Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hồi Ký Sức người trong vòng xoay định mệnh

Sức người trong vòng xoay định mệnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Gia Đại   
Thứ Sáu, 12 Tháng 11 Năm 2010 05:20

 Một Định Mệnh cay nghiệt vừa phủ xuống miền Nam từ thành phố về đến ruộng vườn nông thôn sau tháng Tư năm một chín bẩy lăm

Tác giả ghi lại để kính dâng lên hương linh của tất cả các quân dân cán chính của VNCH đã vị quốc vong thân và dâng lên hương linh của tất cả các đồng bào tử nạn trong cuộc chiến tranh trước năm 1975 và sau khi Sàigòn sụp đổ.

 

Khi xâm chiếm xong miền Nam và nhuộm đỏ toàn bộ đất nước, và cái ngày mà Sàigòn sụp đổ thì nhà cầm quyền Bắc Việt đã hoạch định sẵn một kế hoạch khổng lồ và âm mưu thâm hiểm nhằm diệt trừ hết những mầm mống của chế độ cũ VNCH trên con đường đưa miền Nam vào hẳn trong quỹ đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một mặt họ tập trung "cải tạo" hàng triệu viên chức sĩ quan chế độ cũ theo chế độ "học tập 10 ngày" hay "học tập 1 tháng" trong khi hàng triệu người khác phải theo học một khóa ngắn hạn ba ngày tại địa phương.

Mặt khác họ "cải tạo" lại xã hội bằng cách xua đuổi nhân dân trong các thành phố, nhất là tại Sàigòn ra khỏi nơi đang cư trú để đi vùng "kinh tế mới" mà thực tế là những vùng hoang dã chưa khai phá hay nơi rừng thiêng nước độc vắng bóng người, để chiếm đoạt nhà cửa và tài sản của người dân trong mục tiêu củng cố thế lực và triệt tiêu các lực lượng "thù địch".

Mấy năm sau thì họ đổi tiền và mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa lúc ban đầu là khoảng 200 đồng mà thôi, nếu có nhiều tiền hơn thì nó sẽ trở thành tờ giấy trắng vô giá trị. Mục đích của đổi tiền là nhằm "bần cùng hóa" nhân dân để cho dân chúng trong miền Nam vốn giầu có hơn miền Bắc sẽ phải trắng tay và nghèo đói như nhân dân ngoài Bắc để có thể dễ bề cai trị hơn.

Một Định Mệnh cay nghiệt vừa phủ xuống miền Nam từ thành phố về đến ruộng vườn nông thôn sau tháng Tư năm một chín bẩy lăm. Cả miền Nam bị đắm chìm trong đau thương sau những chính sách và biện pháp trục xuất dân đi kinh tế mới, rồi đổi tiền và đánh tư sản của cái chế độ mới tự xưng là chính quyền của nhân dân.

Mọi người dân lành chất phác của một miền Nam hiền hòa phút chốc rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi thương, thẩy đều ngơ ngác bởi từ ngàn xưa đến nay chưa từng xẩy ra trên đất nước và quê hương này bao giờ - chính người Việt đang tiêu diệt người Việt vì ý thức hệ Tư Bản đã bị thay thế bằng thể chế Cộng Sản.

Những con người của chủ nghĩa Vô Sản đang giáng những đòn chí tử vào chính nhân dân họ và reo rắc những nỗi kinh hoàng khắp nơi để làm tê liệt ý chí đối kháng nếu có còn rải rác trong xã hội.

Trong khi đó thì trại giam mọc lên khắp ba miền đất nước để giam giữ, trả thù và đầy đọa những người trước kia đã từng chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của miền Bắc vào miền Nam, và cũng để cô lập các viên chức sĩ quan chế độ cũ khỏi gia đình và ra khỏi xã hội.

