Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Để tưởng nhớ ông Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Để tưởng nhớ ông Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ   
Chúa Nhật, 13 Tháng 3 Năm 2011 10:08

Trích dẫn tác phẩm Tìm Hiểu Danh Nhân của Gs Nguyễn Phú Thứ

 Riêng ở thành phố Mỹ-Tho, du khách không những thấy tượng Ông Thủ-Khoa-Huân (1830-1875), mà còn thấy Trường Trung Học Nguyễn-Ðình-Chiểu (Trường này ra đời từ năm 1879 dưới danh xưng Collège de Mỹ-Tho, sau đó trở thành tên của Thống Ðốc Pháp là Collège Le Myre de Vilers và sang thập niên 1950 đổi lại là Trung-Học Nguyễn-Ðình-Chiểu) và Trường Trung Học Lê-Ngọc-Hân (tên công chúa của vua Lê-Hiển-Tôn, gả cho Nguyễn-Huệ tức vua Quang-Trung Nguyễn-Huệ sau này).

Nếu du khách muốn đi thăm viếng mộ Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu ở ấp Vĩnh-Ðức-Trung, làng An Ðức, quận Ba-Tri, Tỉnh Bến Tre (Kiến-Hòa trước kia), trước hết phải đến Mỹ-Tho thuộc Tỉnh Tiền-Giang (Ðịnh-Tường trước kia) tìm bến bắc Rạch Miểu, để qua con sông Tiền Giang, kế đến lấy xe đò đi về Thị Xả Bến-Tre khoảng 12 cây số, rồi đi tiếp về quận Ba-Tri khoảng 35 cây số, đến đây hỏi lăng mộ Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu ai cũng biết, chúng ta dùng xe gắn máy để đi vài cây số tới nơi.

Ảnh tác-giả đứng trước Lăng mộ Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu vào Hè 2001

Nhân đây, để tìm hiểu con người Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu, xin trích dẫn sơ-luợc tiểu sử và sự nghiệp của Ông như sau :

Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu, sanh giờ Dậu (tức từ 17 giờ đến 19 giờ tối), ngày 13 thuộc Bính-Tuất, tháng 5 thuộc Ngọ, năm Nhâm Ngọ âm-lịch (nhằm ngày 1-07-1822 dương-lịch), tại làng Tân-Khánh, tổng Bình-Trị-Thượng, quận Bình-Dương, phủ Tân-Bình, Tỉnh Gia-Ðịnh. Con của Ông Nguyễn-Ðình-Huy, hiệu Dương-Minh-Phủ, sanh năm 1793, quê quán ở Xã Bồ-Ðiền, Quận Phong-Ðiền, Tỉnh Thừa-Thiên (Huế), theo dưới trướng Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt về Gia-Ðịnh để làm thơ lại nơi Văn-Hàn-Ty, là người con thứ ba của Ông nội là Ông Nguyễn-Ðình-Ánh. Và con của Bà Trương-Thị-Thiệt, ở làng Tân-Thới, quận Bình-Dương, phủ Tân-Bình, Tỉnh Gia-Ðịnh. Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu là con trưởng nam (đầu lòng) thuộc dòng thứ và có 6 người em như sau : Nguyễn-Thị-Thục sanh 1825 - Nguyễn-Thị-Nữ sanh 1827 - Nguyễn-Thị-Thành (chết hồi nhỏ)- Nguyễn-Ðình-Tựu (1837-1854 ) - Nguyễn-Ðình-Tự (1839-1891) và Nguyễn-Ðình-Huân (1841-1862) là người kháng chiến quân chống giặc Pháp, bị tử trận năm 1862. Do Vậy, Cha Mẹ Ông sanh được 4 trai và 3 gái.

Còn dòng chánh của Ông Nguyễn-Ðình-Huy với Bà Phan-Thị-Hữu, người ở cùng quê quán, sanh được 2 con là : con trai Nguyễn-Ðình-Lân và con gái Nguyễn-Thị-Thu.

