Mất họ vì phản nghịch Print
Tác Giả: Tường Linh   
Thứ Tư, 21 Tháng 7 Năm 2010 04:53

Cách chúng ta hàng thế kỷ, dưới chế độ phong kiến có rất nhiều vụ án đã xảy ra, có những vụ được xử công khai, nhưng có những vụ chỉ nêu tên.

 
Đó có thể là sự thanh trừng giữa các phe cánh nhằm tranh giành quyền lực. Ngày nay, tuy những vụ án đó đã lùi xa vào quá khứ nhưng lịch sử vẫn để lại cho con cháu những bài học trong cuộc sống. Điều cốt yếu là phải dựa vào những gì lịch sử ghi chép lại để có thể định rõ giữa công và tội. Pháp luật ngày nay rất nghiêm khắc khi trừng trị kẻ có tội nhưng công minh khi phán quyết ai đó là vô tội.

Lịch sử chép lại như sau: Sau sự kiện trốn đi Tân Gia Ba (Singapore) bất thành, Nguyễn Phúc Hồng Bảo (con trưởng của vua Thiệu Trị với bà Quý tần Đinh Thị Hạnh. Thế phả họ Nguyễn Phúc cho hay Hồng Bảo là người khỏe mạnh, có học nhưng tính tình phóng túng, ít chịu gò bó vào khuôn phép nên thường bị vua cha quở trách. Năm Canh Tý (1840), ông được phong là An Phong Đình Hầu, đến năm Quý Mão (1843) được phong An Phong Công) tự thân nộp mình chịu tội và được vua Tự Đức ân xá, cho lưu lại kinh thành Huế. Nhà vua đã đối đãi tử tế với ông, chu cấp thêm bổng lộc nhằm đảm bảo cho ông một cuộc sống sung túc và an nhàn, để ông quên đi khát vọng đoạt lại ngôi vị. Vì thế, ngoài phần lương bổng được hưởng trước đây, hàng năm, vua Tự Đức còn ban cấp thêm cho Hồng Bảo 500 quan tiền và 500 phương gạo. Vua Tự Đức cũng chăm lo thờ phụng Quý tần Đinh Thị Hạnh, mẹ của Hồng Bảo, như là một cử chỉ để tạo niềm tin và thu phục Hồng Bảo cùng gia quyến ông.

Tuy nhiên, Hồng Bảo không bao giờ quên được ngai vàng. Vì thế, ông vẫn tiếp tục tập hợp bè đảng và tìm cơ hội để mưu phản. Trong một bức thư viết vào năm 1855 in trong cuốn Annales Propagation Foi, Giám mục Pellerin cho biết: sau khi vụ việc bại lộ, Hồng Bảo bị triều đình xử tội lăng trì, nhưng vua Tự Đức đã tha tội chết và đổi thành án chung thân. Triều đình xây mới một ngục thất để giam giữ Hồng Bảo và dự định chuyển ông vào giam ở nơi này nhưng Hồng Bảo không chịu, rồi nhân khi một mình ông đã dùng vải trải giường để thắt cổ tự vẫn.

Vụ mưu phản của Hồng Bảo là một việc tày đình, nhưng sử sách triều Nguyễn ghi chép vụ này rất vắn tắt. Sách Quốc triều chánh biên toát yếu chỉ chép mấy dòng: "Năm Giáp Dần thứ 7 (1854)... Hồng Bảo, mưu nghịch, tự tử (Vì không được lập vua cho nên mưu nghịch. Khi có tội, triều đình đổi ra họ Đinh). Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bậc đều bị xóa tên trong sổ Tôn thất. Sách Đại Nam thực lục cũng chỉ ghi: "Giáp Dần, Tự Đức năm thứ 7 (1854)... An Phong Công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi thắt cổ tự tử ở nơi giam; con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là viên đã chết là Tôn Thất Bật đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân, viên bị cách chức là Đào Trí Phú, phải tội lăng trì xử tử; các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc".

Chính cách ghi chép giản lược trong sử sách triều Nguyễn đã khiến người ta nghi ngờ. Nhiều người không tin việc Hồng Bảo thắt cổ tự tử là thực, mà cho rằng chính vua Tự Đức hoặc Trương Đăng Quế đã ra lệnh ám hại Hồng Bảo để trừ hậu họa, nhưng vì sợ những lời thị phi nên mới đặt bày chuyện Hồng Bảo tự vẫn trong ngục.

Ngay cả con cháu của họ Nguyễn cũng không tin chuyện Hồng Bảo thắt cổ tự vẫn là sự thực nên khi biên soạn thế phả họ Nguyễn Phúc, họ đã viết: "Việc chết của ông (Hồng Bảo) rất mờ ám, ở Quốc triều chính biên toát yếu chỉ chép có hơn 3 hàng; trong Đại Nam thực lục Đệ tứ kỷ chép nhiều hơn nhưng chẳng rõ ràng gì: ông phản nghịch thắt cổ chết. Trong một bài cụ ưng Trình viết (Một quan niệm về phương pháp đọc sử có ghi: lúc cải táng mộ ông dưới triều Khải Định, theo lời kể của cụ ưng Dinh, thuở đó làm Tham tri Bộ Hình, thì trong quan tài có chôn theo một viên đá. Phụ lão ở đó kể rằng, ngày trước họ nghe nói khi ông bị giam có một bức tường sập xuống đè chết ông, nên chôn theo viên đá để làm chứng. Điều đó chứng tỏ thời đó họ đã sắp xếp một cái chết hữu lý cho ông, vì nếu để ông sống cũng khó làm yên lòng vua Dực Tông (Tự Đức) cùng các quan lại quanh vua).

Mặc dù đã chết, nhưng Hồng Bảo vẫn bị buộc tội phải đổi sang họ của mẹ ông là họ Đinh. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Phúc ưng Đạo phải đổi thành Đinh Đạo. Nhưng sự việc liên quan đến gia đình Hồng Bảo không dừng lại ở đây. Tháng 10/1866, Đoàn Hữu Trưng, con rể của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, đã liên kết với Hữu quân Tôn Thất Cúc, một người hoàng phái đang nắm giữ một phần quân đội triều đình, lãnh đạo những dân binh đang tham gia xây dựng Vạn Niên cơ (sau này là lăng mộ của vua Tự Đức) tiến hành một cuộc chính biến mà sử sách vẫn gọi là loạn Chày vôi. Quân khởi nghĩa, với vũ khí chủ yếu là những chiếc chày giã vôi để xây lăng, từ công trường Vạn Niên tiến về bao chiếm Hoàng thành. Vua Tự Đức nhờ sự bảo vệ của Chưởng cơ Hồ Oai nên thoát chết. Đoàn Hữu Trưng tuyên bố phế truất vua Tự Đức và rước hoàng tôn ưng Đạo (Đinh Đạo) lên ngai vàng. Lực lượng trung thành với vua Tự Đức kịp thời phản công và dập tắt loạn Chày vôi ngay trong đêm. Tất cả những người tham gia binh biến đều bị xử tử. ưng Đạo tuy chỉ bị Đoàn Hữu Trưng mượn tiếng để mưu sự, không trực tiếp tham gia cuộc binh biến, nhưng ông cùng mẹ và anh em đều bị triều đình xử tội chết.

Xem ra, vua Tự Đức không phải là một người thực lòng khoan dung như nhiều người từng nghĩ. Ngược lại, ông đã rất thuộc lòng bài học "nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc" mà Trần Thủ Độ đã áp dụng với hậu duệ nhà Lý trước đây.

Tường Linh