Home Lịch Sử VN Các Triều Đại Thủ Tướng Hai Mươi

Thủ Tướng Hai Mươi PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Hải Thủy   
Thứ Hai, 22 Tháng 11 Năm 2010 09:23

Ngày 4 tháng Sáu, năm 1964, Thủ đô Washington. Tổng Thống Johnson gặp Ngoại Trưởng Ngoại Giao Phan Huy Quát của chính phủ Nam Việt Nam

trong văn phòng Tổng Thống. Sau cuộc gặp, ông Ngoại Trưởng cho các phóng viên biết tình hình Nam Việt Nam là “ tốt.”



Lời ghi dưới ảnh: “04- June 1964. Washington D.C. President Johnson is shown as he met in his office here to day with South Vietnamese Foreign Minister Phan Huy Quat. After the meeting, The Foreign Minister told reporters the situation in South Vietnam is “good.”

 

Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân – người đứng giữa – đang nói chuyện với các quan Pháp. Người bên phải ông TT Xuân là ông Trần Văn Hữu, người sẽ kế tiếp làm Thủ Tướng Chính phủ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân là Ðại tá trong quân đội Pháp, ông có quốc tịnh Pháp. Nghe nói ông nói tiếng Việt không được sõi.

Thủ Tướng Hai Mươi..!

Tôi bắt chước ông Vũ Bằng Thương Nhớ Muời Hai.

Nhà Văn Vũ Bằng từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 1954. Ðể vợ con ông ở lại Hà Nội, ông vào Nam một mình. Tôi nghĩ vì tưởng rằng – như nhiều người Việt thời ấy – hai năm sau Ngày Ký Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước, nước ta sẽ có cuộc tổng tuyển cử, hai miền đất nước sẽ trở về làm một, ông Vũ Bằng bỏ vợ con ở lại Hà Nội với căn nhà và để giữ căn nhà ông mới mua, ông vay tiền mua căn nhà này.

Người chủ nợ di cư vào Nam, ông Vũ Bằng vào Sài Gòn để làm việc lấy tiền trả nợ. Chuyện nợ tiền mua nhà và mục đích vào Nam để kiếm tiền trả nợ, chờ ngày tuyển cử, đất nước thống nhất, ông trở về Hà Nội với vợ con ông và toà nhà khá lớn của ông, được ông Vũ Bằng kể trong Hồi ký “Bốn Mươi Năm Nói Láo.”

Nhưng, như lời Khổng Minh nói:

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Nhân định như thử, thiên lý vị nhiên.”

Sống một mình ở Sài Gòn quá nhiều năm, nhớ thương vợ con, nhớ quê hương, Nhà Văn Vũ Bằng viết hồi ký theo từng tháng trong năm. Mỗi tháng một chương. Lẽ ra tên hồi ký là Mười Hai Thương Nhớ – Mười Hai Tháng Thương Nhớ – ông đổi ra là Thương Nhớ Muời Hai, nghe gợi cảm hơn.


Thủ tướng Nguyễn Phan Long, ông chủ báo từng làm Thủ Tướng Chính Phủ

Bài Viết ở Rừng Phong ngày 20 Tháng Chín, năm 2010 tôi viết về những ông Thủ Tướng Chính Phủ Quốc Gia trong đời tôi. Kể từ ngày tôi có ông Thủ Tướng thứ nhất trong đời là ông Trần Trọng Kim – năm 1945 – đến năm nước tôi mất, đời tôi không còn Thủ Tướng, là Tháng Tư năm 1975, tôi có 22 ông Thủ Tướng.

Thay vì để cái tít “Hai Mươi Hai Thủ Tướng,” tôi để tít bài là “Thủ Tướng Hai Mươi.” Gọn và gợi chú ý hơn.

Trước ông Trần Trọng Kim, ông Phạm Quỳnh có thể được kể là Tể Tướng của triều đình Bảo Ðại. Nhưng đến ông Trần Trọng Kim, nước tôi mới thực sự có Thủ Tướng. Thủ Tướng Trần Trọng Kim là Thủ Tướng Thứ Nhất của nước tôi.

Ngay trong năm 1945, quân đội Pháp, theo chân quân Anh vào miền Nam Việt Nam giải giới quân Nhật; thực dân Pháp tái chiếm ngay Sài Gòn. Rồi với ý đồ tách rời miền Nam ra làm một nước riêng, Thực dân Pháp thành lập nước Nam Kỳ Quốc.