 

Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu (1-7-1822 - 3-7-1888)

Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu là con người không những chống giặc Pháp qua thơ văn mà còn chống sự cai-trị của Pháp, bằng chứng như sau: Hợp-tác với Ông Trương-Ðịnh, đến năm 1862, sau khi ba tỉnh miền Ðông (Nam Kỳ) lọt vào tay giặc, gia-đình Ông nhất quyết dời nhà về Ba-Tri (Bến-Tre) sinh sống và Ông từ chối nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc như :Trợ cấp tiền dưỡng lão, trả lại đất ở Tân-Khánh ... của tên chánh tham biện ở Bến-Tre là Ông Michel Ponson, nhưng Ông một mực từ chối. Ðó là hành-động cương-trực của kẻ sĩ lúc nào cũng yêu nước thương dân của Ông đáng ngưỡng mộ và tự hào.

Sau khi Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt mất ngày 25-8-1832 năm Nhâm Thìn, vua Minh-Mạng cử Ông Nguyễn-Văn-Quế thay thế, cùng cử Ông Bố Chánh Bạch-Xuân-Nguyên là cha bà hoàng-phi của vua Minh-Mạng để tiêu-diệt sự dấy loạn của Ông Lê-Văn-Khôi vào năm Quý Tỵ 1833, các quan tòng chánh Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt chạy trốn và mất chức, Ông Nguyễn-Ðình-Huy cùng dẫn Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu lúc ấy được 12 tuổi trở về Huế để gởi gắm cho người bạn làm Thái-Phó (tức chức Thái Y Viện Phó chuyên lo trị bịnh thuốc men trong cung Vua) để lo điếu đãi hầu hạ và được ăn học văn chương thi phú, mãi dến năm 1840 Ông mới trở về quê mẹ ở Gia-Ðịnh tiếp tục ôn tập để chờ thi Hương vào đời Thiệu-Trị năm 1843 Quý Mão và Ông đã đậu tú-tài vào năm 21 tuổi. Năm 1847 Ông được 24 tuổi, Ông ra lại trở ra Huế để chờ khoa thi Hội để lấy bằng Cử-Nhơn năm 1849 Ất Dậu, cùng năm này, vào ngày 14 tháng 4, hải-quân Pháp đã nổ súng vào chiến thuyền của hải-quân nhà Nguyễn tại Cửu Hàn, Ông rất đau lòng khi nghe tin giặc Pháp xâm lăng đến đất nước chúng ta. Phần kỳ thi chưa đến, thì được tin mẹ mất vào ngày rằm tháng 10 năm Giáp-Thân nhằm ngày 10-12-1848 dương-lịch, thọ 48 tuổi, an táng tại phường Tân-Triêm (nay thuộc Cầu-Kho), Ông bắt buộc trở về cùng người với em thứ sáu là Nguyễn-Ðình-Tựu mới lên 10 tuổi theo Ông ăn học, để về chịu tang mẹ, cho nên:“Lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân”.Lòng hiếu tử, đường xá xa xôi, không ngăn được huyết lệ, làm cho đôi mắt Ông đau buốt vì khóc thương mẹ, nên dọc đường bắt buộc phải ghé tìm danh-y thuộc dòng ngự-y tên Trung ở Quảng-Nam để xin tạm trú và điều-trị. Nhưng, bịnh tình của đôi mắt Ông quá nặng, nên không thể cứu giúp Ông được, cho nên Ông phải bị mù từ đấy và chính nơi này Ông lại được danh-y thương tình, vì thấy hoàn cảnh bi-đát mà tận lực chỉ dạy học thuốc của Ông thêm và chu-đáo hơn (bởi vì, trong thời gian ở Huế, Ông cũng được Ông Thái Phó chỉ sơ-luợc về thuốc, vì Ông rất thông minh, hiếu học lại có dóc dáng đẹp và biết lễ hiếu đối với người lớn, làm cho Ông Thái-Phó có cãm-tình đặc-biệt, không những dạy cho Ông về văn-chương thi-phú cũng như cho đọc bộ sách Tính Lý-Tiết-Yếu và Tính-Lý-Ðại-Toàn để thi cử sau này, mà còn chỉ tổng-quát về ngành thuốc nữa), để cứu độ bá-tánh dân-gian sau này. Mãi đến 1 năm sau, Ông về đến nhà chịu tang mẹ và lại gặp cảnh éo-le chua-chát, bị gia-đình hôn-thê họ Võ bội ước lời hứa trước kia khi Ông thi đậu tú-tài năm 1843, gia-cảnh càng ngày càng sa-sút, cho nên Ông đóng cửa cư tang mẹ tròn 3 năm (có lẽ trong thời gian này Ông viết tác-phẩm Lục-Vân-Tiên và Dương-Từ Hà-Mậu ?!. Bởi vì, Ông là người thông hiểu thế nào tình lý cuộc đời, đối với đất nước và tình cảnh gia-đình lúc bấy giờ, cho nên Ông đã viết lên 2 tuyệt-tác để gói trọn tâm-tư và để phổ biến cho đồng bào thân thương của Ông) và đến cuối năm 1851 sau khi mãn tang mẹ, Ông mở trường dạy học, làm thầy thuốc và sáng-tác thêm.

