm đó đã ra đi vĩnh viễn, người ở lại với nước mắt lưng tròng.

Có lần một anh lính bị thương bởi một miễng đạn pháo vào ngực, tôi giúp anh y tá đơn vị băng bó tạm thời cho anh chờ tải thương, biết không sống nổi anh thều thào với tôi: “Hãy nói giùm với vợ con tôi rằng tôi rất nhớ thương họ !” Rồi anh trút hơi thở cuối cùng, câu nói đó đã làm anh y tá cùng tôi bật khóc và tôi vuốt mắt cho anh. Người Lính dù chân trời góc bể nhưng lúc nào cũng nghĩ tới gia đình, vợ con.

Hai tuần lễ đơn vị về giữ an ninh cho Trại Cùi Bến Sắn, tỉnh Bình Dương vì VC thường về đây để lấy thuốc trụ sinh khi đồng bọn chúng bị thương, gom thu rau quả do dân ở đây trồng và VC thường về đây để tắm giặt, lấy nước. Những người mang chứng bệnh nan y này sống ở đây như một thế giới riêng biệt, một sáng Chúa Nhật họ đi nhà thờ tôi thấy một đôi tình nhân rất trẻ dắt nhau đi lễ, người con trai đặt bàn tay lên bàn tay người con gái vì những đôi bàn tay này không còn những ngón tay rồi cùng quỳ xuống trong giáo đường để cầu nguyện. Bên ngoài nhà thờ những đôi chim đang tung tăng vui hót trên cành, tôi thấy thật hạnh phúc vì ở đây họ không còn mất nhau nữa!

Những ngày sau đó tôi được 72 giờ phép cùng người yêu đi dạo phố lúc nào tôi cũng nắm thật chặt đôi bàn tay nàng, ngạc nhiên nàng nói: “Sao lần này anh nắm chặt tay em hoài vậy ?” Tôi nói: “Ở Trại Cùi Bến Sắn họ muốn nắm chặt đôi bàn tay người yêu nhưng không được, mình nắm chặt tay nhau được mà sao mình không nắm. Cho dù mình có nắm thật chặt tay nhau nhưng vẫn không hạnh phúc bằng vì ở đó họ sẽ mãi mãi bên nhau,”

Một ngày đơn vị tôi lên giải chốt địch ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vì VC đang chiếm làng, trong làng có một đơn vi Địa Phương Quân bị bao vây nhiều ngày. Một số dân đã di tản, một số ở lại suốt ngày nằm trong hầm để trú ẩn. Một anh Hạ Sĩ tài xế M 113 đến ban chỉ huy Chi Đoàn nói với ông Đơn Vị Trưởng: “Nhà em ở trong làng này và người vợ mới cưới cùng mẹ già còn trong đó xin ông thầy đừng kêu pháo vào làng.” Ông Đơn Vị Trưởng nói: “Được rồi tôi chỉ cho pháo xung quanh làng thôi.” Sau khi chiếm lại được thì nhà anh chỉ bị vài lỗ đạn, anh đưa người vợ mới cưới cùng bà mẹ già đến cám ơn ông Đơn Vị Trưởng. Giờ đây mỗi lần nghe bài hát Chuyện Giàn Thiên Lý là tôi nhớ lại hình ảnh này, “Này anh Lính chiến, người bạn Pháo Binh, anh rót cho khéo nhé kẻo lầm vào nhà tôi, nhà tôi ở cuối chân đồi có giàn Thiên Lý có người tôi yêu…” Tình chiến hữu là đây, tình thương đồng bào là đây mà mỗi người Lính VNCH ai cũng có. Những lòng yêu thương cùng những hình ảnh này vẫn còn phảng phất trong mỗi tâm hồn chúng ta, dù thời gian có bao lâu, dù không gian có bao xa cuối cùng những người chiến đấu để bảo vệ miền Nam thân yêu năm xưa ai cũng yêu Đời Lính.

Tuổi đời đã sáu bó, sức tàn, lực kiệt làm sao chiến đấu được như xưa cho Tổ Quốc, mình giờ đây như một chiếc giường hư, chiếc giường tâm sự rằng: “Thôi, thế là hết. Người ta dựng tôi trong nhà chứa đồ bỏ này, bắt tôi chờ đợi cái gì đây? Bụi trên mái nhà rơi xuống hay chỉ là bụi của tháng ngày dần dà lấp chôn mọi vật? Cái giường không còn mong gì nữa; xưa nay cái giường đã để cho thiên hạ nằm, bây giờ đến lượt nó, cái giường muốn nằm. Nằm nghỉ trên cái gì đây? Lửa đâu, sao không tới thiêu đốt mình ta? Cho ta được thành khói, ra hơi, để bay lên trời thẳm, để chuyển lưu trong kiếp luân hồi? Lửa hồng ở đâu? Ta nhớ rừng xanh! Ta nhớ đời cây! Ta muốn về quê hương, quê hương chung của muôn vật, muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân biệt gì nữa. Lửa hồng ở đâu? Lửa hồng ở đâu?” (Truyện Cáí Giường, Xuân Diệu)

Hieunguyen11
(Viết xong ngày 27 tháng 5 năm 2012)