Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Kỷ Niệm 80 Năm Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-2-1930

Kỷ Niệm 80 Năm Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-2-1930 PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hồng Dũng, Ph. D.   
Thứ Sáu, 19 Tháng 2 Năm 2010 08:47

Các đồng chí hậu duệ của anh hùng Nguyễn Thái Học đã thừa hưởng cái “nhân” can đảm, bất khuất và...

  Nói đến Việt Nam Quốc Dân Đảng, một Đảng cách mạng tiền phong của dân tộc Việt Nam thì ai cũng biết đến cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái năm 1930 và linh hồn của mốc thời gian in đậm nét tinh anh trang lịch sử chính là sinh viên Nguyễn Thái Học, một lãnh tụ trẻ tuổi nhưng thể hiện tấm lòng thiết tha để tranh đấu cho nước nhà không còn bị ách thực dân Pháp cai trị.

Với tấm lòng ấy người thanh niên Nguyễn Thái Học đã cùng với những người đồng chí hướng thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào ngày 25 tháng 12 năm 1927 trong mục tiêu tranh đấu cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.

Anh hùng Nguyễn Thái Học

Ngược dòng thời gian về bối cảnh nước Việt khi triều đình vua Tự Đức ký Hòa ước ngày 5 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1862) tại Sài Gòn giữa chánh sứ Phan Thanh Giản, phó sứ Lâm Duy Hiệp với đại diện Pháp và Tây Ban Nha là Sir Bonard và Guttiere lúc bị mất ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường mở đầu sự đô hộ của Pháp tại Việt Nam. Chiếu theo tinh thần Hòa ước này thì Huế giao cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn, Tây Ban Nha được tự do truyền giáo và buôn bán ở Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên. Dân chúng Việt Nam lúc bấy giờ vô cùng bất mãn trước sự nhu nhược của triều đình nên khắp nơi có các phong trào tự phát đứng ra chiêu nạp nghĩa quân chống Pháp. Tuy tinh thần cao độ nhưng vũ khí, phương tiện của nghĩa quân thô sơ nên hầu như bị Pháp đàn áp một cách dã man.

Thái độ hà khắc, bóc lột của thực dân Pháp đối với dân Việt càng ngày càng cay độc khiến sự thôi thúc về nền tự do, độc lập của nước nhà càng được dịp phát huy dù ý niệm nhân quyền và dân chủ chưa phổ quát lắm. Cuối thập niên hai mươi của thế kỷ XX sinh viên Nguyễn Thái Học thuộc trường Cao đẳng thương mãi Hà Nội cùng nhiều tầng lớp công, nông dân, sĩ phu trí thức, sinh viên học sinh đồng lòng thành lập Đảng cách mạng tiên phong và sinh viên Nguyễn Thái Học được tin tưởng bầu vào chức chủ tịch.

Để phong trào được nâng cao nên nhu cầu một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân tham gia phải được thực thi, điều đáng khâm phục là chỉ trong vòng vài ba năm mà hàng ngàn chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã được tổ chức xây dựng ở cả hai miền Bắc và Trung kỳ cũng như hàng trăm chi bộ trong hàng ngũ quân đội thuộc địa. Về mặt nhân sự thì Việt Nam Quốc Dân Đảng có khá đông người ủng hộ, nhưng phương tiện chiến đấu thì thật thô sơ, súng ống và đạn được phải mua lại từ kho phế thải, hoặc nghĩa quân tự túc trui rèn khí cụ như gươm, giáo, cung tên. Ngày 26 tháng 1 năm 1930 Ban Chấp Hành Trung Ương Viêt Nam Quốc Dân Đảng triệu tập đại hội tại làng Võng La quyết định ngày khởi nghĩa, dùng vũ trang tự tạo chiến đấu bởi lẽ một số cơ xuởng làm súng bị phát hiện và sự phản bội của tên Việt gian là Đội Dương tố cáo với mật thám Pháp nên không cho phép nghĩa quân đứng truớc cơ nguy chần chừ chờ chết.

