Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Tại Sao TT Nguyễn Văn Thiệu Chần Chờ Viết Hồi Ký?

Tại Sao TT Nguyễn Văn Thiệu Chần Chờ Viết Hồi Ký? PDF Print E-mail
Tác Giả: Ý Dân   
Thứ Bảy, 17 Tháng 7 Năm 2010 13:56

Cựu Tổng Thống  Nguyễn Văn Thiệu qua đời ngày 29-9-2001 tại Boston vì bệnh tim.

Những điều bí mật quốc gia  trong thời gian gần 10 năm  dưới quyền lãnh đạo của ông vì thế cũng đã đi theo ông. Những tâm tư , những quyết định đúng ,  sai  của ông  hay những  áp lực  từ  đồng minh Hoa Kỳ hay của Cộng sản Bắc Việt đối với ông đã hoàn toàn chưa được ông tiết lộ công khai trước dư luận

Từ sau biến cố đau thương 30-4-1975, tổng thống  Nguyễn Văn Thiệu phải sống lưu vong lần lượt tại Đài Loan, Luân Đôn và sau cùng định cư tại Boston, Hoa Kỳ nhưng ông vẫn chần chờ trong việc viết hồi ký dù được nhiều người thân cận và ngay cả phu nhân của ông  lên tiếng khuyến khích. Câu hỏi được đặt ra, tại sao tổng thống Nguyễn văn Thiệu ại chần chờ qua 26 năm sống lưu vong mà ông vẫn chưa chịu viết hồi ký?

Trong buổi ra mắt sách “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” tại San Jose vào ngày 27-6-2010 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên tổng trưởng kế hoạch thời  tổng thống  Nguyễn Văn Thiệu đã cho biết vài lý do tại sao tổng thống Thiệu không chịu viếât hồi ký.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng trong những lần trò chuyện với tổng thống Thiệu, ông đã được tổng thống Thiệu cho biết lý do không viết hồi ký vì không muốn vạch áo cho người xem lưng. Trong chương 19 của tác phẩm “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”, tiến sĩ Hưng đã ghi lại câu trả lời của tổng thống Thiệu về việc viết hồi ký như sau: “ Tôi ngồi ở ghế chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, rồi tổng thống tất cả là mười năm trời, tối biết qúa nhiều chuyện, nhưng tôi không muốn vạch áo cho người xem lưng.Người Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng bêu xấu thêm để rồi họ còn cười cho nữa.”

Rõ ràng qua câu trả lời của tổng thống Thiệu với tiến sĩ Hưng, tổng thống Thiệu đã không muốn tiết lộ những điều không hay có thể làm phương hại đến uy tín của ông và liên lụy đến chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến với cộng sản Bắc Việt. Tiến sĩ Hưng cũng thêm rằng, tổng thống Thiệu cũng nêu ra lý do rằng các lãnh tụ Á Châu, không ai viết hồi ký, thế nên ông cũng không viết hồi ký.

Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ngân, phụ tá chính trị của ông tại Luân Đôn vào năm 1983, tổng thống Thiệu cũng cho biết: “Nếu mình  còn muốn làm việc cho quốc gia thì không nên viết hồi ký, vì họ biết tư tuởng của mình thì còn làm việc sao được.” 

Theo bà Nguyễn Văn Thiệu thì mấy năm trước khi ông mất bà có thúc giục ông viết một cuốn hồi ký để lại cho con cháu,ông Thiệu nói:“Để từ từ, tôi còn sống tới năm 2005”.
Tuy thế, có lẻ một lý do quan trọng khác cũng đã ám ảnh suốt cuộc đời của tổng thống Thiệu, chính là cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị sát hại thảm thương trong cuộc đảo chánh vào ngày 2-11-1963.

Trong suốt thời gian cầm quyền, tổng thống Thiệu đã nhiều lần bị áp lực từ Hoa Kỳ, đặc biệt trong việc ký Hiệp Định Paris vào năm 1973.

Trong bức thơ của tổng thống Nixon gởi cho tổng thống Thiệu đề ngày 6-10-1972, ông Nixon  đã viết: “Tôi yêu cầu Ngài cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau nầy một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968.”     

 Phải chăng đây là những lý do mà tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã phải chần chờ trong việc viết hồi  ký?