Cái chế độ "khoan hồng nhân đạo" và "học tập cải tạo" thực chất chỉ là một nhà tù tập trung vô nhân đạo nhất trên thế giới nhằm giết dần mòn những tù nhân chính trị này từng ngày, từng tháng và từng năm với một cuộc sống tù tội, xúc phạm nhân phẩm con người, lao động khổ sai hàng ngày ngoài nắng mưa của mùa Hè hay sương gió giá lạnh của mùa Đông mà đói khát, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, và phải sinh sống trong những điều kiện vệ sinh hết sức tồi tệ của các trại giam.

Rồi trong các mùa viêm nhiệt tại miền Bắc thì các tù nhân phải hứng chịu các dịch bệnh tiêu chảy và kiết lỵ do vấn đề thời khí quá oi bức, buồng giam chật ních tù nhân, cộng với việc nấu ăn trong nhà bếp không vệ sinh và bảo quản không tốt.

Những dịch bệnh nhất là kiết lỵ tại nhiều trại đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng của tù nhân chính trị với lý do đơn giản là không có thuốc điều trị. Kiết lỵ là một bệnh rất đễ chữa trị nếu có thuốc trụ sinh vì là bệnh nhiễm trùng đường ruột vậy mà nhiều người đã chết vì nó một cách dễ dàng và oan uổng. Thực tế mà nói thì chính ngoài dân chúng cũng còn không có thuốc men thì làm sao mà trong tù có thể có được.

Bởi vậy nếu làm tù nhân trong các nước tiên tiến thì còn có thể giữ gìn được sức khỏe và còn có cơ hội sống sót mà trở về chứ sống trong một xã hội như miền Nam sau ngày Sàigòn sụp đổ thì cũng đã khó mà tồn tại rồi, đừng nói gì là trong bốn bức tường tập trung của trại giam XHCN.

Những đợt dịch bệnh ấy như những làm mây đen bao phủ các trại giam và quật ngã không biết bao nhiêu tù nhân. Nhưng trong những trường hợp bị căn bệnh quái ác này có một trường hợp thật lạ lùng và đối với tôi lúc đó mang tính cách huyền bí là anh Luân, Đại Tá chỉ huy trưởng đơn vị 101.

Khi đó anh Luân đang bị biệt giam tại trại Hà Tây, tỉnh Hà Sơn bình, thì anh bị kiết lỵ, trại cũng chỉ cấp cho Xuyên Tâm Liên và anh dần dần kiệt sức chỉ còn nằm chờ chết vì không ăn uống được gì dù là cháo loảng.

Thế nhưng, có một cái gì thôi thúc anh cố gắng ngồi dậy và dựa vào bức tường trong phòng biệt giam rồi anh chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật Bà Quán Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn. Khi nào quá mệt thì anh nằm xuống nghỉ một chút rồi lại gượng ngồi dậy để chuyên chú niệm danh hiệu Đức Phật Bà trong mấy ngày đêm liên tục.

Trong thâm tâm anh cũng chỉ cầu mong Đức Phật Bà nghe được thì sẽ được Ngài thương xót mà đem anh đi khi anh nằm xuống mà thôi, nhưng như là một phép lạ, anh cảm thấy trong người từ từ bớt đau nhói trong bụng, kiết lỵ cầm dần dần, anh từ từ húp được ít cháo và sức khỏe dần dà hồi phục lại.

Anh đã khỏi bệnh truyền nhiễm này mà không có một viên thuốc trụ sinh nào trước con mắt cực kỳ kinh ngạc của bọn cai tù vì chúng đã bảo bên tù hình sự chuẩn bị làm sẵn một cái quan tài bằng gỗ mộc rẻ tiền để chờ khiêng anh lên ngọn đồi nghĩa trang của trại.

