Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Nguyễn Thị Lộ (1400[1] -1442)

Nguyễn Thị Lộ (1400[1] -1442) PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Tư, 04 Tháng 8 Năm 2010 10:21

Nguyễn Thị Lộ (1400[1] -1442), là vợ thứ của danh thần Nguyễn Trãi và là một nữ quan nhà Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc.


Nguyễn Thị Lộ

  
                    Nguyễn Trãi                                                      Nguyễn Thị Lộ

Cuộc đời
Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp.

Gặp gỡ Nguyễn Trãi
Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành vợ thứ của vị quan này.

Có nguồn[2]cho rằng Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi sau khi ông bị vua Lê Thái Tổ cầm tù và bị thất sủng. Một nguồn khác lại cho rằng cuộc gặp gỡ có thể xảy ra vào năm 1406, lúc Nguyễn Trãi (26 tuổi) đang làm quan nhà Hồ[3].

Tuy nhiên căn cứ vào trang Thông tin Thái Bình[4] thì Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi, trước khi ông vào Tây Sơn tụ nghĩa, và cũng kể từ đó bà đi theo ông suốt trong gần 10 năm của cuộc kháng chiến chống Minh.

Theo Phan Huy Chú thì khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc.[5].
Sau nhiều năm chịu nhiều hiểm nguy và gian khổ, cuộc khởi nghĩa chống quân ngoại xâm thành công. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, phong Nguyễn Trãi tước Quan Phục hầu và cho theo họ Lê của vua.

Được phong quan chức, nhưng kể từ đó vợ chồng bà phải đối mặt với một hiểm họa khác: những mâu thuẫn lục đục trong nội bộ giới thống trị. Sau thắng lợi một năm (đầu năm 1429), vì hiềm nghi, vua Lê cho bắt giết Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Nguyễn Trãi, vì là em họ Nguyên Hãn, cũng bị bắt nhốt một thời gian (1930). Sau, không có chứng cứ buộc tội, ông được tha, nhưng không còn được trọng dụng như trước nữa.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Năm 1437, Nguyễn Trãi được chỉ định cùng với Lương Đăng thẩm định nhã nhạc. Mâu thuẫn nảy sinh giữa hai người, Nguyễn Trãi từ chối việc san định.

Năm 1438, thấy nhà vua còn nhỏ, thích chơi hơn học, Tư Đồ Lê Sát đem chuyện ra bàn. Sau khi nghe Thái bảo Ngô Từ giới thiệu, Lê Sát cho đưa Nguyễn Thị Lộ vào cung làm Lễ nghi học sĩ để lo việc học tập của vua và của các cung nữ (1438).

Ở cương vị mới này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một "minh quân" khác hẳn trước...[6]

Năm 1400, thì Nguyễn Trãi xin về nghỉ ở Côn Sơn, chỉ thỉnh thoảng mới vâng mệnh vào chầu.

Vụ án Lệ Chi Viên


Lược kể
Vua Thái Tông ham sắc, có nhiều vợ, chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ tranh chấp ngôi thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột. Vua truất Hoàng hậu Dương Thị Bí và ngôi thái tử của con bà là Lê Nghi Dân lên 2 tuổi, lập Nguyễn Thị Anh làm hoàng hậu và cho con của bà này là Lê Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem nuôi giấu, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này)[7]

Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của mình[8]

Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến trại vải (Lệ Chi Viên[9] (nay là Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, Nguyễn Thị Lộ bị triều đình do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu sai người bắt giam và tra khảo.

Văn thần Phan Huy Chú chép: Kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước[10] Nhưng theo Nguyễn Cẩm Xuyên, thì vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết. [11]

Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).

Quan điểm của các sử gia
Thời Hậu Lê, khi soạn sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã viết như sau:
Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư? [12].