Từ đó, xa gần nghe danh tiếng Ông đến xin chữa bịnh và đưa con em đến học-hành thọ nghiệp rất đông và Ông được mọi người kính trọng với tên Ông Ðồ Chiểu. Trong đám học trò của Ông, có Ông Lê-Tăng-Quýnh, người làngThanh-Ba, quận Phước-Lộc, Quận Cần-Giuộc, Tỉnh Gia-Ðịnh, rất thương kính hoàn-cảnh gia-đình neo đơn và tình cảnh éo-le của thầy, nên mới trình-bày cùng song thân để xin gia-đình chấp-thuận gả em gái thứ năm của mình là Bà Lê-Thị-Ðiền (*) vào năm 1854, từ đó cuộc sống bớt cô-đơn và yên vui bên mái ấm gia-đình trong tình thương-yêu, quý trọng của đồng-bào và học-trò của Ông.

Ông Bà Nguyễn-Ðình-Chiểu, sanh được 4 trai và 3 gái như sau :

1.- Bà Nguyển-Thị-Huơng, còn gọi là Nguyễn-Thị Ðình-Liên (1855-1814), mộ chôn tại làng Mỹ-Thạnh, có chồng họ Cao.
2.- Ông Nguyễn-Ðình-Chúc, thường gọi Thấy Ba Sáng (1858- 1903), mộ chôn tại Trung-Lương (Mỹ-Tho), có vợ là Bà Bùi-Thị-Sâm,sanh được 2 con trai.
3.- Bà Nguyễn-Thị-Xuyến (1861-1922), mộ chôn tại làng Phước-Thới (Mỹ-Tho), có chồng họ Hồ.
4.- Nguyễn-Thị-Khuê (1864-1922), tự Nguyệt-Anh, còn gọi Cô năm Hạnh, có chồng là Ông Nguyễn-Công-Trình, khi chồng mất, bà thêm chữ Sương trước tên Nguyệt-Anh, mất ngày 12-12 năm Canh-Thân 1922, mộ chôn tại làng Mỹ-Nhơn, đến năm 1959 được cải táng về nằm cận kề với cha mẹ là Ông Bà Nguyễn-Ðình-Chiểu.


    Quang cảnh các ngôi mộ của gia-đình Ông Bà Nguyễn-Ðình-Chiểu

Nếu chúng ta nhìn bên trái từ cổng lăng mộ Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu, thì thấy 3 ngôi mộ của gia-đình Ông Bà Nguyễn-Ðình-Chiểu. Năm 1958 được tu bổ, mộ Ông nằm giữa có khắc chữ nhật (mặt Trời), mộ Bà nằm bên trái có khắc chữ Nguyệt (Mặt Trăng) và mộ con Ông là Bà Nguyễn-Thị-Khuê tức nữ-sĩ Sương Nguyệt-Anh (1864-1921) được cải táng năm 1959.

5.- Ông con trai thứ sáu mất khi con nhỏ.
6.- Ông Nguyễn-Ðình-Chiêm (1869-1935), tự Trọng-Vĩnh, hiệu Sơn Ðẩu, mất ngày 4-7 mộ chôn tại làng Mỹ-Nhơn, có vợ là Bà Tạo-Thị-Quyền, ở làng An-Bình-Ðông.
7.- Ông Nguyễn-Ðình-Ngưỡng, thường gọi là Hưởng, tự Di-Cao (1882-1913), mất ngày 26-4 âm-lịch, mộ chôn tại làng Mỹ-Nhơn.