Sau này khi ra khỏi khu biệt giam, anh thực hành quán Thiền với thầy Tông và các anh Trãi, đại tá không quân và anh Đồng Tuy, một người thầy về khoa Tử Vi, và dù có gia đình thăm nuôi sau đó nhưng anh vẫn giữ ăn chay trường. Nhìn anh tóc bạc phơ nhưng lúc nào nói chuyện với tôi, anh cũng nở nụ cười hiền hậu như một tiên ông, tôi cũng học thêm được một nhân cách đáng quí của một con người mà tôi kính phục.

Trước kia khi còn là chỉ huy trưởng của cả một đơn vị quân báo oai hùng, anh vẫn luôn được sự kính trọng của thuộc cấp, bây giờ dù thân tù tội anh vẫn hiên ngang không đầu hàng kẻ địch dù đang sa cơ thất thế nên cuối cùng chúng cũng phải cho anh ra khỏi khu biệt giam. Tôi tin rằng Trời Phật đã ngó xuống và cứu anh trong giây phút thập tử nhất sinh đó bởi anh là một anh hùng.

Một thời gian sau anh được gọi ra thăm nuôi và khi vào trại, anh gọi tôi ra ngồi với anh trên băng đá trong sân thì anh tâm sự với tôi là chính Ba của anh vào thăm nhưng ông ta là người của phía bên kia, không phải người Quốc Gia VNCH mình cho nên anh đã dứt khoát từ chối lời đề nghị bảo lãnh của ông để anh có thể ra tù sớm. Tôi lại càng thêm yêu mến anh hơn vì anh đã đặt lý tưởng và chính nghĩa Quốc Gia VNCH của mình lên trên tình Phụ Tử dù là người cha đó biệt tích đã lâu nay bất ngờ xuất hiện.

Muốn trị các bệnh tật thì phải có thuốc nhưng thuốc men cung cấp cho các tù nhân không có gì ngoài Xuyên Tâm Liên, nó giống như một loại thuốc tễ cao đơn hoàn tán hình viên tròn nhỏ, không ai biết nó được bào chế ra sao, gồm những hợp chất gì, và không biết nó dùng để trị bệnh gì nữa.

Nhức đầu, cảm, sốt cao độ cũng cho Xuyên Tâm Liên, kiết lỵ cũng Xuyên Tâm Liên, đao bao tử cũng nó luôn, có anh khai bị ói mửa cũng Xuyên Tâm Liên. Riết rồi chẳng ai muốn đi khai bệnh xin thuốc làm gì vì đã biết loại thuốc nào mà bệnh xá trại sẽ cung cấp.

Chính vì thế mà trong ba năm đầu tiên chúng tôi bị chuyển ra Bắc, sức người chỉ có hạn trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chế độ ăn uống thiếu thốn nên người nào cũng ốm o gầy mòn dần một cách thảm thương như những bộ xương khô còn cử động bởi vì chúng tôi cũng giống như một sợi giây đã bị kéo ra quá căng rồi. Mỗi lần dịch bệnh tái phát thì có khi đến hàng nửa đội lao động bị bệnh phải nằm tại buồng hay khiêng xuống bệnh xá.

Vào năm thứ hai ở ngoài Bắc thì một đợt dịch Cúm lan tràn vào đến trong trại giam và hầu như tất cả mọi anh em chúng tôi đều bị nó quật ngã vì lúc ấy sức đã quá yếu rồi. Ngoài đó dân chúng cũng rất là sợ cái căn bệnh "ông Cúm bà co" này nhưng vì thiếu ý thức và thiếu kiến thức về bệnh dịch nên một khi nó xẩy ra thì bùng phát rất là nhanh.

Bệnh xá trại không còn chỗ trống và bệnh nhân phải nằm ngay tại buồng giam của mình và không gì ngán ngẩm hơn là các cán bô y tá của họ vào để chẩn bệnh xong rồi cũng phát cho mỗi người vài chục viên Xuyên Tâm Liên rồi quay gót ra đi.

Cuối cùng khi thấy quá nhiều người bị Cúm thì họ tìm cách trấn an người tù bằng hình thức cho các bộ phận y tế của trại vào từng buồng giam để nhỏ nước tỏi vào mũi.