Cuối cùng cuộc tổng khởi nghĩa đã tiến hành như quy định vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 nhưng rất tiếc do tin tức bại lộ giúp thực dân chuẩn bị đối phó khiến nghĩa quân giao động, dẫn đến cuộc thảm bại với nhiều sinh mạng đảng viên hy sinh, tù đày. Mặc dù thất bại nhưng vầng hào quang khởi nghĩa đã tác động đến tâm tư người dân Việt quyết định chống thực dân Pháp đến hơi thở cuối cùng. Các chiến sĩ nghĩa quân đã tạo dựng khí thế ái quốc cùng khắp nên thời gian ấy đã khơi dậy tiềm lực chống ngoại xâm trong giới thanh niên cao độ.

Sự yếu kém về mặt vật chất đã không làm nao núng tinh thần dâng trào về một quốc gia độc lập khiến quân Pháp vô cùng lúng túng trước những phản ứng mãnh liệt. Nghĩa quân Việt Quốc đã chiếm cứ thị xã Yên Bái nhiều ngày đêm nơi tọa lạc đồn Pháp kiên cố làm thiệt hại quân binh thực dân là trọng điểm giữa cuộc khởi nghĩa lừng danh này, ngoài ra các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, Hải Phòng, Lâm Thao, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Kiến An, Phả Lại đều cùng nhau đồng loạt làm cuộc khởi nghĩa tấn công đến nỗi Pháp phải dùng phi cơ thả bom gây thương vong cho nghĩa quân Việt Quốc tại làng Cổ Am mà ngày nay vẫn còn di tích.

Câu hỏi thường được đặt ra là làm sao Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Người trong thời gian ngắn mà huy động được số lượng nghĩa quân nhất tề hưởng ứng?. Có lẽ phát xuất từ tấm lòng yêu nước nồng nàn của giới thanh niên có uy tín, đứng đắn và đoàn kết để chống lại kẻ xâm lược, sự lãnh đạo đầy mưu trí và can đảm đặt quyền lợi của tổ quốc lên hàng đầu là chìa khóa “nhất hô bá ứng”. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, giới lãnh đạo Việt quốc có khả năng sang Trung Hoa hay Thái Lan ẩn núp, nhưng Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và hàng trăm đồng chí thân cận của Người đã sát cánh bên các toán nghĩa quân để hổ trợ chiến đấu, chỉ huy binh pháp hoặc giải vây đồng đội đến giây phút đưa định mạng của họ về nơi Tiên cảnh. Lòng can đảm đã thể hiện trong từng con tim của mỗi cá nhân khi gia nhập đảng Cách mạng cứu quốc mà khi bị phát hiện thì đầu có thể rơi, nhà cửa gia đình tan nát và nhẹ nhất cũng bị đày đến các vùng Côn Sơn, Lao Bảo, Sơn La chịu hình phạt chung thân khổ sai. Nhưng tất cả những đe dọa đó không áp đảo lại lòng kiên định cho một tổ quốc độc lập, tự do; việc nhân, việc dũng, việc thiện của nghĩa quân đáng trân trọng lên trang sử oanh liệt vì dù có gì đi nữa thì quan điểm rõ ràng của chàng thanh niên nước Việt hai mươi bảy tuổi đời đã gởi một thông điệp phản ánh nhân cách sống của lớp thanh niên bất khuất là “Không Thành Công Thì Cũng Thành Nhân” khiến dư luận trên thế giới vang dội, thách thức Đế quốc thực dân Pháp đứng trước nguy cơ của các thuộc địa nhỏ nhưng tinh thần hy sinh đòi độc lập bằng xương máu thì lúc nào cũng quyết tâm to tác. Phản ứng của những phe nhóm chủ hòa có cơ hội xét lại phương cách đấu tranh và từ đó tiếng vang về cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã thức tỉnh bao tâm hồn đang say ngủ trước thời cuộc. Chính việc khởi nghĩa thất bại này đã kích động lòng yêu nước nồng nàn của tầng lớp thanh niên khắp nước đứng lên đòi thực dân Pháp rút quân về nước trong các cuộc biểu tình đó đây.