Nam Kỳ Quốc được Pháp dựng lên ngày 7 tháng 5 năm 1946, với chiêu bài “Nam Kỳ tự trị”. Nam Kỳ Quốc có chính phủ nhưng chính phủ này bị phê phán là “bù nhìn” và phạm tội “ly khai đất nước.” Nam Kỳ Quốc chỉ sống được trong thời gian ngắn rồi bị giải thể.

Thủ Tướng Chính phủ Nam Kỳ Quốc:

1. Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh, làm Thủ tướng ngày 7 tháng 5, 1946, chết ngày 10 tháng 11, 1946

2.  Thủ Tướng Lê Văn Hoạch, làm Thủ tướng từ ngày 29 tháng 11, 1946 đến ngày 29 tháng 9, 1947

3. Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, làm Thủ tướng từ ngày  8 tháng 10, 1947 đến ngày  27 tháng 5, 1948

Thủ tướng  Quốc gia Việt Nam

Chức vụ Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam (1949-1955) được chỉ định bởi Quốc trưởng Bảo Ðại và chịu trách nhiệm với Quốc trưởng.

4. Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, làm Thủ tướng từ ngày 27 tháng 5, 1948 đến ngày 14 tháng 7, 1949

5. Thủ tướng lâm thời. Quốc Trưởng Bảo Ðại kiêm nhiệm chức Thủ Tướng Chính phủ từ ngày14 tháng 7, 1949 đến ngày 21 tháng 1, 1950

6. Thủ Tướng Nguyễn Phan Long, Thủ tướng từ ngày 21 tháng 1, 1950 đến ngày 27 tháng 4, 1950

7. Thủ tướng Trần Văn Hữu, Thủ tướng từ ngày 6 tháng 5, 1950 đến ngày 3 tháng 6, 1952

8. Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, từ ngày 23 tháng 6, 1952 đến ngày 7 tháng 12, 1953

9. Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc, từ ngày 11 tháng 1, 1954 đến  ngày 16 tháng 6, 1954

10.  Thủ tướng Ngô Ðình Diệm, từ ngày 16 tháng 6, 1954 đến ngày 23 tháng 10, 1956.

Tất cả các vị Thủ Tướng Việt đều có văn phòng trong Dinh Gia Long, cùng gia đình ngụ trong Dinh Gia Long. Ðến Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm mới vào làm việc và ngụ trong Dinh Ðộc Lập.

Trong thời kỳ  Ðệ nhất Cộng hòa với Tổng thống Ngô Ðình Diệm (1956-1963), chính phủ Quốc Gia  Việt Nam Cộng Hòa không có Thủ tướng.

Sau cuộc đảo chính 1963, Hội Ðồng Tướng Lãnh chỉ định nhân sĩ vào chức vụ Thủ tướng lâm thời (1963-1965). Ðến 1965, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng với danh xưng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương cho đến năm 1967.

11. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, từ tháng 11, 1963 đến  ngày 30 tháng 1, 1964

12. Thủ tướng Nguyễn Khánh, từ ngày 8 tháng 2, 1964 đến ngày 29 tháng 8, 1964

13. Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, từ ngày 29 tháng 8, 1964 đến ngày 3 tháng 9, 1964

14. Quyền Thủ tướng Nguyễn Khánh, từ ngày 3 tháng 9, 1964 đến ngày 4 tháng 11, 1964

15. Thủ tướng Trần Văn Hương, từ ngày  4 tháng 11, 1964 đến ngày 27 tháng 1, 1965

16. Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh, Quyền Thủ tướng từ ngày  27 tháng 1, 1965 đến ngày 15 tháng 2, 1965

17. Thủ tướng Phan Huy Quát, từ ngày 16 tháng 2, 1965 đến  ngày 5 tháng 6, 1965.

18. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, từ ngày 19 tháng 6, 1965 đến ngày 1 tháng 9, 1967. Danh xưng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương

Trong thời Ðệ nhị Cộng hòa (1967-1975), theo điều 67 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, Thủ tướng điều khiển chính phủ và chịu trách nhiệm  trước Tổng thống.