Anh Lạt bạn thân của tôi, là một Thiếu Tá Cảnh Sát đặc Biệt, khi còn ở trại giam Long Thành, miền Nam, năm đầu tiên, dáng người khỏe mạnh rắn chắc như lực sỹ, bây giờ như que củi và nói với tôi rất bi quan rằng có lẽ mình sẽ không qua khỏi được cơn bệnh này.

Lúc đó tôi cũng chẳng khá gì hơn và chỉ biết an ủi anh rằng hy vọng đợt Cúm này sẽ chóng qua, nhưng không ngờ rằng ngày hôm sau thì chính tôi lại bị sốt cao độ và cơ thể đau nhừ khắp người như bị tra tấn rồi mê man không còn biết gì nữa.

Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong bệnh xá trại và các giuờng đầy nhóc tù nhân. Chỉ có hai ngày bị "ông thần" Cúm này tấn công, tôi trở nên hốc hác đến độ các bạn tù xuống thăm không nhận ra tôi nữa dù là họ đang đứng ngay bên giường của tôi và hỏi thăm xem tôi đang nằm ở đâu.

Thế rồi tôi cũng chẳng hiểu sao, từ từ tôi lấy lại sức dù rằng bệnh xá cũng chẳng có gì "bồi dưỡng" ngoài ít cháo loãng mỗi ngày hai bữa, và vừa đứng dậy được thì chúng tôi được lệnh phải ra lao động ngay vì đợt Cúm đã làm cho kế hoạch sản xuất của trại bị chậm lại.

Đội của tôi lúc đó được phân công nhổ cỏ trong những đám ruộng còn ngập nước mà tay quản giáo nói là trại đã "ưu ái" cho lao động nhẹ.

Nhưng không may cho tôi là người chưa khỏe hẳn mà chân ngâm trong nước suốt ngày nên đêm hôm đó tôi lại lên cơn sốt mê man lần nữa.

Người lúc nóng ran lúc lạnh run như lên cơn sốt rét đến độ anh Luận, một Trung Úy trẻ tuổi nằm bên cạnh, phải lấy hai tấm chăn đắp cho mà hai hàm răng tôi vẫn đánh lập cập. Hôm sau tôi và cùng với ba anh nữa được cho nghỉ tại buồng ăn cháo một ngày.

Tôi tin vào Định Mệnh và có lúc cũng nói với anh Lạt lúc hai đứa đang bệnh một câu có vẻ như vô nghĩa nhưng rất thực tế và khôi hài rằng nếu mình không chết thì…mình sẽ sống và cả hai thằng đều mỉm cười.

Sau một năm tại trại Long Thành, miền Nam, và ba năm ngoài Bắc thì hình như Định Mệnh đã mỉm cười với chúng tôi khi mà gia đình trong Nam nhận được thư chúng tôi gửi liên quan đến vấn đề thăm nuôi và các thứ thật cần thiết như nhu yếu phẩm, thuốc men và quần áo ấm.

Tôi tin rằng Ơn Trên và Trời Phật đã nhủ lòng thương xót những tù nhân chính trị này mà xui khiến cho đám vô thần đó mở cửa cho gia đình chúng tôi được ra thăm nom và tiếp tế kịp thời. Nếu trễ một vài năm nữa thì có lẽ nhiều người trong đó có tôi sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời nữa.

Đến khi Mẹ và em gái tôi đến thăm lần đầu tiên, nhìn những loại thuốc tây hiếm quí mà anh thứ Hai của tôi là Quân y nên đã gửi ra rất đầy đủ từ thuốc trị kiết lỵ tiêu chẩy, cảm cúm Contac, B-complex, Aspirin cho đến cả kẹo ngậm ho thì lòng tôi rất vui vì nghĩ rằng mình sẽ có dịp dùng nó để trị bệnh cho mình và cho các bạn bè của mình nữa.