Trong 6 người con còn lại, có Bà Nguyễn-Thị-Khuê, người thứ năm, dáng hình ốm yếu, tánh nết điềm đạm, học giỏi chữ nho hay làm thơ văn rất tao nhã, đã từng làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung vào năm 1918 là tờ báo phụ-nữ đầu tiên ở Nam Kỳ và Bà cũng là người kế thừa xứng đáng văn-tài của người cha. Ngoài ra, còn có Ông Nguyễn-Ðình-Chiêm là người thứ sáu cũng nối gót người Cha, dạy học, làm thầy thuốc, cũng sáng tác thơ văn tao nhã, nhứt là viết các vở tuồng Phấn-Trang Lầu, Nam Tống Trinh Trung, Phong Ba Ðình v.v. Còn 4 người con khác cũng tiếp nối nghề Cha, nhưng không nổi tiếng bằng.

(*) Bà Lê-Thị-Ðiền, sanh năm Ất-Mùi 1835 thuộc con nhà khá giả, người cha làm cai tổng ở Xã Thanh-Ba, quận Phước-Lộc,Tỉnh Gia-Ðịnh. Bà lớn lên trong hoàn-cảnh gia-phong khuê-các, lại nổi tiếng tài-sắc một vùng, biết bao thanh-niên nhà quyền quý đến dạm hỏi, nhưng bà đề từ-chối khéo. Ông anh Lê-Tăng-Quýnh đã nhiều lần nhắc nhở việc thành lập gia-đình, nhưng bà thung dung đáp : “Việc gì vội, nếu sau này dù gặp người đui mù mà xứng đáng cho em tôn sùng, em cũng cứ vui lòng”, rồi đành bỏ qua. Kế đến, Ông anh khâm-phục văn-tài của Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu và trở thành thầy dạy học. Từ đó, Ông anh thông-cảm gia-cảnh neo đơn và kính-trọng tài-đức của Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu, nên tìm cách bắc nhịp cầu trai tài, gái sắc bằng cách thuyết-phục thầy chịu lấy vợ, một mặt nhắc lại lời nói của người em trước kia, rồi hướng-dẫn người em đến nhà thầy để có dịp quan-sát biết rõ hư-thực tại chổ. Sau một thời gian ngắn dò xét, Bà Lê-Thị-Ðiền mới chấp nhận thành lập gia-đình với thầy là Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu.

Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu trước có lấy biệt hiệu là Mạch-Trạch hay Trọng-Phủ, nay đôi mắt đã mù, nên Ông lấy thêm biệt hiệu Hối-Trai. Kể từ Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu kết-hôn với Bà Lê-Thị-Ðiền, thì gia-cảnh Ông được đầm ấm hơn, bởi vì được Bà săn sóc chu đáo từ thức ăn, giấc ngủ, manh quần tấm áo, để Ông có nhiều thời giờ dạy học và làm thuốc để giúp đời theo lý-tưởng của Ông, dù rằng việc làm đó không đem lại cho sự sanh sống đầy đủ cho gia-đình, mà phần lớn đều do gia-đình bên vợ trợ-giúp và tài đảm-đang của Bà. Ngoài ra, Bà đã góp phần vào cuộc chống giặc Pháp, với vai trò thơ ký về văn-chương chữ nghĩa cho Ông, để ngày nay chúng ta đọc được những tác-phẩm như : Lục-Vân-Tiên - Dương-Từ, Hà-Mậu (được bổ-túc cho hoàn-chỉnh với thời cuộc) - Gia-Huấn Ca - Tam-Thập Lục-Nạn và những thơ văn yêu nước khác như : Văn Tế Nghĩa-Sĩ Cần-Giuộc, Long An (1862) - Văn Tế và 12 bài thơ điếu Ông Trương-Ðịnh (1864) -Văn Tế Nghĩa-Sĩ Trận Vong Lục Tỉnh (có thể sau 1874 chăng?) - 10 bài thơ điếu Ông Phan Tòng - Ngư Tiều Vấn Ðáp v.v. Ngoài ra, Bà còn bổn phận nuôi các con ăn học thành tài, cho nên ngày nay chúng ta còn thấy tên chợ Bà Chiểu, có phải chăng để ghi nhớ công lao Bà ?