19. Thủ Tướng  Nguyễn Văn Lộc, từ ngày 1 tháng 9, 1967 đến ngày 17 tháng 5, 1968

20. Thủ tướng Trần Văn Hương, từ ngày 28 tháng 5, 1968 đến ngày 1 tháng 9, 1969.

21. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, từ ngày 1 tháng 9, 1969 đến ngày  4 tháng 4, 1975

22. Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, từ ngày 5 tháng 4, 1975 đến ngày 24 tháng 4, 1975

23. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, từ ngày 28 tháng 4, 1975 đến ngày 30 tháng 4, 1975

o O o

Từ Tháng Tư năm 1945 đến Tháng Tư năm 1975, 30 năm, nước tôi có 23 ông Thủ Tướng. Phải chăng vì ông Thủ Tướng Thứ Nhất Trần Trọng Kim chỉ ở chức vụ Thủ Tướng được trong 4 tháng trời ngắn ngủi mà những ông Thủ Tướng sau ông bị lây cái vận mệnh “chính phủ chết yểu, chết non” của ông.

Tôi rị mọ tính năm tháng cầm quyền của 30 ông Thủ Tướng nước tôi. Dưới đây tôi kể những ông Thủ Tướng cầm quyền không quá 12 tháng:

Thủ Tướng Trần Trọng Kim 4 tháng.

TT Nguyễn Phan Long 3 tháng. [3]

TT Bửu Lộc 5 tháng.

TT Nguyễn Ngọc Thơ 4 tháng.

TT Nguyễn Xuân Oánh 1 tháng.

TT Trần Văn Hương 4 tháng.

TT Nguyễn Bá Cẩn 20 ngày.

TT Vũ Văn Mẫu 3 ngày.

Những ông Thủ Tướng qua đời ở nước Pháp:

Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc, Nguyễn Văn Lộc.

Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn qua đời ở Hoa Kỳ.

Tôi có 4 ông Quốc Trưởng:

Quốc Trưởng Bảo Ðại qua đời ở Pháp.

Quốc Trưởng Ngô Ðình Diệm bị giết ở Sài Gòn.

Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu từ trần ở Sài Gòn.

Quốc Trưởng Dương Văn Minh từ trần ở Hoa Kỳ.

Tôi có ông Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh chết vì tự tử, tôi có ông Thủ Tướng Phan Huy Quát bị Cộng sản bắt giam sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, ông qua đời trong Nhà Tù Chí Hoà.

Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh — Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh bước vào chính trị năm 1926, ông theo phe Lập Hiến với việc tham gia vào Uỷ ban tổ chức Lễ Tang Nhà Yêu Nước Phan Chu Trinh, và sau đó thành lập Ðảng Dân chủ Ðông Dương vào năm 1937. Ông  là hội viên sáng lập của Hội Truyền bá Quốc ngữ Nam Kỳ và Hội trưởng Hội Cứu Ðói Nam Kỳ.

Sau khi tái chiếm Nam Bộ, Thực dân Pháp  thực hiện chính sách  chia cắt nước Việt, tách riêng Nam Kỳ ra thành một quốc gia. Tất nhiên là quốc gia Nam Kỳ này hoàn toàn theo Pháp.

Ðại tá Jean Cedille, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Bộ đã đề cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh huy động nhân sĩ Nam Kỳ để thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ, sau đó lập chính phủ Nam Kỳ tự trị.

Ngày 4 tháng 2 năm 1946, Ðô đốc D’Argenlieu nhân danh Cao ủy Pháp tại Ðông Dương ký sắc lệnh thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ. [1] Hội đồng này gồm bốn thành viên  Pháp, tám thành viên Việt Nam. Trong số thành viên Nam Kỳ có bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.

Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ cử bác sĩ  Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng Lâm thời vào ngày 26 tháng 3 năm 1946, và ủy nhiệm ông thành lập chính phủ lâm thời để ra mắt dân chúng vào ngày 1 tháng 6 năm 1946.

Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ Quốc thành lập vội vã, thiếu sự ủng hộ của dân chúng, bất kể tình cảm và nguyện vọng của dân Việt miền Nam, chính phủ bị ngay chính người Pháp khinh thị và đối xử tàn tệ. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh không có ngân quỹ, không có tài chính, không có quân đội, không có cả trụ sở. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh phải lấy phòng mạch bác sĩ của ông làm nơi làm việc của chính phủ. Ngày 10 tháng 11 năm 1946, quá thất vọng, ông tự sát bằng cách treo cổ tại nhà riêng. [2]

Thủ Tướng Phan Huy Quát — Bác sĩ  Phan Huy Quát từng làm Tổng trưởng Giáo dục (1949), rồi Tổng trưởng  Quốc phòng (1950, 1954) của những chính phủ trong chính quyền Bảo Ðại. Năm 1954 ông tạm rời bỏ chính trường và chính quyền, ông trở về hành nghề bác siõ tại Sài gòn.