Con người ta sau nhiều năm bị tù đầy giam giữ cũng ví như một cây khô hạn mà sự sống chỉ còn lung linh như ánh nến trước cơn gió.

Cũng bởi vậy mà khi có được các loại thuốc men trong tay thì tác dụng kỳ diệu của các viên thuốc này giống y như thần dược trong các truyện cổ tích mà chúng ta đọc khi còn bé.

Một hôm tôi thấy anh bạn nằm cạnh bên là anh Bạch, Trung Úy trong số mấy trăm anh em từ trại Thạnh Mỹ Tây trong Nam theo tầu Sông Hương chuyển ra Bắc và về cùng trại với tôi đang ghè đầu vào tường.

Tôi lớn hơn Bạch hai tuổi nên coi như anh em nên lấy làm lạ bèn hỏi anh:

-"Ê! Cậu làm sao vậy?"

-"Nhức răng quá chịu không nổi phải ghè đầu vào tường cho bớt đau."

Tôi suy nghĩ mãi vì thông thường thì nếu ở ngoài xã hội thì chỉ có đi Nha sĩ mới chữa được thôi nhưng trong hoàn cảnh này đời nào họ chịu chở tù nhân ra thành phố để...chỉ chữa răng? Đến bệnh trầm kha nhiều lúc họ cũng vất xuống bệnh xá trại và chờ khi nào có chỉ thị mới đưa đi chữa bệnh ngoài tỉnh được nữa là.

Tôi sực nhớ trong tờ giấy anh Hai tôi chỉ dẫn là thuốc Aspirin chữa được các loại đau nhức nhưng không uống lúc bụng đói. Tôi bèn tự đóng vai bác sỹ bất đắc dĩ và lục trong ba lô ra ba viên Aspirin và đưa cho Bạch mà trong lòng cũng cầu cho bạn mình qua được cơn đau nhức này:

-"Anh mình bảo rằng Aspirin chữa được đó, bây giờ cậu ăn ít bánh bột hấp - là phần ăn mỗi ngày của chúng tôi trong khẩu phần 15 kí chất bột cho người lao động - xong rồi uống một viên rồi hai tiếng nữa uống thêm viên nữa xem sao.

Tôi không dám cho uống cùng một dose 2 viên vì sợ quá mạnh cho bao tử.

Bạch nghe lời tôi uống hai viên Aspirin trong hai tiếng đồng hồ và đúng là phước chủ may thầy không hiểu sao anh ta hết đau răng luôn từ đó.

Bạch chưa có gia đình thăm nuôi cho nên tôi bảo anh giữ lại viên Aspirin kia phòng hờ nếu nó có hành đau nhức lại thì uống khi không có tôi bên cạnh. Từ đó chúng tôi thành bạn thân ngoài tình anh em làng giềng nằm cạnh nhau. Bạch là một người rất dễ thương, tính tình nhỏ nhẹ như con gái và thường cười để lộ cái...răng vàng sáng chói.

Năm sau thì anh được tha về và có ghé thăm Mẹ và các em tôi tại Sàigòn kể những chuyện vui buồn khi tụi tôi sống chung trong traị những năm tháng tù đầy cho Mẹ tôi nghe trước khi anh về tỉnh.

Một trường hợp nữa về sự diệu kỳ của thuốc gia đình gửi vào là một ngày khi tôi đang nằm ở từng trên thì thấy có ai giựt chân mình, hóa ra là anh Nhơn, Đại Úy pilot trực thăng.

Tôi cũng thường là một khán giả hay nghe Nhơn kể chuyện về không quân ngày trước với những chiến công oai hùng của KQ VNCH.

Một trong những truyện làm tôi vô cùng xúc động là về người anh hùng phi công trẻ tuổi nhất của KQVN là Thiếu Tá Nguyễn Dzu, và về sự tàn bạo vô nhân tính như ác quỷ của những người cộng Sản.