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1856-1881) có đoạn:
Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây, vua đi tuần du phía Đông, xa giá quya về đến Lệ Chi Viên thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Lời phê: Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. (Nguyễn) Trãi nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự (Nguyễn) Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền? [13]
Phan Huy Chú, văn thần thời Nguyễn, cũng đã viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của mình như sau:

Năm Nhâm Tuất (1442), ông (Nguyễn Trãi) 63 tuổi, vì có vợ tên là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ...Ông có văn chương mưu lược...làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc...[14]

Từ các đoạn sách trên, nhiều thế kỉ qua, cho mãi đến gần đây có người vẫn tin là giữa vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ có quan hệ ân ái, rồi nhà vua bị bỏ độc hay bị sốt rét nặng mà chết[15]...Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong bài viết Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử cũng đã phê phán rằng:
Đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý...[16]

Ngày nay, sau nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học tại quê hương bà Nguyễn Thị Lộ đến năm 2002, nhân kỷ niệm 560 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với một số tổ chức khác đã mở hội thảo khoa học đầu tiên về Nguyễn Thị Lộ tại thôn Khuyến Lương (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Trong cuộc hội thảo, một số nhà khoa học đã chỉ rõ thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông. Bà vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, vì hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông thoát khỏi âm mưu sát hại của bà. Sâu xa hơn, đó là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi - cái luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.

Đề cập đến Nguyễn Thị Lộ, bà được đánh giá là một nữ sĩ tài hoa, có phẩm hạnh cao, là người bạn đời tâm đầu ý hợp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Vậy mà, sau bao nhiêu năm cùng chồng giúp nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng, Nguyễn Thị Lộ lại cùng chồng sẻ chia cái chết thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc. Ðáng buồn hơn nữa, những trước tác của bà bị đốt, bà chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của Nguyễn Trãi trong lịch sử.

Nhận xét về bà, GS. Vũ Khiêu khẳng định: Ít nhất, bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa…Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt.
GS. Ðinh Xuân Lâm cũng đã nêu ý kiến rằng: Cần có sự công khai chiêu tuyết cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học...[17]

Được lập miếu thờ
Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan (tuy nhiên cái chết của bà Lộ phải trải hơn 500 năm sau mới được các nhà sử học minh oan [16]). Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương thuộc phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, và cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể. Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở xã Tân Lễ (huyện Đông Hà, tỉnh Thái Bình) và Lệ Chi Viên nơi xảy ra vụ án nổi tiếng (nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Giai thoại

Bài thơ chiếu gon

Tương truyền một hôm, Nguyễn Trãi trên đường đi chầu về, trời nhá nhem tối thì gặp Nguyễn Thị Lộ. Thấy cô gái bán chiếu xinh đẹp, Nguyễn Trãi cao hứng ngâm mấy câu thơ ghẹo:

Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?

Không ngờ cô bán chiếu cũng ngâm thơ đáp lại:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!

Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp.
Trong sách Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1679-?) có chép câu chuyện này. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện tương truyền, chưa thể xác minh được.

Truyền thuyết rắn báo oán
Một hôm, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ...Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ "tộc" ("họ") qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông sẽ bị hại đến ba họ. Ngày sau con rắn mẹ hóa ra bà Nguyễn Thị Lộ để làm hại ba đời nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy...[18]

Mặc dù câu chuyện được nhiều sách cũ chép đi chép lại, nhưng nhiều người tin rằng nó chỉ nhằm đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi. Ngoài ra, nội dung truyện cũng chẳng có gì mới mẻ mà chỉ là mô phỏng từ các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc. Ngày nay truyền thuyết này đã bị bác bỏ.

Trong văn học nghệ thuật
Vụ án Lệ Chi Viên từng được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học, như: Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ Với Thảm Án Lệ Chi Viên của Hoàng Đạo Chúc (Nxb Văn hóa Thông tin, 2004), Trắng án Nguyễn Thị Lộ của Hoàng Quốc Hải (Nxb Phụ nữ, 2004), Nguyễn Thị Lộ, tiểu thuyết lịch sử của Hà Văn Thùy. Nxb Văn học, 2007) v.v...
Trong các tác phẩm được thể hiện trên sân khấu, có: vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn của Xuân Phong, vở chèo Oan khuất một thời của Lê Chức, vở kịch nói Bí mật Lệ Chi Viên của Hoàng Hữu Đản… Ngoài ra còn có phim tài liệu Bí mật vụ án Lệ Chi Viên từng được chiếu trên VTV1.[19]