Sau cuộc Ðảo chánh 1963, Tướng Dương Văn Minh rồi Tướng Nguyễn Khánh thay thế nhau lên nắm quyền nhưng tình hình chính trị quốc gia rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài. Vì áp lực của Hội đồng Quân lực, Thủ tướng Nguyễn Khánh phải rút khỏi chính trường rồi đi ra ngoại quốc.

Chính phủ dân sự được thành lập do Thủ tướng Phan Huy Quát đứng đầu. Phó Thủ tướng chính phủ là Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Chính phủ của Thủ Tướng Phan Huy Quát  gồm có Bộ trưởng Thông tin Linh Quang Viên, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Tiến Hỷ, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Bùi Diễm, Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Ðỗ.

Tháng 6 năm 1965, vì bất đồng chính kiến và cách thức làm việc giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát, chính phủ Phan Huy Quát bị tê liệt, tình hình chính trị quốc gia  bế tắc. Ngày 11 Tháng Sáu, Thủ tướng Phan Huy Quát triệu tập Hội đồng Chính phủ tìm cách  giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng không đạt được thỏa hiệp nào nên Thủ tướng Phan Huy Quát ra lệnh giải tán chính phủ và từ chức Thủ tướng.

Từ đó Bác sĩ Phan Huy Quát  hoạt động trong đoàn thể Liên Minh Á Châu  Chống Cộng, ông được coi là một nhà lãnh đạo uy tín của Liên Minh.

Các tướng lãnh tiếp nhận chính quyền đặt ra hai cơ quan quyền lực: Ủy ban Hành pháp và Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia với cương vị Quốc trưởng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương với cương vị Thủ tướng cho tới khi thành lập nền Ðệ nhị Cộng hòa Việt Nam vào năm 1967. Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống, Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng Thống.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát  và gia đình bị kẹt lại trong Sài Gòn cờ đỏ. Ông không ra trình diện đi cải tạo theo lệnh của bọn Quân Quản Cộng sản. Ông sống trốn tránh trong một thời gian ngắn. Trên đường đi trốn, ông bị bọn công an Cộng bắt giam, ông chết trong Nhà Tù Chí Hòa ngày 27 tháng 4 năm 1979.

Cựu Thủ Tương Phan Huy Quát bị bắt, bị giam trong Nhà Tù cùng với người con trai của ông. Hai cha con bị giam riêng phòng. Cùng thời gian đó Ký giả Nguyễn Tú bị giam cùng phòng với bác sĩ Phan Huy Quát. Ký giả Nguyễn Tú khi sang Hoa Kỳ có viết bài tường thuật về những ngày cuối cùng của Bác sĩ Phan Huy Quát trong tù. Ký giả Nguyễn Tú từ trần ở Hoa Kỳ năm 2010.

___________________________________________
1 . Ðô đốc D’Argenlieu là vị Cao Uỷ Pháp đầu tiên ở Ðông Dương. Sau 1945, Pháp bỏ cái danh vi Toàn Quyền – Gouverneur Général –  thay bằng chức vụ Cao Ủy – Haut-Commissaire. Chức vụ này thường được gọi tắt là Haussaire: Hốt-se.

2 . Nhà riêng của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh ở đường Bà Bùi Thị Xuân, gần đường Lê Văn Duyệt, chỗ nhìn sang Toà Nhà USAID Viện Trợ Mỹ và Trụ sở Tổng Liên Ðoàn Lao Công. Người ta tìm thấy xác ông treo cổ bằng dây điện lên song sắt cửa sổ.  Thời ấy có tin đồn ông bị bọn Nhân Viên An Ninh Pháp– Service de Sécurité – giết rồi  làm giả thành vụ ông bác sĩ tự tử. Bọn Pháp giết ông Nguyễn Văn Thinh vì chúng sợ ông thất vọng, ông cay đắng vì bị lừa bịp, ông lên tiếng tố cáo, phản đối chúng.

3 . Cựu TT Nguyễn Phan Long qua đời ở Sài Gòn năm 1960. Ông hay nói nhhững lời công kích Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm nên có lần một nhóm người kéo đến trước cửa nhà ông, khi ấy ông ở nhà của Nhà nước, trong đường Phạm Ðình Toái bên Chợ Ðũi, xế trước rạp xi-nê Nam Quang, chất vấn ông về lập trường chính trị của ông. Sau đó ông phải về sống trong một căn nhà khác. Có tin đồn ông chết vì lý do chính trị, ông bị người đầu độc.