Khi anh được vinh thăng Thiếu Tá thì cấp bậc đó đã bị hoãn lại một thời gian vì anh quá trẻ để gắn lon Thiếu Tá. Anh lập không biết bao nhiêu là chiến công kể cả diệt hàng chục xe tăng T-54 của Cộng Sản, phi đội của anh đã chặn đứng cả một trung đoàn địch không vượt qua được con sông Thạch Hãn. Anh luôn tình nguyện lái thay các bạn mình về phép nhưng không ngờ chuyến bay của anh thay cho một người bạn bên bờ sông Thạch Hãn trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm ấy lại là chuyến bay cuối cùng của Định Mệnh oan nghiệt.

Khi phi đội anh hoàn tất nhiệm vụ và lạng cánh bay về thì anh nhìn thấy một cụm pháo phòng không của địch, cụm pháo này đã bắn cháy một khu trục trong trận chiến hôm đó và anh quyết định vòng trở lại một mình bất chấp các bạn trong phi đội can ngăn và khi anh bắn được trái rocket trúng mục tiêu cũng là lúc mà máy bay anh trúng đạn phòng không bốc cháy và anh bị trúng thương nơi chân.

Anh phải nhẩy dù khẩn cấp và không may cho anh là tuy cố gắng để lái chiếc dù về phía bên này bờ sông nhưng gió lại thổi nghịch chiều và anh đáp xuống phía bên kia bờ sông nơi mà địch quân đang kiểm soát, một chân trên bờ một chân dưới nước.

Các bạn anh đều quay lại để tiếp cứu và ngăn được ba lần toán VC và du kích địa phương từ những tàng cây trong rừng nhào ra để bắt anh nhưng đến lần thứ thư thì không kịp nữa vì chúng đã lôi được anh vào trong rừng. Viên Đại Tá cố vấn Mỹ của Không Đoàn khi nghe tin anh vừa bị bắt thì lên ngay tần số và phát thanh liên tục ra ngoài Bắc và yêu cầu họ đối xử tử tế với Thiếu Tá Nguyễn Dzu, nhưng tin tức về anh thì vẫn biệt tăm.

Năm 1973, khi có trao đổi tù binh giữa hai miền Nam Bắc thì có một Hạ sỹ quan của chúng ta được trao trả có khai rằng anh đã phải mục kích cảnh bọn VC và quân Bắc Việt lập tòa án nhân dân trong rừng để xử Thiếu Tá Nguyễn Dzu. Thiếu Tá Nguyễn Dzu vẫn kiêu hùng không khuất phục nên chúng tức quá ra lệnh tra tấn anh, nhưng anh vẫn ngửng cao đầu, rồi chúng điên cuồng lên và ra lệnh hành hình anh bằng tùng xẻo cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng.

Tùng xẻo là cứ đánh một tiến trống thì xẻo một miếng thịt cho đến khi tội nhân chết thì thôi, một thứ hành hình dã man như thời Trung Cổ mà chỉ có VC còn áp dụng trong thế kỷ thứ 20 này.

Anh Nhơn cũng kể rằng trong các cơ khí sửa máy bay có một anh Hạ sỹ quan rất giỏi về khoa Tướng số có xem cho Thiếu Tá Nguyễn Dzu rằng anh có đại nạn về sông biển và nên cho anh ta đi theo trong một phi vụ trực thăng nào đó ra ngoài biển với Thiếu Tá Dzu thì anh hy vọng có thể cứu mạng được.

Thế rồi chiến sự lan rộng và quá căng thẳng những tháng ngày năm 1972 của Mùa Hè Đỏ Lửa và Thiếu Tá Dzu phải bay liên tục để yểm trợ quân bạn, không có một giây phút nào nghỉ ngơi và từ từ mọi việc dần rơi vào quên lãng nên người Hạ sỹ quan đó không có dịp "cải số" lại cho người pilot anh hùng tên Dzu. Âu cũng là Định Mệnh.