Riêng Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu vì đôi mắt mù, nhưng có tâm hồn vì đất nước và dân-tộc chống giặc Pháp qua văn thơ chữ nghĩa, người đời đã từng khen tặng Ông là: nhà văn thơ lớn dân-tộc, yêu nước nồng-nàn chống giặc Pháp, có một tấm gương chói ngời bất-khuất, kiên-trì không mệt mỏi để chống mọi thủ đoạn của quân ngoại xâm, qua những tác-phẩm có nội-dung tranh-đấu kiên-cường, làm giặc Pháp phải kính nể, quả thật Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu đúng là Ông già Ba-Tri nơi lăng mộ của Ông tôn thờ tại đây. Trong tương lai ngôi mộ của Ông sẽ được tùng tu một lần nữa rộng lớn hơn về phía tay mặt.

Nơi quận Ba-Tri này, còn có các lăng mộ của các Ông: Phan-Thanh-Giản, Phan Tòng, Phan Liêm, Phan Tôn và những danh nhân khác đã từng chống giặc Pháp.

Nhân đây, xin trích-dẫn sơ-lược tổng-quát tiêu-biểu văn thơ của Ông Nguyễn-Ðình-Chiểu để quý độc-giả tường-lãm ý-chí, tâm tư lúc nào cũng gắn bó đối với đất nước và dân-tộc ví như sau :

“ ... Bỏ nhà, lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ, bầy chim dáo dác bay,
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây,
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn này! “
(Bài thơ Chạy Giặc)

“ Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,
Chúa xuân đâu hỡi có hay không?
Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng,
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
....
Chừng nào thánh đế ơn soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông ...”
(Bài thơ Xúc Cảnh)
Hoặc là :
....
Một trận bão rồi bờ cõi sạch,
Trời Thu như cũ mãi không hao ... “
(Bài thơ Trời Bão)

“Dân mà mê đạo Tây rồi,
Nước người muốn lấy mấy hồi phòng lo,
Dầu ai tránh khỏi mê đồ,
Lại thêm nha phiến trao cho hút liền.
Tối ngày ôm những ống đèn,
Nào rồi lo việc đánh phiên, dẹp loàn”
(Tác phẩm Dương-Từ, Hà-Mậu)

”... Ngày nào trời đất an ngôi cũ,
Mừng thấy non sông bặt gió Tây ...”
(Tác phẩm Ngư Tiều Vấn Ðáp)

”... Từ thuở Tây qua cướp đất,
Xưng tân trào gây nợ oán cừu .
...
Kể mười mấy năm trời khốn khó: bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết,
Trẻ già nào xiết đếm tên, đem ba tấc hơi mỏn bỏ liều,
Hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng,
Quen lạ thảy đều rơi nước mắt ...”
(Văn tế Nghĩa-sĩ Lục Tỉnh)

“ ... Sống làm chi theo quân tả đạo,
Quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn,
Sống làm chi ở lính mã tà,
Chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thểm hổ.
...
Bát cơm manh áo nợ đời,
Mắc mớ chi ông cha nó.
...
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
...
Ðau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ,
Ngọn đèn khuya leo lét trong lều,
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng,
Con bóng xế dật dờ trước ngõ ..”
(Văn tế Nghĩa-sĩ Cần Giuộc)

“...Làm người trung nghĩa đáng bia sơn,
Ðứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn
...
Tinh thần hai chữ phai sương tuyết,
Khí phách ngàn thu rỡ núi non ...”
(Thơ điếu Phan Tòng)

“...Vì ai khiến đưa chia khăn xé,
Nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn,
Biết thuở nào cờ phất trống rung,
Hởi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái
...
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa,
Sĩ phu lắm kẻ vui theo,
Tóm muôn dân gây sở mộ binh,
Luật lệ nào ai dám trái.
...
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên-tử chiếu,
Ðón ngăn mấy dăm mã tiền,
Theo bụng dân phãi chịu tướng quân phù,
Gánh nặng một vai khổn ngoại.
....
Chạnh lòng tướng sĩ,
Thương quan tướng, nhắc quan tướng, chiu chít như gà
(Văn tế Trương-Ðịnh)