Ngày nay Cộng sản thường xuyên tạc lịch sử để thay đen đổi trắng, nhưng về lòng yêu nước của Đảng trưởng cũng như các đồng chí của Người đều phản ảnh đúng đắn và cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái lúc nào cũng được ca tụng. Hãy bỏ qua sự kiện nhà đương quyền Cộng Sản muốn dùng đó như sự “Hoà Giải Hòa Hợp Dân Tộc” thì ít ra lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng gắn liền cùng vận mạng quốc gia bất khả phân.

Dân tộc Việt nam đã bị mất đi những người con ưu tú của đất nước, nhưng bù lại lịch sử cận đại chói lòa ánh sáng nhân bản của các anh hùng vị quốc vong thân. Ngày nay khi nói về Việt Nam chúng ta lại quặn tấc lòng vì tưởng rằng xua đuổi thực dân phong kiến sẽ đem lại nền độc lập, tự do cho quê hương, ai ngờ đảng Cộng Sản thống trị từ năm 1975 đến nay mang bao bất công, nghèo nàn, tham nhũng và sa đọa còn hơn thời thực dân, phong kiến. Nhất là nền văn hóa Lạc Hồng bị mai một sau bao năm thực hiện chủ thuyết Xã hội Macxit trên quê hương. Hàng triệu con dân rời xa tổ quốc, hàng vạn phụ nữ bị cưỡng bức làm thê thiếp xứ người, hàng ức vạn thanh niên bán sức lao động ở mọi quốc gia chỉ để cho ngày hai bữa cơm rau đạm bạc. Tuy thế, nỗi nhục nhằn đó chưa thấm vào đâu khi so sánh với sự đớn hèn của đám lãnh đạo Hà Nội cúi đầu trước phương bắc, chấp nhận thấy đất tổ tiên bị thôn tính vẫn bình thân như vại, ngư dân của mình bị Tàu Cộng bắt cóc, bắn giết mà vẫn ngu ngơ, phản ứng lấy lệ, đất Tây nguyên đã bị khai thác mà hậu quả nghiêm trọng về môi sinh không ai ngó ngàng; ngược lại người dân lên tiếng phản đối, treo khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” liền bị cầm tù và bức hại.

Ôi thôi, càng nói càng đau, càng viết càng cay. Nhân ngày kỷ niệm 80 năm Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, kẻ viết bài này thành kính đốt nén hương tưởng niệm lên chư anh hùng, liệt nữ, hồn thiêng sông núi xui khiến sao cho tim óc những đám chóp bu Hà Nội có được chút “nhân tính” thường tình để đối xử với đồng bào như con dân cùng một quốc gia. Xin ơn trên gieo chút “Nhân” liêm sỉ, nhân tư cách, nhân bảo vệ đất tổ…thì thế nào mai sau cũng có kết quả cho quê hương không còn bao bất công, tham nhũng và nô lệ.

Các đồng chí hậu duệ của anh hùng Nguyễn Thái Học đã thừa hưởng cái “nhân” can đảm, bất khuất và trung kiên vô cùng quý hiếm, giống như gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa đeo ngọc trong chéo áo mà chẳng lấy xài thì uổn phí vô cùng. Do đó, bằng hành động cụ thể trong cách ngồi lại thành tâm tưởng niệm đại lễ Tổng Khởi Nghĩa hôm nay thì cái “quả” dời non lấp bể mới mong đạt an dân lạc quốc, nhược bằng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” thì thật là phụ công của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí của người hơn một lần hiên ngang ngửa mặt trước lúc lên pháp trường ngày 17 tháng 6 năm 1930. 

Tham Khảo: -Việt Nam Quốc Dân Đảng: Hoàng văn Đào -Hoa Cành Nam Ban Tuyên Nghiên huấn VNQDĐ/TN -Website: Vietnamquocdandang.net -Tác giả phỏng vấn: Cụ Phan Như Toản cựu chủ tịch VNQDĐ/TN/ This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it