Dòng tư tưởng của tôi chợt bị ngắt quãng bởi câu hỏi của anh Nhơn và mấy cái lay chân của anh:

-"Nghe nói toi có thuốc trị tiêu chẩy phải không, để cho moi vài viên?

-"Xin lỗi nẫy giờ mình đang nghĩ về câu chuyện khác nhưng mà ông biết là tôi có bao giờ bán thuốc tây đâu chỉ dùng nó để chữa bệnh thôi, nhưng ai bị vậy?"

-"Ông Bẩy Bớp nằm dưới kia kìa, hai ngày nay có ăn uống tí cháo nào đâu?"

-"Ông đưa cho ông ấy uống ngay một viên Imodium này, đây là loại tốt nhất mới có và nói ông ấy ráng húp ít cháo đi và tối uống thêm viên nữa, khỏi nói là thuốc của tôi nghe.

Thuốc Imodium khi ấy trị liệu như thần và sau khi uống hai viên xong thì ông Bẩy Bớp đi lại được và không còn bị đi cầu nữa. Bẩy Bớp là biệt danh mà không biêt anh em nào đã đặt cho ông Tân là một người tù trong thành phần Đảng Phái cũng bị giam giữ.

Trước cửa buồng chúng tôi là một cái sân nhỏ và một bể chứa nước bơm vào từ nhánh sông Hồng cạnh con đê.

Buổi chiều trước khi kẻng điểm danh vào buồng thì chúng tôi hay đi bộ trong sân. Một hôm sau khi họ "biên chế" lại các buồng thì có một số anh chuyển qua buồng tôi và tôi chú ý thấy một anh đang cố chống gậy tập đi đi lại lại trong sân. Tôi bước lại hỏi thăm thì hóa ra là anh biết tôi do bạn bè nói vì tôi có thuốc tây nhưng anh rất ngại nên không tiện mở lời trước, tên anh là Chính, Thiếu Tá quận trưởng, anh nói:

-"Bà xã moi viết thư sắp ra thăm nên mấy hôm nay moi cố tập đi lại vì hai chân suy dinh dưỡng nên đã rất yếu, moi không muốn bà xã ra gập moi trong tình cảnh chống gậy như thế này thì tội nghiệp cho bà ấy lắm nhưng không biết phải làm sao. Nghe nói toi có thuốc bổ nên không biết nó có giúp gì được không?"

Tôi lại tìm trong các loại thuốc bổ ông anh gửi vào và đọc kỹ lại tờ hướng dẫn. Cuối cùng buổi tối hôm đó tôi đến chỗ anh nằm và đưa tặng anh một vỉ B-Complex của Pháp vì trong đó nó có B1, B-6 và B-12 hy vọng có thể làm cho hai chân anh mạnh hơn.

Sau khi anh uống hết vỉ B-Complex đó, tôi rất vui mừng vì anh đã bỏ được chiếc gậy và lững thững đi được từng bước một. Tôi bèn biếu anh một vỉ nữa và quả là như một phép lạ, hai chân anh trở nên vững hơn và anh đi lại được gần như thường.

Hôm mà bà xã anh đến thăm thì cũng đúng lúc anh bỏ được cây gậy, mặc vào người bộ áo Treillis mà trại phát một cách oai hùng như xưa mà ra gập vợ.

Khi anh trở vào trại sau lần thăm nuôi đó thì anh rất là vui và tinh thần phấn chấn hẳn lên và nắm tay tôi:

-"Cám ơn toi nhiều nhe, nếu không có thuốc của toi thì chắc bà xã mình khóc hết nước mắt rồi, vì moi không muốn thấy vợ mình khóc trước mặt bọn chúng, toi hiểu không?". Tôi gật đầu nói:

-"Anh may mắn lắm đó vì tôi chỉ có độc nhất hai vỉ B-Complex gia đình gửi cho chứ chẳng có thuốc bổ nào khác cả."

Tối hôm ấy anh mời tôi và một số bạn đến chỗ anh nằm để thưởng thức trà và cà phê ngon gia đình mới đem vào, và từ đó tôi trở thành một người bạn thân mà anh thích tâm sự.

Thời gian khi chúng tôi chuyển trại vào Hàm Tân, trong Nam thì lúc đó mới có loại trụ sinh Amoxycilin thay thế cho loại Ampicillin đã lỗi thời vì Amox có thể uống bất cứ lúc nào không cần bụng đói như Ampi. Có lần chính tôi bị viêm họng, cổ họng vừa đau rát lại mẩn đỏ nên ăn uống không được, may có anh bạn nằm đối diện là Lê Văn Hoan, Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt, đưa cho tôi có một viên mà uống xong thì ngày mai thấy hết ngay bịnh. Quả là thần sầu thuốc men trong tù.

Luận, anh chàng nằm cạnh tôi trước kia, mà không biết ai đặt tên cho là "Nhái" có lẽ vì nhỏ con, một lần nói với tôi rằng:

-"Ông mà cho người ta thuốc men thì…ông khỏi phải uống nó chứ có sao đâu".

Sau này khi mà tôi có cơ duyên gập được thầy của tôi là Thầy Tâm thì thầy cũng bảo tôi rằng trong tù thuốc men rất là quí hiếm, một phần mình uống để chữa bệnh cho mình và một phần mình đem cho anh em là rất có phước. Cái Tâm tốt của mình truyền vào viên thuốc đó sẽ giúp cho viên thuốc bội phần công hiệu.

Chính nhờ vào tình thương yêu ruột thịt của gia đình đùm bọc và cưu mang nên tôi cũng như hàng chục ngàn người tù khác đã có được sự tiếp tế liên tục trong suốt bao nhiêu năm trời mà tôi ví như nước Cam Lồ tưới vào các thân cây khô héo. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi, người có dư lại giúp đỡ những người thiếu thốn hay người ít có thân nhân đến thăm hay gửi quà, nên đa số chúng tôi sức khỏe dần hồi phục và tinh thần cũng hưng phấn, thêm sức chịu đựng để chờ ngày ra khỏi trại về đoàn tụ với những người thân yêu.

Kể từ đó tôi bắt đầu tin rằng con người ta có số mạng. Số chúng tôi không chết trong tù nên xui khiến cho gia đình đã gửi bưu phẩm và đến thăm nuôi kịp thời.

Trong thời gian ở trại Ba Sao Nam Hà ngoài Bắc, tôi có ở chung trại với anh Nguyễn Phát Lộc, Quyền Đặc Ủy Trưởng của Phủ ĐUTƯTB.

Anh là tác giả của cuốn Tử Vi Hàm Số rất nổi tiếng xuất bản trước năm 1975, không may là anh bị bạo bệnh và được ra ngoài thị xã chữa trị nhưng cũng không thuyên giảm. Anh vẫn thường nói với anh em chúng tôi rằng số anh không chết trong tù.

Một hôm anh có gia đình đến thăm nuôi nhưng anh sức đã quá yếu không đi nổi nên phải cáng trên băng ca đưa anh ra khu thăm nuôi ở ngoài trại khoảng vài trăm thước và ngày hôm sau thì anh qua đời trong vòng tay của những người thân ruột thịt của anh.

Anh xem cũng đúng, vì khi anh mất anh không ở trong vòng rào của khu trại giam.

Tôi cũng tin vào Định Mệnh An Bài như anh Đồng Tuy đã chỉ dậy cho tôi một phần trong khoa Tử Vi: "Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định" tức là "Một miếng ăn, một miếng uống là đều có định trước".

(Những người tù cuối cùng-Phạm Gia Đại)
 
Phạm Gia Đại